Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Một số ý kiến góp ý Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức
Ngày cập nhật 28/05/2019

Luật Cán bộ, công chức (ban hành năm 2008) và Luật Viên chức (ban hành năm 2012) là hai văn bản pháp luật quan trọng quy định về công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị nước ta. Việc ra đời hai luật này đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh cải cách chế độ công chức, công vụ. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, đặc biệt là sau khi có Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và chủ trương của Đảng tại các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4, 5, 6 và 7 khóa XII thì một số quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức đã bộc lộ những bất cập, cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức lần này gồm có 3 điều tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng đã được ghi rõ trong Nghị quyết; Sửa đổi, bổ sung các điều để định hướng phát triển trong thời gian tới theo chủ trương, đường lối của Đảng; Sửa đổi các nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả góp ý một số ý kiến như sau:

1. Khoản 13 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 79 Luật Cán bộ, công chức quy định các hình thức kỷ luật đối với công chức, đồng ý như dự thảo không quy định hình thức kỷ luật giáng chức (Luật hiện hành có quy định hình thức kỷ luật này), bởi vì việc quy định đồng thời 02 hình thức kỷ luật “giáng chức” và “cách chức” áp dụng đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý dễ dẫn đến tình trạng nể nang, chỉ áp dụng hình thức “giáng chức” thay vì phải áp dụng hình thức “cách chức”. Hơn nữa, quy định về hình thức kỷ luật giáng chức là không phù hợp với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm. Bởi vì, hình thức “giáng chức” thực chất là bổ nhiệm vào chức vụ thấp hơn, trong khi đó tại vị trí được bổ nhiệm đã xác định đủ số lượng lãnh đạo, quản lý. Vì vậy, để bảo đảm tính nghiêm minh, sự nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm của đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng lợi dụng quy định để xử lý kỷ luật ở mức độ nhẹ hơn thì không nên quy định hình thức kỷ luật giáng chức.

2. Tại Khoản 4 Điều 1, sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 34: Đề nghị xem xét quy định lại như sau:

          “1. Căn cứ vào lĩnh vực ngành nghề, chuyên môn nghiệp vụ, công chức được phân loại theo ngạch công chức tương ứng sau đây:

a) Loại A gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương;

b) Loại B gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương;

c) Loại C gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương;

d) Loại D gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch cán sự hoặc tương đương và ngạch nhân viên.

đ) Nghạch công chức khác.

          Chính phủ quy định chi tiết về ngạch công chức khác, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức.”.

3. Tại Khoản 5 Điều 1, sửa đổi, bổ sung Điều 37 quy định phương thức tuyển dụng công chức: Đề nghị xem xét thay thế cụm từ “cán bộ khoa học trẻ” bằng một từ khác phù hợp hơn như “người làm khoa học trẻ”, “người nghiên cứu khoa học trẻ”, “nhà khoa học trẻ”...để không hiểu nhầm là “cán bộ” theo quy định của Luật.

4. Đề nghị xem xét đối với nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 39 dự thảo sửa đổi Điều 39 của Luật Cán bộ, công chức:

 “2. Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện trước khi cơ quan có thẩm quyền lựa chọn, tuyển dụng công chức.

Chính phủ quy định chi tiết việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức.”.

Vì nội dung quy định “kiểm định chất lượng đầu vào của công chức” là vấn đề chưa được làm rõ trong các quy định của pháp luật hiện hành cũng như về mặt ý nghĩa, kiểm định chất lượng công chức cũng chưa được giải thích rõ ràng trên phương diện ngôn ngữ. Hoạt động kiểm định được thực hiện như thế nào, quy trình ra sao, bao gồm các điều kiện gì ... vẫn chưa có khái niệm đầy đủ, do đó việc dự thảo quy định “kiểm định chất lượng đầu vào của công chức trong quá trình lựa chọn, tuyển dụng sẽ gây khó khăn khi thực hiện.

5. Tại khoản 10 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 56 Luật Cán bộ, công chức quy định về nội dung đánh giá công chức: Đề nghị xem xét đối với nội dung liên quan đến “nâng lương” cho công chức trong quy định “Việc đánh giá công chức được thực hiện hàng năm, trước khi thực hiện xét nâng ngạch, nâng lương, bổ nhiệm, quy hoạch, điều động, đào tạo, bồi dưỡng, khi kết thúc thời gian luân chuyển, biệt phái”, để đảm bảo phù hợp và thống nhất với đề án về chính sách tiền lương theo vị trí việc làm.

          6. Tại khoản 13 Điều 1, sửa đổi, bổ sung Điều 79 Luật Cán bộ, công chức quy định các hình thức kỷ luật đối với công chức: Đề nghị xem xét đối với quy định “Hạ bậc lương” đối với việc kỷ luật công chức để đảm bảo phù hợp và thống nhất với đề án về chính sách tiền lương theo vị trí việc làm, đồng thời cũng cần xem xét trong trường hợp công chức mới được tuyển dụng, nếu bị xử lý kỷ luật bằng hình thức hạ bậc lương thì áp dụng như thế nào?

7. Tại Khoản 15 Điều 1 (sửa đổi khoản 2 Điều 82 Luật Cán bộ, công chức)  và khoản 7 Điều 2 dự thảo Luật (sửa đổi khoản 2, khoản 3 Điều 56 Luật Viên chức) quy định về bổ nhiệm lại, giải quyết nghỉ hưu đối với trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật, đồng ý như dự thảo nhằm để giải quyết vướng mắc trong quá trình xem xét, bổ nhiệm lại đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo bị xử lý kỷ luật nhưng chưa đến mức bị cách chức; giải quyết chế độ nghỉ hưu đối với công chức đang trong thời gian xem xét kỷ luật.

8. Về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu: Nhất trí như dự thảo với việc bổ sung quy định về xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác (tại Điều 84 Luật Luật Cán bộ, công chức). Quy định như vậy là phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật, đúng với tính chất của đối tượng cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu là “đối tượng khác” so với cán bộ, công chức.

9. Về ngôn ngữ, kỹ thuật lập pháp: Về đánh số trang văn bản để phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 39 Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14 ngày 14 tháng 3 năm 2017 quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước quy định: “Trang của văn bản được đánh số thứ tự bằng số Ả Rập, cỡ chữ 13, kiểu chữ đứng, không hiển thị số trang thứ nhất, đặt canh giữa theo chiều ngang trong phần lề trên của văn bản”.

 

Thủy Phương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.261.587
Lượt truy cập hiện tại 18.124