Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
GIẢI PHÁP PHÁP LUẬT VỀ LUẬT SƯ, TƯ VẤN PHÁP LUẬT, THỪA PHÁT LẠI, TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI, HÒA GIẢI VIÊN THƯƠNG MẠI
Ngày cập nhật 29/08/2024

1. Hỏi: Luật sư Nguyễn Văn A - Trưởng Văn phòng luật sư có hơn hai năm kinh nghiệm hành nghề luật sư, được hướng dẫn người tập sự hành nghề luật sư không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 14 Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định:

“ Người có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư và người quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này được tập sự hành nghề tại tổ chức hành nghề luật sư.

Thời gian tập sự hành nghề luật sư là mười hai tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 16 của Luật này. Thời gian tập sự hành nghề luật sư được tính từ ngày đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư.

Tổ chức hành nghề luật sư phân công luật sư hướng dẫn người tập sự hành nghề luật sư. Luật sư hướng dẫn tập sự phải là người có ít nhất ba năm kinh nghiệm hành nghề luật sư và không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này. Tại cùng một thời điểm, một luật sư không được hướng dẫn quá ba người tập sự.”

Theo quy định trên, Luật sư Nguyễn Văn A chưa đảm bảo điều kiện hướng dẫn người tập sự hành nghề luật sư.

2. Hỏi: Luật sư Trần Văn Minh là thành viên Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết hợp đồng lao động với Công ty luật hợp danh A đăng ký hoạt động tại thành phố Đà Nẵng. Công ty luật hợp danh A cử luật sư Trần Văn Minh làm Trưởng chi nhánh tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Luật sư Trần Văn Minh có đảm bảo điều kiện làm Trưởng chi nhánh của Công ty luật hợp danh A tại tỉnh Thừa Thiên Huế không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 41 Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2012 như sau:

“Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư được thành lập ở trong hoặc ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của tổ chức hành nghề luật sư, hoạt động theo sự ủy quyền của tổ chức hành nghề luật sư phù hợp với lĩnh vực hành nghề ghi trong Giấy đăng ký hoạt động. Tổ chức hành nghề luật sư phải chịu trách nhiệm về hoạt động của chi nhánh do mình thành lập. Tổ chức hành nghề luật sư cử một luật sư làm Trưởng chi nhánh. Trưởng chi nhánh và thành viên của tổ chức hành nghề luật sư làm việc tại chi nhánh có thể là luật sư của Đoàn luật sư ở địa phương nơi tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động hoặc nơi có trụ sở của chi nhánh.”

Luật sư Trần Văn Minh là thành viên Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh không phải là luật sư của Đoàn luật sư ở thành phố Đà Nẵng nơi Công ty luật hợp danh A đăng ký hoạt động cũng không phải là luật sư của Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi có trụ sở của chi nhánh. Vì vậy, theo quy định trên, luật sư Trần Văn Minh không đủ điều kiện làm Trưởng chi nhánh của Công ty luật hợp danh A tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

3. Hỏi: Công ty luật TNHH B đăng ký hoạt động tại tỉnh Nghệ An có được thành lập Văn phòng giao dịch của Công ty luật TNHH B tại tỉnh Thừa Thiên Huế không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 42 Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định:

“Văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư được thành lập trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động. Văn phòng giao dịch là nơi tiếp nhận vụ, việc, yêu cầu của khách hàng. Văn phòng giao dịch không được phép thực hiện việc cung cấp dịch vụ pháp lý.

Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày thành lập văn phòng giao dịch, tổ chức hành nghề luật sư phải thông báo bằng văn bản về địa chỉ của văn phòng giao dịch cho Sở Tư pháp, Đoàn luật sư ở địa phương nơi đăng ký hoạt động.

Sở Tư pháp ghi địa chỉ của văn phòng giao dịch vào Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư.”

Theo quy định trên, Công ty luật TNHH B chỉ được thành lập Văn phòng giao dịch trong phạm vi tỉnh Nghệ An.

4. Hỏi: Công ty luật trách nhiệm hữu hạn có thể chuyển đổi sang hình thức Văn phòng luật sư không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 45 Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định:

“Văn phòng luật sư có thể chuyển đổi thành công ty luật trên cơ sở kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ của văn phòng luật sư theo quy định của pháp luật.

Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên được chuyển đổi thành công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và ngược lại; công ty luật trách nhiệm hữu hạn được chuyển đổi thành công ty luật hợp danh và ngược lại. Công ty luật được chuyển đổi kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của công ty luật bị chuyển đổi.

Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư quy định:

Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên có thể chuyển đổi sang hình thức công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có thể chuyển đổi sang hình thức công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn có thể chuyển đổi sang hình thức công ty luật hợp danh. Công ty luật hợp danh có thể chuyển đổi sang hình thức công ty luật trách nhiệm hữu hạn.

Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 123/2013/NĐ-CP quy định:

“Văn phòng luật sư có thể chuyển đổi thành công ty luật trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty luật hợp danh trên cơ sở kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ của văn phòng luật sư theo quy định của pháp luật.”

Căn cứ những quy định trên, Công ty luật trách nhiệm hữu hạn không được phép chuyển đổi sang hình thức Văn phòng luật sư.

5. Hỏi: Văn phòng luật sư có thể chuyển đổi Công ty luật trách nhiệm hữu hạn không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 15 Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư quy định:

“1. Văn phòng luật sư có thể chuyển đổi thành công ty luật trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty luật hợp danh trên cơ sở kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ của văn phòng luật sư theo quy định của pháp luật.

2. Hồ sơ chuyển đổi văn phòng luật sư được gửi đến Sở Tư pháp nơi công ty luật đăng ký hoạt động. Hồ sơ gồm có:

a) Giấy đề nghị chuyển đổi trong đó nêu rõ mục đích, lý do chuyển đổi và cam kết về việc kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của văn phòng luật sư được chuyển đổi;

b) Dự thảo Điều lệ của công ty luật chuyển đổi;

c) Giấy đăng ký hoạt động của văn phòng luật sư được chuyển đổi;

d) Danh sách thành viên hoặc luật sư chủ sở hữu; bản sao Thẻ luật sư của luật sư chủ sở hữu hoặc các luật sư thành viên của công ty luật chuyển đổi;

đ) Bản sao giấy tờ chứng minh về trụ sở trong trường hợp có thay đổi về trụ sở.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho công ty luật chuyển đổi; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Thủ tục công bố nội dung đăng ký hoạt động của công ty luật chuyển đổi được thực hiện theo quy định tại Điều 38 của Luật luật sư.”

Căn cứ quy định trên, Văn phòng luật sư có thể chuyển đổi Công ty luật trách nhiệm hữu hạn.

6. Hỏi: Anh Hoàng Văn A được cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư vào năm 2017, đến năm 2024 anh Hoàng Văn A có thể đề nghị Bộ Tư pháp cấp Giấy chứng nhận hành nghề luật sư không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Khoản 4 Điều 15 Thông tư số 10/2021/TT-BTP ngày 10/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư quy định:

“Người đạt yêu cầu kiểm tra được cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Giấy chứng nhận có hiệu lực trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp. Sau thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận, người đạt yêu cầu kiểm tra không đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư thì phải tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư theo quy định của Thông tư này.”

Khoản 1 Điều 39 Thông tư số 10/2021/TT-BTP quy định:

“Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.”

Điều 40 Thông tư số 10/2021/TT-BTP quy định:

“Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 01 năm 2022 và thay thế Thông tư số 19/2013/TT-BTP ngày 28 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư.”

Căn cứ vào quy định trên, mặc dù anh Hoàng Văn A đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư vào năm 2017 đến năm 2024 là 7 năm, tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 39 Thông tư số 10/2021/TT-BTP quy định, Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành (25/01/2022), như vậy kể từ ngày Thông tư số 10/2021/TT-BTP có hiệu lực đến năm 2024 là 3 năm. Vì vậy, anh Hoàng Văn A có thể đề nghị Bộ Tư pháp cấp Giấy chứng nhận hành nghề luật sư.

7. Hỏi: Giá trị pháp lý của vi bằng được quy định như thế nào?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại quy định:

“1. Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp quy định tại Điều 37 của Nghị định này.

2. Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.

3. Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

4. Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân triệu tập.”

Căn cứ quy định trên, giá trị pháp lý của vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác. Vi bằng chỉ là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

8. Hỏi: Thừa phát lại có được lập vi bằng khi không trực tiếp chứng kiến không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 37 Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại quy định:

"Điều 37. Các trường hợp không được lập vi bằng

1. Các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 4 của Nghị định này.

2. Vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng bao gồm: Xâm phạm mục tiêu về an ninh, quốc phòng; làm lộ bí mật nhà nước, phát tán tin tức, tài liệu, vật phẩm thuộc bí mật nhà nước; vi phạm quy định ra, vào, đi lai trong khu vực câm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự; vi phạm quy định về bảo vệ bí mật, bảo vệ công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự.

3. Vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự; trái đạo đức xã hội.

4. Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; xác nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xác nhận chữ ký, bản sao đúng với bản chính.

5. Ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.

6. Ghi nhận sự kiện, hành vi để thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng.

7. Ghi nhận sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân đang thi hành công vụ.

8. Ghi nhận sự kiện, hành vi không do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến.

9. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật."

Như vậy, theo quy định tại khoản 8 Điều 37 Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì Thừa phát lại không được lập vi bằng khi không trực tiếp chứng kiến.

9. Hỏi: Lập vi bằng ghi nhận biên bản thoả thuận tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đất có được pháp luật ghi nhận không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 37 Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại quy định:

"Điều 37. Các trường hợp không được lập vi bằng

1. Các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 4 của Nghị định này.

2. Vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng bao gồm: Xâm phạm mục tiêu về an ninh, quốc phòng; làm lộ bí mật nhà nước, phát tán tin tức, tài liệu, vật phẩm thuộc bí mật nhà nước; vi phạm quy định ra, vào, đi lai trong khu vực câm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự; vi phạm quy định về bảo vệ bí mật, bảo vệ công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự.

3. Vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự; trái đạo đức xã hội.

4. Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; xác nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xác nhận chữ ký, bản sao đúng với bản chính.

5. Ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.

6. Ghi nhận sự kiện, hành vi để thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng.

7. Ghi nhận sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân đang thi hành công vụ.

8. Ghi nhận sự kiện, hành vi không do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến.

9. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật."

Căn cứ khoản 4, khoản 5 Điều 37 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về các trường hợp thừa phát lại không được tiến hành lập vi bằng trong đó có: Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; Ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật…

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai năm 2024 và Điều 122 Luật Nhà ở 2014 hợp đồng mua bán đất đai chỉ có hiệu lực tại thời điểm công chứng, chứng thực.

Do đó, đối với thoả thuận tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất bắt buộc phải lập hợp đồng và thực hiện công chứng, chứng thực mới có giá trị pháp lý. Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác. Vi bằng chỉ là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

 

10. Hỏi: Những trường hợp nào không được bổ nhiệm Thừa phát lại

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 11 Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại quy định  những trường hợp không được bổ nhiệm Thừa phát lại:

1. Người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự.

2. Người đã được bổ nhiệm công chứng viên, được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, đấu giá, quản tài viên, được cấp thẻ thẩm định viên về giá mà chưa miễn nhiệm công chứng viên, thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư, đấu giá, quản tài viên, thẻ thẩm định viên về giá.

3. Người đang là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân.

4. Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án về tội phạm do vô ý, tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý mà chưa được xóa án tích; người đã bị kết án về tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản, trục lợi, gian lận, gian dối, xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích.

5. Người quy định tại khoản 3 Điều này bị bãi nhiệm, bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức, buộc thôi việc, tước danh hiệu hoặc đưa ra khỏi ngành.

6. Người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư do vi phạm pháp luật hoặc vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư; người bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư mà chưa hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó.

7. Người bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên, thẻ thẩm định viên về giá, chứng chỉ hành nghề đấu giá, chứng chỉ hành nghề quản tài viên mà chưa hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó.

8. Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

 

 

11. Hỏi: Thừa phát lại bị miễn nhiệm trong những trường hợp nào?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 13 Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại quy định Thừa phát lại bị miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây:

- Không còn đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 của Nghị định này, trừ tiêu chuẩn về độ tuổi;

- Thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, 8 Điều 11 của Nghị định này;

- Không đăng ký và hành nghề Thừa phát lại trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm;

- Không hành nghề Thừa phát lại liên tục từ 02 năm trở lên;

- Hết thời hạn tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại tối đa quy định tại khoản 2 Điều 12 của Nghị định này mà lý do tạm đình chỉ vẫn còn;

- Vi phạm nghiêm trọng Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại; bị xử phạt vi phạm hành chính đến lần thứ hai trong hành nghề Thừa phát lại mà còn tiếp tục vi phạm;

- Đang là Thừa phát lại mà kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thẩm định giá, đấu giá tài sản, quản lý, thanh lý tài sản;

- Bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

12. Hỏi: Văn phòng Thừa phát lại có được thành lập chi nhánh phạm vi trong hoặc ngoài tỉnh không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Khoản 5 Điều 17 Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại quy định:

“Văn phòng Thừa phát lại không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch ngoài trụ sở của Văn phòng Thừa phát lại; không được thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngoài phạm vi hoạt động của Thừa phát lại theo quy định của Nghị định này.”

Căn cứ quy định trên, Văn phòng Thừa phát lại không được thành lập chi nhánh phạm vi trong hoặc ngoài tỉnh.

13. Hỏi: Tiêu chuẩn đăng ký hoà giải viên thương mại được quy định như thế nào?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 7 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại quy định:

1. Người có đủ tiêu chuẩn sau đây thi được làm hòa giải viên thương mại:

a) Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự; có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, độc lập, vô tư, khách quan;

b) Có trình độ đại học trở lên và đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 02 năm trở lên;

c) Có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, tập quán kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực liên quan.

2. Hòa giải viên thương mại được thực hiện hòa giải thương mại với tư cách là hòa giải viên thương mại vụ việc hoặc hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại theo quy định tại Nghị định này.

3. Tổ chức hòa giải thương mại có thể quy định tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại của tổ chức mình cao hơn các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 Điều này.

4. Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thì không được làm hòa giải viên thương mại.

 

14. Hỏi: Hồ sơ đăng ký hòa giải viên thương mại vụ việc bao gồm những giấy tờ gì?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại quy định:

Người đề nghị đăng ký làm hòa giải viên thương mại vụ việc gửi 01 bộ hồ sơ đến Sở Tư pháp. Hồ sơ bao gồm:

- Giấy đề nghị đăng ký làm hòa giải viên thương mại vụ việc theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;

- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng sau đại học;

- Giấy tờ chứng minh đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 02 năm trở lên có xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc.

Giấy tờ do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp hoặc công chứng, chứng thực ở nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp ghi tên người đề nghị đăng ký vào danh sách hòa giải viên thương mại vụ việc và công bố danh sách hòa giải viên thương mại vụ việc trên Cổng thông tin điện tử của Sở; trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản. Người bị từ chối có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

 

15. Hỏi: Quyền và nghĩa vụ của tổ chức hòa giải thương mại được quy định như thế nào?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 24 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại quy định:

1. Tổ chức hòa giải thương mại có các quyền sau đây:

- Thực hiện hoạt động hòa giải thương mại;

- Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên thương mại;

- Thu thù lao và các khoản thu hợp pháp khác có liên quan đến hoạt động hòa giải thương mại;

- Xây dựng tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại và quy trình xét chọn, lập danh sách, xóa tên hòa giải viên thương mại trong danh sách hòa giải viên thương mại của tổ chức mình;

- Chỉ định hòa giải viên thương mại theo yêu cầu của các bên;

- Các quyền khác theo quy định Nghị định này và pháp luật có liên quan.

2. Tổ chức hòa giải thương mại có các nghĩa vụ sau đây:

- Lập, công bố danh sách hòa giải viên thương mại, gửi danh sách hòa giải viên thương mại của tổ chức mình cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức hòa giải thương mại đăng ký hoạt động trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động hoặc kể từ ngày quyết định bổ sung hoạt động hòa giải thương mại cho Trung tâm trọng tài có hiệu lực hoặc kể từ ngày có thay đổi về danh sách hòa giải viên thương mại.

- Trả thù lao và các chi phí khác cho hòa giải viên thương mại;

- Ban hành quy tắc đạo đức và ứng xử của hòa giải viên thương mại;

- Xây dựng, ban hành và công bố công khai Quy tắc hòa giải, mức thù lao hòa giải;

- Báo cáo Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đăng ký hoạt động về tổ chức, hoạt động định kỳ hằng năm và khi có yêu cầu;

- Lưu trữ hồ sơ, cung cấp thông tin về kết quả hòa giải theo yêu cầu của các bên tranh chấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Các nghĩa vụ khác theo quy định Nghị định này và pháp luật có liên quan.

16. Hỏi: Điều kiện và thành phần hồ sơ thành lập Trung tâm trọng tài bao gồm những giấy tờ gì?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 24 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định điều kiện và thủ tục thành lập Trung tâm trọng tài:

1. Trung tâm trọng tài được thành lập khi có ít nhất năm sáng lập viên là công dân Việt Nam có đủ điều kiện là Trọng tài viên quy định tại Điều 20 của Luật này đề nghị thành lập và được Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp Giấy phép thành lập.

2. Hồ sơ đề nghị thành lập Trung tâm trọng tài gồm:

a) Đơn đề nghị thành lập;

 

b) Dự thảo điều lệ của Trung tâm trọng tài theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;

c) Danh sách các sáng lập viên và các giấy tờ kèm theo chứng minh những người này có đủ điều kiện quy định tại Điều 20 của Luật này.

3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp Giấy phép thành lập Trung tâm trọng tài và phê chuẩn điều lệ của Trung tâm trọng tài; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

17. Hỏi: Quyền và nghĩa vụ của Trung tâm trọng tài được quy định như thế nào?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 28 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định quyền và nghĩa vụ của Trung tâm trọng tài như sau:

1. Xây dựng điều lệ và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài phù hợp với những quy định của Luật này.

2. Xây dựng tiêu chuẩn Trọng tài viên và quy trình xét chọn, lập danh sách Trọng tài viên, xóa tên Trọng tài viên trong danh sách Trọng tài viên của tổ chức mình.

3. Gửi danh sách Trọng tài viên và những thay đổi về danh sách Trọng tài viên của Trung tâm trọng tài cho Bộ Tư pháp để công bố.

4. Chỉ định Trọng tài viên để thành lập Hội đồng trọng tài trong những trường hợp quy định tại Luật này.

5. Cung cấp dịch vụ trọng tài, hoà giải và các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại khác theo quy định của pháp luật.

6. Cung cấp các dịch vụ hành chính, văn phòng và các dịch vụ khác cho việc giải quyết tranh chấp.

7. Thu phí trọng tài và các khoản hợp pháp khác có liên quan đến hoạt động trọng tài.

8. Trả thù lao và các chi phí khác cho Trọng tài viên.

9. Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ và kỹ năng giải quyết tranh chấp cho Trọng tài viên.

10. Báo cáo định kỳ hằng năm về hoạt động của Trung tâm trọng tài với Sở Tư pháp nơi Trung tâm trọng tài đăng ký hoạt động.

11. Lưu trữ hồ sơ, cung cấp các bản sao quyết định trọng tài theo yêu cầu của các bên tranh chấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

18. Hỏi: Trình tự thực hiện, thành phần hồ sơ đăng ký hoạt động của Trung tâm trọng tài bao gồm giấy tờ gì?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 8 Nghị định số 63/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trọng tài thương mại được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 124/2018/NĐ-CP ngày 19/09/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trọng tài thương mại, quy định:

1. Hồ sơ đăng ký hoạt động gồm 01 bộ giấy tờ sau đây:

a) Đơn đăng ký hoạt động;

b) Bản sao có chứng thực Giấy phép thành lập Trung tâm trọng tài; trong trường hợp nộp bản sao thì phải kèm theo bản chính để đối chiếu;

c) Bản sao có chứng thực Điều lệ Trung tâm trọng tài; trong trường hợp nộp bản sao thì phải kèm theo bản chính để đối chiếu;

2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Trung tâm trọng tài.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Trung tâm trọng tài, Sở Tư pháp gửi 01 bản sao Giấy đăng ký hoạt động cho Bộ Tư pháp.

3. Sau khi được cấp Giấy đăng ký hoạt động, Trung tâm trọng tài thực hiện việc công bố thành lập theo quy định tại Điều 26 Luật Trọng tài thương mại và khắc con dấu theo quy định của pháp luật.

Trung tâm trọng tài được hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động.

19. Hỏi: Luật sư Trần Văn Q gia nhập Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 01/2024, đến tháng 03/2024 Luật sư Trần Văn Q được cử làm Trưởng Chi nhánh của Công ty Luật tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Luật sư Trần Văn Q chuyển về gia nhập Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế. Luật sư Trần Văn Q có phải nộp phí gia nhập Đoàn luật sư cho Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 4 Nghị quyết 05/NQ-HĐLSTQ ngày 28/8/2022 về mức phí thành viên; khung phí tập sự hành nghề luật sư; khung phí gia nhập Đoàn Luật sư và các trường hợp miễn, giảm phí thành viên quy định:

“1. Người được gia nhập Đoàn Luật sư nộp một khoản phí gia nhập cho Đoàn Luật sư. Mức phí gia nhập Đoàn Luật sư cao nhất không quá 10.000.000 đồng/người (mười triệu đồng/người).

2. Hội nghị luật sư của Đoàn Luật sư căn cứ quy định về khung phí nêu trên quyết định mức phí gia nhập cho phù hợp với điều kiện cụ thể, thực tế của Đoàn Luật sư.”

Điều 92a Luật luật sư năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định:

“1. Trong thời hạn một năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, luật sư là thành viên của Đoàn luật sư khác với Đoàn luật sư nơi có tổ chức hành nghề luật sư hoặc chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư mà mình thành lập hoặc tham gia thành lập hoặc nơi có tổ chức hành nghề luật sư hoặc cơ quan, tổ chức mà mình ký kết hợp đồng lao động phải chuyển về gia nhập Đoàn luật sư theo quy định tại Điều 20 của Luật này. Luật sư chuyển Đoàn luật sư theo quy định tại khoản này không phải nộp phí gia nhập Đoàn luật sư.

Các Đoàn luật sư có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư chuyển Đoàn luật sư theo quy định của Luật này.”

Căn cứ những quy định nêu trên, Luật sư Trần Văn Q rút tên ra khỏi danh sách luật sư của Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, chuyển đến gia nhập Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế thì phải nộp phí gia nhập Đoàn luật sư khi đề nghị gia nhập.

20. Hỏi: Luật sư Hoàng Văn M là luật sư thành viên của Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế, đã định cư tại nước ngoài theo diện đoàn tụ gia đình. Luật sư Hoàng Văn M có bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 18 Luật luật sư năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định:

“1. Người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư mà thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư:

a) Không còn đủ tiêu chuẩn luật sư quy định tại Điều 10 của Luật này;

b) Được tuyển dụng, bổ nhiệm làm cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

c) Không còn thường trú tại Việt Nam;

d) Không gia nhập một Đoàn luật sư nào trong thời hạn hai năm, kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư;

đ) Không thành lập, tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động cho một tổ chức hành nghề luật sư hoặc đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân trong thời hạn ba năm, kể từ ngày gia nhập Đoàn luật sư;

e) Thôi hành nghề luật sư theo nguyện vọng;

g) Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư;

h) Bị xử phạt hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề luật sư có thời hạn; bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc;

i) Bị kết án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật;

k) Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thẩm quyền thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư và quy định thủ tục thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư. Trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư thì thông báo cho Liên đoàn luật sư Việt Nam để thu hồi Thẻ luật”

Căn cứ quy định nêu trên, luật sư Hoàng Văn M thuộc một trong những trường hợp bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư quy định tại Điều c khoản 1 Điều 18 Luật luật sư năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2012.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 20.986.922
Lượt truy cập hiện tại 11.920