Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ, QUẢN TÀI VIÊN, THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BỔ TRỢ TƯ PHÁP
Ngày cập nhật 29/08/2024

I. PHÁP LUẬT VỀ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Câu 1. Chị A hỏi những người nào thì được trợ giúp pháp lý?

Trả lời  (mang tính chất tham khảo)

Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định người được trợ giúp pháp lý:

          1. Người có công với cách mạng (bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Liệt sỹ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993; người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế; Người có công giúp đỡ cách mạng;)

          2. Người thuộc hộ nghèo.

          3. Trẻ em (người dưới 16 tuổi).

          4. Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

          5. Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

          6. Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.

          7. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính:

          a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ;

          b) Người nhiễm chất độc da cam;

          c) Người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên);

          d) Người khuyết tật;

          đ) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;

          e) Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình;

          g) Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng chống mua bán người;

h) Người nhiễm HIV.   

Điều kiện khó khăn về tài chính của người trợ giúp pháp lý được quy định tại Điều 2 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý: Điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật.

Câu 2. Những loại giấy tờ nào cần phải xuất trình để chứng minh là người thuộc diện trợ giúp pháp lý?

Trả lời  (mang tính chất tham khảo)

          Điều 33 Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ Trưởng Bộ tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý với mỗi đối tượng có quy định giấy tờ chứng minh người thuộc diện trợ giúp pháp lý (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 03/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 của Bộ Trưởng Bộ tư pháp) như sau:

          1. Giấy tờ chứng minh là người có công với cách mạng gồm một trong các giấy tờ sau:

          a) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền công nhận là người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

          b) Quyết định phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến;

          c) Huân chương Kháng chiến, Huy chương Kháng chiến, Bằng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Bằng Anh hùng, Bằng Có công với nước;

          d) Quyết định trợ cấp, phụ cấp do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định là người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;

          đ) Quyết định hoặc giấy chứng nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, bệnh tật do nhiễm chất độc hóa học, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

          e) Kỷ niệm chương Tổ quốc ghi công đối với người có công giúp đỡ cách mạng, Giấy chứng nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01- 01-1945, Giấy chứng nhận người hoạt động cách mạng từ ngày 01- 01- 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng.

          2. Giấy tờ chứng minh người thuộc hộ nghèo là Giấy chứng nhận hộ nghèo.

          Giấy chứng nhận hộ nghèo được cấp cho các hộ gia đình làm căn cứ để xác định những người có tên trong Giấy được thụ hưởng các chính sách dành cho hộ nghèo trong đó có chính sách về trợ giúp pháp lý.

          3. Giấy tờ chứng minh là trẻ em (là người dưới 16 tuổi) gồm một trong các giấy tờ sau:

          a) Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu;

          b) Văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là trẻ em;

          c) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền về áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc xử phạt vi phạm hành chính xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là trẻ em.

          4. Giấy tờ chứng minh là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, gồm một trong các giấy tờ sau đây:

          a) Giấy tờ hợp pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định người có tên trong giấy tờ đó là người dân tộc thiểu số và nơi cư trú của người đó.

          b) Văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là người dân tộc thiểu số và nơi cư trú của người đó.

          5. Giấy tờ chứng minh là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

          6. Giấy tờ chứng minh là người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo gồm các giấy tờ sau:

          a) Giấy chứng nhận hộ cận nghèo;

          b) Văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là người bị buộc tội. 

7. Giấy tờ chứng minh là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính gồm các giấy tờ sau:

a) Giấy chứng nhận hộ cận nghèo hoặc quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội;

b) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về trợ cấp ưu đãi, trợ cấp tiền tuất đối với cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ hoặc Giấy chứng nhận gia đình liệt sỹ, Bằng tổ quốc ghi công có tên liệt sỹ kèm theo giấy tờ chứng minh mối quan hệ thân nhân với liệt sỹ.

8. Giấy tờ chứng minh là người nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài chính gồm các giấy tờ sau:

a) Giấy chứng nhận hộ cận nghèo hoặc quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội;

b) Quyết định về việc trợ cấp ưu đãi đối với con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hoặc Giấy chứng nhận bệnh tật, dị dạng, dị tật do nhiễm chất độc hóa học.

9. Giấy tờ chứng minh là người cao tuổi có khó khăn về tài chính gồm một trong các loại giấy tờ sau:

a) Quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; Quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội;

b) Giấy chứng nhận hộ cận nghèo kèm theo giấy tờ hợp pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định người có tên trong giấy là người cao tuổi.

10. Giấy tờ chứng minh là người khuyết tật có khó khăn về tài chính gồm một trong các loại giấy tờ sau:

a) Giấy chứng nhận hộ cận nghèo kèm theo Giấy chứng nhận khuyết tật do cơ quan có thẩm quyền cấp;

b) Quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; Quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội.

11. Giấy tờ chứng minh là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính gồm các giấy tờ sau:

a) Giấy chứng nhận hộ cận nghèo hoặc quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội;

b) Văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là bị hại và từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

12. Giấy tờ chứng minh là nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính gồm một trong các loại giấy tờ sau:

a) Quyết định tiếp nhận nạn nhân bạo lực gia đình vào nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội;

b) Giấy chứng nhận hộ cận nghèo kèm theo một trong các loại giấy tờ: Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc khám và điều trị thương tích do hành vi bạo lực gia đình gây ra; Quyết định cấm người gây bạo lực gia đình tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình; Quyết định xử lý vi phạm hành chính với người có hành vi bạo lực gia đình.

13. Giấy tờ chứng minh là nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người có khó khăn về tài chính gồm các giấy tờ sau:

a) Giấy chứng nhận hộ cận nghèo hoặc quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội;

b) Giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân theo quy định tại Điều 28 Luật Phòng, chống mua bán người.

14. Giấy tờ chứng minh là người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính gồm các giấy tờ sau:

a) Giấy chứng nhận hộ cận nghèo hoặc quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội;

b) Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền cấp xác định là người nhiễm HIV.

15. Các loại giấy tờ hợp pháp khác do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định được người thuộc diện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý.

Trong trường hợp những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý bị thất lạc các giấy tờ nêu trên thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy tờ đó.

Câu 3: Người thực hiện trợ giúp pháp lý là ai?

Trả lời  (mang tính chất tham khảo)

Điều 17 Luật Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm:

- Trợ giúp viên pháp lý;

- Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước; Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;

- Tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;

- Cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

Câu 4. Ông H là người khuyết tật nặng, không đi lại được. Ông cần tư vấn các thủ tục khởi kiện liên quan đến tranh chấp đất đai. Ông hỏi: Ông có thuộc đối tượng người được trợ giúp pháp lý không? Nếu được, ông có thể nhờ hàng xóm đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để yêu cầu được trợ giúp pháp lý không?

Trả lời  (mang tính chất tham khảo)

Điểm d khoản 7 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định người được trợ giúp pháp lý: Người khuyết tật có khó khăn về tài chính là người được trợ giúp pháp lý.

Điều kiện khó khăn về tài chính của người trợ giúp pháp lý được quy định tại Điều 2 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý: Điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật.

Điểm b Khoản 1 Điều 44 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định: Người khuyết tật nặng là đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

Khoản 2 Điều Điều 8 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định một trong những quyền của người được trợ giúp pháp lý là tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý.

          Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, Ông H là người khuyết tật nặng, thuộc đối tượng người được trợ giúp pháp lý. Ông có thể tự mình thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu được trợ giúp pháp lý.

Câu 5. Chị L hiện đang là sinh viên mới tốt nghiệp Trường Đại học Luật. Chị mong muốn được làm trợ giúp viên pháp lý, thực hiện trợ giúp cho người có hoàn cảnh khó khăn. Chị H hỏi: Tiêu chuẩn để được trở thành trợ giúp viên pháp lý theo quy định pháp luật hiện hành như thế nào?

Trả lời  (mang tính chất tham khảo)

Điều 19 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý: Công dân Việt Nam là viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể trở thành trợ giúp viên pháp lý:

1. Có phẩm chất đạo đức tốt;

2. Có trình độ cử nhân luật trở lên;

3. Đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý;

4. Có sức khỏe bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý;

5. Không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật.

Câu 6. Trung tâm tư vấn pháp luật TH muốn đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý. Ông N, giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật TH hỏi: Điều kiện để Trung tâm đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định pháp luật hiện hành như thế nào?

Trả lời  (mang tính chất tham khảo)

          Điều 15. Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý:

1. Tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật tự nguyện thực hiện trợ giúp pháp lý bằng nguồn lực của mình được đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý như sau:

a) Tổ chức hành nghề luật sư có đủ điều kiện (gồm: (1) Có lĩnh vực đăng ký hoạt động phù hợp với lĩnh vực trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý; (2) Có cơ sở vật chất phù hợp với hoạt động trợ giúp pháp lý; (3) Không đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật);

b) Tổ chức tư vấn pháp luật có đủ điều kiện (gồm: (1) Có lĩnh vực đăng ký hoạt động phù hợp với lĩnh vực trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý; (2) Có cơ sở vật chất phù hợp với hoạt động trợ giúp pháp lý; (3) Không đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật) và có ít nhất 01 tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên hoặc 01 luật sư làm việc thường xuyên tại tổ chức.

2. Tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý đăng ký về phạm vi, hình thức, lĩnh vực, đối tượng trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp nơi đã cấp Giấy đăng ký hoạt động.

Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, Trung tâm tư vấn pháp luật TH phải có đủ 04 điều kiện, gồm: (1) Có lĩnh vực đăng ký hoạt động phù hợp với lĩnh vực trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý; (2) Có cơ sở vật chất phù hợp với hoạt động trợ giúp pháp lý; (3) Không đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật) và (4) có ít nhất 01 tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên hoặc 01 luật sư làm việc thường xuyên tại tổ chức đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý).

Trung tâm tư vấn pháp luật TH tham gia trợ giúp pháp lý đăng ký về phạm vi, hình thức, lĩnh vực, đối tượng trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp nơi đã cấp Giấy đăng ký hoạt động

Câu 7: Chị L là công chức tư pháp phường TT, chị sắp về hưu. Chị mong muốn sau khi về hưu sẽ được làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Chị L hỏi: Điều kiện để trở thành cộng tác viên trợ giúp pháp lý theo quy định pháp luật hiện nay như thế nào? Thủ tục để đăng ký làm cộng tác viên cần các loại giấy tờ gì?

Trả lời  (mang tính chất tham khảo)

Điều 24 Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định cộng tác viên trợ giúp pháp lý như sau:

          “1. Ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, căn cứ nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân và điều kiện thực tế tại địa phương, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý cho người có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.

          2. Những người đã nghỉ hưu, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe, có nguyện vọng thực hiện trợ giúp pháp lý có thể trở thành cộng tác viên trợ giúp pháp lý, bao gồm: trợ giúp viên pháp lý; thẩm phán, thẩm tra viên ngành Tòa án; kiểm sát viên, kiểm tra viên ngành kiểm sát; điều tra viên; chấp hành viên, thẩm tra viên thi hành án dân sự; chuyên viên làm công tác pháp luật tại các cơ quan nhà nước.

          3. Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với người được cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý để thực hiện tư vấn pháp luật tại địa phương.

          Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp thu hồi thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý đối với người không thực hiện trợ giúp pháp lý trong thời gian 02 năm liên tục, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan.

          4. Chính phủ quy định chi tiết việc cộng tác viên tham gia trợ giúp pháp lý.”

          Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên bao gồm:

“1. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật Trợ giúp pháp lý, nếu có nguyện vọng làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý (sau đây gọi chung là cộng tác viên) và nhất trí với các nội dung cơ bản của hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp thì gửi 01 bộ hồ sơ đến Trung tâm ở địa phương nơi mình cư trú. Hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên bao gồm:

a) Đơn đề nghị làm cộng tác viên theo mẫu;

b) Giấy tờ chứng minh là người đã nghỉ hưu theo quy định;

c) Sơ yếu lý lịch cá nhân có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú và 02 ảnh màu chân dung cỡ 2 cm x 3 cm.”

Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, nếu Chị L nghỉ hưu, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe, có nguyện vọng thực hiện trợ giúp pháp lý có thể trở thành cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

Hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên bao gồm: 1) Đơn đề nghị làm cộng tác viên theo mẫu; 2) Giấy tờ chứng minh là người đã nghỉ hưu theo quy định; 3) Sơ yếu lý lịch cá nhân có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú và 02 ảnh màu chân dung cỡ 2 cm x 3 cm.

Câu 8: Bác L hỏi: Tôi hiện đang sinh sống thành phố Huế. Vì có một vài vấn đề vướng mắc về pháp luật nên tôi muốn nhờ đến sự trợ giúp của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh. Tôi muốn hỏi trợ giúp pháp lý được thực hiện trong phạm vi và lĩnh vực pháp luật nào?

Trả lời  (mang tính chất tham khảo)

Điều 26 Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định phạm vi thực hiện trợ giúp pháp lý như sau:

“1. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người được trợ giúp pháp lý đang cư trú tại địa phương;

b) Vụ việc trợ giúp pháp lý xảy ra tại địa phương;

c) Vụ việc trợ giúp pháp lý do cơ quan có thẩm quyền về trợ giúp pháp lý ở Trung ương yêu cầu.

2. Tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi hợp đồng.

3. Tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi đăng ký.”

          Điều 27 Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định: Trợ giúp pháp lý được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Các hình thức trợ giúp pháp lý bao gồm: a) Tham gia tố tụng; b) Tư vấn pháp luật; c) Đại diện ngoài tố tụng.

Câu 9: Bác N hỏi: Tôi đang có thắc mắc về hưởng chế độ thương binh, bệnh binh nên muốn nhờ Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tư vấn. Cho tôi hỏi, việc tư vấn pháp luật sẽ được tiến hành thế nào?

Trả lời  (mang tính chất tham khảo)

Điều 32 Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định hình thức trợ giúp pháp lý tư vấn pháp luật được tiến hành như sau:

1. Người thực hiện trợ giúp pháp lý tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý bằng việc hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; hướng dẫn giúp các bên hòa giải, thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc.

2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thụ lý vụ việc hoặc nhận đủ các giấy tờ, tài liệu cần bổ sung, người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm nghiên cứu và trả lời bằng văn bản cho người được trợ giúp pháp lý; đối với vụ việc phức tạp hoặc cần có thời gian để xác minh thì có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người được trợ giúp pháp lý.

Trường hợp yêu cầu trợ giúp pháp lý là vướng mắc pháp luật đơn giản thì người tiếp nhận hướng dẫn, giải đáp, cung cấp thông tin pháp luật ngay cho người được trợ giúp pháp lý.

Câu 10: Bác M hỏi: Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh có cử Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Văn C thực hiện trợ giúp pháp lý cho tôi trong giai đoạn xét xử sơ thẩm trong vụ án dân sự “Tranh chấp đất đai” tại Tòa án nhân dân thành phố. Tuy nhiên, tôi không hài lòng với sự trợ giúp của Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Văn C. Tôi muốn Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh cử người khác thực hiện trợ giúp pháp lý cho tôi. Thủ tục thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý được quy định như thế nào?

Trả lời  (mang tính chất tham khảo)

1. Điều kiện thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý

 Mục 7 Phần II Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 172/QĐ-BTP ngày 16/02/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp quy định điều kiện để thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý như sau:

Khi có căn cứ cho rằng người thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc một trong các trường hợp không được tiếp tục thực hiện hoặc phải từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý, cụ thể như sau:

- Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm quy định của Luật trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp đã chấp hành xong hình thức xử lý vi phạm và được thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý;

- Bị thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý, thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý, Chứng chỉ hành nghề luật sư, thẻ tư vấn viên pháp luật;

- Các trường hợp không được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về tố tụng;

- Đã hoặc đang thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý là các bên có quyền lợi đối lập nhau trong cùng một vụ việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác đối với vụ việc tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng trong lĩnh vực dân sự;

- Có căn cứ cho rằng người thực hiện trợ giúp pháp lý có thể không khách quan trong thực hiện trợ giúp pháp lý;

 - Có lý do cho thấy không thể thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý một cách hiệu quả, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý

2. Thủ tục thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý (quy định tại tiết 7 Phần II Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 172/QĐ-BTP ngày 16/02/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp)

2.1. Hồ sơ thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm:

- Đơn đề nghị thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 10/2023/TT-BTP ngày 29/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý và Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý (mẫu số 04-TP-TGPL).

- Giấy tờ, tài liệu liên quan đến yêu cầu thay đổi..

* Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

2.2. Trình tự thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý

- Người được trợ giúp pháp lý có căn cứ cho rằng người thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc một trong các trường hợp không được tiếp tục thực hiện hoặc phải từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật trợ giúp pháp lý thì làm đơn đề nghị thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý và gửi Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố, Chi nhánh của Trung tâm hoặc tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố, Chi nhánh của Trung tâm, tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý có trách nhiệm thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người được trợ giúp pháp lý và cử người khác thực hiện trợ giúp pháp lý trong trường hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc một trong các trường hợp không được tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc người thực hiện trợ giúp pháp lý phải từ chối thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định

          II. PHÁP LUẬT VỀ QUẢN TÀI VIÊN

          Câu 1. Chị M là sinh viên mới tốt nghiệp trường Đại học Luật H, trình độ cử nhân luật. Chị mong muốn hành nghề Quản tài viên, quản lý, thanh lý tài sản. Chị hỏi chị có đủ điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên?

Trả lời  (mang tính chất tham khảo)

          Khoản 1, khoản 2 Điều 12 Luật Phá sản năm 2014 quy định những người được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên và điều kiện hành nghề Quản tài viên như sau:

          “1. Những người sau đây được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên:

          a) Luật sư;

          b) Kiểm toán viên;

          c) Người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 05 năm trở lên về lĩnh vực được đào tạo.

          2. Điều kiện được hành nghề Quản tài viên:

          a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

          b) Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan;

          c) Có chứng chỉ hành nghề Quản tài viên.”

          Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, chị H là sinh viên mới tốt nghiệp, có trình độ cử nhân luật nhưng chưa có kinh nghiệm 05 năm trở lên về lĩnh vực được đào tạo nên chưa đủ điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Luật Phá sản năm 2014.

Câu 2. Luật sư H muốn hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân. Ông H hỏi luật sư có được đồng thời hành nghề quản lý, thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật không? Nếu được, thì hồ sơ đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân gồm những loại giấy tờ gì?

Trả lời  (mang tính chất tham khảo)

Khoản 1, khoản 2, khoản 6 Điều 9 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản quy định đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân như sau:

“1. Người có chứng chỉ hành nghề Quản tài viên đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người đó thường trú.

Người đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân phải có địa chỉ giao dịch.

2. Người đề nghị đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến Sở Tư pháp và nộp lệ phí đăng ký hành nghề theo quy định của pháp luật. Hồ sơ gồm:

a) Giấy đề nghị đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân theo mẫu TP-QTV-04 ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản chụp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên.

Trong trường hợp cần thiết, Sở Tư pháp yêu cầu người đề nghị đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân nộp Phiếu lý lịch tư pháp.

Trường hợp người đề nghị đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở Tư pháp thì xuất trình bản chính giấy tờ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này để đối chiếu.

Trường hợp người đề nghị đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân gửi hồ sơ qua đường bưu điện đến Sở Tư pháp khi có yêu cầu thì xuất trình bản chính giấy tờ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.

6. Luật sư, kiểm toán viên được đồng thời hành nghề quản lý, thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật về phá sản”.

Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, Luật sư H được đồng thời hành nghề quản lý, thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật.

Luật sư H muốn hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân phải có chứng chỉ hành nghề Quản tài viên. Luật sư H gửi 01 bộ hổ sơ đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến Sở Tư pháp nơi ông H thường trú và nộp lệ phí đăng ký hành nghề theo quy định của pháp luật. Hồ sơ gồm: (1) Giấy đề nghị đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân theo mẫu; (2) Bản chụp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên.

          III. PHÁP LUẬT VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BỔ TRỢ TƯ PHÁP

Câu 1: Chị H hỏi: Thủ tục bổ nhiệm công chứng viên được thực hiện như thế nào? Hồ sơ bổ nhiệm công chứng viên gồm những giấy tờ gì?

Trả lời  (mang tính chất tham khảo)

Tiểu mục A.1 Phần II Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 851/QĐ-BTP ngày 17/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực công chứng thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp quy định thủ tục bổ nhiệm công chứng viên như sau:

1. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính bổ nhiệm công chứng viên:

a) Người đề nghị bổ nhiệm công chứng viên phải có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 8 của Luật Công chứng:

- Có bằng cử nhân luật;

- Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật;

- Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng;

- Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng;

- Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.

b) Người thuộc các trường hợp quy định tại Điều 13 của Luật Công chứng thì không được bổ nhiệm công chứng viên:

- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về tội phạm do vô ý mà chưa được xóa án tích hoặc về tội phạm do cố ý.

- Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

- Người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

- Cán bộ bị kỷ luật bằng hình thức bãi nhiệm, công chức, viên chức bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sỹ quan, hạ sỹ quan, công nhân, viên chức trong đơn vị thuộc Công an nhân dân bị kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu quân nhân, danh hiệu Công an nhân dân hoặc đưa ra khỏi ngành.

- Người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư do bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách của Đoàn luật sư, người bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư mà chưa hết thời hạn 03 năm kể từ ngày quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư có hiệu lực hoặc kể từ ngày chấp hành xong quyết định tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư.

2. Thủ tục bổ nhiệm công chứng viên

2.1. Thành phần hồ sơ:

- Đơn đề nghị bổ nhiệm công chứng viên theo Mẫu TP-CC-03-sđ ban hành kèm theo Thông tư số 03/2024/TT-BTP ngày 15/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung 08 thông tư liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp;

- Phiếu lý lịch tư pháp;

- Bản sao bằng cử nhân luật hoặc thạc sĩ, tiến sĩ luật;

- Giấy tờ chứng minh về thời gian công tác pháp luật theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 01/2021/TT-BTP (một trong các giấy tờ sau đây: (1) Quyết định bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên hoặc Giấy chứng minh thẩm phán, Giấy chứng minh kiểm sát viên, Giấy chứng nhận điều tra viên kèm theo giấy tờ chứng minh đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên; (2) Quyết định bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư chuyên ngành luật, Bằng tiến sĩ luật; trường hợp Bằng tiến sĩ luật được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài thì phải được công nhận văn bằng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; (3) Quyết định bổ nhiệm thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật; (4) Quyết định tuyển dụng, quyết định luân chuyển, điều động, hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội phù hợp với vị trí công tác pháp luật được tuyển dụng hoặc ký hợp đồng; (5) Chứng chỉ hành nghề luật sư, Thẻ luật sư, Chứng chỉ hành nghề đấu giá, Chứng chỉ hành nghề quản tài viên, quyết định bổ nhiệm Thừa phát lại kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội phù hợp với các chức danh này; (6) Các giấy tờ hợp pháp khác chứng minh thời gian công tác pháp luật)

          - Bản sao giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng. Đối với người được miễn đào tạo nghề công chứng thì phải có bản sao giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng và giấy tờ chứng minh là người được miễn đào tạo nghề công chứng quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật Công chứng (Những người được miễn đào tạo nghề công chứng gồm: (1) Người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên; (2) Luật sư đã hành nghề từ 05 năm trở lên; (3) Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật; (4) Người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật);

- Bản sao giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề công chứng;

- Giấy chứng nhận sức khoẻ do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp.

Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

2.2. Trình tự thực hiện

- Người đề nghị bổ nhiệm công chứng viên gửi hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên tại Sở Tư pháp nơi người đó đã đăng ký tập sự hành nghề công chứng;

- Sở Tư pháp tiếp nhận hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên; nếu thấy hồ sơ hợp lệ thì Sở Tư pháp có văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp; trường hợp từ chối đề nghị thì phải thông báo bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do cho người nộp hồ sơ;

- Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định bổ nhiệm công chứng viên; trường hợp từ chối bổ nhiệm phải thông báo bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do, gửi cho Sở Tư pháp và người đề nghị bổ nhiệm.

Câu 2: Anh H là công chứng viên. Anh muốn xin chủ trương cho phép thành lập Văn phòng công chứng. Anh H hỏi điều kiện về thủ tục và thành phần giấy tờ để thành lập hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng công chứng theo quy định?

Trả lời  (mang tính chất tham khảo)

Tiểu mục B.3 Phần II Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 851/QĐ-BTP ngày 17/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực công chứng thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp quy định thủ tục thành lập Văn phòng công chứng như sau:

1.     Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:

Văn phòng công chứng được thành lập khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 22 của Luật Công chứng, cụ thể:

- Văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn;

- Trưởng Văn phòng công chứng phải là công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên;

- Tên gọi của Văn phòng công chứng phải bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng do các công chứng viên hợp danh thỏa thuận, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc;

- Trụ sở của Văn phòng công chứng phải có địa chỉ cụ thể, có nơi làm việc cho công chứng viên và người lao động với diện tích tối thiểu theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc tại các đơn vị sự nghiệp, có nơi tiếp người yêu cầu công chứng và nơi lưu trữ hồ sơ công chứng.

2. Thủ tục Thành lập Văn phòng công chứng

2.1. Thành phần hồ sơ:

- Đơn đề nghị thành lập Văn phòng công chứng theo Mẫu TP-CC-08-sđ ban hành kèm theo Thông tư số 03/2024/TT-BTP ngày 15/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung 08 thông tư liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp;

- Đề án thành lập Văn phòng công chứng;

- Bản sao quyết định bổ nhiệm công chứng viên tham gia thành lập Văn phòng công chứng.

Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

2.2. Trình tự thực hiện:

- Các công chứng viên thành lập Văn phòng công chứng nộp hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng gửi Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;

- Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Câu 3: Anh M hỏi: Thủ tục bổ nhiệm thừa phát lại được thực hiện như thế nào? Hồ sơ bổ nhiệm thừa phát lại gồm những giấy tờ gì?

Trả lời  (mang tính chất tham khảo)

Tiểu mục B.3 Phần II Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 852/QĐ-BTP ngày 17/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực thừa phát lại thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp quy định thủ tục Bổ nhiệm Thừa phát lại như sau:

1. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:

1. Người đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại phải có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP:

- Công dân Việt Nam không quá 65 tuổi, thường trú tại Việt Nam, chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt;

- Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật;

- Có thời gian công tác pháp luật từ 03 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật;

- Tốt nghiệp khóa đào tạo, được công nhận tương đương đào tạo hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại quy định tại Điều 7 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP;

- Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại.

2. Người thuộc các trường hợp quy định tại Điều 11 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP thì không được bổ nhiệm Thừa phát lại:

 - Người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự;

- Người đã được bổ nhiệm công chứng viên; được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, đấu giá, quản tài viên; được cấp thẻ thẩm định viên về giá mà chưa miễn nhiệm công chứng viên, thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư, đấu giá, quản tài viên, thẻ thẩm định viên về giá;

- Người đang là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sỹ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án về tội phạm do vô ý, tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý mà chưa được xóa án tích; người đã bị kết án về tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản, trục lợi, gian lận, gian dối, xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích;

- Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sỹ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân bị bãi nhiệm, bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức, buộc thôi việc, tước danh hiệu hoặc đưa ra khỏi ngành;

- Người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư do vi phạm pháp luật hoặc vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư; người bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư mà chưa hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó;

- Người bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên, thẻ thẩm định viên về giá, chứng chỉ hành nghề đấu giá, chứng chỉ hành nghề quản tài viên mà chưa hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó;

- Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

2. Thủ tục Bổ nhiệm Thừa phát lại

2.1. Thành phần hồ sơ

- Đơn đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;

- Phiếu lý lịch tư pháp được cấp trong thời hạn 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ;

- Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật để đối chiếu;

- Giấy tờ chứng minh về thời gian công tác pháp luật bao gồm quyết định tuyển dụng, hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội; giấy tờ chứng minh đã miễn nhiệm, thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc thu hồi thẻ đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 11 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP; giấy tờ chứng minh đã nghỉ hưu hoặc thôi việc đối với trường hợp thuộc khoản 3 Điều 11 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP;

- Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề Thừa phát lại để đối chiếu.

Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

2.2. Trình tự thực hiện:

- Người có đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại gửi hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại đến Sở Tư pháp nơi đăng ký tập sự;

- Sở Tư pháp tiếp nhận hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại; nếu thấy hồ sơ hợp lệ thì Sở Tư pháp có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm Thừa phát lại kèm theo hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, trường hợp từ chối đề nghị phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do;

- Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định bổ nhiệm Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

Câu 4: Anh H hỏi điều kiện về thủ tục và thành phần giấy tờ để thành lập hồ sơ đề nghị Thành lập Văn phòng Thừa phát lại theo quy định?

Trả lời  (mang tính chất tham khảo)

Tiểu mục B.5 Phần II Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 852/QĐ-BTP ngày 17/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực thừa phát lại thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp quy định thủ tục thành lập Văn phòng Thừa phát lại như sau:

1. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:

- Thành lập Văn phòng Thừa phát lại trên cơ sở Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại đã được phê duyệt;

- Thừa phát lại đã chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại không được phép thành lập, tham gia thành lập Văn phòng Thừa phát lại mới trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày chuyển nhượng.

2. Thủ tục Thành lập Văn phòng Thừa phát

2.1. Thành phần hồ sơ

- Giấy đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;

- Bản thuyết minh về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện;

- Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thừa phát lại để đối chiếu.

Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

2.2. Trình tự thực hiện:

- Căn cứ vào Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại đã được phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo về việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại tại địa phương. Trên cơ sở thông báo nêu trên của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thừa phát lại có nhu cầu thành lập Văn phòng Thừa phát lại gửi hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại đến Sở Tư pháp nơi đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại;

- Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do;

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

 2.3. Thời hạn giải quyết hồ sơ:

- Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại;

- Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại.

Câu 5: Ông Nguyễn Văn C là thừa phát lại. Ông muốn chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại của ông. Ông C: hỏi điều kiện về thủ tục và thành phần giấy tờ để thực hiện thủ tục chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại theo quy định pháp luật?

Trả lời  (mang tính chất tham khảo)

Tiểu mục B.12 Phần II Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 852/QĐ-BTP ngày 17/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực thừa phát lại thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp quy định thủ tục Chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại như sau:

1. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính

- Văn phòng Thừa phát lại chỉ được chuyển nhượng khi đã hoạt động được ít nhất 02 năm, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động;

- Thừa phát lại nhận chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Cam kết hành nghề ít nhất 02 năm tại Văn phòng Thừa phát lại mà mình nhận chuyển nhượng, kế thừa quyền và nghĩa vụ của Văn phòng Thừa phát lại mà mình nhận chuyển nhượng;

+ Cam kết tiếp tục thực hiện đầy đủ các công việc theo hợp đồng, thỏa thuận giữa Văn phòng Thừa phát lại mà mình nhận chuyển nhượng với người yêu cầu, các cơ quan theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP;

+ Không thuộc trường hợp đang bị tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại quy định tại khoản 1 Điều 12 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP tại thời điểm nhận chuyển nhượng.

2. Thủ tục Chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại

2.1. Thành phần hồ sơ:

- Giấy đề nghị chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;

- Hợp đồng chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại có công chứng theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;

- Biên bản kiểm kê hồ sơ nghiệp vụ của Văn phòng được chuyển nhượng;

- Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thừa phát lại của các Thừa phát lại nhận chuyển nhượng để đối chiếu;

- Bản chính Quyết định cho phép thành lập và Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại được chuyển nhượng;

- Bản kê khai thuế, báo cáo tài chính trong 02 năm gần nhất đã được kiểm toán của Văn phòng được chuyển nhượng;

- Văn bản cam kết của Thừa phát lại nhận chuyển nhượng với nội dung quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 28 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP (nội dung gồm: (1) Cam kết hành nghề ít nhất 02 năm tại Văn phòng Thừa phát lại mà mình nhận chuyển nhượng, kế thừa quyền và nghĩa vụ của Văn phòng Thừa phát lại mà mình nhận chuyển nhượng; (2) Cam kết tiếp tục thực hiện đầy đủ các công việc theo hợp đồng, thỏa thuận giữa Văn phòng Thừa phát lại mà mình nhận chuyển nhượng với người yêu cầu, các cơ quan theo quy định)

Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

2.2. Trình tự thực hiện:

- Văn phòng Thừa phát lại có nhu cầu chuyển nhượng gửi hồ sơ đến Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động;

- Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do;

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép chuyển nhượng; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

Câu 6: Bà Nguyễn Thị Đ và Bà Lê Thị T muốn hợp nhất 02 Văn phòng Thừa phát lại của 02 bà. Bà Đ hỏi: hỏi điều kiện về thủ tục và thành phần giấy tờ để thực hiện thủ tục hợp nhất Văn phòng Thừa phát lại theo quy định pháp luật?

Trả lời  (mang tính chất tham khảo)

Tiểu mục B.10 Phần II Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 852/QĐ-BTP ngày 17/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực thừa phát lại thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp quy định thủ tục Hợp nhất Văn phòng Thừa phát lại như sau:

1. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:

- Đối với trường hợp hợp nhất Văn phòng Thừa phát lại thì các Văn phòng Thừa phát lại bị hợp nhất có trụ sở trong cùng một địa bàn cấp tỉnh;

- Đối với trường hợp sáp nhập Văn phòng Thừa phát lại thì Văn phòng Thừa phát lại bị sáp nhập có trụ sở trong cùng một địa bàn cấp tỉnh với Văn phòng Thừa phát lại nhận sáp nhập.

2. Thủ tục Hợp nhất Văn phòng Thừa phát lại

2.1. Thành phần hồ sơ:

- Giấy đề nghị hợp nhất Văn phòng Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;

- Hợp đồng hợp nhất trong đó có các nội dung chủ yếu sau đây: tên, địa chỉ trụ sở của các Văn phòng bị hợp nhất; thời gian thực hiện hợp nhất; phương án xử lý tài sản, sử dụng lao động của các Văn phòng; việc kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của các Văn phòng và các nội dung khác có liên quan;

- Bản kê khai thuế, báo cáo tài chính trong năm gần nhất đã được kiểm toán của các Văn phòng tính đến ngày đề nghị hợp nhất, sáp nhập;

- Biên bản kiểm kê các hồ sơ nghiệp vụ và biên bản kiểm kê tài sản hiện có của các Văn phòng bị hợp nhất;

- Danh sách Thừa phát lại hợp danh và Thừa phát lại làm việc theo chế độ hợp đồng (nếu có) tại các Văn phòng;

- Bản chính Quyết định cho phép thành lập và Giấy đăng ký hoạt động của các Văn phòng.

Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

2.2. Trình tự thực hiện

- Các Văn phòng Thừa phát lại bị hợp nhất gửi hồ sơ đến Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở;

- Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép hợp nhất Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do;

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép hợp nhất Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do. 

Câu 7: Anh B hỏi: Tôi tốt nghiệp Đại học Luật, đã có thời gian công tác tại Công ty đấu giá hợp danh T. Tôi cũng vừa tốt nghiệp khóa đào tạo nghề đấu giá. Hiện Tôi đã đủ tiêu chuẩn để được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá chưa? Nếu đủ điều kiện thì xin hỏi tôi cần chuẩn bị những giấy tờ gì trong hồ sơ đề nghị  Cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá?

Trả lời  (mang tính chất tham khảo)

Tiểu mục A.1 Phần II Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 854/QĐ-BTP ngày 17/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực đấu giá tài sản thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp quy định thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá như sau:

1.     Về tiêu chuẩn được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá

Khoản 1 Điều 10 Luật đấu giá tài sản quy định Người đủ tiêu chuẩn sau đây được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá:

- Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt;

- Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng;

- Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề đấu giá quy định tại Điều 11 của Luật đấu giá tài sản, trừ trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá quy định tại Điều 12 của Luật đấu giá tài sản;

- Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, anh B đã tốt nghiệp Đại học Luật, đã có thời gian công tác tại Công ty đấu giá hợp danh T và tốt nghiệp khóa đào tạo nghề đấu giá. Tuy nhiên anh B chưa đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá nên chưa đủ tiêu chuẩn được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá.

2. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá

Người thuộc một trong những trường hợp sau đây thì không được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá:

- Không đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật đấu giá tài sản ((1) Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt; (2) Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng; (3) Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề đấu giá quy định tại Điều 11 của Luật đấu giá tài sản, trừ trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá quy định tại Điều 12 của Luật đấu giá tài sản; (4) Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá.)

- Đang là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức, trừ trường hợp là công chức, viên chức được đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá để làm việc cho Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản.

- Bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích; đã bị kết án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các tội về tham nhũng kể cả trường hợp đã được xóa án tích.

- Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

3. Thủ tục hành chính cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá

3.1. Thành phần hồ sơ

- Giấy đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá;

- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng trên đại học thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng;

- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề đấu giá;

- Văn bản xác nhận đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá;

- Phiếu lý lịch tư pháp;

- Một ảnh màu cỡ 3 cm x 4 cm.

Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

3.2. Trình tự thực hiện

 Người đủ tiêu được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá chuẩn gửi một bộ hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá đến Bộ Tư pháp và nộp phí theo quy định của pháp luật.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá; trường hợp từ chối phải thông báo lý do bằng văn bản. Người bị từ chối cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

          Câu 8: Ông Nguyễn Văn H là đấu giá viên. Ông muốn thành lập Doanh nghiệp tư nhân đấu giá tài sản. Ông H hỏi: điều kiện về thủ tục và thành phần giấy tờ để thành lập hồ sơ thành lập Doanh nghiệp tư nhân đấu giá tài sản theo quy định pháp luật?

Trả lời  (mang tính chất tham khảo)

Điều 23 Luật đấu giá tài sản năm 2016 quy định:

1. Doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

2. Tên của doanh nghiệp đấu giá tư nhân do chủ doanh nghiệp lựa chọn, tên của công ty đấu giá hợp danh do các thành viên thỏa thuận lựa chọn và theo quy định của Luật doanh nghiệp nhưng phải bao gồm cụm từ “doanh nghiệp đấu giá tư nhân” hoặc “công ty đấu giá hợp danh”.

3. Điều kiện đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản:

a) Doanh nghiệp đấu giá tư nhân có chủ doanh nghiệp là đấu giá viên, đồng thời là Giám đốc doanh nghiệp; Công ty đấu giá hợp danh có ít nhất một thành viên hợp danh là đấu giá viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của công ty đấu giá hợp danh là đấu giá viên;

b) Có trụ sở, cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho hoạt động đấu giá tài sản.

4. Những nội dung liên quan đến thành lập, tổ chức, hoạt động và chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản không quy định tại Luật này thì thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.”

Tiểu mục B.3 Phần II Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 854/QĐ-BTP ngày 17/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực đấu giá tài sản thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp quy định thủ tục Đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản như sau:

1. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính

- Doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh.

- Doanh nghiệp đấu giá tư nhân có chủ doanh nghiệp là đấu giá viên, đồng thời là Giám đốc doanh nghiệp; Công ty đấu giá hợp danh có ít nhất một thành viên hợp danh là đấu giá viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của công ty đấu giá hợp danh là đấu giá viên;

- Doanh nghiệp đấu giá tài sản có trụ sở, cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho hoạt động đấu giá tài sản

2. Trình tự thực hiện thủ tục Đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản

2.1.Thành phần hồ sơ

- Giấy đề nghị đăng ký hoạt động;

- Điều lệ của doanh nghiệp đối với công ty đấu giá hợp danh;

- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu Chứng chỉ hành nghề đấu giá của chủ doanh nghiệp đấu giá tư nhân, Chứng chỉ hành nghề đấu giá của thành viên hợp danh, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của công ty đấu giá hợp danh;

- Giấy tờ chứng minh về trụ sở của doanh nghiệp đấu giá tài sản, cam kết bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho hoạt động đấu giá tài sản.

Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

2.2. Trình tự thực hiện

Người thành lập doanh nghiệp đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 23 của Luật này gửi một bộ hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động đấu giá tài sản đến Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho doanh nghiệp đấu giá tài sản; trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản. 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 20.986.922
Lượt truy cập hiện tại 11.301