Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 24 tháng 5 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục – đào tạo đa ngành...
Ngày cập nhật 16/07/2021

Ngày 29 tháng 6 năm 2021, Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch số 18-KH/ĐUK thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 24 tháng 5 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Để quán triệt, triển khai Kế hoạch số 18-KH/ĐUK và Nghị quyết số 05-NQ/TU, bài viết giới thiệu một số nội dung chính của các văn bản liên quan, gồm: Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; hành Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW; Nghị quyết số 05-NQ/TU về xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

 

1. Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (gọi tắt là Nghị quyết số 33-NQ/TW)

Nghị quyết số 33-NQ/TW đề ra mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Về mục tiêu cụ thể: hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách. Hoàn thiện thể chế, chế định pháp lý và thiết chế văn hóa bảo đảm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam. Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội. Ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội.

Về quan điểm, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

Nghị quyết số 33-NQ/TW nêu rõ các nhiệm vụ chính: xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Giải pháp để thực hiện là tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa.

2. Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW (gọi tắt là Kết luận số 76-KL/TW)

Tổng kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW. Theo đó, đã đánh giá việc phát triển văn hoá ngày càng gắn bó hơn với xây dựng con người Việt Nam, từng bước trở thành một trong những nguồn lực quan trọng của sự nghiệp phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế. Vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người được coi trọng phát huy hơn. Tầm vóc, thể lực con người Việt Nam có bước cải thiện. Chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hoá từng bước được nâng cao; xây dựng môi trường văn hoá đã được chú trọng, nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc và của từng vùng, miền được kế thừa. Nhiều di sản văn hoá được bảo tồn, phát huy. Đời sống văn hoá của nhân dân không ngừng được cải thiện. Một số chính sách, pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho công tác xây dựng và phát triển văn hoá, con người được ban hành. Hệ thống thiết chế văn hoá được đầu tư và từng bước chuyển đổi cơ chế, đổi mới về phương thức hoạt động. Thị trường văn hoá bước đầu được hình thành. Hội nhập quốc tế về văn hoá, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại ngày càng chủ động hơn.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Việc xây dựng hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Môi trường văn hoá có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá đạt hiệu quả chưa cao. Tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, văn hoá đặc trưng của một số dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một dần. Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa thực hiện tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với thực tiễn sáng tác. Một số chủ trương, quan điểm nêu trong Nghị quyết chậm được thể chế; chưa có những chiến lược, giải pháp đồng bộ để phát triển và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế về văn hoá. Chưa giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong quản lý văn hoá. Hệ thống thiết chế văn hoá chậm chuyển đổi sang phương thức tự chủ, xã hội hoá. Việc chỉ đạo phát triển công nghiệp văn hoá còn chậm. Các đặc trưng cơ bản của nền văn hoá là "dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học" cùng quan điểm xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được quán triệt thường xuyên; có dấu hiệu bị buông lỏng trong cả ba môi trường: Gia đình, nhà trường và xã hội.

Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Một số cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức xã hội và một bộ phận nhân dân nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hoá, con người đối với phát triển bền vững đất nước. Vị trí, vai trò của văn hoá chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý chưa thực sự đổi mới, nhất là trong việc xây dựng, đào tạo, bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá. Việc thực hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn hình thức, chưa tạo được sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hoá có mặt còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn. Chưa phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp, sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ của các chủ thể văn hoá, khích lệ, động viên tính tích cực xã hội của nhân dân, nhất là đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức trong tổ chức thực hiện Nghị quyết. Công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để hình thành cơ sở lý luận, đúc kết hệ giá trị văn hoá, con người Việt Nam còn chậm, lúng túng, bị động.

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 33-NQ/TW, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp quyết tâm thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến sâu sắc, toàn diện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Nghị quyết. Đồng thời, quan tâm những nội dung sau: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hoá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tập trung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hoá lành mạnh, gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", "xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".  Tăng cường xây dựng văn hoá trong chính trị và kinh tế. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hoá. Tăng cường bảo hộ quyền tác giả, phát triển công nghiệp văn hoá đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hoá. Chủ động hội nhập quốc tế về văn hoá, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại và truyền bá văn hoá Việt Nam ra thế giới,...

3. Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 24/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết số 05-NQ/TU).

 Nghị quyết số 05-NQ/TU đề ra mục tiêu tổng quát là xây dựng Thừa Thiên Huế là trung tâm lớn của cả nước về giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Đổi mới toàn diện giáo dục Phổ thông, giáo dục Nghề nghiệp và giáo dục Đại học, phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia.Xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực có trọng tâm, trọng điểm, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực có lợi thế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong bối cảnh mới, yêu cầu cấp thiết về nghiên cứu, thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Về mục tiêu cụ thể: Phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia, phấn đấu nằm trong tốp 300 các trường đại học hàng đầu Châu Á. Hoàn thiện khu đô thị Đại học Huế với đầy đủ công năng. Phát triển trường Đại học Y Dược Huế theo mô hình “Trường – Viện” cấp quốc gia và hướng tới đạt chuẩn quốc tế. Xây dựng Học viện Âm nhạc Huế xứng tầm là một trong ba cơ sở đào tạo, nghiên cứu, sáng tác và biểu diễn có uy tín, thương hiệu của cả nước. Phát triển từ 1 đến 2 trường cao đẳng chất lượng cao. Xây dựng trường THPT chuyên Quốc học Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục; Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường kiểu mẫu, chất lượng cao của toàn quốc.

Các chỉ tiêu cụ thể: đến năm 2025, Đại học Huế có từ 150-155 ngành đào tạo đại học; 95-100 ngành đào tạo thạc sỹ, 55-60 ngành đào tạo tiến sỹ, 20-30 ngành đào tạo trọng điểm, tiên tiến và liên kết quốc tế; 10-15 chương trình đào tạo đồng cấp bằng; 30% chương trình đào tạo đại học và sau đại học song ngữ Việt – Anh; 50% chương trình đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến. Có ít nhất 90% sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành đào tạo, khởi nghiệp hoặc tiếp tục học tập, nghiên cứu. Quy mô tuyển sinh mới hàng năm: 11.000-12.000 sinh viên; tổng quy mô sinh viên toàn tỉnh là 55.000-60.000 sinh viên và học viên. Tuyển sinh trình độ thạc sỹ, tiến sỹ hàng năm không thấp hơn 20% tổng quy mô tuyển sinh.

Đến năm 2025, có 1.400 tiến sỹ, trong đó có 400 giảng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. 100% cơ sở đào tạo nghề được chuẩn hóa theo chuẩn quốc gia, trong đó, một số tiêu chí tiếp cận trình độ các nước ASEAN và quốc tế. Phấn đấu có 80% người học có việc làm sau đào tạo. Mạng lưới đủ năng lực đào tạo bình quân hàng năm khoảng 16.000-18.000 người. 100% giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn theo quy định, trong đó, 40-50% có trình độ sau đại học.

Đến năm 2025, toàn tỉnh huy động được ít nhất 43% trẻ em độ tuổi nhà trẻ, 98% trẻ em độ tuổi mẫu giáo đến trường. 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, trung học cơ sở. Phân luồng sau trung học cơ sở tỷ lệ 70% -30% và sau trung học phổ thông tỷ lệ 60%-40%. Xếp hạng tốt nghiệp phổ thông nằm trong top 15 của quốc gia. Trung bình đạt 01 giải quốc tế/năm; trên 80% học sinh dự thi quốc gia đạt giải. Hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ III trước năm 2030. Tăng tỷ lệ trường đạt kiểm định chất lượng, trường đạt chuẩn quốc gia tất cả các cấp bậc học lên 90%. Có trên 90% cán bộ quản lý và giáo viên cấp học mầm non và phổ thông đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, trong đó có 23-25% trên tiêu chuẩn.

Các nhiệm vụ và giải pháp chính để thực hiện, đó là tiếp tục rà soát, sắp xếp bảo đảm quy hoạch mạng lưới trường, lớp và cơ sở đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo; đổi mới mạnh mẽ và tăng cường hiệu lực,hiệu quả công tác quản lý giáo dục; phát huy hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục – đào tạo đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; xây dựng các chính sách phù hợp để phát triển giáo dục – đào tạo chất lượng cao; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục với hình thức phù hợp; nâng cao vài trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý Nhà nước về giáo dục – đào tạo./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.368.107
Lượt truy cập hiện tại 11.445