Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ, HOẠT ĐỘNG XUẤT BẢN
Ngày cập nhật 11/03/2021

 

1. Cơ quan X đã thực hiện xuất bản bản tin không có giấy phép. Vậy, trong trường hợp này hành vi của cơ quan X có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 3, điểm a khoản 6 Điều 5 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản quy định phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sửa chữa, tẩy xóa giấy phép trong hoạt động báo chí;

b) Thực hiện không đúng nội dung ghi trong giấy phép hoạt động báo chí, trừ hành vi vi phạm: thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí, không đúng giấy phép sản xuất kênh chương trình trong nước gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng; thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí, không đúng giấy phép sản xuất kênh chương trình trong nước gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

c) Hoạt động thông tin, báo chí mà không có giấy phép của Bộ Ngoại giao;

d) Xuất bản bản tin, đặc san không có giấy phép;

đ) Vi phạm các quy định về điều kiện thành lập Văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú của cơ quan báo chí;

e) Báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam thực hiện hoạt động báo chí, hoạt động liên quan đến báo chí không có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam;

g) Cơ quan báo chí nước ngoài đặt văn phòng thường trú tại Việt Nam khi không có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu tang vật vi phạm hành chính là xuất bản bản tin, đặc san không có giấy phép.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của cơ quan X sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Đồng thời, tịch thu tang vật vi phạm hành chính là xuất bản bản tin không có giấy phép.

2. Anh Mạnh ở phường TL, thành phố H cho biết: tôi phát hiện chị Nguyệt khi đến làm việc với tôi đã sử dụng thẻ nhà báo đã hết hạn sử dụng để hoạt động báo chí. Vậy, hành vi của chị Nguyệt có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1, khoản 4 Điều 6 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng thẻ nhà báo đã hết hạn sử dụng để hoạt động báo chí;

b) Phóng viên nước ngoài, trợ lý báo chí của phóng viên nước ngoài hoạt động báo chí tại Việt Nam mà không có thẻ phóng viên nước ngoài hợp lệ do Bộ Ngoại giao Việt Nam cấp;

c) Người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan công tác của người thuộc diện phải nộp lại thẻ nhà báo không thu lại thẻ nhà báo hoặc thu lại thẻ nhà báo nhưng không nộp về Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc không thông báo bằng văn bản đối với các trường hợp: Người được cấp thẻ nhà báo nhưng chuyển sang làm nhiệm vụ khác không còn là đối tượng được cấp thẻ; người được cấp thẻ nhà báo đã nghỉ hưu; người đã hết thời hạn hợp đồng lao động nhưng không được ký tiếp hợp đồng lao động mới hoặc không tiếp tục làm việc tại cơ quan báo chí;

d) Người được cấp thẻ nhà báo không nộp lại thẻ nhà báo (trừ trường hợp có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn nơi mất thẻ về việc bị mất thẻ) trong các trường hợp sau: Khi cơ quan báo chí bị thu hồi giấy phép hoạt động báo chí; chuyển sang làm nhiệm vụ khác không còn là đối tượng được cấp thẻ nhà báo; đã nghỉ hưu; đã hết thời hạn hợp đồng lao động nhưng không được ký tiếp hợp đồng lao động mới hoặc không tiếp tục làm việc tại cơ quan báo chí;

đ) Người đứng đầu cơ quan báo chí cử hoặc giao quyền cho cấp dưới cử nhà báo, phóng viên hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí;

e) Nhà báo hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí của cơ quan báo chí đang công tác.

- Hình thức phạt bổ sung: tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại điểm a nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi sử dụng thẻ nhà báo đã hết hạn sử dụng để hoạt động báo chí phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Đồng thời, tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm.

3. Khi tiếp cận công ty X, anh Minh đã lợi dụng tư cách nhà báo để cản trợ cản trở hoạt động đúng pháp luật của công ty. Vậy, hành vi của anh Minh có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2  Điều 6 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Mạo danh nhà báo, phóng viên để hoạt động báo chí;

b) Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân;

c) Sử dụng thẻ nhà báo đã bị sửa chữa, tẩy xóa để hoạt động báo chí.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của anh Minh sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

4. Khi đang tác nghiệp tại cơ quan M thì anh Tuấn phóng viên báo K bị thu giữ máy quay phim. Vậy, hành vi của cơ quan M có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 7 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản quy định xử phạt đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp;

b) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại các khoản 2, 3 và 4 nêu trên;

b) Buộc trả lại phương tiện, tài liệu thu giữ trái phép đối với hành vi quy định tại khoản 2 nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của công ty M  sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Đồng thời, buộc xin lỗi đối với hành vi vi phạm và buộc trả lại phương tiện thu giữ trái phép đối với hành vi vi phạm.

5. Chị An ở phường AD, thành phố H hỏi: hành vi giới thiệu, quảng bá, đặt đường dẫn trang thông tin điện tử có nội dung vi phạm quy định pháp luật có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 4, điểm d khoản 10 Điều 8 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Miêu tả tỉ mỉ hành vi tội ác, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, ảnh;

b) uy kết tội danh khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

c) Đăng, phát thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe cộng đồng;

d) Đăng, phát thông tin về thân nhân, các mối quan hệ của cá nhân trong các vụ án, vụ việc tiêu cực khi không có căn cứ chứng minh các thân nhân và các mối quan hệ đó liên quan đến vụ án, vụ việc tiêu cực hoặc chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Giới thiệu, quảng bá, đặt đường dẫn trang thông tin điện tử có nội dung vi phạm quy định pháp luật;

e) Thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí, không đúng giấy phép sản xuất kênh chương trình trong nước gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng.

          - Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc gỡ bỏ nội dung giới thiệu, quảng bá, đường dẫn đến trang thông tin điện tử có nội dung vi phạm pháp luật quy định tại điểm đ nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi giới thiệu, quảng bá, đặt đường dẫn trang thông tin điện tử có nội dung vi phạm quy định pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Đồng thời, buộc gỡ bỏ nội dung giới thiệu, quảng bá, đường dẫn đến trang thông tin điện tử có nội dung vi phạm pháp luật.

          6. Sau khi phỏng vấn anh M thì báo X đã không thực hiện yêu cầu xem lại nội dung trả lời của anh M trước khi đăng. Vậy, anh M hỏi: hành vi này có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thể hiện không chính xác, trung thực nội dung trả lời của người được phỏng vấn;

b) Không thực hiện yêu cầu xem lại nội dung trả lời của người trả lời phỏng vấn trước khi đăng, phát nội dung trả lời phỏng vấn trên báo chí;

c) Sử dụng ý kiến phát biểu tại hội nghị, hội thảo, các cuộc gặp gỡ, trao đổi, nói chuyện để chuyển thành bài phỏng vấn khi chưa được sự đồng ý của người phát biểu;

d) Cung cấp thông tin không trung thực, sai sự thật cho báo chí.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của báo X sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

7. Cơ quan C đăng bài đăng thông tin cải chính, xin lỗi đối với anh M mà không thể hiện nội dung thông tin cải chính, xin lỗi. Do đó, hành vi của cơ quan C có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thông báo việc cải chính, xin lỗi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

b) Đăng, phát thông tin cải chính, xin lỗi mà không thể hiện nội dung thông tin cải chính, xin lỗi hoặc tên tác phẩm báo chí, tên chuyên mục, số báo, ngày, tháng, năm đã đăng, phát phải cải chính.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của cơ quan C sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

8. Anh Bảo ở phường AH, thành phố H hỏi: đối với các cơ quan hành vi họp báo có nội dung xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 11 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản quy định xử phạt về vi phạm quy định về họp báo như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi họp báo nhưng không thông báo trước bằng văn bản hoặc thông báo không đúng thời gian quy định.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi họp báo có nội dung không đúng với nội dung đã được cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trả lời chấp thuận hoặc không đúng với nội dung đã thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi họp báo khi đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi họp báo có nội dung xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

5. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi họp báo có nội dung kích động bạo lực.

6. Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi họp báo có nội dung gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

7. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 4, 5 và 6 nêu trên.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với hành vi quy định tại các khoản 4, 5 và 6 nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi họp báo có nội dung xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Đồng thời, tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm và buộc xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với hành vi vi phạm.

9. Chị H nhân viên cơ quan X hỏi: đối với các hành vi vi phạm quy định về thông tin phải ghi, thể hiện trên báo chí, bản tin, đặc san thì bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 12 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản quy định xử phạt vi phạm quy định về thông tin phải ghi, thể hiện trên báo chí, bản tin, đặc san như sau:

1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi không ghi đủ hoặc không ghi đúng nội dung theo quy định về thông tin phải ghi, thể hiện trên báo chí, bản tin, đặc san.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi trình bày trên trang nhất, bìa một đối với báo in, tạp chí in, trang chủ, các trang đối với báo điện tử, tạp chí điện tử có nội dung không phù hợp với nội dung của sản phẩm báo chí.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không thể hiện biểu tượng, nhạc hiệu đối với báo nói, báo hình.

Như vậy, các hành vi vi phạm quy định về thông tin phải ghi, thể hiện trên báo chí, bản tin, đặc san sẽ bị xử phạt theo quy định nêu trên.

10. Cơ quan TH nhận được quyết định thực hiện thu hồi ấn phẩm báo chí nhưng đã không thực hiện. Vậy, hành vi của cơ quan TH có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2, điểm a, b khoản 3 Điều 13 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Phát hành sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí không được phép lưu hành hoặc có quyết định thu hồi, tịch thu;

b) Không thực hiện thu hồi ấn phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí khi có quyết định thu hồi.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc thu hồi sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí đối với hành vi quy định điểm b nêu trên; buộc tiêu hủy sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí đối với hành vi quy định điểm a, điểm b nêu trên;

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của cơ quan TH sẽ phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Đồng thời, buộc thu hồi sản phẩm báo chí đối với hành vi vi phạm và buộc tiêu hủy sản phẩm báo chí đối với hành vi vi phạm.

11. Cơ quan T thực hiện xuất bản phẩm báo chí nhưng không thực hiện lưu chiểu báo chí theo quy định. Xin hỏi, hành vi của cơ quan T có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 3, điểm a khoản 4 Điều 14 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện lưu chiểu báo chí theo quy định;

b) Không lưu giữ toàn bộ chương trình đã truyền dẫn, phát sóng hoặc lưu giữ không đúng quy định về thời gian đối với báo nói, báo hình; không lưu trữ nguyên vẹn nội dung thông tin đã đăng, phát hoặc lưu giữ không đúng quy định về thời gian đối với báo điện tử, tạp chí điện tử;

c) Không cung cấp tín hiệu phát sóng (đối với báo nói, báo hình), quyền truy xuất dữ liệu (đối với báo điện tử, tạp chí điện tử) theo yêu cầu của cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử;

d) Không đảm bảo tính thống nhất, chính xác giữa nội dung tác phẩm đăng, phát với nội dung tác phẩm cung cấp cho cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc thực hiện chế độ lưu chiểu báo chí đối với hành vi quy định tại điểm a nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của cơ quan T sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Đồng thời, buộc thực hiện chế độ lưu chiểu báo chí đối với hành vi vi phạm.

12. Chị Tuyết ở phường PV, thành phố H hỏi: hành vi nhập khẩu hoặc xuất khẩu báo in, tạp chí in có nội dung cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 3, điểm a, b khoản 9 Điều 15 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nhập khẩu hoặc xuất khẩu báo in, tạp chí in có nội dung cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng;

b) Nhập khẩu hoặc xuất khẩu báo in, tạp chí in có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam;

c) Nhập khẩu hoặc xuất khẩu báo in, tạp chí in có nội dung thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em;

d) Nhập khẩu hoặc xuất khẩu báo in, tạp chí in có nội dung xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín của cá nhân.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc tiêu hủy sản phẩm báo chí đối với hành vi quy định tại các khoản nêu trên; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi nhập khẩu hoặc xuất khẩu báo in, tạp chí in có nội dung cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đồng thời, buộc tiêu hủy sản phẩm báo chí đối với hành vi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.

13. Anh Duy đang công tác tại cơ quan N hỏi: các hành vi vi phạm quy định về thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh không thuộc dịch vụ phát thanh, truyền hình bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 16 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản quy định xử phạt vi phạm quy định về thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh không thuộc dịch vụ phát thanh, truyền hình như sau:

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh không thuộc dịch vụ phát thanh, truyền hình mà không có giấy chứng nhận đăng ký thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh;

b) Sửa chữa, tẩy xóa hoặc cho thuê, mượn giấy chứng nhận đăng ký thu tín hiệu truyền nước ngoài hình trực tiếp từ vệ tinh;

c) Thực hiện không đúng nội dung quy định tại giấy chứng nhận đăng ký thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thực hiện thỏa thuận hoặc giao kết hợp đồng cung cấp tín hiệu truyền hình trực tiếp từ vệ tinh mà không thực hiện đăng ký làm đầu mối thiết lập hệ thống thiết bị thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh;

b) Thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh;

c) Cung cấp tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh cho các đối tượng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh.

3. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh có nội dung gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1; điểm b khoản 2 và khoản 3 nêu trên.

Như vậy, các hành vi vi phạm quy định về thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh không thuộc dịch vụ phát thanh, truyền hình sẽ bị xử phạt theo quy định nêu trên.

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.259.481
Lượt truy cập hiện tại 17.007