Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Ngày cập nhật 24/06/2020

 

          Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về dịch vụ việc làm

1. Anh Danh vừa tốt nghiệp đại học và đang tìm kiếm việc làm. Vừa qua, anh Danh có nộp hồ sơ xin việc tại Trung tâm giới thiệu việc làm NT. Tuy nhiên, anh Danh phát hiện Trung tâm giới thiệu việc làm NT có hành vi  thông tin sai sự thật về vị trí việc làm. Do đó, anh Danh hỏi, trong trường hợp này Trung tâm giới thiệu việc làm NT có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 6 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định hành vi vi phạm quy định về dịch vụ việc làm bị xử phạt như sau:

          1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có hành vi thông báo hoạt động dịch vụ việc làm không theo quy định của pháp luật.

          2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức dịch vụ việc làm có hành vi thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn về vị trí việc làm.

          3. Phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi hoạt động dịch vụ việc làm mà không phải là trung tâm dịch vụ việc làm được thành lập hợp pháp hoặc không có Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm hết hạn.

          4. Biện pháp khắc phục hậu quả

          Buộc trả lại cho người lao động khoản tiền đã thu đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 nêu trên.

          Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, Trung tâm giới thiệu việc làm NT sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

          Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về tuyển, quản lý lao động

          2. Ông An có thông báo tuyển lao động làm việc tại cửa hàng. Tuy nhiên, khi hồ sơ, ông An đề nghị anh Mạnh nộp một khoản tiền gọi là phí tuyển dụng. Do đó, anh Mạnh hỏi: Trong trường hợp này, ông An có bị xử phạt vi phạm hành chính không? 

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 7 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định hành vi vi phạm về tuyển, quản lý lao động bị xử phạt như sau:

          1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:

          a) Không thông báo công khai kết quả tuyển lao động hoặc thông báo sau 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả tuyển lao động;

          b) Không khai trình việc sử dụng lao động theo quy định với phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với người sử dụng lao động thuộc khu công nghiệp) nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện;

          c) Không báo cáo tình hình thay đổi về lao động với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với người sử dụng lao động thuộc khu công nghiệp) nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện;

          d) Thu tiền của người lao động tham gia tuyển lao động;

          đ) Không lập sổ quản lý lao động; lập sổ quản lý lao động không đúng thời hạn, không đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định pháp luật; không ghi chép, nhập đầy đủ thông tin về người lao động vào sổ quản lý lao động khi hợp đồng lao động có hiệu lực; không cập nhật thông tin khi có sự thay đổi vào sổ quản lý lao động.

          2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi phân biệt đối xử về giới tính, độ tuổi, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật.

          3. Biện pháp khắc phục hậu quả

          Buộc trả lại cho người lao động khoản tiền đã thu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 nêu trên.

           Căn cứ quy định nêu trên, hành vi của ông An sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Đồng thời, ông An phải trả lại cho người lao động khoản tiền đã thu đối với hành vi vi phạm.

          Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động

          3. Chị Phương vừa được nhận vào làm việc tại cửa hàng của bà Minh. Tuy nhiên, khi vào làm việc bà Minh yêu cầu chị Phương chuyển giao các bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ để bà giữ làm tin. Chị Phương hỏi: Hành vi của bà Minh có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 8 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định hành vi vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động bị xử phạt như sau:

          1. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

          a) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

          b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

          c) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

          d) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

          đ) Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

          2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

          a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động;

          b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động;

          c) Giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động.

          3. Biện pháp khắc phục hậu quả

          a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 nêu trên;

          b) Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 nêu trên;

          c) Buộc giao kết đúng loại hợp đồng với người lao động đối với hành vi không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động quy định tại khoản 1 nêu trên.

          Căn cứ quy định nêu trên, hành vi của bà Minh sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng. Đồng thời, bà Minh trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ cho người lao động.

          Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về thử việc

          4. Chị May được nhận vào làm việc tại cửa hàng của ông Vinh với thời gian thử việc là hai tháng. Tuy nhiên, hết thời gian thử việc, ông Vinh yêu cầu chị May tiếp tục thử việc thêm một tháng nữa. Do đó, chị May hỏi: Hành vi của ông Vinh có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 9 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định hành vi vi phạm quy định về thử việc bị xử phạt như sau:

          1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

          a) Yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ;

          b) Không thông báo kết quả công việc người lao động đã làm thử theo quy định của pháp luật.

          2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

          a) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc;

          b) Thử việc quá thời gian quy định;

          c) Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó;

          d) Kết thúc thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

          3. Biện pháp khắc phục hậu quả

          a) Buộc trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm a, b, c, d khoản 2 nêu trên;

          b) Buộc giao kết hợp đồng lao động với người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 nêu trên.

          Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của ông Vinh sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

         

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.293.169
Lượt truy cập hiện tại 6.284