Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị Đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến
Ngày cập nhật 04/06/2020

Ngày 30 tháng 5 năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến. Hội nghị do đồng chí  Phan Ngọc Thọ, Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì.

 

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến được lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt, xem đây là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện cải cách hành chính. Đến nay, các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã cung cấp tổng cộng 1.425 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (trong đó cấp sở, ngành cung cấp 506 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 527 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; cấp huyện cung cấp 179 dịch vụ công trực tuyến  mức độ 3 và 112 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; cấp xã cung cấp 31 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 70 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4). Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 chiếm tỷ lệ khoảng 66,83% tổng số thủ tục hành chính của tỉnh. Một số ngành có tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến cao như Sở Giáo dục và Đào tạo (đạt 100%), Sở Thông tin và Truyền thông (84%), Sở Y tế (75%), Sở Kế hoạch và Đầu tư (72%), Sở Tài nguyên và Môi trường (60%),…

          Về tình hình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến: Từ ngày 01/01/2020 đến 26/5/2020 Tổng số hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh là 232.527 hồ sơ, tổng số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến là 20.697 hồ sơ, chiếm tỉ lệ 8,9%. Đối chiếu với các tiêu chuẩn của Nghị quyết 17/NQ-CP thì trong năm 2020 tỉnh phải đạt tối thiểu  20%, từ nằm 2021 trở đi tối thiểu là 50%. Vì vậy để đạt các chỉ tiêu theo yêu cầu của Chính phủ cần sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các sở, ngành, địa phương, sự vào cuộc của người đứng đầu các cơ quan.

          Về tình hình kết nối liên thông Cổng dịch vụ công quốc gia: Thừa Thiên Huế đã hoàn thành 6/6 hạng mục theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ.

      Các đại biểu cũng tham gia thảo luận để tháo gỡ một số tồn tại hạn chế như: Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến còn thấp, 5 tháng chỉ đạt 8,9%. Như vậy có một lượng lớn dịch vụ công trực tuyến được các ngành, địa phương cung cấp nhưng không có phát sinh hồ sơ; nghĩa là người dân, doanh nghiệp không sử dụng các dịch vụ công trực tuyến này, ảnh hưởng đến hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở cấp huyện, cấp xã chưa được quan tâm, chú trọng, cụ thể cấp huyện cung cấp tổng cộng 289 dịch vụ công trực tuyến, trong Quý I năm 2020 phát sinh 5.963 hồ sơ chiếm tỉ lệ 16,8%. Đối với cấp xã, tuy đã cung cấp 112 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nhưng lượng hồ sơ trực tuyến phát sinh còn quá thấp đều này ảnh hưởng đến hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Nhiều người dân và doanh nghiệp thừa nhận chưa biết và chưa thực sự quan tâm nhiều đến các dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh chiếm tỉ lệ 32,05%, tuy nhiên, tỉ lệ của các huyện, xã còn thấp, làm ảnh hưởng tỉ lệ chung của tỉnh. Mặt khác, thói quen dùng giấy tờ, trình độ học vấn và điều kiện sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin của người dân đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi còn rất nhiều thiếu thốn và hạn chế gây khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến.

      Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh biểu dương những nỗ lực của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành, địa phương trong việc tham gia tích cực vào quá trình cải cách thủ tục hành chính. Nhấn mạnh, việc phát triển dịch vụ công trực tuyến là bước đột phá trong công tác cải cách thủ tục hành chính hiện nay. Việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến không chỉ tiết kiệm ngân sách Nhà nước mà còn tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp. Về nhiệm vụ thời gian tới, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường công tác truyền thông; cung cấp đa dạng các kênh giao tiếp; tiếp tục cải tiến, đổi mới quy trình, thủ tục để nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, trong đó cần tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp. Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến phải gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị với kết quả đạt được và phải lấy sự hài lòng của người dân, đơn vị làm thước đo đánh giá kết quả. Đồng thời, tiếp nhận, giải quyết đúng tiến độ, chất lượng đối với các dịch vụ công trực tuyến đã tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.251.766
Lượt truy cập hiện tại 11.646