Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
MỘT SỐ NGHIỆP VỤ CÔNG TÁC TỔ CHỨC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP
Ngày cập nhật 09/03/2021

Ngày 11 tháng 01 năm 2021, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BNV hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 01 năm 2021.

 

1. Bố trí địa điểm bỏ phiếu

- Tùy theo điều kiện cơ sở vật chất ở địa phương như: nhà văn hóa, hội trường, trường học,... và căn cứ mật độ phân bổ dân cư ở khu vực bỏ phiếu, Tổ bầu cử lựa chọn địa điểm bỏ phiếu (phòng bỏ phiếu) cho phù hợp, bảo đảm thuận tiện để cử tri đến bầu cử. Địa điểm bỏ phiếu phải được trang trí trang nghiêm, tiết kiệm; bố trí lối vào cho cử tri bỏ phiếu và lối ra cho cử tri sau khi đã bỏ phiếu xong; địa điểm bỏ phiếu phải bảo đảm an ninh, trật tự.

- Địa điểm bỏ phiếu gồm: cổng ra - vào, khu vực bên ngoài phòng bỏ phiếu và khu vực bên trong phòng bỏ phiếu phải được trang trí theo mẫu hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

a) Cổng ra - vào và khu vực bên ngoài phòng bỏ phiếu

- Tổ bầu cử sử dụng vật liệu sẵn có ở địa phương để làm cổng ra vào khu vực bỏ phiếu;

- Khu vực bên ngoài phòng bỏ phiếu là nơi niêm yết danh sách cử tri; nội quy phòng bỏ phiếu, thể lệ bầu cử; nơi tổ chức lễ khai mạc; nơi tiếp đón cử tri đến bỏ phiếu. Khu vực này có thể bố trí bàn, ghế để cử tri chờ thực hiện việc bỏ phiếu;

(Cổng ra - vào và khu vực bên ngoài phòng bỏ phiếu được trang trí theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này).

b) Khu vực bên trong phòng bỏ phiếu

- Khu vực bên trong phòng bỏ phiếu phải được bố trí trang trọng, đủ bàn, ghế, bút viết và những điều kiện cần thiết để cử tri đến bỏ phiếu; nơi nào có hội trường rộng thì có thể tổ chức lễ khai mạc ngay trong phòng bỏ phiếu;

- Phòng bỏ phiếu phải có lối đi vào, lối đi ra một chiều và theo trật tự nhất định, có thể tham khảo bố trí theo sơ đồ sau: Bắt đầu lối vào là bàn hướng dẫn, bàn để cử tri xuất trình Thẻ cử tri và nhận phiếu bầu; tiếp đến là một số bàn để cử tri viết phiếu bầu, nơi để hòm phiếu; bàn đóng dấu "Đã bỏ phiếu" vào Thẻ cử tri để xác nhận cử tri đã bỏ phiếu; lối ra cho cử tri sau khi cử tri đã thực hiện xong việc bỏ phiếu;

- Tùy điều kiện cụ thể của từng phòng bỏ phiếu, Tổ bầu cử niêm yết danh sách, tiểu sử những người ứng cử; tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân để cử tri tham khảo trước khi viết phiếu bầu;

- Nơi cử tri viết phiếu bầu cần có các vách ngăn hoặc phòng kín để bảo đảm cử tri “bỏ phiếu kín” theo quy định của pháp luật về bầu cử;

(Khu vực bên trong phòng bỏ phiếu được trang trí theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này).

- Tổ trưởng Tổ bầu cử phải phân công thành viên Tổ bầu cử luân phiên trực bảo vệ địa điểm bỏ phiếu cả ngày và đêm trước, trong ngày bầu cử và cho đến khi kết thúc việc bỏ phiếu, tổng hợp, lập biên bản kiểm phiếu gửi đến Ủy ban bầu cử tương ứng.

2. Hòm phiếu

Việc chuẩn bị hòm phiếu, số lượng, kích cỡ hòm phiếu tùy theo đặc điểm, điều kiện của từng địa phương theo hướng dẫn cụ thể của Ủy ban bầu cử cấp tỉnh. Hòm phiếu được đóng mới hoặc sử dụng hòm phiếu bầu cử hiện có. Hòm phiếu phải bảo đảm chắc chắn, trang trí sạch đẹp, phía mặt trước của hòm phiếu có dán hình Quốc huy, phía dưới có dòng chữ "HÒM PHIẾU". Ngoài hòm phiếu chính, Tổ bầu cử phải chuẩn bị hòm phiếu phụ (hòm phiếu lưu động) và băng niêm phong hòm phiếu.

3. Nhận tài liệu liên quan đến công tác bầu cử của Tổ bầu cử

Tổ bầu cử phân công thành viên nhận các loại tài liệu sau đây từ Ủy ban nhân dân cấp xã và Ban bầu cử cùng cấp:

- Nhận Thẻ cử tri theo danh sách cử tri ở khu vực bỏ phiếu và phát cho cử tri trước ngày bầu cử theo quy định của pháp luật về bầu cử.

- Nhận đủ số lượng phiếu bầu theo danh sách cử tri và số lượng phiếu bầu dự phòng. Khi nhận phiếu bầu phải có biên bản bàn giao giữa người giao và người nhận về số lượng cụ thể của từng loại phiếu bầu. Tổ bầu cử kiểm tra kỹ phiếu bầu về số lượng đại biểu được bầu ở đơn vị bầu cử, danh sách họ và tên những ứng cử viên đúng với khu vực bỏ phiếu của tổ mình và phải quản lý chặt chẽ số lượng các loại phiếu bầu.

- Con dấu của Tổ bầu cử và con dấu “Đã bỏ phiếu”.

- Các loại biên bản, biểu mẫu của Tổ bầu cử.

- Danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu.

- Danh sách và tiểu sử tóm tắt của những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tại khu vực bỏ phiếu.

- Nội quy phòng bỏ phiếu, thể lệ bầu cử, mẫu diễn văn khai mạc, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Phù hiệu của các thành viên Tổ bầu cử.

- Văn phòng phẩm (bút, giấy, kéo, thước kẻ, keo dán, hộp mực con dấu,...).

- Các tài liệu khác liên quan đến bầu cử theo hướng dẫn của địa phương.

 

Tiên An
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.379.894
Lượt truy cập hiện tại 32.811