Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Quy định về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại
Ngày cập nhật 18/05/2020

Ngày 08 tháng 4 năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2020/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2020.

 

Theo đó, pháp nhân thương mại không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại.

Việc cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế bằng văn bản của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền. Việc quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế phải căn cứ vào hình phạt, biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại, nội dung, tính chất, mức độ, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế và tình hình thực tế ở địa phương. Thời hạn áp dụng biện pháp cưỡng chế để bảo đảm thi hành án không quá thời hạn chấp hành hình phạt theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; thời hạn bảo đảm thi hành biện pháp tư pháp được xác định khi biện pháp tư pháp được thi hành xong. Pháp nhân thương mại có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp cưỡng chế trong cùng một thời điểm nếu việc áp dụng một biện pháp cưỡng chế không đủ để bảo đảm thi hành án. Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của pháp nhân thương mại, tổ chức, cá nhân có liên quan trong cưỡng chế thi hành án.

Biện pháp cưỡng chế thi hành án áp dụng đối với pháp nhân thương mại gồm: Phong tỏa tài khoản; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền bảo đảm thi hành cưỡng chế biện pháp tư pháp (kê biên tài sản); tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử; tạm giữ hoặc thu hồi con dấu của pháp nhân thương mại. Biện pháp phong tỏa tài khoản có thể được áp dụng trong các trường hợp: Thi hành cưỡng chế đối với việc chấp hành hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn (trong trường hợp đình chỉ tất cả các lĩnh vực); thi hành cưỡng chế đối với việc chấp hành hình phạt cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định (trong trường hợp cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong tất cả các lĩnh vực); cấm huy động vốn; thi hành cưỡng chế chấp hành biện pháp tư pháp. Biện pháp kê biên tài sản được áp dụng để bảo đảm việc cưỡng chế thi hành biện pháp tư pháp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 82 Bộ luật Hình sự (Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra). Áp dụng biện pháp tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử; tạm giữ hoặc thu hồi con dấu trong các trường hợp: Tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại có thể được áp dụng trong trường hợp thi hành cưỡng chế chấp hành hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, chỉ tạm giữ những tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử liên quan đến lĩnh vực hoạt động của pháp nhân thương mại bị cưỡng chế thi hành án theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; thu hồi con dấu của pháp nhân thương mại được áp dụng trong trường hợp thi hành cưỡng chế chấp hành hình phạt đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.

Trong quá trình kiểm tra, giám sát chấp hành án của pháp nhân thương mại phát hiện pháp nhân thương mại không chấp hành án hoặc chấp hành không đầy đủ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại lập biên bản về việc pháp nhân thương mại không chấp hành án hoặc chấp hành không đầy đủ bản án, quyết định của Tòa án với sự chứng kiến của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại và đại diện chính quyền địa phương. Biên bản này là một trong những căn cứ để cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền triệu tập người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại chấp hành án đến trụ sở để thông báo quyết định cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại. Khi được cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền triệu tập, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phải có mặt, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại được triệu tập hợp lệ mà không có mặt theo giấy triệu tập thì cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền lập biên bản về việc vắng mặt, có chứng kiến, xác nhận của đại diện chính quyền địa phương và được coi là đã được thông báo việc thi hành quyết định cưỡng chế.

Trường hợp pháp nhân thương mại đang phải chấp hành quyết định cưỡng chế thi hành án mà được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp theo quy định của pháp luật thì pháp nhân thương mại kế thừa các quyền và nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án có trách nhiệm tiếp tục thực hiện quyết định cưỡng chế của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền.

Chi phí cưỡng chế được tạm ứng từ ngân sách nhà nước và được hoàn trả ngay sau khi thu được tiền của pháp nhân thương mại bị cưỡng chế. Pháp nhân thương mại bị cưỡng chế phải chịu mọi chi phí cho các hoạt động cưỡng chế. Chi phí cưỡng chế được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế đã phát sinh trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế phù hợp với giá cả ở từng địa phương. Chi phí cưỡng chế bao gồm: Chi phí huy động người thực hiện quyết định cưỡng chế; chi phí thù lao cho người định giá để tổ chức đấu giá, chi phí tổ chức bán đấu giá tài sản; chi phí thuê phương tiện tháo dỡ, chuyên chở đồ vật, tài sản; chi phí thuê giữ hoặc bảo quản tài sản đã kê biên; chi phí chuyển việc thi hành quyết định cưỡng chế; chi phí thực hiện biện pháp tư pháp; chi phí thực tế khác (nếu có).

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.379.894
Lượt truy cập hiện tại 3.020