Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thừa Thiên Huế tổ chức Tọa đàm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Sự thành công của một cách làm mới
Ngày cập nhật 30/05/2012

Thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2012, ngày 25/5/2012 Sở Tư pháp phối hợp với Cục thuế tổ chức Tọa đàm để trao đổi, giải đáp pháp luật về thuế và hợp đồng thương mại cho 300 doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh. Tham dự Tọa đàm còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng của tỉnh, như: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Lao động, thương binh và Xã hội, Sở Giao thông vận tải và Bảo hiểm xã hội.

Hiệu quả từ một cách làm mới
Tại buổi Tọa đàm, đồng chí Phan Văn Quả - Phó Giám đốc Sở Tư pháp – Chủ trì hội thảo, nhận định, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đến nay đã mang lại rất nhiều kết quả và lợi ích thiết thực cho đối tượng thụ hưởng, tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn tồn tại những mặt hạn chế nhất định. Một trong những hạn chế đó là mô hình tổ chức hội thảo, hội nghị chưa thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp, trong khi đó, hình thức này lại không thể không thực hiện vì đây là con đường ngắn nhất để kết nối với doanh nghiệp thông qua việc trao đổi, cung cấp thông tin hai chiều một cách trực tiếp, chính xác, đầy đủ.
Để khắc phục những hạn chế của phương pháp này, Sở Tư pháp đã xây dựng mô hình tọa đàm với yêu cầu phải phát huy được tính chủ động đặt vấn đề từ cả hai phía - Ban tổ chức và doanh nghiệp. Do đó, Tọa đàm đã được chuẩn bị chu đáo ngay từ những khâu đầu tiên. Trong đó, kế hoạch thực hiện chi tiết được xây dựng trên cơ sở tham khảo ý kiến của các cơ quan chức năng, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và qua khảo sát thực tế về những vướng mắc pháp lý cần được hỗ trợ, giải đáp của doanh nghiệp.
Với tinh thần đó, Tọa đàm pháp luật về thuế và hợp đồng thương mại đã diễn ra trong không khí hết sức cởi mở, thẳng thắn. Các quy định pháp luật về thuế, hợp đồng thương mại và những vấn đề pháp lý thực tiễn trong hai lĩnh vực này đã được Lãnh đạo Cục thuế và đại diện Đoàn luật sư tỉnh giới thiệu, nêu rõ để trao đổi. Đặc biệt, trong lĩnh vực hợp đồng thương mại, đại điện Đoàn luật sư tỉnh đã nhấn mạnh những vướng mắc, rủi ro mà doanh nghiệp trong nước có thể gặp phải khi thực hiện giao kết hợp đồng có yếu tố nước ngoài, qua đó lưu ý các doanh nghiệp cần phải thận trọng tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật có liên quan hoặc tham vấn các dịch vụ pháp lý trước khi thực hiện.
Được sự gợi mở của Ban tổ chức và báo cáo viên, các doanh nghiệp đã có nhiều yêu cầu liên quan đến quy định pháp luật về thuế và hợp đồng thương mại đề nghị được giải đáp, hướng dẫn, như: Quy định về loại hợp đồng nào phải qua công chứng mới có hiệu lực, về chữ ký trong hợp đồng, yêu cầu thanh toán đối với công ty mẹ trong trường hợp giao dịch được thực hiện với công ty con, vấn đề xác nhận nợ, hợp đồng mẫu; các vấn đề liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng…
Những vướng mắc của các doanh nghiệp được cơ quan thuế, đại diện Đoàn luật sư và đại diện các cơ quan chức năng trả lời đầy đủ, rõ ràng ngay tại Tọa đàm, đã thật sự làm hài lòng và đáp ứng được mong đợi của doanh nghiệp tham dự.
Và những kinh nghiệm được rút ra
Sự thành công của Tọa đàm đã mở ra một hướng đi mới trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, khắc phục được những bất cập từ trước đến nay trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp bằng hình thức hội nghị, hội thảo nói chung, đó là tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, khó duy trì được sự tham dự một cách đông đủ của đại biểu từ đầu đến cuối, sự bị động của người tham dự nên thông tin thường mang tính “một chiều”.
Một số kinh nghiệm được rút ra qua sự thành công của Tọa đàm lần này có thể “điểm tên” như sau:
Thứ nhất, về hình thức tổ chức, hội thảo (tọa đàm) phải bảo đảm được yếu tố chủ động của người nghe và người nói trong việc đặt vấn đề và trao đổi một cách thẳn thắng giữa các bên, cụ thể là giữa doanh nghiệp và đại diện cơ quan nhà nước hoặc các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan. Để đạt được điều này, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của những người tham gia trực tiếp với tư cách là Báo cáo viên, người giải đáp trong việc đặt vấn đề và gợi mở vấn đề để doanh nghiệp nắm bắt và phản hồi ý kiến.
Thứ hai, về nội dung, đó là những lĩnh vực pháp luật thiết yếu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như thuế, hải quan, hợp đồng thương mại, lao động, bảo hiểm xã hội… Ngoài việc xác định được lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp cần, còn phải nắm bắt được “điểm vướng” cụ thể của doanh nghiệp để đặt vấn đề đúng trọng tâm.
Thứ ba, về công tác tổ chức, trước khi thực hiện, phải có sự khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp để bảo đảm nguyên tắc “Hỗ trợ những gì mà doanh nghiệp cần”.
Trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp, mời báo cáo viên (người chủ trì việc giải đáp) có khả năng trao đổi, giải đáp pháp luật trực tiếp, tại chỗ, đồng thời phải có kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực đó để giúp định hướng cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong công tác tổ chức và chuẩn bị nội dung để đảm bảo hoạt động hỗ trợ pháp lý diễn ra đúng định hướng.
Từ hiệu quả và kinh nghiệm của Tọa đàm pháp luật về thuế và hợp đồng thương mại, dự kiến trong thời gian còn lại của năm 2012, Sở Tư pháp tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức Tọa đàm pháp luật về hải quan để hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
 

Nguyễn Thị Đào
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.266.539
Lượt truy cập hiện tại 21.157