Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992
Ngày cập nhật 16/12/2011

Ngày 12/12/2011 Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992, do đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì.

Theo chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh, việc tổng kết được thực hiện một cách toàn diện đối với các nội dung của Hiến pháp năm 1992, trong đó đặc biệt chú trọng đến nội dung về Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được quy định tại Chương IX của Hiến pháp 1992.
Về công tác triển khai thực hiện, thời gian qua HĐND, UBND các cấp và các ngành đã tổ chức tổng kết các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ. Để tiếp tục thu thập các ý kiến đóng góp, hội nghị mời các ngành, các địa phương, các chuyên gia pháp lý thuộc Khoa Luật Đại học Huế, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tham dự và phát biểu đánh giá về các nội dung: Vai trò của Hiến pháp 1992 đối với việc xây dựng, phát triển đất nước và phương án sửa đổi, bổ sung (hoặc ban hành mới) Hiến pháp trong bối cảnh hiện nay; đánh giá khái quát về mối quan hệ giữa HĐND, UBND tỉnh với các cơ quan Trung ương và vấn đề phân cấp quản lý giữa chính quyền Trung ương với chính quyền địa phương; quy định của Hiến pháp 1992 và Luật Tổ chức HĐND và UBND về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; mối quan hệ giữa HĐND và Tòa án nhân dân ở địa phương; vai trò, nhiệm vụ của chính quyền đô thị theo quy định của Luật tổ chức HĐND và UBND và vấn đề về phân cấp quản lý qua thực tiễn của thành phố Huế; những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND huyện miền núi qua thực tiễn của huyện A Lưới; những thuận lợi, khó khăn trong điều hành khi chuyển từ chính quyền nông thôn sang chính quyền đô thị qua thực tiễn tại thị xã Hương Thủy;…
Trên cơ sở thực tiễn của địa phương và các ý kiến tham gia, Báo cáo tổng kết của tỉnh đã đánh giá tổng quát những kết quả đạt được trong thực hiện Hiến pháp năm 1992, những bất cập, nguyên nhân và đề xuất, kiến nghị những nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Đối với các quy định liên quan đến HĐND và UBND, báo cáo phân tích các quy định trong Hiến pháp 1992, Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và các văn bản pháp luật có liên quan, qua đó nêu lên những mặt còn hạn chế, bất cập, nguyên nhân và kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung như sau:
- Đối với Hiến pháp năm 1992: sửa đổi, bổ sung Điều 91, Điều 118, Điều 123 nhằm bảo đảm sự thống nhất giữa các quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức HĐND và UBND về tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND. Quy định cụ thể mối quan hệ giữa HĐND và UBND với các cơ quan nhà nước cấp trên và mối quan hệ giữa HĐND, UBND các cấp theo hướng tăng cường tính ràng buộc, chịu trách nhiệm với cơ quan cấp trên để bảo đảm tính hiệu lực trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ. Bổ sung các quy định mới về tổ chức UBND cùng cấp trong trường hợp không tổ chức HĐND; cơ chế thực hiện quy định HĐND phải “chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương”; quy định mang tính nguyên tắc trong việc xác định mức độ “làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân”.
- Đối với Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003: sửa đổi, bổ sung Điều 48 (về thời gian gửi tài liệu cho đại biểu HĐND trước kỳ họp), Điều 122 (tăng số lượng thành viên Uỷ ban nhân dân cấp xã), Điều 52, Điều 54, Điều 122 (quy định về thường trực HĐND và các Ban của HĐND có tính đến yếu tố đặc thù của đơn vị hành chính đô thị, nông thôn, hải đảo, miền núi), Điều 71 (quy định bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu). Bổ sung các quy định mới về hoạt động giám sát của đại biểu HĐND; thời gian đại biểu HĐND dành cho hoạt động của người đại biểu; tiêu chuẩn các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên UBND mỗi cấp, làm cơ sở pháp lý cho Chủ tịch UBND phê chuẩn kết quả bầu UBND cấp dưới trực tiếp; quy định chặt chẽ thứ bậc hành chính trong chỉ đạo điều hành, có cơ chế kỷ luật thích đáng tình trạng lạm quyền, vượt quyền. Quy định cơ quan Thường trực HĐND và các Ban của HĐND ở cả ba cấp đủ về số lượng, nâng cao chất lượng, bố trí Trưởng Ban, Phó Trưởng ban HĐND cấp tỉnh và Trưởng Ban HĐND cấp huyện hoạt động chuyên trách; tăng số lượng đại biểu chuyên trách là các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học, pháp lý và một số ngành khác.
Ngoài ra, Báo cáo còn kiến nghị đối với những vấn đề có liên quan nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND và UBND, như: tiếp tục hoàn thiện về chế định bầu cử đại biểu HĐND. Trong các luật chuyên ngành, cần phân định rõ thẩm quyền, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp để tránh sự chồng chéo, trùng lặp. Quy định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân các thành viên Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công việc. Nghiên cứu mô hình Văn phòng HĐND và UBND ở cấp huyện để bảo đảm tính hợp lý, hợp pháp. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND thông qua việc tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp HĐND dưới nhiều hình thức; nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp của HĐND, tập trung vào các vấn đề trọng tâm, trọng điểm của từng kỳ họp và các kiến nghị của người dân…

Đánh giá chung về Hiến pháp năm 1992, báo cáo nhận định những hạn chế của Hiến pháp năm 1992 chủ yếu tập trung vào quy định về tổ chức bộ máy nhà nước, về việc thực hiện nguyên tắc phân công, phối hợp trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất và việc mở rộng hơn các quyền của công dân. Các nội dung quan trọng khác mang tính nguyên tắc về chế độ chính trị, chế độ kinh tế không có nhiều biến động. Do đó, Báo cáo đề xuất chỉ thực hiện sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 để tạo cơ sở pháp lý cho việc sửa đổi, bổ sung các Luật tổ chức bộ máy nhà nước, hoàn thiện cơ chế pháp lý cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Qua hội nghị này, tỉnh sẽ tiếp tục tập hợp, bổ sung các ý kiến góp ý đối với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để trình Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp.
 

Nguyễn Thị Đào
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 21.353.471
Lượt truy cập hiện tại 477