Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.824.779
Truy cập hiện tại 10.907
Công tác trọng tâm thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi năm 2022
Ngày cập nhật 25/02/2022

Ngày 12 tháng 01 năm 2022, Ban Chỉ đạo KH411 Công an tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Chương trình số 136/CTr-BCDDKH về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi năm 2022.

 

Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình được quy định cụ thể như sau:

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

-Tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi năm 2022; Ban Chỉ đạo tổ chức sơ kết, tổng kết các chuyên đề đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công và xác định chương trình công tác giai đoạn tiếp theo.

- Tổ chức sơ kết 02 năm thực hiện KH411 (giai đoạn 2021-2025) làm cơ sở tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp đưa ra biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ xâm hại trẻ em, người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật.

- Huy động sức mạnh của hệ thống chính trị thực hiện giải pháp phòng ngừa tội phạm gắn với thực hiện các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chấp hành chính sách, pháp luật bảo vệ trẻ em, nhất là nhóm trẻ em yếu thế để hạn chế nguyên nhân phát sinh tội xâm hại trẻ em, người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật.

- Các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo KH411 chỉ đạo, hướng dẫn thống nhất việc thực hiện Bộ Chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em, xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xâm hại trẻ em (quy định tại Thông tư số 13/2021/TT-LĐLĐTBXH ngày 30/9/2021); tăng cường phối hợp liên ngành, tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra, khảo sát, đánh giá kết quả công tác phòng,chống tội xâm hại trẻ em, đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này.

2. Công tác tuyên truyền phòng ngừa

          -Ban Chỉ đạo KH411 các địa phương chỉ đạo xây dựng kế hoạch tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi, chú trọng các nhóm sau: địa bàn trọng điểm, phức tạp về tệ nạn xã hội, địa bàn vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số; nhóm trẻ em khuyết tật, trẻ em tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trường dân tộc nội trú; trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 hiện sống cùng người thân; người dưới 18 tuổi sau khi chấp hành án phạt tù có thời hạn. Công tác tuyên truyền phải hướng sự quan tâm của dư luận xã hội, người dân tham gia phòng ngừa, phát hiện đấu tranh ngăn chặn tội phạm xâm hại trẻ em, kỹ năng ứng phó giúp người dân nâng cao cảnh giác với thủ đoạn của tội phạm, biện pháp bảo vệ trẻ em tại cộng đồng.

- Phối hợp với mạng lưới xã hội về bảo vệ trẻ em và các tổ chức đoàn thể: Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội chữ thập đỏ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh...thực hiện công tác truyên truyền kỹ năng giúp trẻ em nhận diện và tự bảo vệ trước hành vi xâm hại, gắn công tác tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình với các đợt sinh hoạt chính trị hoặc các phong trào thi đua của trường học, đoàn thanh niên, phụ nữ, hội sinh viên, Hội liên hiệp thanh niên, Đội thiếu niên tiền phong ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này.

-Tăng thời lượng tin, bài trên báo chí ở Trung ương và địa phương, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở về chủ trương, chính sách pháp luật bảo vệ trẻ em; kết quả các chương trình công tác của Sở, ban, ngành và công tác giám sát thực hiện pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em.

- Phối hợp với Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi của đoàn thanh niên tìm hiểu pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng xã hội (cuộc thi sơ khảo tổ chức trực tuyến toàn quốc; cuộc thi chung khảo tổ chức tại Hà Nội).

3. Xây dựng và nhân rộng các mô hình về phòng ngừa vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi

- Tổ chức sơ kết 02 năm (2021-2022) kết quả thực hiện mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp, giáo dục cảm hóa người dưới 18 tuổi vi phạm phạm pháp luật hoặc chấp hành xong án phạt tù có thời hạn hòa nhập cộng đồng” người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng”, “Phòng ngừa trẻ em bị xâm hại tình dục, phòng ngừa trẻ em bị bạo lực, bạo hành, mua bán”, đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình, rút ra bài học kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch duy trì, nhân rộng mô hình hay và hiệu quả tại địa phương.

-Lồng ghép công tác phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên, tội phạm liên quan đến bạo lực gia đình, tội phạm mua bán người với các mô hình xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương nhằm huy động cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể giáo dục, cảm hóa người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật. Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức quần chúng như: Bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan doanh nghiệp, trường học, lực lượng xung kích trong đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn để bảo vệ phụ nữ, trẻ em, nhất là các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

- Tổ chức đánh giá hiệu quả các mô hình như: “Đội phản ứng nhanh phòng, chống bạo lực gia đình”, “Câu lạc bộ quản lý, giáo dục trẻ em, người chưa thành niên làm trái pháp luật”, “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, “An toàn trường học”, “Câu lạc bộ niềm tin”, “Ứng dụng mạng xã hội trong tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội”, “Tổ nhà trọ phòng, chống tội phạm” để rút kinh nghiệm và bổ sung nhiệm vụ phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, phòng ngừa người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật vào nội dung hoạt động của các mô hình này để nhân rộng trên toàn quốc.

4. Đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến người dưới 18 tuổi

- Lực lượng công an (chủ công là cảnh sát hình sự): Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan mở các đợt cao điểm tấn công tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội trên phạm vi toàn tỉnh; tham mưu xây dựng các kế hoạch chuyên đề đấu tranh ngăn chặn tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm liên quan đến người dưới 18 tuổi; nâng cao hiệu quả điều tra khám phá các vụ án xâm hại trẻ em, các vụ án liên quan đến trẻ em từ nguyên nhân bạo lực gia đình; tội phạm phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao liên quan đến người dưới 18 tuổi; hướng dẫn Công an các địa phương có kế hoạch xây dựng hồ sơ chuyên đề “Theo dõi công tác phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi”, làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm tại từng địa phương để có giải pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả; phối hợp với các ban, ngành, đơn vị rà soát các trẻ em, người chưa thành niên hoàn cảnh khó khăn nguy cơ bị xâm hại, bạo lực để phân công trách nhiệm giúp đỡ quản lý giáo dục tại gia đình, nhà trường, cộng đồng.

- Phối hợp với Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong công tác tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em, mua bán người dưới 16 tuổi; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ nạn nhân là trẻ em. Đấu tranh quyết liệt với tội phạm xâm hại trẻ em, phối hợp thanh tra, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, phát hiện các hành vi bỏ lọt tội phạm và đẩy mạnh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh với tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm liên quan đến người dưới 18 tuổi, đảm bảo đúng người, đúng tội, tạo niềm tin đối với quần chúng nhân dân.

- Thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý thông qua hình thức tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp tốt nhất cho trẻ em, không làm tổn thương trẻ em trong quá trình giải quyết vụ án.

- Tổ chức báo cáo tổng điều tra, rà soát toàn quốc tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi trên toàn tỉnh, đề xuất các giải pháp trọng tâm, đột phá để kiềm chế và giảm số vụ phạm tội trật tự xã hội do người dưới 18 tuổi thực hiện; tổ chức các đoàn kiểm tra công tác giải quyết, xử lý tin tố giác tội phạm liên quan đến người dưới 18 tuổi.

5. Công tác xây dựng, hoàn thiện và phổ biến, giáo dục pháp luật

- Tổ chức rà soát, đánh giá, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật, các quy định có liên quan đến công tác quản lý giáo dục trẻ em làm trái pháp luật trong các trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc; nghiên cứu nhóm hành vi lợi dụng các quy định pháp luật về lao động dưới 18 tuổi để trục lợi hoặc cưỡng bức lao động trẻ em. Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến chế độ, chính sách cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em thuộc dân tộc ít người, trẻ mồ côi, lang thang.

- Phổ biến, quán triệt Thông tư số 43/2021/TT-BCA ngày 22/4/2021 quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra các vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi.

- Tổ chức các hội thảo, tọa đàm về công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổng kết một số chuyên án điển hình về trong lứa tuổi chưa thành niên, tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm mua bán người, tội phạm liên quan đến bạo lực gia đình; phối hợp với các bộ, ngành rà soát nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến chế độ, chính sách cho các em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, thiệt thòi có nguy cơ cao của nạn bạo hành và xâm hại trẻ em; phối hợp với các đơn vị, Học viện, Trường Công an nhân dân xây dựng tài liệu, giáo trình liên quan đến đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

6. Hợp tác quốc tế

Triển khai các hoạt động hợp tác song phương và đa phương về phòng, chống xâm hại trẻ em, phối hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ trong việc xây dựng các Dự án bảo đảm hỗ trợ thực hiện quyền bảo vệ, giáo dục chăm sóc trẻ em tại Việt Nam; tổ chức thực hiện các dự án hợp tác quốc tế về phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em; tăng cường công tác nghiên cứu, khảo sát, hội thảo trao đổi kinh nghiệm, tập huấn về công tác này./.

 

Ngọc Hiền
Các tin khác
Xem tin theo ngày