Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.824.779
Truy cập hiện tại 13.814
Một số kết quả trong công tác cải cách tư pháp năm 2021
Ngày cập nhật 29/12/2021

Năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan: Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Cục Thi hành án dân sự đã triển khai, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác cải cách tư pháp đạt được những kết quả tích cực.

 

1. Công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật

Công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, góp ý văn bản QPPL tiếp tục được tiến hành đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngay từ khâu lập đề nghị xây dựng văn bản đến xây dựng và ban hành văn bản. Năm 2021, UBND tỉnh ban hành 65 Quyết định và trình HĐND tỉnh thông qua 32 Nghị quyết. Tại cấp huyện, HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế ban hành 42 văn bản QPPL; các xã, phường, thị trấn ban hành 138 văn bản QPPL. Tự kiểm tra 67/67 văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành, qua tự kiểm tra phát hiện 02 văn bản QPPL có nội dung trái pháp luật và đã xử lý dứt điểm 02 văn bản có nội dung trái pháp luật này; thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền đối với 22/22 văn bản QPPL do HĐND, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế gửi đến, qua kiểm tra phát hiện 03 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, đã ban hành các kết luận kiểm tra, kiến nghị xử lý đúng theo quy định của Luật ban hành văn bản QPPL. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 240/QĐ-UBND ngày 25/01/2020 công bố Danh mục văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành hết hiệu lực, ngưng hiệu lực năm 2020. Công tác rà soát được thực hiện thường xuyên, kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Trong năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp rà soát 765/765 văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành còn hiệu lực; rà soát các văn bản QPPL còn hiệu lực của HĐND, UBND tỉnh liên quan đến các ngành, lĩnh vực; các huyện, thị xã, thành phố rà soát 210 văn bản QPPL, đã xử lý 64 văn bản. UBND tỉnh ban hành Báo cáo rà soát nhận diện đầy đủ các tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước các tác động mạnh mẽ, dài hạn của đại dịch Covid-19, qua đó kiến nghị, đề xuất các giải pháp cụ thể; thực hiện rà soát, đề xuất các nội dung xây dựng chiến lược pháp luật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cục Thi hành án Dân sự tăng cường kiểm tra việc thực hiện các thủ tục hành chính trong giải quyết thi hành án, hạn chế các thủ tục mang tính trung gian, chồng chéo trong công tác thi hành án dân sự.

2. Công tác bổ trợ tư pháp

Về Luật sư, trong năm 2021 đăng ký hoạt động 01 tổ chức hành nghề luật sư mới, Đoàn luật sư kết nạp thêm 04 luật sư mới, 04 luật sư chưa đăng ký hành nghề, 01 tổ chức hành nghề luật sư đang tạm dừng hoạt động. Đến nay Đoàn luật sư tỉnh có 72 luật sư và 26 tổ chức hành nghề luật sư (01 tổ chức đang tạm dừng hoạt động). Với vai trò giúp UBND tỉnh quản lý tổ chức, hoạt động hành nghề luật sư, Sở Tư pháp đã kịp thời quán triệt, chấn chỉnh những sai sót trong tổ chức, hoạt động hành nghề luật sư; thực hiện kiểm tra đột xuất khi nhận được phản ánh của cá nhân, tổ chức đối với tổ chức hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh ban hành Báo cáo tổng kết chiến lược phát triển nghề luật sư và Đề án phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập quốc tế; UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp báo cáo Ban Nội chính Tỉnh ủy về việc thành lập Chi bộ Đoàn luật sư. Các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 539 vụ việc, doanh thu 2,9 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 330,8 triệu đồng (so với năm 2020 số lượng vụ việc tăng 123 vụ việc, nhưng nguồn doanh thu lại giảm 147 triệu đồng).

Tư vấn pháp luật: Tại tỉnh có 04 Trung tâm tư vấn pháp luật với 17 tư vấn viên pháp luật; các Trung tâm tư vấn pháp luật đã thực hiện tư vấn pháp luật 52 vụ việc, đa số các vụ việc đều được thực hiện miễn phí.

Công chứng: UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 08/02/2021 triển khai thực hiện Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; ban hành Quyết định số 41/2021/QĐ-UBND ngày 09/7/2021 quy định tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 2706/QĐ-UBND ngày 25/10/2021 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Xây dựng Hệ thống quản lý công chứng, chứng thực và ngăn ngừa thất thu thuế tỉnh Thừa Thiên Huế. Hội Công chứng đã tổ chức thành công Đại hội Hội Công chứng viên tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ II, nhiệm kỳ 2021-2024. Hoạt động công chứng tiếp tục có bước phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức. Trong năm 2021, các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện 50.643 công chứng hợp đồng, giao dịch, 777 công chứng bản dịch và các loại việc khác; thu trên 24,925 tỷ đồng phí công chứng; nộp ngân sách/thuế trên 2,9 tỷ đồng.

Đấu giá tài sản: UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 264/KH-UBND ngày 11/12/2020 triển khai thực hiện Chỉ thị số 40/CT-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Chỉ đạo Sở Tư pháp tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi thông báo công khai việc đấu giá trên Cổng thông tin điện tử quốc gia; tăng cường giám sát các tổ chức đấu giá tài sản; rà soát chấn chỉnh hoạt động đấu giá tài sản trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Trong năm 2021 đăng ký hoạt động 01 tổ chức đấu giá mới, 02 chi nhánh đấu giá mới, số đấu giá viên trên địa bàn tỉnh so với năm 2020 không thay đổi, gồm có 12 đấu giá viên. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 04 tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, các tổ chức hành nghề đấu giá tài sản đã tổ chức 330 cuộc đấu giá với tổng giá khởi điểm: 1.295 tỷ đồng; giá trúng đấu giá: 2.160 tỷ đồng; vượt so với giá khởi điểm 865 tỷ đồng (riêng Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở đã tổ chức 185 cuộc đấu giá, với tổng giá khởi điểm: 507,7 tỷ đồng; giá trúng đấu giá: 845,2 tỷ đồng; vượt so với giá khởi điểm 337,6 tỷ đồng).

Giám định tư pháp: UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và Quyết định số 40/2021/QĐ-UBND ngày 09/7/2021 ban hành Quy chế phối hợp về giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong năm, UBND tỉnh bổ nhiệm 02 giám định viên pháp y, miễn nhiệm 01 giám định viên pháp y; cấp mới thẻ giám định viên tư pháp đối với 15 người được bổ nhiệm trước ngày 01/01/2021; ban hành Quyết định số 2613/QĐ-UBND ngày 15/10/2021 công nhận 10 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở địa phương. Các tổ chức giám định tư pháp thực hiện 1.430 vụ việc giám định tư pháp theo trưng cầu của của cơ quan tiến hành tố tụng, yêu cầu của người yêu cầu giám định, yêu cầu của tổ chức, cá nhân khác. Thực hiện kiểm tra, thanh toán chế độ hỗ trợ cho các Giám định viên với tổng số tiền 1,5 tỷ/năm.

Thừa phát lại: UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1605/QĐ-UBND ngày 01/7/2021 về việc phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn năm 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Năm 2021, Văn phòng Thừa phát lại đã thực hiện đăng ký 119 vi bằng và thực hiện việc tống đạt 12 văn bản của Tòa án, doanh thu 102,3 triệu đồng.

Trợ giúp pháp lý: UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên địa bàn tỉnh năm 2021; miễn nhiệm và thu hồi thẻ trợ giúp viên đối với 01 trợ giúp viên pháp lý chuyển công tác khác. Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Thừa Thiên Huế và Tổ giúp việc cho Hội đồng phối hợp liên ngành được kiện toàn. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tập trung chú trọng vào hoạt động tham gia tố tụng, đã và đang thực hiện 470 vụ việc, chất lượng tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý cơ bản có chất lượng, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Hòa giải thương mại, Trọng tài thương mại, Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản: Tại địa bàn tỉnh đã có quản tài viên, hòa giải viên thương mại, tuy nhiên không có vụ việc nào phát sinh trong năm. Thường xuyên cập nhật, công bố danh sách hòa giải viên thương mại vụ việc. Thực hiện công bố chuẩn hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hòa giải thương mại.

3. Lý lịch tư pháp (LLTP)

Sở Tư pháp đã cấp 6.993 Phiếu LLTP, trong đó có 3.526 phiếu số 1 và 3.467 phiếu số 2, tăng 0,6% so với năm 2020; tỷ lệ hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp được trả đúng hạn đạt tỷ lệ 99%. Tiếp nhận 64 hồ sơ đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến; thực hiện nhiệm vụ xóa án tích cho 169 trường hợp đương nhiên được xóa án tích. Lập 965 hồ sơ LLTP, cập nhật việc tiếp nhận thông tin trên phần mềm đối với 5.510 thông tin LLTP do các cơ quan, đơn vị gửi đến, xử lý 2.155 thông tin, còn tồn đọng 2.628 thông tin; cung cấp 2.154 Phiếu cung cấp thông tin LLTP bổ sung (với 3.179 thông tin) cho Trung tâm LLTP quốc gia - Bộ Tư pháp; cung cấp 915 thông tin thuộc thẩm quyền lập LLTP của Trung tâm LLTP và các Sở Tư pháp khác trên toàn quốc. Triển khai thực hiện Quy chế số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53 ngày 29/6/2018 về việc phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP theo đúng trình tự, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp đã chuyển 7.019 hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP đồng thời đến Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia – Bộ Tư pháp, Cục Hồ sơ nghiệp vụ - Bộ Công an và Phòng Hồ sơ nghiệp vụ - Công an tỉnh trên đường truyền mạng, thông qua Phần mềm Hỗ trợ tra cứu, xác minh, thông tin để cấp Phiếu LLTP. Hầu hết trường hợp đều có kết quả xác minh đúng hoặc trước hạn đạt 99%, tỷ lệ hồ sơ trễ 1% hầu hết do đương sự có thông tin án tích, cần xác minh thêm.  

4. Công tác giải quyết, xét xử của Tòa án nhân dân (TAND)

Từ ngày 01/10/2020 đến 31/9/2021, TAND hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế thụ lý 3.779 vụ án các loại, đã giải quyết 3.203 vụ, đạt 84,8% (TAND tỉnh thụ lý 532 vụ, việc các loại, giải quyết 402 vụ, đạt 75,6%; các TAND cấp huyện thụ lý 3.247 vụ, giải quyết 2.801 vụ, đạt 86,3%).

Về án hình sự: TAND hai cấp thụ lý 901 vụ với 1.561 bị cáo, giải quyết 861 vụ với 1.433 bị cáo, đạt tỷ lệ 95,6% số vụ và 91,8% số bị cáo. Chất lượng xét xử án hình sự được đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Không có trường hợp nào xét xử oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Việc đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của từng vụ án, xem xét các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ khi quyết định hình phạt chính xác. Việc cho bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ được cân nhắc thận trọng, bảo đảm tính giáo dục phòng ngừa và thể hiện tính nhân đạo của pháp luật. Việc trả hồ sơ đúng quy định pháp luật, phối hợp tốt trong hoạt động tố tụng.

Án dân sự: thụ lý 867 vụ, đã giải quyết 519 vụ, đạt tỷ lệ 59,9%.

Án hôn nhân và gia đình: thụ lý 1.750 vụ, đã giải quyết 1.660 vụ, đạt tỷ lệ 94,9%.

Án kinh doanh thương mại: thụ lý 141 vụ, đã giải quyết 66 vụ, đạt tỷ lệ 46,8%.

Án lao động: thụ lý 10 vụ, đã giải quyết 8 vụ, đạt tỷ lệ 80%.

Chất lượng xét xử các vụ án dân sự (gồm tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động) cơ bản tốt, đảm bảo chính sách, pháp luật; một số loại tranh chấp phức tạp (tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp thừa kế nhà đất, tranh chấp đòi lại nhà đất cho ở nhờ, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất... đồng thời có nhiều vụ án liên quan đến người nước ngoài nên việc thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn, trở ngại hoặc đương sự không hợp tác...), TAND hai cấp đã nỗ lực cố gắng, tập trung xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết tốt loại án này, nhiều đơn vị đã kiên trì hòa giải nên tỷ lệ hòa giải thành cao. Trong giải quyết án dân sự, hôn nhân và gia đình, các thẩm phán chú trọng công tác hòa giải, có kế hoạch, lựa chọn thời điểm hòa giải thích hợp, phân tích, giải thích quyền và nghĩa vụ của các đương sự khi tham gia hòa giải, giải thích lợi ích của việc hòa giải thành, làm giảm tình trạng mâu thuẫn căng thẳng, xung đột trong xã hội.

Án hành chính: thụ lý 38 vụ, đã giải quyết 21 vụ, đạt tỷ lệ 55,3%. Án hành chính chủ yếu khởi kiện yêu cầu hủy quyết định hành chính của Chủ tịch UBND. TAND hai cấp đã đầu tư thu thập chứng cứ, phối hợp với các ngành để giải quyết tốt loại án này. Đặc biệt, chú trọng công tác đối thoại, tạo điều kiện thuận lợi để các bên đương sự đối thoại.

Xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án: thụ lý 68 vụ, đã giải quyết 68 vụ, đạt tỷ lệ 100%.

Số lượng vụ án hòa giải thành của Tòa án hai cấp (trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động): 1.625 vụ, đạt tỷ lệ 73,9%.

Công tác giải quyết, xét xử các loại án đều đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Xác định và phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp của cán bộ giữ chức danh tư pháp theo quy định của pháp luật; đảm bảo nguyên tắc độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết, xét xử các loại án. Quá trình xét xử các vụ án, việc tranh tụng tại phiên tòa được khuyến khích; quan tâm, chú trọng và không ngừng nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, theo nguyên tắc tranh tụng, tính dân chủ, công khai và đổi mới, đúng quy định của pháp luật; các bản án đều được tuyên rõ ràng, thuận lợi cho việc thi hành án; chất lượng giải quyết được nâng cao.

5. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm soát hoạt động tư pháp của VKSND

Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được thực hiện chặt chẽ, gắn với hoạt động điều tra, góp phần quan trọng chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn đầu tố tụng. VKSND hai cấp kiểm sát 1.290 tố giác, tin báo về tội phạm. Cơ quan điều tra đã giải quyết 1.135 tin báo đúng thời hạn (đạt tỷ lệ 100%). Viện kiểm sát tiến hành trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố 32 lượt tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, Hạt kiểm lâm cùng cấp và Công an xã, phường, đã ban hành kết luận, kiến nghị yêu cầu khắc phục các vi phạm. Qua công tác kiểm sát, VKSND hai cấp yêu cầu CQĐT khởi tố 29 vụ, 07 bị can; hiện CQĐT đã khởi tố 19 vụ, 07 bị can theo yêu cầu của Viện kiểm sát; Viện kiểm sát ban hành 03 quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan CSĐT sau đó ban hành yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án để điều tra theo quy định của pháp luật; ban hành 28 kiến nghị, 16 yêu cầu đối với CQĐT yêu cầu khắc phục các vi phạm, được CQĐT chấp nhận.

 Kiểm sát chặt chẽ việc bắt giam giữ, tạm giam; việc áp dụng, thay đổi và hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn của cơ quan điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Viện kiểm sát hai cấp hủy bỏ quyết định tạm giữ 01 trường hợp, không phê chuẩn lệnh bắt tạm giam bị can 02 trường hợp (do chưa đủ căn cứ theo Khoản 2 Điều 119 BLTTHS). Đã ban hành 22 kiến nghị đối với Cơ quan điều tra khắc phục các vi phạm trong hoạt động điều tra. Ngoài ra, VKSND hai cấp ban hành 36 kiến nghị đối với một số cơ quan ban ngành trên địa bàn nhằm ngăn ngừa và phòng chống tội phạm.

Triển khai sâu rộng, có chất lượng việc thực hiện chủ trương “Nâng cao chất lượng, hiệu quả tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa và phối hợp với Tòa án tổ chức tốt các phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp”, Viện Kiểm sát tiếp tục thực hiện các biện pháp nâng cao kỹ năng của Kiểm sát viên tại phiên tòa, chú trọng nâng cao chất lượng xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên; hầu hết Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử đã thực hiện tốt các thao tác nghiệp vụ cần thiết theo đúng trình tự, thủ tục Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, chất lượng tranh tụng tiếp tục được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Các mức án Tòa tuyên đều phù hợp với đề nghị của Viện kiểm sát. Việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không có trường hợp nào đình chỉ vì cấu thành tội phạm hay tòa án xét xử tuyên không có tội, không có vụ án nào Kiểm sát viên phải rút quyết định truy tố. VKSND hai cấp đã chủ động phối hợp với Tòa án tổ chức 135 phiên tòa rút kinh nghiệm (trong đó có 58 phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử bằng hình thức trình chiếu số hóa hồ sơ tại phiên tòa khi tranh luận, 04 phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến đến VKSND cấp huyện)...

6. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của Công an tỉnh

Công tác điều tra, xử lý tội phạm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bức cung, nhục hình và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch (thụ lý điều tra 918 vụ/1.624 bị can, trong đó kết thúc điều tra 680 vụ/1.216 bị can (truy tố 662 vụ/1.199 bị can, đình chỉ điều tra 18 vụ/17 bị can), tạm đình chỉ điều tra 32 vụ/13 bị can, đang điều tra 206 vụ/ 395 bị can). Chất lượng công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố ngày càng cao (tiếp nhận 1.161 tin (số cũ 87, mới 1060, phục hồi 14), đã giải quyết 1.063 tin (khởi tố 686, không khởi tố 337, tạm đình chỉ 40), đang giải quyết 98 tin). Tập trung rà soát, bắt, vận động, thanh loại 19 đối tượng truy nã; bắt, vận động 11 đối tượng có Quyết định truy nã của địa phương khác. Thực hiện khám nghiệm hiện trường 1.705 vụ việc, giám định 675 yêu cầu, qua đó đã kịp thời cung cấp những thông tin chính xác, phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Công tác thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù, quản lý, theo dõi, giám sát, giúp đỡ người thi hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn, người được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù, người chấp hành xong án phạt tù được thực hiện chặt chẽ, thống nhất (tính đến 25/11/2021, tạm giữ 376 lượt đối tượng, tạm giam 1.189 đối tượng;hiện đang quản lý 63 phạm nhân, 46 người bị kết án phạt tù còn ở ngoài xã hội, 417 người thi hành án tại xã, phường, thị trấn, 289 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương). Phối hợp xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho 46 phạm nhân, hoàn thành thủ tục đề nghị TAND tỉnh Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện 01 phạm nhân, đề nghị và được Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho 05 phạm nhân đủ điều kiện đặc xá theo quy định. Công tác quản lý vật chứng bảo đảm đúng quy định, đáp ứng yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Công tác bảo vệ phiên tòa, áp giải bị can, bị cáo phục vụ xét xử bảo đảm an toàn.

7. Công tác thi hành án dân sự

Kết quả thi hành án về việc: Từ 01/10/2020 đến 30/9/2021, tổng số bản án quyết định đã nhận là 3.195 bản án, quyết định; Tổng số giải quyết là 6.330 việc , trong đó: Số cũ chuyển sang (trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng) là 1.977 việc; Số thụ lý mới là 4.353 việc, giảm 64 việc (giảm 1,45%) so với năm 2020. Sau khi trừ đi số ủy thác 143 việc, số thu hồi, hủy quyết định thi hành án 01 việc, tổng số phải thi hành là 6.186 việc, trong đó: Số có điều kiện thi hành là 4.667 việc, chiếm 75,44% trong tổng số phải thi hành; Số chưa có điều kiện (trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng) là 1.500 việc, chiếm 24,25% trong tổng số phải thi hành. Trong số có điều kiện thi hành, số thi hành xong là 3.899 việc, giảm 192 việc (giảm 4,69%) so với năm 2020; đạt tỷ lệ 83,54% (giảm 1,04% về tỷ lệ) so với năm 2020. Vượt 1,04% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao. Tổng số việc chưa có điều kiện thi hành án chuyển sang sổ theo dõi riêng là 729 việc. Số việc chuyển kỳ sau 2.287 việc, tăng 188 việc (tăng 8,96%) so với năm 2020.

Kết quả thi hành án về tiền: Tổng số giải quyết là 1.397 tỷ 818 triệu 724 nghìn đồng, trong đó: Số cũ chuyển sang (trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng) là 818 tỷ 724 triệu 205 nghìn đồng; số thụ lý mới là 579 tỷ 94 triệu 519 nghìn đồng, tăng 99 tỷ 36 triệu 382 nghìn đồng (tăng 20,63%) so với năm 2020. Sau khi trừ đi số ủy thác là 368 tỷ 632 triệu 927 nghìn đồng; số thu hồi, hủy quyết định thi hành án 603 triệu 160 nghìn đồng; tổng số phải thi hành là 1.028 tỷ 582 triệu 637 nghìn đồng, trong đó: Số có điều kiện thi hành là 606 tỷ 976 triệu 660 nghìn đồng, chiếm 59,01% trong tổng số phải thi hành; số chưa có điều kiện (trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng) là 407 tỷ 171 triệu 576 nghìn đồng, chiếm 39,59% trong tổng số phải thi hành. Trong số có điều kiện thi hành, số thi hành xong là 296 tỷ 365 triệu 635 nghìn đồng, tăng 16 tỷ 652 triệu 250 nghìn đồng (tăng 5,95%) so với năm 2020; đạt tỉ lệ 48,83% (giảm 2,91% về tỷ lệ) so với năm 2020. Vượt 8,73% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao. Tổng số tiền chưa có điều kiện thi hành án chuyển sang sổ theo dõi riêng là 145 tỷ 119 triệu 797 nghìn đồng. Số tiền chuyển kỳ sau 732 tỷ 217 triệu 2 nghìn đồng, tăng 115 tỷ 361 triệu 732 nghìn đồng (tăng 18,7%) so với năm 2020.

Công tác theo dõi thi hành án hành chính: Trong năm 2021, TAND đã chuyển sang cho các cơ quan Thi hành án dân sự 2 cấp trên địa bàn tỉnh 07 bản án, quyết định hành chính không có nội dung theo dõi thi hành (chỉ có 10 việc thi hành án dân sự chủ động đã được Cục Thi hành án dân sự tỉnh tổ chức thi hành xong).

Các tin khác
Xem tin theo ngày