Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.824.779
Truy cập hiện tại 13.887
Thừa Thiên Huế triển khai các giải pháp phát triển tổ chức hành nghề công chứng
Ngày cập nhật 29/12/2021

Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng (Nghị quyết số 172/NQ-CP) xây dựng những chính sách, giải pháp nhằm giúp ổn định, tạo môi trường lành mạnh cho hoạt động công chứng, phát huy đúng và hiệu quả vai trò, chức năng xã hội của công chứng viên như Luật Công chứng năm 2014 đã ghi nhận là “nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển kinh tế - xã hội”.

 

Triển khai các giải pháp phát triển tổ chức hành nghề công chứng bảo đảm ổn định, bền vững gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội

Để triển khai Nghị quyết số 172/NQ-CP một cách đồng bộ, hệ thống, phân định rõ trách nhiệm của từng ngành, đảm bảo tiến độ phù hợp, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 08/02/2021. Đồng thời, các cơ quan chú trọng công tác thông tin, truyền thông về Nghị quyết số 172/NQ-CP và các quy định pháp luật liên quan đến công chứng để nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công chứng một cách đầy đủ. Đặc biệt, các cơ quan, Hội Công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm pháp luật về thuế khi tham gia các hợp đồng, giao dịch nhằm hạn chế tình trạng thất thu thuế trong lĩnh vực bất động sản.

 Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng Hệ thống quản lý công chứng, chứng thực và ngăn ngừa thất thu thuế tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng dự toán là 3.001.813.000 đồng (Bằng chữ: Ba tỷ không trăm lẻ một triệu, tám trăm mười ba nghìn đồng). Tại Kế hoạch số 290/KH-UBND ngày 21/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành Tư pháp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ nhiệm vụ xây dựng Hệ thống nêu trên, thời gian dự kiến thực hiện là từ năm 2021 - 2023. Hiện tại, Thừa Thiên Huế đang sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ công chứng ceNM và thực hiện quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo Quy chế được ban hành kèm theo Quyết định số 35/2019/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh.  

Để bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại Nghị quyết số 172/NQ-CP, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 41/2021/QĐ-UBND ngày 09 tháng 7 năm 2021 quy định tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Thay thế Quyết định số 22/2016/QĐ-UBND ngày 19 tháng 4 năm 2016 và Quyết định số 59/2019/QĐ-UBND ngày 01 tháng 10 năm 2019). Xây dựng Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng tại địa phương (Đề án) nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục xã hội hóa hoạt động công chứng, bảo đảm phát triển nghề công chứng phù hợp với định hướng của Luật Công chứng, Nghị quyết số 172/NQ-CP và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 Sở Tư pháp đã thực hiện 02 cuộc thanh tra, 01 đợt kiểm tra chuyên đề, kiểm tra thực hiện Kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật về công chứng, chứng thực tại các tổ chức hành nghề công chứng. Qua đó ghi nhận những kết quả đạt được đồng thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong công tác công chứng đối với các tổ chức này và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công chứng đối với 02 trường hợp.

Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Cục thuế tỉnh, Cục Thi hành án Dân sự và các cơ quan liên quan đã tăng cường công tác phối hợp chỉ đạo, giám sát, trao đổi thông tin về tình hình tổ chức và hoạt động công chứng nhằm phát hiện, điều tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi giả mạo tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên, người yêu cầu công chứng, giấy tờ liên quan đến hoạt động công chứng; lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp; lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời bảo đảm quyền hành nghề hợp pháp của công chứng viên.

Nhìn chung, hoạt động công chứng tiếp tục có bước phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức. Trong năm 2021, các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện 50.643 công chứng hợp đồng, giao dịch, 777 công chứng bản dịch và các loại việc khác; thu trên 24,925 tỷ đồng phí công chứng; nộp ngân sách/thuế trên 2,9 tỷ đồng. 

Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế trong hoạt động công chứng

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế còn một số khó khăn, hạn chế. Trong công tác quản lý nhà nước, một số nhiệm vụ chưa thực hiện được, như: Tạo điều kiện hỗ trợ về cơ sở vật chất để Hội công chứng viên thực hiện tốt nhiệm vụ tự quản theo đúng quy định của Kết luận số 102-KL/TW ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Bộ Chính trị về hội quần chúng; chế độ tài chính cho 02 Phòng công chứng nhằm giải quyết một số bất cập về tài chính của Phòng công chứng; tạo điều kiện hỗ trợ thành lập các tổ chức hành nghề công chứng tại các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để đáp ứng yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức,..

Trong hoạt động công chứng, tình trạng lừa đảo có dấu hiệu gia tăng, nhất là việc sử dụng giấy tờ, tài liệu giả. Tình trạng cạnh tranh chưa thật sự bình đẳng giữa các Văn phòng công chứng và Phòng công chứng. Có hiện tượng thất thu thuế trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản thông qua việc hủy các hợp đồng, giao dịch (Năm 2020 là 804 trường hợp, năm 2021 là 1.964 trường hợp (tăng 144,27%). Một số công chứng viên chưa chấp hành nghiêm quy định pháp luật và đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề công chứng.

Nguyên nhân chủ yếu được xác định do chưa có quy định về chế độ tài chính đối với hoạt động quản lý nhà nước để tăng cường các giải pháp, hoạt động quản lý nhà nước. Cơ quan Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể đối với một số nhiệm vụ trong triển khai Nghị quyết 172/NQ-CP. Tỉnh chưa có cơ sở dữ liệu quản lý công chứng, chứng thực liên thông với các cơ quan, địa phương để chia sẻ thông tin, tăng cường quản lý nhà nước. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước có lúc thiếu đồng bộ, kịp thời. Việc phối hợp giữa các tổ chức hành nghề công chứng và một số cơ quan (cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài) trong hoạt động công chứng đôi lúc thiếu thuận lợi.

 Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành còn một số bất cập, như: Chưa quy định thành phần hồ sơ chứng minh thành viên hợp danh có góp vốn vào Văn phòng công chứng (Khoản 1 Điều 19 Thông tư số 01/2021/TT-BTP ngày 03/ 02/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng không quy định hồ sơ phải có văn bản về cam kết góp vốn của thành viên hợp danh được bổ sung. Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020  của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, không có quy định về việc xử phạt đối với hành vi công chứng viên hợp danh không thực hiện góp vốn và văn phòng công chứng có công chứng viên hợp danh không góp vốn); chưa quy định thời gian chuyển tiếp trước khi Văn phòng công chứng bị thu hồi quyết định cho phép thành lập khi thuộc các trường hợp quy định tại Điều 30 Luật Công chứng năm 2014 (ví dụ như tạm đình chỉ hoạt động để xem xét, giải quyết các thủ tục thu hồi quyết định),...

Trong hoạt động công chứng, nhiều quy định pháp luật trong các văn bản (Bộ Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Hôn nhân và Gia đình,...) chưa đồng bộ, thống nhất, một số còn mâu thuẫn, chồng chéo, dẫn đến nhiều cách hiểu, cách áp dụng pháp luật khác nhau giữa các tổ chức hành nghề công chứng, như: Một số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất không chứng minh được lý do đứng tên một người mà không ghi rõ nguồn gốc; tình trạng đơn ngăn chặn của cá nhân gửi đến, có hiệu lực pháp lý hay không và có là cơ sở tạm ngừng giao dịch không, tạm ngừng bao lâu chưa được quy định cụ thể; nếu có tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại do không thực hiện việc công chứng thì trách nhiệm như thế nào?; các quy định liên quan đến vấn đề thừa kế, xác định tài sản riêng, chung của vợ chồng, tài sản thuộc sở hữu của hộ gia đình,...

Tình trạng thất thu thuế có nguyên nhân từ quy định pháp luật: Bộ luật dân sự cho phép hủy hợp đồng, giao dịch trên tinh thần tự nguyện, thỏa thuận của các bên; cho phép các bên thỏa thuận giá cả trong hợp đồng, giao dịch. Quy định về ủy quyền được áp dụng trong các trường hợp giao dịch nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đất. Ngoài việc tuyên truyền, giải thích, vận động người dân chấp hành pháp luật, chưa có quy định nào cho phép công chứng viên áp dụng trong trường hợp nhận biết các bên tham gia giao dịch kê khai giá trị tài sản thấp so với thị trường.

Một số tổ chức hành nghề công chứng có thời gian thành lập, hoạt động chưa lâu (trong khoảng 02-03 năm) nên thiếu kinh nghiệm, nghiệp vụ chuyên môn; nhân sự chưa ổn định.

Từ những khó khăn, hạn chế trong hoạt động công chứng nói chung và triển khai Nghị quyết số 172/NQ-CP nói riêng, các cơ quan chức năng cần xem xét, hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực công chứng, góp phần tăng cường quản lý nhà nước trong công tác này. Hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan để thống nhất trong hoạt động công chứng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động này phát triển bền vững. Quy định nội dung chi, mức chi trong công tác quản lý nhà nước về công chứng (và các lĩnh vực bổ trợ tư pháp nói chung) để tăng cường các giải pháp quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày