Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.824.779
Truy cập hiện tại 13.858
Kết quả thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững tỉnhThừa Thiên Huế năm 2021
Ngày cập nhật 09/12/2021

Sản xuất và tiêu dùng bền vững đang là xu thế tất yếu hiện nay, trên cơ sở đó ngày 24/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 nhằm mục tiêu: thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

 

1. Chính sách và kế hoạch liên quan đến sản xuất tiêu dùng bền vững tại tỉnh Thừa Thiên huế

Cụ thể hóa Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ (Chương trình), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hànhKế hoạch số 181/KH-UBND ngày 30/7/2020 về hành động thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Đồng thời,đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng trực thuộc trên địa bàn tỉnh căn cứ chức năng quản lý, tham mưu triển khai lồng ghép vào Nghị quyết của Tỉnh ủy, các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Nhiệm vụ liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững

Xây dựng mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi vòng đời sản phẩm

Đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình kết nối cung cầu giữa các cơ sở sản xuất với các đơn vị tiêu thụ, nhà phân phối trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh theo hướng kết hợp trực tuyến và trực tiếp; tăng cường hoạt động xúc tiến; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm có chứng nhận VietGap, GlobalGap, OCOP, các nông sản đảm bảo về chất lượng, các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm,… đến các doanh nghiệp, nhà phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ kết nối tiêu thụ. Tuyên truyền, khuyến khích người dân trong tỉnh sử dụng sản phẩm hàng hóa của tỉnh gắn với các hoạt động triển khai thực hiện hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thông qua chương trình khuyến công, địa phương đã giúp nâng cao nhận thức của các cá nhân, cơ sở sản xuất và chính quyền các cấp về phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, khôi phục một số nghề và làng nghề truyền thống, thu nhập và phát triển ngành nghề mới; công tác phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề ở các địa phương đã được quan tâm. Hoạt động hỗ trợ đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường hướng đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, nâng cao nhận thức của cơ sở trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất; khuyến khích các cơ sở mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, hạn chế việc khai thác làm cạn kiệt nguồn tài nguyên nhiên nhiên, giảm tối đa việc sử dụng nguồn tài nguyêntự nhiên.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 2543/QĐ-UBND ngày 12/10/2021 quy định bộ tiêu chí, cách thức lựa chọn sản phẩm chủ lực địa phương và khung giải pháp hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; tỉnh chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức lựa chọn sản phẩm chủ lực cấp huyện và đề xuất danh mục cấp tỉnh trên địa bàn quản lý; triển khai hiệu quả Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021”.

Xây dựng và phát triển mạng lưới liên kết hợp tác bền vững giữa cơ sở phân phối bán lẻ với các nhà cung ứng về sản phẩm thân thiện môi trường

Trong năm 2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạchkhuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử; lồng ghép thực hiện với chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm (OCOP),…theo hướng hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn gắn với các nhiệm vụ triển khai Kế hoạch thực hiện đề án phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2021 nhằm hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tăng năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ thiết kế mẫu mã sản phẩm; kết nối, tìm kiến thị trường tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp nông thôn và cung cấp thông tin kịp thời cho cơ sở công nghiệp nông thôn để định hướng sản xuất phù hợp với nhu cầu phát triển của thị trường.

Đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, cung cấp thông tin thị trường, nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa như: cung cấp thông tin thường xuyên và đầy đủ về tình hình phòng, chống dịch ở Covid-19 ở các thị trường đối tác xuất khẩu cho doanh nghiệp nhằm chủ động có kế hoạch xuất khẩu phù hợp; hướng dẫn doanh nghiệp vận dụng các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như UKVFTA, EVFTA, CPTPP,... nhằm mở rộng, tiếp cận thị trường xuất khẩu mà Việt Nam và đối tác đã có những chính sách ưu đãi.

Tổ chức các hội thảo, tập huấn khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; nâng cao nhận thức, vai trò của đo lường trong doanh nghiệp, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; quảng bá, triển lãm các sản phẩm chủ lực của tỉnh được hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá năm 2021; tăng cường đổi mới hoạt động đo lường trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu;...

Đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại và đổi mới sáng tạo trong sản xuất và tiêu dùng bền vững thông qua các dự án khuyến công, dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Xây dựng tài liệu, tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, các mô hình, thực hành tốt về sản xuất tiêu dùng bền vững tại địa phương

Chỉ đạo Sở Công Thương tổ chức tuyên truyền công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin địa chúng. Thông qua công tác thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tuyên truyền về vai trò của an toàn thực phẩm tác động đến sức khỏe mỗi người, nêu rõ nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người dân, người lao động trong việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và tác hại của việc sử dụng thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ góp phần nâng cao ý thức người lao động, chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết về biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 01/11/2019 về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019 - 2030. Đẩy mạnh sử dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt; nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về sử dụng năng lượng; tạo chuyển biến từ nhận thức sang các hành động cụ thể để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các công nghệ liên quan nhằm thúc đẩy thực hành sản xuất và tiêu dùng bền vững. Triển khai áp dụng Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theoTiêu chuẩn HACCP, Tiêu chuẩn thực hành sản xuất Nông nghiệp tốt theo VietGAP; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất đặc sản Huế áp dụng công cụ quản lý thực hành sản xuất tốt theo Tiêu chuẩn GMP.

Áp dụng các hoạt động, mô hình về sản xuất tiêu dùng bền vững tại địa phương

Việc triển khai áp dụng các hoạt động, mô hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn tỉnh năm 2021 chủ yếu được thực hiện thông qua Chương trình khuyến công, khoa học công nghệ. Theo đó, hoạt động khuyến công, khoa học công nghệ đã từng bước hỗ trợ có hiệu quả, huy động được các nguồn lực đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, góp phần tạo ra các năng lực sản xuất mới thúc đẩy thực hiện hiệu quả hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn tỉnh.

3. Những thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai thực hiện

Thuận lợi

- Mặc dù đại dịch Covid-19 xảy ra với nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên, tỉnh đã thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, các giải pháp hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ người dân,... Nhờ đó, có tác động tích cực đến với doanh nghiệp, người dân trong nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng xã hội phòng chống Covid-19, đặc biệt nổi bật trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, doanh nghiệp, thương mại dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao,…đã có cơ hội mở rộng lĩnh vực dịch vụ, tăng doanh thu góp phần cơ hội cho khởi nghiệp phát triển; việc chuyển đổi sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm. Đồng thời, triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ từ Trung ương kết hợp với đánh giá, nhận định, chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng để đưa ra các giải pháp phù hợp tình hình thực tế của địa phương nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, phục hồi sản xuất kinh doanh, đổi mới phương thức sản xuất phù hợp, thích ứng kịp thời trong trạng thái bình thường mới.

- Việc thay đổi theo mô hình sản xuất và tiêu dùng là một hoạt động đảm bảo sự phát triển lâu dài, bền vững và là xu hướng tất yếu của tương lai. Tiềm năng tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, năng lượng trong các ngành công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế còn rất lớn, đây là cơ sở cho việc áp dụng các giải pháp sản xuất bền vững. Tỉnh Thừa Thiên Huế về cơ bản đã có những tiền đề thuận lợi để phát triển mạnh hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững trong thời gian tới.

Khó khăn

- Đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các ngành, lĩnh vực; các ngành hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng, cụ thể: chuỗi cung ứng gián đoạn; một số đơn hàng và sản lượng giảm mạnh phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư, thậm chí huỷ dự án đang hoặc sẽ thực hiện; chi phí sản xuất tăng cao do giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển, logistics tăng mạnh, giá tiêu thụ nông sản giảm; đặc biệt chịu ảnh hưởng trực tiếp là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch; ngành dịch vụ giao thông vận tải, xây dựng; các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu; doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản; ngành công nghiệp dệt may, sản xuất bia; các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống, dịch vụ giáo dục, đào tạo.

- Thực trạng các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực ứng dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến còn hạn chế, dẫn đến trong quá trình hoạt động sản xuất gây ra sự hao phí lớn về năng lượng. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, kèm theo khó khăn về tài chính cũng không cho phép những doanh nghiệp này đầu tư trang thiết bị hiện đại để có hiệu suất sử dụng năng lượng cao. Đa số các doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn không đủ năng lực về tài chính để áp dụng sản xuất và tiêu dùng bền vững; trình độ tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, hiện đại thân thiện với môi trường còn hạn chế. Nguồn nhân lực thực hiện chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại doanh nghiệp cũng còn hạn chế, chưa được thường xuyên cập nhật kiến thức về chuyên môn đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động của doanh nghiệp. Nguồn vốn đầu tư cho sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng với nhu cầu thực tiễn.

- Các quy định về sản xuất và tiêu dùng bền vững hiện nay còn chung chung,hoạt động hỗ trợ kỹ thuật đã triển khai còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Về nhận thức, tuy đã có chuyển biến, nhưng nhìn chung, nhận thức của xã hội đối với hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững còn hạn chế.

 

4. Đề xuất, kiến nghị

Để triển khai các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững đảm bảo được sâu rộng và đạt được các mục tiêu đề ra theo giai đoạn, các cơ quan chức năng cần quan tâm một số nội dung sau:

- Đánh giá, xác định cụ thể thực trạng hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững ở nước ta; từ đó có các chương trình, đề án cụ thể, có sự triển khai đồng bộ và tích cực từ các đối tượng khác nhau, các địa phương, các bộ/ngành, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cộng đồng.

- Ban hành cáctiêu chí, công cụ hướng dẫn về sản xuất và tiêu dùng bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; chính sách khuyến khích, ưu đãi tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường;

- Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ xây dựng tài liệu tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về sử dụng hiệu quả tài nguyên, thiết kế bền vững, sản xuất bền vững, phân phối bền vững; mua sắm bền vững… qua đó chuẩn hóa tài liệu tuyên truyền, làm cơ sở cho các địa phương triển khai phù hợp với tình hình thực tiễn địa bàn quản lý.       

- Quan tâm bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của Chương trình theo quy định, trong đó ưu tiên nội dung đã được đăng ký triển khai trong năm 2022 mà Sở Công thương đã đăng ký.

 

Thủy Phương
Các tin khác
Xem tin theo ngày