Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
TÀI LIỆU PHỔ BIẾN, TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Ngày cập nhật 11/11/2022

TÀI LIỆU PHỔ BIẾN, TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT

VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

(TÌNH HUỐNG GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT)

(Kèm theo Công văn số 2183 /STP-BTTP ngày 08/11/2022 của Sở Tư pháp)

I. TÌNH HUỐNG GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬTLIÊN QUAN ĐẾN QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC AN NINH, TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI; PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN XÃ HỘI; PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY; CỨU NẠN, CỨU HỘ; PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH

1. Gia đình ông Võ Văn M sinh sống tại xã KN huyện NH, ở nơi giáp ranh với khu đô thị QGS. Nhà ông nuôi đàn bò có 5 con. Do thói quen và để thuận tiện, ông thường thả rông đàn bò đi vào các  con đường hoặc các bãi cỏ  trong khu đô thị để ăn cỏ. Trong trường hợp này, hành vi của A có phải là hành vi vi phạm hành chính không? Nếu có thì xử lý thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (Nghị định số 144/2021/NĐ-CP) quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một số hành vi, trong đó có hành vi tại điểm b: “Thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng;”. Như vậy, với hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị, ông M sẽ bị phạt tiền cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

2. Ông Lê Văn S. sống tại phường KX, thành phố PT, làm nghề thợ xây. Ông nghiện rượu nặng. Chiều nào cũng đem bàn, ghế, rượu... ra công viên gần nhà, uống rượu say mèm rồi chọc ghẹo, chửi bới, đe dọa nguời dân đang vui chơi ở đó. Khi lực lượng bảo vệ đến nhắc nhở thì ông càng hung hãn hơn, lợi dụng có uống rượu càng lớn tiếng chửi bới, văng tục, dùng bàn, ghế, gậy gỗ, đồ nghề xây dựng như bay, xẻng… dọa đánh bảo vệ và những người xung quanh, gây mất trật tự công cộng.Với hành vi thường xuyên gây rối ở nơi công cộng như vậy, ông S có vi phạm pháp luật không. Nếu có thì xử lý như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một số hành vi, trong đó có hành vi tại điểm a: “a) Sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng;”. Như vậy, đối với hành vi sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng, ông S sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Ngoài ra, ông S còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 13 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, cụ thể ở đây là tịch thu các vật dụng: bàn, ghế, gậy gỗ, bay, xẻng… mà ông S dùng để đe dọa, gây mất trật tự công cộng.

3. Chị Nguyễn Thị M ở phường TH, thành phố HM trong khi say rượu, đã gọi điện thoại đến trực ban Cảnh sát 113, Công an tỉnh TG, báo đang bị đánh đập, hành hạ. Qua quá trình làm việc với cơ quan chức năng, chi M, thừa nhận đã gọi điện vào số trực ban 113 , khi đang say rượu. Chị này tường trình lý do gọi là để trêu đùa chứ thực tế không bị đánh đập, hành hạ như trình báo. Với hành vi này, chị M có bị xử phạt không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một số hành vi, trong đó có hành vi tại điểm c: “Báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”. Như vậy, với hành vi gọi điện đến trực ban Cảnh sát 113 để báo tin giả là mình bị đánh đạp, hành hạ, chị M sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

4. Do có mâu thẫn với một nhóm thanh niên trên facebook, LVD ở tại xã PK, huyện DS đã hẹn với nhóm thanh niên này để giải quyết. D đã rủ thêm một số thanh niên mang theo mã tấu, dao tự chế để đánh nhau. Đang trên đường đi đến điểm hẹn thì cả nhóm bị Cảnh sát 113 phát hiện và bắt giữ. Hành vi của nhóm thanh niên này bị xử lý như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 4 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một số hành vi, trong đó có hành vi tại điểm b: “b) Mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương; đồ vật, phương tiện giao thông nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác;”. Như vậy, D và nhóm thanh niên mang theo các loại vũ khí thô sơ (mã tấu, dao tự chế) nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác sẽ bị phạt tiền từ từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Ngoài ra, D và nhóm thanh niên nói trên còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm a khoản 13 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, d, đ và g khoản 2; điểm đ khoản 3; các điểm b, e và i khoản 4; các điểm a, b và c khoản 5; các khoản 6 và 10 Điều này;". Cụ thể là tịch thu mã tấu, dao tự chế mà D và nhóm thanh niên này mang theo để đi đánh nhau.

5. Gia đình ông Ngô Văn S và ông Lê Thái M ở cạnh nhà nhau. Gần đây, hai gia đình xảy ra mâu thuẫn do tranh chấp về ranh giới đất. Trong một lần cãi vã, ông S đã dùng ghế gỗ đánh mạnh vào người ông M, gây chảy máu và thương tích ở chân. Ông M phải đi điều trị tại bệnh viện. Pháp luật xử lý như thế nào đối với hành vi của ông S.

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 5 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một số hành vi, trong đó có hành vi tại điểm a: “a) Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;”. Như vậy, đối với hành vi của ông S dùng ghế đánh ông M gây thương tích nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì ông S sẽ bị phạt tiền từ từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

Ngoài ra, ông S còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm a khoản 13 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, d, đ và g khoản 2; điểm đ khoản 3; các điểm b, e và i khoản 4; các điểm a, b và c khoản 5; các khoản 6 và 10 Điều này;". Cụ thể là tịch thu chiếc ghế mà ông S đã dùng để gây thương tích cho ông M.

Đồng thời, ông S còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm đ khoản 14 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “đ) Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1, điểm c khoản 2, điểm b khoản 3 và điểm a khoản 5 Điều này”. Như vậy, ông S phải chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho ông M.

6. Nhà ông Phạm Văn P ở tại tổ 5 phường KV, thành phố ST mới sắm được dàn karaoke. Từ ngày đó, gần như đêm nào ông P cũng tổ chức ăn nhậu, hát karaoke đến tận khuya, nhiều khi hát đến 1 giờ sáng hôm sau, gây ồn ào, mất trật tự chung. Khi hàng xóm sang nhắc nhở, ông còn lớn tiếng thách thức, chửi bới. Sự việc được báo lên chính quyền địa phương. Ông P sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những  hành vi vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung, trong đó có hành vi tại điểm a: “a) Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau;”. Như vậy, với hành vi hát karaoke đến tận 1 giờ sáng của ngày hôm sau, Ông P sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

7. Bà Lê Thị N cư trú tại phường K, thành phố HQ. Sau đó, bà mua nhà và chuyển nơi cư trú sang phường TS đến nay đã gần 20 năm. Mặc dù đã cư trú và đủ điều kiện đăng ký cư trú ở phường TS, nhưng bà N vẫn không làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký cư trú từ phường K sang phường TS. Việc bà N không làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký cư trú  có vi phạm pháp luật không? Nếu có vi phạm thì xử lý như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú, trong đó có hành vi tại điểm d: “d) Đã cư trú tại chỗ ở hợp pháp mới, đủ điều kiện đăng ký cư trú nhưng không làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký cư trú theo quy định của pháp luật;”. Như vậy, với hành vi không làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký cư trú, bà N sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

8. Bà Vũ Linh K có một ngôi nhà ở khá rộng và đẹp. Nơi bà ở là phương TL, TH HK gần với địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh. Nhà rộng lại ít người nên bà có dành 02 phòng ở tầng 2 cho khách du lịch thuê để kiếm thêm thu nhập. Mỗi lần cho thuê từ 1 đến 2 khách. Vì cho là nhà gia đình đang ở, chỉ cho thuê mỗi lần từ 4 đến 6 khách du lịch đến lưu trú nên bà K không  thực hiện thông báo việc lưu trú với cơ quan chức năng. Việc làm này của bà K có vi phạm pháp luật không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú, trong đó có hành vi tại điểm b: “b) Kinh doanh lưu trú, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú không thực hiện thông báo việc lưu trú từ 04 đến 08 người lưu trú”. Như vậy, với hành vi kinh doanh lưu trú không thực hiện thông báo việc lưu trú, bà K sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.

9. Nguyễn Văn A ở tại xã NH huyên NC là người lười biếng, đua đòi lại ham đánh bạc nên nợ nần chồng chất. Túng quá hóa liều, A đã đem thẻ Căn cước công dân của mình đi cầm cố để lấy tiền tiêu xài với số tiền là 300.000 đồng, với lãi xuất 0,2%/ngày. Ông Phạm Văn X là người nhận cầm cố cũng là người ở cùng xã với A. Hành vi của A và ông X bị xử lý thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 4 Điều 10 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân, trong đó có hành vi tại điểm c: “c) Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân”. Với hành vi cầm cố và nhận cầm cố thẻ Căn cước công dân, A và ông X sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

Ngoài ra, A và ông X còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 5 Điều 10 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP là: “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm b và c khoản 2, điểm a khoản 3 và các điểm a, b, c và d khoản 4 Điều này”.

Ông X còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm b khoản 6 Điều 10 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP là: “b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 4 Điều này”.

10. Bị mất Giấy chứng minh nhân dân, lại chưa làm thẻ Căn cước công dân, lợi dụng tình thân bạn bè, Phạm Văn R đã mượn thẻ Căn cước công dân của Võ Văn P để mua vé máy bay. R tặng P 01 đôi găng tay len để cảm ơn P dã cho mượn  thẻ Căn cước công dân. Vụ việc bị phát hiện. R và P bị xử lý thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 4 Điều 10 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân, trong đó có hành vi tại điểm đ: “đ) Mượn, cho mượn Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật”.

Ngoài ra, R và P còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 6 Điều 10 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP là: “a) Buộc nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 và điểm đ khoản 4 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 4 Điều này”.

11. Một lần đi làm nương, Vi Văn K ở xã  AT, huyên miền núi PQ nhặt một quả lựu đạn và đã đem quả lựu đạn này về nhà để tháo lấy thuốc nổ. Nhận được tin báo của nhân dân, công an xã AT đã đến nhà K và bắt quả tang K đang tháo quả lựu đạn để lấy thuốc nổ. Hành vi của K bị xử lý như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 4 Điều 11 Nghị định số Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm, trong đó có hành vi tại điểm h: “h) Cưa, cắt, đục hoặc thực hiện các thao tác khác để tháo bom, mìn, đạn, lựu đạn, quả nổ, ngư lôi, thủy lôi và các loại vũ khí khác trái phép”. Như vậy, việc K tháo quả lựu đan để  lấy thuốc nổ là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng

Ngoài ra, K còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy dịnh tại điểm a khoản 7 Điều 11 Nghị định số Nghị định số 144/2021/NĐ-CP “a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm d và đ khoản 1; các điểm a, b, c, e và g khoản 2; các điểm a, c, d, đ, e, h, i và k khoản 3; các điểm a, b, c, d, đ, e, h và i khoản 4 và khoản 5 Điều này”.

12. Nguyễn Van D là con của ông Nguyễn Văn K, ở tại xã HC, huyện KS. D là đổi tượng ăn chơi, lêu lổng. Để có tiền tiêu xài, một lần dùng xe máy của ông K đi giao hàng cho khách, D đã lấy xe máy của ông K cùng toàn bộ giấy tờ mang tên ông K đi cầm cố tại hiệu cầm đồ của bà N để lấy số tiền 1.000.000 vỡi lãi suất 0,2%/ngày.  Hành vi vi phạm sẽ bị xử lý thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, trong đó có hành vi quy định tại điểm l: “l) Nhận cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác nhưng không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố”.

Như vậy, với hành vi nhận cầm cố chiếc xe máy thuộc sở hữu của ông K nhưng không có giấy ủy quyền hợp lệ của ông K cho D mang tài sản đi cầm cố, bà N bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Ngoài ra, bà N còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 7 Điều 12 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi quy định tại các điểm đ, i, k, l, m, n và r khoản 3; các điểm d, đ và k khoản 4 và điểm b khoản 5 Điều này;”.

13. Hà Văn B là đối tượng hư hỏng ở tại xã BS, huyên BC. Một lần đi qua nhà ông G ở cùng xã, thấy chiếc xe máy cũ để ngoài sân, B đã lấy trộm rồi đem tới tiệm cầm đồ của ông Q cầm cố chiếc xe máy lấy 300.000 đồng. Biết B là đối tượng chuyên trộm cắp, khi cầm cố không có giấy tờ sở hữu nhưng ông G vẫn cho cầm cố xe và đưa tiền cho B, lãi suất 0,2%/ngày. Cơ quan chức năng đã phát hiện sự việc. Hành vi của ông G bị xử phạt thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 5 Điều 12 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, trong đó có hành vi quy định tại điểm b: “b) Nhận cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do người khác phạm tội mà có nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Như vậy, với hành vi nhận cầm cố tài sản do trộm cắp nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, ông G sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Ngoài ra, ông G còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại:

- Điểm b khoản 6 Điều 12 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “Tước quyền sử dụng Giấy phép, Chứng chỉ hành nghề, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng đối với các hành vi vi phạm quy định tại các điểm h và q khoản 3; điểm d khoản 4 và khoản 5 Điều này”.

- Điểm d khoản 6 Điều 12 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi định tại các điểm b, c, h, m, n và r khoản 3; các điểm c và k khoản 4 và các điểm b, đ và e khoản 5 Điều này”.

Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền, biện pháp xử phạt bổ sung, ông G còn bị thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 12 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi quy định tại các điểm đ, i, k, l, m, n và r khoản 3; các điểm d, đ và k khoản 4 và điểm b khoản 5 Điều này”.

14. Do túng thiếu, nợ nần nên Nguyễn Văn A ở tại xã PH, huyện KG đã đột nhập vào nhà ông Lê Văn M ở cùng xóm để trộm tài sản, và lấy trộm 2 con gà và một bao thóc để bán, nhưng đã bị ông M phát hiện và bắt giữ. Hạnh động này của A bị phạt thế  nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác, trong đó có hành vi quy định tại điểm a: “a) Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản”.

Như vậy, với hành vi vào nhà ông M lấy trộm gà và thóc, A sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Ngoài ra, A còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm a khoản 3 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 và các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều này;”, cụ thể là A bị tịch thu 2 con gà và bao thóc mà A đã lấy trộm được.

15. Hoàng Văn S ở tại xã ĐK, huyện SX lấy trộm được chiếc điện thoại cũ và đem về cho người yêu là Lê Thị B nhờ bán giúp. Mặc dù biết là điện thoại do S trộm cắp được nhưng B vẫn đem bán chiếc điện thoại giúp cho S được 300.000 đồng. Hành vi của B có vi phạm pháp luật không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác, trong đó có hành vi quy định tại điểm d: “d) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có”.

Như vậy, với hành vi bán chiếc điện thoại mà S lấy trộm được, B sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Ngoài ra, B còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều này”. Cụ thể là nộp lại số tiền 300.000 đồng do bán điện thoại.

16. Bà Lê Thị X ở tại số 15 đường LVD, phường TS, thành phố  LH là chủ họ, mà thành viên là chị em tiểu thương ở chợ S. Thời gian sau, bà chuyển nơi cư trú khác mà không thông báo cho các thành viên. Hành vi của bà X có vi phạm pháp luật không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về họ, hụi, biêu, phường, trong đó có hành vi quy định tại điểm a: “a) Không thông báo cho các thành viên về nơi cư trú mới trong trường hợp có sự thay đổi”.

Nhu vậy, với hành vi đã chuyển đến ở nơi cư trú mới mà không thông báo cho các thành viên, bà X sẽ bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

17. Bà Nguyện Thi M cư trú tại phường LT, thành phố XQ là chủ họ và tổ chức ba dây họ, nhưng không thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân phường LT. Hành vi này của bà M có vi phạm pháp luật không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về họ, hụi, biêu, phường, trong đó có hành vi quy định tại điểm b: “b) Không thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức từ hai dây họ trở lên”.

Như vậy, với hành vi vi phạm của mình, bà M sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

18. Bà Võ Thị Q ở tại phường SQ, thành phố MN đã tổ chức họ để cho vay lãi nặng mà lãi suất cho vay lến đến 50%/năm. Bà cho rằng lãi suất này là theo thỏa thuận của các bên. Vậy, bà Q có vi phạm pháp luật không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về lãi suất, như sau:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.

Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về họ, hụi, biêu, phường, trong đó có hành vi quy định tại điểm a: “a) Lợi dụng việc tổ chức họ để cho vay lãi nặng mà lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự”.

Như vậy, với hành vi tổ chức họ đẻ cho vay lãi nặng mà lãi suất cho vay lến đến 50%/năm, bà Q sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Ngoài ra, bà Q còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 4 Điều 16 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này”.

19. Ông Hoàng Văn D vừa mua một ngôi nhà tại phường HG, thành phố TD. Trong khuôn viên đất mà ông mua có sẵn cột dây điện thoại của Công ty bưu chính viễn thông M. Cho rằng, cột dây điện thoại của Công ty bưu chính viễn thông M trên đất vườn nhà gây cản trở cho việc trồng trọt, ông D đã tự xê dịch cột này ra khỏi vườn mà không thông báo cho công ty viễn thông M. Hành vi này của ông D có vi phạm pháp luật không, xử lý thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ các công trình công cộng, công trình an ninh, trật tự, trong đó có hành vi quy định tại điểm a: “a) Tự ý xê dịch, tháo dỡ cột dây điện thoại, điện tín, cột đèn, hàng rào của các cơ quan nhà nước hoặc các công trình công cộng khác”.

Như vậy, với việc tự ý xê dịch cột dây điện thoại của Công ty viễn thông M, ông D sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Ngoài ra, ông D còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 17 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này” và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này”.

20. Bà J là người nước ngoài sang Việt Nam thăm con. Bà thường xuyên đi lại nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam để tìm hiểu ẩm thực và phong tục của Việt Nam nhưng không bao giờ mang theo hộ chiếu. Bà J có vi phạm pháp luật Việt Nam không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người nước ngoài đi lại trên lãnh thổ Việt Nam mà không mang theo hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC.

Như vậy, với việc đi lại nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam mà không mang theo hộ chiếu, bà J sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Ngoài ra, bà J còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm b khoản 8 Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này”.

21. Ông F là người ngoại quốc sang Việt Nam để tìm việc làm. Trong một lần đi tìm việc, ông F đánh mất hộ chiếu, nhưng ông F không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về việc mình bị mất hộ chiếu. Ông F có vi phạm pháp luật Việt Nam không?

Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại, trong đó có hành vi quy định tại điểm a: “a) Không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về việc mất, hư hỏng hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC”.

Như vậy, với việc làm mất hộ chiếu mà không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về việc mất hộ chiếu, ông F sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Ngoài ra, ông F còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm b khoản 8 Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này”.

22. Ông Shune là người nước ngoài đã được cấp thẻ thường trú tại phương MC, thành phố SQ. Sau đó, ông thay đổi địa chỉ nhưng không khai báo để thực hiện việc cấp đổi lại. Hành vi của ông sẽ bị pháp luật Việt Nam xử lý thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại, trong đó có hành vi quy định tại điểm g như sau: “Người nước ngoài đã được cấp thẻ thường trú mà thay đổi địa chỉ nhưng không khai báo để thực hiện việc cấp đổi lại; người nước ngoài nhập cảnh vào khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biển theo diện miễn thị thực đi đến địa điểm khác của Việt Nam mà không có thị thực Việt Nam theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, với việc đã được cấp thẻ thường trú mà thay đổi địa chỉ nhưng không khai báo để thực hiện việc cấp đổi lại, ông Shune sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Ngoài ra, ông Shune còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm b khoản 8 Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này”.

23. Do không có đầy đủ giấy tờ nên bà Manuel là người nước ngoài không làm được hộ chiếu để sang Việt Nam. Qua môi giới, bà Manuel đã làm hộ chiếu giả và sử dụng hộ chiếu giả này để nhập cảnh vào Việt Nam. Hành vi này của bà bị cơ quan chức năng của Việt Nam phát hiện. Bà Manuel sẽ bị xử phạt thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 4 Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền  từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại, trong đó có hành vi quy định tại điểm a: “a) Sử dụng hộ chiếu giả, giấy thông hành giả, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam giả hoặc thẻ ABTC giả”.

Như vậy, với hành vi sử dụng hộ chiếu giả, bà Manuel sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Ngoài ra, bà Manuel còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm b khoản 8 Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này”.

24. Mặc dù không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, nhưng ông Yonki là người nước ngoài vẫn hành nghề chữa bệnh tại Việt Nam. Hành vi này của ông Yonki đã bị cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện. Ông Yonki sẽ bị xử lý như thê nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 5 Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền  từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại, trong đó có hành vi quy định tại điểm a: “a) Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam”.

Như vậy, với hành vi hành nghề tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, ông Yonki sẽ bị phạt tiền  từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

Ngoài ra, ông Yonki còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 8 Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP:

“a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại điểm b, c, d khoản 3; điểm a khoản 4; điểm a khoản 5; điểm c khoản 6; điểm a, d khoản 7 Điều này;

b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này”.

Đồng thời, ông Yonki còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 9 Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “9. Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 và các điểm a và c khoản 5 Điều này”.

25. Do không có giấy tờ hợp lệ, nên ông Frank là người nước ngoài đã giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được cấp hộ chiếu đến Việt Nam và bị cơ quan chức năng của Việt Nam phát hiện, xử phạt. Mức phạt đối với ông Frank như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 6 Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền  từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng  đối với một trong những hành vi vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại, trong đó có hành vi quy định tại điểm c: “c) Giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC”.

Như vậy, với hành vi giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được cấp hộ chiếu, ông Frank sẽ bị phạt tiền  từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Ngoài ra, ông Frank còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 8 Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP:

“a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại điểm b, c, d khoản 3; điểm a khoản 4; điểm a khoản 5; điểm c khoản 6; điểm a, d khoản 7 Điều này;

b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này”.

26.  Theo nhiệm vụ, Ông Võ Văn Đ là công chức của cơ quan X được phân công lưu giữ một số tài liệu mật. Một lần ông đã mang một văn bản mật ra khỏi nơi lưu giữ phục vụ công tác mà không được phép của người có thẩm quyền. Vụ việc bị phát hiện. Ông Đ sẽ bị xử lý thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền  từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, trong đó có hành vi quy định tại điểm d: “d) Mang tài liệu chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ phục vụ công tác mà không được phép của người có thẩm quyền”.

Như vậy, với hành vi mang tài liệu chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ phục vụ công tác mà không được phép của người có thẩm quyền, ông Đ bị phạt tiền  từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Ngoài ra, ông Đ còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 6 Điều 19 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “a) Buộc nộp lại tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước đối với hành vi quy định tại các điểm b, d, đ và e khoản 1; điểm a khoản 2 và điểm d khoản 3 Điều này”.

27. Mặc dù cơ quan đã trang bị riêng một máy tính chuyên phục vụ cho việc soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước, nhưng ông Hồ Văn K vẫn soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính đang kết nối với mạng Internet. Với hành vi này K sẽ bị xử lý thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 19 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền  từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, trong đó có hành vi quy định tại điểm a: “a) Soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông không đúng quy định của pháp luật”.

Như vậy, với hành vi soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính đã kết nối với mạng Internet, ông K sẽ bị phạt phạt tiền  từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Ngoài ra, ông K còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại diểm c khoản 6 Điều 19 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “c) Buộc gỡ bỏ tài liệu bí mật nhà nước đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 3 và các điểm b và c khoản 4 Điều này”

28. Cô M ở xã QX, huyện PG làm nghề tự do. Vừa qua, cô M đã mặc trang phục Công an nhân dân và quay clip tung lên mạng để sống ảo, câu like, câu view. Hành vi này của M bị xử lý như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền  từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong những hành vi hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân.

Như vậy, với hành vi sử dụng trái phép trang phục dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân, cô M sẽ bị phạt tiền  từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng.

Ngoài ra, cô M còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm a khoản 4 Điều 20 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này”.

29. Doanh nghiệp tư nhân DC chuyên sản xuất mắm ruốc và nước mắm. Địa điểm sản xuất trong khu dân cư tại xã PD, huyện GN nên nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn. Cơ quan chức năng đã lập đoàn kiểm tra đối với doanh nghiệp này. Tuy nhiên, khi Đoàn kiểm tra đến nơi thì chủ doanh nghiệp đã cho người ra cản trở, không cho Đoàn kiểm tra vào làm việc. Hành vi này của chủ doanh nghiệp bị xử phạp thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền  từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ, trong đó có hành vi quy định tại điểm a: “a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật”.

Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định: “2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân”.

Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định: “3. Tổ chức quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này bao gồm: a) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp”. Như vậy, doanh nghiệp tư nhân DC là tổ chức vi phạm hành chính và bị áp dụng mức tiền phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.

Căn cứ các quy định nêu trên, với hành vi cản trở yêu cầu kiểm tra  của người thi hành công vụ, doanh nghiệp tư nhân DC sẽ bị phạt tiền  từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng .

30. Nguyễn Văn K làm nghề thợ xây, trú tại xã CS, huyện AV  là người nghiện ma túy, nên K thường xuyên sử dụng ma túy. Hành vi của K có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Như vậy, với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, K sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Ngoài ra, K còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm a khoản 8 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này”.

31. Bà Cener là người nước ngoài thuê một ngôi nhà tại xã CS, huyện PS để ở. Lợi dụng khu vực nơi bà sinh sống là nơi xa khu dân cư, vắng vẻ nên bà đã trồng cây thuốc phiện trong vườn nhà. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, bà trình bày lý do trồng cây thuốc phiện để làm thuốc chữa bệnh. Hành vi này của bà Cener có bị xử phạt không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 23 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định: “3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa, cây coca, cây khát và các loại cây khác có chứa chất ma túy”.

Như vậy, với hành vi trông cây thuốc phiện trong vườn nhà, bà Cener sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Ngoài ra, bà Cener còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm a và điểm d khoản 8 Điều 23 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP:

“a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này;

d) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này”.

32. Nguyễn Văn B là đối tượng vừa mãn hạn tù, cư trú tại phường ĐN. Vừa ra tù, B mở một quán cà phê nhỏ nói là để kiếm sống nhưng thực chất là để che giấu cho các hành vi mua dâm, bán dâm. Ít lâu sau thì việc làm của B bị phát hiện và xử lý. B sẽ bị xử lý thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 26 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định: “2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi che giấu, bảo kê cho các hành vi mua dâm, bán dâm”.

Như vậy, với hành vi che giấu cho các hành vi mua dâm, bán dâm, B sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Ngoài ra, B còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 6 Điều 26 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này”.

33. Võ Văn L làm nghề thợ xây ở tại xã GS, huyện XV, gia cảnh nghèo khó. L muốn thoát nghèo nhanh chóng nên thường mua số đề để mong gặp may mà trở nên giàu có. Hành vi mua số đề của L có vi phạm pháp luật không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định: “1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi mua các số lô, số đề”.

Như vậy, với hành vi mua số đề, L sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.

Ngoài ra, L còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm a khoản 6 Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 1; khoản 2; các điểm a và b khoản 3; các điểm b, c và d khoản 4 và khoản 5 Điều này”.

L còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 7 Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1; khoản 2; các điểm a và b khoản 3; các điểm b, c và d khoản 4 và khoản 5 Điều này”.

34. Nguyễn Văn V là lái xe được thuê chở một số bình gaz đến cửa hàng  kinh doanh Gaz BN. Trên xe chở các bình gaz, V còn chở thêm hàng hóa khác như nệm, tủ nhựa… mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền. Hành vi của V có vi phạm pháp luật không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 34 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm quy định trong vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ, trong đó có hành vi  quy định tại điểm b: “b) Vận chuyển hàng hóa khác cùng với hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ trên cùng một phương tiện vận chuyển mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền”.

Như vậy, với hành vi nêu trên, V sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

35. Hoàng Văn Q là lái xe cho Công ty xăng dầu XS. Trong một lần trên đường chở các bình gaz đến của hàng của Công ty, anh Q đã tự ý bốc dỡ các bình gaz này sang xe của Lê Viết K, mặc dù chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền. Hành vi này của Q bị xử lý thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 5 Điều 34 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm quy định trong vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ, trong đó có hành vi  quy định tại điểm h: “h) Bốc, dỡ, bơm, chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ đang trên đường vận chuyển sang phương tiện khác khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền”.

Như vậy, Q đã có hành vi vi phạm quy định tại điểm h khoản 5 Điều 34 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Với hành vi vi phạm này, Q sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

36. Nguyễn Văn Y là chủ quán karaoke XG, ở tại huyện VA, tỉnh A. Khi cơ quan chức năng đột xuất kiểm tra đã phát hiện lối thoát nạn của quán bị chất đầy hàng hóa, xe máy, gây cản trở lối thoát nạn. Ngoài ra, Y còn khóa cửa thoát nạn với lý do là để chống trộm đột nhập. Chủ quán Y sẽ bị phạt thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 40 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm quy định về thoát nạn trong phòng cháy và chữa cháy, trong đó có hành vi  quy định tại điểm a: “a) Bố trí, sắp xếp vật tư, hàng hóa, phương tiện giao thông và các vật dụng khác cản trở lối thoát nạn”.

Khoản 4 Điều 40 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm quy định về thoát nạn trong phòng cháy và chữa cháy, trong đó có hành vi  quy định tại điểm a: “a) Khóa, chèn, chặn cửa thoát nạn”.

Như vậy, Y đã có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 4 Điều 40 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP và . Với hành vi này Y sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (hành vi tại điểm a khoản 2) và bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng (hành vi tại điểm a khoản 4).

Ngoài ra, Y còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 6 Điều 40 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2; các khoản 4 và 5 Điều này”.

37. Ông Nguyễn Văn U cùng vợ con sống chung với mẹ đẻ là bà V tại xã KD, huyện AQ. Bà V đã già yếu, lại hay đau ốm nên ông U thường xuyên bực tức, khó chịu với bà. Đỉnh điểm là vừa qua, ông đã dùng gậy sắt đánh bà bị thương phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Cơ quan chức năng đã làm việc và lập biên bản vi phạm hành chính. Hành vi của ông U sẽ bị xử lý thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 52 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình, trong đó có hành vi  quy định tại điểm a: “a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình”.

Căn cứ quy định nêu trên, ông U đã cso hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 52 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Như vậy, ông U sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Ngoài ra, ông U còn bị áp dụng biên pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 3 Điều 52 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP:

“3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;

b) Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này”.

38. Ông Lê Văn C ở xã XQ, huyện RN có người mẹ già yếu, mất trí nhớ, hay đi lang thang… Ông C thường xuyên chửi bới, hành hạ bà. Nhiều khi ông còn bỏ mặc bà, không cho ăn uống, chịu rét…Pháp luật quy định xử lý thế nào về hành vi của ông.

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 53 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình, trong đó có hành vi  quy định tại điểm a: “a) Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân”.

Căn cứ quy định trên đây, ông C đã có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 53 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Như vậy, ông C sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Ngoài ra, ông C còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 2 Điều 53 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này”.

39. Do mâu thuẫn vợ chồng và nghi ngờ vợ ngoại tình, nên ông Đ ở xã SD, huyện GX đã sử dụng facebook để đăng những bài viết chửi bới, xúc phạm danh dự của vợ. Hành vi của ông Đ bị xử lý thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 54 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình, trong đó có hành vi  quy định tại điểm b: “b) Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình”.

Như vậy, với hành vi của mình, ông Đ sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Ngoài ra, ông Đ còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 3 Điều 54 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này”.

40. Anh V và chị B là con của bà L. Cậy mình là con trai trưởng nên anh V muốn chiếm đoạt toàn bộ nhà, đất do cha mẹ để lại. Sau khi lập gia đình riêng, V đã đe dọa, đánh đập buộc chị B phải ra khỏi nhà của mẹ mình. Hành vi của V bị xử phạt thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 59 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ: “2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa bằng bạo lực để buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ”.

Như vậy, V đã có hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 59 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP và sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

II. TÌNH HUỐNG GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC DU LỊCH, THỂ THAO; QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN; VĂN HÓA VÀ QUẢNG CÁO

1. Chị Hoa cùng bạn bè tham gia du lịch tại khu du lịch H. Trong quá trình tham quan, chị và bạn bè có một số vấn đề bức xúc liên quan đến việc hướng dẫn, đón tiếp ở đây và rất muốn phản ánh, kiến nghị đến đơn vị quản lý khu du lịch này nhưng chỉ có người nhân viên xin được ghi nhận lại ý kiến của chị và hẹn sẽ báo cáo cấp trên để giải quyết sau, tuy nhiên đến khi chị Hoa gần kết thúc chuyến du lịch (hơn 10 ngày) thì mới nhận được thông tin giải quyết về vấn đề chị phản ánh, kiến nghị. Chị Hoa đề nghị cho biết, pháp luật có quy định về việc tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của khách du lịch không và trường hợp có quy định mà thực hiện không đúng thì bị xử phạt hành chính như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 14 Luật Du lịch năm 2017 quy định giải quyết kiến nghị của khách du lịch như sau:

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, quản lý khu du lịch, điểm du lịch tổ chức tiếp nhận và gilải quyết kịp thời kiến nghị của khách du lịch trong phạm vi quản lý.

2. Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của khách du lịch trên địa bàn.

3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tiếp nhận, giải quyết hoặc phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết kiến nghị của khách du lịch.

Khoản 1, 2 Điều 6 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không có nhân lực hoặc cơ sở vật chất để tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của khách du lịch trong phạm vi quản lý.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi giải quyết không kịp thời kiến nghị, phản ánh của khách du lịch trong phạm vi quản lý khi nhận được kiến nghị, phản ánh.

Khoản 2 và 3 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định:

- Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

- Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, pháp luật quy định trách nhiệm tổ chức tiếp nhận và gilải quyết kịp thời kiến nghị của khách du lịch trong phạm vi quản lý của tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, quản lý khu du lịch, điểm du lịch, Ủy ban nhân dân các cấp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong trường hợp chi Hoa, đơn vị quản lý khu du lịch đã không bảo đảm việc tiếp nhận và gilải quyết kịp thời kiến nghị của khách du lịch trong phạm vi quản lý. Căn cứ các quy định về xử phạt vi phạm hành chính nêu trên, đơn vị này bị có thể bị xử phạt về hai hành vi, đó là: Hành vi không có nhân lực hoặc cơ sở vật chất để tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của khách du lịch trong phạm vi quản lý (mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 400.000 đồng đến 1.000.000 đồng); hành vi giải quyết không kịp thời kiến nghị, phản ánh của khách du lịch trong phạm vi quản lý khi nhận được kiến nghị, phản ánh (phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng).

2. Anh Trần Văn Hòa cho biết, vừa qua anh mới tham gia tour du lịch do Công ty du lịch lữ hành S tổ chức. Ngoài tiền tour du lịch trọng gói như giới thiệu ban đầu, quá trình tham gia tour, anh Hòa và các thành viên còn bị yêu cầu đóng thêm mỗi người 500.000 đồng nhưng phía đơn vị tổ chức không nói rõ chi phí đóng thêm này để làm gì. Anh Hòa đề nghị cho biết, hành vi này của công ty S có vi phạm pháp luật không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Luật Du lịch năm 2017 thi hành vi “Phân biệt đối xử với khách du lịch, thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch; tranh giành khách du lịch, nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ” là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch.

Khoản 4, 9 Điều 6 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định: 

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện tai nạn hoặc rủi ro, sự cố xảy ra với khách du lịch;

b) Không giải quyết kiến nghị, phản ánh của khách du lịch trong phạm vi quản lý;

c) Thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch.

9. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 4 nêu trên.

Khoản 2 và 3 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định:

- Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

- Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Theo các quy định trên, Công ty S đã có hành vi thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch. Đây là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch. Hành vi này của công ty S có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

3. Chị Hoàng Thu Thảo và người bạn cùng tham gia tour du lịch do Công ty P tổ chức. Khi đến tham quan, vui chơi tại thác nước của một địa điểm du lịch, do không được cảnh báo nguy cơ gây nguy hiểm nên bạn chị Thảo đã không chú ý dẫn đến bị tai nạn. Chị Thảo đề nghị cho biết, công ty kinh doanh du lịch có trách nhiệm trong việc cảnh báo nguy cơ gây nguy hiểm cho khách du lịch không và nếu có mà công ty P không thực hiện thì bị xử phạt hành chính như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 13 Luật Du lịch năm 2017 quy định về bBảo đảm an toàn cho khách du lịch như sau:

1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại khu du lịch, điểm du lịch.

2. Tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch có biện pháp phòng, tránh rủi ro và tổ chức bộ phận bảo vệ, cứu hộ, cứu nạn cho khách du lịch.

3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch có trách nhiệm cảnh báo nguy cơ gây nguy hiểm cho khách du lịch; thông báo, chỉ dẫn kịp thời cho khách du lịch trong trường hợp khẩn cấp; áp dụng biện pháp cần thiết, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cứu hộ, cứu nạn cho khách du lịch.

Khoản 5, 8 Điều 6 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định: 

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không cảnh báo nguy cơ gây nguy hiểm cho khách du lịch;

b) Không thông báo, chỉ dẫn cho khách du lịch trong trường hợp khẩn cấp.

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại các khoản 5, 6 và 7 Điều này.

Khoản 2 và 3 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định:

- Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

- Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Căn cứ các quy định trên, Công ty kinh doanh du lịch có trách nhiệm cảnh báo nguy cơ gây nguy hiểm cho khách du lịch. Trong trường hợp này, nếu do Công ty P không cảnh báo nguy hiểm cho khách du lịch thì công ty P phải bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng.

4. Trong quá trình tham gia du lịch, đoàn du khách do Công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành T tổ chức có người có hành vi vi phạm pháp luật. Khi được cơ quan chức năng nhà nước yêu cầu phối hợp xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người khách du lịch này, Công ty T đã không tích cực phối hợp, dẫn đến sự chậm trễ, ảnh hưỏng đến việc xử lý của cơ quan chức năng nhà nước. Hành vi chậm trễ này của Công ty T có vi phạm pháp luật không và có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điểm g khoản 1 Điều 37 Luật Du lịch năm 2017 quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa có quyền và nghĩa vụ phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của khách du lịch trong thời gian tham gia chương trình du lịch.

Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định xử phạt vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành như sau:

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi phối hợp không kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của khách du lịch trong thời gian tham gia chương trình du lịch.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Căn cứ quy định trên, Công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành T đã có hành vi phối hợp không kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của khách du lịch trong thời gian tham gia chương trình du lịch. Việc này vi phạm quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Hành vi phối hợp không kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của khách du lịch trong thời gian tham gia chương trình du lịch bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

5. Bà Trần Nguyễn Thu Thanh vừa tham gia tour du lịch lữ hành do Công ty Q tổ chức đến Singapore. Do chưa hiểu rõ phong tục, tập quán ở đây, bà Thanh đã có hành vi bị cơ quan chức năng Singapocre nhắc nhở, yêu cầu chấn chỉnh. Bà Thanh cảm thấy xấu hổ. Sau khi về nước, người bạn của bà có nói với bà là lẽ ra Công ty Q phải phổ biến cho khách du lịch về phong tục, tập quán của nơi đến du lịch để khách du lịch biết và ứng xử cho phù hợp. Công ty Q cũng có lỗi khi để xảy ra sự việc đáng tiếc này. Bà Thanh đề nghị cho biết, pháp luật có quy định về vấn đề này không? Trường hợp Công ty Q có vi phạm thì bị xử phạt hành chính không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 37 Luật Du lịch năm 2017 thì doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch ra nước ngoài có quyền và nghĩa vụ chấp hành, phổ biến, hướng dẫn khách du lịch tuân thủ pháp luật, quy định của nơi đến du lịch; ứng xử văn minh, tôn trọng bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam và nơi đến du lịch; phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của khách du lịch trong thời gian tham gia chương trình du lịch.

Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định xử phạt vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành như sau:

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không hướng dẫn, cung cấp cho bên nhận đại lý lữ hành thông tin liên quan đến chương trình du lịch;

b) Không phổ biến, hướng dẫn khách du lịch tuân thủ pháp luật, quy định của nơi đến du lịch;

c) Không phổ biến, hướng dẫn khách du lịch ứng xử văn minh, tôn trọng bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam và nơi đến du lịch;

d) Hợp đồng lữ hành thiếu một trong các nội dung theo quy định;

đ) Chương trình du lịch thiếu một trong các nội dung theo quy định;

e) Hợp đồng đại lý lữ hành thiếu một trong các nội dung theo quy định.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Căn cứ quy định trên, công ty Q phải có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn khách du lịch tuân thủ pháp luật, quy định của nơi đến du lịch; ứng xử văn minh, tôn trọng bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam và nơi đến du lịch. Nếu Công ty Q không thực hiện nghĩa vụ này là vi phạm pháp luật và bị xử phạt vi phạm hành chính với phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

6. Bà Hoa là nhân viên của Công ty N kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Bà cho biết, vừa qua cơ quan chức năng có kiểm tra và đã ghi nhận việc Công ty N không thông báo bằng văn bản về việc thay đổi người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định. Bà Hoa đề nghị cho biết, hành vi này bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền là bao nhiêu?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 37 Luật Du lịch năm 2017 thì doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có quyền và nghĩa vụ thông báo về việc thay đổi người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành, gửi hồ sơ về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành thay thế cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép trong thời hạn 15 ngày kể từ khi thay đổi.

Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định xử phạt vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành như sau:

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không gửi hồ sơ về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành thay thế theo quy định;

b) Không thông báo bằng văn bản về việc thay đổi người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định;

c) Cung cấp thông tin không rõ ràng hoặc không công khai hoặc không trung thực về chương trình du lịch, dịch vụ, điểm đến du lịch cho khách du lịch hoặc đại diện khách du lịch.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Căn cứ các quy định trên, công ty N đã có hành vi vi phạm là không thông báo bằng văn bản về việc thay đổi người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định. Hành vi này bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

7. Ông Lê Văn Bình nhận được ấn phẩm quảng cáo do nhân viên Công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa TP gửi. Khi đọc ấn phẩm này, ông Bình tìm thông tin về số giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành để tránh bị lừa đảo, nhưng không thấy. Qua tìm hiểu, ông Bình được biết, công ty TP là có thật và có kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa. Ông đề nghị cho biết, pháp luật có quy định về việc công khai số giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành không? Nếu có quy định mà không thực hiện thì bị xử phạt như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điểm b khoản 1 Điều 37 Luật Du lịch năm 2017 quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa có quyền và nghĩa vụ bảo đảm duy trì các điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật Du lịch; công khai tên doanh nghiệp, số giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trên biển hiệu tại trụ sở, chi nhánh, văn phòng giao dịch, trong hợp đồng lữ hành, trên ấn phẩm quảng cáo và trong giao dịch điện tử.

Khoản 4 Điều 7 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định xử phạt vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành như sau:

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của khách du lịch trong thời gian tham gia chương trình du lịch;

b) Không cung cấp thông tin về chương trình du lịch, dịch vụ, điểm đến du lịch cho khách du lịch hoặc đại diện khách du lịch;

c) Không công khai tên doanh nghiệp, số giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trên biển hiệu tại trụ sở, chi nhánh, văn phòng giao dịch hoặc trong hợp đồng lữ hành hoặc trên ấn phẩm quảng cáo hoặc trong giao dịch điện tử.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Như vậy, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa có trách nhiệm công khai tên doanh nghiệp, số giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trên biển hiệu tại trụ sở, chi nhánh, văn phòng giao dịch, trong hợp đồng lữ hành, trên ấn phẩm quảng cáo và trong giao dịch điện tử. Trường hợp không thực hiện thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

8. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng phát hiện Công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa PQ có sử dụng 03 hướng dẫn viên du lịch nội địa không có hợp đồng lao động với doanh nghiệp. Công ty PQ đề nghị cho biết, pháp luật quy định hành vi này bị xử phạt như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch năm 2017 quy định điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên du lịch bao gồm:

a) Có thẻ hướng dẫn viên du lịch;

b) Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa;

c) Có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch; đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.

Khoản 5 Điều 7 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định xử phạt vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành như sau:

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng hướng dẫn viên du lịch quốc tế, hướng dẫn viên du lịch nội địa không có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc không là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch theo quy định;

b) Sử dụng hướng dẫn viên du lịch để hướng dẫn cho khách du lịch không đúng phạm vi hành nghề của hướng dẫn viên du lịch;

c) Sử dụng hướng dẫn viên du lịch để thực hiện chương trình du lịch mà không có hợp đồng hướng dẫn hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo quy định;

d) Không viết hoặc không gắn tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Căn cứ các quy định trên, hành vi sử dụng hướng dẫn viên du lịch nội địa không có hợp đồng lao động với doanh nghiệp của Công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa PQ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

9. Bà Lan cho biết, bà có đăng ký tham gia chương trình du lịch tại đại lý lữ hành của ông Hoàng, sau đó bà phát hiện giá bán chương trình du lịch tại đại lý ông Hoàng có sự chênh lệch cao hơn nhiều so với giá gốc. Được biết, ông Hoàng nhận làm đại lý lữ hành với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành HT. Bà Lan đề nghị cho biết, việc để bên nhận không thực hiện đúng giá bán chương trình du lịch được giao cho đại lý có trách nhiệm của bên Công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành không? Việc thiếu trách nhiệm này bị xử lý như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 42 Luật Du lịch năm 2017 quy định trách nhiệm của bên giao đại lý lữ hành như sau:

1. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của bên nhận đại lý lữ hành.

2. Tổ chức thực hiện chương trình du lịch do bên nhận đại lý lữ hành bán; chịu trách nhiệm với khách du lịch về chương trình du lịch giao cho bên nhận đại lý lữ hành.

3. Hướng dẫn, cung cấp cho bên nhận đại lý lữ hành thông tin liên quan đến chương trình du lịch.

Khoản 6 Điều 7 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định xử phạt vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành như sau:

 Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có biện pháp kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của bên nhận đại lý lữ hành;

b) Không có biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động của hướng dẫn viên du lịch theo quy định;

c) Không tổ chức thực hiện chương trình du lịch do bên nhận đại lý lữ hành bán.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Theo quy định trên, bên giao đại lý lữ hành là kinh doanh dịch vụ lữ hành HT phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của bên nhận đại lý lữ hành để đảm bảo bên nhận đại lý thực hiện đúng hợp đồng đại lý lữ hành. Trường hợp bên giao đại lý không có biện pháp kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của bên nhận đại lý lữ hành thì bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

10. Bà Thanh dự định tham gia chương trình du lịch của công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành PT. Qua tìm hiểu, bà được biết giá tham gia chương trình du lịch bao gồm cả tiền mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch. Bà Thanh đề nghị cho biết, bà có thể đề nghị công ty không mua bảo hiểm cho bà trong trường hợp này để giảm giá được không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điểm đ khoản 1 Điều 37 Luật Du lịch năm 2017 quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa có quyền và nghĩa vụ mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch, trừ trường hợp khách du lịch đã có bảo hiểm cho toàn bộ chương trình du lịch.

Khoản 9, điểm d khoản 15 Điều 7 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định xử phạt vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành như sau:

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch theo quy định;

b) Không sử dụng dịch vụ do tổ chức, cá nhân thuộc Danh mục tổ chức, cá nhân đáp ứng đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch theo quy định;

c) Sử dụng hướng dẫn viên du lịch có hành vi cung cấp, giới thiệu cho khách du lịch các nội dung thông tin mang tính chất xuyên tạc lịch sử, văn hóa, chủ quyền quốc gia.

Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi nêu trên.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Theo quy định trên, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa có nghĩa vụ mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch, trừ trường hợp khách du lịch đã có bảo hiểm cho toàn bộ chương trình du lịch. Nếu vi phạm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng. Như vậy, bà Thanh chỉ có thể thể đề nghị công ty PT không mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch nếu như bà đã có bảo hiểm này.

11. Anh Hùng tham gia chương trình du lịch do công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành XT tổ chức. Quá trình tham gia chương trình, anh Hùng nhận thấy hướng dẫn viên du lịch không có thẻ hướng dẫn viên du lịch. Anh Hùng đề nghị cho biết, hành nghề hướng dẫn viên du lịch có phải có thẻ hướng dẫn viên du lịch không? Trường hợp công ty dịch vụ lữ hành sử dụng người không có thẻ hướng dẫn viên du lịch để hướng dẫn cho khách du lịch thì bị xử phạt như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch năm 2017 quy định điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên du lịch bao gồm:

a) Có thẻ hướng dẫn viên du lịch;

b) Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa;

c) Có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch; đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.

Điểm g khoản 2 Điều 65 Luật Du lịch năm 2017 quy định hướng dẫn viên du lịch có nghĩa vụ đeo thẻ hướng dẫn viên du lịch trong khi hành nghề hướng dẫn du lịch.

Khoản 10 Điều 7 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định xử phạt vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành như sau:

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng người không có thẻ hướng dẫn viên du lịch để hướng dẫn cho khách du lịch;

b) Sử dụng người sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch giả để hướng dẫn cho khách du lịch.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Căn cứ quy định trên, một trong những điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên du lịch là phải có thẻ hướng dẫn viên du lịch. Hướng dẫn viên du lịch có nghĩa vụ đeo thẻ hướng dẫn viên du lịch trong khi hành nghề hướng dẫn du lịch. Trường hợp công ty XT sử dụng người không có thẻ hướng dẫn viên du lịch để hướng dẫn cho khách du lịch thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

12. Chị Quý phụ trách nhân sự tại Công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa GH. Công ty GH dự định bổ nhiệm anh Quang tốt nghiệp đại học kinh tế để phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành. Chị Quý  đề nghị cho biết, pháp luật có quy định về điều kiện chuyên ngành học của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành không? Nếu vi phạm thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Khoản 1 Điều 31 Luật Du lịch năm 2017 quy định diều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa bao gồm:

a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;

b) Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng;

c) Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.

 Điều 3 Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số Điều của Luật Du lịch quy định về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành như sau:

1. Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành là người giữ một trong các chức danh sau: chủ tịch hội đồng quản trị; chủ tịch hội đồng thành viên; chủ tịch công ty; chủ doanh nghiệp tư nhân; tổng giám đốc; giám đốc hoặc phó giám đốc; trưởng bộ phận kinh doanh dịch vụ lữ hành.

2. Chuyên ngành về lữ hành quy định tại điểm c Khoản 1 và điểm c Khoản 2 Điều 31 Luật Du lịch bao gồm một trong các chuyên ngành sau:

a) Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;

b) Quản trị lữ hành;

c) Điều hành tour du lịch;

d) Marketing du lịch;

đ) Du lịch;

e) Du lịch lữ hành;

g) Quản lý và kinh doanh du lịch.

3. Văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công nhận theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Khoản 11 và điểm a khoản 15 Điều 7 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định xử phạt vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành như sau:

Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện đúng quy định về ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;

b) Không bổ sung đủ số tiền ký quỹ đã sử dụng theo quy định;

c) Sử dụng người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành không bảo đảm điều kiện theo quy định.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm nêu trên.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Như vậy, pháp luật quy định cụ thể về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó nêu rõ chuyên ngành về lữ hành như trên. Trường hợp công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành có hành vi sử dụng người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành không bảo đảm điều kiện theo quy định thì bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 06 tháng đến 12 tháng.

13. Công ty QY đang tiến hành thủ tục đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Trong thời gian chờ xem xét giải quyết, công ty QY đã tổ chức kinh doanh dịch vụ lữ hành. Hành vi này có bị xử lý vi phạm hành chính không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Du lịch năm 2017, nghiêm cấm hành vi kinh doanh du lịch khi không đủ điều kiện kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh hoặc không duy trì điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Khoản 14 và điểm a khoản 16 Điều 7 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định xử phạt vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành như sau:

Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Kinh doanh dịch vụ lữ hành sau khi đã thông báo tạm ngừng hoạt động;

b) Kinh doanh dịch vụ lữ hành sau khi bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành;

c) Kinh doanh dịch vụ lữ hành sau khi bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành;

d) Hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành mà không có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành;

đ) Sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành giả để hoạt động kinh doanh.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Căn cứ các quy định trên, công ty QY đã có hành vi hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành mà không có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Hành vi này bị phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.

14. Chị Trang tham gia chuyến du lịch do công ty HB tổ chức. Trong quá trình tham gia chuyên đi, chị Trang không hài lòng về thái độ của hướng dẫn viên du lịch, chị có yêu cầu hướng dẫn viên thay đổi chương trình du lịch nhưng hướng dẫn viên bảo cần phải báo cáo người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quyết định. Chị Trang đề nghị cho biết, pháp luật quy định như thế nào về nghĩa vụ của hướng dẫn viên du lịch? Hướng dẫn viên du lịch có được thay đổi chương trình du lịch trong trường hợp khách du lịch có yêu cầu không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Khoản 2 Điều 65 Luật Du lịch năm 2017 quy định hướng dẫn viên du lịch có nghĩa vụ sau đây:

a) Hướng dẫn khách du lịch theo nhiệm vụ được giao hoặc theo hợp đồng hướng dẫn;

b) Tuân thủ, hướng dẫn khách du lịch tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật nơi đến du lịch, nội quy nơi đến tham quan; tôn trọng phong tục, tập quán của địa phương;

c) Thông tin cho khách du lịch về chương trình du lịch, dịch vụ và các quyền, lợi ích hợp pháp của khách du lịch;

d) Hướng dẫn khách du lịch theo đúng chương trình du lịch, có thái độ văn minh, tận tình và chu đáo với khách du lịch; báo cáo người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quyết định thay đổi chương trình du lịch trong trường hợp khách du lịch có yêu cầu;

đ) Có trách nhiệm hỗ trợ trong việc bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch;

e) Tham gia khóa cập nhật kiến thức theo quy định tại khoản 4 Điều 62 của Luật này;

g) Đeo thẻ hướng dẫn viên du lịch trong khi hành nghề hướng dẫn du lịch;

h) Hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa phải mang theo giấy tờ phân công nhiệm vụ của doanh nghiệp tổ chức chương trình du lịch và chương trình du lịch bằng tiếng Việt trong khi hành nghề. Trường hợp hướng dẫn khách du lịch quốc tế thì hướng dẫn viên du lịch phải mang theo chương trình du lịch bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài.

Khoản 5 Điều 9 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không hướng dẫn khách du lịch theo phân công nhiệm vụ được giao hoặc theo hợp đồng hướng dẫn;

b) Không hướng dẫn khách du lịch theo đúng chương trình du lịch;

c) Không báo cáo người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quyết định thay đổi chương trình du lịch trong trường hợp khách du lịch có yêu cầu;

d) Không có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc không là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo quy định khi hành nghề đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa;

đ) Không có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc không có văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch theo quy định;

e) Không có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Trên đây là quy định về nghĩa vụ của hướng dẫn viên du lịch. Theo đó, hướng dẫn viên phải hướng dẫn khách du lịch theo đúng chương trình du lịch; báo cáo người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quyết định thay đổi chương trình du lịch trong trường hợp khách du lịch có yêu cầu. Nếu không báo cáo người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quyết định thay đổi chương trình du lịch trong trường hợp khách du lịch có yêu cầu thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

15. Anh Quỳnh vừa tham gia chuyến du lịch tại đảo Phú Quốc trở về. Anh cho biết, cùng tham gia chương trình này, có một số khách du lịch có hành vi không tuân thủ nội dung của khu du lịch hoặc của cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch, anh rất khó chịu về vấn đề này. Anh Quỳnh đề nghị cho biết, pháp luật quy định như thế nào về nghĩa vụ của khách du lịch? Trường hợp vi phạm thì có bị xử phạt không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 12 Luật Du lịch năm 2017 quy định nghĩa vụ của khách du lịch như sau:

1. Tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi đến du lịch; ứng xử văn minh, tôn trọng phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa địa phương, bảo vệ và giữ gìn tài nguyên du lịch, môi trường du lịch; không gây phương hại đến hình ảnh quốc gia, truyền thống văn hóa dân tộc của Việt Nam.

2. Thực hiện nội quy của khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch.

3. Thanh toán tiền dịch vụ theo hợp đồng, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

4. Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự.

Điều 14 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định xử phạt vi phạm quy định về nghĩa vụ của khách du lịch như sau:

1. Cảnh cáo đối với hành vi không thực hiện đúng thông báo nộp tiền phí, lệ phí, các khoản phải nộp khác của cơ quan có thẩm quyền.

2. Phạt tiền từ 1 đến 3 lần số tiền phí, lệ phí, các khoản phải nộp khác theo quy định đối với hành vi trốn nộp phí, lệ phí, các khoản phải nộp khác. Mức phạt tối đa là 50.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện nội quy, quy định của khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch.

4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi ứng xử không văn minh hoặc không tôn trọng phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa địa phương nơi đến du lịch.

5. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây phương hại đến hình ảnh quốc gia, truyền thống văn hóa dân tộc của Việt Nam.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp đủ số tiền phí, lệ phí, các khoản phải nộp đối với hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Trên đây là quy định của pháp luật về nghĩa vụ của khách du lịch, trường hợp vi phạm thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt như trên.

16. Ông Hoàng đến cơ sở dịch vụ lưu trú du lịch Thanh Tâm để thuê phòng nghỉ. Tại đây, ông Hoàng không thấy niêm yết công khai nội quy của cơ sở lưu trú du lịch. Ông Hoàng đề nghị cho biết cơ sở kinh doanh dịch  vụ lưu trú du lịch có nghĩa vụ gì? Việc không niêm yết công khai nội quy của cơ sở lưu trú du lịch có bị xử phạt không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Khoản 2 Điều 53 Luật Du lịch năm 2017 quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch có nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo đảm duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch theo quy định tại khoản 1 Điều 49 của Luật Du lịch;

b) Niêm yết công khai giá bán hàng hóa và dịch vụ, nội quy của cơ sở lưu trú du lịch;

c) Bồi thường thiệt hại cho khách du lịch theo quy định của pháp luật về dân sự;

d) Thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú du lịch khi có sự thay đổi về tên cơ sở, quy mô, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật;

đ) Chỉ được sử dụng từ “sao” hoặc hình ảnh ngôi sao để quảng cáo về hạng cơ sở lưu trú du lịch sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch;

e) Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê, kế toán theo quy định của pháp luật.

Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không niêm yết công khai nội quy của cơ sở lưu trú du lịch theo quy định.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Như vâỵ, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch có các nghĩa vụ như trên, trong đó có nghĩa vụ niêm yết công khai nội quy của cơ sở lưu trú du lịch. Trường hợp không niêm yết công khai nội quy của cơ sở lưu trú du lịch theo quy định thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối.

17. Chị Sang có ngôi nhà 5 tầng không sử dụng, vị trí thuận lợi, ngay trung tâm thành phố. Chị dự định cải tạo, sửa chữa lại để đưa vào kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch. Chị đề nghị cho biết, việc này có phải đăng ký kinh doanh và các vấn đề liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 49 Luật Du lịch năm 2017 quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch như sau:

1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch bao gồm:

a) Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;

b) Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;

c) Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch.

2. Chính phủ quy định chi tiết điểm c khoản 1 Điều này.

Khoản 7, 9 và 10 Điều 10 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 1 của Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định:

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 49 của Luật Du lịch.

- Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định nêu trên.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Căn cứ quy định trên, để kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch phải đảm bảo các điều kiện theo quy định, trong đó phải có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Trường hợp vi phạm hai điều kiện này thì bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng; áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

18. Bà Tình dự định kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch với loại hình khách sạn. Bà Tình đề nghị cho biết, điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với khách sạn là gì? Trường hợp đi vào hoạt động, các vấn đề liên quan đến vệ sinh giường, khăn, nhà vệ sinh,... bị xử lý như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 22 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 142/2018/NĐ-CP  ngày 09/10/2018 của Chính phủ) quy định điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với khách sạn như sau:

1. Có tối thiểu 10 buồng ngủ; có quầy lễ tân, phòng vệ sinh chung.

2. Có nơi để xe cho khách đối với khách sạn nghỉ dưỡng và khách sạn bên đường.

3. Có bếp, phòng ăn và dịch vụ phục vụ ăn uống đối với khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn nổi, khách sạn bên đường.

4. Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.

5. Có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày.

 Khoản 1, 4, 6 Điều 11 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thông báo về việc bổ sung, hoàn thiện đáp ứng điều kiện tối thiểu hoặc thay đổi loại hình cơ sở lưu trú du lịch theo quy định;

b) Không có giường hoặc đệm hoặc chiếu hoặc chăn hoặc gối theo quy định;

c) Không có khăn mặt hoặc khăn tắm theo quy định;

d) Không thay bọc đệm hoặc chiếu hoặc bọc chăn hoặc bọc gối khi có khách mới;

đ) Không thay khăn mặt hoặc khăn tắm khi có khách mới.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm nhà vệ sinh theo quy định.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 4 nêu trên.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Trên đây là quy định về điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với khách sạn. Trường hợp có hành vi vi phạm liên quan đến các nội dung viện dẫn ở trên thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tương ứng như trên nếu là cá nhân, trường hợp là tổ chức thì mức phạt gấp đôi. Ngoài ra, nếu là hành vi không bảo đảm nhà vệ sinh theo quy định thì còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng.

19. Anh Hùng và những người bạn đi du lịch trãi nghiệm và lưu tru trú tại bãi cám trại du lịch do ông Thành làm chủ cơ sở. Tại đây, anh Hùng không thấy có tủ thuộc cấp cứu ban đầu. Anh Hùng đề nghị cho biết, pháp luật  có quy định bãi cắm trại du lịch phải có tủ thuốc cấp cứu ban đầu không? Trường hợp có quy định mà không thực hiện thì bị xử phạt như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 28 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 142/2018/NĐ-CP  ngày 09/10/2018 của Chính phủ)  quy định điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với bãi cắm trại du lịch

1. Có khu vực đón tiếp khách, khu vực dựng lều, trại, phòng tắm, vệ sinh chung.

2. Có tủ thuốc cấp cứu ban đầu.

3. Có nhân viên bảo vệ trực khi có khách.

 Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không có tủ thuốc cấp cứu ban đầu đối với bãi cắm trại du lịch theo quy định.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Căn cứ quy định trên, bãi cắm trại du lịch phải có tủ thuốc cấp cứu ban đầu. Trường hợp không có thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu chủ cơ sở là cá nhân và mức phạt gấp đôi nếu chủ cơ sở là tổ chức.

20. Gia đình chị Bình lưu trú tại nhà nghỉ du lịch PC trong 5 ngày. Trong thời gian lưu trú tại đây, có những ngày chị Bình không thấy có nhân viên trực đủ 24 giờ. Chị Bình đề nghị cho biết, pháp luật có quy định nhà nghỉ du lịch phải có nhân viên trực 24 giờ không? Trường hợp có quy định mà vi phạm thì bị xử phạt như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 26 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 142/2018/NĐ-CP  ngày 09/10/2018 của Chính phủ) quy định điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với nhà nghỉ du lịch như sau:

1. Có khu vực đón tiếp khách và phòng ngủ; có phòng tắm, phòng vệ sinh.

2. Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.

3. Có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày.

Khoản 3, 6 Điều 11 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định:

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có tối thiểu 10 buồng ngủ đối với khách sạn hoặc không có phòng ngủ đối với biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch, nhà nghỉ du lịch hoặc không có khu vực lưu trú cho khách đối với nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê hoặc không có khu vực dựng lều, trại đối với bãi cắm trại du lịch;

b) Không có quầy lễ tân đối với khách sạn hoặc khu vực tiếp khách đối với biệt thự du lịch, căn hộ du lịch hoặc khu vực đón tiếp khách đối với tàu thủy lưu trú du lịch, nhà nghỉ du lịch, bãi cắm trại du lịch theo quy định;

c) Không có nơi để xe cho khách đối với khách sạn nghỉ dưỡng hoặc khách sạn bên đường theo quy định;

d) Không có bếp hoặc phòng ăn hoặc dịch vụ phục vụ ăn uống đối với khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn nổi, khách sạn bên đường, tàu thủy lưu trú du lịch; không có bếp đối với biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê theo quy định;

đ) Không có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày đối với khách sạn, biệt thự du lịch, nhà nghỉ du lịch; không có nhân viên bảo vệ trực khi có khách đối với bãi cắm trại du lịch theo quy định.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a và điểm d khoản 3 nêu trên.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Như vậy, nhà nghỉ du lịch phải có nhân viên trực 24 giờ. Trường hợp vi phạm thì bị xử phạt như trên.

21. Anh Thành đề nghị cho biết, anh nghe nói về việc cấm sử dụng chất kích thích trong thi đấu thể thao; vậy trường hợp vận động viên sử dụng chất kích thích trong tập luyện thể thao có bị nghiêm cấm không? Trường hợp vi phạm thì bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Khoản 2 Điều 10 Luật Thể dục, thể thao năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) quy định hành vi sử dụng chất kích thích, phương pháp bị cấm trong tập luyện và thi đấu thể thao bị nghiêm cấm trong hoạt động thể dục, thể thao.

Điều 6 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về sử dụng chất kích thích trong tập luyện, thi đấu thể thao như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng chất kích thích thuộc Danh mục bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao.

2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi bao che, tổ chức cho vận động viên sử dụng chất kích thích thuộc Danh mục bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ việc tham dự giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Đình chỉ việc tham dự giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc hủy bỏ kết quả thi đấu thể thao, kết quả tuyển chọn vận động viên vào đội tuyển thể thao, trường năng khiếu thể thao, thành tích thi đấu thể thao đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Căn cứ quy định trên, hành vi sử dụng chất kích thích bị cấm ngay cả trong trường hợp tập luyện thể dục, thể thao. Nếu vi phạm thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

22. Chị Phương Thanh dự định tham gia luyện tập thể thao bộ môn khiêu vũ. Tuy nhiên, chị còn e ngại vì không rõ có những bài tập phù hợp không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam không. Chị đề nghị cho biết, pháp luật có quy định về vấn đề này không và nếu vi phạm thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 10 Luật Thể dục, thể thao năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thể dục, thể thao, trong đó có hành vi: Lợi dụng hoạt động thể dục, thể thao để xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín của con người. Hoạt động thể dục, thể thao trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc.

Điều 7 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) xử phạt hành vi vi phạm quy định về sử dụng phương pháp bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao như sau:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe người tập luyện, thi đấu, trừ những bài tập, môn thể thao, phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao được pháp luật cho phép.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tài liệu, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện, biểu diễn, thi đấu thể thao đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;

b) Đình chỉ việc tham dự giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tiêu hủy tài liệu hướng dẫn sử dụng phương pháp bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Như vậy, pháp luật quy định hoạt động thể dục, thể thao không trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc. Trường hợp có bài tập hoặc phương pháp luyện tập mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam thì bị xử phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân và mức phạt gấp đôi vối với tổ chức.

23. Bà Phú Bình có con gái có năng khiếu về điền kinh và muốn cho con được vào trường năng khiếu thể thao. Để chắc chắn, bà khai thêm một số thành tích không có thật để con gái được trường năng khiếu tiếp nhận. Hành vi này bị xử phạt như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 10 Luật Thể dục, thể thao năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thể dục, thể thao, trong đó có hành vi gian lận trong hoạt động thể thao.

Điều 8 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) xử phạt hành vi vi phạm quy định về cấm gian lận trong hoạt động thể thao như sau:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi gian lận về tên, tuổi, giới tính, thành tích để được tuyển chọn vào đội tuyển thể thao, trường năng khiếu thể thao hoặc tham gia thi đấu thể thao.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi bao che, dụ dỗ, ép buộc người khác gian lận trong hoạt động thể thao.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi làm sai lệch kết quả thi đấu thể thao.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ việc tham dự giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Đình chỉ việc tham dự giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc hủy bỏ kết quả thi đấu thể thao, kết quả tuyển chọn vận động viên vào đội tuyển thể thao, trường năng khiếu thể thao, thành tích thi đấu thể thao đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Theo quy định trên, hành vi gian lận thành tích để được tuyển chọn vào trường năng khiếu thể thao bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc hủy bỏ kết quả tuyển chọn vào trường năng khiếu thể thao.

24. Ông Trần Văn Nam rất thích xem thi đấu bóng đá. Ông rất bức xúc trước tình trạng một số trận đấu có cầu thủ chơi thô bạo, cố ý gây thương tích cho người khác. Ông đề nghị cho biết, hành vi bạo lực trong hoạt động thể thao bị xử phạt như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 10 Luật Thể dục, thể thao năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thể dục, thể thao, trong đó có hành vi bạo lực trong hoạt động thể thao.

Điều 9 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) xử phạt hành vi vi phạm quy định về cấm bạo lực trong hoạt động thể thao như sau:

1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi chửi bới, lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự; đe dọa xâm phạm sức khỏe, tính mạng; phản ứng không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam khi tham gia hoạt động thể thao.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi cố ý gây chấn thương, chơi thô bạo gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người khác trong tập luyện, thi đấu thể thao.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ việc tham dự giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi chửi bới, lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự quy định tại khoản 1 Điều này.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Như vậy, hành vi bạo lực trong hoạt động thể thao là hành vi bị nghiêm cấm. Trường hợp vi phạm thì bị xử phạt như trên.

25. Bà Lan Anh có con trai là vận động thể thao thành tích cao môn bơi lội. Bà đề nghị cho biết, quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao như thế nào và trường hợp vi phạm quyền và nghĩa vụ này thì bị xử phạt không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Khoản 1 Điều 31 Luật Thể dục, thể thao năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) quy định thể thao thành tích cao là hoạt động huấn luyện và thi đấu thể thao có hệ thống của huấn luyện viên, vận động viên nhằm đạt được thành tích, kỷ lục thể thao.

Điều 32 của Luật này quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao, cụ thể:

1. Vận động viên thể thao thành tích cao có các quyền sau đây:

a) Được bảo đảm trang thiết bị, phương tiện tập luyện và thi đấu thể thao;

b) Được chăm sóc và chữa trị chấn thương trong thời gian tập luyện và thi đấu thể thao;

c) Được hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù, tiền lương, tiền hỗ trợ tập luyện, thi đấu thể thao theo quy định của pháp luật;

d) Được thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trong tập luyện và thi đấu thể thao;

đ) Được tham gia và hưởng các chế độ về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật;

e) Được bảo đảm việc học tập văn hóa, chính trị, chuyên môn;

g) Vận động viên đạt thành tích xuất sắc trong các giải thể thao quốc gia và quốc tế được hưởng chế độ ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, chăm sóc sức khỏe, tiền thưởng và các chế độ khác theo quy định của pháp luật;

h) Vận động viên không còn khả năng thi đấu thể thao được Nhà nước tạo điều kiện học nghề và giải quyết việc làm theo quy định của pháp luật; được ưu tiên tuyển dụng vào làm việc tại các cơ sở thể thao;

i) Vận động viên đội tuyển quốc gia, vận động viên đội tuyển tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngành bị tai nạn trong quá trình tập luyện, thi đấu thể thao làm mất khả năng lao động hoặc chết thì vận động viên, thân nhân của họ được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định của pháp luật.

2. Vận động viên thể thao thành tích cao có các nghĩa vụ sau đây:

a) Nỗ lực tập luyện, thi đấu giành thành tích cao;

b) Thực hiện chương trình, giáo án tập luyện của huấn luyện viên;

c) Chấp hành luật thi đấu của môn thể thao và điều lệ giải thể thao;

d) Rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật; nâng cao ý chí, lòng tự hào dân tộc.

Điều 10 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) xử phạt hành vi vi phạm quy định về quyền, nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao như sau:

1. Vi phạm quy định về nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao:

a) Phạt cảnh cáo đối với hành vi thực hiện không đúng, không đầy đủ chương trình, giáo án tập luyện của huấn luyện viên;

b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện chương trình, giáo án tập luyện của huấn luyện viên;

c) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành luật thi đấu của môn thể thao, điều lệ giải thi đấu thể thao.

2. Vi phạm quy định về quyền của vận động viên thể thao thành tích cao:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc kiểm tra sức khỏe cho vận động viên theo quy định;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không sơ cứu, cấp cứu kịp thời cho vận động viên hoặc không bảo đảm đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, các biện pháp bảo đảm an toàn cho vận động viên khi tập luyện, thi đấu thể thao theo quy định.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Trên đây là quy định về quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao. Trường hợp có hành vi vi phạm quy định về quyền, nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao thì bị xử phạt vi phạm hành chính như trên.

26. Con trai ông Tùng là huấn luyện viên thể thao thành tích cao. Ông đề nghị cho biết, huấn luyện viên thể thao thành tích cao có được hưởng tiền lương và chế độ dinh dưỡng đặc thù không? Trường hợp có hành vi vi phạm quy định về quyền, nghĩa vụ của huấn luyện viên thể thao thành tích cao thì bị xử phạt như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 33 Luật Thể dục, thể thao năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) quy định về quyền và nghĩa vụ của huấn luyện viên thể thao thành tích cao. Trong đó, huấn luyện viên thể thao thành tích cao được hưởng tiền lương và chế độ dinh dưỡng đặc thù theo quy định của pháp luật; được bảo đảm trang thiết bị huấn luyện; được thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trong huấn luyện;…

Điều 11 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) xử phạt hành vi vi phạm quy định về quyền, nghĩa vụ của huấn luyện viên thể thao thành tích cao như sau:

1. Vi phạm quy định về nghĩa vụ của huấn luyện viên thể thao thành tích cao:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng kế hoạch, chương trình huấn luyện thể thao trình cơ quan sử dụng vận động viên phê duyệt hoặc không thực hiện kế hoạch, chương trình huấn luyện thể thao sau khi được cơ quan sử dụng vận động viên phê duyệt;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho vận động viên trong tập luyện, thi đấu thể thao hoặc không chấp hành luật thi đấu của môn thể thao, điều lệ giải thi đấu thể thao.

2. Vi phạm quy định về quyền của huấn luyện viên thể thao thành tích cao:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi; không bảo đảm trang thiết bị huấn luyện cho huấn luyện viên;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trong huấn luyện cho huấn luyện viên.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Như vậy, huấn luyện viên thể thao thành tích cao có được hưởng tiền lương và chế độ dinh dưỡng đặc thù theo quy định của pháp luật. Trường hợp có hành vi vi phạm thì bị xử phạt như trên.

27. Ông Trần Văn Minh thường xem các giải thi đấu thể thao quốc gia và quốc tế, ông nhận thấy tại các giải thi đấu này, trọng tài phải làm việc hết sức căng thẳng. Ông đề nghị cho biết, trọng tài thể thao thành tích cao có quyền và nghĩa vụ gì? Trường hợp vi phạm quy định về nghĩa vụ của trọng tài thể thao thành tích cao thì bị phạt với mức tiền bao nhiêu?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 34 Luật Thể dục, thể thao năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) quy định quyền và nghĩa vụ của trọng tài thể thao thành tích cao như sau:

1. Được bảo đảm an toàn trong quá trình làm nhiệm vụ.

2. Được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ theo quy định.

3. Được hưởng thù lao theo quy định của pháp luật.

4. Điều hành thi đấu theo quy định của luật thi đấu thể thao và điều lệ giải thể thao.

5. Trung thực, khách quan trong điều hành thi đấu.

Điều 12 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) xử phạt hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ của trọng tài thể thao thành tích cao như sau: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không trung thực, khách quan trong điều hành thi đấu thể thao.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Quyền và nghĩa vụ của trọng tài thể thao thành tích cao được quy định như trên. Trường hợp có hành vi vi phạm thì bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không trung thực, khách quan trong điều hành thi đấu thể thao.

28. Bà Trần Thu Trang có con gái là vận động viên thể thao. Vừa qua, bà nghe thông tin con gái bà được xem xét để phong đẳng cấp vận động viên thể thao thành tích cao nhưng không đạt. Bà đề nghị cho biết, tiêu chuẩn phong đẳng cấp vận động viên thể thao thành tích cao là gì và nếu có vi phạm về tiêu chuẩn này thì bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 3 Thông tư số 06/2021/TT-BVHTTDL ngày 22/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chuẩn phong đẳng cấp vận động viên thể thao thành tích cao quy định tiêu chuẩn phong đẳng cấp vận động viên thể thao thành tích cao như sau:

1. Tiêu chuẩn phong đẳng cấp vận động viên thể thao thành tích cao gồm tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn chuyên môn.

2. Tiêu chuẩn chung:

a) Là công dân Việt Nam;

b) Có tư cách đạo đức tốt;

c) Không đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã được xóa án tích trong trường hợp bị kết tội theo bản án, quyết định của tòa án;

d) Không trong thời gian thi hành kỷ luật của liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia, cơ quan quản lý vận động viên.

3. Tiêu chuẩn chuyên môn:

a) Tiêu chuẩn chuyên môn phong đẳng cấp vận động viên thể thao thành tích cao từng môn thể thao được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Vận động viên tham dự một trong các đại hội thể thao: Đại hội Olympic (Olympic), Đại hội thể thao châu Á (Asiad), Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Đại hội Olympic trẻ (Olympic trẻ) được phong đẳng cấp “Vận động viên kiện tướng”.

Khoản 1, 3 Điều 13 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ)  quy định:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi phong đẳng cấp vận động viên không bảo đảm tiêu chuẩn.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ kết quả phong đẳng cấp đối với hành vi vi phạm quy định trên.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Trên đây là quy định về tiêu chuẩn phong đẳng cấp vận động viên thể thao thành tích cao. Nếu có hành vi phong đẳng cấp vận động viên không bảo đảm tiêu chuẩn thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và buộc hủy bỏ kết quả phong đẳng cấp.

29. Vừa qua, ông Sinh nghe thông tin về việc xem xét phong đẳng cấp huấn luyện viên thể thao thành tích cao. Ông đề nghị cho biết, cơ quan nào công nhận đẳng cấp này và trường hợp có vi phạm quy định về phong đẳng cấp huấn luyện viên thể thao thành tích cao thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 42 Luật Thể dục, thể thao năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) quy định về đẳng cấp vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao thành tích cao như sau:

1. Đẳng cấp vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao nhằm đánh giá trình độ chuyên môn của vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao.

2. Liên đoàn thể thao quốc gia công nhận đẳng cấp cho vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao.

3. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chuẩn phong đẳng cấp vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao.

Khoản 2, 3 Điều 13 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định:

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi phong đẳng cấp huấn luyện viên, trọng tài không bảo đảm tiêu chuẩn.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ kết quả phong đẳng cấp đối với hành vi vi phạm.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Theo quy định trên, Liên đoàn thể thao quốc gia công nhận đẳng cấp cho huấn luyện viên thể thao thành tích cao. Trường hợp phong đẳng cấp huấn luyện viên không bảo đảm tiêu chuẩn thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, buộc hủy bỏ kết quả phong đẳng cấp.

30. Ông Trần Quang Anh phụ trách tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng quy mô toàn quốc và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cụm huyện tại huyện A. Ông đề nghị cho biết, việc báo cáo về tổ chức giải thi đấu này gửi đến cơ quan nào, gồm những nội dung gì và trong thời gian bao lâu? Trường hợp nội dung báo cáo không đầy đủ thì có bị xử phạt hành chính không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 7 Thông tư số 09/2012/TT-BVHTTDL ngày 19/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng, giải thể thao quần chúng quy mô toàn quốc và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm cả Giải thi đấu thể thao quần chúng cụm huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh do tổ chức ở các địa phương liên kết tổ chức cho các vận động viên đến từ địa phương, đơn vị đóng trên địa bàn.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 09/2012/TT-BVHTTDL thì tổ chức đứng ra tổ chức giải quy định tại các điểm d, đ và e Khoản 1 Điều này có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương nơi tổ chức giải. Thời gian gửi báo cáo ít nhất 15 (mười lăm) ngày làm việc trước ngày khai mạc giải.

Khoản 3, 4 Điều 7 Thông tư số 09/2012/TT-BVHTTDL quy định: Nội dung báo cáo nêu rõ mục đích, tên giải, thời gian, địa điểm, nội dung, chương trình thi đấu, nguồn tài chính tổ chức giải, điều kiện an ninh, y tế, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức giải thi đấu,

Sau 15 (mười lăm) ngày kết thúc giải tổ chức đứng ra tổ chức giải có trách nhiệm gửi báo cáo bằng văn bản kết quả của giải.

Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ)  quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi báo cáo bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tổ chức giải thi đấu thể thao thiếu một trong những nội dung về tên giải, thời gian, địa điểm, chương trình thi đấu, điều kiện an ninh, trật tự, y tế, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức giải thi đấu.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Theo quy định trên, tổ chức đứng ra tổ chức giải nơi anh Quang Anh phụ trách phải báo cáo bằng văn bản về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương nơi tổ chức giải. Thời gian gửi báo cáo ít nhất 15 (mười lăm) ngày làm việc trước ngày khai mạc giải. Báo cáo gồm các nội dung như giới thiệu ở trên. Sau 15 (mười lăm) ngày kết thúc giải tổ chức đứng ra tổ chức giải có trách nhiệm gửi báo cáo bằng văn bản kết quả của giải. Trường hợp báo cáo thiếu một trong những nội dung về tên giải, thời gian, địa điểm, chương trình thi đấu, điều kiện an ninh, trật tự, y tế, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức giải thi đấu thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

31. Chị Trương Thị Thu Thảo phụ trách giải thi đấu thể thao quần chúng cấp huyện do tổ chức K đăng cai tổ chức. Chị cho biết, trước khi khai mạc 10 ngày, tổ chức K đã có báo cáo bằng văn bản về Phòng Văn hoá và Thông tin nơi tổ chức. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn lập biên bản về hành vi không báo cáo bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về kết quả giải thi đấu. Chị Thảo đề nghị cho biết, việc báo cáo này được quy định như thế nào và hành vi này bị xử phạt bao nhiêu tiền?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Khoản 1, 2 Điều 8 Thông tư số 09/2012/TT-BVHTTDL ngày 19/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng quy định tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) và giải thi đấu thể thao quần chúng cơ sở như sau:

1. Giải thi đấu thể thao quần chúng cấp huyện bao gồm:

a) Giải thi đấu thể thao quần chúng cấp huyện được tổ chức cho các vận động viên đến từ các địa phương, đơn vị đóng trên địa bàn huyện;

b) Giải thi đấu thể thao quần chúng cụm các xã, phường, thị trấn do tổ chức ở các địa phương liên kết tổ chức cho các vận động viên đến từ các địa phương, đơn vị đóng trên địa bàn;

2. Tổ chức đứng ra tổ chức giải thi đấu thể thao quy định tại Khoản 1 Điều này có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản về Phòng Văn hóa và Thông tin nơi tổ chức giải ít nhất 15 (mười lăm) ngày làm việc trước ngày khai mạc.

Nội dung báo cáo tổ chức giải nêu rõ: mục đích, tên giải, thời gian, địa điểm, nội dung, chương trình thi đấu, nguồn tài chính tổ chức giải.

Sau 10 ngày kết thúc giải, tổ chức đứng ra tổ chức giải có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản kết quả của giải về Phòng Văn hóa và Thông tin nơi tổ chức giải.

Khoản 2, điểm a khoản 4, 5 Điều 14 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thành lập Ban tổ chức giải thi đấu;

b) Không có Điều lệ giải thi đấu;

c) Không báo cáo bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tổ chức, kết quả giải thi đấu.

2. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ tổ chức giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Theo quy định trên, ngoài báo cáo bằng văn bản ít nhất 15 (mười lăm) ngày làm việc trước ngày khai mạc. Sau 10 ngày kết thúc giải, tổ chức đứng ra tổ chức giải có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản kết quả của giải về Phòng Văn hóa và Thông tin nơi tổ chức giải. Trường hợp không báo cáo bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về kết quả giải thi đấu thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ tổ chức giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.

32. Anh Trần Văn Hoàng là công chức huyện K, được phân công tham mưu tổ chức giải thể thao quần chúng tại địa phương. Anh đề nghị cho biết, thẩm quyền quyết định tổ chức giải thể thao quần chúng được quy định như thế nào? Trường hợp tổ chức giải thi đấu thể thao không đúng thẩm quyền thì bị xử phạt không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 13 Luật Thể dục, thể thao năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) quy định thẩm quyền quyết định tổ chức giải thể thao quần chúng như sau:

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức các giải thể thao quần chúng sau đây:

a) Đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam cho người khuyết tật theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

b) Đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam cho học sinh, sinh viên; Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc cho học sinh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

c) Đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam cho lực lượng vũ trang theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.

2. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quyết định tổ chức giải thi đấu từng môn thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam cho học sinh, sinh viên và lực lượng vũ trang.

3. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định tổ chức giải thi đấu từng môn thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam cho người khuyết tật; giải thi đấu thể thao quần chúng cấp quốc gia.

4. Ủy ban nhân dân các cấp quyết định tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng của địa phương mình.

5. Cơ quan, tổ chức quyết định tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

6. Cơ quan, tổ chức quyết định tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng phải tuân theo quy định của Luật này và có trách nhiệm quy định nội dung, hình thức, chế độ bồi dưỡng, giải thưởng và bảo đảm kinh phí cho việc tổ chức giải thi đấu.

Khoản 3, điểm b khoản 4, 5 Điều 14 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ)  quy định:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức giải thi đấu thể thao không đúng thẩm quyền.

2. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ tổ chức giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Trên đây là quy định về thẩm quyền quyết định tổ chức giải thể thao quần chúng và việc xử phạt vi phạm hành chính nếu có vi phạm. Anh Trần Văn Hoàng nghiên cứu để thực hiện.

33. Chị Hoa muốn tổ chức kinh doanh hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện. Chị đề nghị cho biết, việc kinh doanh này có phải đăng ký thành lập doanh nghiệp không và trường hợp có quy định mà không đăng ký thì bị phạt bao nhiêu tiền?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 56 Luật Thể dục, thể thao năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) quy định hộ kinh doanh và các tổ chức khác kinh doanh hoạt động thể thao như sau:

1. Hộ kinh doanh và các tổ chức khác kinh doanh hoạt động thể thao thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về doanh nghiệp.

2. Hộ kinh doanh và các tổ chức khác muốn kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm và hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện phải đăng ký thành lập doanh nghiệp và đáp ứng đủ các điều kiện về kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm và hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện theo quy định của Chính phủ.

Điều 15 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ)  quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm, hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện như sau:

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm, kinh doanh hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện mà không đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Theo quy định trên, kinh doanh hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện phải đăng ký thành lập doanh nghiệp và đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Trường hợp không đăng ký thành lập doanh nghiệp thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với cá nhân và mức phạt gấp đôi đối với tổ chức.

34. Chị Hoa là chủ doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao ĐT. Chị cho biết, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp ĐT bị hư hỏng. Vậy chị có làm thủ tục cấp lại không? Trường hợp không đề nghị cấp lại thì có bị xử phạt không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao quy định:

Doanh nghiệp được cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Thay đổi một trong các nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện: Tên và địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; địa điểm kinh doanh hoạt động thể thao; danh mục hoạt động thể thao kinh doanh.

- Giấy chứng nhận đủ điều kiện bị mất hoặc hư hỏng.

Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao theo quy định.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Căn cứ quy định trên, doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao ĐT có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao nhưng bị hư hỏng thì phải làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện. Trường hợp không thực hiện thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

35. Hộ gia đình anh Hạnh dự định thành lập doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao đưới nước. Anh đề nghị cho biết, điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao dưới nước là gì? Trường hợp kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao thì bị xử phạt như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 17 Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao quy định điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao dưới nước như sau:

1. Có nhân viên cứu hộ.

2. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.

3. Đối với hoạt động thể thao trên sông, trên biển, trên hồ hoặc suối lớn phải có xuồng máy cứu sinh.

Khoản 2, 4, 5 Điều 16 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Kinh doanh hoạt động thể thao mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao;

b) Cho tổ chức khác thuê, mượn sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao;

c) Kinh doanh hoạt động thể thao sau khi có Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp đã có hiệu lực.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao từ 01 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 nêu trên.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Trên đây là quy định về điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao dưới nước và việc xử phạt trong trường hợp kinh doanh hoạt động thể thao mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao. Anh Hạnh nghiên cứu, tham khảo để thực hiện.

36. Ông Hồ Văn Sơn đề nghị cho biết, quy định về Huấn luyện viên chuyên nghiệp của Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp như thế nào? Trường hợp vi phạm quy định về điều kiện của huấn luyện viên chuyên nghiệp thì bị xử phạt như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 9 Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao quy định huấn luyện viên chuyên nghiệp phải đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

1. Có bằng tốt nghiệp đại học thể dục thể thao chuyên ngành phù hợp với hoạt động của môn thể thao chuyên nghiệp và hoàn thành chương trình đào tạo huấn luyện viên chuyên nghiệp của liên đoàn thể thao quốc gia.

2. Có bằng huấn luyện viên chuyên nghiệp do liên đoàn thể thao châu lục hoặc thế giới của môn thể thao chuyên nghiệp cấp.

3. Có bằng huấn luyện viên chuyên nghiệp của nước ngoài được liên đoàn thể thao châu lục hoặc thế giới của môn thể thao chuyên nghiệp công nhận.

Điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Huấn luyện viên chuyên nghiệp không có bằng tốt nghiệp đại học thể dục thể thao chuyên ngành phù hợp với hoạt động của môn thể thao chuyên nghiệp và hoàn thành chương trình đào tạo huấn luyện viên chuyên nghiệp của liên đoàn thể thao quốc gia, không có bằng huấn luyện viên chuyên nghiệp theo quy định.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Trên đây là quy định về điều kiện của huấn luyện viên chuyên nghiệp của Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và mức xử phạt trong trường hợp sử dụng huấn luyện viên không đáp ứng điều kiện.

37. Con trai ông Bàng được một Câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp gặp gỡ, đặt vấn đề tham gia Câu lạc bộ. Ông Bàng đề nghị cho biết, pháp luật có quy định điều kiện của Vận động viên chuyên nghiệp không? Trường hợp không đáp ứng yêu cầu này thì bị xử phạt như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 10 Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao quy định vận động viên chuyên nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Có hợp đồng lao động với câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp.

2. Được liên đoàn thể thao quốc gia công nhận là vận động viên chuyên nghiệp. Trường hợp vận động viên là người nước ngoài tham gia thi đấu thể thao chuyên nghiệp tại Việt Nam phải có chứng nhận chuyển nhượng quốc tế và Giấy phép lao động theo quy định pháp luật về lao động.

Điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Vận động viên chuyên nghiệp không có hợp đồng lao động với câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp; không được liên đoàn thể thao quốc gia công nhận; vận động viên là người nước ngoài tham gia thi đấu thể thao chuyên nghiệp ở Việt Nam mà không có giấy chứng nhận chuyển nhượng quốc tế.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Trên đây là quy định về điều kiện của vận động viên chuyên nghiệp và mức xử phạt trong trường hợp vận động viên không đáp ứng điều kiện.

38. Chị Hoa là cán bộ y tế đã tốt nghiệp trình độ cử nhân y tế. Chị dự định ký hợp đồng với Câu lạc bộ kinh doanh hoạt động thể thao chuyên nghiệp. Chị đề nghị cho biết, điều kiện của nhân viên y tế trong trường hợp này được quy định như thế nào? Trường hợp nhân viên y tế không đáp ứng điều kiện đối với các đơn vị kinh doanh trong hoạt động thể thao chuyên nghiệp thì bị xử phạt không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 11 Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao quy định về nhân viên y tế như sau:

Nhân viên y tế thường trực trong các buổi tập luyện và thi đấu thể thao chuyên nghiệp hoặc nhân viên y tế của cơ sở y tế mà câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp ký hợp đồng để sơ cứu, cấp cứu người tham gia hoạt động thể thao chuyên nghiệp trong trường hợp cần thiết phải có trình độ chuyên môn từ cao đẳng y tế trở lên.

Điểm c khoản 1 Điều 17 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Nhân viên y tế không bảo đảm trình độ chuyên môn từ cao đẳng y tế trở lên.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Trên đây là quy định về điều kiện của nhân viên y tế đối với trường hợp kinh doanh trong hoạt động thể thao chuyên nghiệp và mức xử phạt trong trường hợp nhân viên y tế không đáp ứng điều kiện.

39. Chị Thanh có con gái đang tham gia Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp. Chị đề nghị cho biết, cơ sở vật chất và trang thiết bị tập luyện, thi đấu chuyên nghiệp có được pháp luật quy định không? Trường hợp Câu lạc bộ sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và thi đấu thể thao chuyên nghiệp không đảm bảo thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 12 Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị như sau:

Cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và thi đấu thể thao chuyên nghiệp phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với quy định của các tổ chức thể thao chuyên nghiệp quốc tế.

Khoản 2, 3 Điều 17 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng huấn luyện viên chuyên nghiệp, vận động viên chuyên nghiệp, nhân viên y tế tham gia hoạt động thể thao chuyên nghiệp không đáp ứng điều kiện theo quy định;

b) Sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và thi đấu thể thao chuyên nghiệp không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với quy định của các tổ chức thể thao chuyên nghiệp quốc tế.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động thể thao có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 nêu trên.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Trên đây là quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với trường hợp kinh doanh trong hoạt động thể thao chuyên nghiệp. Trường hợp sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và thi đấu thể thao chuyên nghiệp không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với quy định của các tổ chức thể thao chuyên nghiệp quốc tế thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động thể thao có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng.

40. Bà Nga dự định thành lập doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao. Bà đề nghị cho biết, quy định xử phạt trong trường hợp vi phạm về điều kiện cơ sở vật chất trong kinh doanh hoạt động thể thao?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 18 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về điều kiện cơ sở vật chất trong kinh doanh hoạt động thể thao như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không bảo đảm yêu cầu về bảng nội quy, bảng chỉ dẫn, bảng hướng dẫn, biển báo đối với từng môn thể thao;

b) Không bảo đảm yêu cầu về phao neo, cờ định vị, phao tiêu, cờ hiệu, phao cứu sinh, áo phao, dây phao, sào cứu hộ, ghế cứu hộ đối với từng môn thể thao;

c) Không bảo đảm yêu cầu về khu vực thay đồ, nơi để đồ dùng cá nhân, khu tắm tráng, khu vực rửa chân, nhà vệ sinh, khu vực đỗ đáp, khu vực xuất phát, khu vực tập kết và neo đậu phương tiện, khu vực cất giữ súng, đạn thể thao đối với từng môn thể thao;

d) Không bảo đảm các yêu cầu về âm thanh, ánh sáng đối với từng môn thể thao;

đ) Không bảo đảm yêu cầu về túi sơ cứu, thiết bị sơ cứu, cấp cứu ban đầu đối với từng môn thể thao;

e) Không bảo đảm yêu cầu về sổ theo dõi người tập luyện, sử dụng dịch vụ; sổ theo dõi sử dụng súng, đạn thể thao đối với từng môn thể thao;

g) Không bảo đảm yêu cầu về hàng rào, lưới chắn, lưới bảo vệ, lưới an toàn, rào chắn, tường bao đối với từng môn thể thao.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không bảo đảm yêu cầu về diện tích, kích thước nơi tập luyện, thi đấu đối với từng môn thể thao;

b) Không bảo đảm yêu cầu về mặt bằng, mặt sàn, độ sâu, chênh lệch độ sâu, độ dốc, độ gấp khúc, chiều cao, mái che đối với từng môn thể thao;

c) Không bảo đảm yêu cầu về nước bể bơi;

d) Không bảo đảm yêu cầu về mật độ tập luyện, mật độ hướng dẫn tập luyện, mật độ nhân viên cứu hộ đối với từng môn thể thao;

đ) Không bảo đảm yêu cầu về khoảng cách giữa các trang thiết bị tập luyện, thi đấu đối với từng môn thể thao.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không bảo đảm yêu cầu về vùng hoạt động đối với từng môn thể thao;

b) Không bảo đảm yêu cầu về cửa ra, cửa vào của mỗi bến, bãi neo đậu phương tiện đối với từng môn thể thao.

4. Các quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 điều này cũng được áp dụng đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện; kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm; kinh doanh hoạt động thể thao dưới nước.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động thể thao có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Trên đây là quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về điều kiện cơ sở vật chất trong kinh doanh hoạt động thể thao, bà Nga nghiên cứu, tham khảo.

III. TÌNH HUỐNG GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TIỀN TỀ VÀ NGÂN HÀNG

1. Chị Ánh nộp hồ sơ xin việc tại Cửa hàng mua bán vàng trang sức DM. Tuy nhiên, Chị Ánh phát hiện Cửa hàng sử dụng vàng nguyên liệu nhập khẩu không đúng theo giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Do đó, chị Ánh hỏi, trong trường hợp này Cửa hàng DM có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 14 Điều 1 Nghị định số 143/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

  - Sử dụng vàng nguyên liệu nhập khẩu không đúng theo giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ;

  - Thực hiện kinh doanh mua, bán vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm trong trường hợp tái phạm.”;

Đồng thời, cũng tại Nghị định này, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

  Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi sử dụng vàng nguyên liệu nhập khẩu không đúng theo giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ của Cửa hàng mua bán vàng trang sức DM sẽ bị phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

  2. Bà San, Giám đốc doanh nghiệp dịch vụ việc làm HA đã cho bạn là bà An thuê tài khoản thanh toán của doanh nghiệp để hưởng lãi xuất ưu đãi của ngân hàng. Vậy, trong trường hợp này, doanh nghiệp HA có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

  Khoản 15 Điều 1 Nghị định số 143/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

  - Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Làm giả chứng từ thanh toán khi cung ứng, sử dụng dịch vụ thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Đồng thời, cũng tại Nghị định này, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi cho thuê tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự của doanh nghiệp dịch vụ việc làm HA sẽ bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

  3. Anh Chính là hacker máy tính làm việc cho một công ty nước ngoài. Anh đã tìm cách xâm nhập, lấy cắp thông tin tài khoản thanh toán dữ liệu khách hàng của ngân hàng AIA, nhưng bị phát hiện. Trong trường hợp này, Anh Chính có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

  Điểm đ Khoản 15 Điều 1 Nghị định số 143/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, đánh cắp dữ liệu, phá hoại, làm thay đổi trái phép chương trình phần mềm, dữ liệu điện tử sử dụng trong thanh toán; lợi dụng lỗi hệ thống mạng máy tính để trục lợi mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh;

- Thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện thực hiện các hành vi: sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán, phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gian lận, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác;

- Lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.        

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi lấy cắp thông tin tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự của anh Chính sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.

4. Ngân hàng ABC đã thực hiện hành vi chuyển đổi hình thức pháp lý tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản. Vậy, trong trường hợp này, ngân hàng ABC có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điểm đ Khoản 15 Điều 1 Nghị định số 143/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với hành vi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức pháp lý tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.

Đồng thời, cũng tại Nghị định này, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi chuyển đổi hình thức pháp lý mà chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản của ngân hàng ABC sẽ bị phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng.

5. Anh Long là chuyên viên tín dụng vay tiêu dùng cá nhân của ngân hàng H. Anh đã hỗ trợ khách hàng Z vay tiêu dùng để mua sắm tài sản. Tuy nhiên, sau đó ngân hàng H phát hiện khách hàng Z đã không sử dụng vốn vay đúng mục đích. Trong trường hợp này, anh Long có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng theo quy định của pháp luật.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi không kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng của anh Long sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

6. Chị H thấy ngân hàng Z công bố lãi xuất huy động vốn là 9,8%/năm. Tuy nhiên khi thực hiện các giao dịch tại ngân hàng thì chị H phát hiện ngân hàng áp dụng mức lãi xuất huy động là 12%/năm. Trong trường hợp này, chị H hỏi ngân hàng Z có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi áp dụng lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ cao hơn mức đã niêm yết.

Đồng thời, cũng tại Nghị định này, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi áp dụng lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ cao hơn mức đã niêm yết của ngân hàng Z sẽ bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng.

7.  Anh Z gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng OX. Anh đến ngân hàng để thực hiện việc rút tiền thì thấy ngân hàng đã đổi tên thành ngân hàng AZ. Trước cổng ngân hàng nhiều người bàn tán về việc ngân hàng đã thực hiện việc đổi tên nhưng chưa được ngân hàng nhà nước chấp nhận. Anh Z hỏi trong trường hợp này, ngân hàng AZ có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

 

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với việc thực hiện một trong các hành vi sau đây khi chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản:

- Thay đổi tên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

- Tạm ngừng hoạt động kinh doanh từ 05 ngày làm việc trở lên, trừ trường hợp tạm ngừng hoạt động do sự kiện bất khả kháng;

- Thành lập chi nhánh, phòng giao dịch ở trong nước; thành lập văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài của tổ chức tín dụng; khai trương hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch ở trong nước.

Đồng thời, cũng tại Nghị định này, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi thay đổi tên khi chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản của ngân hàng sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.

8. Cửa hàng vàng WZ bị phát hiện đã thực hiện hành vi kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Trong trường hợp này, cửa hàng vàng WZ sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 8 Điều 24 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng;

- Thực hiện xuất khẩu hoặc nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật;

- Hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định của pháp luật.

  Và Khoản 9 Điều 24 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định hình thức xử phạt bổ sung:

-  Tịch thu số vàng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, c khoản 8 Điều này;

- Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều này.

Đồng thời, cũng tại Nghị định này, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng của cửa hàng sẽ bị phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng và bị tịch thu số vàng kinh doanh không có giấy phép kinh doanh, mua bán vàng miếng.

9. Xin hãy cho biết khi phát hiện tiền giả mà không thu giữ thì sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 31 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

-  Phát hiện tiền giả nhưng không thu giữ;

- Phát hiện tiền nghi giả nhưng không tạm giữ;

- Không lập biên bản hoặc thu giữ tiền giả, không đóng dấu, bấm lỗ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về xử lý tiền giả, tiền nghi giả khi thu giữ tiền giả hoặc tạm giữ tiền nghi giả.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên khi phát hiện tiền giả mà không thu giữ thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

10. Để thực hiện tăng lượt view, một youtuber đã đăng tải một đoạn video lên mạng xã hội đang thực hiện việc dùng xăng đốt tiền Việt Nam. Việc này sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 31 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, việc dùng xăng để phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam nêu trên của youtuber sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

11. Ông Nguyễn Văn T hiện là thành viên của Ban Kiểm sát Ngân hàng ACB. Do việc gia đình nên ông T đã thỏa thuận với ông Nguyễn Hữu C chuyển nhượng một phần cổ phần của ông tại Ngân hàng ACB cho ông C. Ông C hỏi việc chuyển nhượng một phần cổ phần này của ông T có đảm bảo theo quy định pháp luật không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 56 Luật Các tổ chức tín dụng quy định: “Cổ đông là cá nhân, cổ đông là tổ chức có người đại diện là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được chuyển nhượng cổ phần của mình trong thời gian đảm nhiệm chức vụ”.

Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định quy định phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi chuyển nhượng cổ phần trong thời gian đảm nhiệm chức vụ quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Các tổ chức tín dụng.

Khoản 3 Điều 11 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định quy định biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc khôi phục lại số cổ phần đã chuyển nhượng quy định tại Điều này trong thời gian tối đa 06 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực;

- Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Như vậy, chiếu theo các quy định nêu trên thì việc Ông Nguyễn Văn T hiện vẫn đang thành viên của Ban Kiểm soát Ngân hàng ACB thì không được phép thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần của mình tại ngân hàng. Nếu vẫn cố ý thực hiện thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng và buộc khôi phục lại số cổ phần đã chuyển nhượng.

12. Anh Z là nhân viên tín dụng của ngân hàng MN. Là cán bộ thâm niên làm việc nên anh được ngân hàng cho hưởng ưu đãi lãi xuất nội bộ. Anh đã thực hiện hành vi móc nối với chị H, làm hồ sơ vay để chị H được hưởng lãi xuất ưu đãi nội bộ này của anh và hưởng chênh lệch hoa hồng từ chị H. Xin hỏi, hành vi này của anh Z sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 4 Điều 13 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Lập hợp đồng, thỏa thuận cấp tín dụng không đủ các nội dung theo quy định của pháp luật;

- Miễn, giảm lãi suất cấp tín dụng khi chưa ban hành quy định nội bộ; miễn, giảm lãi suất cấp tín dụng không đúng quy định nội bộ;

- Chuyển nợ quá hạn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ không đúng quy định của pháp luật;

- Áp dụng lãi suất cấp tín dụng không đúng quy định của pháp luật;

- Thu lãi nợ quá hạn không đúng quy định của pháp luật;

- Thu nợ khoản vay bị quá hạn trả nợ không đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, chiếu theo quy định nêu trên, hành vi miễn, giảm lãi suất cấp tín dụng không đúng quy định nội bộ của anh Z sẽ bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

13. Chị M nhân viên tín dụng của ngân hàng. Trong thời gian làm việc tại ngân hàng, chị M đã thực hiện làm giả chứng từ khi cung ứng, sử dụng dịch vụ thanh toán cho một số khách hàng vay cá nhân của ngân hàng. Xin hỏi, hành vi này của chị M nếu bị phát hiện thì sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 5 Điều 26 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

  - Cho thuê, cho mượn từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán;

- Làm giả chứng từ khi cung ứng, sử dụng dịch vụ thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Mở, sử dụng và ủy quyền sử dụng tài khoản thanh toán không đúng quy định của pháp luật trong quá trình sử dụng dịch vụ thanh toán.

Như vậy, chiếu theo các quy định nêu trên, hành vi làm giả chứng từ khi cung ứng, sử dụng dịch vụ thanh toán anh thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự của chị M sẽ bị xử phạt từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

14. Trong một lần đi tập huấn về nghiệp vụ ngân hàng, chị B được biết một trong các hành vi vi phạm bị pháp luật xử lý là để lộ hoặc tiết lộ ra ngoài các thông tin không được phép tiết lộ liên quan đến hệ thống thanh toán liên ngân hàng. Chị B băn khoăn muốn biết mức xử phạt đối với hành vi này được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 25 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Cản trở việc vận hành hệ thống thanh toán bù trừ, thanh toán liên ngân hàng;

- Để lộ hoặc tiết lộ ra ngoài các thông tin không được phép tiết lộ liên quan đến hệ thống thanh toán liên ngân hàng.

Như vậy, chiếu theo quy định nêu trên, nếu thực hiện hành vi để lộ hoặc tiết lộ ra ngoài các thông tin không được phép tiết lộ liên quan đến hệ thống thanh toán liên ngân hàng thì sẽ bị xử phạt từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.

15. Xin hãy cho biết hành vi tiết lộ, cung cấp thông tin khách hàng, thông tin về số dư ví điện tử và các giao dịch thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không đúng quy định của pháp luật được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điểm c Khoản 16 Điều 1 Nghị định số 143/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Tiết lộ, cung cấp thông tin khách hàng, thông tin về số dư ví điện tử và các giao dịch thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không đúng quy định của pháp luật;

- Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử hoặc mua, bán thông tin ví điện tử từ 01 ví điện tử đến dưới 10 ví điện tử;

- Vi phạm quy định về tài khoản đảm bảo thanh toán;

Đồng thời, cũng tại Nghị định này, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Vì vậy, hành vi tiết lộ, cung cấp thông tin khách hàng, thông tin về số dư ví điện tử và các giao dịch thanh toán của khách hàng nên cần xác định rõ hành vi vi phạm từ phía nhân viên hay ngân hàng để áp dụng mức phạt tương ứng.

16. A làm rơi ví, mất căn cước công dân và B nhặt được. B mang căn cước công dân của A đi đăng ký làm mở tài khoản ngân hàng mạo danh A. Trong trường hợp này, B sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 7 Điều 26 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, đánh cắp dữ liệu, phá hoại, làm thay đổi trái phép chương trình phần mềm, cơ sở dữ liệu điện tử sử dụng trong thanh toán; lợi dụng lỗi hệ thống mạng máy tính để trục lợi mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh;

- Sử dụng tài khoản thanh toán để thực hiện các giao dịch cho các mục đích lừa đảo, gian lận.

Như vậy, chiếu theo quy định nêu trên, hành vi mở tài khoản mạo danh A của B sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.

17. Do cần tiền gửi cho con đi du học tại Mỹ nên anh A đã mua trực tiếp từ anh B 200.000 ngàn đôla Mỹ mà không thông qua các tổ chức tín dụng. Xin hãy cho biết việc này có được pháp luật cho phép không? Nếu không thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 5 Điều 23 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Mở, đóng, sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài không đúng quy định của pháp luật;

- Cung ứng dịch vụ thanh toán, chuyển tiền đối với các giao dịch liên quan đến khoản vay nước ngoài, khoản cho vay, thu hồi nợ nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài và các giao dịch vốn khác không đúng quy định của pháp luật;

- Quy đổi mệnh giá đồng tiền quy ước không đúng quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thường dành cho người nước ngoài, doanh nghiệp kinh doanh casino;

- Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc mở, đóng, sử dụng tài khoản chuyên dùng ngoại tệ trong hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, hoạt động kinh doanh casino;

- Không nộp số ngoại tệ tiền mặt vượt mức tồn quỹ vào tài khoản chuyên dùng ngoại tệ mở tại ngân hàng được phép trong trường hợp có nguồn thu ngoại tệ tiền mặt từ hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, hoạt động kinh doanh casino vượt mức tồn quỹ theo quy định của pháp luật;

- Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

- Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đối ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

- Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, chiếu theo quy định nêu trên, hành vi mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên sẽ bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

18. Do bất cẩn nên chị H đã làm rách một xấp tiền mệnh giá 200.000 VNĐ. Chị đến ngân hàng X để đề nghị đổi tiền nhưng bị nhân viên ngân hàng A từ chối. Chị đến ngân hàng Z thì nhân viên ngân hàng B vui vẻ đổi tiền cho chị. Chị H hỏi việc từ chối đổi tiền này của nhân viên ngân hàng A có đảm bảo quy định pháp luật?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 30 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Từ chối đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho khách hàng;

- Không thực hiện đúng quy định về phân loại, đóng gói, giao nhận kim khí quý, đá quý; đóng gói, niêm phong, giao nhận, bảo quản, vận chuyển, kiểm kê tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 và các điểm b, c, d và đ khoản 5 Điều này.

Như vậy, chiếu theo quy định nêu trên, hành vi từ chối đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho khách hàng của nhân viên ngân hàng A sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

19. Anh A và anh B thỏa thuận chuyển nhượng mua bán một lô đất với trị giá 20 cây vàng. Hỏi: Việc dùng vàng làm phương tiện thanh toán có được pháp luật cho phép không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

 Khoản 4 Điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động kinh doanhn vàng, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán là hành vi vi phạm pháp luật. Người dân không được dùng vàng làm phương tiện thanh toán khi mua bán nhà đất nói riêng và các hoạt động mua bán nói chung.

Khoản 1 Điều 24 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng;

- Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.

Khoản 2 Điều 24 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần;

- Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần.

Như vậy, chiếu theo quy định nêu trên, việc dùng vàng làm phương tiện thanh toán trong hợp đồng mua bán không được pháp luật cho phép, nếu vi phạm lần đầu thì sẽ bị xử phạt cảnh cáo. Nếu tái phạm thì sẽ bị xử phạt tiền 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

20. Trong quá trình thanh tra tại ngân hàng ABC, Đoàn thanh tra của Bộ Tài chính phát hiện tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi tại ngân hàng ABC không đảm bảo theo quy định pháp luật. Xin hỏi việc này sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 35 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật về một trong các tỷ lệ bảo đảm an toàn sau:

- Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn;

- Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi;

- Tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;

Đồng thời, cũng tại Nghị định này, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, chiếu theo quy định nêu trên, hành vi tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi tại ngân hàng ABC không đảm bảo theo quy định pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 400.000.000 đồng đến 440.000.000 đồng.

IV. TÌNH HUỐNG GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BẢO TRỢ, TRỢ GIÚP XÃ HỘI VÀ TRẺ EM

1. Anh Trần Văn A là Trưởng thôn Thôn 1 của một xã vừa xảy ra lũ lụt, anh đã lập danh sách hộ gia đình và số người trong hộ gia đình thiếu đói, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu cần hỗ trợ do trận lũ lụt vừa qua để Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã xem xét trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định hỗ trợ. Trong danh sách đó có 05 người là người thân thích của anh Trần Văn A, không thuộc đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, không bị thiệt hại trong cơn lũ lụt vừa qua. Hành vi của anh Trần Văn A có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em  quy định:

“ Phạt tiền từ 250.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi khai báo gian dối để được hưởng trợ giúp xã hội khẩn cấp từ 02 người đến dưới 10 người.”

Điểm a khoản 5 Điều 6 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và điểm a, điểm b khoản 4 Điều này;

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của ông Trần Văn A sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 250.000 đồng đến 500.000 đồng, biện pháp khắc phục hậu quả: buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

2. Cơ sở trợ giúp xã hội A, có hành vi không chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật. Hành vi của Cơ sở trợ giúp xã hội A có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc thực hiện các hình thức đối xử tồi tệ khác với đối tượng bảo trợ xã hội mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Không chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội.”

Khoản 4, khoản 5 Điều 7 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện hành vi vi phạm tại khoản 1, 2 và 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại điểm b khoản 1, điểm a, b khoản 2 và khoản 3 Điều này;

b) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho đối tượng bảo trợ xã hội bị ảnh hưởng sức khỏe do hành vi vi phạm tại điểm a, b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của Cơ sở trợ giúp xã hội A sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng; Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện hành vi vi phạm; biện pháp khắc phục hậu quả: buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

3. Cơ sở trợ giúp xã hội B, có hành vi không báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật. Hành vi của Cơ sở trợ giúp xã hội B có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không lưu trữ các loại hồ sơ của đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật;

b) Không báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật;

c) Cấp không đủ hoặc cấp không bảo đảm chất lượng vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày gồm: chăn, màn, chiếu, quần áo mùa hè, quần áo mùa đông, quần áo lót, khăn mặt, giày, dép, bàn chải đánh răng, thuốc chữa bệnh thông thường; vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với đối tượng bảo trợ xã hội là nữ, sách vở, đồ dùng học tập đối với đối tượng đang đi học và các đồ dùng khác theo quy định hiện hành.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của Cơ sở trợ giúp xã hội B sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

4. Cơ sở trợ giúp xã hội M, hoạt động mà không có giấy phép theo quy định của pháp luật. Hành vi của Cơ sở trợ giúp xã hội B có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 5, khoản 6 Điều 8 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cơ sở hoạt động mà không đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Cơ sở hoạt động mà không có giấy phép theo quy định của pháp luật.

6. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng đối với cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện hành vi vi phạm tại điểm c, điểm d khoản 4 và khoản 5 Điều này.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của Cơ sở trợ giúp xã hội M sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 5 Điều 8 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng; Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng đối với cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện hành vi vi phạm.

5. Cơ sở trợ giúp xã hội C, lưu trữ không đầy đủ các loại hồ sơ cơ bản của đối tượng bảo trợ xã hội. Hành vi của Cơ sở trợ giúp xã hội C có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lưu trữ không đầy đủ các loại hồ sơ cơ bản của đối tượng bảo trợ xã hội.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của Cơ sở trợ giúp xã hội C sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

6. Cơ sở trợ giúp xã hội V, thu tiền dịch vụ đối với đối tượng bảo trợ xã hội trái với quy định của pháp luật. Hành vi của Cơ sở trợ giúp xã hội V có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 4 Điều 8 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

 “4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng kinh phí, cơ sở vật chất của cơ sở trợ giúp xã hội sai mục đích;

b) Thu tiền dịch vụ đối với đối tượng bảo trợ xã hội trái với quy định của pháp luật;

c) Không bảo đảm một trong các điều kiện về môi trường, y tế, vệ sinh, cơ sở vật chất, cán bộ, nhân viên;

d) Không tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Khoản 7 Điều 8 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc hoàn trả cho đối tượng bảo trợ xã hội các khoản tiền đã thu trái pháp luật đối với hành vi vi phạm tại điểm b khoản 4 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại điểm a khoản 4 Điều này;

c) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho đối tượng bảo trợ xã hội bị ảnh hưởng sức khỏe do hành vi vi phạm tại điểm c khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều này.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của Cơ sở trợ giúp xã hội V sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 4 Điều 8 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hoàn trả cho đối tượng bảo trợ xã hội các khoản tiền đã thu trái pháp luật đối với hành vi vi phạm.

7. Anh Lê H là Tổ trưởng Tổ dân phố đã phân phối tiền, hàng cứu trợ không đúng mục đích, không đúng đối tượng. Hành vi của anh Lê H có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 10 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Để hư hỏng, thất thoát tiền, hàng cứu trợ, trừ trường hợp bất khả kháng do thiên tai, hỏa hoạn;

b) Sử dụng, phân phối tiền, hàng cứu trợ không đúng mục đích, không đúng đối tượng;

c) Tráo đổi hàng cứu trợ.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc bồi hoàn lại số tiền, hàng cứu trợ bị hư hỏng, thất thoát do thực hiện hành vi vi phạm tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này;

c) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho người sử dụng hàng cứu trợ bị ảnh hưởng sức khỏe do hành vi vi phạm tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều này.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của anh Lê H sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

8. Anh Minh, chị Lan chung sống với nhau và có chung với nhau một cháu gái, do chị Lan là người khuyết tật nên mẹ anh Minh đã dành nuôi đứa trẻ, cản trở việc anh chị kết hôn. Hành vi của mẹ anh Minh có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật;

b) Cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con hợp pháp của người khuyết tật;

c) Cản trở người khuyết tật sống độc lập, hòa nhập cộng đồng;

d) Cản trở người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội;

đ) Cản trở người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận công nghệ thông tin.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của mẹ anh Minh sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

9. Chị Trần Thị Em đã đăng trên facebook cá nhân của mình hình ảnh của chị Nguyễn Thị Bé là người bị khuyết tật phải ngồi trên xe lăn đang gặp khó khăn để kêu gọi sự đóng góp hỗ trợ của các tấm lòng hảo tâm. Tuy nhiên, chị E đã không trao số tiền quyên góp của mọi người hỗ trợ cho chị Bé, mà giữ số tiền đó để tiêu xài. Hành vi của chị Trần Thị Em có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 3, khoản 5 Điều 11 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của chị Trần Thị Em sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

10. Cơ sở giáo dục T đã từ chối người khuyết tật nhập học ở độ tuổi cao hơn theo quy định của pháp luật. Hành vi của Cơ sở giáo dục T có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không bảo đảm các điều kiện dạy và học phù hợp với người khuyết tật theo quy định của pháp luật;

b) Không cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng cho người khuyết tật theo quy định của pháp luật;

c) Không cho phép người khuyết tật được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của người khuyết tật không thể đáp ứng;

d) Từ chối người khuyết tật nhập học ở độ tuổi cao hơn theo quy định của pháp luật;

đ) Đặt ra điều kiện tuyển sinh có nội dung hạn chế người khuyết tật, trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật;

e) Không thực hiện ưu tiên tuyển sinh đối với người khuyết tật theo quy định của pháp luật;

g) Cản trở quyền học tập của người khuyết tật.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của Cơ sở giáo dục T sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

11. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với người khuyết tật K đã không cấp văn bằng, chứng chỉ đào tạo khi người khuyết tật có đủ điều kiện được cấp văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật. Hành vi của Cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với người khuyết tật K có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không duy trì các điều kiện bảo đảm hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định cho người khuyết tật sau khi tổ chức hoạt động đào tạo từ 06 tháng trở lên;

b) Không có đủ chương trình, giáo trình, đội ngũ nhà giáo và không bảo đảm hình thức, thời gian đào tạo phù hợp với người khuyết tật;

c) Không cấp văn bằng, chứng chỉ sơ cấp, chứng chỉ đào tạo khi người khuyết tật có đủ điều kiện được cấp văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của Cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với người khuyết tật K sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều 14 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

12. Nhân viên lái xe đã từ chối chuyên chở người khuyết tật hoặc từ chối chuyên chở phương tiện, thiết bị hỗ trợ phù hợp của người khuyết tật bằng phương tiện giao thông công cộng. Hành vi của của Nhân viên lái xe có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 15 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

1. Không ưu tiên bán vé cho người khuyết tật, người cao tuổi;

2. Người có trách nhiệm theo quy định của pháp luật mà không giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện cho người khuyết tật, người cao tuổi;

3. Từ chối chuyên chở người khuyết tật hoặc từ chối chuyên chở phương tiện, thiết bị hỗ trợ phù hợp của người khuyết tật bằng phương tiện giao thông công cộng.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, Nhân viên lái xe sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

13. Anh H là thành viên Hội đồng xác định mức độ khuyết tật đã lợi dụng việc xác định mức độ khuyết tật để trục lợi. Hành vi của anh H có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 3, khoản 4 Điều 17 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Lợi dụng việc xác định mức độ khuyết tật để trục lợi;

b) Từ chối xác định lại mức độ khuyết tật mà không có lý do chính đáng;

c) Gian dối trong việc xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại điểm a khoản 3 Điều này;

b) Buộc nộp lại giấy xác nhận mức độ khuyết tật đối với hành vi vi phạm tại điểm c khoản 3 Điều này.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, Anh H sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 3 Điều 17 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

14. Anh T là Trưởng thôn của Thôn 1 đã không tuân thủ việc miễn các khoản đóng góp cho hoạt động xã hội đối với người cao tuổi. Hành vi của anh T có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1, khoản 3 Điều 18 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cản trở người cao tuổi sống chung với con, cháu hoặc sống riêng;

b) Cản trở người cao tuổi thực hiện quyền về sở hữu tài sản, quyền tham gia hoạt động văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, nghỉ ngơi và các quyền hợp pháp khác;

c) Không miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội đối với người cao tuổi;

d) Không ưu tiên người cao tuổi nhận tiền, hiện vật cứu trợ, chăm sóc sức khỏe và chỗ ở nhằm khắc phục khó khăn ban đầu khi người cao tuổi gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc rủi ro bất khả kháng khác;

đ) Không thực hiện chi trả khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước cho người cao tuổi theo quy định.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi khi có yêu cầu đối với hành vi vi phạm tại khoản 2 Điều này;

b) Buộc hoàn trả cho người cao tuổi các khoản tiền đã thu trái pháp luật đối với hành vi vi phạm tại điểm c khoản 1 Điều này;

c) Buộc chi trả cho người cao tuổi khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước đối với hành vi vi phạm tại điểm đ khoản 1 Điều này;

d) Buộc chịu mọi chi phí khám chữa bệnh (nếu có) cho người cao tuổi bị ảnh hưởng sức khỏe do hành vi vi phạm tại khoản 2 Điều này.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, Anh T sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều 18 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hoàn trả cho người cao tuổi các khoản tiền đã thu trái pháp luật đối với hành vi vi phạm.

15. Chị Nguyễn Thị A lợi dụng việc chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi để trục lợi. Hành vi của chị Nguyễn Thị A có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 19 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi theo quy định của pháp luật;

b) Không thực hiện đầy đủ cam kết theo hợp đồng dịch vụ đã ký kết để chăm sóc người cao tuổi theo quy định của pháp luật;

c) Lợi dụng việc chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi để trục lợi.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại điểm c khoản 1 Điều này.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, chị Nguyễn Thị A sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều 19 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

16. Anh Trần Văn K có hành vi vi phạm pháp luật đối với người cao tuổi không nơi nương tựa, bị anh Nguyễn Văn B phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Anh K đã có hành vi đe dọa anh B. Hành vi đe dọa của anh K  đối với anh B có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cưỡng ép người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đối với người khuyết tật, người cao tuổi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Ép buộc người cao tuổi làm những việc trái quy định của pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Trả thù, đe dọa người giúp đỡ người cao tuổi, người phát hiện, báo tin ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật đối với người cao tuổi.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, anh Trần Văn K sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều 20 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

17. Chị Hồ Thị Bê đã có hành vi lăng mạ, chửi mắng, đe dọa cháu Nguyễn Thị Na là con riêng của chồng chị Bê đã gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, ảnh hưởng đến sự phát triển của cháu Na. Hành vi của chị Hồ Thị Bê có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 22 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;

b) Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;

c) Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;

d) Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi vi phạm tại điểm d khoản 1 Điều này.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, chị Hồ Thị Bê sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều 22 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm

18. Anh Đỗ Văn H đã có hành vi tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn nộp lại cho anh số tiền xin được vào cuối ngày. Hành vi của anh Đỗ Văn H có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2, Khoản 5 Điều 23 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn;

b) Cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại khoản 2 và khoản 3 Điều này;

b) Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm tại các khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, anh Đỗ Văn H sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 3 Điều 23 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng; Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

19. Anh Trần Văn G là nhân viên quản lý khu chung cư A, anh G đã nhiều lần phát hiện cháu Nguyễn Thị H bị bạo lực và có nguy cơ bị xâm hại nhưng không thông báo, không cung cấp thông tin về trẻ em có nguy cơ bị bạo lực và có nguy cơ bị xâm hại cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền. Hành vi của anh Trần Văn G có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 28 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thông báo, không cung cấp hoặc che giấu thông tin về trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực và có nguy cơ bị xâm hại khác cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền;

b) Ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực và có nguy cơ bị xâm hại khác cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, anh Trần Văn G sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 28 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

20. Chị Hồ Thị Q có hành vi bán chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em. Hành vi của chị Hồ Thị Q có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 29 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp sản phẩm, dịch vụ không an toàn, không thân thiện, gây tổn hại cho trẻ em;

b) Bán chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em;

c) Cho trẻ em sử dụng chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này;

b) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh có liên quan đến hành vi vi phạm trong thời gian từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm tại điểm b khoản 1 Điều này.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy sản phẩm, thực phẩm không an toàn, có hại cho trẻ em đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, chị Hồ Thị Q sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 29 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm; Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh có liên quan đến hành vi vi phạm trong thời gian từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy sản phẩm, thực phẩm không an toàn, có hại cho trẻ em đối với hành vi vi phạm; Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm.

V. TÌNH HUỐNG GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI; XÂY DỰNG; QUỐC PHÒNG, CƠ YẾU; ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH ĐƯA VÀO TRƯỜNG GIÁO DƯỠNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

1. Do điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình ông Nguyễn Văn Huy đã tự ý dùng đất trồng lúa để đào hồ nuôi tôm, cá với diện tích 0,6 hecta. Qua quá trình kiểm tra, Ủy ban nhân dân xã X đã lập biên bản vi phạm hành chính và trình Chủ tịch tịch Ủy ban nhân dân huyện Z ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt là 15.000.000 đồng và buộc bà phải  khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Ông muốn biết việc xử phạt trên đúng quy định của pháp luật hay không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2, khoản 5 Điều 9 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 04/2022/NĐ-CP) quy định:

“2. Chuyển đất trồng lúa sang đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,1 héc ta;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;

đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất và các trường hợp người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;

c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì việc xử phạt của Chủ tịch tịch Ủy ban nhân dân huyện Z là đúng quy định của pháp luật.

2. Do trồng lúa không hiệu quả, anh Lê Văn H ở xã QT đã chuyển đổi sang trồng cây khác (diện tích 500m2) để có thu nhập cao hơn. Trong lúc đang gieo giống, anh bị Ủy ban nhân dân xã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi chuyển đổi trồng cây khác trên đất trồng lúa nhưng không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Do đó: Anh muốn biết theo quy định hiện hành thì hành vi vi phạm nêu trên bị xử phạt như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1, khoản 5 Điều 13 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 04/2022/NĐ-CP) quy định:

“1. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa khi chưa có ý kiến đồng ý cho chuyển đổi của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 13 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng dưới 0,5 héc ta;

b) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 01 héc ta trở lên.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm b, c và d khoản này;

b) Buộc đăng ký việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng với Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Buộc làm thủ tục đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định đối với thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận thuộc trường hợp quy định tại các khoản 3 và 4 Điều này;

d) Buộc làm thủ tục đăng ký đất đai theo quy định đối với thửa đất chưa được cấp Giấy chứng nhận thuộc trường hợp quy định tại các khoản 3 và 4 Điều này;

đ) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 3 và 4 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.”

Như vậy, việc xử phạt đối với hành vi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa khi chưa có ý kiến đồng ý cho chuyển đổi của Ủy ban nhân dân cấp xã được thực hiện theo các quy định nêu trên.

3. Anh Đặng Ngọc Vĩnh, ở thôn M xã A, huyện PĐ nhiều năm đi làm ăn xa ở thành phố Hồ Chí Minh, do tình hình dịch việc làm ăn không được thuận lợi, anh và gia đình quay về địa phương để làm ăn, sinh sống. Tuy nhiên, do không có đất canh tác, anh Vĩnh đã tự ý trồng cây ăn quả trên mãnh đất (500 m2) chưa sử dụng do Ủy ban nhân dân xã A quản lý. Anh Vĩnh đã bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt 3.000.000 đồng và buộc anh khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất. Anh muốn biết việc xử phạt trên có đúng pháp luật không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1, khoản 7 Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 04/2022/NĐ-CP) quy định:

“1. Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta;

b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các hành vi vi phạm tại các khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 5 của Điều này và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm; trừ trường hợp trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này;

b) Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất và các trường hợp người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;

c) Buộc thực hiện tiếp thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định đối với trường hợp sử dụng đất khi chưa thực hiện xong thủ tục giao đất, thuê đất;

d) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định này.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì việc xử phạt của Chủ tịch tịch Ủy ban nhân dân xã A là đúng quy định của pháp luật.

4. Bà Nguyễn Thị B được ông C thuê đổ các vật liệu do phá dỡ nhà. Bà B đã chở đi đổ trên một mãnh đất trống cách nhà ông C 10 km. Qua camera giám sát khu phố, ông E (chủ sở hữu lô đất trống trên) đã phát hiện và báo với cơ quan có thẩm quyền. Ông E muốn biết hành vi đổ trộm vật liệu xây dựng lên thửa đất của ông theo quy định của pháp luật hiện hành bị xử lý như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 16 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 04/2022/NĐ-CP) quy định:

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với trường hợp đưa vật liệu xây dựng hoặc các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình mà gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp đưa chất thải, chất độc hại lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp đào bới, xây tường, làm hàng rào gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.”

Như vậy, hành vi gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác sẽ bị xử lý theo các quy định viện dẫn nêu trên.

5. Bà Bùi Thị Nhung ở phường Hương Hồ, thành phố H xây dựng ngôi nhà thiết kế 2 tầng để ở, trong quá trình xây dựng bà Nhung không thực hiện che chắn nên đã để vật liệu xây dựng rơi vãi ở khu vực xung quanh ảnh hưởng đến các hộ liền kề. Nhận được tin báo, cơ quan có thẩm quyền đến kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi trên. Bà Nhung hỏi: với hành vi như vậy thì theo quy định của pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1, khoản 15 Điều 16 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng quy định:

“1. Xử phạt hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh hoặc để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ hoặc công trình xây dựng khác;

b) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.

15. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc che chắn theo quy định và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường (nếu có) với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc thực hiện thủ tục điều chỉnh hoặc gia hạn giấy phép xây dựng hoặc buộc công khai giấy phép xây dựng theo quy định với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;

c) Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm với các hành vi quy định tại khoản 4, khoản 6, khoản 7, khoản 8 (mà hành vi vi phạm đã kết thúc), khoản 9, khoản 10, khoản 12, khoản 13 Điều này.”

Như vậy, theo quy định nêu trên thì với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Đồng thời, bị áp dụng biện pháp khắc phục là buộc che chắn theo quy định.

6. Ông Nguyễn Văn K được tỉnh H cho thuê lô đất 2 héc ta tại cụm khu công nghiệp AH để xây dựng nhà máy sản xuất gỗ dăm theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Quá trình đang đầu tư xây dựng thì ông K tự chuyển nhượng các tài sản gắn liền trên đất cho ông Bùi Thanh C (Chủ doanh nghiệp tư nhân AB). Việc chuyển nhượng này bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện và ông K bị xử phạt hành chính vì ông C không đủ năng lực tài chính theo quy định. Ông K muốn biết pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 23 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 04/2022/NĐ-CP) quy định:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp mua tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm khi người mua tài sản gắn liền với đất thuê có ngành nghề kinh doanh không phù hợp dự án đầu tư hoặc không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư hoặc vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án trước đó.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp bán tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm khi tài sản gắn liền với đất thuê được tạo lập không hợp pháp hoặc chưa hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy hoạch xây dựng chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt, chấp thuận.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc hoàn thành xây dựng đối với trường hợp chưa hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy hoạch xây dựng chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt, chấp thuận mà đã chuyển nhượng quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Buộc chấm dứt hợp đồng mua, bán tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và trường hợp tài sản mua, bán tạo lập không hợp pháp quy định tại khoản 2 Điều này; việc giải quyết quyền lợi của các bên liên quan đến chấm dứt hợp đồng mua, bán tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự;

c) Buộc bên bán tài sản nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 6 Điều 7 của Nghị định này;

d) Xử lý tài sản tạo lập không hợp pháp gắn liền với đất thuê đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật xây dựng.”

Như vậy, với hành vi bán, mua tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm mà không đủ điều kiện theo quy định tại Điều 189 của Luật đất đai thì bị xử lý theo các quy định nêu trên.

7. Anh Đặng Ngọc Xíu là chủ thầu chuyên nhận thầu các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh H, trong quá trình xây dựng công trình trường Tiểu học M tại địa bàn huyện N cạnh tuyến đường giao thông đi lại đông đúc nhưng anh không đặt biển báo thi công công trình. Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính, ông Xíu hỏi với hành vi nêu trên theo quy định của pháp luật hiện hành thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2, khoản 8 Điều 17 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng quy định:

“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không lắp đặt biển báo công trình tại công trường xây dựng hoặc biển báo không đầy đủ nội dung theo quy định.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thông báo bằng văn bản về nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân trong hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư hoặc của nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình (nếu có) cho các nhà thầu liên quan với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Buộc lập hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng theo quy định với hành vi quy định tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 3 Điều này;

c) Buộc lắp đặt biển báo đầy đủ nội dung tại công trường xây dựng theo quy định với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này;

q) Buộc đảm bảo tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung đối với phần công trình còn lại chưa thi công với hành vi quy định tại khoản 7 Điều này.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì với hành vi không lắp đặt biển báo công trình tại công trường xây dựng thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đồng thời, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc lắp đặt biển báo đầy đủ nội dung tại công trường xây dựng theo quy định.

8. Ông Trần Văn Hoàng là giám đốc Công ty xây dựng Thành Công có công trình đang thi công xây dựng tại địa bàn thị xã HT. Trong quá trình thi công xây dựng công trình, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra phát hiện Công ty không lập bản vẽ hoàn công theo quy định nên đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính. Ông Hoàng hỏi việc không lập bản vẽ hoàn công theo quy định của pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 3, khoản 6 Điều 33 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng quy định:

“3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không lập bản vẽ hoàn công theo quy định;

b) Không xác định vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình theo quy định;

c) Không bố trí nhân lực, thiết bị thi công theo quy định của hợp đồng xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan;

d) Không tổ chức thực hiện các công tác thí nghiệm, kiểm tra, thử nghiệm, kiểm định vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị công trình, thiết bị công nghệ trước và trong khi thi công xây dựng theo yêu cầu của thiết kế và quy định của hợp đồng xây dựng;

đ) Sử dụng phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng không đủ điều kiện năng lực để thực hiện công tác thí nghiệm hoặc không trực tiếp thực hiện công tác thí nghiệm theo quy định.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

l) Buộc lập bản vẽ hoàn công theo quy định với hành vi quy định tại điểm a khoản 3 Điều này đối với công trình đang thi công xây dựng;

x) Buộc khắc phục hậu quả tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động xảy ra trong quá trình thi công xây dựng công trình với hành vi quy định tại điểm đ khoản 5 Điều này.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì với hành vi không lập bản vẽ hoàn công theo quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Đồng thời, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc lập bản vẽ hoàn công theo quy định.

9. Anh Ngô Văn Mười ở tại phường PH thành phố H hỏi, trường hợp người nước ngoài đang sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho một cá nhân khác thuê để ở nhưng không có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý về nhà ở thì có bị xử phạt vi phạm hành chính không? Mức phạt là bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 64 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng quy định:

“3. Xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về nhà ở có yếu tố nước ngoài như sau:

a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi cho thuê nhà ở mà không có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện nơi có nhà ở;

b) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện thanh toán tiền mua, thuê mua nhà ở không thông qua tổ chức tín dụng đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;

c) Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi dùng nhà ở để cho thuê, làm văn phòng hoặc sử dụng vào mục đích khác không phải để ở.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên với hành vi cho thuê nhà ở mà không có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở là hành vi vi phạm hành chính và theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

10. Gia đình anh Nguyễn Huy Hoàng đang sử dụng một căn hộ chung cư trên địa bàn phường Trường An, qua thời gian sử dụng bề mặt sơn bên ngoài của khu vực căn hộ của gia đình bị xuống cấp, mất mỹ quan nghiêm trọng. Anh chị đã tự ý mua sơn về để sơn lại mặt ngoài căn hộ đang ở, tuy nhiên màu sơn gia đình anh chị lựa chọn không phù hợp với màu sơn chung của khu chung cư. Cơ quan quản lý chung cư phát hiện lập biên bản và kiến nghị xử lý theo quy định. Anh Hoàng hỏi pháp luật quy định như thế nào đối với hành vi vi phạm nêu trên?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1, khoản 3 Điều 70 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng quy định:

“1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Gây thấm, dột căn hộ chung cư không thuộc quyền sở hữu, quản lý, sử dụng của mình;

b) Sử dụng màu sắc sơn, trang trí mặt ngoài căn hộ, nhà chung cư không đúng quy định về thiết kế, kiến trúc;

c) Kinh doanh hàng hóa nguy hiểm gây cháy nổ, dịch vụ sửa chữa xe có động cơ hoặc dịch vụ giết mổ gia súc;

d) Kinh doanh nhà hàng, karaoke, quán bar tại phần diện tích dùng để kinh doanh của nhà chung cư nhưng không đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng cháy, chữa cháy theo quy định;

đ) Hoạt động kinh doanh tại phần diện tích không dùng để kinh doanh của nhà chung cư theo quy định;

e) Sử dụng căn hộ chung cư vào mục không phải để ở.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu với hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 1, điểm a, điểm b khoản 2 Điều này;

b) Buộc chuyển kinh doanh hàng hóa nguy hiểm gây cháy nổ ra khỏi địa bàn dân cư hoặc buộc không sử dụng dịch vụ sửa chữa xe có động cơ hoặc buộc không kinh doanh dịch vụ giết mổ gia súc ở khu vực nhà chung cư với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

c) Buộc đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng cháy, chữa cháy theo quy định với hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;

d) Buộc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích để ở với hành vi quy định tại điểm e khoản 1 Điều này;

đ) Buộc trả lại phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

e) Buộc sử dụng đúng phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp với hành vi quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên với hành vi sử dụng màu sắc sơn, trang trí mặt ngoài căn hộ, nhà chung cư không đúng quy định về thiết kế, kiến trúc thì sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Đồng thời, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

11. Bà Nguyễn Thị Đ có mua một căn hộ tại khu chung cư Xuân Phú, để chuẩn bị cho con trai cưới vợ, nên gia đình bà đã tự ý cải tạo, thay đổi thiết kế phần sử hữu riêng của gia đình để tăng thêm 01 phòng cho vợ chồng con trai. Quá trình cải tạo, cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt. Bà Đ hỏi pháp luật quy định như thế nào đối với hành vi vi phạm nêu trên?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2, khoản 3 Điều 70 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng quy định:

“2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Chiếm dụng diện tích nhà ở trái pháp luật; lấn chiếm không gian xung quanh, lấn chiếm các phần thuộc sở hữu chung hoặc lấn chiếm các phần thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu khác dưới mọi hình thức;

b) Tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư;

c) Sử dụng phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung vào sử dụng riêng;

d) Sử dụng sai mục đích phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu với hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 1, điểm a, điểm b khoản 2 Điều này;

b) Buộc chuyển kinh doanh hàng hóa nguy hiểm gây cháy nổ ra khỏi địa bàn dân cư hoặc buộc không sử dụng dịch vụ sửa chữa xe có động cơ hoặc buộc không kinh doanh dịch vụ giết mổ gia súc ở khu vực nhà chung cư với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

c) Buộc đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng cháy, chữa cháy theo quy định với hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;

d) Buộc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích để ở với hành vi quy định tại điểm e khoản 1 Điều này;

đ) Buộc trả lại phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

e) Buộc sử dụng đúng phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp với hành vi quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì với hành vi tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư sẽ bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng. Đồng thời, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu và buộc trả lại phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung.

12. Ông Nguyễn Văn A được nhà nước cho thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước để ở, trong quá trình sinh sống, gia đình ông đã tự ý cải tạo, xây thêm thêm một số phòng để tiện sinh hoạt cho con cái. Cơ quan quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước phát hiện và kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Ông hỏi hành vi vi phạm của ông có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt là bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1, khoản 3 Điều 65 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng quy định:

1. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với người thuê, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, thuê nhà ở xã hội có một trong các hành vi sau đây:

a) Tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở;

b) Sử dụng nhà ở không đúng mục đích ghi trong hợp đồng thuê nhà ở.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu với các hành vi quy định tại điểm a khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này;

b) Buộc sử dụng nhà đúng mục đích với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này;

c) Buộc thu hồi lại nhà ở công vụ với hành vi quy định tại điểm c, điểm d khoản 2 Điều này.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên với hành vi tự ý cải tạo, xây thêm nhà ở đối với người thuê, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước là hành vi vi phạm hành chính và theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Đồng thời, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

13. Chị Trần Thị N ở xã C huyện PĐ cho biết: con trai chị năm nay 18 tuổi đỗ trường Đại học Kinh tế thành phố HCM, nhà trường yêu cầu nộp giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự, nhưng con trai chị chưa đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu. Do đó, chị hỏi: hành vi vi phạm quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử phạt như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 4 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 7 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP) quy định:

“1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu đối với công dân nam đủ 17 tuổi trong năm thuộc diện phải đăng ký nghĩa vụ quân sự.

“2. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Không thực hiện đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị theo quy định;

c) Không đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung khi có sự thay đổi về chức vụ công tác, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tình trạng sức khỏe và thông tin khác có liên quan đến nghĩa vụ quân sự theo quy định;

d) Không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập theo quy định;

đ) Không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng theo quy định.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này; đăng ký nghĩa vụ quân sự trong ngạch dự bị đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này; đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung, đăng ký khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c, điểm d khoản 2 Điều này; đăng ký tạm vắng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này.”

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên thì hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đồng thời, còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định khoản 3 Điều 4 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 37/2022/NĐ-CP).

14. Anh Đặng Xuân P trú tại thôn A, xã QT do không muốn đi nghĩa vụ quân sự, vì vậy trước ngày đi khám anh dự định uống thật nhiều rượu và bia để sức khỏe không đảm bảo điều kiện. Do đó, anh hỏi nếu sử dụng rượu, bia để làm thay đổi tình trạng sức khỏe trước khi đi khám nghĩa vụ quân sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 6 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 8 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP) quy định:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

2. Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;

b) Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

4. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.”.

Như vậy, căn cứ khoản 3 Điều 6 quy định viện dẫn nêu trên thì hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

15. Anh Bùi Thanh H (20 tuổi) cư trú tại xã QA huyện QĐ tỉnh H đã khám sức khoẻ tại Hội đồng khám tuyển nghĩa vụ quân sự và được Hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện QĐ đưa vào diện sẵn sàng nhập ngũ đợt 1 vào tháng 02 năm 2022. Ngày 10 tháng 02 năm 2022, gia đình anh H nhận được giấy báo gọi anh H nhập ngũ. Tuy nhiên, anh H không có mặt đúng thời gian và địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng. Hành vi của anh H sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 7 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 9 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP) quy định:

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định.

3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với người có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này.”.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì hành vi của anh H sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Đồng thời, H còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định khoản 4 Điều 7 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 9 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP).

16. Anh Trần Đình D có bạn là H trú tại cùng thôn M xã X cho biết bạn anh không muốn đi nghĩa vụ quân sự, mà nếu đi khám sức khỏe thì bạn anh chắc chắn sẽ đủ điều kiện để tham gia nghĩa vụ quân sự. Chính vì vậy, anh H tâm sự với D là muốn nhờ người đi khám sức khỏe thay mình. Tuy nhiên, anh nghe nói nếu việc này mà bị phát hiện thì sẽ bị xử phạt. Do đó, anh hỏi: việc nhờ người khác đi khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự thay sẽ bị xử phạt như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 6 Thông tư số 95/2014/TT-BQP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Bộ Quốc phòng về hướng dẫn thi hành Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu quy định:

“Hành vi “gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình” quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 6 và Điểm a Khoản 3 Điều 11 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP là một trong các hành vi sau:

1. Sử dụng các hình thức hoặc biện pháp làm thay đổi tình trạng sức khỏe của bản thân.

2. Sửa chữa kết quả về tình trạng sức khỏe của bản thân trong thực hiện kiểm tra hoặc khám sức khỏe.

3. Nhờ người khác để kiểm tra hoặc khám sức khỏe thay.”

Điều 6 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 8 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP) quy định:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

2. Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;

b) Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

4. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.”.

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên hành vi nhờ người khác để kiểm tra hoặc khám sức khỏe thay sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

17. Anh Lê Văn B và Ngô Đình N là hai người bạn thân cùng trú tại thôn ĐX xã A. Có lần anh B nói với anh N rằng trong đợt khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự tới đây anh sẽ bỏ ra một ít tiền để nhờ các nhân viên y tế khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự xác nhận cho sức khỏe không đạt để khỏi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nhưng anh nghe nói là nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt. Do đó, anh hỏi việc đưa tiền nhằm làm sai lệch kết quả khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử phạt như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 6 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 8 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP) quy định:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

2. Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;

b) Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

4. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.”.

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên thì hành vi đưa tiền cho cán bộ, nhân viên y tế để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

18. Anh Bùi Văn N ở xã QA huyện QĐ cho biết: ở địa phương có trường hợp là lực lượng dự bị động viên. Tuy nhiên, khi có quyết định điều động tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu của cơ quan, người có thẩm quyền nhưng họ không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm ghi trong lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu mà không có lý do chính đáng. Do đó, anh hỏi hành vi nêu trên theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 12 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 13 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP) quy định:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm ghi trong lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu mà không có lý do chính đáng.

2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không bố trí thời gian cho quân nhân dự bị tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không tiếp nhận, bố trí lại công việc cho quân nhân dự bị khi kết thúc huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện xong nhiệm vụ trở lại cơ quan, tổ chức cũ công tác.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiếp nhận, bố trí lại công việc cho quân nhân dự bị khi kết thúc huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện xong nhiệm vụ trở lại cơ quan, tổ chức cũ công tác đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.”.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm ghi trong lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu mà không có lý do chính đáng của lực lượng dự bị động viên sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.

19. Em Đoàn Đình V, sinh năm 2001 tại xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh H, tháng 5 năm 2022 vừa rồi em có nhận được quyết định yêu cầu tham gia dân quân tự vệ nơi em sinh sống. Nhưng lúc đó em đang có việc riêng (ở thành phố Hồ Chí Minh) nên em không thể tham gia dân quân tự vệ được. Do đó, em hỏi trong trường hợp không chấp hành thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ có bị xử phạt không? Nếu có mức phạt theo quy định hiện hành là bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 21a Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 17 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP) quy định:

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cản trở người thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi chống đối việc thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.

4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 9.000.000 đồng đối với hành vi tự ý thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền cho thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trước thời hạn hoặc đưa ra khỏi danh sách dân quân tự vệ.”.

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên thì hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

20. Anh Nguyễn Văn T cho biết: vừa rồi anh có đưa học sinh của lớp đi cắm trại ở một khu vực trống, tình cờ khu vực đó gần với khu vực cấm của quân sự (khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình quốc phòng, khu quân sự). Một vài học sinh nghịch ngợm của lớp đã trèo vào và bị bắt lại. Đơn vị quân sự đó đã phạt tiền học sinh của anh vì hành vi cố ý đi vào đó tới 3.000.000 đồng. Vậy hành vi như vậy có đúng quy định của pháp luật không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 25 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 20 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP) quy định:

“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cố ý vào, đi lại trong khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình quốc phòng, khu quân sự khi không được phép của cấp có thẩm quyền.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi cố ý vào, đi lại trong khu vực cấm của công trình quốc phòng, khu quân sự khi không được phép của cấp có thẩm quyền.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cư trú bất hợp pháp trong khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình quốc phòng.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh trái phép trong khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình quốc phòng.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc di dời ra khỏi khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình quốc phòng và khu quân sự đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này.”.

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên thì hành vi cố ý vào, đi lại trong khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình quốc phòng, khu quân sự khi không được phép của cấp có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

21. Anh H là cán bộ xã A, anh được biết Nghị định 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu đã được sửa đổi, bổ sung. Một trong những nội dung quan trọng của xử phạt là thời hiệu. Do đó, anh hỏi: Thời điểm tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu được pháp luật hiện hành quy định như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 2 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 3 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP) quy định:

“Thời điểm tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung tại điểm a khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, cụ thể như sau:

1. Hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 3 Điều 6, khoản 2 Điều 7 và khoản 2 Điều 11 Nghị định này thì thời hiệu xử phạt được tính từ ngày cá nhân thực hiện xong hành vi gian dối; đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự hoặc đào tạo sĩ quan dự bị.

2. Hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 6, khoản 3 Điều 7, khoản 1 Điều 14 và khoản 3 Điều 23 Nghị định này thì thời hiệu xử phạt được tính từ ngày tổ chức, cá nhân không nhận, không chấp hành hoặc chống đối thực hiện lệnh, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.

3. Hành vi vi phạm về thời hạn báo cáo quy định tại khoản 1, điểm a, điểm b khoản 2 Điều 9; khoản 1 Điều 15; khoản 1 Điều 16 Nghị định này thì thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày tổ chức, cá nhân báo cáo theo quy định.

4. Hành vi phạm hành chính quy định về thời gian có mặt đăng ký; kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; quy định về thời gian đăng ký, đào tạo, huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu đối với dự bị động viên và dân quân tự vệ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 4; khoản 1 Điều 6; khoản 1 Điều 7; khoản 1 Điều 10, khoản 1 Điều 11 và khoản 1 Điều 12 Nghị định này thì thời hiệu xử phạt được tính từ ngày tiếp theo ngày cuối cùng của thời hạn có mặt được ghi trong lệnh hoặc văn bản thông báo của cơ quan có thẩm quyền.

5. Hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện là các hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này thì thời hiệu được tính từ ngày người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm.

6. Trong thời hạn được quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này mà cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.”.

Như vậy, thời điểm tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu được thực hiện theo các quy định nêu trên.

22. Chị Ngô Thị H ở xã B, thành phố H, cho biết chị có con trai năm nay 13 tuổi, cháu đã trộm cắp tiền gia đình, hàng xóm vài lần. Vừa rồi cháu lại đột nhập vào nhà hàng xóm chơi game. Chị đã tìm đủ mọi cách để khuyên giải, tâm sự nhưng không hiệu quả. Chị muốn đưa cháu vào Trường giáo dưỡng. Do đó, chị muốn hỏi: trường hợp của cháu có thuộc đối tượng đưa vào trường giáo dưỡng không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định:

“1. Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự, trừ những tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự.

3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 90 của Luật này và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

4. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 4 Điều 90 của Luật này nhưng không phải là tội phạm và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

5. Không áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với các trường hợp sau đây:

a) Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;

b) Người đang mang thai có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên;

c) Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.”.

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên thì con chị mới có hành vi trộm cắp (chưa thể hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự). Do đó, không thuộc đối tượng đưa vào trường giáo dưỡng theo quy định tại khoản 1 Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

23. Trần Đức H là học sinh của trường giáo dưỡng B. Trong một lần đi lao động do trường tổ chức không may bị trượt ngã xuống sông, do không biết bơi nên H bị đuối nước chết. Trường hợp của H theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính sẽ được giải quyết như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 25 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định:

1. Khi có học sinh chết, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải báo ngay cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền tiến hành giám định pháp y xác định nguyên nhân chết và có sự chứng kiến của đại diện Ban giám hiệu trường giáo dưỡng, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trường giáo dưỡng, đại diện gia đình học sinh (nếu có), làm thủ tục khai tử với chính quyền địa phương, thông báo cho thân nhân học sinh. Sau đó, phải gửi giấy chứng tử cho thân nhân học sinh (nếu có) và thông báo bằng văn bản cho Tòa án nhân dân cấp huyện nơi đã ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng đối với người đó, Trưởng Công an cấp huyện nơi đã lập hồ sơ đề nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú. Trường hợp học sinh chết khi đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước từ tuyến huyện trở lên thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó có trách nhiệm thông báo và gửi giấy chứng tử cho trường giáo dưỡng.

Trường hợp học sinh chết đã rõ nguyên nhân khi có kết luận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước từ tuyến huyện trở lên thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng mời đại diện Cơ quan điều tra, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trường giáo dưỡng, đại diện gia đình của học sinh chết (nếu có) đến để lập biên bản theo quy định.

2. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi làm xong các thủ tục quy định tại khoản 1 Điều này, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng có trách nhiệm tổ chức mai táng tử thi. Kinh phí mai táng do ngân sách nhà nước cấp.

3. Trường hợp gia đình của người chết có đơn đề nghị nhận tử thi, hài cốt về mai táng thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng có thể xem xét, quyết định, trừ trường hợp có căn cứ cho rằng việc đó ảnh hưởng đến an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Đơn đề nghị phải có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú và phải cam đoan thực hiện đúng các quy định của pháp luật.”

Như vậy, do H là học sinh của trường giáo dưỡng nên căn cứ vào Điều 25 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP thì trường hợp của H sẽ được giải quyết theo các trình tự, thủ tục như đã viện dẫn nêu trên.

24. Em Nguyễn Văn A (12 tuổi) là học sinh Trường trung học cơ sở X. Do có xích mích với B là bạn cùng lớp nên trong một lần xô xát với B, A đã dùng dao đâm khiến nạn nhân chết trên đường đi cấp cứu. Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), trường hợp của A sẽ được xử lý như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điểm d khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về phân loại tội phạm quy định:

Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định:

“1. Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự, trừ những tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự.

3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 90 của Luật này và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

4. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 4 Điều 90 của Luật này nhưng không phải là tội phạm và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

5. Không áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với các trường hợp sau đây:

a) Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;

b) Người đang mang thai có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên;

c) Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.”.

Do A đã có hành vi dùng dao đâm khiến B bị chết nên căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì hành vi của A có dấu hiệu của tội giết người với tình tiết tăng năng là giết trẻ em, do nạn nhân B là bạn cùng lớp với A mới có 12 tuổi. Đây là tội danh có khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về phân loại tội phạm thì đây là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng Ngoài ra, khi A thực hiện hành vi phạm tội, A mới 12 tuổi.

Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, trường hợp của A sẽ thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

25.  Chị Bùi Thị Hồng Nhung ở phường Z, thành phố H có em trai đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Đang trong quá trình chấp hành quyết định thì em trai chị bỏ trốn. Do đó, chị Nhung muốn biết, trong trường hợp của em chị ai sẽ ra quyết định truy tìm và thời gian trốn khỏi trường có được tính vào thời gian chấp hành quyết định hay không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 10 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định:

“1. Người đã có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc nhưng chưa thi hành quyết định mà bỏ trốn thì Trưởng Công an cấp huyện nơi đã lập hồ sơ ra quyết định truy tìm.

2. Học sinh bỏ trốn thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng ra quyết định truy tìm; trại viên bỏ trốn thì Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc ra quyết định truy tìm. Thời gian trốn khỏi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc không được tính vào thời gian chấp hành quyết định.

3. Cơ quan đã ra quyết định truy tìm có trách nhiệm tổ chức truy tìm; nếu người đó có hành vi chống đối thì được áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết theo quy định của pháp luật để buộc người đó phải chấp hành.

4. Ủy ban nhân dân và cơ quan Công an các cấp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều này trong việc truy tìm đối tượng bỏ trốn.

Khi phát hiện người có quyết định truy tìm, phải báo ngay cho cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gần nhất hoặc đưa ngay người đó đến cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân nơi gần nhất để đưa đến cơ quan Công an cấp huyện nơi gần nhất.

5. Khi giao, nhận người có quyết định truy tìm, cơ quan Công an phải lập biên bản, lấy lời khai, đồng thời thông báo ngay cho cơ quan đã ra quyết định truy tìm biết và cử người đến nhận. Trường hợp cơ quan ra quyết định truy tìm chưa đến kịp thì cơ quan Công an phải ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 122 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và quản lý tại nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính. Trường hợp không có nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính thì tạm giữ tại phòng trực ban hoặc phòng khác tại nơi làm việc.

6. Khi đưa đối tượng về trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc thực hiện áp giải theo quy định của pháp luật.

7. Tùy từng trường hợp cụ thể, quyết định truy tìm được gửi cho cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân địa phương liên quan để phục vụ cho việc truy tìm và bắt giữ đối tượng.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, em trai chị Nhung bỏ trốn thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng ra quyết định truy tìm.Thời gian trốn khỏi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc không được tính vào thời gian chấp hành quyết định.

26. Anh Ngô Văn M (56 tuổi), ở xã Hương Hồ, thành phố H cho biết: con trai của anh Ngô Văn M đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Trong thời gian này, do tuổi cao, sức yếu mẹ của anh M mất (bà nội của con anh). Anh muốn biết, anh có được bão lãnh để con anh về để tang bà nội không, nếu được về thì con anh được về bao nhiêu ngày?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 26 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định:

“1. Khi có việc tang của gia đình gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; ông nội, bà nội của vợ hoặc chồng, ông ngoại, bà ngoại của vợ hoặc chồng; bố đẻ, mẹ đẻ, bố dượng, mẹ kế, bố nuôi, mẹ nuôi hợp pháp; bố đẻ, mẹ đẻ, bố dượng, mẹ kế, bố nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của vợ hoặc chồng; con đẻ; người trực tiếp nuôi dưỡng; anh, chị, em ruột hoặc có trường hợp khó khăn đặc biệt và có đơn xin bảo lãnh của thân nhân gia đình được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng có thể xem xét cho học sinh về gia đình không quá 05 ngày, không kể thời gian đi đường. Thời gian về gia đình được tính vào thời gian chấp hành quyết định.

2. Khi giải quyết cho học sinh về gia đình, đại diện thân nhân gia đình học sinh đến nhận học sinh và viết cam kết quản lý học sinh trong thời gian được về nhà và chịu trách nhiệm đưa học sinh trở lại trường giáo dưỡng đúng thời gian quy định.

3. Hết thời gian được về gia đình, học sinh phải tự giác đến chấp hành, nếu không tự giác thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng tổ chức đưa học sinh đó trở lại trường giáo dưỡng; nếu học sinh trốn thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng ra quyết định truy tìm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, khi có việc tang của bà nội, anh M viết đơn xin bảo lãnh cho con anh và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã gửi trường giáo dưỡng. Hiệu trưởng trường giáo dưỡng có thể xem xét cho con anh về gia đình không quá 05 ngày, không kể thời gian đi đường.

27. Chị C có con là đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Do lo lắng khi vào trường giáo dưỡng sẽ không quen với chế độ ăn, mặc và sinh hoạt, chị C muốn biết theo quy định của pháp luật chế độ ăn mặc và sinh hoạt trong trường giáo dưỡng được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 17 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định:

Chế độ ăn, mặc và đồ dùng sinh hoạt của học sinh được thực hiện theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự. Theo đó, Điều 28 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định:

1. Học sinh được Nhà nước đảm bảo, tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng gồm:

a) 17 kg gạo tẻ;

b) 1,2 kg thịt lợn;

c) 1,2 kg cá;

d) 0,5 kg đường;

đ) 0,75 lít nước mắm;

e) 0,1 kg bột ngọt;

g) 0,5 kg muối;

h) 15 kg rau xanh;

i) 0,2 lít dầu ăn;

k) Gia vị khác tương đương 0,5 kg gạo tẻ;

l) Chất đốt tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than.

Lương thực, thực phẩm, chất đốt bảo đảm chất lượng và có mức giá trung bình theo thời giá thị trường tại địa phương.

Chế độ ăn trong các ngày lễ, Tết của học sinh được thực hiện theo quy định của pháp luật và khoản 1 Điều 149 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Hiệu trưởng trường giáo dưỡng có thể hoán đổi định lượng ăn nêu trên cho phù hợp với thực tế để đảm bảo học sinh ăn hết tiêu chuẩn ăn. Hiệu trưởng trường giáo dưỡng quyết định chế độ ăn đối với học sinh ốm đau, bệnh tật trên cơ sở đề xuất của cán bộ y tế nhưng tổng định lượng mức ăn không quá 02 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.

2. Chế độ mặc và đồ dùng sinh hoạt của mỗi học sinh trong một năm được cấp như sau:

a) 02 bộ quần áo dài;

b) 01 bộ quần áo dài đồng phục;

c) 02 bộ quần áo lót;

d) 02 đôi dép nhựa;

đ) 01 áo mưa nilông;

e) 01 mũ cứng;

g) 01 mũ vải;

h) 03 khăn mặt;

i) 03 bàn chải đánh răng;

k) 02 chiếu cá nhân;

l) 800 g kem đánh răng;

m) 3,6 kg xà phòng;

n) 800 ml dầu gội đầu.

Học sinh vào trường giáo dưỡng được cấp 01 màn, 01 chăn sợi. Từ Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc và 05 tỉnh Tây Nguyên, mỗi học sinh được cấp thêm 01 áo ấm, 02 đôi tất và 01 mũ len, 01 chăn bông có vỏ nặng không quá 02 kg dùng trong 02 năm. Đối với học sinh phải chấp hành từ 12 tháng trở lên thì được cấp 02 lần (trừ chăn bông).

Học sinh được mang vào trường giáo dưỡng những đồ dùng cá nhân thiết yếu để sử dụng theo quy định của Bộ Công an. Học sinh nữ được cấp đồ dùng cần thiết cho vệ sinh cá nhân tương đương 03 kg gạo tẻ/học sinh/tháng.”

Như vậy, chế độ ăn, mặc của học sinh trường giáo dưỡng được thực hiện theo các quy định viện dẫn nêu trên.

28. Chị Hoàng Thị M có con trai là học viên của Trường giáo dưỡng H, chị muốn làm đơn xin giảm thời gian chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc cho con mình. Do đó chị hỏi hồ sơ, thủ tục đề nghị xem xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 29 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định:

“2. Hồ sơ, thủ tục đề nghị xem xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc

Trại viên đã chấp hành một nửa thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, nếu có đủ điều kiện giảm thì Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có cơ sở giáo dục bắt buộc xem xét, quyết định. Hồ sơ gồm:

a) Văn bản của Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét giảm thời hạn chấp hành quyết định;

b) Văn bản của Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét giảm thời hạn chấp hành quyết định đối với từng trại viên;

c) Danh sách trại viên được đề nghị xem xét giảm thời hạn chấp hành quyết định;

d) Bản sao quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc;

đ) Văn bản xác nhận về việc lập công (nếu có).”

Như vậy, việc xem xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc được thực hiện theo các quy định nêu trên.

29. Anh X có con là người sắp hết hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Qua thông tin anh biết được thì đối với người đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc thì sẽ có biện pháp tái hòa nhập cộng đồng. Do đó, anh hỏi pháp luật quy định cụ thể vấn đề này như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 45 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định:

“1. Biện pháp tái hòa nhập cộng đồng đối với người đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc

a) Thông tin, truyền thông giáo dục nhằm định hướng, khuyến khích, động viên việc giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ sự định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử với người chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, giúp họ ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng;

b) Người chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc được chính quyền địa phương, tổ chức xã hội theo dõi, giúp đỡ, giáo dục trong thời gian kể từ khi họ chấp hành xong quyết định cho đến khi họ được coi như chưa bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Nội dung theo dõi, giáo dục, giúp đỡ bao gồm: Tổ chức thực hiện công tác tiếp nhận; phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm theo dõi, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong quyết định; tư vấn, trợ giúp về tâm lý, các thủ tục pháp lý; hướng dẫn làm thủ tục đăng ký cư trú, căn cước công dân, cấp Phiếu lý lịch tư pháp; theo dõi người chấp hành xong quyết định; hướng dẫn chấp hành pháp luật, nghĩa vụ công dân; phát hiện, ngăn chặn, xử lý khi có hành vi vi phạm pháp luật; hỗ trợ kinh phí, cho vay vốn, tổ chức học tập, đào tạo nghề nghiệp, tìm kiếm, giới thiệu việc làm; tạo các điều kiện cần thiết khác giúp người chấp hành xong quyết định ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, tránh tái vi phạm;

c) Người chấp hành xong quyết định được quan tâm đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe, khả năng chuyên môn, nhu cầu của người sử dụng lao động và điều kiện thực tế của địa phương; được xem xét hỗ trợ cho vay vốn từ các ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện ở địa phương và được xét hỗ trợ một phần vốn đối với người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách để tạo việc làm, lao động, sản xuất, kinh doanh;

d) Nhà nước khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động tư vấn, đào tạo nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, giúp đỡ những người chấp hành xong quyết định tái hòa nhập cộng đồng; khuyến khích việc tiếp nhận người chấp hành xong quyết định vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

2. Biện pháp tái hòa nhập cộng đồng đối với người đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng

a) Việc tái hòa nhập cộng đồng cho người đã chấp hành xong biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Người chưa thành niên chấp hành xong quyết định được ưu tiên học văn hóa, học nghề, giải quyết việc làm, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ vay vốn để học tập, tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống;

c) Trẻ em chấp hành xong quyết định được áp dụng các biện pháp bảo vệ nhằm khắc phục các nguyên nhân và điều kiện vi phạm pháp luật, phục hồi, tránh tái phạm theo quy định của Luật Trẻ em.”

Như vậy, biện pháp tái hòa nhập cộng đồng được thực hiện theo các quy định nêu trên.

30. Qua xem ti vi anh B thấy truyền hình có đưa tin công khai những trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính nhất là lĩnh vực môi trường, buôn bán hàng giả, anh thấy nội dung này rất hay nhưng không biết có phải trường hợp vi phạm nào cũng được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hay không? Do đó, anh hỏi: việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng được pháp luật quy đinh như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Những trường hợp phải công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm được quy định tại Điều 72 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), theo đó những trường hợp vi phạm hành chính mà cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt phải đáp ứng đồng thời hai điều kiệ sau:

Thứ nhất, hành vi vi phạm hành chính thuộc một trong các lĩnh vực sau đây:

An toàn thực phẩm;

Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Dược;

Khám bệnh, chữa bệnh;

Lao động; xây dựng;

Bảo hiểm xã hội;

Bảo hiểm y tế;

Bảo vệ môi trường;

Thuế;

Chứng khoán;

Sở hữu trí tuệ;

Đo lường;

Sản xuất, buôn bán hàng giả.

Thứ hai, gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội.

Nội dung thông tin công bố công khai gồm: Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân, quốc tịch của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả và thời gian thực hiện.

Việc công bố công khai được thực hiện trên trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính.

31. Qua thông tin trên báo, truyền hình chị Trần Thị V được biết tình tiết giảm nhẹ có liên quan đến mức tiền phạt vi phạm hành chính, do đó chị hỏi những tình tiết nào là tình tiết tình tiết giảm nhẹ? Chính phủ có được quy định thêm các tình tiết giảm nhẹ trong các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước hay không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 9 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định 07 tình tiết giảm nhẹ, bao gồm:

1. Người vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;

2. Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính;

3. Vi phạm hành chính trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra; vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

4. Vi phạm hành chính do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần;

5. Người vi phạm hành chính là phụ nữ mang thai, người già yếu, người có bệnh hoặc khuyết tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

6. Vi phạm hành chính vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra;

7. Vi phạm hành chính do trình độ lạc hậu.

Khoản 8 Điều 9 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định Chính phủ có thể quy định những tình tiết giảm nhẹ ngoài các tình tiết giảm nhẹ nêu trên.

Như vậy, trong xử phạt vi phạm hành chính, Chính phủ có thể quy định thêm tình tiết giảm nhẹ trong các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính.

32. Anh Bùi Viết K là công chức mới được tuyển dụng của xã B, huyện AL, qua tìm hiểu các mẫu để sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính thì có nội dung “chúng tôi đã yêu cầu/cá nhân tổ chức vi phạm chấm dứt ngay hành vi vi phạm”. Do đó, anh muốn hỏi: việc buộc đối tượng thực hiện hành vi vi phạm hành chính chấm dứt hành vi vi phạm được thực hiện như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Theo quy định tại Điều 55 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính được người có thẩm quyền đang thi hành công vụ áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính đang diễn ra nhằm chấm dứt ngay hành vi vi phạm.

Buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính được thực hiện bằng lời nói, còi, hiệu lệnh, văn bản hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Ví dụ: Người tham gia giao thông điều khiển phương tiện đi không đúng làn đường quy định thì chiến sĩ cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ có quyền dùng còi và hiệu lệnh yêu cầu người vi phạm quy tắc đường bộ chấm dứt ngay hành vi vi phạm của họ.

33. Anh Đặng Văn T cho biết trong thực tiễn xử lý vi phạm hành chính có nhiều trường hợp đã bị lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền, vẫn cố ý thực hiện hành vi vi phạm đó, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng. Do đó anh hỏi: trong trường hợp này thì người có thẩm quyền phải xử lý như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Trong thực tế, có không ít trường hợp người có thẩm quyền đã lập biên bản vi phạm hành chính nhưng chưa ra quyết định xử phạt mà đối tượng không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người đó, vẫn cố ý thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả của việc ngăn chặn và phòng ngừa điểm a khoản 3 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định đối với trường hợp hành vi vi phạm đã bị lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền, vẫn cố ý thực hiện hành vi vi phạm đó, thì người có thẩm quyền phải áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phù hợp để chấm dứt hành vi vi phạm.

Khi ra quyết định xử phạt đối với hành vi đó, người có thẩm quyền xử phạt có thể áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc xử phạt đối với hành vi không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền trong trường hợp nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước tương ứng có quy định và xử phạt đối với hành vi vi phạm đã lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt.

34. Chị Lê Thị B đề nghị cho biết những trường hợp nào trong xử phạt vi phạm hành chính thì cá nhân, tổ chức vi phạm được giải trình và việc giải trình được thực hiện dưới hình thức nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Theo quy định của khoản 1 Điều 61 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì giải trình được áp dụng trong các trường hợp sau:

Đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc quy định mức tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức thì cá nhân, tổ chức.

 Về hình thức giải trình: Cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. 

Đối với trường hợp giải trình bằng văn bản, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải gửi văn bản giải trình cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì người có thẩm quyền xử phạt có thể gia hạn nhưng không quá 05 ngày làm việc theo đề nghị của cá nhân, tổ chức vi phạm. Việc gia hạn của người có thẩm quyền xử phạt phải bằng văn bản.

Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính tự mình hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp của mình thực hiện việc giải trình bằng văn bản.

Đối với trường hợp giải trình trực tiếp, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải gửi văn bản yêu cầu được giải trình trực tiếp đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

35. Anh Nguyễn Anh T, ở thôn Mỹ Xá, xã Quảng An, huyện A, cho biết ngày 20/10/2022 trên đoạn đường tỉnh lộ 4 anh bị cảnh sát giao thông huyện A lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời anh được giải thích là quyết định xử phạt vi phạm hành chính sẽ được gửi qua đường bưu điện cho anh. Do đó anh muốn hỏi: việc gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho cá nhân, tổ chức để thi hành được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 70 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định:

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt biết.

Đối với trường hợp quyết định được giao trực tiếp mà cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận quyết định thì người có thẩm quyền lập biên bản về việc không nhận quyết định có xác nhận của chính quyền địa phương và được coi là quyết định đã được giao.

Đối với trường hợp gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm, nếu sau thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định xử phạt đã được gửi qua đường bưu điện đến lần thứ ba mà bị trả lại do cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận; quyết định xử phạt đã được niêm yết tại nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức bị xử phạt hoặc có căn cứ cho rằng người vi phạm trốn tránh không nhận quyết định xử phạt thì được coi là quyết định đã được giao.

Như vậy, việc gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành được thực hiện theo các quy định nêu trên.

36. Anh Trần Thế A bị Ủy ban nhân dân huyện X ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 20.000.000 đồng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc kinh doanh buôn bán của gia đình anh gặp nhiều khó khăn, do đó anh hỏi: những đối tượng nào được hoãn thi hành quyết định phạt tiền? người nào có thẩm quyền quyết định việc hoãn thi hành quyết định và thời hạn hoãn là bao nhiêu ngày?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Đối tượng được thi hành quyết định phạt tiền được quy định tại khoản 1 Điều 76 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), theo đó, trường hợp được xem xét giảm, miễn tiền phạt phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

Cá nhân bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng trở lên, tổ chức bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng trở lên;

Cá nhân đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn; tổ chức đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh.

Trường hợp cá nhân gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc; trường hợp cá nhân gặp khó khăn về kinh tế do mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn thì phải có thêm xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện trở lên.

Trường hợp tổ chức đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.

Về thẩm quyền quyết định việc hoãn thi hành quyết định phạt tiền và thời hạn hoãn, theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 76 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì:

Cá nhân, tổ chức phải có đơn đề nghị hoãn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính kèm theo văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều Điều 76 Luật xử lý vi phạm hành chính gửi người đã ra quyết định xử phạt trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 68 của Luật này. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, người đã ra quyết định xử phạt xem xét, quyết định hoãn thi hành quyết định xử phạt đó.

Thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt không quá 03 tháng, kể từ ngày có quyết định hoãn.

đích không phải để ở.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu với hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 1, điểm a, điểm b khoản 2 Điều này;

b) Buộc chuyển kinh doanh hàng hóa nguy hiểm gây cháy nổ ra khỏi địa bàn dân cư hoặc buộc không sử dụng dịch vụ sửa chữa xe có động cơ hoặc buộc không kinh doanh dịch vụ giết mổ gia súc ở khu vực nhà chung cư với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

c) Buộc đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng cháy, chữa cháy theo quy định với hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;

d) Buộc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích để ở với hành vi quy định tại điểm e khoản 1 Điều này;

đ) Buộc trả lại phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

e) Buộc sử dụng đúng phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp với hành vi quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì với hành vi sử dụng màu sắc sơn, trang trí mặt ngoài căn hộ, nhà chung cư không đúng quy định về thiết kế, kiến trúc sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Đồng thời, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

37. Nguyễn Đình T là học sinh của Trường giáo dưỡng X. Người thân trong gia đình T muốn gửi tiền, quà cho T nhưng không biết pháp luật quy định vấn đề này như thế nào. Nên mẹ của T hỏi: theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì người thân muốn gửi tiền, quà cho T phải tuân thủ theo những quy định nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 24 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định:

“3. Chế độ nhận tiền, quà

a) Học sinh được nhận tiền mặt (Việt Nam đồng) do thân nhân đến thăm gặp gửi thì cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp tiếp nhận, chuyển vào Sổ lưu ký học sinh; đối với tiền gửi qua bưu điện thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng có trách nhiệm cử cán bộ đến bưu điện nhận tiền và làm thủ tục lưu ký theo quy định, vào sổ theo dõi, quản lý, đồng thời thông báo cho học sinh được nhận tiền biết.

Số tiền lưu ký của học sinh được sử dụng mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa và các đồ dùng thiết yếu khác tại căng tin trường giáo dưỡng; thanh toán tiền gửi thư, liên lạc điện thoại; gửi về cho thân nhân hoặc nhận lại (nếu còn) khi chấp hành xong quyết định;

b) Học sinh được nhận quà khi thăm gặp thân nhân theo quy định của pháp luật. Đối với quà là hàng tươi sống, thực phẩm chế biến không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì yêu cầu thân nhân nhận lại; mỗi tháng học sinh được nhận bưu phẩm, bưu kiện 02 lần qua đường bưu điện, mỗi lần không quá 07 kg, nếu gửi 01 lần thì không quá 14 kg; trường hợp bưu phẩm, bưu kiện không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì lập biên bản tiêu hủy có sự chứng kiến, chữ ký hoặc điểm chỉ xác nhận của học sinh;

c) Học sinh được nhận thuốc chữa bệnh, thuốc bổ, thực phẩm chức năng khi thăm gặp thân nhân, các loại thuốc, thực phẩm chức năng thì phải có nhãn mác, hàm lượng, công dụng, nơi sản xuất và còn thời hạn sử dụng. Trường giáo dưỡng bố trí tủ riêng để bảo quản, cán bộ y tế có trách nhiệm quản lý tủ thuốc, kiểm tra, hướng dẫn học sinh sử dụng khi có nhu cầu. Khi học sinh ốm, đau có nhu cầu sử dụng thuốc cán bộ y tế căn cứ vào bệnh lý, phác đồ điều trị để cấp thuốc và hướng dẫn học sinh sử dụng và ghi rõ trong bệnh án: “Thuốc do thân nhân gửi” hoặc ghi vào Sổ theo dõi, học sinh nhận, sử dụng thuốc phải ký tên hoặc điểm chỉ vào bệnh án hoặc Sổ theo dõi. Thuốc chữa bệnh, thuốc bổ, thực phẩm chức năng hết hạn phải lập biên bản tiêu hủy có sự chứng kiến, chữ ký hoặc điểm chỉ xác nhận của học sinh.

Khi học sinh chấp hành xong quyết định hoặc điều chuyển nơi khác cán bộ y tế phải kiểm tra, đối chiếu, trả lại học sinh số thuốc, thực phẩm chức năng chưa sử dụng hết hoặc bàn giao thuốc kèm theo hồ sơ sức khỏe của học sinh.”

Như vậy, việc nhận tiền, quà của T (học sinh trường giáo dưỡng) được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP như đã viện dẫn nêu trên.

38. M thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Khi đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, M đã đánh bạn học dẫn đến thương tích trên 20%. Vậy trong trường hợp M bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì hành vi trên thì theo quy định của pháp luật sẽ được giải quyết như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định:

“2. Trường hợp học sinh, trại viên đang chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc thì giải quyết như sau:

a) Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền gửi văn bản kèm theo các quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can cho Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc;

b) Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định đối với học sinh, trại viên và gửi ngay quyết định cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền, đồng thời thông báo cho Tòa án nhân dân nơi đã ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định tạm đình chỉ, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền có trách nhiệm đến trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc nhận học sinh, trại viên;

d) Thời gian tạm đình chỉ, gia hạn tạm đình chỉ (nếu có) không được quá thời gian còn lại của quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc. Nếu ngày chấp hành xong thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc đúng ngày hết thời hạn tạm đình chỉ, gia hạn tạm đình chỉ (nếu có) thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc có trách nhiệm làm thủ tục theo quy định tại Điều 42, Điều 43 Nghị định này.”

Như vậy, do M thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng nên trường hợp của M sẽ được giải quyết theo các quy định viện dẫn nêu trên.

39. Anh A là đối tượng đã có quyết định đưa vào cơ sở trường giáo dưỡng. Tuy nhiên, trước khi bị đưa vào cơ sở A đã bỏ trốn khỏi địa phương. Vậy theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, trường hợp anh A sẽ được xử lý như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 10 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định:

“1. Người đã có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc nhưng chưa thi hành quyết định mà bỏ trốn thì Trưởng Công an cấp huyện nơi đã lập hồ sơ ra quyết định truy tìm.

2. Học sinh bỏ trốn thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng ra quyết định truy tìm; trại viên bỏ trốn thì Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc ra quyết định truy tìm. Thời gian trốn khỏi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc không được tính vào thời gian chấp hành quyết định.

3. Cơ quan đã ra quyết định truy tìm có trách nhiệm tổ chức truy tìm; nếu người đó có hành vi chống đối thì được áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết theo quy định của pháp luật để buộc người đó phải chấp hành.

4. Ủy ban nhân dân và cơ quan Công an các cấp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều này trong việc truy tìm đối tượng bỏ trốn.

Khi phát hiện người có quyết định truy tìm, phải báo ngay cho cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gần nhất hoặc đưa ngay người đó đến cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân nơi gần nhất để đưa đến cơ quan Công an cấp huyện nơi gần nhất.

5. Khi giao, nhận người có quyết định truy tìm, cơ quan Công an phải lập biên bản, lấy lời khai, đồng thời thông báo ngay cho cơ quan đã ra quyết định truy tìm biết và cử người đến nhận. Trường hợp cơ quan ra quyết định truy tìm chưa đến kịp thì cơ quan Công an phải ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 122 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và quản lý tại nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính. Trường hợp không có nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính thì tạm giữ tại phòng trực ban hoặc phòng khác tại nơi làm việc.

6. Khi đưa đối tượng về trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc thực hiện áp giải theo quy định của pháp luật.

7. Tùy từng trường hợp cụ thể, quyết định truy tìm được gửi cho cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân địa phương liên quan để phục vụ cho việc truy tìm và bắt giữ đối tượng.

Như vậy, do A đã bỏ trốn trước khi đưa vào trường giáo dưỡng nên theo quy định thì Trưởng Công an cấp huyện nơi đã lập hồ sơ ra quyết định truy tìm A theo các quy định nêu trên.

40. M là đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Do sức khỏe của M không tốt nên gia đình lo rằng M vào trường giáo dưỡng sẽ không được khám bệnh, chữa bệnh đầy đủ. Vậy, theo quy định của pháp luật, việc chăm sóc y tế cho trại viên trường giáo dưỡng được thực hiện như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 34 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định:

“1. Trại viên khi đến cơ sở giáo dục bắt buộc được y tế của cơ sở giáo dục bắt buộc tổ chức khám sức khỏe và lập phiếu theo dõi. Trong thời gian trại viên chấp hành tại cơ sở giáo dục bắt buộc, căn cứ tình hình cụ thể của đơn vị tổ chức khám sức khỏe tổng quát cho trại viên, định kỳ 01 năm/lần, cụ thể: Đo chiều cao, cân nặng, vòng ngực trung bình, kiểm tra các thông số về nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ cơ thể, khám lâm sàng toàn diện theo các chuyên khoa. Việc khám sức khỏe cho trại viên được lưu kết quả vào hồ sơ để quản lý, theo dõi sức khỏe của trại viên.

2. Chi phí khám sức khỏe tổng quát, định kỳ cho trại viên được thanh toán theo khung giá quy định của Bộ Y tế. Tiền thuốc chữa bệnh thông thường cho trại viên được cấp tương đương 04 kg gạo tẻ/trại viên/tháng.

3. Cơ sở giáo dục bắt buộc thường xuyên có biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thực hiện các biện pháp cai nghiện ma túy, phòng, chống lây nhiễm, điều trị HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác cho trại viên.

4. Trại viên bị ốm được điều trị tại cơ sở y tế của cơ sở giáo dục bắt buộc. Trường hợp trại viên bị ốm nặng vượt quá khả năng điều trị tại cơ sở y tế của cơ sở giáo dục bắt buộc thì được đưa đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên hoặc có thể được đưa về gia đình để điều trị.

5. Trường hợp trại viên bị thương tích do tai nạn lao động, thiên tai, hỏa hoạn thì Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc phải làm các thủ tục để thực hiện chế độ trợ cấp theo quy định.

6. Kinh phí để thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này do ngân sách nhà nước cấp. Trường hợp trại viên được tạm đình chỉ để đưa về gia đình điều trị thì gia đình phải chi trả toàn bộ kinh phí khám bệnh, chữa bệnh cho trại viên.

7. Trường hợp trại viên bị ốm nặng phải đưa đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên để điều trị lâu dài thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày đưa đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc phải báo cáo Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng và thông báo cho thân nhân của trại viên.

8. Thời gian trại viên điều trị bệnh được tính vào thời gian chấp hành quyết định. Một ngày điều trị bệnh được tính bằng một ngày chấp hành quyết định.”

 Như vậy, việc chăm sóc y tế cho trại viên trường giáo dưỡng được thực hiện theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP như đã viện dẫn nêu trên./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tin mới - Tin đọc nhiều
Tin mới
Tin nổi bật
Tin mới
Ngày 06 tháng 12 năm 2024, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Công ty luật trách nhiệm hữu hạn...
Thực hiện Chương trình công tác năm 2024 và Kế hoạch số 2500/KH-STP ngày 08/10/2024 của Sở Tư pháp, ngày 21/11/2024, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị...
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.352.612
Lượt truy cập hiện tại 25.057
TÀI LIỆU PHỔ BIẾN, TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Ngày cập nhật 11/11/2022

TÀI LIỆU PHỔ BIẾN, TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT

VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

(TÌNH HUỐNG GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT)

(Kèm theo Công văn số 2183 /STP-BTTP ngày 08/11/2022 của Sở Tư pháp)

I. TÌNH HUỐNG GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬTLIÊN QUAN ĐẾN QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC AN NINH, TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI; PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN XÃ HỘI; PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY; CỨU NẠN, CỨU HỘ; PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH

1. Gia đình ông Võ Văn M sinh sống tại xã KN huyện NH, ở nơi giáp ranh với khu đô thị QGS. Nhà ông nuôi đàn bò có 5 con. Do thói quen và để thuận tiện, ông thường thả rông đàn bò đi vào các  con đường hoặc các bãi cỏ  trong khu đô thị để ăn cỏ. Trong trường hợp này, hành vi của A có phải là hành vi vi phạm hành chính không? Nếu có thì xử lý thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (Nghị định số 144/2021/NĐ-CP) quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một số hành vi, trong đó có hành vi tại điểm b: “Thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng;”. Như vậy, với hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị, ông M sẽ bị phạt tiền cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

2. Ông Lê Văn S. sống tại phường KX, thành phố PT, làm nghề thợ xây. Ông nghiện rượu nặng. Chiều nào cũng đem bàn, ghế, rượu... ra công viên gần nhà, uống rượu say mèm rồi chọc ghẹo, chửi bới, đe dọa nguời dân đang vui chơi ở đó. Khi lực lượng bảo vệ đến nhắc nhở thì ông càng hung hãn hơn, lợi dụng có uống rượu càng lớn tiếng chửi bới, văng tục, dùng bàn, ghế, gậy gỗ, đồ nghề xây dựng như bay, xẻng… dọa đánh bảo vệ và những người xung quanh, gây mất trật tự công cộng.Với hành vi thường xuyên gây rối ở nơi công cộng như vậy, ông S có vi phạm pháp luật không. Nếu có thì xử lý như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một số hành vi, trong đó có hành vi tại điểm a: “a) Sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng;”. Như vậy, đối với hành vi sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng, ông S sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Ngoài ra, ông S còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 13 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, cụ thể ở đây là tịch thu các vật dụng: bàn, ghế, gậy gỗ, bay, xẻng… mà ông S dùng để đe dọa, gây mất trật tự công cộng.

3. Chị Nguyễn Thị M ở phường TH, thành phố HM trong khi say rượu, đã gọi điện thoại đến trực ban Cảnh sát 113, Công an tỉnh TG, báo đang bị đánh đập, hành hạ. Qua quá trình làm việc với cơ quan chức năng, chi M, thừa nhận đã gọi điện vào số trực ban 113 , khi đang say rượu. Chị này tường trình lý do gọi là để trêu đùa chứ thực tế không bị đánh đập, hành hạ như trình báo. Với hành vi này, chị M có bị xử phạt không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một số hành vi, trong đó có hành vi tại điểm c: “Báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”. Như vậy, với hành vi gọi điện đến trực ban Cảnh sát 113 để báo tin giả là mình bị đánh đạp, hành hạ, chị M sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

4. Do có mâu thẫn với một nhóm thanh niên trên facebook, LVD ở tại xã PK, huyện DS đã hẹn với nhóm thanh niên này để giải quyết. D đã rủ thêm một số thanh niên mang theo mã tấu, dao tự chế để đánh nhau. Đang trên đường đi đến điểm hẹn thì cả nhóm bị Cảnh sát 113 phát hiện và bắt giữ. Hành vi của nhóm thanh niên này bị xử lý như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 4 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một số hành vi, trong đó có hành vi tại điểm b: “b) Mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương; đồ vật, phương tiện giao thông nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác;”. Như vậy, D và nhóm thanh niên mang theo các loại vũ khí thô sơ (mã tấu, dao tự chế) nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác sẽ bị phạt tiền từ từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Ngoài ra, D và nhóm thanh niên nói trên còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm a khoản 13 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, d, đ và g khoản 2; điểm đ khoản 3; các điểm b, e và i khoản 4; các điểm a, b và c khoản 5; các khoản 6 và 10 Điều này;". Cụ thể là tịch thu mã tấu, dao tự chế mà D và nhóm thanh niên này mang theo để đi đánh nhau.

5. Gia đình ông Ngô Văn S và ông Lê Thái M ở cạnh nhà nhau. Gần đây, hai gia đình xảy ra mâu thuẫn do tranh chấp về ranh giới đất. Trong một lần cãi vã, ông S đã dùng ghế gỗ đánh mạnh vào người ông M, gây chảy máu và thương tích ở chân. Ông M phải đi điều trị tại bệnh viện. Pháp luật xử lý như thế nào đối với hành vi của ông S.

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 5 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một số hành vi, trong đó có hành vi tại điểm a: “a) Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;”. Như vậy, đối với hành vi của ông S dùng ghế đánh ông M gây thương tích nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì ông S sẽ bị phạt tiền từ từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

Ngoài ra, ông S còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm a khoản 13 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, d, đ và g khoản 2; điểm đ khoản 3; các điểm b, e và i khoản 4; các điểm a, b và c khoản 5; các khoản 6 và 10 Điều này;". Cụ thể là tịch thu chiếc ghế mà ông S đã dùng để gây thương tích cho ông M.

Đồng thời, ông S còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm đ khoản 14 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “đ) Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1, điểm c khoản 2, điểm b khoản 3 và điểm a khoản 5 Điều này”. Như vậy, ông S phải chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho ông M.

6. Nhà ông Phạm Văn P ở tại tổ 5 phường KV, thành phố ST mới sắm được dàn karaoke. Từ ngày đó, gần như đêm nào ông P cũng tổ chức ăn nhậu, hát karaoke đến tận khuya, nhiều khi hát đến 1 giờ sáng hôm sau, gây ồn ào, mất trật tự chung. Khi hàng xóm sang nhắc nhở, ông còn lớn tiếng thách thức, chửi bới. Sự việc được báo lên chính quyền địa phương. Ông P sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những  hành vi vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung, trong đó có hành vi tại điểm a: “a) Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau;”. Như vậy, với hành vi hát karaoke đến tận 1 giờ sáng của ngày hôm sau, Ông P sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

7. Bà Lê Thị N cư trú tại phường K, thành phố HQ. Sau đó, bà mua nhà và chuyển nơi cư trú sang phường TS đến nay đã gần 20 năm. Mặc dù đã cư trú và đủ điều kiện đăng ký cư trú ở phường TS, nhưng bà N vẫn không làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký cư trú từ phường K sang phường TS. Việc bà N không làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký cư trú  có vi phạm pháp luật không? Nếu có vi phạm thì xử lý như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú, trong đó có hành vi tại điểm d: “d) Đã cư trú tại chỗ ở hợp pháp mới, đủ điều kiện đăng ký cư trú nhưng không làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký cư trú theo quy định của pháp luật;”. Như vậy, với hành vi không làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký cư trú, bà N sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

8. Bà Vũ Linh K có một ngôi nhà ở khá rộng và đẹp. Nơi bà ở là phương TL, TH HK gần với địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh. Nhà rộng lại ít người nên bà có dành 02 phòng ở tầng 2 cho khách du lịch thuê để kiếm thêm thu nhập. Mỗi lần cho thuê từ 1 đến 2 khách. Vì cho là nhà gia đình đang ở, chỉ cho thuê mỗi lần từ 4 đến 6 khách du lịch đến lưu trú nên bà K không  thực hiện thông báo việc lưu trú với cơ quan chức năng. Việc làm này của bà K có vi phạm pháp luật không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú, trong đó có hành vi tại điểm b: “b) Kinh doanh lưu trú, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú không thực hiện thông báo việc lưu trú từ 04 đến 08 người lưu trú”. Như vậy, với hành vi kinh doanh lưu trú không thực hiện thông báo việc lưu trú, bà K sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.

9. Nguyễn Văn A ở tại xã NH huyên NC là người lười biếng, đua đòi lại ham đánh bạc nên nợ nần chồng chất. Túng quá hóa liều, A đã đem thẻ Căn cước công dân của mình đi cầm cố để lấy tiền tiêu xài với số tiền là 300.000 đồng, với lãi xuất 0,2%/ngày. Ông Phạm Văn X là người nhận cầm cố cũng là người ở cùng xã với A. Hành vi của A và ông X bị xử lý thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 4 Điều 10 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân, trong đó có hành vi tại điểm c: “c) Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân”. Với hành vi cầm cố và nhận cầm cố thẻ Căn cước công dân, A và ông X sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

Ngoài ra, A và ông X còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 5 Điều 10 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP là: “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm b và c khoản 2, điểm a khoản 3 và các điểm a, b, c và d khoản 4 Điều này”.

Ông X còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm b khoản 6 Điều 10 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP là: “b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 4 Điều này”.

10. Bị mất Giấy chứng minh nhân dân, lại chưa làm thẻ Căn cước công dân, lợi dụng tình thân bạn bè, Phạm Văn R đã mượn thẻ Căn cước công dân của Võ Văn P để mua vé máy bay. R tặng P 01 đôi găng tay len để cảm ơn P dã cho mượn  thẻ Căn cước công dân. Vụ việc bị phát hiện. R và P bị xử lý thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 4 Điều 10 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân, trong đó có hành vi tại điểm đ: “đ) Mượn, cho mượn Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật”.

Ngoài ra, R và P còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 6 Điều 10 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP là: “a) Buộc nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 và điểm đ khoản 4 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 4 Điều này”.

11. Một lần đi làm nương, Vi Văn K ở xã  AT, huyên miền núi PQ nhặt một quả lựu đạn và đã đem quả lựu đạn này về nhà để tháo lấy thuốc nổ. Nhận được tin báo của nhân dân, công an xã AT đã đến nhà K và bắt quả tang K đang tháo quả lựu đạn để lấy thuốc nổ. Hành vi của K bị xử lý như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 4 Điều 11 Nghị định số Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm, trong đó có hành vi tại điểm h: “h) Cưa, cắt, đục hoặc thực hiện các thao tác khác để tháo bom, mìn, đạn, lựu đạn, quả nổ, ngư lôi, thủy lôi và các loại vũ khí khác trái phép”. Như vậy, việc K tháo quả lựu đan để  lấy thuốc nổ là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng

Ngoài ra, K còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy dịnh tại điểm a khoản 7 Điều 11 Nghị định số Nghị định số 144/2021/NĐ-CP “a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm d và đ khoản 1; các điểm a, b, c, e và g khoản 2; các điểm a, c, d, đ, e, h, i và k khoản 3; các điểm a, b, c, d, đ, e, h và i khoản 4 và khoản 5 Điều này”.

12. Nguyễn Van D là con của ông Nguyễn Văn K, ở tại xã HC, huyện KS. D là đổi tượng ăn chơi, lêu lổng. Để có tiền tiêu xài, một lần dùng xe máy của ông K đi giao hàng cho khách, D đã lấy xe máy của ông K cùng toàn bộ giấy tờ mang tên ông K đi cầm cố tại hiệu cầm đồ của bà N để lấy số tiền 1.000.000 vỡi lãi suất 0,2%/ngày.  Hành vi vi phạm sẽ bị xử lý thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, trong đó có hành vi quy định tại điểm l: “l) Nhận cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác nhưng không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố”.

Như vậy, với hành vi nhận cầm cố chiếc xe máy thuộc sở hữu của ông K nhưng không có giấy ủy quyền hợp lệ của ông K cho D mang tài sản đi cầm cố, bà N bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Ngoài ra, bà N còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 7 Điều 12 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi quy định tại các điểm đ, i, k, l, m, n và r khoản 3; các điểm d, đ và k khoản 4 và điểm b khoản 5 Điều này;”.

13. Hà Văn B là đối tượng hư hỏng ở tại xã BS, huyên BC. Một lần đi qua nhà ông G ở cùng xã, thấy chiếc xe máy cũ để ngoài sân, B đã lấy trộm rồi đem tới tiệm cầm đồ của ông Q cầm cố chiếc xe máy lấy 300.000 đồng. Biết B là đối tượng chuyên trộm cắp, khi cầm cố không có giấy tờ sở hữu nhưng ông G vẫn cho cầm cố xe và đưa tiền cho B, lãi suất 0,2%/ngày. Cơ quan chức năng đã phát hiện sự việc. Hành vi của ông G bị xử phạt thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 5 Điều 12 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, trong đó có hành vi quy định tại điểm b: “b) Nhận cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do người khác phạm tội mà có nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Như vậy, với hành vi nhận cầm cố tài sản do trộm cắp nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, ông G sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Ngoài ra, ông G còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại:

- Điểm b khoản 6 Điều 12 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “Tước quyền sử dụng Giấy phép, Chứng chỉ hành nghề, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng đối với các hành vi vi phạm quy định tại các điểm h và q khoản 3; điểm d khoản 4 và khoản 5 Điều này”.

- Điểm d khoản 6 Điều 12 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi định tại các điểm b, c, h, m, n và r khoản 3; các điểm c và k khoản 4 và các điểm b, đ và e khoản 5 Điều này”.

Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền, biện pháp xử phạt bổ sung, ông G còn bị thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 12 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi quy định tại các điểm đ, i, k, l, m, n và r khoản 3; các điểm d, đ và k khoản 4 và điểm b khoản 5 Điều này”.

14. Do túng thiếu, nợ nần nên Nguyễn Văn A ở tại xã PH, huyện KG đã đột nhập vào nhà ông Lê Văn M ở cùng xóm để trộm tài sản, và lấy trộm 2 con gà và một bao thóc để bán, nhưng đã bị ông M phát hiện và bắt giữ. Hạnh động này của A bị phạt thế  nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác, trong đó có hành vi quy định tại điểm a: “a) Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản”.

Như vậy, với hành vi vào nhà ông M lấy trộm gà và thóc, A sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Ngoài ra, A còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm a khoản 3 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 và các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều này;”, cụ thể là A bị tịch thu 2 con gà và bao thóc mà A đã lấy trộm được.

15. Hoàng Văn S ở tại xã ĐK, huyện SX lấy trộm được chiếc điện thoại cũ và đem về cho người yêu là Lê Thị B nhờ bán giúp. Mặc dù biết là điện thoại do S trộm cắp được nhưng B vẫn đem bán chiếc điện thoại giúp cho S được 300.000 đồng. Hành vi của B có vi phạm pháp luật không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác, trong đó có hành vi quy định tại điểm d: “d) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có”.

Như vậy, với hành vi bán chiếc điện thoại mà S lấy trộm được, B sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Ngoài ra, B còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều này”. Cụ thể là nộp lại số tiền 300.000 đồng do bán điện thoại.

16. Bà Lê Thị X ở tại số 15 đường LVD, phường TS, thành phố  LH là chủ họ, mà thành viên là chị em tiểu thương ở chợ S. Thời gian sau, bà chuyển nơi cư trú khác mà không thông báo cho các thành viên. Hành vi của bà X có vi phạm pháp luật không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về họ, hụi, biêu, phường, trong đó có hành vi quy định tại điểm a: “a) Không thông báo cho các thành viên về nơi cư trú mới trong trường hợp có sự thay đổi”.

Nhu vậy, với hành vi đã chuyển đến ở nơi cư trú mới mà không thông báo cho các thành viên, bà X sẽ bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

17. Bà Nguyện Thi M cư trú tại phường LT, thành phố XQ là chủ họ và tổ chức ba dây họ, nhưng không thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân phường LT. Hành vi này của bà M có vi phạm pháp luật không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về họ, hụi, biêu, phường, trong đó có hành vi quy định tại điểm b: “b) Không thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức từ hai dây họ trở lên”.

Như vậy, với hành vi vi phạm của mình, bà M sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

18. Bà Võ Thị Q ở tại phường SQ, thành phố MN đã tổ chức họ để cho vay lãi nặng mà lãi suất cho vay lến đến 50%/năm. Bà cho rằng lãi suất này là theo thỏa thuận của các bên. Vậy, bà Q có vi phạm pháp luật không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về lãi suất, như sau:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.

Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về họ, hụi, biêu, phường, trong đó có hành vi quy định tại điểm a: “a) Lợi dụng việc tổ chức họ để cho vay lãi nặng mà lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự”.

Như vậy, với hành vi tổ chức họ đẻ cho vay lãi nặng mà lãi suất cho vay lến đến 50%/năm, bà Q sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Ngoài ra, bà Q còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 4 Điều 16 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này”.

19. Ông Hoàng Văn D vừa mua một ngôi nhà tại phường HG, thành phố TD. Trong khuôn viên đất mà ông mua có sẵn cột dây điện thoại của Công ty bưu chính viễn thông M. Cho rằng, cột dây điện thoại của Công ty bưu chính viễn thông M trên đất vườn nhà gây cản trở cho việc trồng trọt, ông D đã tự xê dịch cột này ra khỏi vườn mà không thông báo cho công ty viễn thông M. Hành vi này của ông D có vi phạm pháp luật không, xử lý thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ các công trình công cộng, công trình an ninh, trật tự, trong đó có hành vi quy định tại điểm a: “a) Tự ý xê dịch, tháo dỡ cột dây điện thoại, điện tín, cột đèn, hàng rào của các cơ quan nhà nước hoặc các công trình công cộng khác”.

Như vậy, với việc tự ý xê dịch cột dây điện thoại của Công ty viễn thông M, ông D sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Ngoài ra, ông D còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 17 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này” và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này”.

20. Bà J là người nước ngoài sang Việt Nam thăm con. Bà thường xuyên đi lại nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam để tìm hiểu ẩm thực và phong tục của Việt Nam nhưng không bao giờ mang theo hộ chiếu. Bà J có vi phạm pháp luật Việt Nam không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người nước ngoài đi lại trên lãnh thổ Việt Nam mà không mang theo hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC.

Như vậy, với việc đi lại nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam mà không mang theo hộ chiếu, bà J sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Ngoài ra, bà J còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm b khoản 8 Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này”.

21. Ông F là người ngoại quốc sang Việt Nam để tìm việc làm. Trong một lần đi tìm việc, ông F đánh mất hộ chiếu, nhưng ông F không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về việc mình bị mất hộ chiếu. Ông F có vi phạm pháp luật Việt Nam không?

Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại, trong đó có hành vi quy định tại điểm a: “a) Không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về việc mất, hư hỏng hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC”.

Như vậy, với việc làm mất hộ chiếu mà không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về việc mất hộ chiếu, ông F sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Ngoài ra, ông F còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm b khoản 8 Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này”.

22. Ông Shune là người nước ngoài đã được cấp thẻ thường trú tại phương MC, thành phố SQ. Sau đó, ông thay đổi địa chỉ nhưng không khai báo để thực hiện việc cấp đổi lại. Hành vi của ông sẽ bị pháp luật Việt Nam xử lý thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại, trong đó có hành vi quy định tại điểm g như sau: “Người nước ngoài đã được cấp thẻ thường trú mà thay đổi địa chỉ nhưng không khai báo để thực hiện việc cấp đổi lại; người nước ngoài nhập cảnh vào khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biển theo diện miễn thị thực đi đến địa điểm khác của Việt Nam mà không có thị thực Việt Nam theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, với việc đã được cấp thẻ thường trú mà thay đổi địa chỉ nhưng không khai báo để thực hiện việc cấp đổi lại, ông Shune sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Ngoài ra, ông Shune còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm b khoản 8 Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này”.

23. Do không có đầy đủ giấy tờ nên bà Manuel là người nước ngoài không làm được hộ chiếu để sang Việt Nam. Qua môi giới, bà Manuel đã làm hộ chiếu giả và sử dụng hộ chiếu giả này để nhập cảnh vào Việt Nam. Hành vi này của bà bị cơ quan chức năng của Việt Nam phát hiện. Bà Manuel sẽ bị xử phạt thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 4 Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền  từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại, trong đó có hành vi quy định tại điểm a: “a) Sử dụng hộ chiếu giả, giấy thông hành giả, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam giả hoặc thẻ ABTC giả”.

Như vậy, với hành vi sử dụng hộ chiếu giả, bà Manuel sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Ngoài ra, bà Manuel còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm b khoản 8 Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này”.

24. Mặc dù không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, nhưng ông Yonki là người nước ngoài vẫn hành nghề chữa bệnh tại Việt Nam. Hành vi này của ông Yonki đã bị cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện. Ông Yonki sẽ bị xử lý như thê nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 5 Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền  từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại, trong đó có hành vi quy định tại điểm a: “a) Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam”.

Như vậy, với hành vi hành nghề tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, ông Yonki sẽ bị phạt tiền  từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

Ngoài ra, ông Yonki còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 8 Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP:

“a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại điểm b, c, d khoản 3; điểm a khoản 4; điểm a khoản 5; điểm c khoản 6; điểm a, d khoản 7 Điều này;

b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này”.

Đồng thời, ông Yonki còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 9 Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “9. Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 và các điểm a và c khoản 5 Điều này”.

25. Do không có giấy tờ hợp lệ, nên ông Frank là người nước ngoài đã giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được cấp hộ chiếu đến Việt Nam và bị cơ quan chức năng của Việt Nam phát hiện, xử phạt. Mức phạt đối với ông Frank như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 6 Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền  từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng  đối với một trong những hành vi vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại, trong đó có hành vi quy định tại điểm c: “c) Giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC”.

Như vậy, với hành vi giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được cấp hộ chiếu, ông Frank sẽ bị phạt tiền  từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Ngoài ra, ông Frank còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 8 Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP:

“a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại điểm b, c, d khoản 3; điểm a khoản 4; điểm a khoản 5; điểm c khoản 6; điểm a, d khoản 7 Điều này;

b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này”.

26.  Theo nhiệm vụ, Ông Võ Văn Đ là công chức của cơ quan X được phân công lưu giữ một số tài liệu mật. Một lần ông đã mang một văn bản mật ra khỏi nơi lưu giữ phục vụ công tác mà không được phép của người có thẩm quyền. Vụ việc bị phát hiện. Ông Đ sẽ bị xử lý thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền  từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, trong đó có hành vi quy định tại điểm d: “d) Mang tài liệu chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ phục vụ công tác mà không được phép của người có thẩm quyền”.

Như vậy, với hành vi mang tài liệu chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ phục vụ công tác mà không được phép của người có thẩm quyền, ông Đ bị phạt tiền  từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Ngoài ra, ông Đ còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 6 Điều 19 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “a) Buộc nộp lại tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước đối với hành vi quy định tại các điểm b, d, đ và e khoản 1; điểm a khoản 2 và điểm d khoản 3 Điều này”.

27. Mặc dù cơ quan đã trang bị riêng một máy tính chuyên phục vụ cho việc soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước, nhưng ông Hồ Văn K vẫn soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính đang kết nối với mạng Internet. Với hành vi này K sẽ bị xử lý thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 19 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền  từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, trong đó có hành vi quy định tại điểm a: “a) Soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông không đúng quy định của pháp luật”.

Như vậy, với hành vi soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính đã kết nối với mạng Internet, ông K sẽ bị phạt phạt tiền  từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Ngoài ra, ông K còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại diểm c khoản 6 Điều 19 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “c) Buộc gỡ bỏ tài liệu bí mật nhà nước đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 3 và các điểm b và c khoản 4 Điều này”

28. Cô M ở xã QX, huyện PG làm nghề tự do. Vừa qua, cô M đã mặc trang phục Công an nhân dân và quay clip tung lên mạng để sống ảo, câu like, câu view. Hành vi này của M bị xử lý như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền  từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong những hành vi hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân.

Như vậy, với hành vi sử dụng trái phép trang phục dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân, cô M sẽ bị phạt tiền  từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng.

Ngoài ra, cô M còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm a khoản 4 Điều 20 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này”.

29. Doanh nghiệp tư nhân DC chuyên sản xuất mắm ruốc và nước mắm. Địa điểm sản xuất trong khu dân cư tại xã PD, huyện GN nên nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn. Cơ quan chức năng đã lập đoàn kiểm tra đối với doanh nghiệp này. Tuy nhiên, khi Đoàn kiểm tra đến nơi thì chủ doanh nghiệp đã cho người ra cản trở, không cho Đoàn kiểm tra vào làm việc. Hành vi này của chủ doanh nghiệp bị xử phạp thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền  từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ, trong đó có hành vi quy định tại điểm a: “a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật”.

Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định: “2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân”.

Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định: “3. Tổ chức quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này bao gồm: a) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp”. Như vậy, doanh nghiệp tư nhân DC là tổ chức vi phạm hành chính và bị áp dụng mức tiền phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.

Căn cứ các quy định nêu trên, với hành vi cản trở yêu cầu kiểm tra  của người thi hành công vụ, doanh nghiệp tư nhân DC sẽ bị phạt tiền  từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng .

30. Nguyễn Văn K làm nghề thợ xây, trú tại xã CS, huyện AV  là người nghiện ma túy, nên K thường xuyên sử dụng ma túy. Hành vi của K có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Như vậy, với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, K sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Ngoài ra, K còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm a khoản 8 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này”.

31. Bà Cener là người nước ngoài thuê một ngôi nhà tại xã CS, huyện PS để ở. Lợi dụng khu vực nơi bà sinh sống là nơi xa khu dân cư, vắng vẻ nên bà đã trồng cây thuốc phiện trong vườn nhà. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, bà trình bày lý do trồng cây thuốc phiện để làm thuốc chữa bệnh. Hành vi này của bà Cener có bị xử phạt không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 23 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định: “3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa, cây coca, cây khát và các loại cây khác có chứa chất ma túy”.

Như vậy, với hành vi trông cây thuốc phiện trong vườn nhà, bà Cener sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Ngoài ra, bà Cener còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm a và điểm d khoản 8 Điều 23 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP:

“a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này;

d) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này”.

32. Nguyễn Văn B là đối tượng vừa mãn hạn tù, cư trú tại phường ĐN. Vừa ra tù, B mở một quán cà phê nhỏ nói là để kiếm sống nhưng thực chất là để che giấu cho các hành vi mua dâm, bán dâm. Ít lâu sau thì việc làm của B bị phát hiện và xử lý. B sẽ bị xử lý thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 26 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định: “2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi che giấu, bảo kê cho các hành vi mua dâm, bán dâm”.

Như vậy, với hành vi che giấu cho các hành vi mua dâm, bán dâm, B sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Ngoài ra, B còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 6 Điều 26 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này”.

33. Võ Văn L làm nghề thợ xây ở tại xã GS, huyện XV, gia cảnh nghèo khó. L muốn thoát nghèo nhanh chóng nên thường mua số đề để mong gặp may mà trở nên giàu có. Hành vi mua số đề của L có vi phạm pháp luật không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định: “1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi mua các số lô, số đề”.

Như vậy, với hành vi mua số đề, L sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.

Ngoài ra, L còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm a khoản 6 Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 1; khoản 2; các điểm a và b khoản 3; các điểm b, c và d khoản 4 và khoản 5 Điều này”.

L còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 7 Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1; khoản 2; các điểm a và b khoản 3; các điểm b, c và d khoản 4 và khoản 5 Điều này”.

34. Nguyễn Văn V là lái xe được thuê chở một số bình gaz đến cửa hàng  kinh doanh Gaz BN. Trên xe chở các bình gaz, V còn chở thêm hàng hóa khác như nệm, tủ nhựa… mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền. Hành vi của V có vi phạm pháp luật không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 34 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm quy định trong vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ, trong đó có hành vi  quy định tại điểm b: “b) Vận chuyển hàng hóa khác cùng với hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ trên cùng một phương tiện vận chuyển mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền”.

Như vậy, với hành vi nêu trên, V sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

35. Hoàng Văn Q là lái xe cho Công ty xăng dầu XS. Trong một lần trên đường chở các bình gaz đến của hàng của Công ty, anh Q đã tự ý bốc dỡ các bình gaz này sang xe của Lê Viết K, mặc dù chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền. Hành vi này của Q bị xử lý thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 5 Điều 34 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm quy định trong vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ, trong đó có hành vi  quy định tại điểm h: “h) Bốc, dỡ, bơm, chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ đang trên đường vận chuyển sang phương tiện khác khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền”.

Như vậy, Q đã có hành vi vi phạm quy định tại điểm h khoản 5 Điều 34 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Với hành vi vi phạm này, Q sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

36. Nguyễn Văn Y là chủ quán karaoke XG, ở tại huyện VA, tỉnh A. Khi cơ quan chức năng đột xuất kiểm tra đã phát hiện lối thoát nạn của quán bị chất đầy hàng hóa, xe máy, gây cản trở lối thoát nạn. Ngoài ra, Y còn khóa cửa thoát nạn với lý do là để chống trộm đột nhập. Chủ quán Y sẽ bị phạt thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 40 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm quy định về thoát nạn trong phòng cháy và chữa cháy, trong đó có hành vi  quy định tại điểm a: “a) Bố trí, sắp xếp vật tư, hàng hóa, phương tiện giao thông và các vật dụng khác cản trở lối thoát nạn”.

Khoản 4 Điều 40 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm quy định về thoát nạn trong phòng cháy và chữa cháy, trong đó có hành vi  quy định tại điểm a: “a) Khóa, chèn, chặn cửa thoát nạn”.

Như vậy, Y đã có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 4 Điều 40 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP và . Với hành vi này Y sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (hành vi tại điểm a khoản 2) và bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng (hành vi tại điểm a khoản 4).

Ngoài ra, Y còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 6 Điều 40 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2; các khoản 4 và 5 Điều này”.

37. Ông Nguyễn Văn U cùng vợ con sống chung với mẹ đẻ là bà V tại xã KD, huyện AQ. Bà V đã già yếu, lại hay đau ốm nên ông U thường xuyên bực tức, khó chịu với bà. Đỉnh điểm là vừa qua, ông đã dùng gậy sắt đánh bà bị thương phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Cơ quan chức năng đã làm việc và lập biên bản vi phạm hành chính. Hành vi của ông U sẽ bị xử lý thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 52 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình, trong đó có hành vi  quy định tại điểm a: “a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình”.

Căn cứ quy định nêu trên, ông U đã cso hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 52 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Như vậy, ông U sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Ngoài ra, ông U còn bị áp dụng biên pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 3 Điều 52 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP:

“3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;

b) Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này”.

38. Ông Lê Văn C ở xã XQ, huyện RN có người mẹ già yếu, mất trí nhớ, hay đi lang thang… Ông C thường xuyên chửi bới, hành hạ bà. Nhiều khi ông còn bỏ mặc bà, không cho ăn uống, chịu rét…Pháp luật quy định xử lý thế nào về hành vi của ông.

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 53 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình, trong đó có hành vi  quy định tại điểm a: “a) Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân”.

Căn cứ quy định trên đây, ông C đã có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 53 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Như vậy, ông C sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Ngoài ra, ông C còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 2 Điều 53 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này”.

39. Do mâu thuẫn vợ chồng và nghi ngờ vợ ngoại tình, nên ông Đ ở xã SD, huyện GX đã sử dụng facebook để đăng những bài viết chửi bới, xúc phạm danh dự của vợ. Hành vi của ông Đ bị xử lý thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 54 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình, trong đó có hành vi  quy định tại điểm b: “b) Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình”.

Như vậy, với hành vi của mình, ông Đ sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Ngoài ra, ông Đ còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 3 Điều 54 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: “a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này”.

40. Anh V và chị B là con của bà L. Cậy mình là con trai trưởng nên anh V muốn chiếm đoạt toàn bộ nhà, đất do cha mẹ để lại. Sau khi lập gia đình riêng, V đã đe dọa, đánh đập buộc chị B phải ra khỏi nhà của mẹ mình. Hành vi của V bị xử phạt thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 59 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ: “2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa bằng bạo lực để buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ”.

Như vậy, V đã có hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 59 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP và sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

II. TÌNH HUỐNG GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC DU LỊCH, THỂ THAO; QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN; VĂN HÓA VÀ QUẢNG CÁO

1. Chị Hoa cùng bạn bè tham gia du lịch tại khu du lịch H. Trong quá trình tham quan, chị và bạn bè có một số vấn đề bức xúc liên quan đến việc hướng dẫn, đón tiếp ở đây và rất muốn phản ánh, kiến nghị đến đơn vị quản lý khu du lịch này nhưng chỉ có người nhân viên xin được ghi nhận lại ý kiến của chị và hẹn sẽ báo cáo cấp trên để giải quyết sau, tuy nhiên đến khi chị Hoa gần kết thúc chuyến du lịch (hơn 10 ngày) thì mới nhận được thông tin giải quyết về vấn đề chị phản ánh, kiến nghị. Chị Hoa đề nghị cho biết, pháp luật có quy định về việc tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của khách du lịch không và trường hợp có quy định mà thực hiện không đúng thì bị xử phạt hành chính như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 14 Luật Du lịch năm 2017 quy định giải quyết kiến nghị của khách du lịch như sau:

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, quản lý khu du lịch, điểm du lịch tổ chức tiếp nhận và gilải quyết kịp thời kiến nghị của khách du lịch trong phạm vi quản lý.

2. Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của khách du lịch trên địa bàn.

3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tiếp nhận, giải quyết hoặc phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết kiến nghị của khách du lịch.

Khoản 1, 2 Điều 6 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không có nhân lực hoặc cơ sở vật chất để tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của khách du lịch trong phạm vi quản lý.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi giải quyết không kịp thời kiến nghị, phản ánh của khách du lịch trong phạm vi quản lý khi nhận được kiến nghị, phản ánh.

Khoản 2 và 3 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định:

- Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

- Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, pháp luật quy định trách nhiệm tổ chức tiếp nhận và gilải quyết kịp thời kiến nghị của khách du lịch trong phạm vi quản lý của tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, quản lý khu du lịch, điểm du lịch, Ủy ban nhân dân các cấp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong trường hợp chi Hoa, đơn vị quản lý khu du lịch đã không bảo đảm việc tiếp nhận và gilải quyết kịp thời kiến nghị của khách du lịch trong phạm vi quản lý. Căn cứ các quy định về xử phạt vi phạm hành chính nêu trên, đơn vị này bị có thể bị xử phạt về hai hành vi, đó là: Hành vi không có nhân lực hoặc cơ sở vật chất để tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của khách du lịch trong phạm vi quản lý (mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 400.000 đồng đến 1.000.000 đồng); hành vi giải quyết không kịp thời kiến nghị, phản ánh của khách du lịch trong phạm vi quản lý khi nhận được kiến nghị, phản ánh (phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng).

2. Anh Trần Văn Hòa cho biết, vừa qua anh mới tham gia tour du lịch do Công ty du lịch lữ hành S tổ chức. Ngoài tiền tour du lịch trọng gói như giới thiệu ban đầu, quá trình tham gia tour, anh Hòa và các thành viên còn bị yêu cầu đóng thêm mỗi người 500.000 đồng nhưng phía đơn vị tổ chức không nói rõ chi phí đóng thêm này để làm gì. Anh Hòa đề nghị cho biết, hành vi này của công ty S có vi phạm pháp luật không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Luật Du lịch năm 2017 thi hành vi “Phân biệt đối xử với khách du lịch, thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch; tranh giành khách du lịch, nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ” là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch.

Khoản 4, 9 Điều 6 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định: 

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện tai nạn hoặc rủi ro, sự cố xảy ra với khách du lịch;

b) Không giải quyết kiến nghị, phản ánh của khách du lịch trong phạm vi quản lý;

c) Thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch.

9. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 4 nêu trên.

Khoản 2 và 3 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định:

- Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

- Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Theo các quy định trên, Công ty S đã có hành vi thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch. Đây là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch. Hành vi này của công ty S có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

3. Chị Hoàng Thu Thảo và người bạn cùng tham gia tour du lịch do Công ty P tổ chức. Khi đến tham quan, vui chơi tại thác nước của một địa điểm du lịch, do không được cảnh báo nguy cơ gây nguy hiểm nên bạn chị Thảo đã không chú ý dẫn đến bị tai nạn. Chị Thảo đề nghị cho biết, công ty kinh doanh du lịch có trách nhiệm trong việc cảnh báo nguy cơ gây nguy hiểm cho khách du lịch không và nếu có mà công ty P không thực hiện thì bị xử phạt hành chính như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 13 Luật Du lịch năm 2017 quy định về bBảo đảm an toàn cho khách du lịch như sau:

1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại khu du lịch, điểm du lịch.

2. Tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch có biện pháp phòng, tránh rủi ro và tổ chức bộ phận bảo vệ, cứu hộ, cứu nạn cho khách du lịch.

3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch có trách nhiệm cảnh báo nguy cơ gây nguy hiểm cho khách du lịch; thông báo, chỉ dẫn kịp thời cho khách du lịch trong trường hợp khẩn cấp; áp dụng biện pháp cần thiết, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cứu hộ, cứu nạn cho khách du lịch.

Khoản 5, 8 Điều 6 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định: 

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không cảnh báo nguy cơ gây nguy hiểm cho khách du lịch;

b) Không thông báo, chỉ dẫn cho khách du lịch trong trường hợp khẩn cấp.

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại các khoản 5, 6 và 7 Điều này.

Khoản 2 và 3 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định:

- Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

- Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Căn cứ các quy định trên, Công ty kinh doanh du lịch có trách nhiệm cảnh báo nguy cơ gây nguy hiểm cho khách du lịch. Trong trường hợp này, nếu do Công ty P không cảnh báo nguy hiểm cho khách du lịch thì công ty P phải bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng.

4. Trong quá trình tham gia du lịch, đoàn du khách do Công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành T tổ chức có người có hành vi vi phạm pháp luật. Khi được cơ quan chức năng nhà nước yêu cầu phối hợp xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người khách du lịch này, Công ty T đã không tích cực phối hợp, dẫn đến sự chậm trễ, ảnh hưỏng đến việc xử lý của cơ quan chức năng nhà nước. Hành vi chậm trễ này của Công ty T có vi phạm pháp luật không và có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điểm g khoản 1 Điều 37 Luật Du lịch năm 2017 quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa có quyền và nghĩa vụ phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của khách du lịch trong thời gian tham gia chương trình du lịch.

Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định xử phạt vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành như sau:

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi phối hợp không kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của khách du lịch trong thời gian tham gia chương trình du lịch.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Căn cứ quy định trên, Công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành T đã có hành vi phối hợp không kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của khách du lịch trong thời gian tham gia chương trình du lịch. Việc này vi phạm quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Hành vi phối hợp không kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của khách du lịch trong thời gian tham gia chương trình du lịch bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

5. Bà Trần Nguyễn Thu Thanh vừa tham gia tour du lịch lữ hành do Công ty Q tổ chức đến Singapore. Do chưa hiểu rõ phong tục, tập quán ở đây, bà Thanh đã có hành vi bị cơ quan chức năng Singapocre nhắc nhở, yêu cầu chấn chỉnh. Bà Thanh cảm thấy xấu hổ. Sau khi về nước, người bạn của bà có nói với bà là lẽ ra Công ty Q phải phổ biến cho khách du lịch về phong tục, tập quán của nơi đến du lịch để khách du lịch biết và ứng xử cho phù hợp. Công ty Q cũng có lỗi khi để xảy ra sự việc đáng tiếc này. Bà Thanh đề nghị cho biết, pháp luật có quy định về vấn đề này không? Trường hợp Công ty Q có vi phạm thì bị xử phạt hành chính không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 37 Luật Du lịch năm 2017 thì doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch ra nước ngoài có quyền và nghĩa vụ chấp hành, phổ biến, hướng dẫn khách du lịch tuân thủ pháp luật, quy định của nơi đến du lịch; ứng xử văn minh, tôn trọng bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam và nơi đến du lịch; phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của khách du lịch trong thời gian tham gia chương trình du lịch.

Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định xử phạt vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành như sau:

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không hướng dẫn, cung cấp cho bên nhận đại lý lữ hành thông tin liên quan đến chương trình du lịch;

b) Không phổ biến, hướng dẫn khách du lịch tuân thủ pháp luật, quy định của nơi đến du lịch;

c) Không phổ biến, hướng dẫn khách du lịch ứng xử văn minh, tôn trọng bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam và nơi đến du lịch;

d) Hợp đồng lữ hành thiếu một trong các nội dung theo quy định;

đ) Chương trình du lịch thiếu một trong các nội dung theo quy định;

e) Hợp đồng đại lý lữ hành thiếu một trong các nội dung theo quy định.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Căn cứ quy định trên, công ty Q phải có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn khách du lịch tuân thủ pháp luật, quy định của nơi đến du lịch; ứng xử văn minh, tôn trọng bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam và nơi đến du lịch. Nếu Công ty Q không thực hiện nghĩa vụ này là vi phạm pháp luật và bị xử phạt vi phạm hành chính với phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

6. Bà Hoa là nhân viên của Công ty N kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Bà cho biết, vừa qua cơ quan chức năng có kiểm tra và đã ghi nhận việc Công ty N không thông báo bằng văn bản về việc thay đổi người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định. Bà Hoa đề nghị cho biết, hành vi này bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền là bao nhiêu?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 37 Luật Du lịch năm 2017 thì doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có quyền và nghĩa vụ thông báo về việc thay đổi người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành, gửi hồ sơ về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành thay thế cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép trong thời hạn 15 ngày kể từ khi thay đổi.

Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định xử phạt vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành như sau:

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không gửi hồ sơ về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành thay thế theo quy định;

b) Không thông báo bằng văn bản về việc thay đổi người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định;

c) Cung cấp thông tin không rõ ràng hoặc không công khai hoặc không trung thực về chương trình du lịch, dịch vụ, điểm đến du lịch cho khách du lịch hoặc đại diện khách du lịch.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Căn cứ các quy định trên, công ty N đã có hành vi vi phạm là không thông báo bằng văn bản về việc thay đổi người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định. Hành vi này bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

7. Ông Lê Văn Bình nhận được ấn phẩm quảng cáo do nhân viên Công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa TP gửi. Khi đọc ấn phẩm này, ông Bình tìm thông tin về số giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành để tránh bị lừa đảo, nhưng không thấy. Qua tìm hiểu, ông Bình được biết, công ty TP là có thật và có kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa. Ông đề nghị cho biết, pháp luật có quy định về việc công khai số giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành không? Nếu có quy định mà không thực hiện thì bị xử phạt như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điểm b khoản 1 Điều 37 Luật Du lịch năm 2017 quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa có quyền và nghĩa vụ bảo đảm duy trì các điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật Du lịch; công khai tên doanh nghiệp, số giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trên biển hiệu tại trụ sở, chi nhánh, văn phòng giao dịch, trong hợp đồng lữ hành, trên ấn phẩm quảng cáo và trong giao dịch điện tử.

Khoản 4 Điều 7 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định xử phạt vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành như sau:

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của khách du lịch trong thời gian tham gia chương trình du lịch;

b) Không cung cấp thông tin về chương trình du lịch, dịch vụ, điểm đến du lịch cho khách du lịch hoặc đại diện khách du lịch;

c) Không công khai tên doanh nghiệp, số giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trên biển hiệu tại trụ sở, chi nhánh, văn phòng giao dịch hoặc trong hợp đồng lữ hành hoặc trên ấn phẩm quảng cáo hoặc trong giao dịch điện tử.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Như vậy, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa có trách nhiệm công khai tên doanh nghiệp, số giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trên biển hiệu tại trụ sở, chi nhánh, văn phòng giao dịch, trong hợp đồng lữ hành, trên ấn phẩm quảng cáo và trong giao dịch điện tử. Trường hợp không thực hiện thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

8. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng phát hiện Công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa PQ có sử dụng 03 hướng dẫn viên du lịch nội địa không có hợp đồng lao động với doanh nghiệp. Công ty PQ đề nghị cho biết, pháp luật quy định hành vi này bị xử phạt như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch năm 2017 quy định điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên du lịch bao gồm:

a) Có thẻ hướng dẫn viên du lịch;

b) Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa;

c) Có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch; đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.

Khoản 5 Điều 7 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định xử phạt vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành như sau:

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng hướng dẫn viên du lịch quốc tế, hướng dẫn viên du lịch nội địa không có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc không là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch theo quy định;

b) Sử dụng hướng dẫn viên du lịch để hướng dẫn cho khách du lịch không đúng phạm vi hành nghề của hướng dẫn viên du lịch;

c) Sử dụng hướng dẫn viên du lịch để thực hiện chương trình du lịch mà không có hợp đồng hướng dẫn hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo quy định;

d) Không viết hoặc không gắn tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Căn cứ các quy định trên, hành vi sử dụng hướng dẫn viên du lịch nội địa không có hợp đồng lao động với doanh nghiệp của Công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa PQ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

9. Bà Lan cho biết, bà có đăng ký tham gia chương trình du lịch tại đại lý lữ hành của ông Hoàng, sau đó bà phát hiện giá bán chương trình du lịch tại đại lý ông Hoàng có sự chênh lệch cao hơn nhiều so với giá gốc. Được biết, ông Hoàng nhận làm đại lý lữ hành với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành HT. Bà Lan đề nghị cho biết, việc để bên nhận không thực hiện đúng giá bán chương trình du lịch được giao cho đại lý có trách nhiệm của bên Công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành không? Việc thiếu trách nhiệm này bị xử lý như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 42 Luật Du lịch năm 2017 quy định trách nhiệm của bên giao đại lý lữ hành như sau:

1. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của bên nhận đại lý lữ hành.

2. Tổ chức thực hiện chương trình du lịch do bên nhận đại lý lữ hành bán; chịu trách nhiệm với khách du lịch về chương trình du lịch giao cho bên nhận đại lý lữ hành.

3. Hướng dẫn, cung cấp cho bên nhận đại lý lữ hành thông tin liên quan đến chương trình du lịch.

Khoản 6 Điều 7 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định xử phạt vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành như sau:

 Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có biện pháp kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của bên nhận đại lý lữ hành;

b) Không có biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động của hướng dẫn viên du lịch theo quy định;

c) Không tổ chức thực hiện chương trình du lịch do bên nhận đại lý lữ hành bán.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Theo quy định trên, bên giao đại lý lữ hành là kinh doanh dịch vụ lữ hành HT phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của bên nhận đại lý lữ hành để đảm bảo bên nhận đại lý thực hiện đúng hợp đồng đại lý lữ hành. Trường hợp bên giao đại lý không có biện pháp kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của bên nhận đại lý lữ hành thì bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

10. Bà Thanh dự định tham gia chương trình du lịch của công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành PT. Qua tìm hiểu, bà được biết giá tham gia chương trình du lịch bao gồm cả tiền mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch. Bà Thanh đề nghị cho biết, bà có thể đề nghị công ty không mua bảo hiểm cho bà trong trường hợp này để giảm giá được không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điểm đ khoản 1 Điều 37 Luật Du lịch năm 2017 quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa có quyền và nghĩa vụ mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch, trừ trường hợp khách du lịch đã có bảo hiểm cho toàn bộ chương trình du lịch.

Khoản 9, điểm d khoản 15 Điều 7 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định xử phạt vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành như sau:

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch theo quy định;

b) Không sử dụng dịch vụ do tổ chức, cá nhân thuộc Danh mục tổ chức, cá nhân đáp ứng đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch theo quy định;

c) Sử dụng hướng dẫn viên du lịch có hành vi cung cấp, giới thiệu cho khách du lịch các nội dung thông tin mang tính chất xuyên tạc lịch sử, văn hóa, chủ quyền quốc gia.

Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi nêu trên.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Theo quy định trên, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa có nghĩa vụ mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch, trừ trường hợp khách du lịch đã có bảo hiểm cho toàn bộ chương trình du lịch. Nếu vi phạm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng. Như vậy, bà Thanh chỉ có thể thể đề nghị công ty PT không mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch nếu như bà đã có bảo hiểm này.

11. Anh Hùng tham gia chương trình du lịch do công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành XT tổ chức. Quá trình tham gia chương trình, anh Hùng nhận thấy hướng dẫn viên du lịch không có thẻ hướng dẫn viên du lịch. Anh Hùng đề nghị cho biết, hành nghề hướng dẫn viên du lịch có phải có thẻ hướng dẫn viên du lịch không? Trường hợp công ty dịch vụ lữ hành sử dụng người không có thẻ hướng dẫn viên du lịch để hướng dẫn cho khách du lịch thì bị xử phạt như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch năm 2017 quy định điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên du lịch bao gồm:

a) Có thẻ hướng dẫn viên du lịch;

b) Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa;

c) Có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch; đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.

Điểm g khoản 2 Điều 65 Luật Du lịch năm 2017 quy định hướng dẫn viên du lịch có nghĩa vụ đeo thẻ hướng dẫn viên du lịch trong khi hành nghề hướng dẫn du lịch.

Khoản 10 Điều 7 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định xử phạt vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành như sau:

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng người không có thẻ hướng dẫn viên du lịch để hướng dẫn cho khách du lịch;

b) Sử dụng người sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch giả để hướng dẫn cho khách du lịch.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Căn cứ quy định trên, một trong những điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên du lịch là phải có thẻ hướng dẫn viên du lịch. Hướng dẫn viên du lịch có nghĩa vụ đeo thẻ hướng dẫn viên du lịch trong khi hành nghề hướng dẫn du lịch. Trường hợp công ty XT sử dụng người không có thẻ hướng dẫn viên du lịch để hướng dẫn cho khách du lịch thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

12. Chị Quý phụ trách nhân sự tại Công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa GH. Công ty GH dự định bổ nhiệm anh Quang tốt nghiệp đại học kinh tế để phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành. Chị Quý  đề nghị cho biết, pháp luật có quy định về điều kiện chuyên ngành học của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành không? Nếu vi phạm thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Khoản 1 Điều 31 Luật Du lịch năm 2017 quy định diều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa bao gồm:

a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;

b) Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng;

c) Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.

 Điều 3 Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số Điều của Luật Du lịch quy định về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành như sau:

1. Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành là người giữ một trong các chức danh sau: chủ tịch hội đồng quản trị; chủ tịch hội đồng thành viên; chủ tịch công ty; chủ doanh nghiệp tư nhân; tổng giám đốc; giám đốc hoặc phó giám đốc; trưởng bộ phận kinh doanh dịch vụ lữ hành.

2. Chuyên ngành về lữ hành quy định tại điểm c Khoản 1 và điểm c Khoản 2 Điều 31 Luật Du lịch bao gồm một trong các chuyên ngành sau:

a) Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;

b) Quản trị lữ hành;

c) Điều hành tour du lịch;

d) Marketing du lịch;

đ) Du lịch;

e) Du lịch lữ hành;

g) Quản lý và kinh doanh du lịch.

3. Văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công nhận theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Khoản 11 và điểm a khoản 15 Điều 7 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định xử phạt vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành như sau:

Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện đúng quy định về ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;

b) Không bổ sung đủ số tiền ký quỹ đã sử dụng theo quy định;

c) Sử dụng người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành không bảo đảm điều kiện theo quy định.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm nêu trên.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Như vậy, pháp luật quy định cụ thể về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó nêu rõ chuyên ngành về lữ hành như trên. Trường hợp công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành có hành vi sử dụng người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành không bảo đảm điều kiện theo quy định thì bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 06 tháng đến 12 tháng.

13. Công ty QY đang tiến hành thủ tục đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Trong thời gian chờ xem xét giải quyết, công ty QY đã tổ chức kinh doanh dịch vụ lữ hành. Hành vi này có bị xử lý vi phạm hành chính không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Du lịch năm 2017, nghiêm cấm hành vi kinh doanh du lịch khi không đủ điều kiện kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh hoặc không duy trì điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Khoản 14 và điểm a khoản 16 Điều 7 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định xử phạt vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành như sau:

Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Kinh doanh dịch vụ lữ hành sau khi đã thông báo tạm ngừng hoạt động;

b) Kinh doanh dịch vụ lữ hành sau khi bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành;

c) Kinh doanh dịch vụ lữ hành sau khi bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành;

d) Hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành mà không có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành;

đ) Sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành giả để hoạt động kinh doanh.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Căn cứ các quy định trên, công ty QY đã có hành vi hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành mà không có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Hành vi này bị phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.

14. Chị Trang tham gia chuyến du lịch do công ty HB tổ chức. Trong quá trình tham gia chuyên đi, chị Trang không hài lòng về thái độ của hướng dẫn viên du lịch, chị có yêu cầu hướng dẫn viên thay đổi chương trình du lịch nhưng hướng dẫn viên bảo cần phải báo cáo người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quyết định. Chị Trang đề nghị cho biết, pháp luật quy định như thế nào về nghĩa vụ của hướng dẫn viên du lịch? Hướng dẫn viên du lịch có được thay đổi chương trình du lịch trong trường hợp khách du lịch có yêu cầu không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Khoản 2 Điều 65 Luật Du lịch năm 2017 quy định hướng dẫn viên du lịch có nghĩa vụ sau đây:

a) Hướng dẫn khách du lịch theo nhiệm vụ được giao hoặc theo hợp đồng hướng dẫn;

b) Tuân thủ, hướng dẫn khách du lịch tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật nơi đến du lịch, nội quy nơi đến tham quan; tôn trọng phong tục, tập quán của địa phương;

c) Thông tin cho khách du lịch về chương trình du lịch, dịch vụ và các quyền, lợi ích hợp pháp của khách du lịch;

d) Hướng dẫn khách du lịch theo đúng chương trình du lịch, có thái độ văn minh, tận tình và chu đáo với khách du lịch; báo cáo người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quyết định thay đổi chương trình du lịch trong trường hợp khách du lịch có yêu cầu;

đ) Có trách nhiệm hỗ trợ trong việc bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch;

e) Tham gia khóa cập nhật kiến thức theo quy định tại khoản 4 Điều 62 của Luật này;

g) Đeo thẻ hướng dẫn viên du lịch trong khi hành nghề hướng dẫn du lịch;

h) Hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa phải mang theo giấy tờ phân công nhiệm vụ của doanh nghiệp tổ chức chương trình du lịch và chương trình du lịch bằng tiếng Việt trong khi hành nghề. Trường hợp hướng dẫn khách du lịch quốc tế thì hướng dẫn viên du lịch phải mang theo chương trình du lịch bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài.

Khoản 5 Điều 9 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không hướng dẫn khách du lịch theo phân công nhiệm vụ được giao hoặc theo hợp đồng hướng dẫn;

b) Không hướng dẫn khách du lịch theo đúng chương trình du lịch;

c) Không báo cáo người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quyết định thay đổi chương trình du lịch trong trường hợp khách du lịch có yêu cầu;

d) Không có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc không là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo quy định khi hành nghề đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa;

đ) Không có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc không có văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch theo quy định;

e) Không có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Trên đây là quy định về nghĩa vụ của hướng dẫn viên du lịch. Theo đó, hướng dẫn viên phải hướng dẫn khách du lịch theo đúng chương trình du lịch; báo cáo người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quyết định thay đổi chương trình du lịch trong trường hợp khách du lịch có yêu cầu. Nếu không báo cáo người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quyết định thay đổi chương trình du lịch trong trường hợp khách du lịch có yêu cầu thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

15. Anh Quỳnh vừa tham gia chuyến du lịch tại đảo Phú Quốc trở về. Anh cho biết, cùng tham gia chương trình này, có một số khách du lịch có hành vi không tuân thủ nội dung của khu du lịch hoặc của cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch, anh rất khó chịu về vấn đề này. Anh Quỳnh đề nghị cho biết, pháp luật quy định như thế nào về nghĩa vụ của khách du lịch? Trường hợp vi phạm thì có bị xử phạt không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 12 Luật Du lịch năm 2017 quy định nghĩa vụ của khách du lịch như sau:

1. Tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi đến du lịch; ứng xử văn minh, tôn trọng phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa địa phương, bảo vệ và giữ gìn tài nguyên du lịch, môi trường du lịch; không gây phương hại đến hình ảnh quốc gia, truyền thống văn hóa dân tộc của Việt Nam.

2. Thực hiện nội quy của khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch.

3. Thanh toán tiền dịch vụ theo hợp đồng, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

4. Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự.

Điều 14 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định xử phạt vi phạm quy định về nghĩa vụ của khách du lịch như sau:

1. Cảnh cáo đối với hành vi không thực hiện đúng thông báo nộp tiền phí, lệ phí, các khoản phải nộp khác của cơ quan có thẩm quyền.

2. Phạt tiền từ 1 đến 3 lần số tiền phí, lệ phí, các khoản phải nộp khác theo quy định đối với hành vi trốn nộp phí, lệ phí, các khoản phải nộp khác. Mức phạt tối đa là 50.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện nội quy, quy định của khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch.

4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi ứng xử không văn minh hoặc không tôn trọng phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa địa phương nơi đến du lịch.

5. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây phương hại đến hình ảnh quốc gia, truyền thống văn hóa dân tộc của Việt Nam.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp đủ số tiền phí, lệ phí, các khoản phải nộp đối với hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Trên đây là quy định của pháp luật về nghĩa vụ của khách du lịch, trường hợp vi phạm thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt như trên.

16. Ông Hoàng đến cơ sở dịch vụ lưu trú du lịch Thanh Tâm để thuê phòng nghỉ. Tại đây, ông Hoàng không thấy niêm yết công khai nội quy của cơ sở lưu trú du lịch. Ông Hoàng đề nghị cho biết cơ sở kinh doanh dịch  vụ lưu trú du lịch có nghĩa vụ gì? Việc không niêm yết công khai nội quy của cơ sở lưu trú du lịch có bị xử phạt không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Khoản 2 Điều 53 Luật Du lịch năm 2017 quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch có nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo đảm duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch theo quy định tại khoản 1 Điều 49 của Luật Du lịch;

b) Niêm yết công khai giá bán hàng hóa và dịch vụ, nội quy của cơ sở lưu trú du lịch;

c) Bồi thường thiệt hại cho khách du lịch theo quy định của pháp luật về dân sự;

d) Thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú du lịch khi có sự thay đổi về tên cơ sở, quy mô, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật;

đ) Chỉ được sử dụng từ “sao” hoặc hình ảnh ngôi sao để quảng cáo về hạng cơ sở lưu trú du lịch sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch;

e) Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê, kế toán theo quy định của pháp luật.

Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không niêm yết công khai nội quy của cơ sở lưu trú du lịch theo quy định.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Như vâỵ, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch có các nghĩa vụ như trên, trong đó có nghĩa vụ niêm yết công khai nội quy của cơ sở lưu trú du lịch. Trường hợp không niêm yết công khai nội quy của cơ sở lưu trú du lịch theo quy định thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối.

17. Chị Sang có ngôi nhà 5 tầng không sử dụng, vị trí thuận lợi, ngay trung tâm thành phố. Chị dự định cải tạo, sửa chữa lại để đưa vào kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch. Chị đề nghị cho biết, việc này có phải đăng ký kinh doanh và các vấn đề liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 49 Luật Du lịch năm 2017 quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch như sau:

1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch bao gồm:

a) Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;

b) Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;

c) Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch.

2. Chính phủ quy định chi tiết điểm c khoản 1 Điều này.

Khoản 7, 9 và 10 Điều 10 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 1 của Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định:

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 49 của Luật Du lịch.

- Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định nêu trên.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Căn cứ quy định trên, để kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch phải đảm bảo các điều kiện theo quy định, trong đó phải có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Trường hợp vi phạm hai điều kiện này thì bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng; áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

18. Bà Tình dự định kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch với loại hình khách sạn. Bà Tình đề nghị cho biết, điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với khách sạn là gì? Trường hợp đi vào hoạt động, các vấn đề liên quan đến vệ sinh giường, khăn, nhà vệ sinh,... bị xử lý như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 22 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 142/2018/NĐ-CP  ngày 09/10/2018 của Chính phủ) quy định điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với khách sạn như sau:

1. Có tối thiểu 10 buồng ngủ; có quầy lễ tân, phòng vệ sinh chung.

2. Có nơi để xe cho khách đối với khách sạn nghỉ dưỡng và khách sạn bên đường.

3. Có bếp, phòng ăn và dịch vụ phục vụ ăn uống đối với khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn nổi, khách sạn bên đường.

4. Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.

5. Có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày.

 Khoản 1, 4, 6 Điều 11 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thông báo về việc bổ sung, hoàn thiện đáp ứng điều kiện tối thiểu hoặc thay đổi loại hình cơ sở lưu trú du lịch theo quy định;

b) Không có giường hoặc đệm hoặc chiếu hoặc chăn hoặc gối theo quy định;

c) Không có khăn mặt hoặc khăn tắm theo quy định;

d) Không thay bọc đệm hoặc chiếu hoặc bọc chăn hoặc bọc gối khi có khách mới;

đ) Không thay khăn mặt hoặc khăn tắm khi có khách mới.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm nhà vệ sinh theo quy định.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 4 nêu trên.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Trên đây là quy định về điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với khách sạn. Trường hợp có hành vi vi phạm liên quan đến các nội dung viện dẫn ở trên thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tương ứng như trên nếu là cá nhân, trường hợp là tổ chức thì mức phạt gấp đôi. Ngoài ra, nếu là hành vi không bảo đảm nhà vệ sinh theo quy định thì còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng.

19. Anh Hùng và những người bạn đi du lịch trãi nghiệm và lưu tru trú tại bãi cám trại du lịch do ông Thành làm chủ cơ sở. Tại đây, anh Hùng không thấy có tủ thuộc cấp cứu ban đầu. Anh Hùng đề nghị cho biết, pháp luật  có quy định bãi cắm trại du lịch phải có tủ thuốc cấp cứu ban đầu không? Trường hợp có quy định mà không thực hiện thì bị xử phạt như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 28 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 142/2018/NĐ-CP  ngày 09/10/2018 của Chính phủ)  quy định điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với bãi cắm trại du lịch

1. Có khu vực đón tiếp khách, khu vực dựng lều, trại, phòng tắm, vệ sinh chung.

2. Có tủ thuốc cấp cứu ban đầu.

3. Có nhân viên bảo vệ trực khi có khách.

 Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không có tủ thuốc cấp cứu ban đầu đối với bãi cắm trại du lịch theo quy định.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Căn cứ quy định trên, bãi cắm trại du lịch phải có tủ thuốc cấp cứu ban đầu. Trường hợp không có thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu chủ cơ sở là cá nhân và mức phạt gấp đôi nếu chủ cơ sở là tổ chức.

20. Gia đình chị Bình lưu trú tại nhà nghỉ du lịch PC trong 5 ngày. Trong thời gian lưu trú tại đây, có những ngày chị Bình không thấy có nhân viên trực đủ 24 giờ. Chị Bình đề nghị cho biết, pháp luật có quy định nhà nghỉ du lịch phải có nhân viên trực 24 giờ không? Trường hợp có quy định mà vi phạm thì bị xử phạt như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 26 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 142/2018/NĐ-CP  ngày 09/10/2018 của Chính phủ) quy định điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với nhà nghỉ du lịch như sau:

1. Có khu vực đón tiếp khách và phòng ngủ; có phòng tắm, phòng vệ sinh.

2. Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.

3. Có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày.

Khoản 3, 6 Điều 11 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định:

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có tối thiểu 10 buồng ngủ đối với khách sạn hoặc không có phòng ngủ đối với biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch, nhà nghỉ du lịch hoặc không có khu vực lưu trú cho khách đối với nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê hoặc không có khu vực dựng lều, trại đối với bãi cắm trại du lịch;

b) Không có quầy lễ tân đối với khách sạn hoặc khu vực tiếp khách đối với biệt thự du lịch, căn hộ du lịch hoặc khu vực đón tiếp khách đối với tàu thủy lưu trú du lịch, nhà nghỉ du lịch, bãi cắm trại du lịch theo quy định;

c) Không có nơi để xe cho khách đối với khách sạn nghỉ dưỡng hoặc khách sạn bên đường theo quy định;

d) Không có bếp hoặc phòng ăn hoặc dịch vụ phục vụ ăn uống đối với khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn nổi, khách sạn bên đường, tàu thủy lưu trú du lịch; không có bếp đối với biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê theo quy định;

đ) Không có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày đối với khách sạn, biệt thự du lịch, nhà nghỉ du lịch; không có nhân viên bảo vệ trực khi có khách đối với bãi cắm trại du lịch theo quy định.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a và điểm d khoản 3 nêu trên.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.

Như vậy, nhà nghỉ du lịch phải có nhân viên trực 24 giờ. Trường hợp vi phạm thì bị xử phạt như trên.

21. Anh Thành đề nghị cho biết, anh nghe nói về việc cấm sử dụng chất kích thích trong thi đấu thể thao; vậy trường hợp vận động viên sử dụng chất kích thích trong tập luyện thể thao có bị nghiêm cấm không? Trường hợp vi phạm thì bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Khoản 2 Điều 10 Luật Thể dục, thể thao năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) quy định hành vi sử dụng chất kích thích, phương pháp bị cấm trong tập luyện và thi đấu thể thao bị nghiêm cấm trong hoạt động thể dục, thể thao.

Điều 6 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về sử dụng chất kích thích trong tập luyện, thi đấu thể thao như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng chất kích thích thuộc Danh mục bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao.

2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi bao che, tổ chức cho vận động viên sử dụng chất kích thích thuộc Danh mục bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ việc tham dự giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Đình chỉ việc tham dự giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc hủy bỏ kết quả thi đấu thể thao, kết quả tuyển chọn vận động viên vào đội tuyển thể thao, trường năng khiếu thể thao, thành tích thi đấu thể thao đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Căn cứ quy định trên, hành vi sử dụng chất kích thích bị cấm ngay cả trong trường hợp tập luyện thể dục, thể thao. Nếu vi phạm thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

22. Chị Phương Thanh dự định tham gia luyện tập thể thao bộ môn khiêu vũ. Tuy nhiên, chị còn e ngại vì không rõ có những bài tập phù hợp không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam không. Chị đề nghị cho biết, pháp luật có quy định về vấn đề này không và nếu vi phạm thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 10 Luật Thể dục, thể thao năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thể dục, thể thao, trong đó có hành vi: Lợi dụng hoạt động thể dục, thể thao để xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín của con người. Hoạt động thể dục, thể thao trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc.

Điều 7 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) xử phạt hành vi vi phạm quy định về sử dụng phương pháp bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao như sau:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe người tập luyện, thi đấu, trừ những bài tập, môn thể thao, phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao được pháp luật cho phép.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tài liệu, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện, biểu diễn, thi đấu thể thao đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;

b) Đình chỉ việc tham dự giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tiêu hủy tài liệu hướng dẫn sử dụng phương pháp bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Như vậy, pháp luật quy định hoạt động thể dục, thể thao không trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc. Trường hợp có bài tập hoặc phương pháp luyện tập mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam thì bị xử phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân và mức phạt gấp đôi vối với tổ chức.

23. Bà Phú Bình có con gái có năng khiếu về điền kinh và muốn cho con được vào trường năng khiếu thể thao. Để chắc chắn, bà khai thêm một số thành tích không có thật để con gái được trường năng khiếu tiếp nhận. Hành vi này bị xử phạt như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 10 Luật Thể dục, thể thao năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thể dục, thể thao, trong đó có hành vi gian lận trong hoạt động thể thao.

Điều 8 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) xử phạt hành vi vi phạm quy định về cấm gian lận trong hoạt động thể thao như sau:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi gian lận về tên, tuổi, giới tính, thành tích để được tuyển chọn vào đội tuyển thể thao, trường năng khiếu thể thao hoặc tham gia thi đấu thể thao.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi bao che, dụ dỗ, ép buộc người khác gian lận trong hoạt động thể thao.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi làm sai lệch kết quả thi đấu thể thao.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ việc tham dự giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Đình chỉ việc tham dự giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc hủy bỏ kết quả thi đấu thể thao, kết quả tuyển chọn vận động viên vào đội tuyển thể thao, trường năng khiếu thể thao, thành tích thi đấu thể thao đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Theo quy định trên, hành vi gian lận thành tích để được tuyển chọn vào trường năng khiếu thể thao bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc hủy bỏ kết quả tuyển chọn vào trường năng khiếu thể thao.

24. Ông Trần Văn Nam rất thích xem thi đấu bóng đá. Ông rất bức xúc trước tình trạng một số trận đấu có cầu thủ chơi thô bạo, cố ý gây thương tích cho người khác. Ông đề nghị cho biết, hành vi bạo lực trong hoạt động thể thao bị xử phạt như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 10 Luật Thể dục, thể thao năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thể dục, thể thao, trong đó có hành vi bạo lực trong hoạt động thể thao.

Điều 9 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) xử phạt hành vi vi phạm quy định về cấm bạo lực trong hoạt động thể thao như sau:

1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi chửi bới, lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự; đe dọa xâm phạm sức khỏe, tính mạng; phản ứng không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam khi tham gia hoạt động thể thao.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi cố ý gây chấn thương, chơi thô bạo gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người khác trong tập luyện, thi đấu thể thao.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ việc tham dự giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi chửi bới, lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự quy định tại khoản 1 Điều này.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Như vậy, hành vi bạo lực trong hoạt động thể thao là hành vi bị nghiêm cấm. Trường hợp vi phạm thì bị xử phạt như trên.

25. Bà Lan Anh có con trai là vận động thể thao thành tích cao môn bơi lội. Bà đề nghị cho biết, quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao như thế nào và trường hợp vi phạm quyền và nghĩa vụ này thì bị xử phạt không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Khoản 1 Điều 31 Luật Thể dục, thể thao năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) quy định thể thao thành tích cao là hoạt động huấn luyện và thi đấu thể thao có hệ thống của huấn luyện viên, vận động viên nhằm đạt được thành tích, kỷ lục thể thao.

Điều 32 của Luật này quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao, cụ thể:

1. Vận động viên thể thao thành tích cao có các quyền sau đây:

a) Được bảo đảm trang thiết bị, phương tiện tập luyện và thi đấu thể thao;

b) Được chăm sóc và chữa trị chấn thương trong thời gian tập luyện và thi đấu thể thao;

c) Được hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù, tiền lương, tiền hỗ trợ tập luyện, thi đấu thể thao theo quy định của pháp luật;

d) Được thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trong tập luyện và thi đấu thể thao;

đ) Được tham gia và hưởng các chế độ về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật;

e) Được bảo đảm việc học tập văn hóa, chính trị, chuyên môn;

g) Vận động viên đạt thành tích xuất sắc trong các giải thể thao quốc gia và quốc tế được hưởng chế độ ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, chăm sóc sức khỏe, tiền thưởng và các chế độ khác theo quy định của pháp luật;

h) Vận động viên không còn khả năng thi đấu thể thao được Nhà nước tạo điều kiện học nghề và giải quyết việc làm theo quy định của pháp luật; được ưu tiên tuyển dụng vào làm việc tại các cơ sở thể thao;

i) Vận động viên đội tuyển quốc gia, vận động viên đội tuyển tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngành bị tai nạn trong quá trình tập luyện, thi đấu thể thao làm mất khả năng lao động hoặc chết thì vận động viên, thân nhân của họ được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định của pháp luật.

2. Vận động viên thể thao thành tích cao có các nghĩa vụ sau đây:

a) Nỗ lực tập luyện, thi đấu giành thành tích cao;

b) Thực hiện chương trình, giáo án tập luyện của huấn luyện viên;

c) Chấp hành luật thi đấu của môn thể thao và điều lệ giải thể thao;

d) Rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật; nâng cao ý chí, lòng tự hào dân tộc.

Điều 10 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) xử phạt hành vi vi phạm quy định về quyền, nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao như sau:

1. Vi phạm quy định về nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao:

a) Phạt cảnh cáo đối với hành vi thực hiện không đúng, không đầy đủ chương trình, giáo án tập luyện của huấn luyện viên;

b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện chương trình, giáo án tập luyện của huấn luyện viên;

c) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành luật thi đấu của môn thể thao, điều lệ giải thi đấu thể thao.

2. Vi phạm quy định về quyền của vận động viên thể thao thành tích cao:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc kiểm tra sức khỏe cho vận động viên theo quy định;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không sơ cứu, cấp cứu kịp thời cho vận động viên hoặc không bảo đảm đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, các biện pháp bảo đảm an toàn cho vận động viên khi tập luyện, thi đấu thể thao theo quy định.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Trên đây là quy định về quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao. Trường hợp có hành vi vi phạm quy định về quyền, nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao thì bị xử phạt vi phạm hành chính như trên.

26. Con trai ông Tùng là huấn luyện viên thể thao thành tích cao. Ông đề nghị cho biết, huấn luyện viên thể thao thành tích cao có được hưởng tiền lương và chế độ dinh dưỡng đặc thù không? Trường hợp có hành vi vi phạm quy định về quyền, nghĩa vụ của huấn luyện viên thể thao thành tích cao thì bị xử phạt như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 33 Luật Thể dục, thể thao năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) quy định về quyền và nghĩa vụ của huấn luyện viên thể thao thành tích cao. Trong đó, huấn luyện viên thể thao thành tích cao được hưởng tiền lương và chế độ dinh dưỡng đặc thù theo quy định của pháp luật; được bảo đảm trang thiết bị huấn luyện; được thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trong huấn luyện;…

Điều 11 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) xử phạt hành vi vi phạm quy định về quyền, nghĩa vụ của huấn luyện viên thể thao thành tích cao như sau:

1. Vi phạm quy định về nghĩa vụ của huấn luyện viên thể thao thành tích cao:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng kế hoạch, chương trình huấn luyện thể thao trình cơ quan sử dụng vận động viên phê duyệt hoặc không thực hiện kế hoạch, chương trình huấn luyện thể thao sau khi được cơ quan sử dụng vận động viên phê duyệt;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho vận động viên trong tập luyện, thi đấu thể thao hoặc không chấp hành luật thi đấu của môn thể thao, điều lệ giải thi đấu thể thao.

2. Vi phạm quy định về quyền của huấn luyện viên thể thao thành tích cao:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi; không bảo đảm trang thiết bị huấn luyện cho huấn luyện viên;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trong huấn luyện cho huấn luyện viên.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Như vậy, huấn luyện viên thể thao thành tích cao có được hưởng tiền lương và chế độ dinh dưỡng đặc thù theo quy định của pháp luật. Trường hợp có hành vi vi phạm thì bị xử phạt như trên.

27. Ông Trần Văn Minh thường xem các giải thi đấu thể thao quốc gia và quốc tế, ông nhận thấy tại các giải thi đấu này, trọng tài phải làm việc hết sức căng thẳng. Ông đề nghị cho biết, trọng tài thể thao thành tích cao có quyền và nghĩa vụ gì? Trường hợp vi phạm quy định về nghĩa vụ của trọng tài thể thao thành tích cao thì bị phạt với mức tiền bao nhiêu?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 34 Luật Thể dục, thể thao năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) quy định quyền và nghĩa vụ của trọng tài thể thao thành tích cao như sau:

1. Được bảo đảm an toàn trong quá trình làm nhiệm vụ.

2. Được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ theo quy định.

3. Được hưởng thù lao theo quy định của pháp luật.

4. Điều hành thi đấu theo quy định của luật thi đấu thể thao và điều lệ giải thể thao.

5. Trung thực, khách quan trong điều hành thi đấu.

Điều 12 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) xử phạt hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ của trọng tài thể thao thành tích cao như sau: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không trung thực, khách quan trong điều hành thi đấu thể thao.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Quyền và nghĩa vụ của trọng tài thể thao thành tích cao được quy định như trên. Trường hợp có hành vi vi phạm thì bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không trung thực, khách quan trong điều hành thi đấu thể thao.

28. Bà Trần Thu Trang có con gái là vận động viên thể thao. Vừa qua, bà nghe thông tin con gái bà được xem xét để phong đẳng cấp vận động viên thể thao thành tích cao nhưng không đạt. Bà đề nghị cho biết, tiêu chuẩn phong đẳng cấp vận động viên thể thao thành tích cao là gì và nếu có vi phạm về tiêu chuẩn này thì bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 3 Thông tư số 06/2021/TT-BVHTTDL ngày 22/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chuẩn phong đẳng cấp vận động viên thể thao thành tích cao quy định tiêu chuẩn phong đẳng cấp vận động viên thể thao thành tích cao như sau:

1. Tiêu chuẩn phong đẳng cấp vận động viên thể thao thành tích cao gồm tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn chuyên môn.

2. Tiêu chuẩn chung:

a) Là công dân Việt Nam;

b) Có tư cách đạo đức tốt;

c) Không đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã được xóa án tích trong trường hợp bị kết tội theo bản án, quyết định của tòa án;

d) Không trong thời gian thi hành kỷ luật của liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia, cơ quan quản lý vận động viên.

3. Tiêu chuẩn chuyên môn:

a) Tiêu chuẩn chuyên môn phong đẳng cấp vận động viên thể thao thành tích cao từng môn thể thao được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Vận động viên tham dự một trong các đại hội thể thao: Đại hội Olympic (Olympic), Đại hội thể thao châu Á (Asiad), Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Đại hội Olympic trẻ (Olympic trẻ) được phong đẳng cấp “Vận động viên kiện tướng”.

Khoản 1, 3 Điều 13 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ)  quy định:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi phong đẳng cấp vận động viên không bảo đảm tiêu chuẩn.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ kết quả phong đẳng cấp đối với hành vi vi phạm quy định trên.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Trên đây là quy định về tiêu chuẩn phong đẳng cấp vận động viên thể thao thành tích cao. Nếu có hành vi phong đẳng cấp vận động viên không bảo đảm tiêu chuẩn thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và buộc hủy bỏ kết quả phong đẳng cấp.

29. Vừa qua, ông Sinh nghe thông tin về việc xem xét phong đẳng cấp huấn luyện viên thể thao thành tích cao. Ông đề nghị cho biết, cơ quan nào công nhận đẳng cấp này và trường hợp có vi phạm quy định về phong đẳng cấp huấn luyện viên thể thao thành tích cao thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 42 Luật Thể dục, thể thao năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) quy định về đẳng cấp vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao thành tích cao như sau:

1. Đẳng cấp vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao nhằm đánh giá trình độ chuyên môn của vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao.

2. Liên đoàn thể thao quốc gia công nhận đẳng cấp cho vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao.

3. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chuẩn phong đẳng cấp vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao.

Khoản 2, 3 Điều 13 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định:

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi phong đẳng cấp huấn luyện viên, trọng tài không bảo đảm tiêu chuẩn.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ kết quả phong đẳng cấp đối với hành vi vi phạm.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Theo quy định trên, Liên đoàn thể thao quốc gia công nhận đẳng cấp cho huấn luyện viên thể thao thành tích cao. Trường hợp phong đẳng cấp huấn luyện viên không bảo đảm tiêu chuẩn thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, buộc hủy bỏ kết quả phong đẳng cấp.

30. Ông Trần Quang Anh phụ trách tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng quy mô toàn quốc và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cụm huyện tại huyện A. Ông đề nghị cho biết, việc báo cáo về tổ chức giải thi đấu này gửi đến cơ quan nào, gồm những nội dung gì và trong thời gian bao lâu? Trường hợp nội dung báo cáo không đầy đủ thì có bị xử phạt hành chính không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 7 Thông tư số 09/2012/TT-BVHTTDL ngày 19/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng, giải thể thao quần chúng quy mô toàn quốc và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm cả Giải thi đấu thể thao quần chúng cụm huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh do tổ chức ở các địa phương liên kết tổ chức cho các vận động viên đến từ địa phương, đơn vị đóng trên địa bàn.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 09/2012/TT-BVHTTDL thì tổ chức đứng ra tổ chức giải quy định tại các điểm d, đ và e Khoản 1 Điều này có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương nơi tổ chức giải. Thời gian gửi báo cáo ít nhất 15 (mười lăm) ngày làm việc trước ngày khai mạc giải.

Khoản 3, 4 Điều 7 Thông tư số 09/2012/TT-BVHTTDL quy định: Nội dung báo cáo nêu rõ mục đích, tên giải, thời gian, địa điểm, nội dung, chương trình thi đấu, nguồn tài chính tổ chức giải, điều kiện an ninh, y tế, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức giải thi đấu,

Sau 15 (mười lăm) ngày kết thúc giải tổ chức đứng ra tổ chức giải có trách nhiệm gửi báo cáo bằng văn bản kết quả của giải.

Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ)  quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi báo cáo bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tổ chức giải thi đấu thể thao thiếu một trong những nội dung về tên giải, thời gian, địa điểm, chương trình thi đấu, điều kiện an ninh, trật tự, y tế, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức giải thi đấu.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Theo quy định trên, tổ chức đứng ra tổ chức giải nơi anh Quang Anh phụ trách phải báo cáo bằng văn bản về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương nơi tổ chức giải. Thời gian gửi báo cáo ít nhất 15 (mười lăm) ngày làm việc trước ngày khai mạc giải. Báo cáo gồm các nội dung như giới thiệu ở trên. Sau 15 (mười lăm) ngày kết thúc giải tổ chức đứng ra tổ chức giải có trách nhiệm gửi báo cáo bằng văn bản kết quả của giải. Trường hợp báo cáo thiếu một trong những nội dung về tên giải, thời gian, địa điểm, chương trình thi đấu, điều kiện an ninh, trật tự, y tế, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức giải thi đấu thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

31. Chị Trương Thị Thu Thảo phụ trách giải thi đấu thể thao quần chúng cấp huyện do tổ chức K đăng cai tổ chức. Chị cho biết, trước khi khai mạc 10 ngày, tổ chức K đã có báo cáo bằng văn bản về Phòng Văn hoá và Thông tin nơi tổ chức. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn lập biên bản về hành vi không báo cáo bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về kết quả giải thi đấu. Chị Thảo đề nghị cho biết, việc báo cáo này được quy định như thế nào và hành vi này bị xử phạt bao nhiêu tiền?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Khoản 1, 2 Điều 8 Thông tư số 09/2012/TT-BVHTTDL ngày 19/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng quy định tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) và giải thi đấu thể thao quần chúng cơ sở như sau:

1. Giải thi đấu thể thao quần chúng cấp huyện bao gồm:

a) Giải thi đấu thể thao quần chúng cấp huyện được tổ chức cho các vận động viên đến từ các địa phương, đơn vị đóng trên địa bàn huyện;

b) Giải thi đấu thể thao quần chúng cụm các xã, phường, thị trấn do tổ chức ở các địa phương liên kết tổ chức cho các vận động viên đến từ các địa phương, đơn vị đóng trên địa bàn;

2. Tổ chức đứng ra tổ chức giải thi đấu thể thao quy định tại Khoản 1 Điều này có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản về Phòng Văn hóa và Thông tin nơi tổ chức giải ít nhất 15 (mười lăm) ngày làm việc trước ngày khai mạc.

Nội dung báo cáo tổ chức giải nêu rõ: mục đích, tên giải, thời gian, địa điểm, nội dung, chương trình thi đấu, nguồn tài chính tổ chức giải.

Sau 10 ngày kết thúc giải, tổ chức đứng ra tổ chức giải có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản kết quả của giải về Phòng Văn hóa và Thông tin nơi tổ chức giải.

Khoản 2, điểm a khoản 4, 5 Điều 14 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thành lập Ban tổ chức giải thi đấu;

b) Không có Điều lệ giải thi đấu;

c) Không báo cáo bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tổ chức, kết quả giải thi đấu.

2. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ tổ chức giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Theo quy định trên, ngoài báo cáo bằng văn bản ít nhất 15 (mười lăm) ngày làm việc trước ngày khai mạc. Sau 10 ngày kết thúc giải, tổ chức đứng ra tổ chức giải có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản kết quả của giải về Phòng Văn hóa và Thông tin nơi tổ chức giải. Trường hợp không báo cáo bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về kết quả giải thi đấu thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ tổ chức giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.

32. Anh Trần Văn Hoàng là công chức huyện K, được phân công tham mưu tổ chức giải thể thao quần chúng tại địa phương. Anh đề nghị cho biết, thẩm quyền quyết định tổ chức giải thể thao quần chúng được quy định như thế nào? Trường hợp tổ chức giải thi đấu thể thao không đúng thẩm quyền thì bị xử phạt không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 13 Luật Thể dục, thể thao năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) quy định thẩm quyền quyết định tổ chức giải thể thao quần chúng như sau:

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức các giải thể thao quần chúng sau đây:

a) Đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam cho người khuyết tật theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

b) Đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam cho học sinh, sinh viên; Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc cho học sinh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

c) Đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam cho lực lượng vũ trang theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.

2. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quyết định tổ chức giải thi đấu từng môn thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam cho học sinh, sinh viên và lực lượng vũ trang.

3. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định tổ chức giải thi đấu từng môn thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam cho người khuyết tật; giải thi đấu thể thao quần chúng cấp quốc gia.

4. Ủy ban nhân dân các cấp quyết định tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng của địa phương mình.

5. Cơ quan, tổ chức quyết định tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

6. Cơ quan, tổ chức quyết định tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng phải tuân theo quy định của Luật này và có trách nhiệm quy định nội dung, hình thức, chế độ bồi dưỡng, giải thưởng và bảo đảm kinh phí cho việc tổ chức giải thi đấu.

Khoản 3, điểm b khoản 4, 5 Điều 14 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ)  quy định:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức giải thi đấu thể thao không đúng thẩm quyền.

2. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ tổ chức giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Trên đây là quy định về thẩm quyền quyết định tổ chức giải thể thao quần chúng và việc xử phạt vi phạm hành chính nếu có vi phạm. Anh Trần Văn Hoàng nghiên cứu để thực hiện.

33. Chị Hoa muốn tổ chức kinh doanh hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện. Chị đề nghị cho biết, việc kinh doanh này có phải đăng ký thành lập doanh nghiệp không và trường hợp có quy định mà không đăng ký thì bị phạt bao nhiêu tiền?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 56 Luật Thể dục, thể thao năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) quy định hộ kinh doanh và các tổ chức khác kinh doanh hoạt động thể thao như sau:

1. Hộ kinh doanh và các tổ chức khác kinh doanh hoạt động thể thao thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về doanh nghiệp.

2. Hộ kinh doanh và các tổ chức khác muốn kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm và hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện phải đăng ký thành lập doanh nghiệp và đáp ứng đủ các điều kiện về kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm và hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện theo quy định của Chính phủ.

Điều 15 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ)  quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm, hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện như sau:

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm, kinh doanh hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện mà không đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Theo quy định trên, kinh doanh hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện phải đăng ký thành lập doanh nghiệp và đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Trường hợp không đăng ký thành lập doanh nghiệp thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với cá nhân và mức phạt gấp đôi đối với tổ chức.

34. Chị Hoa là chủ doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao ĐT. Chị cho biết, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp ĐT bị hư hỏng. Vậy chị có làm thủ tục cấp lại không? Trường hợp không đề nghị cấp lại thì có bị xử phạt không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao quy định:

Doanh nghiệp được cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Thay đổi một trong các nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện: Tên và địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; địa điểm kinh doanh hoạt động thể thao; danh mục hoạt động thể thao kinh doanh.

- Giấy chứng nhận đủ điều kiện bị mất hoặc hư hỏng.

Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao theo quy định.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Căn cứ quy định trên, doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao ĐT có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao nhưng bị hư hỏng thì phải làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện. Trường hợp không thực hiện thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

35. Hộ gia đình anh Hạnh dự định thành lập doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao đưới nước. Anh đề nghị cho biết, điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao dưới nước là gì? Trường hợp kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao thì bị xử phạt như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 17 Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao quy định điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao dưới nước như sau:

1. Có nhân viên cứu hộ.

2. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.

3. Đối với hoạt động thể thao trên sông, trên biển, trên hồ hoặc suối lớn phải có xuồng máy cứu sinh.

Khoản 2, 4, 5 Điều 16 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Kinh doanh hoạt động thể thao mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao;

b) Cho tổ chức khác thuê, mượn sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao;

c) Kinh doanh hoạt động thể thao sau khi có Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp đã có hiệu lực.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao từ 01 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 nêu trên.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Trên đây là quy định về điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao dưới nước và việc xử phạt trong trường hợp kinh doanh hoạt động thể thao mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao. Anh Hạnh nghiên cứu, tham khảo để thực hiện.

36. Ông Hồ Văn Sơn đề nghị cho biết, quy định về Huấn luyện viên chuyên nghiệp của Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp như thế nào? Trường hợp vi phạm quy định về điều kiện của huấn luyện viên chuyên nghiệp thì bị xử phạt như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 9 Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao quy định huấn luyện viên chuyên nghiệp phải đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

1. Có bằng tốt nghiệp đại học thể dục thể thao chuyên ngành phù hợp với hoạt động của môn thể thao chuyên nghiệp và hoàn thành chương trình đào tạo huấn luyện viên chuyên nghiệp của liên đoàn thể thao quốc gia.

2. Có bằng huấn luyện viên chuyên nghiệp do liên đoàn thể thao châu lục hoặc thế giới của môn thể thao chuyên nghiệp cấp.

3. Có bằng huấn luyện viên chuyên nghiệp của nước ngoài được liên đoàn thể thao châu lục hoặc thế giới của môn thể thao chuyên nghiệp công nhận.

Điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Huấn luyện viên chuyên nghiệp không có bằng tốt nghiệp đại học thể dục thể thao chuyên ngành phù hợp với hoạt động của môn thể thao chuyên nghiệp và hoàn thành chương trình đào tạo huấn luyện viên chuyên nghiệp của liên đoàn thể thao quốc gia, không có bằng huấn luyện viên chuyên nghiệp theo quy định.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Trên đây là quy định về điều kiện của huấn luyện viên chuyên nghiệp của Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và mức xử phạt trong trường hợp sử dụng huấn luyện viên không đáp ứng điều kiện.

37. Con trai ông Bàng được một Câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp gặp gỡ, đặt vấn đề tham gia Câu lạc bộ. Ông Bàng đề nghị cho biết, pháp luật có quy định điều kiện của Vận động viên chuyên nghiệp không? Trường hợp không đáp ứng yêu cầu này thì bị xử phạt như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 10 Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao quy định vận động viên chuyên nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Có hợp đồng lao động với câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp.

2. Được liên đoàn thể thao quốc gia công nhận là vận động viên chuyên nghiệp. Trường hợp vận động viên là người nước ngoài tham gia thi đấu thể thao chuyên nghiệp tại Việt Nam phải có chứng nhận chuyển nhượng quốc tế và Giấy phép lao động theo quy định pháp luật về lao động.

Điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Vận động viên chuyên nghiệp không có hợp đồng lao động với câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp; không được liên đoàn thể thao quốc gia công nhận; vận động viên là người nước ngoài tham gia thi đấu thể thao chuyên nghiệp ở Việt Nam mà không có giấy chứng nhận chuyển nhượng quốc tế.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Trên đây là quy định về điều kiện của vận động viên chuyên nghiệp và mức xử phạt trong trường hợp vận động viên không đáp ứng điều kiện.

38. Chị Hoa là cán bộ y tế đã tốt nghiệp trình độ cử nhân y tế. Chị dự định ký hợp đồng với Câu lạc bộ kinh doanh hoạt động thể thao chuyên nghiệp. Chị đề nghị cho biết, điều kiện của nhân viên y tế trong trường hợp này được quy định như thế nào? Trường hợp nhân viên y tế không đáp ứng điều kiện đối với các đơn vị kinh doanh trong hoạt động thể thao chuyên nghiệp thì bị xử phạt không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 11 Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao quy định về nhân viên y tế như sau:

Nhân viên y tế thường trực trong các buổi tập luyện và thi đấu thể thao chuyên nghiệp hoặc nhân viên y tế của cơ sở y tế mà câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp ký hợp đồng để sơ cứu, cấp cứu người tham gia hoạt động thể thao chuyên nghiệp trong trường hợp cần thiết phải có trình độ chuyên môn từ cao đẳng y tế trở lên.

Điểm c khoản 1 Điều 17 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Nhân viên y tế không bảo đảm trình độ chuyên môn từ cao đẳng y tế trở lên.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Trên đây là quy định về điều kiện của nhân viên y tế đối với trường hợp kinh doanh trong hoạt động thể thao chuyên nghiệp và mức xử phạt trong trường hợp nhân viên y tế không đáp ứng điều kiện.

39. Chị Thanh có con gái đang tham gia Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp. Chị đề nghị cho biết, cơ sở vật chất và trang thiết bị tập luyện, thi đấu chuyên nghiệp có được pháp luật quy định không? Trường hợp Câu lạc bộ sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và thi đấu thể thao chuyên nghiệp không đảm bảo thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 12 Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị như sau:

Cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và thi đấu thể thao chuyên nghiệp phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với quy định của các tổ chức thể thao chuyên nghiệp quốc tế.

Khoản 2, 3 Điều 17 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng huấn luyện viên chuyên nghiệp, vận động viên chuyên nghiệp, nhân viên y tế tham gia hoạt động thể thao chuyên nghiệp không đáp ứng điều kiện theo quy định;

b) Sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và thi đấu thể thao chuyên nghiệp không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với quy định của các tổ chức thể thao chuyên nghiệp quốc tế.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động thể thao có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 nêu trên.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Trên đây là quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với trường hợp kinh doanh trong hoạt động thể thao chuyên nghiệp. Trường hợp sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và thi đấu thể thao chuyên nghiệp không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với quy định của các tổ chức thể thao chuyên nghiệp quốc tế thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động thể thao có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng.

40. Bà Nga dự định thành lập doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao. Bà đề nghị cho biết, quy định xử phạt trong trường hợp vi phạm về điều kiện cơ sở vật chất trong kinh doanh hoạt động thể thao?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 18 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về điều kiện cơ sở vật chất trong kinh doanh hoạt động thể thao như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không bảo đảm yêu cầu về bảng nội quy, bảng chỉ dẫn, bảng hướng dẫn, biển báo đối với từng môn thể thao;

b) Không bảo đảm yêu cầu về phao neo, cờ định vị, phao tiêu, cờ hiệu, phao cứu sinh, áo phao, dây phao, sào cứu hộ, ghế cứu hộ đối với từng môn thể thao;

c) Không bảo đảm yêu cầu về khu vực thay đồ, nơi để đồ dùng cá nhân, khu tắm tráng, khu vực rửa chân, nhà vệ sinh, khu vực đỗ đáp, khu vực xuất phát, khu vực tập kết và neo đậu phương tiện, khu vực cất giữ súng, đạn thể thao đối với từng môn thể thao;

d) Không bảo đảm các yêu cầu về âm thanh, ánh sáng đối với từng môn thể thao;

đ) Không bảo đảm yêu cầu về túi sơ cứu, thiết bị sơ cứu, cấp cứu ban đầu đối với từng môn thể thao;

e) Không bảo đảm yêu cầu về sổ theo dõi người tập luyện, sử dụng dịch vụ; sổ theo dõi sử dụng súng, đạn thể thao đối với từng môn thể thao;

g) Không bảo đảm yêu cầu về hàng rào, lưới chắn, lưới bảo vệ, lưới an toàn, rào chắn, tường bao đối với từng môn thể thao.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không bảo đảm yêu cầu về diện tích, kích thước nơi tập luyện, thi đấu đối với từng môn thể thao;

b) Không bảo đảm yêu cầu về mặt bằng, mặt sàn, độ sâu, chênh lệch độ sâu, độ dốc, độ gấp khúc, chiều cao, mái che đối với từng môn thể thao;

c) Không bảo đảm yêu cầu về nước bể bơi;

d) Không bảo đảm yêu cầu về mật độ tập luyện, mật độ hướng dẫn tập luyện, mật độ nhân viên cứu hộ đối với từng môn thể thao;

đ) Không bảo đảm yêu cầu về khoảng cách giữa các trang thiết bị tập luyện, thi đấu đối với từng môn thể thao.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không bảo đảm yêu cầu về vùng hoạt động đối với từng môn thể thao;

b) Không bảo đảm yêu cầu về cửa ra, cửa vào của mỗi bến, bãi neo đậu phương tiện đối với từng môn thể thao.

4. Các quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 điều này cũng được áp dụng đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện; kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm; kinh doanh hoạt động thể thao dưới nước.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động thể thao có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) quy định: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.

Trên đây là quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về điều kiện cơ sở vật chất trong kinh doanh hoạt động thể thao, bà Nga nghiên cứu, tham khảo.

III. TÌNH HUỐNG GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TIỀN TỀ VÀ NGÂN HÀNG

1. Chị Ánh nộp hồ sơ xin việc tại Cửa hàng mua bán vàng trang sức DM. Tuy nhiên, Chị Ánh phát hiện Cửa hàng sử dụng vàng nguyên liệu nhập khẩu không đúng theo giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Do đó, chị Ánh hỏi, trong trường hợp này Cửa hàng DM có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 14 Điều 1 Nghị định số 143/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

  - Sử dụng vàng nguyên liệu nhập khẩu không đúng theo giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ;

  - Thực hiện kinh doanh mua, bán vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm trong trường hợp tái phạm.”;

Đồng thời, cũng tại Nghị định này, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

  Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi sử dụng vàng nguyên liệu nhập khẩu không đúng theo giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ của Cửa hàng mua bán vàng trang sức DM sẽ bị phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

  2. Bà San, Giám đốc doanh nghiệp dịch vụ việc làm HA đã cho bạn là bà An thuê tài khoản thanh toán của doanh nghiệp để hưởng lãi xuất ưu đãi của ngân hàng. Vậy, trong trường hợp này, doanh nghiệp HA có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

  Khoản 15 Điều 1 Nghị định số 143/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

  - Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Làm giả chứng từ thanh toán khi cung ứng, sử dụng dịch vụ thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Đồng thời, cũng tại Nghị định này, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi cho thuê tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự của doanh nghiệp dịch vụ việc làm HA sẽ bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

  3. Anh Chính là hacker máy tính làm việc cho một công ty nước ngoài. Anh đã tìm cách xâm nhập, lấy cắp thông tin tài khoản thanh toán dữ liệu khách hàng của ngân hàng AIA, nhưng bị phát hiện. Trong trường hợp này, Anh Chính có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

  Điểm đ Khoản 15 Điều 1 Nghị định số 143/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, đánh cắp dữ liệu, phá hoại, làm thay đổi trái phép chương trình phần mềm, dữ liệu điện tử sử dụng trong thanh toán; lợi dụng lỗi hệ thống mạng máy tính để trục lợi mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh;

- Thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện thực hiện các hành vi: sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán, phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gian lận, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác;

- Lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.        

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi lấy cắp thông tin tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự của anh Chính sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.

4. Ngân hàng ABC đã thực hiện hành vi chuyển đổi hình thức pháp lý tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản. Vậy, trong trường hợp này, ngân hàng ABC có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điểm đ Khoản 15 Điều 1 Nghị định số 143/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với hành vi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức pháp lý tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.

Đồng thời, cũng tại Nghị định này, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi chuyển đổi hình thức pháp lý mà chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản của ngân hàng ABC sẽ bị phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng.

5. Anh Long là chuyên viên tín dụng vay tiêu dùng cá nhân của ngân hàng H. Anh đã hỗ trợ khách hàng Z vay tiêu dùng để mua sắm tài sản. Tuy nhiên, sau đó ngân hàng H phát hiện khách hàng Z đã không sử dụng vốn vay đúng mục đích. Trong trường hợp này, anh Long có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng theo quy định của pháp luật.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi không kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng của anh Long sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

6. Chị H thấy ngân hàng Z công bố lãi xuất huy động vốn là 9,8%/năm. Tuy nhiên khi thực hiện các giao dịch tại ngân hàng thì chị H phát hiện ngân hàng áp dụng mức lãi xuất huy động là 12%/năm. Trong trường hợp này, chị H hỏi ngân hàng Z có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi áp dụng lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ cao hơn mức đã niêm yết.

Đồng thời, cũng tại Nghị định này, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi áp dụng lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ cao hơn mức đã niêm yết của ngân hàng Z sẽ bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng.

7.  Anh Z gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng OX. Anh đến ngân hàng để thực hiện việc rút tiền thì thấy ngân hàng đã đổi tên thành ngân hàng AZ. Trước cổng ngân hàng nhiều người bàn tán về việc ngân hàng đã thực hiện việc đổi tên nhưng chưa được ngân hàng nhà nước chấp nhận. Anh Z hỏi trong trường hợp này, ngân hàng AZ có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

 

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với việc thực hiện một trong các hành vi sau đây khi chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản:

- Thay đổi tên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

- Tạm ngừng hoạt động kinh doanh từ 05 ngày làm việc trở lên, trừ trường hợp tạm ngừng hoạt động do sự kiện bất khả kháng;

- Thành lập chi nhánh, phòng giao dịch ở trong nước; thành lập văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài của tổ chức tín dụng; khai trương hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch ở trong nước.

Đồng thời, cũng tại Nghị định này, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi thay đổi tên khi chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản của ngân hàng sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.

8. Cửa hàng vàng WZ bị phát hiện đã thực hiện hành vi kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Trong trường hợp này, cửa hàng vàng WZ sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 8 Điều 24 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng;

- Thực hiện xuất khẩu hoặc nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật;

- Hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định của pháp luật.

  Và Khoản 9 Điều 24 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định hình thức xử phạt bổ sung:

-  Tịch thu số vàng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, c khoản 8 Điều này;

- Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều này.

Đồng thời, cũng tại Nghị định này, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng của cửa hàng sẽ bị phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng và bị tịch thu số vàng kinh doanh không có giấy phép kinh doanh, mua bán vàng miếng.

9. Xin hãy cho biết khi phát hiện tiền giả mà không thu giữ thì sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 31 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

-  Phát hiện tiền giả nhưng không thu giữ;

- Phát hiện tiền nghi giả nhưng không tạm giữ;

- Không lập biên bản hoặc thu giữ tiền giả, không đóng dấu, bấm lỗ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về xử lý tiền giả, tiền nghi giả khi thu giữ tiền giả hoặc tạm giữ tiền nghi giả.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên khi phát hiện tiền giả mà không thu giữ thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

10. Để thực hiện tăng lượt view, một youtuber đã đăng tải một đoạn video lên mạng xã hội đang thực hiện việc dùng xăng đốt tiền Việt Nam. Việc này sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 31 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, việc dùng xăng để phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam nêu trên của youtuber sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

11. Ông Nguyễn Văn T hiện là thành viên của Ban Kiểm sát Ngân hàng ACB. Do việc gia đình nên ông T đã thỏa thuận với ông Nguyễn Hữu C chuyển nhượng một phần cổ phần của ông tại Ngân hàng ACB cho ông C. Ông C hỏi việc chuyển nhượng một phần cổ phần này của ông T có đảm bảo theo quy định pháp luật không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 56 Luật Các tổ chức tín dụng quy định: “Cổ đông là cá nhân, cổ đông là tổ chức có người đại diện là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được chuyển nhượng cổ phần của mình trong thời gian đảm nhiệm chức vụ”.

Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định quy định phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi chuyển nhượng cổ phần trong thời gian đảm nhiệm chức vụ quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Các tổ chức tín dụng.

Khoản 3 Điều 11 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định quy định biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc khôi phục lại số cổ phần đã chuyển nhượng quy định tại Điều này trong thời gian tối đa 06 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực;

- Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Như vậy, chiếu theo các quy định nêu trên thì việc Ông Nguyễn Văn T hiện vẫn đang thành viên của Ban Kiểm soát Ngân hàng ACB thì không được phép thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần của mình tại ngân hàng. Nếu vẫn cố ý thực hiện thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng và buộc khôi phục lại số cổ phần đã chuyển nhượng.

12. Anh Z là nhân viên tín dụng của ngân hàng MN. Là cán bộ thâm niên làm việc nên anh được ngân hàng cho hưởng ưu đãi lãi xuất nội bộ. Anh đã thực hiện hành vi móc nối với chị H, làm hồ sơ vay để chị H được hưởng lãi xuất ưu đãi nội bộ này của anh và hưởng chênh lệch hoa hồng từ chị H. Xin hỏi, hành vi này của anh Z sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 4 Điều 13 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Lập hợp đồng, thỏa thuận cấp tín dụng không đủ các nội dung theo quy định của pháp luật;

- Miễn, giảm lãi suất cấp tín dụng khi chưa ban hành quy định nội bộ; miễn, giảm lãi suất cấp tín dụng không đúng quy định nội bộ;

- Chuyển nợ quá hạn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ không đúng quy định của pháp luật;

- Áp dụng lãi suất cấp tín dụng không đúng quy định của pháp luật;

- Thu lãi nợ quá hạn không đúng quy định của pháp luật;

- Thu nợ khoản vay bị quá hạn trả nợ không đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, chiếu theo quy định nêu trên, hành vi miễn, giảm lãi suất cấp tín dụng không đúng quy định nội bộ của anh Z sẽ bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

13. Chị M nhân viên tín dụng của ngân hàng. Trong thời gian làm việc tại ngân hàng, chị M đã thực hiện làm giả chứng từ khi cung ứng, sử dụng dịch vụ thanh toán cho một số khách hàng vay cá nhân của ngân hàng. Xin hỏi, hành vi này của chị M nếu bị phát hiện thì sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 5 Điều 26 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

  - Cho thuê, cho mượn từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán;

- Làm giả chứng từ khi cung ứng, sử dụng dịch vụ thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Mở, sử dụng và ủy quyền sử dụng tài khoản thanh toán không đúng quy định của pháp luật trong quá trình sử dụng dịch vụ thanh toán.

Như vậy, chiếu theo các quy định nêu trên, hành vi làm giả chứng từ khi cung ứng, sử dụng dịch vụ thanh toán anh thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự của chị M sẽ bị xử phạt từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

14. Trong một lần đi tập huấn về nghiệp vụ ngân hàng, chị B được biết một trong các hành vi vi phạm bị pháp luật xử lý là để lộ hoặc tiết lộ ra ngoài các thông tin không được phép tiết lộ liên quan đến hệ thống thanh toán liên ngân hàng. Chị B băn khoăn muốn biết mức xử phạt đối với hành vi này được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 25 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Cản trở việc vận hành hệ thống thanh toán bù trừ, thanh toán liên ngân hàng;

- Để lộ hoặc tiết lộ ra ngoài các thông tin không được phép tiết lộ liên quan đến hệ thống thanh toán liên ngân hàng.

Như vậy, chiếu theo quy định nêu trên, nếu thực hiện hành vi để lộ hoặc tiết lộ ra ngoài các thông tin không được phép tiết lộ liên quan đến hệ thống thanh toán liên ngân hàng thì sẽ bị xử phạt từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.

15. Xin hãy cho biết hành vi tiết lộ, cung cấp thông tin khách hàng, thông tin về số dư ví điện tử và các giao dịch thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không đúng quy định của pháp luật được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điểm c Khoản 16 Điều 1 Nghị định số 143/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Tiết lộ, cung cấp thông tin khách hàng, thông tin về số dư ví điện tử và các giao dịch thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không đúng quy định của pháp luật;

- Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử hoặc mua, bán thông tin ví điện tử từ 01 ví điện tử đến dưới 10 ví điện tử;

- Vi phạm quy định về tài khoản đảm bảo thanh toán;

Đồng thời, cũng tại Nghị định này, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Vì vậy, hành vi tiết lộ, cung cấp thông tin khách hàng, thông tin về số dư ví điện tử và các giao dịch thanh toán của khách hàng nên cần xác định rõ hành vi vi phạm từ phía nhân viên hay ngân hàng để áp dụng mức phạt tương ứng.

16. A làm rơi ví, mất căn cước công dân và B nhặt được. B mang căn cước công dân của A đi đăng ký làm mở tài khoản ngân hàng mạo danh A. Trong trường hợp này, B sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 7 Điều 26 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, đánh cắp dữ liệu, phá hoại, làm thay đổi trái phép chương trình phần mềm, cơ sở dữ liệu điện tử sử dụng trong thanh toán; lợi dụng lỗi hệ thống mạng máy tính để trục lợi mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh;

- Sử dụng tài khoản thanh toán để thực hiện các giao dịch cho các mục đích lừa đảo, gian lận.

Như vậy, chiếu theo quy định nêu trên, hành vi mở tài khoản mạo danh A của B sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.

17. Do cần tiền gửi cho con đi du học tại Mỹ nên anh A đã mua trực tiếp từ anh B 200.000 ngàn đôla Mỹ mà không thông qua các tổ chức tín dụng. Xin hãy cho biết việc này có được pháp luật cho phép không? Nếu không thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 5 Điều 23 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Mở, đóng, sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài không đúng quy định của pháp luật;

- Cung ứng dịch vụ thanh toán, chuyển tiền đối với các giao dịch liên quan đến khoản vay nước ngoài, khoản cho vay, thu hồi nợ nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài và các giao dịch vốn khác không đúng quy định của pháp luật;

- Quy đổi mệnh giá đồng tiền quy ước không đúng quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thường dành cho người nước ngoài, doanh nghiệp kinh doanh casino;

- Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc mở, đóng, sử dụng tài khoản chuyên dùng ngoại tệ trong hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, hoạt động kinh doanh casino;

- Không nộp số ngoại tệ tiền mặt vượt mức tồn quỹ vào tài khoản chuyên dùng ngoại tệ mở tại ngân hàng được phép trong trường hợp có nguồn thu ngoại tệ tiền mặt từ hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, hoạt động kinh doanh casino vượt mức tồn quỹ theo quy định của pháp luật;

- Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

- Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đối ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

- Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, chiếu theo quy định nêu trên, hành vi mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên sẽ bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

18. Do bất cẩn nên chị H đã làm rách một xấp tiền mệnh giá 200.000 VNĐ. Chị đến ngân hàng X để đề nghị đổi tiền nhưng bị nhân viên ngân hàng A từ chối. Chị đến ngân hàng Z thì nhân viên ngân hàng B vui vẻ đổi tiền cho chị. Chị H hỏi việc từ chối đổi tiền này của nhân viên ngân hàng A có đảm bảo quy định pháp luật?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 30 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Từ chối đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho khách hàng;

- Không thực hiện đúng quy định về phân loại, đóng gói, giao nhận kim khí quý, đá quý; đóng gói, niêm phong, giao nhận, bảo quản, vận chuyển, kiểm kê tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 và các điểm b, c, d và đ khoản 5 Điều này.

Như vậy, chiếu theo quy định nêu trên, hành vi từ chối đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho khách hàng của nhân viên ngân hàng A sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

19. Anh A và anh B thỏa thuận chuyển nhượng mua bán một lô đất với trị giá 20 cây vàng. Hỏi: Việc dùng vàng làm phương tiện thanh toán có được pháp luật cho phép không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

 Khoản 4 Điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động kinh doanhn vàng, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán là hành vi vi phạm pháp luật. Người dân không được dùng vàng làm phương tiện thanh toán khi mua bán nhà đất nói riêng và các hoạt động mua bán nói chung.

Khoản 1 Điều 24 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng;

- Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.

Khoản 2 Điều 24 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần;

- Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần.

Như vậy, chiếu theo quy định nêu trên, việc dùng vàng làm phương tiện thanh toán trong hợp đồng mua bán không được pháp luật cho phép, nếu vi phạm lần đầu thì sẽ bị xử phạt cảnh cáo. Nếu tái phạm thì sẽ bị xử phạt tiền 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

20. Trong quá trình thanh tra tại ngân hàng ABC, Đoàn thanh tra của Bộ Tài chính phát hiện tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi tại ngân hàng ABC không đảm bảo theo quy định pháp luật. Xin hỏi việc này sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 35 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật về một trong các tỷ lệ bảo đảm an toàn sau:

- Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn;

- Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi;

- Tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;

Đồng thời, cũng tại Nghị định này, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, chiếu theo quy định nêu trên, hành vi tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi tại ngân hàng ABC không đảm bảo theo quy định pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 400.000.000 đồng đến 440.000.000 đồng.

IV. TÌNH HUỐNG GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BẢO TRỢ, TRỢ GIÚP XÃ HỘI VÀ TRẺ EM

1. Anh Trần Văn A là Trưởng thôn Thôn 1 của một xã vừa xảy ra lũ lụt, anh đã lập danh sách hộ gia đình và số người trong hộ gia đình thiếu đói, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu cần hỗ trợ do trận lũ lụt vừa qua để Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã xem xét trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định hỗ trợ. Trong danh sách đó có 05 người là người thân thích của anh Trần Văn A, không thuộc đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, không bị thiệt hại trong cơn lũ lụt vừa qua. Hành vi của anh Trần Văn A có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em  quy định:

“ Phạt tiền từ 250.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi khai báo gian dối để được hưởng trợ giúp xã hội khẩn cấp từ 02 người đến dưới 10 người.”

Điểm a khoản 5 Điều 6 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và điểm a, điểm b khoản 4 Điều này;

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của ông Trần Văn A sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 250.000 đồng đến 500.000 đồng, biện pháp khắc phục hậu quả: buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

2. Cơ sở trợ giúp xã hội A, có hành vi không chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật. Hành vi của Cơ sở trợ giúp xã hội A có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc thực hiện các hình thức đối xử tồi tệ khác với đối tượng bảo trợ xã hội mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Không chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội.”

Khoản 4, khoản 5 Điều 7 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện hành vi vi phạm tại khoản 1, 2 và 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại điểm b khoản 1, điểm a, b khoản 2 và khoản 3 Điều này;

b) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho đối tượng bảo trợ xã hội bị ảnh hưởng sức khỏe do hành vi vi phạm tại điểm a, b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của Cơ sở trợ giúp xã hội A sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng; Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện hành vi vi phạm; biện pháp khắc phục hậu quả: buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

3. Cơ sở trợ giúp xã hội B, có hành vi không báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật. Hành vi của Cơ sở trợ giúp xã hội B có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không lưu trữ các loại hồ sơ của đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật;

b) Không báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật;

c) Cấp không đủ hoặc cấp không bảo đảm chất lượng vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày gồm: chăn, màn, chiếu, quần áo mùa hè, quần áo mùa đông, quần áo lót, khăn mặt, giày, dép, bàn chải đánh răng, thuốc chữa bệnh thông thường; vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với đối tượng bảo trợ xã hội là nữ, sách vở, đồ dùng học tập đối với đối tượng đang đi học và các đồ dùng khác theo quy định hiện hành.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của Cơ sở trợ giúp xã hội B sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

4. Cơ sở trợ giúp xã hội M, hoạt động mà không có giấy phép theo quy định của pháp luật. Hành vi của Cơ sở trợ giúp xã hội B có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 5, khoản 6 Điều 8 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cơ sở hoạt động mà không đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Cơ sở hoạt động mà không có giấy phép theo quy định của pháp luật.

6. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng đối với cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện hành vi vi phạm tại điểm c, điểm d khoản 4 và khoản 5 Điều này.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của Cơ sở trợ giúp xã hội M sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 5 Điều 8 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng; Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng đối với cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện hành vi vi phạm.

5. Cơ sở trợ giúp xã hội C, lưu trữ không đầy đủ các loại hồ sơ cơ bản của đối tượng bảo trợ xã hội. Hành vi của Cơ sở trợ giúp xã hội C có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lưu trữ không đầy đủ các loại hồ sơ cơ bản của đối tượng bảo trợ xã hội.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của Cơ sở trợ giúp xã hội C sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

6. Cơ sở trợ giúp xã hội V, thu tiền dịch vụ đối với đối tượng bảo trợ xã hội trái với quy định của pháp luật. Hành vi của Cơ sở trợ giúp xã hội V có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 4 Điều 8 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

 “4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng kinh phí, cơ sở vật chất của cơ sở trợ giúp xã hội sai mục đích;

b) Thu tiền dịch vụ đối với đối tượng bảo trợ xã hội trái với quy định của pháp luật;

c) Không bảo đảm một trong các điều kiện về môi trường, y tế, vệ sinh, cơ sở vật chất, cán bộ, nhân viên;

d) Không tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Khoản 7 Điều 8 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc hoàn trả cho đối tượng bảo trợ xã hội các khoản tiền đã thu trái pháp luật đối với hành vi vi phạm tại điểm b khoản 4 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại điểm a khoản 4 Điều này;

c) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho đối tượng bảo trợ xã hội bị ảnh hưởng sức khỏe do hành vi vi phạm tại điểm c khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều này.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của Cơ sở trợ giúp xã hội V sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 4 Điều 8 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hoàn trả cho đối tượng bảo trợ xã hội các khoản tiền đã thu trái pháp luật đối với hành vi vi phạm.

7. Anh Lê H là Tổ trưởng Tổ dân phố đã phân phối tiền, hàng cứu trợ không đúng mục đích, không đúng đối tượng. Hành vi của anh Lê H có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 10 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Để hư hỏng, thất thoát tiền, hàng cứu trợ, trừ trường hợp bất khả kháng do thiên tai, hỏa hoạn;

b) Sử dụng, phân phối tiền, hàng cứu trợ không đúng mục đích, không đúng đối tượng;

c) Tráo đổi hàng cứu trợ.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc bồi hoàn lại số tiền, hàng cứu trợ bị hư hỏng, thất thoát do thực hiện hành vi vi phạm tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này;

c) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho người sử dụng hàng cứu trợ bị ảnh hưởng sức khỏe do hành vi vi phạm tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều này.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của anh Lê H sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

8. Anh Minh, chị Lan chung sống với nhau và có chung với nhau một cháu gái, do chị Lan là người khuyết tật nên mẹ anh Minh đã dành nuôi đứa trẻ, cản trở việc anh chị kết hôn. Hành vi của mẹ anh Minh có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật;

b) Cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con hợp pháp của người khuyết tật;

c) Cản trở người khuyết tật sống độc lập, hòa nhập cộng đồng;

d) Cản trở người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội;

đ) Cản trở người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận công nghệ thông tin.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của mẹ anh Minh sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

9. Chị Trần Thị Em đã đăng trên facebook cá nhân của mình hình ảnh của chị Nguyễn Thị Bé là người bị khuyết tật phải ngồi trên xe lăn đang gặp khó khăn để kêu gọi sự đóng góp hỗ trợ của các tấm lòng hảo tâm. Tuy nhiên, chị E đã không trao số tiền quyên góp của mọi người hỗ trợ cho chị Bé, mà giữ số tiền đó để tiêu xài. Hành vi của chị Trần Thị Em có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 3, khoản 5 Điều 11 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của chị Trần Thị Em sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

10. Cơ sở giáo dục T đã từ chối người khuyết tật nhập học ở độ tuổi cao hơn theo quy định của pháp luật. Hành vi của Cơ sở giáo dục T có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không bảo đảm các điều kiện dạy và học phù hợp với người khuyết tật theo quy định của pháp luật;

b) Không cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng cho người khuyết tật theo quy định của pháp luật;

c) Không cho phép người khuyết tật được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của người khuyết tật không thể đáp ứng;

d) Từ chối người khuyết tật nhập học ở độ tuổi cao hơn theo quy định của pháp luật;

đ) Đặt ra điều kiện tuyển sinh có nội dung hạn chế người khuyết tật, trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật;

e) Không thực hiện ưu tiên tuyển sinh đối với người khuyết tật theo quy định của pháp luật;

g) Cản trở quyền học tập của người khuyết tật.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của Cơ sở giáo dục T sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

11. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với người khuyết tật K đã không cấp văn bằng, chứng chỉ đào tạo khi người khuyết tật có đủ điều kiện được cấp văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật. Hành vi của Cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với người khuyết tật K có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không duy trì các điều kiện bảo đảm hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định cho người khuyết tật sau khi tổ chức hoạt động đào tạo từ 06 tháng trở lên;

b) Không có đủ chương trình, giáo trình, đội ngũ nhà giáo và không bảo đảm hình thức, thời gian đào tạo phù hợp với người khuyết tật;

c) Không cấp văn bằng, chứng chỉ sơ cấp, chứng chỉ đào tạo khi người khuyết tật có đủ điều kiện được cấp văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của Cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với người khuyết tật K sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều 14 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

12. Nhân viên lái xe đã từ chối chuyên chở người khuyết tật hoặc từ chối chuyên chở phương tiện, thiết bị hỗ trợ phù hợp của người khuyết tật bằng phương tiện giao thông công cộng. Hành vi của của Nhân viên lái xe có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 15 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

1. Không ưu tiên bán vé cho người khuyết tật, người cao tuổi;

2. Người có trách nhiệm theo quy định của pháp luật mà không giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện cho người khuyết tật, người cao tuổi;

3. Từ chối chuyên chở người khuyết tật hoặc từ chối chuyên chở phương tiện, thiết bị hỗ trợ phù hợp của người khuyết tật bằng phương tiện giao thông công cộng.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, Nhân viên lái xe sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

13. Anh H là thành viên Hội đồng xác định mức độ khuyết tật đã lợi dụng việc xác định mức độ khuyết tật để trục lợi. Hành vi của anh H có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 3, khoản 4 Điều 17 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Lợi dụng việc xác định mức độ khuyết tật để trục lợi;

b) Từ chối xác định lại mức độ khuyết tật mà không có lý do chính đáng;

c) Gian dối trong việc xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại điểm a khoản 3 Điều này;

b) Buộc nộp lại giấy xác nhận mức độ khuyết tật đối với hành vi vi phạm tại điểm c khoản 3 Điều này.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, Anh H sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 3 Điều 17 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

14. Anh T là Trưởng thôn của Thôn 1 đã không tuân thủ việc miễn các khoản đóng góp cho hoạt động xã hội đối với người cao tuổi. Hành vi của anh T có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1, khoản 3 Điều 18 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cản trở người cao tuổi sống chung với con, cháu hoặc sống riêng;

b) Cản trở người cao tuổi thực hiện quyền về sở hữu tài sản, quyền tham gia hoạt động văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, nghỉ ngơi và các quyền hợp pháp khác;

c) Không miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội đối với người cao tuổi;

d) Không ưu tiên người cao tuổi nhận tiền, hiện vật cứu trợ, chăm sóc sức khỏe và chỗ ở nhằm khắc phục khó khăn ban đầu khi người cao tuổi gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc rủi ro bất khả kháng khác;

đ) Không thực hiện chi trả khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước cho người cao tuổi theo quy định.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi khi có yêu cầu đối với hành vi vi phạm tại khoản 2 Điều này;

b) Buộc hoàn trả cho người cao tuổi các khoản tiền đã thu trái pháp luật đối với hành vi vi phạm tại điểm c khoản 1 Điều này;

c) Buộc chi trả cho người cao tuổi khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước đối với hành vi vi phạm tại điểm đ khoản 1 Điều này;

d) Buộc chịu mọi chi phí khám chữa bệnh (nếu có) cho người cao tuổi bị ảnh hưởng sức khỏe do hành vi vi phạm tại khoản 2 Điều này.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, Anh T sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều 18 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hoàn trả cho người cao tuổi các khoản tiền đã thu trái pháp luật đối với hành vi vi phạm.

15. Chị Nguyễn Thị A lợi dụng việc chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi để trục lợi. Hành vi của chị Nguyễn Thị A có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 19 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi theo quy định của pháp luật;

b) Không thực hiện đầy đủ cam kết theo hợp đồng dịch vụ đã ký kết để chăm sóc người cao tuổi theo quy định của pháp luật;

c) Lợi dụng việc chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi để trục lợi.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại điểm c khoản 1 Điều này.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, chị Nguyễn Thị A sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều 19 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

16. Anh Trần Văn K có hành vi vi phạm pháp luật đối với người cao tuổi không nơi nương tựa, bị anh Nguyễn Văn B phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Anh K đã có hành vi đe dọa anh B. Hành vi đe dọa của anh K  đối với anh B có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cưỡng ép người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đối với người khuyết tật, người cao tuổi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Ép buộc người cao tuổi làm những việc trái quy định của pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Trả thù, đe dọa người giúp đỡ người cao tuổi, người phát hiện, báo tin ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật đối với người cao tuổi.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, anh Trần Văn K sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều 20 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

17. Chị Hồ Thị Bê đã có hành vi lăng mạ, chửi mắng, đe dọa cháu Nguyễn Thị Na là con riêng của chồng chị Bê đã gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, ảnh hưởng đến sự phát triển của cháu Na. Hành vi của chị Hồ Thị Bê có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 22 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;

b) Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;

c) Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;

d) Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi vi phạm tại điểm d khoản 1 Điều này.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, chị Hồ Thị Bê sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều 22 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm

18. Anh Đỗ Văn H đã có hành vi tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn nộp lại cho anh số tiền xin được vào cuối ngày. Hành vi của anh Đỗ Văn H có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2, Khoản 5 Điều 23 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn;

b) Cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại khoản 2 và khoản 3 Điều này;

b) Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm tại các khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, anh Đỗ Văn H sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 3 Điều 23 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng; Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

19. Anh Trần Văn G là nhân viên quản lý khu chung cư A, anh G đã nhiều lần phát hiện cháu Nguyễn Thị H bị bạo lực và có nguy cơ bị xâm hại nhưng không thông báo, không cung cấp thông tin về trẻ em có nguy cơ bị bạo lực và có nguy cơ bị xâm hại cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền. Hành vi của anh Trần Văn G có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 28 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thông báo, không cung cấp hoặc che giấu thông tin về trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực và có nguy cơ bị xâm hại khác cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền;

b) Ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực và có nguy cơ bị xâm hại khác cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, anh Trần Văn G sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 28 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

20. Chị Hồ Thị Q có hành vi bán chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em. Hành vi của chị Hồ Thị Q có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 29 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp sản phẩm, dịch vụ không an toàn, không thân thiện, gây tổn hại cho trẻ em;

b) Bán chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em;

c) Cho trẻ em sử dụng chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này;

b) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh có liên quan đến hành vi vi phạm trong thời gian từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm tại điểm b khoản 1 Điều này.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy sản phẩm, thực phẩm không an toàn, có hại cho trẻ em đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này.”

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, chị Hồ Thị Q sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 29 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm; Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh có liên quan đến hành vi vi phạm trong thời gian từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy sản phẩm, thực phẩm không an toàn, có hại cho trẻ em đối với hành vi vi phạm; Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm.

V. TÌNH HUỐNG GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI; XÂY DỰNG; QUỐC PHÒNG, CƠ YẾU; ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH ĐƯA VÀO TRƯỜNG GIÁO DƯỠNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

1. Do điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình ông Nguyễn Văn Huy đã tự ý dùng đất trồng lúa để đào hồ nuôi tôm, cá với diện tích 0,6 hecta. Qua quá trình kiểm tra, Ủy ban nhân dân xã X đã lập biên bản vi phạm hành chính và trình Chủ tịch tịch Ủy ban nhân dân huyện Z ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt là 15.000.000 đồng và buộc bà phải  khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Ông muốn biết việc xử phạt trên đúng quy định của pháp luật hay không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2, khoản 5 Điều 9 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 04/2022/NĐ-CP) quy định:

“2. Chuyển đất trồng lúa sang đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,1 héc ta;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;

đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất và các trường hợp người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;

c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì việc xử phạt của Chủ tịch tịch Ủy ban nhân dân huyện Z là đúng quy định của pháp luật.

2. Do trồng lúa không hiệu quả, anh Lê Văn H ở xã QT đã chuyển đổi sang trồng cây khác (diện tích 500m2) để có thu nhập cao hơn. Trong lúc đang gieo giống, anh bị Ủy ban nhân dân xã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi chuyển đổi trồng cây khác trên đất trồng lúa nhưng không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Do đó: Anh muốn biết theo quy định hiện hành thì hành vi vi phạm nêu trên bị xử phạt như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1, khoản 5 Điều 13 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 04/2022/NĐ-CP) quy định:

“1. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa khi chưa có ý kiến đồng ý cho chuyển đổi của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 13 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng dưới 0,5 héc ta;

b) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 01 héc ta trở lên.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm b, c và d khoản này;

b) Buộc đăng ký việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng với Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Buộc làm thủ tục đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định đối với thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận thuộc trường hợp quy định tại các khoản 3 và 4 Điều này;

d) Buộc làm thủ tục đăng ký đất đai theo quy định đối với thửa đất chưa được cấp Giấy chứng nhận thuộc trường hợp quy định tại các khoản 3 và 4 Điều này;

đ) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 3 và 4 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.”

Như vậy, việc xử phạt đối với hành vi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa khi chưa có ý kiến đồng ý cho chuyển đổi của Ủy ban nhân dân cấp xã được thực hiện theo các quy định nêu trên.

3. Anh Đặng Ngọc Vĩnh, ở thôn M xã A, huyện PĐ nhiều năm đi làm ăn xa ở thành phố Hồ Chí Minh, do tình hình dịch việc làm ăn không được thuận lợi, anh và gia đình quay về địa phương để làm ăn, sinh sống. Tuy nhiên, do không có đất canh tác, anh Vĩnh đã tự ý trồng cây ăn quả trên mãnh đất (500 m2) chưa sử dụng do Ủy ban nhân dân xã A quản lý. Anh Vĩnh đã bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt 3.000.000 đồng và buộc anh khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất. Anh muốn biết việc xử phạt trên có đúng pháp luật không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1, khoản 7 Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 04/2022/NĐ-CP) quy định:

“1. Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta;

b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các hành vi vi phạm tại các khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 5 của Điều này và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm; trừ trường hợp trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này;

b) Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất và các trường hợp người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;

c) Buộc thực hiện tiếp thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định đối với trường hợp sử dụng đất khi chưa thực hiện xong thủ tục giao đất, thuê đất;

d) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định này.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì việc xử phạt của Chủ tịch tịch Ủy ban nhân dân xã A là đúng quy định của pháp luật.

4. Bà Nguyễn Thị B được ông C thuê đổ các vật liệu do phá dỡ nhà. Bà B đã chở đi đổ trên một mãnh đất trống cách nhà ông C 10 km. Qua camera giám sát khu phố, ông E (chủ sở hữu lô đất trống trên) đã phát hiện và báo với cơ quan có thẩm quyền. Ông E muốn biết hành vi đổ trộm vật liệu xây dựng lên thửa đất của ông theo quy định của pháp luật hiện hành bị xử lý như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 16 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 04/2022/NĐ-CP) quy định:

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với trường hợp đưa vật liệu xây dựng hoặc các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình mà gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp đưa chất thải, chất độc hại lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp đào bới, xây tường, làm hàng rào gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.”

Như vậy, hành vi gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác sẽ bị xử lý theo các quy định viện dẫn nêu trên.

5. Bà Bùi Thị Nhung ở phường Hương Hồ, thành phố H xây dựng ngôi nhà thiết kế 2 tầng để ở, trong quá trình xây dựng bà Nhung không thực hiện che chắn nên đã để vật liệu xây dựng rơi vãi ở khu vực xung quanh ảnh hưởng đến các hộ liền kề. Nhận được tin báo, cơ quan có thẩm quyền đến kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi trên. Bà Nhung hỏi: với hành vi như vậy thì theo quy định của pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1, khoản 15 Điều 16 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng quy định:

“1. Xử phạt hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh hoặc để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ hoặc công trình xây dựng khác;

b) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.

15. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc che chắn theo quy định và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường (nếu có) với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc thực hiện thủ tục điều chỉnh hoặc gia hạn giấy phép xây dựng hoặc buộc công khai giấy phép xây dựng theo quy định với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;

c) Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm với các hành vi quy định tại khoản 4, khoản 6, khoản 7, khoản 8 (mà hành vi vi phạm đã kết thúc), khoản 9, khoản 10, khoản 12, khoản 13 Điều này.”

Như vậy, theo quy định nêu trên thì với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Đồng thời, bị áp dụng biện pháp khắc phục là buộc che chắn theo quy định.

6. Ông Nguyễn Văn K được tỉnh H cho thuê lô đất 2 héc ta tại cụm khu công nghiệp AH để xây dựng nhà máy sản xuất gỗ dăm theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Quá trình đang đầu tư xây dựng thì ông K tự chuyển nhượng các tài sản gắn liền trên đất cho ông Bùi Thanh C (Chủ doanh nghiệp tư nhân AB). Việc chuyển nhượng này bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện và ông K bị xử phạt hành chính vì ông C không đủ năng lực tài chính theo quy định. Ông K muốn biết pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 23 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 04/2022/NĐ-CP) quy định:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp mua tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm khi người mua tài sản gắn liền với đất thuê có ngành nghề kinh doanh không phù hợp dự án đầu tư hoặc không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư hoặc vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án trước đó.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp bán tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm khi tài sản gắn liền với đất thuê được tạo lập không hợp pháp hoặc chưa hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy hoạch xây dựng chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt, chấp thuận.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc hoàn thành xây dựng đối với trường hợp chưa hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy hoạch xây dựng chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt, chấp thuận mà đã chuyển nhượng quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Buộc chấm dứt hợp đồng mua, bán tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và trường hợp tài sản mua, bán tạo lập không hợp pháp quy định tại khoản 2 Điều này; việc giải quyết quyền lợi của các bên liên quan đến chấm dứt hợp đồng mua, bán tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự;

c) Buộc bên bán tài sản nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 6 Điều 7 của Nghị định này;

d) Xử lý tài sản tạo lập không hợp pháp gắn liền với đất thuê đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật xây dựng.”

Như vậy, với hành vi bán, mua tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm mà không đủ điều kiện theo quy định tại Điều 189 của Luật đất đai thì bị xử lý theo các quy định nêu trên.

7. Anh Đặng Ngọc Xíu là chủ thầu chuyên nhận thầu các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh H, trong quá trình xây dựng công trình trường Tiểu học M tại địa bàn huyện N cạnh tuyến đường giao thông đi lại đông đúc nhưng anh không đặt biển báo thi công công trình. Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính, ông Xíu hỏi với hành vi nêu trên theo quy định của pháp luật hiện hành thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2, khoản 8 Điều 17 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng quy định:

“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không lắp đặt biển báo công trình tại công trường xây dựng hoặc biển báo không đầy đủ nội dung theo quy định.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thông báo bằng văn bản về nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân trong hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư hoặc của nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình (nếu có) cho các nhà thầu liên quan với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Buộc lập hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng theo quy định với hành vi quy định tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 3 Điều này;

c) Buộc lắp đặt biển báo đầy đủ nội dung tại công trường xây dựng theo quy định với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này;

q) Buộc đảm bảo tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung đối với phần công trình còn lại chưa thi công với hành vi quy định tại khoản 7 Điều này.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì với hành vi không lắp đặt biển báo công trình tại công trường xây dựng thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đồng thời, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc lắp đặt biển báo đầy đủ nội dung tại công trường xây dựng theo quy định.

8. Ông Trần Văn Hoàng là giám đốc Công ty xây dựng Thành Công có công trình đang thi công xây dựng tại địa bàn thị xã HT. Trong quá trình thi công xây dựng công trình, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra phát hiện Công ty không lập bản vẽ hoàn công theo quy định nên đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính. Ông Hoàng hỏi việc không lập bản vẽ hoàn công theo quy định của pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 3, khoản 6 Điều 33 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng quy định:

“3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không lập bản vẽ hoàn công theo quy định;

b) Không xác định vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình theo quy định;

c) Không bố trí nhân lực, thiết bị thi công theo quy định của hợp đồng xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan;

d) Không tổ chức thực hiện các công tác thí nghiệm, kiểm tra, thử nghiệm, kiểm định vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị công trình, thiết bị công nghệ trước và trong khi thi công xây dựng theo yêu cầu của thiết kế và quy định của hợp đồng xây dựng;

đ) Sử dụng phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng không đủ điều kiện năng lực để thực hiện công tác thí nghiệm hoặc không trực tiếp thực hiện công tác thí nghiệm theo quy định.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

l) Buộc lập bản vẽ hoàn công theo quy định với hành vi quy định tại điểm a khoản 3 Điều này đối với công trình đang thi công xây dựng;

x) Buộc khắc phục hậu quả tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động xảy ra trong quá trình thi công xây dựng công trình với hành vi quy định tại điểm đ khoản 5 Điều này.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì với hành vi không lập bản vẽ hoàn công theo quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Đồng thời, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc lập bản vẽ hoàn công theo quy định.

9. Anh Ngô Văn Mười ở tại phường PH thành phố H hỏi, trường hợp người nước ngoài đang sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho một cá nhân khác thuê để ở nhưng không có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý về nhà ở thì có bị xử phạt vi phạm hành chính không? Mức phạt là bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 64 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng quy định:

“3. Xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về nhà ở có yếu tố nước ngoài như sau:

a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi cho thuê nhà ở mà không có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện nơi có nhà ở;

b) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện thanh toán tiền mua, thuê mua nhà ở không thông qua tổ chức tín dụng đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;

c) Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi dùng nhà ở để cho thuê, làm văn phòng hoặc sử dụng vào mục đích khác không phải để ở.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên với hành vi cho thuê nhà ở mà không có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở là hành vi vi phạm hành chính và theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

10. Gia đình anh Nguyễn Huy Hoàng đang sử dụng một căn hộ chung cư trên địa bàn phường Trường An, qua thời gian sử dụng bề mặt sơn bên ngoài của khu vực căn hộ của gia đình bị xuống cấp, mất mỹ quan nghiêm trọng. Anh chị đã tự ý mua sơn về để sơn lại mặt ngoài căn hộ đang ở, tuy nhiên màu sơn gia đình anh chị lựa chọn không phù hợp với màu sơn chung của khu chung cư. Cơ quan quản lý chung cư phát hiện lập biên bản và kiến nghị xử lý theo quy định. Anh Hoàng hỏi pháp luật quy định như thế nào đối với hành vi vi phạm nêu trên?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1, khoản 3 Điều 70 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng quy định:

“1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Gây thấm, dột căn hộ chung cư không thuộc quyền sở hữu, quản lý, sử dụng của mình;

b) Sử dụng màu sắc sơn, trang trí mặt ngoài căn hộ, nhà chung cư không đúng quy định về thiết kế, kiến trúc;

c) Kinh doanh hàng hóa nguy hiểm gây cháy nổ, dịch vụ sửa chữa xe có động cơ hoặc dịch vụ giết mổ gia súc;

d) Kinh doanh nhà hàng, karaoke, quán bar tại phần diện tích dùng để kinh doanh của nhà chung cư nhưng không đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng cháy, chữa cháy theo quy định;

đ) Hoạt động kinh doanh tại phần diện tích không dùng để kinh doanh của nhà chung cư theo quy định;

e) Sử dụng căn hộ chung cư vào mục không phải để ở.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu với hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 1, điểm a, điểm b khoản 2 Điều này;

b) Buộc chuyển kinh doanh hàng hóa nguy hiểm gây cháy nổ ra khỏi địa bàn dân cư hoặc buộc không sử dụng dịch vụ sửa chữa xe có động cơ hoặc buộc không kinh doanh dịch vụ giết mổ gia súc ở khu vực nhà chung cư với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

c) Buộc đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng cháy, chữa cháy theo quy định với hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;

d) Buộc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích để ở với hành vi quy định tại điểm e khoản 1 Điều này;

đ) Buộc trả lại phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

e) Buộc sử dụng đúng phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp với hành vi quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên với hành vi sử dụng màu sắc sơn, trang trí mặt ngoài căn hộ, nhà chung cư không đúng quy định về thiết kế, kiến trúc thì sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Đồng thời, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

11. Bà Nguyễn Thị Đ có mua một căn hộ tại khu chung cư Xuân Phú, để chuẩn bị cho con trai cưới vợ, nên gia đình bà đã tự ý cải tạo, thay đổi thiết kế phần sử hữu riêng của gia đình để tăng thêm 01 phòng cho vợ chồng con trai. Quá trình cải tạo, cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt. Bà Đ hỏi pháp luật quy định như thế nào đối với hành vi vi phạm nêu trên?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2, khoản 3 Điều 70 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng quy định:

“2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Chiếm dụng diện tích nhà ở trái pháp luật; lấn chiếm không gian xung quanh, lấn chiếm các phần thuộc sở hữu chung hoặc lấn chiếm các phần thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu khác dưới mọi hình thức;

b) Tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư;

c) Sử dụng phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung vào sử dụng riêng;

d) Sử dụng sai mục đích phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu với hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 1, điểm a, điểm b khoản 2 Điều này;

b) Buộc chuyển kinh doanh hàng hóa nguy hiểm gây cháy nổ ra khỏi địa bàn dân cư hoặc buộc không sử dụng dịch vụ sửa chữa xe có động cơ hoặc buộc không kinh doanh dịch vụ giết mổ gia súc ở khu vực nhà chung cư với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

c) Buộc đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng cháy, chữa cháy theo quy định với hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;

d) Buộc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích để ở với hành vi quy định tại điểm e khoản 1 Điều này;

đ) Buộc trả lại phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

e) Buộc sử dụng đúng phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp với hành vi quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì với hành vi tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư sẽ bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng. Đồng thời, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu và buộc trả lại phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung.

12. Ông Nguyễn Văn A được nhà nước cho thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước để ở, trong quá trình sinh sống, gia đình ông đã tự ý cải tạo, xây thêm thêm một số phòng để tiện sinh hoạt cho con cái. Cơ quan quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước phát hiện và kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Ông hỏi hành vi vi phạm của ông có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức xử phạt là bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1, khoản 3 Điều 65 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng quy định:

1. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với người thuê, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, thuê nhà ở xã hội có một trong các hành vi sau đây:

a) Tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở;

b) Sử dụng nhà ở không đúng mục đích ghi trong hợp đồng thuê nhà ở.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu với các hành vi quy định tại điểm a khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này;

b) Buộc sử dụng nhà đúng mục đích với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này;

c) Buộc thu hồi lại nhà ở công vụ với hành vi quy định tại điểm c, điểm d khoản 2 Điều này.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên với hành vi tự ý cải tạo, xây thêm nhà ở đối với người thuê, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước là hành vi vi phạm hành chính và theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Đồng thời, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

13. Chị Trần Thị N ở xã C huyện PĐ cho biết: con trai chị năm nay 18 tuổi đỗ trường Đại học Kinh tế thành phố HCM, nhà trường yêu cầu nộp giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự, nhưng con trai chị chưa đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu. Do đó, chị hỏi: hành vi vi phạm quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử phạt như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 4 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 7 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP) quy định:

“1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu đối với công dân nam đủ 17 tuổi trong năm thuộc diện phải đăng ký nghĩa vụ quân sự.

“2. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Không thực hiện đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị theo quy định;

c) Không đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung khi có sự thay đổi về chức vụ công tác, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tình trạng sức khỏe và thông tin khác có liên quan đến nghĩa vụ quân sự theo quy định;

d) Không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập theo quy định;

đ) Không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng theo quy định.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này; đăng ký nghĩa vụ quân sự trong ngạch dự bị đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này; đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung, đăng ký khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c, điểm d khoản 2 Điều này; đăng ký tạm vắng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này.”

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên thì hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đồng thời, còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định khoản 3 Điều 4 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 37/2022/NĐ-CP).

14. Anh Đặng Xuân P trú tại thôn A, xã QT do không muốn đi nghĩa vụ quân sự, vì vậy trước ngày đi khám anh dự định uống thật nhiều rượu và bia để sức khỏe không đảm bảo điều kiện. Do đó, anh hỏi nếu sử dụng rượu, bia để làm thay đổi tình trạng sức khỏe trước khi đi khám nghĩa vụ quân sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 6 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 8 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP) quy định:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

2. Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;

b) Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

4. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.”.

Như vậy, căn cứ khoản 3 Điều 6 quy định viện dẫn nêu trên thì hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

15. Anh Bùi Thanh H (20 tuổi) cư trú tại xã QA huyện QĐ tỉnh H đã khám sức khoẻ tại Hội đồng khám tuyển nghĩa vụ quân sự và được Hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện QĐ đưa vào diện sẵn sàng nhập ngũ đợt 1 vào tháng 02 năm 2022. Ngày 10 tháng 02 năm 2022, gia đình anh H nhận được giấy báo gọi anh H nhập ngũ. Tuy nhiên, anh H không có mặt đúng thời gian và địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng. Hành vi của anh H sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 7 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 9 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP) quy định:

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định.

3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với người có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này.”.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì hành vi của anh H sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Đồng thời, H còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định khoản 4 Điều 7 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 9 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP).

16. Anh Trần Đình D có bạn là H trú tại cùng thôn M xã X cho biết bạn anh không muốn đi nghĩa vụ quân sự, mà nếu đi khám sức khỏe thì bạn anh chắc chắn sẽ đủ điều kiện để tham gia nghĩa vụ quân sự. Chính vì vậy, anh H tâm sự với D là muốn nhờ người đi khám sức khỏe thay mình. Tuy nhiên, anh nghe nói nếu việc này mà bị phát hiện thì sẽ bị xử phạt. Do đó, anh hỏi: việc nhờ người khác đi khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự thay sẽ bị xử phạt như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 6 Thông tư số 95/2014/TT-BQP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Bộ Quốc phòng về hướng dẫn thi hành Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu quy định:

“Hành vi “gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình” quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 6 và Điểm a Khoản 3 Điều 11 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP là một trong các hành vi sau:

1. Sử dụng các hình thức hoặc biện pháp làm thay đổi tình trạng sức khỏe của bản thân.

2. Sửa chữa kết quả về tình trạng sức khỏe của bản thân trong thực hiện kiểm tra hoặc khám sức khỏe.

3. Nhờ người khác để kiểm tra hoặc khám sức khỏe thay.”

Điều 6 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 8 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP) quy định:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

2. Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;

b) Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

4. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.”.

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên hành vi nhờ người khác để kiểm tra hoặc khám sức khỏe thay sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

17. Anh Lê Văn B và Ngô Đình N là hai người bạn thân cùng trú tại thôn ĐX xã A. Có lần anh B nói với anh N rằng trong đợt khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự tới đây anh sẽ bỏ ra một ít tiền để nhờ các nhân viên y tế khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự xác nhận cho sức khỏe không đạt để khỏi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nhưng anh nghe nói là nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt. Do đó, anh hỏi việc đưa tiền nhằm làm sai lệch kết quả khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử phạt như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 6 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 8 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP) quy định:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

2. Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;

b) Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

4. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.”.

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên thì hành vi đưa tiền cho cán bộ, nhân viên y tế để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

18. Anh Bùi Văn N ở xã QA huyện QĐ cho biết: ở địa phương có trường hợp là lực lượng dự bị động viên. Tuy nhiên, khi có quyết định điều động tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu của cơ quan, người có thẩm quyền nhưng họ không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm ghi trong lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu mà không có lý do chính đáng. Do đó, anh hỏi hành vi nêu trên theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 12 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 13 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP) quy định:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm ghi trong lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu mà không có lý do chính đáng.

2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không bố trí thời gian cho quân nhân dự bị tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không tiếp nhận, bố trí lại công việc cho quân nhân dự bị khi kết thúc huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện xong nhiệm vụ trở lại cơ quan, tổ chức cũ công tác.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiếp nhận, bố trí lại công việc cho quân nhân dự bị khi kết thúc huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện xong nhiệm vụ trở lại cơ quan, tổ chức cũ công tác đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.”.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm ghi trong lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu mà không có lý do chính đáng của lực lượng dự bị động viên sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.

19. Em Đoàn Đình V, sinh năm 2001 tại xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh H, tháng 5 năm 2022 vừa rồi em có nhận được quyết định yêu cầu tham gia dân quân tự vệ nơi em sinh sống. Nhưng lúc đó em đang có việc riêng (ở thành phố Hồ Chí Minh) nên em không thể tham gia dân quân tự vệ được. Do đó, em hỏi trong trường hợp không chấp hành thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ có bị xử phạt không? Nếu có mức phạt theo quy định hiện hành là bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 21a Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 17 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP) quy định:

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cản trở người thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi chống đối việc thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.

4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 9.000.000 đồng đối với hành vi tự ý thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền cho thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trước thời hạn hoặc đưa ra khỏi danh sách dân quân tự vệ.”.

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên thì hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

20. Anh Nguyễn Văn T cho biết: vừa rồi anh có đưa học sinh của lớp đi cắm trại ở một khu vực trống, tình cờ khu vực đó gần với khu vực cấm của quân sự (khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình quốc phòng, khu quân sự). Một vài học sinh nghịch ngợm của lớp đã trèo vào và bị bắt lại. Đơn vị quân sự đó đã phạt tiền học sinh của anh vì hành vi cố ý đi vào đó tới 3.000.000 đồng. Vậy hành vi như vậy có đúng quy định của pháp luật không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 25 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 20 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP) quy định:

“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cố ý vào, đi lại trong khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình quốc phòng, khu quân sự khi không được phép của cấp có thẩm quyền.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi cố ý vào, đi lại trong khu vực cấm của công trình quốc phòng, khu quân sự khi không được phép của cấp có thẩm quyền.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cư trú bất hợp pháp trong khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình quốc phòng.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh trái phép trong khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình quốc phòng.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc di dời ra khỏi khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình quốc phòng và khu quân sự đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này.”.

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên thì hành vi cố ý vào, đi lại trong khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình quốc phòng, khu quân sự khi không được phép của cấp có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

21. Anh H là cán bộ xã A, anh được biết Nghị định 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu đã được sửa đổi, bổ sung. Một trong những nội dung quan trọng của xử phạt là thời hiệu. Do đó, anh hỏi: Thời điểm tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu được pháp luật hiện hành quy định như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 2 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 3 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP) quy định:

“Thời điểm tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung tại điểm a khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, cụ thể như sau:

1. Hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 3 Điều 6, khoản 2 Điều 7 và khoản 2 Điều 11 Nghị định này thì thời hiệu xử phạt được tính từ ngày cá nhân thực hiện xong hành vi gian dối; đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự hoặc đào tạo sĩ quan dự bị.

2. Hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 6, khoản 3 Điều 7, khoản 1 Điều 14 và khoản 3 Điều 23 Nghị định này thì thời hiệu xử phạt được tính từ ngày tổ chức, cá nhân không nhận, không chấp hành hoặc chống đối thực hiện lệnh, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.

3. Hành vi vi phạm về thời hạn báo cáo quy định tại khoản 1, điểm a, điểm b khoản 2 Điều 9; khoản 1 Điều 15; khoản 1 Điều 16 Nghị định này thì thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày tổ chức, cá nhân báo cáo theo quy định.

4. Hành vi phạm hành chính quy định về thời gian có mặt đăng ký; kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; quy định về thời gian đăng ký, đào tạo, huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu đối với dự bị động viên và dân quân tự vệ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 4; khoản 1 Điều 6; khoản 1 Điều 7; khoản 1 Điều 10, khoản 1 Điều 11 và khoản 1 Điều 12 Nghị định này thì thời hiệu xử phạt được tính từ ngày tiếp theo ngày cuối cùng của thời hạn có mặt được ghi trong lệnh hoặc văn bản thông báo của cơ quan có thẩm quyền.

5. Hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện là các hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này thì thời hiệu được tính từ ngày người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm.

6. Trong thời hạn được quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này mà cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.”.

Như vậy, thời điểm tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu được thực hiện theo các quy định nêu trên.

22. Chị Ngô Thị H ở xã B, thành phố H, cho biết chị có con trai năm nay 13 tuổi, cháu đã trộm cắp tiền gia đình, hàng xóm vài lần. Vừa rồi cháu lại đột nhập vào nhà hàng xóm chơi game. Chị đã tìm đủ mọi cách để khuyên giải, tâm sự nhưng không hiệu quả. Chị muốn đưa cháu vào Trường giáo dưỡng. Do đó, chị muốn hỏi: trường hợp của cháu có thuộc đối tượng đưa vào trường giáo dưỡng không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định:

“1. Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự, trừ những tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự.

3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 90 của Luật này và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

4. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 4 Điều 90 của Luật này nhưng không phải là tội phạm và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

5. Không áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với các trường hợp sau đây:

a) Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;

b) Người đang mang thai có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên;

c) Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.”.

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên thì con chị mới có hành vi trộm cắp (chưa thể hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự). Do đó, không thuộc đối tượng đưa vào trường giáo dưỡng theo quy định tại khoản 1 Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

23. Trần Đức H là học sinh của trường giáo dưỡng B. Trong một lần đi lao động do trường tổ chức không may bị trượt ngã xuống sông, do không biết bơi nên H bị đuối nước chết. Trường hợp của H theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính sẽ được giải quyết như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 25 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định:

1. Khi có học sinh chết, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải báo ngay cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền tiến hành giám định pháp y xác định nguyên nhân chết và có sự chứng kiến của đại diện Ban giám hiệu trường giáo dưỡng, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trường giáo dưỡng, đại diện gia đình học sinh (nếu có), làm thủ tục khai tử với chính quyền địa phương, thông báo cho thân nhân học sinh. Sau đó, phải gửi giấy chứng tử cho thân nhân học sinh (nếu có) và thông báo bằng văn bản cho Tòa án nhân dân cấp huyện nơi đã ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng đối với người đó, Trưởng Công an cấp huyện nơi đã lập hồ sơ đề nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú. Trường hợp học sinh chết khi đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước từ tuyến huyện trở lên thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó có trách nhiệm thông báo và gửi giấy chứng tử cho trường giáo dưỡng.

Trường hợp học sinh chết đã rõ nguyên nhân khi có kết luận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước từ tuyến huyện trở lên thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng mời đại diện Cơ quan điều tra, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trường giáo dưỡng, đại diện gia đình của học sinh chết (nếu có) đến để lập biên bản theo quy định.

2. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi làm xong các thủ tục quy định tại khoản 1 Điều này, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng có trách nhiệm tổ chức mai táng tử thi. Kinh phí mai táng do ngân sách nhà nước cấp.

3. Trường hợp gia đình của người chết có đơn đề nghị nhận tử thi, hài cốt về mai táng thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng có thể xem xét, quyết định, trừ trường hợp có căn cứ cho rằng việc đó ảnh hưởng đến an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Đơn đề nghị phải có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú và phải cam đoan thực hiện đúng các quy định của pháp luật.”

Như vậy, do H là học sinh của trường giáo dưỡng nên căn cứ vào Điều 25 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP thì trường hợp của H sẽ được giải quyết theo các trình tự, thủ tục như đã viện dẫn nêu trên.

24. Em Nguyễn Văn A (12 tuổi) là học sinh Trường trung học cơ sở X. Do có xích mích với B là bạn cùng lớp nên trong một lần xô xát với B, A đã dùng dao đâm khiến nạn nhân chết trên đường đi cấp cứu. Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), trường hợp của A sẽ được xử lý như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điểm d khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về phân loại tội phạm quy định:

Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định:

“1. Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự, trừ những tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự.

3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 90 của Luật này và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

4. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 4 Điều 90 của Luật này nhưng không phải là tội phạm và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

5. Không áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với các trường hợp sau đây:

a) Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;

b) Người đang mang thai có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên;

c) Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.”.

Do A đã có hành vi dùng dao đâm khiến B bị chết nên căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì hành vi của A có dấu hiệu của tội giết người với tình tiết tăng năng là giết trẻ em, do nạn nhân B là bạn cùng lớp với A mới có 12 tuổi. Đây là tội danh có khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về phân loại tội phạm thì đây là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng Ngoài ra, khi A thực hiện hành vi phạm tội, A mới 12 tuổi.

Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, trường hợp của A sẽ thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

25.  Chị Bùi Thị Hồng Nhung ở phường Z, thành phố H có em trai đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Đang trong quá trình chấp hành quyết định thì em trai chị bỏ trốn. Do đó, chị Nhung muốn biết, trong trường hợp của em chị ai sẽ ra quyết định truy tìm và thời gian trốn khỏi trường có được tính vào thời gian chấp hành quyết định hay không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 10 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định:

“1. Người đã có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc nhưng chưa thi hành quyết định mà bỏ trốn thì Trưởng Công an cấp huyện nơi đã lập hồ sơ ra quyết định truy tìm.

2. Học sinh bỏ trốn thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng ra quyết định truy tìm; trại viên bỏ trốn thì Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc ra quyết định truy tìm. Thời gian trốn khỏi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc không được tính vào thời gian chấp hành quyết định.

3. Cơ quan đã ra quyết định truy tìm có trách nhiệm tổ chức truy tìm; nếu người đó có hành vi chống đối thì được áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết theo quy định của pháp luật để buộc người đó phải chấp hành.

4. Ủy ban nhân dân và cơ quan Công an các cấp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều này trong việc truy tìm đối tượng bỏ trốn.

Khi phát hiện người có quyết định truy tìm, phải báo ngay cho cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gần nhất hoặc đưa ngay người đó đến cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân nơi gần nhất để đưa đến cơ quan Công an cấp huyện nơi gần nhất.

5. Khi giao, nhận người có quyết định truy tìm, cơ quan Công an phải lập biên bản, lấy lời khai, đồng thời thông báo ngay cho cơ quan đã ra quyết định truy tìm biết và cử người đến nhận. Trường hợp cơ quan ra quyết định truy tìm chưa đến kịp thì cơ quan Công an phải ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 122 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và quản lý tại nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính. Trường hợp không có nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính thì tạm giữ tại phòng trực ban hoặc phòng khác tại nơi làm việc.

6. Khi đưa đối tượng về trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc thực hiện áp giải theo quy định của pháp luật.

7. Tùy từng trường hợp cụ thể, quyết định truy tìm được gửi cho cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân địa phương liên quan để phục vụ cho việc truy tìm và bắt giữ đối tượng.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, em trai chị Nhung bỏ trốn thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng ra quyết định truy tìm.Thời gian trốn khỏi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc không được tính vào thời gian chấp hành quyết định.

26. Anh Ngô Văn M (56 tuổi), ở xã Hương Hồ, thành phố H cho biết: con trai của anh Ngô Văn M đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Trong thời gian này, do tuổi cao, sức yếu mẹ của anh M mất (bà nội của con anh). Anh muốn biết, anh có được bão lãnh để con anh về để tang bà nội không, nếu được về thì con anh được về bao nhiêu ngày?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 26 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định:

“1. Khi có việc tang của gia đình gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; ông nội, bà nội của vợ hoặc chồng, ông ngoại, bà ngoại của vợ hoặc chồng; bố đẻ, mẹ đẻ, bố dượng, mẹ kế, bố nuôi, mẹ nuôi hợp pháp; bố đẻ, mẹ đẻ, bố dượng, mẹ kế, bố nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của vợ hoặc chồng; con đẻ; người trực tiếp nuôi dưỡng; anh, chị, em ruột hoặc có trường hợp khó khăn đặc biệt và có đơn xin bảo lãnh của thân nhân gia đình được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng có thể xem xét cho học sinh về gia đình không quá 05 ngày, không kể thời gian đi đường. Thời gian về gia đình được tính vào thời gian chấp hành quyết định.

2. Khi giải quyết cho học sinh về gia đình, đại diện thân nhân gia đình học sinh đến nhận học sinh và viết cam kết quản lý học sinh trong thời gian được về nhà và chịu trách nhiệm đưa học sinh trở lại trường giáo dưỡng đúng thời gian quy định.

3. Hết thời gian được về gia đình, học sinh phải tự giác đến chấp hành, nếu không tự giác thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng tổ chức đưa học sinh đó trở lại trường giáo dưỡng; nếu học sinh trốn thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng ra quyết định truy tìm.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, khi có việc tang của bà nội, anh M viết đơn xin bảo lãnh cho con anh và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã gửi trường giáo dưỡng. Hiệu trưởng trường giáo dưỡng có thể xem xét cho con anh về gia đình không quá 05 ngày, không kể thời gian đi đường.

27. Chị C có con là đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Do lo lắng khi vào trường giáo dưỡng sẽ không quen với chế độ ăn, mặc và sinh hoạt, chị C muốn biết theo quy định của pháp luật chế độ ăn mặc và sinh hoạt trong trường giáo dưỡng được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 17 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định:

Chế độ ăn, mặc và đồ dùng sinh hoạt của học sinh được thực hiện theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự. Theo đó, Điều 28 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định:

1. Học sinh được Nhà nước đảm bảo, tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng gồm:

a) 17 kg gạo tẻ;

b) 1,2 kg thịt lợn;

c) 1,2 kg cá;

d) 0,5 kg đường;

đ) 0,75 lít nước mắm;

e) 0,1 kg bột ngọt;

g) 0,5 kg muối;

h) 15 kg rau xanh;

i) 0,2 lít dầu ăn;

k) Gia vị khác tương đương 0,5 kg gạo tẻ;

l) Chất đốt tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than.

Lương thực, thực phẩm, chất đốt bảo đảm chất lượng và có mức giá trung bình theo thời giá thị trường tại địa phương.

Chế độ ăn trong các ngày lễ, Tết của học sinh được thực hiện theo quy định của pháp luật và khoản 1 Điều 149 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Hiệu trưởng trường giáo dưỡng có thể hoán đổi định lượng ăn nêu trên cho phù hợp với thực tế để đảm bảo học sinh ăn hết tiêu chuẩn ăn. Hiệu trưởng trường giáo dưỡng quyết định chế độ ăn đối với học sinh ốm đau, bệnh tật trên cơ sở đề xuất của cán bộ y tế nhưng tổng định lượng mức ăn không quá 02 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.

2. Chế độ mặc và đồ dùng sinh hoạt của mỗi học sinh trong một năm được cấp như sau:

a) 02 bộ quần áo dài;

b) 01 bộ quần áo dài đồng phục;

c) 02 bộ quần áo lót;

d) 02 đôi dép nhựa;

đ) 01 áo mưa nilông;

e) 01 mũ cứng;

g) 01 mũ vải;

h) 03 khăn mặt;

i) 03 bàn chải đánh răng;

k) 02 chiếu cá nhân;

l) 800 g kem đánh răng;

m) 3,6 kg xà phòng;

n) 800 ml dầu gội đầu.

Học sinh vào trường giáo dưỡng được cấp 01 màn, 01 chăn sợi. Từ Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc và 05 tỉnh Tây Nguyên, mỗi học sinh được cấp thêm 01 áo ấm, 02 đôi tất và 01 mũ len, 01 chăn bông có vỏ nặng không quá 02 kg dùng trong 02 năm. Đối với học sinh phải chấp hành từ 12 tháng trở lên thì được cấp 02 lần (trừ chăn bông).

Học sinh được mang vào trường giáo dưỡng những đồ dùng cá nhân thiết yếu để sử dụng theo quy định của Bộ Công an. Học sinh nữ được cấp đồ dùng cần thiết cho vệ sinh cá nhân tương đương 03 kg gạo tẻ/học sinh/tháng.”

Như vậy, chế độ ăn, mặc của học sinh trường giáo dưỡng được thực hiện theo các quy định viện dẫn nêu trên.

28. Chị Hoàng Thị M có con trai là học viên của Trường giáo dưỡng H, chị muốn làm đơn xin giảm thời gian chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc cho con mình. Do đó chị hỏi hồ sơ, thủ tục đề nghị xem xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 29 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định:

“2. Hồ sơ, thủ tục đề nghị xem xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc

Trại viên đã chấp hành một nửa thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, nếu có đủ điều kiện giảm thì Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có cơ sở giáo dục bắt buộc xem xét, quyết định. Hồ sơ gồm:

a) Văn bản của Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét giảm thời hạn chấp hành quyết định;

b) Văn bản của Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét giảm thời hạn chấp hành quyết định đối với từng trại viên;

c) Danh sách trại viên được đề nghị xem xét giảm thời hạn chấp hành quyết định;

d) Bản sao quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc;

đ) Văn bản xác nhận về việc lập công (nếu có).”

Như vậy, việc xem xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc được thực hiện theo các quy định nêu trên.

29. Anh X có con là người sắp hết hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Qua thông tin anh biết được thì đối với người đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc thì sẽ có biện pháp tái hòa nhập cộng đồng. Do đó, anh hỏi pháp luật quy định cụ thể vấn đề này như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 45 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định:

“1. Biện pháp tái hòa nhập cộng đồng đối với người đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc

a) Thông tin, truyền thông giáo dục nhằm định hướng, khuyến khích, động viên việc giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ sự định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử với người chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, giúp họ ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng;

b) Người chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc được chính quyền địa phương, tổ chức xã hội theo dõi, giúp đỡ, giáo dục trong thời gian kể từ khi họ chấp hành xong quyết định cho đến khi họ được coi như chưa bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Nội dung theo dõi, giáo dục, giúp đỡ bao gồm: Tổ chức thực hiện công tác tiếp nhận; phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm theo dõi, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong quyết định; tư vấn, trợ giúp về tâm lý, các thủ tục pháp lý; hướng dẫn làm thủ tục đăng ký cư trú, căn cước công dân, cấp Phiếu lý lịch tư pháp; theo dõi người chấp hành xong quyết định; hướng dẫn chấp hành pháp luật, nghĩa vụ công dân; phát hiện, ngăn chặn, xử lý khi có hành vi vi phạm pháp luật; hỗ trợ kinh phí, cho vay vốn, tổ chức học tập, đào tạo nghề nghiệp, tìm kiếm, giới thiệu việc làm; tạo các điều kiện cần thiết khác giúp người chấp hành xong quyết định ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, tránh tái vi phạm;

c) Người chấp hành xong quyết định được quan tâm đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe, khả năng chuyên môn, nhu cầu của người sử dụng lao động và điều kiện thực tế của địa phương; được xem xét hỗ trợ cho vay vốn từ các ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện ở địa phương và được xét hỗ trợ một phần vốn đối với người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách để tạo việc làm, lao động, sản xuất, kinh doanh;

d) Nhà nước khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động tư vấn, đào tạo nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, giúp đỡ những người chấp hành xong quyết định tái hòa nhập cộng đồng; khuyến khích việc tiếp nhận người chấp hành xong quyết định vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

2. Biện pháp tái hòa nhập cộng đồng đối với người đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng

a) Việc tái hòa nhập cộng đồng cho người đã chấp hành xong biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Người chưa thành niên chấp hành xong quyết định được ưu tiên học văn hóa, học nghề, giải quyết việc làm, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ vay vốn để học tập, tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống;

c) Trẻ em chấp hành xong quyết định được áp dụng các biện pháp bảo vệ nhằm khắc phục các nguyên nhân và điều kiện vi phạm pháp luật, phục hồi, tránh tái phạm theo quy định của Luật Trẻ em.”

Như vậy, biện pháp tái hòa nhập cộng đồng được thực hiện theo các quy định nêu trên.

30. Qua xem ti vi anh B thấy truyền hình có đưa tin công khai những trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính nhất là lĩnh vực môi trường, buôn bán hàng giả, anh thấy nội dung này rất hay nhưng không biết có phải trường hợp vi phạm nào cũng được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hay không? Do đó, anh hỏi: việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng được pháp luật quy đinh như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Những trường hợp phải công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm được quy định tại Điều 72 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), theo đó những trường hợp vi phạm hành chính mà cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt phải đáp ứng đồng thời hai điều kiệ sau:

Thứ nhất, hành vi vi phạm hành chính thuộc một trong các lĩnh vực sau đây:

An toàn thực phẩm;

Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Dược;

Khám bệnh, chữa bệnh;

Lao động; xây dựng;

Bảo hiểm xã hội;

Bảo hiểm y tế;

Bảo vệ môi trường;

Thuế;

Chứng khoán;

Sở hữu trí tuệ;

Đo lường;

Sản xuất, buôn bán hàng giả.

Thứ hai, gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội.

Nội dung thông tin công bố công khai gồm: Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân, quốc tịch của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả và thời gian thực hiện.

Việc công bố công khai được thực hiện trên trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính.

31. Qua thông tin trên báo, truyền hình chị Trần Thị V được biết tình tiết giảm nhẹ có liên quan đến mức tiền phạt vi phạm hành chính, do đó chị hỏi những tình tiết nào là tình tiết tình tiết giảm nhẹ? Chính phủ có được quy định thêm các tình tiết giảm nhẹ trong các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước hay không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 9 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định 07 tình tiết giảm nhẹ, bao gồm:

1. Người vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;

2. Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính;

3. Vi phạm hành chính trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra; vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

4. Vi phạm hành chính do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần;

5. Người vi phạm hành chính là phụ nữ mang thai, người già yếu, người có bệnh hoặc khuyết tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

6. Vi phạm hành chính vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra;

7. Vi phạm hành chính do trình độ lạc hậu.

Khoản 8 Điều 9 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định Chính phủ có thể quy định những tình tiết giảm nhẹ ngoài các tình tiết giảm nhẹ nêu trên.

Như vậy, trong xử phạt vi phạm hành chính, Chính phủ có thể quy định thêm tình tiết giảm nhẹ trong các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính.

32. Anh Bùi Viết K là công chức mới được tuyển dụng của xã B, huyện AL, qua tìm hiểu các mẫu để sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính thì có nội dung “chúng tôi đã yêu cầu/cá nhân tổ chức vi phạm chấm dứt ngay hành vi vi phạm”. Do đó, anh muốn hỏi: việc buộc đối tượng thực hiện hành vi vi phạm hành chính chấm dứt hành vi vi phạm được thực hiện như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Theo quy định tại Điều 55 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính được người có thẩm quyền đang thi hành công vụ áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính đang diễn ra nhằm chấm dứt ngay hành vi vi phạm.

Buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính được thực hiện bằng lời nói, còi, hiệu lệnh, văn bản hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Ví dụ: Người tham gia giao thông điều khiển phương tiện đi không đúng làn đường quy định thì chiến sĩ cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ có quyền dùng còi và hiệu lệnh yêu cầu người vi phạm quy tắc đường bộ chấm dứt ngay hành vi vi phạm của họ.

33. Anh Đặng Văn T cho biết trong thực tiễn xử lý vi phạm hành chính có nhiều trường hợp đã bị lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền, vẫn cố ý thực hiện hành vi vi phạm đó, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng. Do đó anh hỏi: trong trường hợp này thì người có thẩm quyền phải xử lý như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Trong thực tế, có không ít trường hợp người có thẩm quyền đã lập biên bản vi phạm hành chính nhưng chưa ra quyết định xử phạt mà đối tượng không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người đó, vẫn cố ý thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả của việc ngăn chặn và phòng ngừa điểm a khoản 3 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định đối với trường hợp hành vi vi phạm đã bị lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền, vẫn cố ý thực hiện hành vi vi phạm đó, thì người có thẩm quyền phải áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phù hợp để chấm dứt hành vi vi phạm.

Khi ra quyết định xử phạt đối với hành vi đó, người có thẩm quyền xử phạt có thể áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc xử phạt đối với hành vi không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền trong trường hợp nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước tương ứng có quy định và xử phạt đối với hành vi vi phạm đã lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt.

34. Chị Lê Thị B đề nghị cho biết những trường hợp nào trong xử phạt vi phạm hành chính thì cá nhân, tổ chức vi phạm được giải trình và việc giải trình được thực hiện dưới hình thức nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Theo quy định của khoản 1 Điều 61 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì giải trình được áp dụng trong các trường hợp sau:

Đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc quy định mức tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức thì cá nhân, tổ chức.

 Về hình thức giải trình: Cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. 

Đối với trường hợp giải trình bằng văn bản, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải gửi văn bản giải trình cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì người có thẩm quyền xử phạt có thể gia hạn nhưng không quá 05 ngày làm việc theo đề nghị của cá nhân, tổ chức vi phạm. Việc gia hạn của người có thẩm quyền xử phạt phải bằng văn bản.

Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính tự mình hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp của mình thực hiện việc giải trình bằng văn bản.

Đối với trường hợp giải trình trực tiếp, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải gửi văn bản yêu cầu được giải trình trực tiếp đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

35. Anh Nguyễn Anh T, ở thôn Mỹ Xá, xã Quảng An, huyện A, cho biết ngày 20/10/2022 trên đoạn đường tỉnh lộ 4 anh bị cảnh sát giao thông huyện A lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời anh được giải thích là quyết định xử phạt vi phạm hành chính sẽ được gửi qua đường bưu điện cho anh. Do đó anh muốn hỏi: việc gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho cá nhân, tổ chức để thi hành được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 70 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định:

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt biết.

Đối với trường hợp quyết định được giao trực tiếp mà cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận quyết định thì người có thẩm quyền lập biên bản về việc không nhận quyết định có xác nhận của chính quyền địa phương và được coi là quyết định đã được giao.

Đối với trường hợp gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm, nếu sau thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định xử phạt đã được gửi qua đường bưu điện đến lần thứ ba mà bị trả lại do cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận; quyết định xử phạt đã được niêm yết tại nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức bị xử phạt hoặc có căn cứ cho rằng người vi phạm trốn tránh không nhận quyết định xử phạt thì được coi là quyết định đã được giao.

Như vậy, việc gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành được thực hiện theo các quy định nêu trên.

36. Anh Trần Thế A bị Ủy ban nhân dân huyện X ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 20.000.000 đồng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc kinh doanh buôn bán của gia đình anh gặp nhiều khó khăn, do đó anh hỏi: những đối tượng nào được hoãn thi hành quyết định phạt tiền? người nào có thẩm quyền quyết định việc hoãn thi hành quyết định và thời hạn hoãn là bao nhiêu ngày?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Đối tượng được thi hành quyết định phạt tiền được quy định tại khoản 1 Điều 76 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), theo đó, trường hợp được xem xét giảm, miễn tiền phạt phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

Cá nhân bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng trở lên, tổ chức bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng trở lên;

Cá nhân đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn; tổ chức đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh.

Trường hợp cá nhân gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc; trường hợp cá nhân gặp khó khăn về kinh tế do mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn thì phải có thêm xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện trở lên.

Trường hợp tổ chức đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.

Về thẩm quyền quyết định việc hoãn thi hành quyết định phạt tiền và thời hạn hoãn, theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 76 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì:

Cá nhân, tổ chức phải có đơn đề nghị hoãn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính kèm theo văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều Điều 76 Luật xử lý vi phạm hành chính gửi người đã ra quyết định xử phạt trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 68 của Luật này. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, người đã ra quyết định xử phạt xem xét, quyết định hoãn thi hành quyết định xử phạt đó.

Thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt không quá 03 tháng, kể từ ngày có quyết định hoãn.

đích không phải để ở.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu với hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 1, điểm a, điểm b khoản 2 Điều này;

b) Buộc chuyển kinh doanh hàng hóa nguy hiểm gây cháy nổ ra khỏi địa bàn dân cư hoặc buộc không sử dụng dịch vụ sửa chữa xe có động cơ hoặc buộc không kinh doanh dịch vụ giết mổ gia súc ở khu vực nhà chung cư với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

c) Buộc đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng cháy, chữa cháy theo quy định với hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;

d) Buộc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích để ở với hành vi quy định tại điểm e khoản 1 Điều này;

đ) Buộc trả lại phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

e) Buộc sử dụng đúng phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp với hành vi quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì với hành vi sử dụng màu sắc sơn, trang trí mặt ngoài căn hộ, nhà chung cư không đúng quy định về thiết kế, kiến trúc sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Đồng thời, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

37. Nguyễn Đình T là học sinh của Trường giáo dưỡng X. Người thân trong gia đình T muốn gửi tiền, quà cho T nhưng không biết pháp luật quy định vấn đề này như thế nào. Nên mẹ của T hỏi: theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì người thân muốn gửi tiền, quà cho T phải tuân thủ theo những quy định nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 24 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định:

“3. Chế độ nhận tiền, quà

a) Học sinh được nhận tiền mặt (Việt Nam đồng) do thân nhân đến thăm gặp gửi thì cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp tiếp nhận, chuyển vào Sổ lưu ký học sinh; đối với tiền gửi qua bưu điện thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng có trách nhiệm cử cán bộ đến bưu điện nhận tiền và làm thủ tục lưu ký theo quy định, vào sổ theo dõi, quản lý, đồng thời thông báo cho học sinh được nhận tiền biết.

Số tiền lưu ký của học sinh được sử dụng mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa và các đồ dùng thiết yếu khác tại căng tin trường giáo dưỡng; thanh toán tiền gửi thư, liên lạc điện thoại; gửi về cho thân nhân hoặc nhận lại (nếu còn) khi chấp hành xong quyết định;

b) Học sinh được nhận quà khi thăm gặp thân nhân theo quy định của pháp luật. Đối với quà là hàng tươi sống, thực phẩm chế biến không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì yêu cầu thân nhân nhận lại; mỗi tháng học sinh được nhận bưu phẩm, bưu kiện 02 lần qua đường bưu điện, mỗi lần không quá 07 kg, nếu gửi 01 lần thì không quá 14 kg; trường hợp bưu phẩm, bưu kiện không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì lập biên bản tiêu hủy có sự chứng kiến, chữ ký hoặc điểm chỉ xác nhận của học sinh;

c) Học sinh được nhận thuốc chữa bệnh, thuốc bổ, thực phẩm chức năng khi thăm gặp thân nhân, các loại thuốc, thực phẩm chức năng thì phải có nhãn mác, hàm lượng, công dụng, nơi sản xuất và còn thời hạn sử dụng. Trường giáo dưỡng bố trí tủ riêng để bảo quản, cán bộ y tế có trách nhiệm quản lý tủ thuốc, kiểm tra, hướng dẫn học sinh sử dụng khi có nhu cầu. Khi học sinh ốm, đau có nhu cầu sử dụng thuốc cán bộ y tế căn cứ vào bệnh lý, phác đồ điều trị để cấp thuốc và hướng dẫn học sinh sử dụng và ghi rõ trong bệnh án: “Thuốc do thân nhân gửi” hoặc ghi vào Sổ theo dõi, học sinh nhận, sử dụng thuốc phải ký tên hoặc điểm chỉ vào bệnh án hoặc Sổ theo dõi. Thuốc chữa bệnh, thuốc bổ, thực phẩm chức năng hết hạn phải lập biên bản tiêu hủy có sự chứng kiến, chữ ký hoặc điểm chỉ xác nhận của học sinh.

Khi học sinh chấp hành xong quyết định hoặc điều chuyển nơi khác cán bộ y tế phải kiểm tra, đối chiếu, trả lại học sinh số thuốc, thực phẩm chức năng chưa sử dụng hết hoặc bàn giao thuốc kèm theo hồ sơ sức khỏe của học sinh.”

Như vậy, việc nhận tiền, quà của T (học sinh trường giáo dưỡng) được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP như đã viện dẫn nêu trên.

38. M thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Khi đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, M đã đánh bạn học dẫn đến thương tích trên 20%. Vậy trong trường hợp M bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì hành vi trên thì theo quy định của pháp luật sẽ được giải quyết như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định:

“2. Trường hợp học sinh, trại viên đang chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc thì giải quyết như sau:

a) Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền gửi văn bản kèm theo các quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can cho Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc;

b) Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định đối với học sinh, trại viên và gửi ngay quyết định cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền, đồng thời thông báo cho Tòa án nhân dân nơi đã ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định tạm đình chỉ, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền có trách nhiệm đến trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc nhận học sinh, trại viên;

d) Thời gian tạm đình chỉ, gia hạn tạm đình chỉ (nếu có) không được quá thời gian còn lại của quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc. Nếu ngày chấp hành xong thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc đúng ngày hết thời hạn tạm đình chỉ, gia hạn tạm đình chỉ (nếu có) thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc có trách nhiệm làm thủ tục theo quy định tại Điều 42, Điều 43 Nghị định này.”

Như vậy, do M thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng nên trường hợp của M sẽ được giải quyết theo các quy định viện dẫn nêu trên.

39. Anh A là đối tượng đã có quyết định đưa vào cơ sở trường giáo dưỡng. Tuy nhiên, trước khi bị đưa vào cơ sở A đã bỏ trốn khỏi địa phương. Vậy theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, trường hợp anh A sẽ được xử lý như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 10 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định:

“1. Người đã có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc nhưng chưa thi hành quyết định mà bỏ trốn thì Trưởng Công an cấp huyện nơi đã lập hồ sơ ra quyết định truy tìm.

2. Học sinh bỏ trốn thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng ra quyết định truy tìm; trại viên bỏ trốn thì Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc ra quyết định truy tìm. Thời gian trốn khỏi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc không được tính vào thời gian chấp hành quyết định.

3. Cơ quan đã ra quyết định truy tìm có trách nhiệm tổ chức truy tìm; nếu người đó có hành vi chống đối thì được áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết theo quy định của pháp luật để buộc người đó phải chấp hành.

4. Ủy ban nhân dân và cơ quan Công an các cấp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều này trong việc truy tìm đối tượng bỏ trốn.

Khi phát hiện người có quyết định truy tìm, phải báo ngay cho cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gần nhất hoặc đưa ngay người đó đến cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân nơi gần nhất để đưa đến cơ quan Công an cấp huyện nơi gần nhất.

5. Khi giao, nhận người có quyết định truy tìm, cơ quan Công an phải lập biên bản, lấy lời khai, đồng thời thông báo ngay cho cơ quan đã ra quyết định truy tìm biết và cử người đến nhận. Trường hợp cơ quan ra quyết định truy tìm chưa đến kịp thì cơ quan Công an phải ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 122 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và quản lý tại nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính. Trường hợp không có nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính thì tạm giữ tại phòng trực ban hoặc phòng khác tại nơi làm việc.

6. Khi đưa đối tượng về trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc thực hiện áp giải theo quy định của pháp luật.

7. Tùy từng trường hợp cụ thể, quyết định truy tìm được gửi cho cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân địa phương liên quan để phục vụ cho việc truy tìm và bắt giữ đối tượng.

Như vậy, do A đã bỏ trốn trước khi đưa vào trường giáo dưỡng nên theo quy định thì Trưởng Công an cấp huyện nơi đã lập hồ sơ ra quyết định truy tìm A theo các quy định nêu trên.

40. M là đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Do sức khỏe của M không tốt nên gia đình lo rằng M vào trường giáo dưỡng sẽ không được khám bệnh, chữa bệnh đầy đủ. Vậy, theo quy định của pháp luật, việc chăm sóc y tế cho trại viên trường giáo dưỡng được thực hiện như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 34 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định:

“1. Trại viên khi đến cơ sở giáo dục bắt buộc được y tế của cơ sở giáo dục bắt buộc tổ chức khám sức khỏe và lập phiếu theo dõi. Trong thời gian trại viên chấp hành tại cơ sở giáo dục bắt buộc, căn cứ tình hình cụ thể của đơn vị tổ chức khám sức khỏe tổng quát cho trại viên, định kỳ 01 năm/lần, cụ thể: Đo chiều cao, cân nặng, vòng ngực trung bình, kiểm tra các thông số về nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ cơ thể, khám lâm sàng toàn diện theo các chuyên khoa. Việc khám sức khỏe cho trại viên được lưu kết quả vào hồ sơ để quản lý, theo dõi sức khỏe của trại viên.

2. Chi phí khám sức khỏe tổng quát, định kỳ cho trại viên được thanh toán theo khung giá quy định của Bộ Y tế. Tiền thuốc chữa bệnh thông thường cho trại viên được cấp tương đương 04 kg gạo tẻ/trại viên/tháng.

3. Cơ sở giáo dục bắt buộc thường xuyên có biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thực hiện các biện pháp cai nghiện ma túy, phòng, chống lây nhiễm, điều trị HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác cho trại viên.

4. Trại viên bị ốm được điều trị tại cơ sở y tế của cơ sở giáo dục bắt buộc. Trường hợp trại viên bị ốm nặng vượt quá khả năng điều trị tại cơ sở y tế của cơ sở giáo dục bắt buộc thì được đưa đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên hoặc có thể được đưa về gia đình để điều trị.

5. Trường hợp trại viên bị thương tích do tai nạn lao động, thiên tai, hỏa hoạn thì Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc phải làm các thủ tục để thực hiện chế độ trợ cấp theo quy định.

6. Kinh phí để thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này do ngân sách nhà nước cấp. Trường hợp trại viên được tạm đình chỉ để đưa về gia đình điều trị thì gia đình phải chi trả toàn bộ kinh phí khám bệnh, chữa bệnh cho trại viên.

7. Trường hợp trại viên bị ốm nặng phải đưa đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên để điều trị lâu dài thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày đưa đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc phải báo cáo Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng và thông báo cho thân nhân của trại viên.

8. Thời gian trại viên điều trị bệnh được tính vào thời gian chấp hành quyết định. Một ngày điều trị bệnh được tính bằng một ngày chấp hành quyết định.”

 Như vậy, việc chăm sóc y tế cho trại viên trường giáo dưỡng được thực hiện theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP như đã viện dẫn nêu trên./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày