Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
20 năm xây dựng và phát triển Trợ giúp pháp lý tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 06/03/2018

Hòa chung trong không khí cả nước hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý, điểm lại lịch sử hình thành và phát triển của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng ta nhìn lại những kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm 20 năm qua để tiếp tục xây dựng và nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ TGPL trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định số 424/1998/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế (sau này đổi thành Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế) thực hiện chức năng, nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong suốt 20 năm qua, từ những khó khăn ban đầu với số biên chế ít ỏi, Trung tâm chỉ có 05 viên chức và 01 Phó Giám đốc Sở kiêm Giám đốc Trung tâm, đến năm 2016, khi Luật Trợ giúp pháp lý ra đời, Trung tâm cơ bản được củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy với 27 công chức, viên chức, người lao động, trong đó có 20 Trợ giúp viên pháp lý, có 01 Giám đốc, 01 Phó Giám đốc, 03 phòng nghiệp vụ và 02 Chi nhánh trực thuộc Trung tâm đặt tại huyện Phong Điền và Phú Lộc; 09 Tổ Cộng tác viên pháp lý đặt tại các huyện, thị xã, thành phố; 10 Tổ chức hành nghề Luật sư, 01 Trung tâm tư vấn pháp luật đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý; 121 Cộng tác viên pháp lý, trong đó 13 Cộng tác viên là Luật sư, 01 Tư vấn viên pháp luật, Cộng tác viên còn lại là công chức, viên chức đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị tại cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; thành lập 80 Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý.

Hai mươi năm qua, sự hình thành và phát triển của Trợ giúp pháp lý luôn gắn với sự phát triển của ngành Tư pháp tỉnh nhà và đạt được một số thành tựu nổi bật như sau:

Trung tâm TGPL đã đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý qua các đợt tập huấn, TGPL lưu động, tờ gấp pháp luật, các chuyên trang, chuyên mục về TGPL trên hệ thống loa truyền thanh của xã, sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL. Từ tháng 3/1998 đến 31/12/2017: Trung tâm đã phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện, thị xã và thành phố Huế, các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Trung tâm phòng chống HIV đã thực hiện trợ giúp pháp lý được 23.074 vụ việc (tư vấn pháp luật 20.875 vụ việc, tham gia tố tụng 2.052 vụ việc, hình thức khác 147 vụ việc) trong đó Dân sự- Hôn nhân và gia đình 7.226 vụ việc, Hình sự 2.560 vụ việc, Hành chính 3.505 vụ việc và lĩnh vực khác 9.783 vụ việc. Hầu hết trong các vụ án có Trợ giúp viên pháp lý tham gia, người được TGPL đều được hưởng mức hình phạt nhẹ hơn hoặc dưới khung hình phạt mà Viện Kiểm sát đề nghị tại các Bản luận tội hoặc hưởng án treo hoặc hình phạt Cải tạo không giam giữ.

    Trong hoạt động phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng, tiến hành lắp đặt và niêm yết 65 bảng thông tin về trợ giúp pháp lý và 92 Hộp tin trợ giúp pháp lý tại nơi tiếp dân của cơ quan tiến hành tố tụng các cấp, trại tạm giam, nhà tạm giữ và các cơ quan liên quan trên địa bàn; cung cấp miễn phí mẫu đơn đề nghị trợ giúp pháp lý và các tờ gấp pháp luật về trợ giúp pháp lý đến với nhân dân; tham mưu Hội đồng phối hợp tổ chức 09 đợt kiểm tra về công tác phối hợp.

           

          Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, để người dân sinh sống tại các xã vùng sâu, vùng xa được nâng cao kiến thức pháp luật và tiếp cận với dịch vụ pháp lý miễn phí mà không phải đi xa, Trung tâm phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện, thị xã và các Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý tại các xã nghèo, các xã có thôn, bản đặc biệt khó khăn đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động và truyền thông về hoạt động TGPL tại cơ sở được 668 lượt xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, thu hút 29.463 lượt người tham gia, tư vấn 8.732 vụ việc; lắp đặt mới tại các điểm 450 bảng tin, hộp tin về trợ giúp pháp lý; cấp phát miễn phí hàng ngàn các loại tờ gấp pháp luật bằng tiếng dân tộc Pa-co, tiếng Việt cho người dân thông qua các đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở.

         Để bảo đảm nguồn lực thực hiện TGPL có chất lượng, đòi hỏi cần nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ TGPL cho đội ngũ người thực hiện TGPL, trên địa bàn tỉnh, Trung tâm đã tham mưu Giám đốc Sở Tư pháp cử 18 viên chức, công chức tham gia khóa đào tạo nghiệp vụ Luật sư do Học viện Tư pháp tổ chức, 20 viên chức, công chức tham gia lớp nghiệp vụ TGPL do Cục TGPL tổ chức, 02 viên chức đã tốt nghiệp thạc sĩ Luật; tổ chức 31 lớp tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ cho người thực hiện TGPL là các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư – Cộng tác viên, Cộng tác viên pháp lý, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ TGPL, Tổ hòa giải, Hội viên hội phụ nữ.

         

 Với những kết quả đạt được trong 20 năm qua, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng thưởng nhiều Bằng khen giai đoạn 2005-2008; 2006-2010 và tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” qua các năm 2006, 2007, 2009, 2013, đặc biệt trong đợt phát động phong trào thi đua cao điểm (6 tháng đầu năm 2017) hướng tới kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Tổ chức Trợ giúp pháp lý, Trung tâm được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen; 01 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp tặng nhiều Bằng khen.

Có thể nói trong 20 năm xây dựng và phát triển của hoạt động trợ giúp pháp lý đã góp phần cùng với ngành Tư pháp tỉnh nhà nâng cao kiến thức pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công cách mạng, người khuyết tật và những người yếu thế trong xã hội góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo về mặt pháp luật cho người dân, đảm bảo chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, phấn đấu xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Hồ Thị Ly
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.367.186
Lượt truy cập hiện tại 8.003