Theo đó, Kế hoạch đưa ra các nội dung trọng tâm và phân công trách nhiệm thực hiện cụ thể như sau:
1. Bộ Công an: Là cơ quan chủ trì thực hiện Kế hoạch này, có trách nhiệm tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ: Thành lập Nhóm công tác liên ngành thực hiện Bản Ghi nhớ; xây dựng kế hoạch, chiến lược và tổ chức thực hiện hoạt động ưu tiên hợp tác giữa cơ quan chức năng hai nước để thực hiện có hiệu quả Bản Ghi nhớ; định kỳ luân phiên tổ chức họp giữa hai nước nhằm đánh giá kết quả phối hợp thực hiện Bản Ghi nhớ và bản kế hoạch ưu tiên phối hợp trong thời gian tới hoặc tổ chức các cuộc họp đột xuất để trao đổi các vấn đề cần thiết khác; triển khai thực hiện có hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản, chủ động nắm chắc tình hình, tập trung điều tra, thu thập, kịp thời bổ sung, điều chỉnh thông tin về địa bàn, tuyến trọng điểm, các đường dây, tổ chức, cá nhân có biểu hiện nghi vấn hoạt động mua bán người hoặc di cư trái phép sang Vương quốc Anh; tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh, nhất là các địa phương có nhiều người bị mua bán hoặc di cư trái phép sang Vương quốc Anh nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm mua bán người và lợi dụng người di cư trái phép để lừa bán nạn nhân sang Vương quốc Anh; tổ chức tiếp nhận, xác minh các nguồn tin báo, tố giác tội phạm của công dân, thông tin, tài liệu trên báo chí hoặc của cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội, cơ quan chức năng Vương quốc Anh chuyển giao nhằm phát hiện, khởi tố điều tra vụ, việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người và di cư trái phép xuyên quốc gia, có liên quan đến nạn nhân từ Việt Nam và Vương quốc Anh hoặc các nhóm tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến mua bán người hoạt động trên lãnh thổ hai nước. Đối với một số vụ án mua bán người có tính chất phức tạp, xuyên quốc gia cần chủ động báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền cử tổ công tác sang Vương Quốc Anh để kịp thời phối hợp điều tra, khám phá vụ án, truy bắt đối tượng phạm tội, giải cứu và hồi hương nạn nhân; tổ chức tiếp nhận, xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán hoặc người nghi bị mua bán từ Vương quốc Anh về Việt Nam và ngược lại; thực hiện các biện pháp bảo vệ nạn nhân, trẻ em đi cùng nạn nhân và người thân thích của họ trong quá trình tiếp nhận, xác minh, xác định nạn nhân theo quy định của pháp luật mỗi nước và Bản Ghi nhớ này; chủ trì, phối hợp giữa các ngành, địa phương trong nước hoặc giữa cơ quan chức năng của Việt Nam với cơ quan hữu quan Vương quốc Anh và các nước, các tổ chức quốc tế trong trao đổi thông tin, thiết lập đường dây nóng, xác định đầu mối hợp tác xác minh, điều tra, bắt giữ, dẫn giải, chuyển giao, truy nã; xử lý đối tượng phạm tội mua bán người và các đối tượng có liên quan; giải cứu, tiếp nhận, xác minh, xác định, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân bị mua bán liên quan trên lãnh thổ hai nước; chủ trì, phối hợp giữa cơ quan chức năng của hai nước hợp tác hỗ trợ lẫn nhau tổ chức đào tạo, tập huấn, hội thảo và chia sẻ kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm, thiết bị, phương tiện nhằm nâng cao năng lực thực thi pháp luật trong lĩnh vực phòng ngừa, điều tra, xử lý các vụ án mua bán người và bảo vệ nạn nhân.
2. Bộ Quốc phòng: Chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển tích cực phối hợp với cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương tuyên truyền pháp luật về phòng, chống mua bán người tại khu vực biên giới, hải đảo nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới, vùng biển, quản lý chặt chẽ an ninh, trật tự khu Vực biên giới, hải đảo và trên biển để chủ động phát hiện, ngăn chặn tội phạm mua bán người và lợi dụng đưa người di cư trái phép để lừa bán sang Vương quốc Anh; tổ chức tiếp nhận, xác minh các nguồn tin báo, tố giác về tội phạm mua bán người; điều tra, phát hiện, truy bắt đối tượng phạm tội; thu thập tài liệu, chứng cứ, khởi tố vụ án; tiến hành điều tra theo thẩm quyền và thực hiện các biện pháp giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ ban đầu trong khu vực biên giới, biển và hải đảo có liên quan đến nạn nhân từ Việt Nam và Vương quốc Anh hoặc các nhóm tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến mua bán người đang hoạt động trên lãnh thổ hai nước.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông: Trực tiếp thực hiện và chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương có nhiều người di cư trái phép hoặc bị mua bán sang Vương quốc Anh đưa nội dung tuyên truyền phòng, chống mua bán người vào định hướng tuyên truyền hàng tháng tại hội nghị giao ban báo chí; chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí xây dựng, duy trì các chuyên trang, chuyên mục và tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thiết chế cơ sở, nhất là hàng năm tập trung các hoạt động hưởng ứng: “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7”; chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet truyền tải các thông điệp, thông tin về phòng, chống mua bán người bằng nhiều hình thức khác nhau; phối hợp kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn hoạt động mua bán người trái phép trên mạng Internet; tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng.
4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Tổ chức hỗ trợ nạn nhân bị mua bán từ Vương quốc Anh về Việt Nam và ngược lại, bố trí nơi lưu trú và thực hiện chế độ hỗ trợ cho nạn nhân theo quy định pháp luật, đảm bảo quá trình hòa nhập an toàn và hiệu quả cho nạn nhân hoặc người có nguy cơ trở thành nạn nhân. Đối với nạn nhân là trẻ em hoặc trẻ em có nguy cơ trở thành nạn nhân, các cơ quan chức năng cần trao đổi, hỗ trợ để trẻ em được đối xử và chăm sóc đặc biệt trong quá trình bảo vệ, hồi hương và làm các thủ tục pháp lý với việc cân nhắc lợi ích ở mức độ cao nhất; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, bảo đảm phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế; triển khai Bộ tài liệu Hướng dẫn thực hành chuyển tuyến, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán; tập huấn kỹ năng quản lý ca (quản lý từng trường hợp nạn nhân bị mua bán, từ khi được tiếp nhận cho đến khi tái hòa nhập cộng đồng thành công) trong công tác hỗ trợ nạn nhân cho cán bộ cơ sở; tuyên truyền rộng rãi Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em, trong đó có nội dung tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, với số máy 111.
5. Bộ Ngoại giao: Chỉ đạo cơ quan đại diện Việt Nam tại Vương quốc Anh và các quốc gia khác có liên quan thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, đặc biệt là nạn nhân bị mua bán hoặc nghi bị mua bán sang Vương quốc Anh; tăng cường hỗ trợ các cơ quan chức năng trong nước hợp tác với các cơ quan chức năng Vương quốc Anh kịp thời phối hợp điều tra các vụ án, triệt phá các đường dây mua bán người có liên quan đến hai nước, phát hiện, giải cứu, xác minh và làm các thủ tục cần thiết để hồi hương nạn nhân bị mua bán về nước; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan khác có thẩm quyền xây dựng đường dây nóng để trao đổi thông tin, xác minh, điều tra và giải cứu nạn nhân bị mua bán theo Bản Ghi nhớ này.
6. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao: Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án có liên quan đến mua bán người, bảo đảm không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; lựa chọn các vụ án trọng điểm để tổ chức xét xử lưu động phù hợp với tình hình, hoàn cảnh của địa phương, bảo đảm nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự, tôn trọng quyền con người, quyền công dân và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng; tăng cường năng lực cho các cơ quan truy tố, xét xử trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người.
7. Đề nghị Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: Tổ chức các hoạt động triển khai thực hiện “Chiến lược truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng”, nhất là các diễn đàn, đối thoại, tọa đàm, trao đổi, tư vấn, sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề... trực tiếp tại cộng đồng, tập trung tại các địa phương có nhiều người di cư trái phép hoặc bị mua bán sang Vương quốc Anh để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người và các vấn đề khác có liên quan như: di cư, hôn nhân và cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài; tổ chức các hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, thi sáng tác, xây dựng các tiểu phẩm hoặc thi tuyên truyền viên giỏi về phòng, chống mua bán người.
8. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tham gia thực hiện Kế hoạch này trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao.
9. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch tại địa phương; lồng ghép thực hiện Kế hoạch với Chương trình phòng, chống mua bán người, các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện công tác giám sát, đánh việc thực hiện Kế hoạch tại địa phương mình.