Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Ngành tư pháp Thừa Thiên Huế học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Ngày cập nhật 30/08/2012

Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, về tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đang hòa vào dòng chảy chung quyết tâm thực hiện tốt cuộc vận động và đặc biệt nhấn mạnh việc làm theo qua những hành vi thiết thực, cụ thể cũng như tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện những chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh, phù hợp với đặc điểm hoạt động của Ngành trong giai đoạn hiện nay.

Theo ông Nguyễn Văn Niêm, Chánh Văn phòng Sở thì trong suốt hơn 5 năm qua, nhất là thời gian gần đây, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được triển khai có hệ thống, có trọng tâm, trọng điểm trong cơ quan Sở. Hàng năm, Sở đều phát động cuộc vận động theo từng chủ đề thiết thực với phương châm chủ động, sáng tạo, đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng các yêu cầu đổi mới ngành Tư pháp, phục vụ nhân dân theo tấm gương đạo đức của Bác; giữ gìn và phát huy truyền thống của Ngành “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”, thực hành tư pháp gần dân, giúp dân, học dân, kiên trì đẩy mạnh cải cách lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Cuộc vận động đã được cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành hưởng ứng và đã mang lại những hiệu quả thiết thực.
Hiệu quả dễ nhận thấy đầu tiên đó chính là, từ cuộc vận động và qua cuộc vận động đã tạo nên được sự chuyển biến về nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác, từ đó tác động làm chuyển biến về hành động, nâng cao trách nhiệm, ý thức tự giác rèn luyện, cải tiến lề lối làm việc, chất lượng công tác, trách nhiệm và tinh thần phục vụ nhân dân...
Từ hiệu quả nhận thức sẽ dẫn đến hiệu quả tất yếu của hành động. Cụ thể nhất là hàng năm, ngành Tư pháp đã kết hợp với các tổ chức đoàn thể khác như Hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Công an ở thành phố Huế cũng như các địa phương khác tổ chức tập huấn cán bộ nguồn với nội dung: Đem luật về cơ sở, đem luật về bản làng với mục tiêu là trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết của một tuyên truyền viên pháp luật khi thực hiện tuyên truyền pháp luật tại cơ sở, địa bàn dân cư. Tại đây, các tuyên truyền viên đã được tiếp thu những nội dung cụ thể, thiết thực, gần gũi với người dân như Pháp lệnh dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn... Không giống với những hình thức tuyên truyền pháp luật “truyền thống”, các tuyên truyền viên ở đây có điều kiện tham gia trực tiếp vào nội dung tuyên truyền theo phương pháp “mở”, nghĩa là người tuyên truyền có quyền hỏi, bày tỏ quan điểm của mình với giảng viên. Ngoài ra, các tuyên truyền viên còn được thực hành kỹ năng nghe, nói, tổ chức một buổi tuyên truyền pháp luật tại thôn, xã. Do đó, sau khi dự xong lớp tập huấn, các tuyên truyền viên có thể tự xây dựng cho mình một chương trình tuyên truyền pháp luật tại địa phương. Được tập huấn, học tập, các tuyên truyền viên lại lao vào bám dân, bám bản. Họ như chiếc cầu nối đưa pháp luật đến với từng người dân. Hết tuyên truyền về Luật An toàn giao thông lại đến với Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ rừng; về vấn đề môi trường hay vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm... Điểm “nóng” của Thừa Thiên Huế cũng như ở nhiều tỉnh, thành khác là vấn đề hộ tịch, hộ khẩu. Để người dân quan tâm đến vấn đề hộ tịch, cán bộ tư pháp các cấp phụ trách về công tác hộ tịch phải đến từng thôn xóm- bản làng, thậm chí là đến từng nhà (nhất là ở vùng cao, vùng sâu vùng xa) để tuyên truyền, vận động bà con đến UBND các xã, phường để đăng ký khai sinh cho trẻ theo đúng thời hạn mà pháp luật quy định, tuyên truyền cho các đối tượng là thanh niên nam nữ hiểu được quyền đăng ký kết hôn khi đến tuổi lấy vợ lấy chồng. Có đi thực tế mới thấy những cái khó của cán bộ tư pháp cơ sở. Nhiều xã, phường (thậm chí là những xã, phường ven thành phố) những việc liên quan đến hộ tịch như đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký việc nuôi con nuôi... hầu như ít được người dân quan tâm. Thế là các tuyên truyền viên lại phải chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, tỉ mỉ để giúp người dân nắm bắt, tìm hiểu các quy định của pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Để công tác hộ tịch đi vào cuộc sống, nhiều năm qua, Sở Tư pháp cũng đã tổ chức nhiều cuộc thi hộ tịch viên giỏi. Đây là dịp để các hộ tịch viên học hỏi thêm những kinh nghiệm nghề nghiệp thông qua những tình huống có vấn đề rất sát với đời sống hàng ngày, đồng thời có thêm kiến thức để giải thích cho người dân hiểu rõ các quy định về hộ tịch. Chính nhờ những tác động đó mà trong phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến. Một trong những điển hình đó là tấm gương của người cán bộ Tư pháp-hộ tịch phường An Tây, thành phố Huế - ông Võ Công Hòa. Hơn gần 15 năm lăn lộn với công tác tư pháp (từng công tác tại xã Thủy An và năm 2007 được điều động về phường An Tây), Võ Công Hòa luôn khắc phục mọi khó khăn tham mưu cho Đảng và chính quyền địa phương về công tác quản lý đăng ký hộ tịch, công tác tư pháp tại cơ sở, công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật, và công tác hòa giải tại cơ sở đi vào hoạt động đúng pháp luật. Là người năng động, nhiệt tình trong công tác, gần gũi với quần chúng nhân dân, Võ Công Hòa đã vận động mọi người chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước. Ông đã đến tận tổ dân phố để lập thủ tục hướng dẫn đăng ký khai sinh cho trẻ mới sinh, đồng thời trợ giúp pháp lý cho nhân dân về thủ tục hành chính như: Đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn, cha mẹ nhận con, nuôi con nuôi, giám hộ, cải chính hộ tịch, xác đinh lại giới tính... Qua những năm phụ trách công tác Tư pháp - Hộ tịch tại cơ sở, ông đã kiến nghị những giải pháp để chính quyền địa phương thực hiện đúng pháp luật nhằm đẩy mạnh công tác phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng tại cơ sở. Bằng những việc làm trên, Võ Công Hòa đã hoàn thành nhiệm vụ được cấp ủy chính quyền địa phương tín nhiệm giao phó.
Có thể khẳng định rằng, việc Học và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ đã tạo ra những tác động tích cực trong nhận thức, tu dưỡng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành Tư pháp nói riêng và của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung. Việc tích cực học tập và làm theo tấm gương của Bác, gắn liền với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã góp lần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Ngành. Hy vọng rằng, với kết quả đạt được, ngành Tư pháp Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương, tập thể điển hình tiên tiến trong học và làm theo gương Bác.
 

N.T.V
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.345.628
Lượt truy cập hiện tại 19.506