Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tìm hiểu một số quy định của Luật thi hành án hình sự (tiếp theo)
Ngày cập nhật 22/02/2021

 

1. Chị Tuyết Hân xã HP, thị xã HT hỏi: việc nhận xét, đánh giá, xếp loại chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân đang chấp hành án phạt tù được thực hiện như thế nào?

  Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 18 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự quy định về định kỳ xếp loại chấp hành án phạt tù như sau:

1. Phạm nhân đang chấp hành án phạt tù được nhận xét, đánh giá, xếp loại chấp hành án phạt tù (sau đây viết gọn là xếp loại) định kỳ theo: Tuần, tháng, quý, 06 tháng và 01 năm, như sau:

a) Phạm nhân đã được nhận xét, đánh giá thái độ, kết quả chấp hành án phạt tù từ 04 ngày trở lên trong một tuần thì được xếp loại tuần. Xếp loại tuần vào ngày thứ Sáu hằng tuần. Thời gian xếp loại tuần tính từ ngày thứ Bảy tuần trước đến ngày thứ Sáu tuần sau đó;

b) Phạm nhân đã được xếp loại từ 03 tuần trở lên trong một tháng thì được xếp loại tháng. Xếp loại tháng vào ngày 25 hằng tháng. Thời gian xếp loại tháng kể từ ngày 26 của tháng trước đến ngày 25 của tháng sau đó. Trường hợp phạm nhân đã chấp hành án phạt tù được 20 ngày trong 01 tháng, thì thời gian xếp loại được tính từ ngày 06 đến ngày 25 của tháng đó;

c) Phạm nhân đã được xếp loại từ 02 tháng trở lên trong 01 quý thì được xếp loại quý. Xếp loại quý I vào ngày 25 tháng 02, quý II vào ngày 25 tháng 5, quý III vào ngày 25 tháng 8, quý IV vào ngày 25 tháng 11. Thời gian xếp loại quý kể từ ngày 26 của tháng cuối quý trước đến ngày 25 của tháng cuối quý sau đó;

d) Phạm nhân đã được xếp loại từ 04 tháng trở lên trong 06 tháng thì được xếp loại 06 tháng. Xếp loại 06 tháng đầu năm vào ngày 25 tháng 5; 06 tháng cuối năm vào ngày 25 tháng 11. Thời gian xếp loại 06 tháng đầu năm kể từ ngày 26 tháng 11 của năm trước đến ngày 25 tháng 5 của năm sau đó; xếp loại 06 tháng cuối năm kể từ ngày 26 tháng 5 đến ngày 25 tháng 11 của năm đó;

đ) Phạm nhân đã được xếp loại từ 10 tháng trở lên trong 01 năm thì được xếp loại 01 năm. Xếp loại 01 năm vào ngày 25 tháng 11 hằng năm. Thời gian xếp loại của 01 năm kể từ ngày 26 tháng 11 của năm trước đến ngày 25 tháng 11 của năm sau đó.

2. Thời gian xếp loại tính từ ngày lập biên bản tiếp nhận phạm nhân vào trại giam, phân trại quản lý phạm nhân của trại tạm giam hoặc buồng quản lý phạm nhân của nhà tạm giữ được chỉ định thi hành án phạt tù. Phạm nhân bị điều chuyển giữa các cơ sở giam giữ phạm nhân với nhau, thì thời gian và kết quả xếp loại được tính liên tục cả quá trình trước và sau khi điều chuyển.

3. Mỗi phân trại thuộc trại giam thành lập Tiểu ban xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân. Cơ sở giam giữ phạm nhân thành lập Hội đồng xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân. Tiểu ban, Hội đồng xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân họp xét xếp loại quý, 06 tháng và 01 năm cho phạm nhân. Phạm nhân lập công thì được xem xét nâng mức xếp loại chấp hành án phạt tù. Trường hợp phạm nhân khiếu nại về việc xếp loại, trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân phải có văn bản trả lời cho phạm nhân.

4. Quyết định xếp loại quý, 06 tháng, 01 năm và Bản kiểm điểm của phạm nhân được lưu hồ sơ phạm nhân. Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân có trách nhiệm thông báo công khai kết quả xếp loại quý, 06 tháng, 01 năm cho phạm nhân biết; thông báo tình hình chấp hành án phạt tù, xếp loại 06 tháng đầu năm, 06 tháng cuối năm và 01 năm cho thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của phạm nhân.

  Như vậy, phạm nhân đang chấp hành án phạt tù được nhận xét, đánh giá, xếp loại chấp hành án phạt tù theo quy định nêu trên.

  2. Anh Hùng ở phường TD, thị xã HT hỏi: việc nhận xét, đánh giá và quyết định kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù cho mỗi phạm nhân được dựa trên cơ sở họ thực hiện các trách nhiệm, nghĩa vụ nào?

  Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự quy định việc nhận xét, đánh giá và quyết định kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù cho mỗi phạm nhân được dựa trên cơ sở họ thực hiện các trách nhiệm, nghĩa vụ sau đây:

a) Mức độ ăn năn hối cải, nhận rõ tội lỗi của mình;

b) Việc chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, các quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án hình sự và quyết định khác của cơ quan nhà nước;

c) Việc chấp hành Nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, các quy định của pháp luật liên quan và quy định của cơ sở giam giữ phạm nhân;

d) Việc tham gia các chương trình, nội dung, hoạt động giáo dục, lao động, học tập, học nghề theo quy định;

đ) Việc khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra;

e) Việc thực hiện các trách nhiệm, nghĩa vụ khác của phạm nhân theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và pháp luật khác có liên quan.

Như vậy, việc nhận xét, đánh giá và quyết định kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù cho mỗi phạm nhân được dựa trên cơ sở họ thực hiện các trách nhiệm, nghĩa vụ theo viện dẫn trên.

3. Chị Mai Hương có em trai đang chấp hành tại trại giam B. Em trai chị Hương đang cố gắng cải tạo tốt để được tha tù trước thời hạn. Do đó chị Hương hỏi: phạm nhân phải thực hiện đầy đủ các tiêu chí xếp loại chấp hành án phạt tù nào thì được xếp loại tốt?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự quy định phạm nhân phải thực hiện đầy đủ các tiêu chí xếp loại chấp hành án phạt tù sau đây thì được xếp loại tốt:

a) Ăn năn hối cải, nhận rõ tội lỗi, xác định đúng đắn thái độ, tư tưởng, yên tâm học tập, lao động, rèn luyện tiến bộ, nêu cao tinh thần vượt khó, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội;

b) Có tinh thần trách nhiệm cao, tự giác chấp hành nghiêm bản án, quyết định của Tòa án, các quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án hình sự và quyết định khác của cơ quan nhà nước;

c) Thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc Nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, các quy định của pháp luật liên quan và quy định của cơ sở giam giữ phạm nhân; trung thực khai báo, tố giác hành vi phạm tội của người khác mà mình biết, tích cực ngăn chặn, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, thái độ, hành vi sai phạm của phạm nhân khác;

d) Có tinh thần trách nhiệm cao, tự giác, tích cực trong lao động, nghiêm túc chấp hành sự phân công của cán bộ, tham gia đầy đủ 100% ngày công, lao động có chất lượng, hiệu quả, hoàn thành 100% định mức công việc và vượt định mức hoặc tiến độ được giao, hoàn thành tốt công việc đột xuất khác, thực hiện nghiêm kỷ luật, an toàn, vệ sinh lao động, có tinh thần giúp đỡ phạm nhân khác trong công việc. Có tinh thần trách nhiệm cao, tích cực trong học tập, học nghề, các hoạt động giáo dục ngoại khóa theo quy định; tham gia học tập đầy đủ, kết quả học tập đạt từ khá trở lên; có tinh thần phấn đấu học tập nâng cao kiến thức, hiểu biết, kỹ năng nghề nghiệp;

đ) Thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc nếp sống kỷ luật, trật tự, văn minh, giao tiếp, ứng xử văn hóa trong phạm nhân; có tinh thần tích cực, chủ động tham gia và có thành tích tiêu biểu trong các phong trào thi đua; có tinh thần giúp đỡ phạm nhân khác cùng tiến bộ;

e) Tích cực khắc phục xong hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Phạm nhân bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền (nếu có), nộp án phí, bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác thì phải đã thực hiện xong các nghĩa vụ đó. Trường hợp được miễn thi hành hoặc bản án tuyên tạm giữ tiền đảm bảo thi hành án, số tiền đó bằng hoặc cao hơn số tiền phải khắc phục hoặc đã bị kê biên tài sản, cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc xác nhận số tài sản kê biên đủ hoặc cao hơn để bảo đảm thi hành án hoặc cơ quan thi hành án dân sự có quyết định đình chỉ thi hành án hoặc quyết định kết thúc thi hành án, thì được coi là đã khắc phục xong hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Trường hợp người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại có văn bản đồng ý xóa nợ hoặc xác nhận đã nhận đủ số tiền mà bản án đã tuyên, được Cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú xác nhận thì được coi là đã khắc phục xong hậu quả.

Phạm nhân phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng hằng tháng, đến kỳ xếp loại, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được nhận cấp dưỡng cư trú hoặc cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc xác nhận là đã thực hiện xong đến thời điểm đó, thì được coi là đã tích cực khắc phục hậu quả.

Phạm nhân khi thực hiện hành vi phạm tội là người dưới 18 tuổi mà Tòa án quyết định bố, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại dân sự, nếu những người đó đã thực hiện xong hoặc phạm nhân đã nhiều lần viết thư, liên lạc bằng điện thoại, trực tiếp đề nghị, vận động bố, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp thực hiện mà mới thực hiện được một phần thì được coi là đã tích cực khắc phục hậu quả;

g) Thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc các trách nhiệm, nghĩa vụ khác của phạm nhân theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và pháp luật khác có liên quan.

Như vậy, phạm nhân phải thực hiện đầy đủ các tiêu chí xếp loại chấp hành án phạt tù nêu trên thì được xếp loại tốt.

  4. Anh Quân ở xã ĐM, huyện QĐ cho biết: Anh họ tôi có khiếu nại liên quan đến việc chấp hành án phạt tù thì có được xem xét xếp loại khá khi xếp loại chấp hành án phạt tù không?

  Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 19 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự quy định phạm nhân phải thực hiện đầy đủ các tiêu chí xếp loại chấp hành án phạt tù sau đây thì được xếp loại khá:

a) Phải đạt các tiêu chí:

- Ăn năn hối cải, nhận rõ tội lỗi, xác định đúng đắn thái độ, tư tưởng, yên tâm học tập, lao động, rèn luyện tiến bộ, nêu cao tinh thần vượt khó, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội;

- Thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc Nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, các quy định của pháp luật liên quan và quy định của cơ sở giam giữ phạm nhân; trung thực khai báo, tố giác hành vi phạm tội của người khác mà mình biết, tích cực ngăn chặn, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, thái độ, hành vi sai phạm của phạm nhân khác;

- Thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc các trách nhiệm, nghĩa vụ khác của phạm nhân theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và pháp luật khác có liên quan.

b) Phạm nhân phải nghiêm túc thực hiện đầy đủ các quy định: có tinh thần trách nhiệm cao, tự giác chấp hành nghiêm bản án, quyết định của Tòa án, các quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án hình sự và quyết định khác của cơ quan nhà nước. Trường hợp khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án hoặc về vấn đề khác liên quan đến việc chấp hành án phạt tù thì phải đúng quy định pháp luật;

c) Phải đạt các tiêu chí: có tinh thần trách nhiệm cao, tự giác, tích cực trong lao động, nghiêm túc chấp hành sự phân công của cán bộ, tham gia đầy đủ 100% ngày công, lao động có chất lượng, hiệu quả, hoàn thành 100% định mức công việc và vượt định mức hoặc tiến độ được giao, hoàn thành tốt công việc đột xuất khác, thực hiện nghiêm kỷ luật, an toàn, vệ sinh lao động, có tinh thần giúp đỡ phạm nhân khác trong công việc. Có tinh thần trách nhiệm cao, tích cực trong học tập, học nghề, các hoạt động giáo dục ngoại khóa theo quy định; tham gia học tập đầy đủ, kết quả học tập đạt từ khá trở lên; có tinh thần phấn đấu học tập nâng cao kiến thức, hiểu biết, kỹ năng nghề nghiệp. Riêng đối với tiêu chí vượt định mức lao động hoặc tiến độ công việc được giao, phạm nhân chưa đạt hoặc chưa thường xuyên đạt tiêu chí này. Tiêu chí về kết quả tham gia học tập, phạm nhân phải đạt từ trung bình trở lên.

Phạm nhân bị ốm, đau đang điều trị; là thương binh, bệnh binh; khuyết tật hoặc có nhược điểm về thể chất, tinh thần; phụ nữ có thai, nghỉ thai sản; có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi đang ở cùng trong trại giam; già yếu nam từ 70 tuổi, nữ từ 65 tuổi trở lên; các phạm nhân thường xuyên bị ốm, đau, bệnh tật làm hạn chế khả năng tham gia lao động, học tập được miễn hoặc giảm nhẹ kết quả tham gia lao động, học tập;

d) Phải đạt các tiêu chí: thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc nếp sống kỷ luật, trật tự, văn minh, giao tiếp, ứng xử văn hóa trong phạm nhân; có tinh thần tích cực, chủ động tham gia và có thành tích tiêu biểu trong các phong trào thi đua; có tinh thần giúp đỡ phạm nhân khác cùng tiến bộ, tuy nhiên đối với tiêu chí có thành tích tiêu biểu các phong trào thi đua thì phạm nhân chưa đạt;

đ) Tích cực khắc phục xong hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Phạm nhân bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền (nếu có), nộp án phí, bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác thì phải đã thực hiện xong các nghĩa vụ đó. Trường hợp được miễn thi hành hoặc bản án tuyên tạm giữ tiền đảm bảo thi hành án, số tiền đó bằng hoặc cao hơn số tiền phải khắc phục hoặc đã bị kê biên tài sản, cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc xác nhận số tài sản kê biên đủ hoặc cao hơn để bảo đảm thi hành án hoặc cơ quan thi hành án dân sự có quyết định đình chỉ thi hành án hoặc quyết định kết thúc thi hành án, thì được coi là đã khắc phục xong hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Trường hợp người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại có văn bản đồng ý xóa nợ hoặc xác nhận đã nhận đủ số tiền mà bản án đã tuyên, được Cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú xác nhận thì được coi là đã khắc phục xong hậu quả.Phạm nhân phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng hằng tháng, đến kỳ xếp loại, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được nhận cấp dưỡng cư trú hoặc cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc xác nhận là đã thực hiện xong đến thời điểm đó, thì được coi là đã tích cực khắc phục hậu quả. Phạm nhân khi thực hiện hành vi phạm tội là người dưới 18 tuổi mà Tòa án quyết định bố, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại dân sự, nếu những người đó đã thực hiện xong hoặc phạm nhân đã nhiều lần viết thư, liên lạc bằng điện thoại, trực tiếp đề nghị, vận động bố, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp thực hiện mà mới thực hiện được một phần thì được coi là đã tích cực khắc phục hậu quả;

Đối với các tiêu chí nêu trên, nếu phạm nhân thuộc các trường hợp không nơi nương tựa, không xác định được thân nhân, là người dân tộc ít người, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì có bản cam kết khắc phục sau khi chấp hành xong án phạt tù được Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân xác nhận hoặc phạm nhân tự nguyện trích tiền lưu ký, khen thưởng, từ kết quả tham gia lao động để thực hiện, thì được coi là tích cực khắc phục hậu quả. Phạm nhân có hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn, thân nhân phạm nhân có đơn trình bày được Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, đơn vị công tác xác nhận, phạm nhân cam kết khắc phục sau khi chấp hành xong án phạt tù có xác nhận của thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân, thì được coi là tích cực khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Trường hợp gia đình phạm nhân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đề nghị thực hiện làm nhiều đợt tại cơ sở giam giữ phạm nhân, thì phạm nhân viết cam kết, thân nhân phạm nhân làm đơn cam kết thời hạn, tiến độ thực hiện được Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân xác nhận và thực hiện nộp tiền đúng cam kết mới được coi là tích cực khắc phục hậu quả. Trường hợp thực hiện không đúng cam kết, thì không được coi là tích cực khắc phục hậu quả. Phạm nhân có đơn trình bày hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn nhưng có tổng số tiền gửi lưu ký lớn, bằng hoặc cao hơn nghĩa vụ dân sự phải thực hiện, thì giáo dục họ cam kết trích một phần để thực hiện, nếu cố tình không thực hiện, thì không được coi là tích cực khắc phục hậu quả.Phạm nhân quốc tịch nước ngoài chưa khắc phục xong hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra, thì Giám thị trại giam yêu cầu họ viết thư cho thân nhân, gửi Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng để chuyển cho cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự nước mà phạm nhân mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam phối hợp giải quyết.

          Như vậy, anh họ của anh Quân ngoài việc phải chấp hành đầy đủ các tiêu chí nêu trên thì việc khiếu nại liên quan đến việc chấp hành án phạt tù phải đúng quy định pháp luật mới được xem xét xếp loại khá khi xếp loại chấp hành án phạt tù.

 

5. Chị Mai có em trai đang chấp hành án tù tại trại giam T. Do em trai chị Mai vừa có nhiều hành vi vi phạm nội quy của trại giam nên chị Mai hỏi: trong cùng một vụ việc, phạm nhân có nhiều hành vi vi phạm thì có bị xử lý bằng nhiều hình thức kỷ luật khác nhau không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 20 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự quy định xử lý phạm nhân vi phạm như sau:

1. Phạm nhân vi phạm đều phải xem xét, xử lý kỷ luật kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật. Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần bằng một hình thức kỷ luật. Trong cùng một vụ việc có nhiều phạm nhân vi phạm, thì mỗi phạm nhân đều bị xử lý kỷ luật về hành vi vi phạm của mình. Trong cùng một vụ việc, nếu một phạm nhân có nhiều hành vi vi phạm, thì áp dụng chung bằng một hình thức kỷ luật, không tách riêng từng hành vi vi phạm để xử lý với các hình thức kỷ luật khác nhau.

2. Khi xử lý kỷ luật phạm nhân phải xem xét, đánh giá làm rõ tính chất, mức độ, hậu quả, động cơ, mục đích, nguyên nhân vi phạm; các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hình thức kỷ luật; mức độ ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, quyết tâm sửa chữa vi phạm, khắc phục hậu quả để xem xét, áp dụng hình thức kỷ luật phù hợp. Trường hợp phát hiện xử lý kỷ luật không đúng quy định phải hủy bỏ hoặc thay đổi quyết định kỷ luật đó cho phù hợp với tính chất, mức độ, hành vi vi phạm.

3. Trường hợp phạm nhân có nhiều tình tiết giảm nhẹ, ăn năn, hối cải, cam kết tích cực phấn đấu sửa chữa vi phạm hoặc lập công chuộc tội thì xem xét, xử lý kỷ luật có thể ở mức nhẹ hơn.

4. Phạm nhân đang thi hành quyết định kỷ luật nếu có quyết định điều chuyển đến cơ sở giam giữ khác thì tiếp tục thi hành quyết định kỷ luật. Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân quyết định kỷ luật hoặc thay đổi, hủy bỏ quyết định kỷ luật phạm nhân bằng văn bản và lưu hồ sơ phạm nhân.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, Trong cùng một vụ việc, nếu một phạm nhân có nhiều hành vi vi phạm, thì áp dụng chung bằng một hình thức kỷ luật, không tách riêng từng hành vi vi phạm để xử lý với các hình thức kỷ luật khác nhau.

6. Anh Quang cho biết: con trai tôi đang chấp hành án phạt tù tại trại giam M. Vừa qua, con trai tôi có hành vi vi phạm nội quy trại giam. Do đó, tôi muốn hỏi: khi kỷ luật phạm nhân các tình tiết nào có thể được xem xét giảm nhẹ hình thức kỷ luật?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 21 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự quy định phạm nhân vi phạm có một trong các tình tiết sau đây có thể được xem xét giảm nhẹ hình thức kỷ luật:

1. Vi phạm lần đầu, gây hậu quả không lớn; khai báo thành khẩn, trung thực về vi phạm của mình và những phạm nhân khác; chủ động ngăn chặn hành vi vi phạm của phạm nhân khác; tích cực khắc phục hậu quả do mình gây ra (nếu có).

2. Ăn năn hối cải, nhận rõ sai phạm, tự giác nhận khuyết điểm, tích cực tiếp thu sự giáo dục, sửa chữa vi phạm của mình.

3. Vi phạm do bị phạm nhân khác đe dọa, cưỡng bức, ép buộc, xúi giục, lôi kéo; bị kích động về tinh thần do hành vi vi phạm của phạm nhân khác gây ra hoặc nguyên nhân khách quan khác.

4. Lập công hoặc có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua chấp hành án phạt tù, có quyết định khen thưởng.

5. Phạm nhân già yếu đối với nam từ đủ 70 tuổi trở lên, nữ từ đủ 65 tuổi trở lên; bị khuyết tật hoặc có nhược điểm về thể chất, tinh thần; bị bệnh hiểm nghèo, ốm, đau nặng; bị bệnh làm hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình; phạm nhân nữ có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 36 tháng tuổi; phạm nhân là người dưới 18 tuổi.

Như vậy, phạm nhân vi phạm có một trong các tình tiết nêu trên có thể được xem xét giảm nhẹ hình thức kỷ luật.

7. Chị Vân Anh hỏi: khi xử lý kỷ luật phạm nhân thì hành vi chỉ đạo, đe dọa, cưỡng bức, ép buộc, lôi kéo, xúi giục phạm nhân khác vi phạm có phải bị xem xét tăng nặng hình thức kỷ luật không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 22 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự quy định phạm nhân vi phạm có một hoặc nhiều tình tiết sau phải xem xét tăng nặng hình thức kỷ luật:

1. Vi phạm có tổ chức, là chủ mưu, cầm đầu, khởi xướng hoặc tích cực, trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm; chỉ đạo, đe dọa, cưỡng bức, ép buộc, lôi kéo, xúi giục phạm nhân khác vi phạm.

2. Vi phạm liên tục trong thời gian dài; nhiều lần hoặc với nhiều người; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; có tính chất côn đồ, hung hãn; sử dụng phương tiện, đồ vật, hung khí có tính sát thương; gây hậu quả, thiệt hại lớn.

3. Không tự giác, trung thực nhận lỗi, khuyết điểm, vi phạm; khai báo sai sự thật, cố tình trốn tránh, che giấu vi phạm; bao che phạm nhân cùng vi phạm; ngăn cản việc cung cấp chứng cứ vi phạm, cản trở, đối phó, gây khó khăn cho việc điều tra, xử lý vi phạm; trả thù người tố cáo hoặc người cung cấp thông tin, chứng cứ, đồ vật vi phạm.

4. Không tiếp thu giáo dục, sửa chữa vi phạm; đã được giáo dục, nhắc nhở hoặc đã bị xử lý kỷ luật nhưng tiếp tục vi phạm.

5. Lợi dụng tình trạng thiên tai, hỏa hoạn, lũ lụt hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác để vi phạm; vi phạm đối với người dưới 18 tuổi, phạm nhân nữ có thai, nghỉ thai sản; phạm nhân đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; phạm nhân đang ốm đau, bệnh tật, già yếu, khuyết tật hoặc bị hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình.

Như vậy, khi kỷ luật phạm nhân thì hành vi chỉ đạo, đe dọa, cưỡng bức, ép buộc, lôi kéo, xúi giục phạm nhân khác vi phạm phải xem xét tăng nặng hình thức kỷ luật.

  8. Bà Cúc có con trai là K đang chấp hành án phạt tù tại trại giam M. Vừa qua, K vi phạm kỷ luật nên bị giam tại buồng kỷ luật. Do đó, bà Cúc hỏi: thời gian theo dõi, thử thách để công nhận đã cải tạo tiến bộ đối với phạm nhân bị giam tại buồng kỷ luật là bao lâu?

  Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 23 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự quy định thời hạn xử lý kỷ luật, thi hành quyết định kỷ luật như sau:

1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện vi phạm, trường hợp vụ việc có liên quan nhiều phạm nhân hoặc phức tạp cần có thời gian điều tra, xác minh, thì kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật, nhưng không quá 07 ngày, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân phải xem xét, ra quyết định kỷ luật. Quyết định kỷ luật phạm nhân phải ghi rõ ngày có hiệu lực thi hành và công bố cho phạm nhân biết.

2. Phạm nhân có quyết định kỷ luật phải có thời gian theo dõi, thử thách để công nhận đã cải tạo tiến bộ. Đối với hình thức kỷ luật khiển trách, thời gian theo dõi, thử thách là 01 tháng; đối với hình thức kỷ luật cảnh cáo, thời gian theo dõi, thử thách là 03 tháng; đối với hình thức giam tại buồng kỷ luật, thời gian theo dõi, thử thách là 06 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực thi hành, đối với hình thức giam tại buồng kỷ luật tính từ ngày được đưa ra khỏi buồng kỷ luật.

3. Trong thời gian theo dõi, thử thách mà phạm nhân không có vi phạm, thì khi hết thời hạn sẽ được công nhận đã cải tạo tiến bộ. Trường hợp đã thi hành được một nửa thời hạn trở lên mà không vi phạm, có quyết định khen thưởng, thì được xét, công nhận đã cải tạo tiến bộ trước thời hạn. Trường hợp lập công thì được xét, công nhận đã cải tạo tiến bộ ngay. Phạm nhân thường xuyên vi phạm bị giam giữ riêng thì thời gian theo dõi, thử thách để được công nhận đã cải tạo tiến bộ kể từ ngày đưa ra khỏi buồng giam giữ riêng.

Phạm nhân chưa được công nhận đã cải tạo tiến bộ, nếu tiếp tục có quyết định kỷ luật mới, thì thời hạn theo dõi, thử thách là tổng thời hạn theo dõi, thử thách của các quyết định kỷ luật cũ và mới. Trường hợp vi phạm chưa đến mức xử lý kỷ luật, thì có thể gia hạn thời gian theo dõi, thử thách 02 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn theo dõi, thử thách đang thi hành.

4. Phạm nhân bị kỷ luật giam tại buồng kỷ luật chỉ được mang theo các đồ dùng phục vụ sinh hoạt cá nhân theo quy định. Buồng kỷ luật phạm nhân phải bảo đảm chặt chẽ về an ninh an toàn, bảo đảm ánh sáng, thông thoáng và theo mẫu thiết kế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

5. Trong thời gian bị giam tại buồng kỷ luật, nếu phạm nhân nhận rõ sai phạm, ăn năn hối cải, quyết tâm sửa chữa, thì xem xét cho ra khỏi buồng kỷ luật trước thời hạn. Trường hợp ốm đau, bệnh tật hoặc sức khỏe yếu, thì lập biên bản, đưa ra ngoài điều trị, chữa bệnh, khi sức khỏe ổn định thì xem xét tiếp tục thi hành kỷ luật hoặc cho ra khỏi buồng kỷ luật trước thời hạn.

6. Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân quyết định công nhận phạm nhân đã cải tạo tiến bộ; gia hạn thời gian theo dõi, thử thách; cho ra khỏi buồng kỷ luật; tiếp tục thi hành quyết định kỷ luật; hoãn, miễn thi hành giam tại buồng kỷ luật; thay đổi hình thức kỷ luật đối với phạm nhân. Các quyết định, biên bản, tài liệu kỷ luật được lưu hồ sơ phạm nhân.

Như vậy, đối với hình thức giam tại buồng kỷ luật, thời gian theo dõi, thử thách phạm nhân là 06 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực thi hành, đối với hình thức giam tại buồng kỷ luật tính từ ngày được đưa ra khỏi buồng kỷ luật.

9. Anh Mạnh ở phường TH, thành phố H hỏi: gia đình phạm nhân có trách nhiệm như thế nào để giúp phạm nhân yên tâm tư tưởng, phấn đấu sửa chữa lỗi lầm, cải tạo tiến bộ?

  Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 26 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự quy định trách nhiệm của gia đình phạm nhân như sau:

1. Gia đình, thân nhân của phạm nhân có trách nhiệm phối hợp với cơ sở giam giữ phạm nhân để kịp thời giáo dục, động viên và giúp đỡ phạm nhân giải quyết khó khăn, vướng mắc trong chấp hành án phạt tù; tạo điều kiện cho phạm nhân yên tâm tư tưởng, phấn đấu sửa chữa lỗi lầm, cải tạo tiến bộ; giúp thực hiện các trách nhiệm dân sự do hành vi phạm tội của thân nhân mình gây ra; phối hợp phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, điều trị khi phạm nhân ốm đau, điều trị bệnh; nhận và quản lý phạm nhân khi được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đưa về gia đình chữa bệnh.

2. Có mặt tại cơ sở giam giữ phạm nhân khi có đề nghị của Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân để trao đổi, phối hợp trong giáo dục và chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng; kịp thời thông báo cho cơ sở giam giữ phạm nhân, thông tin tác động đến việc chấp hành án của phạm nhân; hành vi vi phạm nội quy của phạm nhân; không tiếp tay, bao che đưa đồ vật cấm vào nơi chấp hành án phạt tù.

3. Không lợi dụng việc thăm gặp để đưa người không phải là thân nhân gặp phạm nhân; lôi kéo, tụ tập đông người đến nơi chấp hành án phạt tù gây ảnh hưởng đến an ninh, an toàn cơ sở giam giữ phạm nhân.

4. Nhà nước khuyến khích gia đình phạm nhân hỗ trợ vật chất cho công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, bao gồm: Sách giáo khoa, tài liệu, đồ dùng học tập, sách, báo, thiết bị xem truyền hình, nghe đài, dụng cụ thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí phục vụ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phạm nhân.

Như vậy, gia đình phạm nhân có các trách nhiệm như viện dẫn trên để giúp phạm nhân yên tâm tư tưởng, phấn đấu sửa chữa lỗi lầm, cải tạo tiến bộ.

  10. Em trai tôi đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng theo quyết định của Tòa án. Do đó, tôi muốn hỏi: chế độ ăn của học sinh trường giáo dưỡng có được đảm bảo không?

  Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1, khoản 3 Điều 28 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự quy định chế độ ăn của học sinh trường giáo dưỡng như sau:

1. Học sinh được Nhà nước đảm bảo, tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng gồm:

a) 17 kg gạo tẻ;

b) 1,2 kg thịt lợn;

c) 1,2 kg cá;

d) 0,5 kg đường;

đ) 0,75 lít nước mắm;

e) 0,1 kg bột ngọt;

g) 0,5 kg muối;

h) 15 kg rau xanh;

i) 0,2 lít dầu ăn;

k) Gia vị khác tương đương 0,5 kg gạo tẻ;

l) Chất đốt tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than.

Lương thực, thực phẩm, chất đốt bảo đảm chất lượng và có mức giá trung bình theo thời giá thị trường tại địa phương.

Chế độ ăn trong các ngày lễ, Tết của học sinh được thực hiện theo quy định của pháp luật và khoản 1 Điều 149 Luật Thi hành án hình sự năm 2019, cụ thể: học sinh được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau xanh, thịt, cá, đường, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt, muối, chất đốt. Ngày lễ, tết theo quy định của pháp luật, học sinh được ăn thêm nhưng mức ăn không quá 05 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường. Học sinh được bảo đảm ăn, uống hợp vệ sinh. Chế độ ăn đối với học sinh ốm đau, bệnh tật, thương tích do y sỹ hoặc bác sỹ chỉ định.

Hiệu trưởng trường giáo dưỡng có thể hoán đổi định lượng ăn nêu trên cho phù hợp với thực tế để đảm bảo học sinh ăn hết tiêu chuẩn ăn. Hiệu trưởng trường giáo dưỡng quyết định chế độ ăn đối với học sinh ốm đau, bệnh tật trên cơ sở đề xuất của cán bộ y tế nhưng tổng định lượng mức ăn không quá 02 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.

3. Quy định này được áp dụng chung đối với học sinh trong trường giáo dưỡng.

          Như vậy, chế độ ăn đối với học sinh trường giáo dưỡng sẽ được đảm bảo theo quy định nêu trên.

11. Anh Việt cho biết: Em gái tôi đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng PQ. Do đó, anh Việt hỏi: chế độ mặc và đồ dùng sinh hoạt của mỗi học sinh trong một năm được cấp như thế nào?

  Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2, khoản 3 Điều 28 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự quy định:

          2. Chế độ mặc và đồ dùng sinh hoạt của mỗi học sinh trong một năm được cấp như sau:

a) 02 bộ quần áo dài;

b) 01 bộ quần áo dài đồng phục;

c) 02 bộ quần áo lót;

d) 02 đôi dép nhựa;

đ) 01 áo mưa nilông;

e) 01 mũ cứng;

g) 01 mũ vải;

h) 03 khăn mặt;

i) 03 bàn chải đánh răng;

k) 02 chiếu cá nhân;

l) 800 g kem đánh răng;

m) 3,6 kg xà phòng;

n) 800 ml dầu gội đầu.

Học sinh vào trường giáo dưỡng được cấp 01 màn, 01 chăn sợi. Từ Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc và 05 tỉnh Tây Nguyên, mỗi học sinh được cấp thêm 01 áo ấm, 02 đôi tất và 01 mũ len, 01 chăn bông có vỏ nặng không quá 02 kg dùng trong 02 năm. Đối với học sinh phải chấp hành từ 12 tháng trở lên thì được cấp 02 lần (trừ chăn bông).

Học sinh được mang vào trường giáo dưỡng những đồ dùng cá nhân thiết yếu để sử dụng theo quy định của Bộ Công an. Học sinh nữ được cấp đồ dùng cần thiết cho vệ sinh cá nhân tương đương 03 kg gạo tẻ/học sinh/tháng.

3. Quy định này được áp dụng chung đối với học sinh trong trường giáo dưỡng.

Như vậy, chế độ mặc và đồ dùng sinh hoạt của mỗi học sinh ở trường giáo dưỡng trong một năm sẽ được cấp theo quy định nêu trên.

12. Chị Hoa ở phường VN, thành phố H hỏi: chế độ chăm sóc y tế đối với học sinh trường giáo dưỡng có được đảm bảo không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1, khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều 29 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự quy định về chế độ chăm sóc y tế đối với học sinh trường giáo dưỡng như sau:

1. Học sinh khi đến trường giáo dưỡng được y tế của trường giáo dưỡng tổ chức khám, lập phiếu theo dõi sức khỏe. Trong thời gian học sinh chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, trường giáo dưỡng căn cứ tình hình cụ thể của đơn vị tổ chức khám sức khỏe tổng quát cho học sinh, định kỳ ít nhất 06 tháng/lần, cụ thể: Đo chiều cao, cân nặng, vòng ngực trung bình, kiểm tra các thông số về nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ cơ thể, khám lâm sàng toàn diện theo các chuyên khoa. Chi phí khám sức khỏe định kỳ cho học sinh được thanh toán theo khung giá quy định của Bộ Y tế. Trường giáo dưỡng thường xuyên có biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thực hiện các biện pháp cai nghiện ma túy, phòng chống lây nhiễm, điều trị HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm cho học sinh. Việc khám sức khỏe cho học sinh căn cứ vào điều kiện, thời gian chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, tình hình cụ thể của từng trường giáo dưỡng và lưu kết quả vào hồ sơ để quản lý, theo dõi sức khỏe của học sinh. Tiền thuốc chữa bệnh thông thường cho học sinh được cấp tương đương 04 kg gạo tẻ/học sinh/tháng.

2. Trường hợp học sinh bị ốm nặng vượt quá khả năng điều trị của bệnh xá nhà trường thì được chuyển đến cơ sở y tế cấp huyện, cấp tỉnh nơi có trường giáo dưỡng để điều trị.

Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày đưa học sinh đến tuyến trên để điều trị thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải báo cáo Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng và thông báo cho cha, mẹ hoặc người giám hộ của học sinh biết, phối hợp với nhà trường chăm sóc, điều trị. Chế độ ăn, cấp phát thuốc, bồi dưỡng cho học sinh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định.

4. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với trường giáo dưỡng trên địa bàn, tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho học sinh; xây dựng hoặc bố trí khu, buồng riêng để khám bệnh, chữa bệnh cho học sinh, phòng trực của cán bộ quản lý phù hợp với điều kiện của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

5. Các chi phí khám bệnh tại khoản 1, khoản 2, khoản 4 nêu trên được ngân sách nhà nước cấp. Trừ trường hợp thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của học sinh tự nguyện chi trả kinh phí điều trị bệnh.

Như vậy, chế độ chăm sóc y tế đối với học sinh trường giáo dưỡng được đảm bảo theo quy định nêu trên

13. Chị Hậu ở xã QA, huyện QĐ hỏi: trong thời gian điều trị tại cơ sở y tế chuyên khoa mà học sinh hết thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thì có được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng không?

  Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Khoản 3 Điều 29 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự quy định trong thời gian điều trị tại cơ sở y tế chuyên khoa mà học sinh hết thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải cấp giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

          Như vậy, trong thời gian điều trị tại cơ sở y tế chuyên khoa mà học sinh hết thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải cấp giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.397.073
Lượt truy cập hiện tại 11.546