Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Những người nào được đăng ký làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý, thủ tục cấp thẻ cộng tác viên như thế nào?
Ngày cập nhật 02/07/2018

Ông Ngô Ngọc H, nguyên là Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh M, ông đã nghỉ hưu, nay ông có nguyện vọng làm cộng tác viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý. Ông muốn hỏi, ông đăng ký làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý được không, thủ tục cấp thẻ cộng tác viên như thế nào?

 

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2, Điều 24, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định cộng tác viên Trợ giúp pháp lý như sau: Những người đã nghỉ hưu, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe, có nguyện vọng thực hiện trợ giúp pháp lý có thể trở thành cộng tác viên trợ giúp pháp lý, bao gồm: trợ giúp viên pháp lý; thẩm phán, thẩm tra viên ngành Tòa án; kiểm sát viên, kiểm tra viên ngành kiểm sát; điều tra viên; chấp hành viên, thẩm tra viên thi hành án dân sự; chuyên viên làm công tác pháp luật tại các cơ quan nhà nước.

          Điều 16, Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý quy định như sau:

1. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật Trợ giúp pháp lý, nếu có nguyện vọng làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý (sau đây gọi chung là cộng tác viên) và nhất trí với các nội dung cơ bản của hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp thì gửi 01 bộ hồ sơ đến Trung tâm ở địa phương nơi mình cư trú. Hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên bao gồm:

a) Đơn đề nghị làm cộng tác viên theo mẫu;

b) Giấy tờ chứng minh là người đã nghỉ hưu theo quy định;

c) Sơ yếu lý lịch cá nhân có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú và 02 ảnh màu chân dung cỡ 2 cm x 3 cm.

2. Việc nộp hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên được thực hiện như sau:

a) Trường hợp nộp trực tiếp tại trụ sở Trung tâm, người đề nghị làm cộng tác viên nộp các giấy tờ quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 16 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP; xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người đã nghỉ hưu theo quy định;

b) Trường hợp gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, người đề nghị làm cộng tác viên gửi các giấy tờ quy định tại điểm a, và điểm c khoản 1 Điều 16 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP, bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người đã nghỉ hưu theo quy định;

c) Trường hợp gửi qua fax, hình thức điện tử, người đề nghị làm cộng tác viên gửi các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP đến Trung tâm.

3. Trong thời hạn 04 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, căn cứ vào nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân và điều kiện thực tế tại địa phương, Giám đốc Trung tâm lựa chọn hồ sơ trình Giám đốc Sở Tư pháp xem xét cấp thẻ cộng tác viên. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì trả lại hồ sơ cho người đề nghị làm cộng tác viên và thông báo rõ lý do bằng văn bản.

4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ do Giám đốc Trung tâm trình, Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, quyết định cấp thẻ cộng tác viên theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành. Bộ Tư pháp cấp phôi thẻ cộng tác viên.

Trường hợp từ chối phải thông báo rõ lý do bằng văn bản cho người đề nghị làm cộng tác viên. Người bị từ chối có quyền khiếu nại đối với việc từ chối cấp thẻ cộng tác viên. Việc giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

Như vậy, ông H đảm bảo tiêu chuẩn làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý, ông nộp bộ hồ sơ theo quy định như trên đến Trung tâm ở địa phương nơi ông cư trú để được xem xét cấp thẻ cộng tác viên.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.327.036
Lượt truy cập hiện tại 5.505