Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Một số điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Ngày cập nhật 28/12/2023

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2023, gồm 7 chương, 80 điều, so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Luật mới bổ sung thêm 01 Chương III về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù, số lượng các điều tăng từ 51 Điều lên 80 Điều. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024. Luật Giao dịch điện tử năm 2023 có một số điểm mới so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, như sau:

 

1. Về đối tượng áp dụng theo quy định tại Điều 2 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023, như sau:

“Đối tượng áp dụng

1. Người tiêu dùng

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh.

3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức chính trị - xã hội

4. Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là tổ chức xã hội) tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.”

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 bổ sung thêm đối tượng áp dụng, cụ thể: bổ sung nhóm chủ thể là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức chính trị - xã hội; làm rõ tổ chức xã hội bao gồm tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Đối với tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bao gồm tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (thường được biết đến là các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) và tổ chức xã hội khác tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là tổ chức được Nhà nước giao thực hiện một số nhiệm vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, tổ chức cũng được Nhà nước hỗ trợ kinh phí theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Riêng đối với tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật quy định một khoản cụ thể về các hoạt động mà cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện.

2. Về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 bổ sung một số quyền mới của người tiêu dùng tại Điều 4 như:

- Được quyền tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững.

- Quyền yêu cầu tổ chức hoặc hỗ trợ thương lượng để giải quyết tranh chấp phát sinh.

- Được bảo vệ khi sử dụng dịch vụ công theo quy định.

Ngoài ra, Luật mới bổ sung một số nghĩa vụ của người tiêu dùng như:

- Tuân thủ quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững theo quy định của pháp luật;

- Chịu trách nhiệm về việc cung cấp không chính xác hoặc không đầy đủ về thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật.

3. Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương là quy định mới, thể hiện rõ nét chủ trương, chính sách nhân văn của Nhà nước và Chính phủ trong việc bảo vệ toàn diện quyền lợi chính đáng của người dân.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã xác định rõ các nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, bao gồm:

- Người cao tuổi;

- Người khuyết tật;

- Trẻ em;

- Người dân tộc thiểu số;

- Người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;

- Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

- Người bị bệnh hiểm nghèo và thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật.

Theo đó, để tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, Luật mới quy định một số trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó nổi bật là trách nhiệm áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp theo quy định của pháp luật phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

4. Về sản xuất và tiêu dùng bền vững

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 bổ sung thêm khái niệm về tiêu dùng bền vững tại khoản 10 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 như sau:

- Tiêu dùng bền vững là việc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đáp ứng mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức một cách hiệu quả, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực về môi trường.

Đồng thời, cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của các Bộ, cơ quang ngang Bộ, UBND các cấp trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

5. Bổ sung, làm rõ một số khái niệm

- Người tiêu dùng: Bổ sung tiêu chí “không vì mục đích thương mại” để xác định rõ người tiêu dùng, tạo căn cứ thống nhất trong quá trình xác định người tiêu dùng.

Theo đó, chỉ cần mục đích mua, sử dụng có liên quan tới mục đích thương mại, chủ thể liên quan sẽ không được coi là người tiêu dùng theo quy định tại Luật mới.

- Người có ảnh hưởng: Bổ sung đối tượng người có ảnh hưởng để tạo căn cứ xác định chính xác khái niệm và trách nhiệm của người có ảnh hưởng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Người tiêu dùng dễ bị tổn thương: Xác định 07 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, cùng với đó, quy định trách nhiệm đặc thù của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi của nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

- Tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng: Xác định rõ các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, gồm: tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hệ thống thông tin tự mình thiết lập hoặc thông qua nền tảng số và tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian. Đối với từng chủ thể nêu trên, Luật mới quy định chi tiết về trách nhiệm để bảo đảm ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của các chủ thể này trong quá trình thực hiện các giao dịch với người tiêu dùng.

- Tổ chức bán hàng đa cấp và cá nhân tham gia bán hàng đa cấp: Bổ sung nhóm chủ thể liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp như trên. Đồng thời quy định cụ thể để ràng buộc trách nhiệm của nhóm chủ thể này trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi tham gia bán hàng đa cấp.

6. bổ sung các hành vi bị cấm tại Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 bổ sung một số hành vi bị cấm, bao gồm hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp; tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số như:

- Cấm thực hiện hành vi không thông báo trước, không công khai cho người tiêu dùng việc tài trợ cho người có ảnh hưởng dưới mọi hình thức để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người này nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

- Cấm thực hiện hành vi ngăn cản người tiêu dùng kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

- Cấm hành vi yêu cầu người tiêu dùng phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng.

7. Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng

Luật mới bổ sung một số quy định như:

- Trách nhiệm bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bán, cung cấp cho người tiêu dùng tại Điều 14 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023.

- Quy định cụ thể trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng tại Điều 14 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023

- Làm rõ thời hạn tính lại bảo hành trong trường hợp đổi mới sản phẩm, hàng hóa; bổ sung quy định về trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng.

- Đối với quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật tại Điều 33 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023:

+ Luật phân loại 02 nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, gồm nhóm A và nhóm B.

Trong đó, Nhóm A là sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng; nhóm B là sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây thiệt hại cho tài sản của người tiêu dùng.

Đối với mỗi nhóm, Luật quy định trách nhiệm thu hồi tương ứng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc xác định nhóm khuyết tật và thực hiện thu hồi theo phương thức phù hợp.

Để bảo vệ toàn diện quyền lợi người tiêu dùng, Luật bổ sung quy định về trách nhiệm trong việc cung cấp dịch vụ không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết.

8. Quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 bổ sung trách nhiệm cụ thể của từng UBND cấp tỉnh, huyện và xã. Bổ sung để làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, UBND cấp tỉnh trong việc:

- Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

- Thực hiện việc giao nhiệm vụ cho tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xây dựng cơ chế phối hợp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại trung ương và tại địa phương…

9. Về giao dịch đặc thù

Đối với một số giao dịch đặc thù, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 bổ sung một số quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các giao dịch, gồm:

- Điều 37, 38 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định rõ các thông tin cần cung cấp trong giao dịch từ xa; trách nhiệm bổ sung của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng. trong đó, quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian và tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số lớn.

- Điều 41 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định trách nhiệm thông báo công khai về đại diện theo pháp luật tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam và thông báo công khai về đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam trong cung cấp dịch vụ liên tục.

- Bổ sung bán hàng đa cấp, bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên, đồng thời, quy định thêm trách nhiệm đặc thù của các tổ chức, cá nhân kinh doanh khi thực hiện giao dịch trên với người tiêu dùng.

10. Về phương thức giải quyết tranh chấp

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 bổ sung quy định về quyền của người tiêu dùng yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh thương lượng hoặc quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hỗ trợ thương lượng khi quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm tại Điều 4 và Điều 56.

Phương thức này được đánh giá là sẽ nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Đối với phương thức giải quyết tại tòa: Hoàn thiện quy định về thủ tục rút gọn áp dụng để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó, vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng thì được giải quyết theo thủ tục rút gọn mà không phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Ngoài ra, Luật mới bổ sung quy định về tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể như sau:

Trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng, tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động chung vì quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Chính phủ./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.360.817
Lượt truy cập hiện tại 147