Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thực hiện chế độ luân phiên đối với người hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh, chữa bệnh
Ngày cập nhật 06/03/2013

Ngày 20/02/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg quy định thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến Trung ương xuống tuyến tỉnh, từ tuyến tỉnh xuống tuyến huyện và tuyến huyện xuống tuyến xã, từ vùng có điều kiện kinh tế - xã hội không khó khăn đến vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2013.

Quyết định được áp dụng đối với bác sĩ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên (sau đây gọi chung là người hành nghề) làm việc trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, không áp dụng Quyết định này đối với người hành nghề thuộc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của lực lượng vũ trang.
Quyết định quy định miễn thực hiện chế độ luân phiên đối với các đối tượng sau: Người hành nghề là nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, nam nuôi con nhỏ một mình dưới 36 tháng tuổi. Người hành nghề đã có thời gian công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 24 tháng trở lên. Người hành nghề có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Là con độc nhất trong gia đình có bố, mẹ già; người trực tiếp chăm sóc bố, mẹ già yếu hoặc tàn tật, ốm đau thường xuyên; có vợ (hoặc chồng) bị tàn tật không có khả năng chăm sóc con cái; bản thân không bảo đảm sức khỏe để công tác xa nhà. Người hành nghề là nam quá 55 tuổi, nữ quá 50 tuổi (trừ trường hợp tự nguyện) và các trường hợp đặc biệt khác do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét, quyết định đối với người hành nghề thuộc quyền quản lý.
Việc cử người đi hành nghề luân phiên có thời hạn theo hình thức cử cá nhân hoặc theo nhóm chuyên môn. Người hành nghề thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn với thời gian tối thiểu là 06 tháng, tối đa là 12 tháng (trừ trường hợp tự nguyện đi thời gian dài hơn); có thể được cử đi luân phiên có thời hạn theo nhiều đợt, ở nhiều nơi, thời gian tối đa của mỗi đợt đi luân phiên không quá 60 ngày.
Người hành nghề trong thời gian đi luân phiên được hưởng chế độ sau: Chế độ tiền lương, phụ cấp hiện hưởng: 100% tiền lương, các khoản phụ cấp theo lương (không bao gồm phụ cấp ưu đãi nghề); phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp độc hại, phụ cấp đặc biệt; phụ cấp khu vực (nếu có) như đối với người hành nghề tại nơi đến công tác. Trường hợp nơi đến luân phiên thực hiện các mức phụ cấp này thấp hơn tại đơn vị được cử đi thì được giữ nguyên mức hiện hưởng; phụ cấp đặc thù đối với viên chức y tế như: Phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, phụ cấp chống dịch và chế độ làm đêm, thêm giờ (nếu có) theo chế độ quy định; các quyền lợi khác như: Thu nhập tăng thêm, tiền thưởng (nếu có).
Ngoài ra, người hành nghề đi luân phiên còn được hưởng chế độ đặc thù: Trợ cấp hằng tháng bằng 50% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Thù lao biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, tập huấn; tiền báo cáo viên theo chế độ đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức nhà nước hiện hành khi tham gia các lớp tập huấn trong thời gian đi luân phiên. Bên cạnh đó, người hành nghề hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian đi luân phiên (có quyết định khen thưởng của đơn vị, nơi người hành nghề đến luân phiên) thì được xét ưu tiên nâng bậc lương trước thời hạn, thay đổi chức danh nghề nghiệp khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và được hưởng các chế độ khen thưởng khác do đơn vị quy định.
 

Bá Mỹ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.380.564
Lượt truy cập hiện tại 2.454