Phạm vi điều chỉnh của Luật quy định việc hình thành, quản lý, điều hành và sử dụng dự trữ quốc gia; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động dự trữ quốc gia.
Mục tiêu của dự trữ quốc gia: Nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh.
Tổ chức dự trữ quốc gia được điều hành bởi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ phân công các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật. Bộ Tài chính được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách, các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và bộ phận làm công tác dự trữ quốc gia kiêm nhiệm tại bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia.
Chế độ, chính sách đối với người làm công tác dự trữ quốc gia: Công chức, viên chức làm việc tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách; người làm công tác dự trữ quốc gia là quân nhân, công an được hưởng phụ cấp thâm niên; tùy theo lĩnh vực, tính chất công việc, được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề.
Như vậy, công chức, viên chức làm công tác dự trữ quốc gia tại các bộ, ngành không được hưởng chính sách trên.
Luật quy định Quốc hội quyết định chính sách phát triển dự trữ quốc gia, định hướng nguồn lực dự trữ quốc gia, phê duyệt kế hoạch 5 năm về dự trữ quốc gia và quyết định mức phân bổ ngân sách trung ương cho dự trữ quốc gia hàng năm. Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định mức bổ sung từ ngân sách trung ương cho dự trữ quốc gia hàng năm (nếu có), quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia đã xuất cấp, điều chỉnh Danh mục hàng dự trữ quốc gia.
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia có nhiệm vụ trình Quốc hội quyết định chính sách phát triển dự trữ quốc gia, định hướng nguồn lực dự trữ quốc gia, kế hoạch 5 năm về dự trữ quốc gia và mức phân bổ ngân sách trung ương cho dự trữ quốc gia hàng năm; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định mức bổ sung từ ngân sách trung ương cho dự trữ quốc gia hàng năm (nếu có) và ngân sách trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia đã xuất cấp, điều chỉnh Danh mục hàng dự trữ quốc gia, phân công các bộ, ngành thực hiện quản lý hàng dự trữ quốc gia theo thẩm quyền.
Phương thức dự trữ quốc gia: bằng vật tư, thiết bị, hàng hóa.
Quy định danh mục hàng dự trữ quốc gia: Điều 27 của Luật quy định các mặt hàng thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia phải đáp ứng mục tiêu dự trữ quốc gia và một trong các tiêu chí: Là mặt hàng chiến lược, thiết yếu, có tần suất sử dụng nhiều, có tác dụng ứng phó kịp thời trong tình huống đột xuất, cấp bách; là mặt hàng đặc chủng, không thể thay thế; là vật tư, thiết bị, hàng hóa bảo đảm quốc phòng, an ninh mà sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng, chủng loại.
Điều 27 cũng quy định Danh mục hàng dự trữ quốc gia bao gồm các nhóm hang sau: Lương thực; vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn; vật tư thông dụng động viên công nghiệp; muối trắng; nhiên liệu; vật liệu nổ công nghiệp; hạt giống cây trồng; thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất khử khuẩn, khử trùng làm sạch môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt và trong nuôi trồng thủy sản; thuốc phòng, chống dịch bệnh cho người; thuốc phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, cây trồng, nuôi trồng thủy sản; vật tư, thiết bị, hàng hóa phục vụ quốc phòng, an ninh.
Trong trường hợp cần điều chỉnh Danh mục hàng dự trữ quốc gia, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.