Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Những điểm mới của Luật Xử lý vi phạm hành chính
Ngày cập nhật 25/07/2012

Ngày 20 tháng 6 năm 2012, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 13 đã thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13, thay thế cho Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi, bổ sung vào các năm 2007, 2008). Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.

Luật Xử lý vi phạm hành chính được chia làm 06 phần, với 142 điều, cụ thể: Phần thứ nhất, gồm 20 điều, quy định chung; Phần thứ hai, gồm 03 chương với 68 điều, quy định về xử phạt vi phạm hành chính; phần thứ ba, gồm 05 chương với 30 điều, quy định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; phần thứ tư, gồm 02 chương với 14 điều, quy định các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; phần thứ năm, gồm 02 chương với 08 điều, quy định đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính; Phần thứ sáu, gồm 02 điều, quy định điều khoản thi hành.
Theo đó, Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó nhấn mạnh các hành vi nghiêm cấm đối với người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính như: Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính; xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng …
Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định hình thức xử phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong các trường hợp: Đình chỉ một phần hoạt động gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà theo quy định của pháp luật phải có giấy phép; Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc hoạt động khác mà theo quy định của pháp luật không phải có giấy phép và hoạt động đó gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường và trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời Luật cũng quy định một số biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra như buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, phương tiện, vật phẩm; buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính lên đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân, và 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Mức phạt tối đa đến 2 tỷ đồng được quy định đối với 5 lĩnh vực là quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường, đối tượng áp dụng xử phạt các tổ chức vi phạm trong những lĩnh vực này.
Về thẩm quyền xử phạt, khác với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo một mức phạt tiền cố định đối với mỗi chức danh xử phạt, mà quy định theo tỷ lệ phần trăm (%) so với các mức phạt tối đa, đồng thời có khống chế mức trần. Theo cách quy định này, đối với mỗi chức danh xử phạt sẽ có nhiều mức phạt tối đa khác nhau, tùy thuộc vào từng nhóm hành vi vi phạm.
Nhằm bảo đảm tính khách quan, dân chủ trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh các tình tiết trước khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính như: Có hay không có vi phạm hành chính; tính chất, mức độ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra;… và quyền giải trình của các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trong trường hợp có thể bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối tổ chức.
    Ngoài ra, Luật Xử lý vi phạm hành chính còn quy định cụ thể độ tuổi của các đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, cụ thể:
Đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, gồm: Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định; người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, gồm: Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý quy định tại Bộ luật hình sự; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.
Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là người thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước ngoài; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.
 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 21.330.514
Lượt truy cập hiện tại 9.262