Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Nghị quyết số 88/NQ-CP về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Ngày cập nhật 25/06/2012

Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007, Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ, tình hình trật tự an toàn giao thông đã có những chuyển biến tích cực, trong 03 năm liên tiếp từ năm 2008 đến năm 2010 tình hình tai nạn giao thông được kiềm chế và giảm đáng kể. Mặc dù vậy, kết quả kiềm chế và giảm tai nạn giao thông chưa bền vững, số người bị chết, bị thương do tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa vẫn còn xảy ra. Nhằm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kiềm chế, giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, ngày 24 tháng 08 năm 2011 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Trên cơ sở xác định những tồn tại, nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông trong thời gian qua cũng như nguy cơ làm gia tăng tai nạn giao thông là do sự lơi lỏng trong công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa thường xuyên, liên tục và mạnh mẽ; ý thức tự giác chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn rất yếu kém, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp của Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP, Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP, đồng thời thực hiện các giải pháp đồng bộ trọng tâm nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, an toàn hàng không dân dụng, hàng hải và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước.
Cụ thể, trong bảo đảm trật tự an toàn giao đường bộ, phải tăng cường phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu, bia; duy trì và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đội mũ bảo hiểm; ngăn chặn học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe điều khiển xe môtô, xe gắn máy; đẩy mạnh công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học; tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu tai nạn giao thông; đẩy mạnh tuyên truyền văn hóa giao thông; tăng cường quản lý hoạt động vận tải bằng ôtô, công tác tổ chức giao thông, nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm và quản lý về đào tạo, sát hạch lái xe.
Trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt đi qua chủ động phối hợp với Đường sắt Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt theo Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ; cương quyết không để phát sinh thêm đường ngang trái phép, chủ động lập kế hoạch và lộ trình cụ thể để xóa bỏ các đường ngang trái phép. Trong thời gian chờ xóa bỏ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải tổ chức bố trí người cảnh giới tại các vị trí đường ngang có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông…
Đối với bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, tăng cường công tác quản lý hoạt động chở khách du lịch, hoạt động chở khách ngang sông; vận động người đi đò mặc áo phao; tăng cường công tác điều tiết khống chế đảm bảo giao thông và chống va trôi trên đường thủy nội địa, công tác đào tạo cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn và đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.
Công tác bảo đảm an toàn giao thông hàng không dân dụng, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn hàng không dân dụng tại các cảng hàng không, sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm và nhận thức về an ninh, an toàn hàng không dân dụng trong cộng đồng xã hội. Để bảo đảm trật tự an toàn hàng hải, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng hải phối hợp với các cơ quan và chính quyền địa phương có liên quan giải tỏa các điểm khai thác cát trái phép, đăng đáy khai thác thủy sản, phương tiện nuôi trồng thủy sản và các phương tiện thủy nội địa, tàu cá hoạt động lấn chiếm luồng hàng hải…
Đối với công tác quản lý nhà nước, để tăng cường hiệu lực quản lý, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp phân công cụ thể và quy định trách nhiệm cá nhân rõ ràng; từng ngành, từng địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông bằng những chỉ tiêu cụ thể trong từng thời kỳ, phù hợp với phạm vi trách nhiệm và địa bàn quản lý; quy định việc xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật ở các cấp; đẩy mạnh hơn nữa công tác chống tiêu cực ở các lĩnh vực như: đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; đăng ký, đăng kiểm phương tiện; thanh tra, tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm...
 

Nguyễn Thị Đào
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 21.331.867
Lượt truy cập hiện tại 10.030