Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
PHÁP LUẬT VỀ LUẬT SƯ, TƯ VẤN PHÁP LUẬT, THỪA PHÁT LẠI
Ngày cập nhật 09/11/2023

Hỏi: Những người nào được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 16 Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định người được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư bao gồm:

1. Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp, điều tra viên trung cấp, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật, thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật được miễn tập sự hành nghề luật sư.

2. Người đã là điều tra viên sơ cấp, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật được giảm hai phần ba thời gian tập sự hành nghề luật sư.

3. Người có thời gian công tác ở các ngạch chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật, thẩm tra viên ngành Tòa án, kiểm tra viên ngành Kiểm sát từ mười năm trở lên thì được giảm một nửa thời gian tập sự hành nghề luật sư.

Hỏi: Ông Trần Văn Q là cán bộ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc. Sau 02 năm kể từ ngày quyết định thôi việc có hiệu lực, ông Trần Văn Q nộp hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư thuộc trường hợp người được miễn tập sự hành nghề luật sư. Ông Trần Văn Q có đủ tiêu chuẩn cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật Luật sư không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Tiêu chuẩn luật sư quy định tại Điều 10 Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2012 như sau:

“Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư.”

Điều 11 Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định:

“Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật này muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư.”

Điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 2a Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật luật sư được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 137/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ quy định:

“1. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không đủ tiêu chuẩn tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, không đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức tốt theo quy định tại Điều 10 của Luật luật sư:

a) Đã bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức mà quyết định kỷ luật chưa chấm dứt hiệu lực hoặc bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc mà chưa hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày quyết định buộc thôi việc có hiệu lực; đã bị xử lý hành chính về một trong các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác, quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước, cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ nhưng chưa hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử lý hành chính.”

Như vậy, ông Trần Văn Q là cán bộ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc, sau 02 năm, kể từ ngày quyết định thôi việc có hiệu lực ông Trần Văn Q đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư là chưa đảm bảo tiêu chuẩn tuân thủ quy định tại Điều 10 của Luật luật sư và điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 2a Nghị định số 123/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 137/2018/NĐ-CP.

Hỏi: Giấy tờ chứng minh được miễn đào tạo hành nghề luật sư và miễn, giảm thời gian tập sư hành nghề luật sư bao gồm những giấy tờ nào?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 4 Thông tư số 05/2021/TT-BTP ngày 24/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư quy định giấy tờ chứng minh là người được miễn đào tạo nghề luật sư theo quy định tại Điều 13 của Luật Luật sư hoặc được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 16 của Luật Luật sư bao gồm một trong các giấy tờ sau đây:

1. Bản sao Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên hoặc Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Biên bản bầu thẩm phán của Hội đồng nhân dân đối với trường hợp thẩm phán do Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh bầu.

2. Bản sao Quyết định phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư chuyên ngành luật hoặc bản sao bằng tiến sỹ luật.

3. Bản sao Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát hoặc Quyết định bổ nhiệm chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.

4. Bản sao Quyết định tuyển dụng, hợp đồng làm việc trong lĩnh vực pháp luật.

5. Các giấy tờ hợp pháp khác chứng minh là người được miễn đào tạo nghề luật sư; miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư.

Hỏi: Bà Trần Thị H đã được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư 38 tháng nhưng chưa gia nhập Đoàn luật sư nào, bà Trần Thị H có thuộc trường hợp bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 18 Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định:

“1. Người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư mà thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư:

a) Không còn đủ tiêu chuẩn luật sư quy định tại Điều 10 của Luật này;

b) Được tuyển dụng, bổ nhiệm làm cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

c) Không còn thường trú tại Việt Nam;

d) Không gia nhập một Đoàn luật sư nào trong thời hạn hai năm, kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư;

đ) Không thành lập, tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động cho một tổ chức hành nghề luật sư hoặc đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân trong thời hạn ba năm, kể từ ngày gia nhập Đoàn luật sư;

e) Thôi hành nghề luật sư theo nguyện vọng;

g) Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư;

h) Bị xử phạt hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề luật sư có thời hạn; bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc;

i) Bị kết án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật;

k) Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.”

Như vậy, bà Trần Thị H thuộc trường hợp bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 18 Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2012.

Hỏi: Ông Hoàng Văn H là luật sư thành viên của Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn HG, ông được cử làm trưởng chi nhánh của một Chi nhánh trực thuộc Công ty. Nay ông Hoàng Văn H được tiếp tục cử làm trưởng chi nhánh của một Chi nhánh khác của Công ty Luật TNHH HG. Việc ông Hoàng Văn H được cử làm trưởng chi nhánh của một Chi nhánh khác của Công ty Luật TNHH HG có đảm bảo điều kiện theo quy định của Luật Luật sư không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 05/2021/TT-BTP ngày 24/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư quy định: “Văn phòng luật sư, công ty luật cử luật sư là thành viên hoặc luật sư làm việc theo hợp đồng lao động làm Trưởng chi nhánh, trừ trường hợp luật sư nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam. Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật, luật sư thành viên chỉ được làm Trưởng chi nhánh của một chi nhánh trực thuộc văn phòng luật sư, công ty luật đó. Luật sư làm việc theo hợp đồng lao động chỉ được làm Trưởng chi nhánh của một chi nhánh của một tổ chức hành nghề luật sư.”

Căn cứ quy định trên, một luật sư thành viên chỉ được làm Trưởng chi nhánh của một chi nhánh trực thuộc Công ty Luật đó, vì vậy việc Công ty Luật TNHH HG cử ông Hoàng Văn H làm trưởng chi nhánh của một Chi nhánh khác của Công ty Luật TNHH HG là vi phạm khoản 1 Điều 8 Thông tư số 05/2021/TT-BTP.

Hỏi: Công ty Luật TNHH AB thực hiện tư vấn pháp luật cho bà Lê Thị Thu liên quan đến thủ tục phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất. Công ty Luật TNHH AB có phải ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với bà Lê Thị Thu không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Theo quy định Điều 26 Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định:

“1. Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức.

2. Hợp đồng dịch vụ pháp lý phải được làm thành văn bản và có những nội dung chính sau đây:

a) Tên, địa chỉ của khách hàng hoặc người đại diện của khách hàng, đại diện của tổ chức hành nghề luật sư hoặc luật sư hành nghề với tư cách cá nhân;

b) Nội dung dịch vụ; thời hạn thực hiện hợp đồng;

c) Quyền, nghĩa vụ của các bên;

d) Phương thức tính và mức thù lao cụ thể; các khoản chi phí (nếu có);

đ) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

e) Phương thức giải quyết tranh chấp.”

Căn cứ quy định nêu trên thì Công ty Luật TNHH AB phải ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với bà Lê Thị Thu.

Hỏi: Công ty luật TNHH AC được Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động tổ chức hành nghề luật sư nhưng đã 3 tháng Công ty chưa thực hiện công bố nội dung đăng ký hoạt động. Vậy, Công ty luật TNHH AC có bị vi phạm quy định của Luật Luật sư không?

Trả lời:

Điều 38 Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định:

“1. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư phải đăng báo hàng ngày của trung ương hoặc địa phương nơi đăng ký hoạt động hoặc báo chuyên ngành luật trong ba số liên tiếp về những nội dung chính sau đây:

a) Tên tổ chức hành nghề luật sư;

b) Địa chỉ trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh, văn phòng giao dịch;

c) Lĩnh vực hành nghề;

d) Họ, tên, địa chỉ, số Chứng chỉ hành nghề luật sư của luật sư là Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật và các thành viên sáng lập khác;

đ) Số Giấy đăng ký hoạt động, nơi đăng ký hoạt động, ngày, tháng, năm cấp Giấy đăng ký hoạt động.

2. Trong trường hợp thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư phải công bố những nội dung thay đổi đó trong thời hạn và theo phương thức quy định tại khoản 1 Điều này.”

Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định:

“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc đặt cơ sở hành nghề luật sư ở nước ngoài hoặc chấm dứt hoạt động của cơ sở hành nghề luật sư ở nước ngoài;

b) Không thông báo, báo cáo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, tạm ngừng hoạt động, tự chấm dứt hoạt động, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề;

c) Không thông báo, báo cáo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền về việc tạm ngừng, tiếp tục hoạt động hoặc tự chấm dứt hoạt động của chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam;

d) Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền về việc thuê luật sư nước ngoài;

đ) Không báo cáo về tổ chức, hoạt động cho cơ quan có thẩm quyền;

e) Không công bố nội dung đăng ký hoạt động hoặc nội dung thay đổi đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư;

g) Không đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động;

h) Không đăng báo, thông báo về việc thành lập tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam;

i) Phân công 01 luật sư hướng dẫn quá 03 người tập sự hành nghề luật sư tại cùng một thời điểm;

k) Không có biển hiệu hoặc sử dụng biển hiệu không đúng nội dung giấy đăng ký hoạt động;

l) Nhận người không đủ điều kiện tập sự hành nghề luật sư vào tập sự hành nghề tại tổ chức mình; không nhận người tập sự hành nghề luật sư theo phân công của Đoàn luật sư mà không có lý do chính đáng;

m) Không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư của tổ chức mình;

n) Không cử đúng người làm việc hoặc không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, không chính xác, chậm trễ thông tin, giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của Công ty luật TNHH AC vi phạm Điều 38 Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2012 và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại điểm e Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

Hỏi: Anh Hồ Văn Q hiện là Công chức tư pháp xã X, anh muốn đăng ký tư vấn viên pháp luật được không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 19 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật quy định:

“1. Tư vấn viên pháp luật là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có đủ tiêu chuẩn sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích;

b) Có Bằng cử nhân luật;

c) Có thời gian công tác pháp luật từ ba năm trở lên.

2. Tư vấn viên pháp luật được cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật. Tư vấn viên pháp luật được hoạt động trong phạm vi toàn quốc.

Công chức đang làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân không được cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật.”

Căn cứ quy định trên thì anh Hồ Văn Q làm Công chức tư pháp xã X là công chức đang làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước vì vậy không được cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật, không được đồng thời làm tư vấn viên pháp luật.

Hỏi: Trung tâm tư vấn pháp luật G thực hiện tư vấn pháp luật cho vợ chồng bà Đoàn Thị M về thủ tục mang thai hộ, có thu thù lao 3.000.000 đồng nhưng không ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, hành vi của Trung tâm tư vấn pháp luật G có vi phạm pháp luật về tư vấn pháp luật không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 8 Thông tư số 01/2010/TT-BTP ngày 09/02/2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành mộ số điều của Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật quy định: 

“1. Thù lao thu được từ hoạt động tư vấn pháp luật và các nguồn kinh phí hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật quy định tại Điều 9 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP được sử dụng để trang trải cho hoạt động của Trung tâm, Chi nhánh bao gồm:

a) Chi cho hoạt động thường xuyên của Trung tâm và Chi nhánh; trả lương, phụ cấp cho Giám đốc, Phó giám đốc, Trưởng Chi nhánh, tư vấn viên pháp luật, luật sư, cộng tác viên tư vấn pháp luật và các nhân viên khác;

b) Mua sắm trang thiết bị, duy trì và sửa chữa thường xuyên cơ sở vật chất; văn phòng phẩm, sách, báo, tài liệu nghiệp vụ, cơ sở dữ liệu và phương tiện cần thiết khác phục vụ hoạt động tư vấn pháp luật;

c) Các khoản chi trực tiếp cho các cuộc họp, hội nghị, công tác tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ, đi công tác ngoài trụ sở của Trung tâm, Chi nhánh;

d) Các chi phí hợp lý khác phục vụ cho công việc của Trung tâm, Chi nhánh.

2. Việc thu thù lao của Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dịch vụ pháp lý được lập thành văn bản, trừ những việc tư vấn đơn giản được thực hiện thông qua phiếu yêu cầu của khách hàng do Trung tâm, Chi nhánh cung cấp mẫu.

3. Hợp đồng dịch vụ pháp lý gồm những nội dung chính sau đây:

a) Tên, địa chỉ của khách hàng hoặc người đại diện của khách hàng;

b) Tên, địa chỉ, người đại diện của Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh;

c) Nội dung công việc; thời hạn thực hiện hợp đồng;

d) Quyền, nghĩa vụ của các bên;

đ) Phương thức tính và mức thù lao cụ thể; các khoản chi phí (nếu có);

e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

g) Phương thức giải quyết tranh chấp.

4. Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh thực hiện nghiệp vụ tài chính, kế toán theo chế độ tài chính, kế toán của tổ chức chủ quản; ghi sổ kế toán các khoản thu thù lao, các khoản chi và bảo quản, lưu sổ kế toán, hồ sơ kế toán theo quy định của pháp luật về tài chính, kế toán và lưu trữ.

5.Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Như vậy, việc Trung tâm tư vấn pháp luật G không thực hiện ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với vợ chồng bà Đoàn Thị M là vi phạm khoản 2, khoản 3 Điều 8 Thông tư số 01/2010/TT-BTP.

Hỏi: Trung tâm tư vấn pháp luật H không thực hiện thông báo cho Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động về việc thay đổi trụ sở của Trung tâm sau khi có quyết định thay đổi trụ sở và chuyển đến trụ sở mới 20 ngày, hành vi của Trung tâm tư vấn pháp luật H có vi phạm pháp luật về tư vấn pháp luật không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 15 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật quy định:

“Trong trường hợp thay đổi trụ sở, Giám đốc Trung tâm, Trưởng Chi nhánh, tư vấn viên pháp luật, luật sư, thì Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh phải thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp, nơi đăng ký hoạt động.”

Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 01/2010/TT-BTP ngày 09/02/2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành mộ số điều của Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật quy định: 

“1. Chậm nhất là mười ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định thay đổi trụ sở hoặc Giám đốc Trung tâm, Trưởng Chi nhánh, tư vấn viên pháp luật, luật sư, thì Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh phải gửi thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động về việc thay đổi, kèm theo bản chính Giấy đăng ký hoạt động và các giấy tờ sau đây:

a) Giấy xác nhận trụ sở mới của Trung tâm, Chi nhánh trong trường hợp thay đổi trụ sở;

b) Quyết định về việc cử Giám đốc Trung tâm, Trưởng Chi nhánh trong trường hợp thay đổi Giám đốc Trung tâm, Trưởng Chi nhánh;

c) Hồ sơ đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật, hồ sơ của luật sư trong trường hợp bổ sung tư vấn viên pháp luật, luật sư. Sở Tư pháp xem xét, cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật cho người được đề nghị.”

Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định:

“2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không niêm yết mức thù lao tư vấn pháp luật tại trụ sở;

b) Không báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về tổ chức và hoạt động định kỳ hằng năm hoặc khi được yêu cầu; không lập, quản lý, sử dụng sổ sách, biểu mẫu theo quy định;

c) Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền khi thay đổi nội dung đăng ký hoặc chấm dứt hoạt động của trung tâm tư vấn pháp luật; thay đổi giám đốc trung tâm, trưởng chi nhánh, tư vấn viên pháp luật, luật sư; thành lập hoặc chấm dứt hoạt động của chi nhánh của trung tâm tư vấn pháp luật;

d) Không có biển hiệu hoặc sử dụng biển hiệu không đúng nội dung giấy đăng ký hoạt động;

đ) Cho người không phải là tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp luật của trung tâm tư vấn pháp luật, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho trung tâm để thực hiện tư vấn pháp luật dưới danh nghĩa của trung tâm tư vấn pháp luật;

e) Cử người không phải là luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho trung tâm tư vấn pháp luật tham gia tố tụng để bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu tư vấn pháp luật;

g) Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy đăng ký hoạt động của trung tâm tư vấn pháp luật;

h) Thực hiện tư vấn pháp luật khi chưa được cấp giấy đăng ký hoạt động.

Như vậy, việc Trung tâm tư vấn pháp luật H sau 20 ngày kể từ ngày có quyết định thay đổi trụ sở, Trung tâm không gửi thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động về việc thay đổi trụ sở để Sở Tư pháp thực hiện việc ghi nội dung thay đổi trụ sở vao Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm là vi phạm Điều 15 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP, khoản 1 Điều 7 Thông tư 01/2010/TT-BTP. Hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm c khoản 2 Điều 9 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.

Hỏi: Bà Nguyễn Thu H đang là Luật sư làm việc tại Văn phòng Luật sư AB, bà có thể được đồng thời làm cộng tác viên tư vấn viên pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp luật không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 18 Thông tư số 01/2010/TT-BTP ngày 09/02/2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành mộ số điều của Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật quy định:

“1. Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xoá án tích và thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được làm cộng tác viên tư vấn pháp luật:

a) Người có bằng cử nhân luật hoặc người có bằng đại học khác làm việc trong các ngành, nghề có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân.

b) Người đã hoặc đang đảm nhiệm các chức danh như luật sư, công chứng viên, trọng tài viên và các chức danh tư pháp khác.

c) Những người sau đây thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi:

- Người có bằng trung cấp luật;

- Người có thời gian làm công tác pháp luật từ ba năm trở lên gồm: Cán sự pháp lý làm việc trong ngành Tư pháp hoặc tổ chức pháp chế của các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang; hội thẩm nhân dân; người công tác trong các ngành khác có hiểu biết pháp luật.

- Thành viên tổ hòa giải; thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; già làng; trưởng bản, trưởng thôn, xóm, ấp, sóc, bon; trưởng các dòng họ; đại diện tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở cơ sở là người có kiến thức pháp luật và có uy tín trong cộng đồng.”

Căn cứ quy định trên thì bà Nguyễn Thu H đang là Luật sư làm việc tại Văn phòng Luật sư AB, có thể được đồng thời làm cộng tác viên tư vấn viên pháp luật tại Trung tâm tư vấn pháp luật.

Hỏi: Công ty TNHH Đầu tư bất động sản AC có được đăng ký thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc Công ty không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 1 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật quy định: Nghị định này quy định về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật (sau đây gọi chung là tổ chức chủ quản).

Căn cứ quy định nêu trên thì đối tượng đăng ký thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật bao gồm: Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật mới thuộc đối tượng đăng ký thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc tổ chức chủ quản. Tổ chức chủ quản chịu trách nhiệm về tổ chức, hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật do mình thành lập.

Hỏi: Người đang là Công chức làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước có được đăng ký tập sự hành nghề Thừa phát lại không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Khoản 6 Điều 8 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại quy định:

Người thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 11 của Nghị định này không được đăng ký tập sự hành nghề Thừa phát lại.”

Điều 11 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định những trường hợp không được bổ nhiệm Thừa phát lại:

“1. Người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự.

2. Người đã được bổ nhiệm công chứng viên, được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, đấu giá, quản tài viên, được cấp thẻ thẩm định viên về giá mà chưa miễn nhiệm công chứng viên, thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư, đấu giá, quản tài viên, thẻ thẩm định viên về giá.

3. Người đang là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân.

4. Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án về tội phạm do vô ý, tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý mà chưa được xóa án tích; người đã bị kết án về tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản, trục lợi, gian lận, gian dối, xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích.

5. Người quy định tại khoản 3 Điều này bị bãi nhiệm, bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức, buộc thôi việc, tước danh hiệu hoặc đưa ra khỏi ngành.

6. Người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư do vi phạm pháp luật hoặc vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư; người bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư mà chưa hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó.

7. Người bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên, thẻ thẩm định viên về giá, chứng chỉ hành nghề đấu giá, chứng chỉ hành nghề quản tài viên mà chưa hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó.

8. Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.”

Căn cứ các quy định trên thì người đang là Công chức làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước không được đăng ký tập sự hành nghề Thừa phát lại.

Hỏi: Điều kiện, trình tự, thủ tục đăng ký thành lập Văn phòng Thừa phát lại?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều kiện, trình tự, thủ tục đăng ký thành lập văn phòng Thừa phát lại được quy định tại Điều 21 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại như sau:

1. Việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải căn cứ vào các tiêu chí sau đây:

a) Điều kiện về kinh tế - xã hội của địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;

b) Số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;

c) Mật độ dân cư và nhu cầu của người dân ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;

d) Không quá 02 Văn phòng Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính cấp huyện là quận, thành phố thuộc tỉnh, thị xã; không quá 01 Văn phòng Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính huyện.

2. Căn cứ vào các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều này, Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại ở địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

3. Căn cứ vào Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại đã được phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo về việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại tại địa phương. Trên cơ sở thông báo nêu trên của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thừa phát lại có nhu cầu thành lập Văn phòng Thừa phát lại nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại đến Sở Tư pháp nơi đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;

b) Bản thuyết minh về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện;

c) Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thừa phát lại để đối chiếu.

4. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.

5. Thừa phát lại đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải nộp phí thẩm định điều kiện thành lập, hoạt động Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

Mức phí thẩm định điều kiện thành lập, hoạt động Văn phòng Thừa phát lại là 1.000.000 đồng quy định tại Thông tư số 223/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề thừa phát lại; phí thẩm định điều kiện thành lập, hoạt động Văn phòng Thừa phát lại.

Hỏi: Thủ tục đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Thủ tục đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại được quy định tại Điều 22 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại như sau:

1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định cho phép thành lập, Văn phòng Thừa phát lại phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp nơi cho phép thành lập.

Nội dung đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại bao gồm: Tên, địa chỉ trụ sở của Văn phòng Thừa phát lại; họ tên Trưởng Văn phòng Thừa phát lại; danh sách Thừa phát lại hợp danh và danh sách Thừa phát lại làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (nếu có) của Văn phòng Thừa phát lại.

2. Văn phòng Thừa phát lại nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đăng ký hoạt động đến Sở Tư pháp. Hồ sơ bao gồm: Đơn đăng ký hoạt động theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định; bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại để đối chiếu; giấy tờ chứng minh đủ điều kiện quy định tại khoản 3, 4 Điều 17 của Nghị định này và hồ sơ đăng ký hành nghề của Thừa phát lại theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Nghị định này.

3. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

4. Văn phòng Thừa phát lại được hoạt động kể từ ngày Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động.

Như vậy, ngoài đơn đăng ký hoạt động theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định; bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại để đối chiếu, thì Văn phòng Thừa phát lại cung cấp các giấy tờ chứng minh các điều kiện:

- Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng Thừa phát lại là Trưởng Văn phòng Thừa phát lại. Trưởng Văn phòng Thừa phát lại phải là Thừa phát lại. Văn phòng Thừa phát lại có thể có Thừa phát lại là thành viên hợp danh, Thừa phát lại làm việc theo chế độ hợp đồng lao động và thư ký nghiệp vụ.

- Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính.

Đồng thời kèm hồ sơ đăng ký hành nghề của Thừa phát lại và cấp Thẻ cho Thừa phát lại của Văn phòng mình. Hồ sơ bao gồm:

- Giấy đề nghị đăng ký hành nghề và cấp Thẻ Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;

- Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thừa phát lại để đối chiếu;

- 01 ảnh chân dung của Thừa phát lại cỡ 2 cm x 3 cm chụp không quá 06 tháng trước ngày nộp hồ sơ.

Hỏi: Công việc của Thừa phát lại gồm những hoạt động nào?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 3 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại quy định những công việc của Thừa phát lại được làm, cụ thể như sau:

1. Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

2. Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.

3. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

4. Tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Hỏi: Vi bằng là gì? Thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng, giá trị pháp lý của vi bằng?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại quy định:

Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.

Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại quy định thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng, giá trị pháp lý của vi bằng cụ thể như sau:

1. Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp không được lập vi bằng quy định tại Điều 37 của Nghị định, cụ thể:

- Các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 4 của Nghị định: Trong khi thực thi nhiệm vụ, Thừa phát lại không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.

- Vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng bao gồm: Xâm phạm mục tiêu về an ninh, quốc phòng; làm lộ bí mật nhà nước, phát tán tin tức, tài liệu, vật phẩm thuộc bí mật nhà nước; vi phạm quy định ra, vào, đi lai trong khu vực câm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự; vi phạm quy định về bảo vệ bí mật, bảo vệ công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự.

- Vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự; trái đạo đức xã hội.

- Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; xác nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xác nhận chữ ký, bản sao đúng với bản chính.

- Ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.

- Ghi nhận sự kiện, hành vi để thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng.

- Ghi nhận sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân đang thi hành công vụ.

- Ghi nhận sự kiện, hành vi không do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến.

- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.

3. Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

4. Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân triệu tập.

Hỏi: Tống đạt là gì? Thẩm quyền, phạm vi tống đạt của Thừa phát lại

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại quy định: Tống đạt là việc thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan

Điều 32 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định thẩm quyền, phạm vi tống đạt của Thừa phát lại như sau:

1. Thừa phát lại thực hiện tống đạt các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu sau đây:

a) Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự;

b) Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.

2. Trưởng Văn phòng Thừa phát lại có thể giao thư ký nghiệp vụ thực hiện việc tống đạt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận việc tống đạt phải do Thừa phát lại thực hiện.

3. Văn phòng Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức yêu cầu về việc tống đạt thiếu chính xác, không đúng thủ tục, không đúng thời hạn của mình; bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Hỏi: Người đang là Luật sư có được đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá tài sản không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Khoản 4 Điều 17 Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định:

“4. Người thuộc một trong những trường hợp sau đây thì không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư:

a) Đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

b) Không thường trú tại Việt Nam;

c) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xoá án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

d) Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục hoặc quản chế hành chính;

đ) Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

e) Những người quy định tại điểm a khoản này bị buộc thôi việc mà chưa hết thời hạn ba năm, kể từ ngày quyết định buộc thôi việc có hiệu lực.”

Điều 15 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định:

“Những trường hợp không được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá

1. Không đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật này.

2. Đang là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức, trừ trường hợp là công chức, viên chức được đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá để làm việc cho Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản.

3. Bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

4. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích; đã bị kết án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các tội về tham nhũng kể cả trường hợp đã được xóa án tích.

5. Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.”

Căn cứ quy định nêu trên, người đang làm luật sư được đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá và đồng thời có thể hành nghề luật sư và hành nghề đấu giá.

Hỏi: Thừa phát lại có được kiêm nhiệm hành nghề đấu giá không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 4 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại quy định những việc Thừa phát lại không được làm, cụ thể:

“1. Tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật quy định khác; sử dụng thông tin về hoạt động của Thừa phát lại để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

2. Đòi hỏi thêm bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng.

3. Kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thẩm định giá, đấu giá tài sản, quản lý, thanh lý tài sản.

4. Trong khi thực thi nhiệm vụ, Thừa phát lại không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.

5. Các công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật.”

Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP thì Thừa phát lại không được kiêm nhiệm hành nghề đấu giá.

Hỏi: Người đang là Luật sư có được bổ nhiệm Thừa phát lại không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 11 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại quy định những trường hợp không được bổ nhiệm Thừa phát lại, bao gồm:

“1. Người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự.

2. Người đã được bổ nhiệm công chứng viên, được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, đấu giá, quản tài viên, được cấp thẻ thẩm định viên về giá mà chưa miễn nhiệm công chứng viên, thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư, đấu giá, quản tài viên, thẻ thẩm định viên về giá.

3. Người đang là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân.

4. Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án về tội phạm do vô ý, tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý mà chưa được xóa án tích; người đã bị kết án về tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản, trục lợi, gian lận, gian dối, xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích.

5. Người quy định tại khoản 3 Điều này bị bãi nhiệm, bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức, buộc thôi việc, tước danh hiệu hoặc đưa ra khỏi ngành.

6. Người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư do vi phạm pháp luật hoặc vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư; người bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư mà chưa hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó.

7. Người bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên, thẻ thẩm định viên về giá, chứng chỉ hành nghề đấu giá, chứng chỉ hành nghề quản tài viên mà chưa hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó.

8. Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.”

Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP thì người là luật sư thuộc một trong những trường hợp không được bổ nhiệm Thừa phát lại.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.352.905
Lượt truy cập hiện tại 25.252