Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tình huống về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (TT)
Ngày cập nhật 19/08/2021

1. Anh Trần Nguyên Bình muốn biết kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Toàn án được công nhận khi đảm bảo các điều kiện gì?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 33 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 quy định Kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được công nhận khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Các bên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

2. Các bên là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận, thống nhất;

3. Nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

4. Trường hợp các bên thuận tình ly hôn thì thỏa thuận của các bên phải có đầy đủ nội dung về việc ly hôn, việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, chồng, con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình;

5. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại của các bên liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người khác nhưng người đó không có mặt tại phiên hòa giải, đối thoại thì thỏa thuận, thống nhất chỉ được công nhận khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của họ;

6. Trường hợp các bên thỏa thuận, thống nhất được một phần tranh chấp dân sự, một phần khiếu kiện hành chính thì chỉ được công nhận khi nội dung thỏa thuận, thống nhất không liên quan đến các phần khác của tranh chấp, khiếu kiện đó.

Như vậy, kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án được công nhận khi đảm bảo đủ các điều kiện đã nêu trên.

2. Chị Lê Thị Tuyết muốn biết Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành quy định phải có những nội dung gì?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 34 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 quy định Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phải có các nội dung sau đây:

1. Ngày, tháng, năm ra quyết định;

2. Tên Tòa án ra quyết định;

3. Họ, tên của Thẩm phán ra quyết định;

4. Họ, tên, địa chỉ của các bên, người đại diện, người phiên dịch;

5. Nội dung hòa giải thành, đối thoại thành;

6. Căn cứ ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

Như vậy, Nội dung Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án đảm bảo đủ các yêu cầu đã nêu trên.

3. Anh Nguyễn Văn Công và Bà Trần Thị Chất có tranh chấp quyền sử dụng đất, đã được TAND huyện X hòa giải thành và đã ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại. Tuy nhiên, Anh Nguyễn Văn Công muốn kháng cáo Quyết định có được không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 35 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 quy định Hiệu lực của quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án, cụ thể:

1. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

2. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

3. Quyết định công nhận kết quả đối thoại thành được thi hành theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

Như vậy, theo quy định tại điểm 1 Điều 35 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020, Anh Nguyễn Văn Công không thể kháng cáo quyết định trên.

4. Bà Trần Thị Ơn muốn biết quy định cụ thể về việc đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 36 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 quy định về việc  Đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án, cụ thể:

1. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có thể bị xem xét lại theo đề nghị của các bên, người đại diện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định của Tòa án, kiến nghị của Viện kiểm sát nếu có căn cứ cho rằng nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên vi phạm một trong các điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này.

2. Các bên, người đại diện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định của Tòa án có quyền đề nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định. Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác mà họ không thực hiện được quyền đề nghị theo đúng thời hạn thì thời gian đó không tính vào thời hạn đề nghị.

3. Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án.

Như vậy, quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có thể xem xét lại theo đề nghị của các bên liên quan hoặc theo kiến nghị của Viện kiểm sát quy định theo các nội dung cụ thể đã nêu trên.

5. Anh Lý Văn Vĩnh và Anh Trần Ngọc Thành có tranh chấp đất đai tuy nhiên đã được hòa giải thành tại Tòa án và đã có quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án huyện A Lưới. Nhưng anh Lý Văn Vĩnh vẫn chưa hài lòng với một số nội dung tại Quyết định, vì vậy anh muốn biết phải gửi đơn đến cơ quan nào để đề nghị xem xét lại Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 37 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 quy định Thủ tục đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án, cụ thể:

Người đề nghị, Viện kiểm sát kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phải gửi đơn đề nghị, văn bản kiến nghị đến Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án đã ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

Như vậy, Anh Vĩnh phải thực hiện các yêu cầu thủ tục như trên gửi đến Tòa án tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành của anh.

6. Chị Nguyễn Thị Bê hỏi, chị đã gửi đơn đề nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành về tranh chấp đất tại TAND tỉnh, chị muốn biết về quy trình giải quyết đơn của chị như thế nào?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 38 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 quy định Thủ tục giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án, cụ thể:

1. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị hoặc văn bản kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành, Tòa án cấp trên trực tiếp yêu cầu Tòa án đã ra quyết định chuyển hồ sơ, tài liệu. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, Tòa án đã ra quyết định phải chuyển hồ sơ, tài liệu cho Tòa án cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, tài liệu, Tòa án cấp trên trực tiếp phải thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết; đồng thời thông báo cho người đề nghị, Viện kiểm sát kiến nghị và Viện kiểm sát cùng cấp.

2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được phân công, Thẩm phán thực hiện việc xác minh, thu thập chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu.

Trường hợp có đủ căn cứ kết luận quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành vi phạm một trong các điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này thì Thẩm phán ra quyết định hủy quyết định đó và làm thủ tục chuyển vụ việc cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Trường hợp không có căn cứ kết luận quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành vi phạm một trong các điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này thì Thẩm phán ra quyết định không chấp nhận đề nghị, kiến nghị và giữ nguyên quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

Trường hợp người đề nghị rút đề nghị, Viện kiểm sát rút kiến nghị thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ việc xem xét đề nghị, kiến nghị.

3. Quyết định quy định tại khoản 2 Điều này phải được gửi cho Viện kiểm sát đã kiến nghị, Viện kiểm sát cùng cấp, người đề nghị, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc đề nghị, kiến nghị trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.

Như vậy, quy trình thủ tục giải quyết đơn xem xét quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành sẽ được giải quyết theo thủ tục nêu trên.

7. Chị Lê Ngọc Thảo hỏi nội dung quyết định của Tòa án về giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành quy định như thế nào?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 39 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 quy định quyết định giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phải có các nội dung sau đây:

a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Tên Tòa án ra quyết định;

c) Họ, tên của Thẩm phán ra quyết định;

d) Họ, tên, địa chỉ của người đề nghị; tên của Viện Kiểm sát kiến nghị;

đ) Họ, tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

e) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết;

g) Căn cứ pháp luật để giải quyết đề nghị, kiến nghị;

h) Nhận định của Tòa án và những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị, kiến nghị;

i) Quyết định của Tòa án.

Như vậy, quyết định giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đảm bảo các nội dung đã nêu như trên.

8. Anh Nguyễn Anh Bằng và Chị Lý Thị Nở có tranh chấp quyền sử dụng đất và đang được TAND huyện X thực hiện hòa giải, đối thoại. Tuy nhiên, do không thể thống nhất các nội dung hòa giải, nên Chị Nở muốn chấm dứt việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án, chị muỗn biết chị muốn chấm dứt hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã đủ điều kiện chưa?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 40 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 quy định Việc hòa giải, đối thoại chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Hòa giải thành, đối thoại thành;

2. Các bên không đạt được thỏa thuận, thống nhất về toàn bộ nội dung vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính hoặc chỉ thỏa thuận, thống nhất được một phần vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính nhưng phần đó có liên quan đến những phần khác của vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính;

3. Một bên hoặc các bên không đồng ý tiếp tục hòa giải, đối thoại hoặc vắng mặt sau 02 lần được thông báo hợp lệ về việc hòa giải, đối thoại;

4. Trong quá trình hòa giải, đối thoại phát hiện vụ việc thuộc trường hợp quy định tại Điều 19 của Luật này;

5. Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp Khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính trong quá trình hòa giải, đối thoại;

6. Người nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu rút đơn khởi kiện; đơn yêu cầu.

Như vậy, theo điểm 3 Điều 40 thì vụ việc hòa giải giữa chị Nở và anh Bằng đủ điều kiện chấm dứt hòa giải, đối thoại.

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.383.455
Lượt truy cập hiện tại 1.735