Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Hỏi đáp về hòa giải ở cơ sở
Ngày cập nhật 10/07/2020

Anh Lê Văn Do muốn hòa giải viên thực hiện hòa giải mâu thuẫn giữa ông và người hàng xóm. Ông muốn biết pháp luật quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở?

Điều 4 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở, như sau:

1. Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở.

2. Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và người cao tuổi.

3. Khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 10 của Luật Hòa giải ở cơ sở.

4. Tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.

5. Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

6. Không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự.

Như vậy, nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở được pháp luật quy định như trên.

Ông Lương Bá là công chức nghỉ hưu, ông muốn làm hòa giải viên ở cơ sở. Ông hỏi Hòa giải viên có các quyền và nghĩa vụ gì?

Điều 9 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định như sau:

Hòa giải viên có các quyền sau đây:

1. Thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở.

2. Đề nghị các bên có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến vụ, việc hòa giải.

3. Tham gia sinh hoạt, thảo luận và quyết định nội dung, phương thức hoạt động của tổ hòa giải.

4. Được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải; được cung cấp tài liệu liên quan đến hoạt động hòa giải.

5. Hưởng thù lao theo vụ, việc khi thực hiện hòa giải.

6. Được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

7. Được hỗ trợ, tạo điều kiện để khắc phục hậu quả nếu gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải.

8. Kiến nghị, đề xuất về các vấn đề liên quan đến hoạt động hòa giải.

9. Chính phủ quy định chi tiết khoản 5 và khoản 7 Điều này.

Điều 10 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định Hòa giải viên có các nghĩa vụ sau đây:

1. Thực hiện hòa giải khi có căn cứ theo quy định tại Điều 16 của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

2. Tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 4 của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

3. Từ chối tiến hành hòa giải nếu bản thân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ, việc hòa giải hoặc vì lý do khác dẫn đến không thể bảo đảm khách quan, công bằng trong hòa giải.

4. Thông báo kịp thời cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có biện pháp phòng ngừa trong trường hợp thấy mâu thuẫn, tranh chấp nghiêm trọng có thể dẫn đến hành vi bạo lực gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của các bên hoặc gây mất trật tự công cộng.

5. Thông báo kịp thời cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý trong trường hợp phát hiện mâu thuẫn, tranh chấp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về hình sự.

Như vậy, hòa giải viên có các quyền và nghĩa vụ như đã nêu trên, ông Bá tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

Bà Nguyễn Thị Mộng muốn tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở, bà muốn biết hòa giải viên đảm bảo tiêu chuẩn gì và việc bầu, công nhận hòa giải viên được pháp luật quy định như thế nào?

Điều 7 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định như sau:

Tiêu chuẩn hòa giải viên:

Người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có các tiêu chuẩn sau đây:

1. Có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư;

2. Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật.

Điều 8 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định bầu, công nhận hòa giải viên như sau:

1. Người có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 7 nêu trên có quyền ứng cử hoặc được Ban công tác Mặt trận phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận giới thiệu vào danh sách bầu hòa giải viên.

2. Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tổ chức bầu hòa giải viên ở thôn, tổ dân phố bằng một trong các hình thức sau đây:

a) Biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín tại cuộc họp đại diện các hộ gia đình;

b) Phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình.

3. Kết quả bầu hòa giải viên:

a) Người được đề nghị công nhận là hòa giải viên phải đạt trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý;

b) Trường hợp số người đạt trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý nhiều hơn số lượng hòa giải viên được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật Hòa giải ở cơ sở thì danh sách người được đề nghị công nhận là hòa giải viên lấy theo kết quả bỏ phiếu từ cao xuống thấp;

c) Trường hợp số người được bầu không đủ để thành lập tổ hòa giải thì tổ chức bầu bổ sung cho đủ số lượng;

d) Trưởng ban công tác Mặt trận lập danh sách người được đề nghị công nhận là hòa giải viên gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận hòa giải viên. Quyết định công nhận hòa giải viên được gửi cho Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, hòa giải viên và thông báo công khai ở thôn, tổ dân phố.

Như vậy, hòa giải viên có các tiêu chuẩn  và việc bầu, công nhận hòa giải viên được pháp luật quy định như trên. Bà Mộng tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

Ông Phạm Hữu Minh muốn được Tổ hòa giải thực hiện hòa giải ở cơ sở. Ông đề nghị cho biết những vụ việc nào được hòa giải ở cơ sở và những trường hợp nào không được hòa giải ở cơ sở?

Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, quy định phạm vi hòa giải ở cơ sở như sau:

1. Hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật sau đây:

a) Mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác);

b) Tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất;

c) Tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; ly hôn;

d) Vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính;

đ) Vi phạm pháp luật hình sự trong các trường hợp sau đây:

Không bị khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

Pháp luật quy định chỉ khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, nhưng người bị hại không yêu cầu khởi tố theo quy định tại Khoản 1 Điều 105 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

Vụ án đã được khởi tố, nhưng sau đó có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng về đình chỉ điều tra theo quy định tại Khoản 2 Điều 164 của Bộ luật tố tụng hình sự hoặc đình chỉ vụ án theo quy định tại Khoản 1 Điều 169 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

e) Vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Chương II Phần thứ năm của Luật xử lý vi phạm hành chính;

g) Những vụ, việc khác mà pháp luật không cấm.

2. Không hòa giải các trường hợp sau đây:

a) Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;

b) Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội;

c) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ các trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 1 nêu trên;

d) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị xử lý vi phạm hành chính, trừ các trường hợp quy định tại Điểm e Khoản 1 nêu trên;

đ) Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 3 của Luật hòa giải ở cơ sở, bao gồm:

Hòa giải tranh chấp về thương mại được thực hiện theo quy định của Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Hòa giải tranh chấp về lao động được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Như vậy, những vụ việc được hòa giải ở cơ sở và những trường hợp không được hòa giải ở cơ sở được pháp luật quy định như trên, Ông Minh tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

Bà Trần Thị Thơ muốn được làm hòa giải viên tổ hòa giải, bà Thơ muốn biết pháp luật quy định như thế nào về tổ hòa giải và trách nhiệm của tổ hòa giải?

Điều 12, Điều 13 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, quy định như sau:

1. Tổ hòa giải có tổ trưởng và các hòa giải viên. Mỗi tổ hòa giải có từ 03 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên nữ. Đối với vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tổ hòa giải phải có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định số lượng tổ hòa giải, hòa giải viên trong một tổ hòa giải căn cứ vào đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội, dân số của địa phương và đề nghị của Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

3. Hằng năm, Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì phối hợp với tổ trưởng tổ hòa giải tiến hành rà soát, đánh giá về tổ chức, hoạt động của tổ hòa giải và kiến nghị Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã để đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã kiện toàn tổ hòa giải.

Tổ hòa giải có trách nhiệm sau đây:

1. Tổ chức thực hiện hòa giải.

2. Tổ chức trao đổi kinh nghiệm, thảo luận các giải pháp để tiến hành hòa giải vụ, việc phức tạp.

3. Phối hợp với Ban công tác Mặt trận, Chi hội phụ nữ, Chi đoàn thanh niên, Chi hội cựu chiến binh, Chi hội nông dân, Chi hội người cao tuổi, các tổ hòa giải và tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.

4. Kiến nghị với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Uỷ ban nhân dân cấp xã về hoạt động hòa giải ở cơ sở, các điều kiện cần thiết cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.

5. Đề nghị khen thưởng tổ hòa giải, hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải.

Như vậy, tổ hòa giải và trách nhiệm của tổ hòa giải được pháp luật quy định như trên. Bà Thơ tham khảo để thực hiện yêu cẩu của mình.

Ông Dương Thiệu Thanh làm hòa giải viên ở cơ sở cũng được hơn 3 năm. Các hòa giải viên trong Tổ hòa giải muốn bầu ông Thanh làm Tổ trưởng Tổ hòa giải. Ông Thanh muốn biết Tổ trưởng tổ hòa giải có phải do hòa giải bầu không và tổ trưởng tổ hòa giải có các quyền và nghĩa vụ gì?

Điều 14, Điều 15 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, quy định như sau:

1. Tổ trưởng tổ hòa giải do hòa giải viên bầu trong số các hòa giải viên để phụ trách tổ hòa giải.

2. Việc bầu tổ trưởng tổ hòa giải được thực hiện dưới sự chủ trì của Trưởng ban công tác Mặt trận bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín. Kết quả bầu tổ trưởng tổ hòa giải được lập thành văn bản và gửi chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã để ra quyết định công nhận.

Tổ trưởng tổ hòa giải có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Phân công, phối hợp hoạt động của các hòa giải viên.

2. Đại diện cho tổ hòa giải trong quan hệ với Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong thực hiện trách nhiệm của tổ hòa giải.

3. Đề nghị cho thôi làm hòa giải viên theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật Hòa giải ở cơ sở.

4. Báo cáo kịp thời với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan có thẩm quyền về các vụ, việc theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 10 của Luật Hòa giải ở cơ sở.

5. Báo cáo hằng năm và báo cáo đột xuất về tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải với Ủy ban nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

6. Phối hợp với tổ trưởng tổ hòa giải khác để trao đổi kinh nghiệm hoặc tiến hành hòa giải những vụ, việc liên quan đến các thôn, tổ dân phố khác nhau.

7. Có các quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Luật Hòa giải ở cơ sở.

Như vậy, Tổ trưởng tổ hòa giải do hòa giải viên bầu trong số các hòa giải viên, Tổ trưởng tổ hòa giải có các quyền và nghĩa vụ như đã nêu trên.

Ông Vương Văn Lu là hòa giải viên ở cơ sở của thôn M, xã K, huyện S, tỉnh T.T.Huế. Trong một lần đi thực hiện hòa giải cho người dân không may ông Lu bị tai nạn, ông bị gãy chân và phải nhập viện điều trị hơn nửa tháng. Ông hỏi thủ tục thực hiện hỗ trợ khi hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải được quy định như thế nào?

Thủ tục thực hiện hỗ trợ khi hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải được ban hành kèm theo Quyết định số 2157/QĐ-UBND ngày 01/10/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc công bố thủ tục hành chính được chuẩn hóa trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tư pháp, quy định như sau:

Trình tự thực hiện:

- Trong trường hợp hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên hoặc gia đình hòa giải viên bị thiệt hại về tính mạng nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã ra quyết định công nhận hòa giải viên.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã ra quyết định công nhận hòa giải viên xem xét, có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện kèm theo hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe trong khi thực hiện hoạt động hòa giải.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, ra quyết định hỗ trợ; trường hợp không hỗ trợ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Chậm nhất sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc chi tiền hỗ trợ.

Cách thức thực hiện:

- Hồ sơ nộp trực tiếp.

- Nộp qua đường bưu điện.

Thành phần hồ sơ:

- Giấy đề nghị hỗ trợ của hòa giải viên hoặc gia đình hòa giải viên trong trường hợp hòa giải viên bị thiệt hại về tính mạng có xác nhận của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc Trưởng ban công tác Mặt trận trong trường hợp hòa giải viên bị thiệt hại là tổ trưởng tổ hòa giải. Giấy đề nghị hỗ trợ phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người yêu cầu hỗ trợ; lý do yêu cầu hỗ trợ;

- Biên bản xác nhận tình trạng của hòa giải viên bị tai nạn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn hoặc cơ quan công an nơi xảy ra tai nạn (bản chính hoặc bản sao có chứng thực trong trường hợp gửi qua đường bưu điện; bản phô tô và bản chính để đối chiếu trong trường hợp nộp trực tiếp);

- Giấy ra viện, hóa đơn thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh (bản chính hoặc bản sao có chứng thực trong trường hợp gửi qua đường bưu điện; bản phô tô và bản chính để đối chiếu trong trường hợp nộp trực tiếp);

- Văn bản, giấy tờ hợp lệ về thu nhập thực tế theo tiền lương, tiền công hằng tháng của người bị tai nạn có xác nhận của tổ chức hoặc cá nhân sử dụng lao động để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút (bản chính hoặc bản sao có chứng thực trong trường hợp gửi qua đường bưu điện; bản phô tô và bản chính để đối chiếu trong trường hợp nộp trực tiếp), bao gồm: Hợp đồng lao động, quyết định nâng lương của tổ chức hoặc cá nhân sử dụng lao động hoặc bản kê có thu nhập thực tế của hòa giải viên bị tai nạn và các giấy tờ chứng minh thu nhập thực tế hợp pháp khác (nếu có);

- Giấy chứng tử (trong trường hợp hòa giải viên bị thiệt hại về tính mạng; bản chính hoặc bản sao có chứng thực trong trường hợp gửi qua đường bưu điện; bản phô tô và bản chính để đối chiếu trong trường hợp nộp trực tiếp).

Số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ.

Thời hạn giải quyết hồ sơ:

- Thời hạn UBND cấp xã xem xét, đề nghị UBND cấp huyện giải quyết hồ sơ: 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ;

- Thời hạn Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định hỗ trợ: 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ;

- Thời hạn UBND cấp xã chi tiền hỗ trợ: 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định của UBND cấp huyện.

Lệ phí: Không.

Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: Hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở

Như vậy, thủ tục thực hiện hỗ trợ khi hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải được quy định như trên, ông Lu tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

                Bà Đặng Thị Mây muốn được làm hòa giải viên ở cơ sở ở của xã bà đang ở, huyện K, tỉnh T.T.Huế. Bà muốn biết để được công nhận hòa giải viên bà phải làm như thế nào, nộp những hồ sơ gì, nộp ở đâu, thời hạn giải quyết bao lâu, lệ phí bao nhiêu?

  Thủ tục công nhận hòa giải viên được ban hành kèm theo Quyết định số 2157/QĐ-UBND ngày 01/10/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc công bố thủ tục hành chính được chuẩn hóa trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tư pháp, quy định như sau:

Trình tự thực hiện:

- Trường hợp kết quả bầu hòa giải viên đáp ứng yêu cầu quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 3 Điều 8 của Luật hòa giải ở cơ sở, Trưởng ban công tác Mặt trận lập danh sách người được đề nghị công nhận là hòa giải viên kèm theo biên bản kiểm phiếu hoặc biên bản về kết quả biểu quyết bầu hòa giải viên gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được danh sách người được đề nghị công nhận hòa giải viên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định;

- Trường hợp số người được đề nghị công nhận là hòa giải viên lấy theo kết quả bỏ phiếu từ cao xuống thấp nhiều hơn số lượng hòa giải viên được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thì Trưởng ban công tác Mặt trận lập danh sách những người được đề nghị công nhận, trong đó bao gồm những người có số phiếu bằng nhau gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định.

Cách thức thực hiện: Không quy định

Thành phần hồ sơ:

- Danh sách người được đề nghị công nhận là hòa giải viên (Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN).

- Biên bản kiểm phiếu hoặc biên bản về kết quả biểu quyết bầu hòa giải viên (Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN trong trường hợp bầu hòa giải viên bằng hình thức biểu quyết công khai; Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN trong trường hợp bầu hòa giải viên bằng hình thức bỏ phiếu kín; Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN trong trường hợp bầu hòa giải viên bằng hình thức phát phiếu bầu đến hộ gia đình).

Số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ.

Thời hạn giải quyết hồ sơ: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Lệ phí: Không.

Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:

Người được đề nghị công nhận là hòa giải viên phải đạt trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý.

Như vậy, để được công nhận hòa giải viên bà Mây phải thực hiện, nộp các hồ sơ như đã nêu trên, thời hạn giải quyết là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, không có lệ phí.

Ông Mai Văn Hai là hòa giải viên ở cơ sở được hơn 3 năm, đến nay ông được các hòa giải viên bầu làm tổ trưởng tổ hòa giải. Ông hỏi, thủ tục công nhận tổ trưởng tổ hòa giải được thực hiện như thế nào?

Thủ tục công nhận tổ tưởng tổ hòa giải được ban hành kèm theo Quyết định số 2157/QĐ-UBND ngày 01/10/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc công bố thủ tục hành chính được chuẩn hóa trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tư pháp, quy định như sau:

Trình tự thực hiện:

Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày tổ chức cuộc họp bầu tổ trưởng tổ hòa giải, Trưởng ban công tác Mặt trận làm văn bản đề nghị công nhận tổ trưởng tổ hòa giải kèm theo biên bản kiểm phiếu hoặc biên bản về kết quả biểu quyết về việc bầu tổ trưởng tổ hòa giải, gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị công nhận tổ trưởng tổ hòa giải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định.

Cách thức thực hiện: Không quy định.

Thành phần hồ sơ:

- Văn bản đề nghị công nhận tổ trưởng tổ hòa giải (Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN).

- Biên bản kiểm phiếu hoặc biên bản về kết quả biểu quyết về việc bầu tổ trưởng tổ hòa giải (Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN trong trường hợp bầu tổ trưởng tổ hòa giải viên bằng hình thức biểu quyết công khai; Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN trong trường hợp bầu tổ trưởng tổ hòa giải viên bằng hình thức bỏ phiếu kín).

Số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ.

Thời hạn giải quyết hồ sơ: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Lệ phí: Không.

Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:

Người được công nhận là tổ trưởng tổ hòa giải phải đạt trên 50% số hòa giải viên của tổ hòa giải đồng ý và là người có số phiếu bầu cao nhất.

Như vậy, thủ tục công nhận tổ trưởng tổ hòa giải được pháp luật quy định như trên, ông Hai tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

          Bà Lương Thị Bông đang làm hòa giải viên, vì lý do sức khỏe bà Bông không thể tiếp tục làm hòa giải viên. Bà muốn thôi làm hòa giải viên, bà hỏi thủ tục thôi làm hòa giải viên được pháp luật quy định như thế nào?

Thủ tục thôi làm hòa giải viên được ban hành kèm theo Quyết định số 2157/QĐ-UBND ngày 01/10/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc công bố thủ tục hành chính được chuẩn hóa trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tư pháp, quy định như sau:

Trình tự thực hiện:

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ khi nhận được đề nghị của tổ trưởng Tổ hòa giải về việc thôi làm hòa giải viên, Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng dân phố xem xét, xác minh, làm văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định thôi làm hòa giải viên.

Đối với trường hợp thôi làm hòa giải viên theo quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều 11 của Luật hòa giải ở cơ sở, nếu Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không đồng ý với đề nghị của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc Trưởng ban công tác Mặt trận và trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không thống nhất được với nhau về đề nghị của tổ trưởng tổ hòa giải, thì Trưởng ban công tác Mặt trận thông báo với tổ trưởng tổ hòa giải, nêu rõ lý do không đồng ý, đồng thời báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định.

Trường hợp thôi làm hòa giải viên đối với tổ trưởng tổ hòa giải thì Trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố làm văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định thôi làm hòa giải viên.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hoặc báo cáo về việc thôi làm hòa giải viên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định.

Cách thức thực hiện: Không quy định.

Thành phần hồ sơ: Văn bản đề nghị ra quyết định thôi làm hòa giải viên (Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN)/ Báo cáo về việc thôi làm hòa giải viên (Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN) trong trường hợp Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không đồng ý với đề nghị của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc Trưởng ban công tác Mặt trận và trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không thống nhất được với nhau về đề nghị của tổ trưởng tổ hòa giải.

Số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ.

Thời hạn giải quyết hồ sơ: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hoặc báo cáo về việc thôi làm hòa giải viên.

Lệ phí: Không.

Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:

Việc thôi làm hòa giải viên được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

- Theo nguyện vọng của hòa giải viên;

- Hòa giải viên không còn đáp ứng một trong các tiêu chuẩn quy định tại Điều 7 của Luật hòa giải ở cơ sở;

- Vi phạm nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Điều 4 của Luật hòa giải ở cơ sở hoặc không có điều kiện tiếp tục làm hòa giải viên do bị xử lý vi phạm pháp luật.

Như vậy, thủ tục thôi làm hòa giải viên được pháp luật quy định như trên, bà Bông tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

Ông Trương Mạnh Sử là tổ trưởng tổ hòa giải, tổ hòa giải ông đã thực hiện hòa giải được 3 vụ việc, ông muốn thanh toán thù lao cho hòa giải viên. Ông Sử đề nghị cho biết thủ tục thanh toán thù lao cho hòa giải viên được pháp luật quy định như thế nào?

Thủ tục thanh toán thù lao cho hòa giải viên được ban hành kèm theo Quyết định số 2157/QĐ-UBND ngày 01/10/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc công bố thủ tục hành chính được chuẩn hóa trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tư pháp, quy định như sau:

Trình tự thực hiện:

- Tổ trưởng tổ hòa giải lập hồ sơ đề nghị thanh toán thù lao cho hòa giải viên.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định và trả thù lao cho hòa giải viên thông qua tổ hòa giải; trường hợp quyết định không thanh toán cho hòa giải viên thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Cách thức thực hiện: Không quy định.

Thành phần hồ sơ:

Giấy đề nghị thanh toán thù lao của hòa giải viên có ghi rõ họ, tên, địa chỉ của hòa giải viên; tên, địa chỉ tổ hòa giải; số tiền đề nghị thanh toán; nội dung thanh toán (có danh sách các vụ, việc trong trường hợp đề nghị thanh toán thù lao cho nhiều vụ, việc); chữ ký của hòa giải viên; chữ ký xác nhận của tổ trưởng tổ hòa giải.

Xuất trình Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở để đối chiếu khi cần thiết.

Số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ.

Thời hạn giải quyết hồ sơ: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Tổ hòa giải thực hiện trả thù lao cho hòa giải viên theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được thù lao.

Lệ phí: Không.

Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:

Điều kiện được hưởng thù lao theo vụ, việc của hòa giải viên:

- Vụ, việc được tiến hành hòa giải và đã kết thúc trong trường hợp:

+ Các bên đạt được thỏa thuận;

+ Một bên hoặc các bên yêu cầu chấm dứt hòa giải;

+ Hòa giải viên quyết định kết thúc hòa giải khi các bên không thể đạt được thỏa thuận và việc tiếp tục hòa giải cũng không thể đạt được kết quả.

- Hòa giải viên không vi phạm nghĩa vụ sau:

+ Thực hiện hòa giải khi có căn cứ theo quy định tại Điều 16 của Luật hòa giải ở cơ sở.

+ Tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 4 của Luật hòa giải ở cơ sở.

+ Từ chối tiến hành hòa giải nếu bản thân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ, việc hòa giải hoặc vì lý do khác dẫn đến không thể bảo đảm khách quan, công bằng trong hòa giải.

+ Thông báo kịp thời cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có biện pháp phòng ngừa trong trường hợp thấy mâu thuẫn, tranh chấp nghiêm trọng có thể dẫn đến hành vi bạo lực gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của các bên hoặc gây mất trật tự công cộng.

+ Thông báo kịp thời cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý trong trường hợp phát hiện mâu thuẫn, tranh chấp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về hình sự.

 Như vậy, thủ tục thanh toán thù lao cho hòa giải viên được pháp luật quy định như trên, ông Sử tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

Ông Nguyễn Khá có yêu cầu tổ hòa giải ở cơ sở thực hiện hòa giải cho ông, ông muốn biết các bên trong hòa giải có các quyền và nghĩa vụ gì?

Điều 17 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hòa giải như sau:

1. Lựa chọn, đề xuất hòa giải viên, địa điểm, thời gian để tiến hành hòa giải.

2. Đồng ý hoặc từ chối hòa giải; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải.

3. Yêu cầu việc hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai.

4. Được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung giải quyết hòa giải.

5. Trình bày đúng sự thật các tình tiết của vụ, việc; cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan.

6. Tôn trọng hòa giải viên, quyền của các bên có liên quan.

7. Không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa điểm hòa giải.

 Như vậy, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hòa giải được pháp luật quy định như trên, ông Khá tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

Ông Trần Dư là hòa giải viên ở cơ sở, ông muốn được hòa giải vụ việc liên quan đến gia đình ông, nhưng tổ trưởng tổ hòa giải không phân công vì ông có quyền, lợi ích liên quan đến vụ việc. Ông Dư muốn biết tổ trưởng tổ hòa giải không phân công tiến hành hòa giải đúng hay không?

Điều 18 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, quy định phân công hòa giải viên như sau:

1. Tổ trưởng tổ hòa giải phân công hòa giải viên tiến hành hòa giải trong trường hợp các bên không lựa chọn hòa giải viên.

2. Tổ trưởng tổ hòa giải không phân công hòa giải viên tiến hành hòa giải nếu có căn cứ cho rằng hòa giải viên có quyền, lợi ích, nghĩa vụ liên quan đến vụ, việc hòa giải hoặc có lý do khác dẫn đến không thể bảo đảm khách quan, công bằng trong hòa giải.

3. Trong quá trình hòa giải, nếu hòa giải viên vi phạm nguyên tắc hoạt động hòa giải hoặc nghĩa vụ khác của hòa giải viên thì tổ trưởng tổ hòa giải phân công hòa giải viên khác thực hiện việc hòa giải.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, việc tổ trưởng không phân công ông Dư tiến hành hòa giải vụ việc là đúng vì ông có quyền, lợi ích, nghĩa vụ liên quan đến vụ, việc hòa giải.

Chị Nguyễn Thị Hoa Lan có đơn yêu cầu tổ hòa giải hòa giải vụ việc cho chị, chị Lan hỏi trong quá trình hòa giải hòa giải viên có thể mời người tham gia hòa giải không, thời gian, địa điểm hòa giải là ở đâu?

Điều 19, Điều 20 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, quy định như sau:

1. Trong quá trình hòa giải, nếu thấy cần thiết, hòa giải viên và một trong các bên khi được sự đồng ý của bên kia có thể mời người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc; đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc người có uy tín khác tham gia hòa giải.

2. Người được mời tham gia hòa giải phải tuân thủ các nguyên tắc hoạt động hòa giải ở cơ sở.

3. Cơ quan, tổ chức có người được mời tham gia hòa giải có trách nhiệm tạo điều kiện để họ tham gia hòa giải.

Địa điểm, thời gian hòa giải:

1. Địa điểm hòa giải là nơi xảy ra vụ, việc hoặc nơi do các bên hoặc hòa giải viên lựa chọn, bảo đảm thuận lợi cho các bên.

2. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày được phân công, hòa giải viên bắt đầu tiến hành hòa giải, trừ trường hợp cần thiết phải hòa giải ngay khi chứng kiến vụ, việc hoặc các bên có thỏa thuận khác về thời gian hòa giải.

Như vậy, trong quá trình hòa giải, nếu thấy cần thiết, hòa giải viên và một trong các bên khi được sự đồng ý của bên kia có thể mời những người trên tham gia hòa giải. Địa điểm, thời gian hòa giải được pháp luật quy định như trên.

                Bà Lương Thị Hoa là người yêu cầu tổ hòa giải hòa giải vụ việc của bà, bà đề nghị cho biết pháp luật quy định như thế nào về tiến hành hòa giải?

Điều 21 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, quy định tiến hành hòa giải như sau:

1. Hòa giải được tiến hành trực tiếp, bằng lời nói với sự có mặt của các bên. Trong trường hợp các bên có người khuyết tật thì có sự hỗ trợ phù hợp để có thể tham gia hòa giải.

2. Hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai theo ý kiến thống nhất của các bên.

3. Tùy thuộc vào vụ, việc cụ thể, trên cơ sở quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân, hòa giải viên áp dụng các biện pháp thích hợp nhằm giúp các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ, việc để các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

4. Hòa giải viên có trách nhiệm ghi nội dung vụ, việc hòa giải vào Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Trường hợp các bên đồng ý thì lập văn bản hòa giải thành theo quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật Hòa giải ở cơ sở.

Như vậy, tiến hành hòa giải được pháp luật quy định như trên, bà Hoa tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

Ông Ngô La đang được hòa giải viên tiến hành hòa giải vụ việc của ông, ông muốn biết hòa giải thành được pháp luật quy định như thế nào và thực hiện hòa giải thành như thế nào?

Điều 24 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định hòa giải thành và thực hiện hòa giải thành như sau:

1. Hòa giải thành là trường hợp các bên đạt được thỏa thuận.

2. Các bên có thể thỏa thuận lập văn bản hòa giải thành gồm các nội dung chính sau đây:

a) Căn cứ tiến hành hòa giải;

b) Thông tin cơ bản về các bên;

c) Nội dung chủ yếu của vụ, việc;

d) Diễn biến của quá trình hòa giải;

đ) Thỏa thuận đạt được và giải pháp thực hiện;

e) Quyền và nghĩa vụ của các bên;

g) Phương thức, thời hạn thực hiện thỏa thuận;

h) Chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên và của hòa giải viên.

Điều 25 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định thực hiện thỏa thuận hòa giải thành như sau:

1. Các bên có trách nhiệm thực hiện thỏa thuận hòa giải thành.

2. Trong quá trình thực hiện thỏa thuận hòa giải thành, nếu một bên vì sự kiện bất khả kháng không thể thực hiện được thì có trách nhiệm trao đổi, thỏa thuận với bên kia và thông báo cho hòa giải viên.

Như vậy, hòa giải thành và thực hiện hòa giải thành được pháp luật quy định như trên, ông La tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

Ông La Văn Ha là tổ trưởng tổ hòa giải thôn A, xã M, huyện K, tỉnh T.T.Huế, ông đề nghị cho biết mức chi thù lao cho hòa giải viên đối với các hòa giải viên trực tiếp tham gia vụ việc hòa giải được chi như thế nào?

Khoản 3 Điều 1 Quyết định số 02/2016/QĐ-UBND ngày 14 tháng 01 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc quy định mức chi đối với công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, quy định như sau:

Nội dung chi:

Thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.

Mức chi:

- Chi thù lao cho hòa giải viên (đối với các hòa giải viên trực tiếp tham gia vụ, việc hòa giải):

+ Hòa giải thành: 200.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải;

+ Hòa giải không thành: 150.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải.

- Hỗ trợ chi phí mai táng cho người tổ chức mai táng hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro bị thiệt hại về tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở: Mức chi bằng 05 tháng lương cơ sở.

- Chi hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải (chi mua văn phòng phẩm, sao chụp tài liệu, nước uống phục vụ các cuộc họp của tổ hòa giải): 100.000 đồng/tổ hòa giải/tháng.

- Chi bồi dưỡng thành viên Ban tổ chức bầu hòa giải viên tham gia họp chuẩn bị cho việc bầu hòa giải viên: 50.000 đồng/người/buổi.

- Chi tiền nước uống cho người tham dự cuộc họp bầu hòa giải viên: 10.000 đồng/người/buổi.

Các mức chi khác không được quy định tại Quyết định này thì thực hiện theo Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở và các Nghị quyết có liên quan của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Như vậy, mức chi thù lao cho hòa giải viên đối với các hòa giải viên trực tiếp tham gia vụ việc hòa giải: Hòa giải thành: 200.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải; hòa giải không thành: 150.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải.

Ông Lê Thanh Thu được hòa giải viên tiến hành hòa giải vụ việc giữa ông và bà Pha. Quá trình hòa giải hai bên không đạt được thỏa thuận và không đi đến thống nhất, vì vậy việc hòa giải không thành. Ông Thu đề nghị cho biết giải quyết trường hợp hòa giải không thành được pháp luật quy định như thế nào?

Điều 10 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở quy định giải quyết trường hợp hòa giải không thành như sau:

1. Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận và cả hai bên yêu cầu tiếp tục hòa giải, thì hòa giải viên tiếp tục tiến hành hòa giải.

2. Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận và một bên yêu cầu tiếp tục hòa giải, nhưng có căn cứ cho rằng việc tiếp tục hòa giải không thể đạt kết quả thì hòa giải viên quyết định kết thúc hòa giải theo quy định tại Khoản 3 Điều 23 của Luật hòa giải ở cơ sở và hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp các bên yêu cầu lập văn bản hòa giải không thành, thì hòa giải viên lập văn bản, ghi rõ thông tin cơ bản về các bên; nội dung chủ yếu của vụ, việc; yêu cầu của các bên; lý do hòa giải không thành; chữ ký của hòa giải viên.

          Như vậy, giải quyết trường hợp hòa giải không thành được pháp luật quy định như trên, ông Thu tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

         

Bà Phạm Thị Mai Na mới được công nhận hòa giải viên ở cơ sở, bà Na muốn biết sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở gồm có những nội dung gì?

 

Điều 11 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở quy định sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở như sau:

1. Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở có nội dung chủ yếu sau đây:

a) Ngày, tháng, năm nhận vụ, việc hòa giải;

b) Họ, tên, tuổi, địa chỉ của các bên, người có liên quan đến vụ, việc hòa giải;

c) Họ, tên của hòa giải viên, người được mời tham gia hòa giải (nếu có);

d) Nội dung chủ yếu của vụ, việc và yêu cầu của các bên;

đ) Kết quả hòa giải;

e) Chữ ký của hòa giải viên, người chứng kiến việc hòa giải và người được mời tham gia hòa giải (nếu có).

2. Sau khi kết thúc hòa giải, hòa giải viên có trách nhiệm ghi nội dung vụ, việc hòa giải vào sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung ghi sổ.

3. Tổ trưởng tổ hòa giải có trách nhiệm lưu giữ, đôn đốc việc ghi Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Như vậy, những nội dung chủ yếu của sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở được pháp luật quy định như trên, bà Na tham khảo để thực hiện.

Đề nghị cho biết việc biên soạn, hỗ trợ tài liệu phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không?

Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, như sau:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm sau đây:

a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh) hướng dẫn, tổ chức thực hiện văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở trong phạm vi địa phương;

b) Biên soạn, hỗ trợ tài liệu phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở cho cấp huyện; hướng dẫn cấp huyện tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp;

c) Tổng hợp, trình dự toán kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương để Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định;

d) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; tiếp nhận, tổ chức thực hiện, khen thưởng tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xem xét, quyết định khen thưởng tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở của quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp huyện; định kỳ sáu tháng, hằng năm và đột xuất khi có yêu cầu thực hiện thống kê, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Bộ Tư pháp kết quả thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên việc biên soạn, hỗ trợ tài liệu phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở?

Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở quy định, như sau:

2. Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện) có trách nhiệm sau đây:

a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện) hướng dẫn, tổ chức thực hiện văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở trong phạm vi địa phương; hướng dẫn lồng ghép thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở vào xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, làng, bản, ấp, cụm dân cư; cung cấp thông tin miễn phí về chính sách, pháp luật liên quan cho tổ chức, cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 15/2014/NĐ-CP;

b) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở cho cấp xã; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên theo hướng dẫn của Sở Tư pháp;

c) Tổng hợp, trình dự toán kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương để Hội đồng nhân dân hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định;

d) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; tiếp nhận, tổ chức thực hiện, khen thưởng hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khen thưởng tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở của quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khi cần thiết; xem xét, quyết định khen thưởng tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải của xã, phường, thị trấn trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã; định kỳ sáu tháng, hằng năm và đột xuất khi có yêu cầu thực hiện thống kê, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp, Sở Tư pháp kết quả thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

Đề nghị cho biết trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở được pháp luật quy định như thế nào?

Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở quy định, như sau:

3. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) có trách nhiệm sau đây:

a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã) hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở; lồng ghép thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, làng, bản, ấp, cụm dân cư; hỗ trợ tài liệu, phổ biến pháp luật phục vụ hoạt động hòa giải ở cơ sở cho cá nhân quy định tại Điều 2 của Nghị định số 15/2014/NĐ-CP;

b) Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã hướng dẫn Ban công tác Mặt trận phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố thành lập, kiện toàn tổ hòa giải và công nhận, cho thôi tổ trưởng tổ hòa giải, hòa giải viên;

c) Xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ cho hoạt động hòa giải trình Hội đồng nhân dân cùng cấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định; thực hiện hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải tại xã, phường, thị trấn;

d) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; tiếp nhận, tổ chức thực hiện, khen thưởng hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện khen thưởng tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở của xã, phường, thị trấn khi cần thiết; định kỳ sáu tháng, hằng năm và đột xuất khi có yêu cầu thực hiện thống kê, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp, Phòng Tư pháp kết quả thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

Ông Võ Văn Sinh là hội viên hội Cựu chiến binh, ông muốn tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở. Ông Sinh đề nghị cho biết pháp luật quy định như thế nào về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở?

Điều 10 Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTUMTTQVN ngày 18 tháng 11 năm 2014 hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, quy định mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở, như sau:

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp ở địa phương mà nòng cốt là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam hướng dẫn, khuyến khích, động viên và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn viên, hội viên các tổ chức thành viên của Mặt trận làm hòa giải viên hoặc tham gia trực tiếp hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp ở cơ sở.

Các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn viên, hội viên các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia hòa giải ở cơ sở được Ủy ban nhân dân cấp xã hỗ trợ tài liệu, phổ biến pháp luật phục vụ hoạt động hòa giải ở cơ sở, khen thưởng hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân cấp trên khen thưởng khi tích cực tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Điểm d Khoản 1, Điểm d Khoản 2, Điểm a và Điểm d Khoản 3 Điều 4 của Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở.

Như vậy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở được pháp luật quy định như trên, ông Sinh tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.497.814
Lượt truy cập hiện tại 4.040