I. KHÁI NIỆM VỀ HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ
Hoà giải ở cơ sở là việc hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên đạt được thoả thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ nhằm giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư. (Điều 1 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, số 09/1998/PL-UBTVQH10 ngày 25 tháng 12 năm 1998 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở năm 1998))
II. NGUYÊN TẮC HOÀ GIẢI VÀ PHẠM VI HOÀ GIẢI Ở CƠ SỞ
1. Nguyên tắc hoà giải
Theo quy định tại Điều 4 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở năm 1998 thì việc hoà giải được tiến hành theo các nguyên tắc sau:
- Phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội và phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân;
- Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên tranh chấp phải tiến hành hoà giải;
- Khách quan, công minh, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên tranh chấp; tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;
- Kịp thời, chủ động, kiên trì nhằm ngăn chặn vi phạm pháp luật, hạn chế những hậu quả xấu khác có thể xảy ra và đạt được kết quả hoà giải.
2. Phạm vi hoà giải
2.1. Những vụ việc được tiến hành hoà giải:
Khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở năm 1998 và khoản 1 Điều 4 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở năm 1998 (sau đây gọi tắt là Nghị định số 160/1999/NĐ-CP) quy định hoà giải được tiến hành đối với việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, gồm:
+ Mâu thuẫn, xích mích giữa các thành viên trong gia đình do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn, xích mích giữa các cá nhân trong quan hệ xóm giềng như sử dụng lối đi qua nhà, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung...;
+ Tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp phát sinh từ các quan hệ về tài sản, quan hệ hợp đồng dân sự, nghĩa vụ dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất;
+ Tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh từ quan hệ hôn nhân gia đình, như: thực hiện quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng; quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con; nhận nuôi con nuôi; ly hôn; yêu cầu cấp dưỡng;
+ Tranh chấp phát sinh từ những việc vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật, những việc vi phạm đó chưa đến mức bị xử lý bằng biện pháp hình sự hoặc biện pháp hành chính như trộm cắp vặt, đánh chửi nhau gây mất trật tự công cộng, đánh nhau gây thương tích nhẹ, va quệt xe cộ gây thương tích nhẹ.
2.2. Những việc không được tiến hành hoà giải
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở năm 1998 và khoản 2 Điều 4 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP thì có những vụ việc Tổ hoà giải không được phép tiến hành hòa giải. Những trường hợp này phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cơ quan tiến hành tố tụng xử lý theo các trình tự, thủ tục do pháp luật quy định, cụ thể các trường hợp sau:
- Các tội phạm hình sự.
Riêng đối với các hành vi vi phạm pháp luật hình sự mà người bị hại đã không yêu cầu hoặc rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Viện Kiểm sát hoặc Toà án không tiếp tục tiến hành việc tố tụng và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với các hành vi như: cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác thì có thể hoà giải;
- Hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý vi phạm hành chính, gồm:
+ Hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy tắc quản lý nhà nước mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định của pháp luật phải bị xử lý vi phạm hành chính;
+ Hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định của pháp luật phải bị áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính như: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh; quản chế hành chính.
- Các vi phạm pháp luật và tranh chấp mà theo quy định của pháp luật không được hoà giải, gồm:
+ Kết hôn trái pháp luật;
+ Gây thiệt hại đến tài sản nhà nước;
+ Tranh chấp phát sinh từ giao dịch trái pháp luật;
+ Tranh chấp về lao động.
- Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng việc hoà giải để trốn tránh xử lý bằng biện pháp hình sự, hành chính.
III. TỔ CHỨC HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ
1. Tổ hoà giải
Hoà giải ở cơ sở được thực hiện thông qua hoạt động của Tổ hoà giải hoặc các tổ chức thích hợp khác của nhân dân ở thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố và các cụm dân cư khác phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội và phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân. (Điều 2 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở năm 1998)
Tổ hoà giải ở cơ sở là tổ chức tự quản của nhân dân được thành lập ở thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố và các cụm dân cư khác để thực hiện hoặc tổ chức thực hiện việc hoà giải những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật. (Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP)
Tổ hoà giải có tổ trưởng và các tổ viên do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận lựa chọn, giới thiệu để nhân dân bầu và do Ủy ban nhân dân cùng cấp công nhận. Mỗi Tổ hoà giải có từ 3 tổ viên trở lên. (khoản 2 Điều 7 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP)
Như vậy, theo các quy định nêu trên thì Tổ hoà giải không phải là một cơ quan hành chính, cơ quan tiến hành tố tụng hoặc tổ chức trọng tài thương mại hay Hội đồng hòa giải lao động cơ sở mà là một tổ chức tự quản do nhân dân thành lập ở thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố, cụm dân cư và được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn công nhận. Tổ hoà giải có tổ trưởng và các tổ viên.
Tính chất tự quản của Tổ hoà giải được thể hiện ở chỗ các tổ viên tổ hòa giải là những người được nhân dân bầu và họ tự điều hành, quản lý công việc của mình.
Số lượng tổ viên tổ hoà giải không ấn định cụ thể nhưng để đảm bảo hoạt động thì mỗi tổ hoà giải phải có từ 3 tổ viên trở lên.
Căn cứ đặc điểm, tình hình cụ thể của cụm dân cư và kết quả cuộc họp thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố, kết quả cuộc họp chủ hộ hoặc kết quả phiếu lấy ý kiến chủ hộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quyết định số lượng tổ hoà giải ở địa phương.
Các cụm dân cư khác: Các chợ cố định, tụ điểm du lịch, vui chơi giải trí.
Các hình thức khác của tổ chức hoà giải ở cơ sở: Hoà giải của gia đình, họ tộc, các đoàn thể, các tổ chức tự quản,…
2. Tổ viên tổ hoà giải
2.1. Tiêu chuẩn của Tổ viên tổ hoà giải
Tổ viên tổ hoà giải do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận lựa chọn, giới thiệu người để nhân dân bầu và được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn công nhận. Tổ viên tổ hoà giải phải là công dân từ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự và có đủ các tiêu chuẩn sau:
- Có phẩm chất đạo đức tốt, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và có uy tín trong nhân dân;
- Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật;
- Tự nguyện tham gia tổ chức hoà giải, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác hoà giải.
(Điều 9 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở năm 1998 và khoản 1 Điều 8 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP)
2.2. Quyền hạn, nhiệm vụ của Tổ viên tổ hoà giải
Điều 11 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP quy định Tổ viên Tổ hoà giải có các quyền hạn, nhiệm vụ sau:
- Hoà giải các vụ việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, như:
+ Mâu thuẫn, xích mích giữa các thành viên trong gia đình do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn, xích mích giữa các cá nhân trong quan hệ xóm giềng như sử dụng lối đi qua nhà, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung...;
+ Tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp phát sinh từ các quan hệ về tài sản, quan hệ hợp đồng dân sự, nghĩa vụ dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất;
+ Tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh từ quan hệ hôn nhân gia đình như: thực hiện quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng; quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con; nhận nuôi con nuôi; ly hôn; yêu cầu cấp dưỡng;
+ Tranh chấp phát sinh từ những việc vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật, những việc vi phạm đó chưa đến mức bị xử lý bằng biện pháp hình sự hoặc biện pháp hành chính như trộm cắp vặt, đánh chửi nhau gây mất trật tự công cộng, đánh nhau gây thương tích nhẹ, va quệt xe cộ gây thương tích nhẹ.
- Thông qua hoạt động hoà giải, tuyên truyền, vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật;
- Đối với những tranh chấp không thuộc phạm vi hoà giải có thể ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương thì tổ viên Tổ hoà giải phải báo cáo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để xem xét và có biện pháp giải quyết.
3. Tổ trưởng tổ hoà giải
Điều 8 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở năm 1998 và Điều 10 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP quy định:
- Tổ trưởng tổ hoà giải do các Tổ viên Tổ hoà giải bầu ra. Tổ trưởng Tổ hoà giải là người phụ trách Tổ hoà giải, đồng thời tham gia hoạt động hoà giải với tư cách là tổ viên Tổ hoà giải.
- Tổ trưởng tổ hoà giải có các quyền hạn, nhiệm vụ sau đây:
+ Phân công, điều hoà, phối hợp hoạt động của tổ viên Tổ hoà giải; phối hợp với các tổ hoà giải trong việc nâng cao nghiệp vụ và trong hoạt động hoà giải tranh chấp liên quan đến địa bàn hoạt động của các Tổ hoà giải đó;
+ Tổ chức các cuộc họp định kỳ và đột xuất để rút kinh nghiệm về công tác hoà giải và đề xuất với ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về các biện pháp nâng cao hiệu quả của công tác hoà giải; cung cấp tài liệu và các thông tin nâng cao nghiệp vụ hoà giải;
+ Báo cáo định kỳ và đột xuất về công tác hoà giải cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp;
+ Đại diện cho Tổ hoà giải trong quan hệ với Trưởng thôn, xóm, bản, ấp, Tổ trưởng tổ dân phố, cụm dân cư và với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở.
IV. HOẠT ĐỘNG HOÀ GIẢI Ở CƠ SỞ
1. Tiến hành hoà giải
Điều 10 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở năm 1998 và Điều 12 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP quy định việc hoà giải do các tổ viên Tổ hoà giải tiến hành hoặc tổ chức tiến hành trong các trường hợp sau:
- Tổ viên Tổ hoà giải chủ động tiến hành hoà giải hoặc mời người ngoài Tổ hoà giải thực hiện việc hoà giải theo sáng kiến của mình trong trường hợp trực tiếp chứng kiến hoặc biết về việc tranh chấp;
- Theo phân công của Tổ trưởng Tổ hoà giải;
- Theo đề nghị của các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân;
- Theo yêu cầu của một hoặc các bên tranh chấp.
2. Người tiến hành hoà giải
Theo quy định tại Điều 11 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở năm 1998 và Điều 14 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP quy định:
- Việc hoà giải có thể do một hoặc một số tổ viên Tổ hoà giải tiến hành.
- Tổ viên Tổ hoà giải có thể mời người ngoài Tổ hoà giải thực hiện việc hoà giải hoặc cùng tham gia hoà giải. Người được mời có thể là người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội và có uy tín đối với các bên tranh chấp. Trong từng trường hợp cụ thể, người được mời có thể là người thân thích, bạn bè, người hàng xóm của một hoặc các bên, người cao tuổi, người biết rõ nguyên nhân tranh chấp.
- Tổ viên Tổ hoà giải không tiến hành việc hoà giải nếu họ là người có liên quan đến vụ việc cần được hoà giải hoặc vì những lý do cá nhân khác mà không thể bảo đảm hoà giải được khách quan hoặc không đem lại kết quả.
- Trong trường hợp không thể tiếp tục tiến hành hoà giải, tổ viên Tổ hoà giải có trách nhiệm báo cáo kịp thời cho Tổ trưởng và bàn giao công việc cho tổ viên khác được Tổ trưởng phân công.
3. Hoà giải tranh chấp mà các bên đương sự ở các cụm dân cư khác nhau
Điều 12 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở năm 1998 và Điều 15 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP quy định:
Trong trường hợp các bên tranh chấp ở các cụm dân cư có các tổ hoà giải khác nhau, thì các tổ hoà giải đó phối hợp để thực hiện việc hoà giải. Việc phối hợp hoà giải do:
- Tổ trưởng hoặc người được Tổ trưởng phân công hoà giải thực hiện.
- Các tổ viên là người thực hiện việc hoà giải có thể trực tiếp phối hợp với nhau, nhưng phải báo cáo ngay với Tổ trưởng về việc phối hợp thực hiện việc hoà giải.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH HOÀ GIẢI Ở CƠ SỞ
Pháp luật không quy định cụ thể về trình tự, thủ tục hoà giải. Thông thường việc hoà giải được tiến hành theo các bước sau:
1. Bước 1: Trước khi hoà giải
- Lựa chọn người tiến hành hoà giải
Việc lựa chọn người tiến hành hoà giải phải tuân theo các quy định tại Điều 11 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở năm 1998 và Điều 14 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP về người tiến hành hoà giải như đã nêu trên.
Tuỳ theo đối tượng, tính chất vụ việc, lý do mâu thuẫn, tranh chấp, mối quan hệ gia đình, xã hội,… của các bên mà Tổ hoà giải lựa chọn, cử người tham gia hoà giải phù hợp.
Người tiến hành hoà giải phải là người có uy tín, có trình độ pháp lý, có khả năng thuyết phục người khác, phù hợp lứa tuổi, giới tính,… Ví dụ nếu các bên tranh chấp là nữ giới thì nên chọn hoà giải viên là nữ giới.
Việc hoà giải có thể do một hoặc một số hoà giải viên tiến hành. Tuỳ từng vụ việc cụ thể mà Tổ hoà giải quyết định số lượng hoà giải viên tham gia hoà giải. Ví dụ: Hoà giải về mâu thuẫn giữa vợ và chồng, Tổ hoà giải nên cử hoà giải viên là nữ giới để tác động người vợ, cử hoà giải là nam giới để tác động người chồng.
Trong trường hợp cần thiết, Tổ hoà giải có thể mời người ngoài Tổ hoà giải cùng tham gia hoà giải. Những người được mời tham gia hoà giải sẽ giúp đỡ hoà giải viên thực hiện việc hoà giải, cùng giải thích, thuyết phục các bên mâu thuẫn, tranh chấp.
- Tìm hiểu đối tượng, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp.
- Lựa chọn thời gian, địa điểm tiến hành hoà giải
Trên thực tế, việc hoà giải thường được tiến hành rất nhiều lần, các hoà giải viên thường phải tốn rất nhiều thời gian, công sức gặp gỡ các bên để phân tích, giải thích, thuyết phục giúp các bên tự giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp của mình. Ngoài ra, các bên tranh chấp cũng rất cần thời gian để suy nghĩ những gì mà hoà giải viên đã phân tích và cân nhắc quyết định chấp nhận hoà giải hay không hoà giải. Rất ít trường hợp việc hoà giải chỉ tiến hành một lần là có thể giải quyết ngay mâu thuẫn hay tranh chấp. Vì vậy, việc lựa chọn thời gian và địa điểm tiến hành hoà giải được diễn ra nhiều lần trong suốt quá trình thực hiện hoà giải.
Theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP thì:
- Việc hoà giải được tiến hành vào thời gian mà các đương sự yêu cầu hoặc theo sáng kiến của tổ viên Tổ hoà giải.
- Việc hoà giải có thể được tiến hành theo sáng kiến của tổ viên Tổ hoà giải ngay tại thời điểm xảy ra tranh chấp, nếu tổ viên Tổ hoà giải là người chứng kiến và xét thấy cần thiết phải hoà giải ngay.
- Tổ viên Tổ hoà giải lựa chọn địa điểm thuận lợi cho việc hoà giải, phù hợp với nguyện vọng của các bên.
Đối với những vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp gay gắt có thể gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì phải thông báo cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương để can thiệp kịp thời.
2. Bước 2: Trong khi hoà giải
Khi tiến hành hoà giải, hoà giải viên cần áp dụng các nguyên tắc hoà giải và phương thức hoà giải theo quy định tại Điều 4, Điều 13 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở năm 1998.
- Tuỳ trường hợp cụ thể, hoà giải viên có thể tiến hành hoà giải bằng cách gặp gỡ từng bên hoặc các bên để tìm hiểu bản chất vụ việc, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp và nắm bắt đặc điểm tâm lý, tính cách của từng đối tượng.
- Sau khi tìm hiểu sự việc, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, tham khảo ý kiến của cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan, lắng nghe ý kiến của các bên, kết hợp với uy tín, kinh nghiệm sống và kiến thức pháp luật của hoà giải viên để phân tích, chỉ ra những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, không phù hợp với đạo đức xã hội và phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân nhằm thuyết phục, cảm hoá các bên mâu thuẫn, tranh chấp tự nguyện hoà giải.
- Tại buổi hoà giải, với sự có mặt của các bên mâu thuẫn, tranh chấp, hoà giải viên có thể mời thêm một số người làm chứng có uy tín tại địa phương, trong gia đình, trong họ tộc hoặc đại diện của tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp nếu một trong các bên tranh chấp là thành viên, hội viên.
- Việc hoà giải không bắt buộc phải lập thành biên bản. Trong trường hợp các bên có yêu cầu hoặc các bên đồng ý, việc hoà giải sẽ được hoà giải viên lập biên bản hoà giải. Biên bản hoà giải không phải là cơ sở pháp lý, không làm phát sinh hậu quả pháp lý mà chỉ ghi lại sự thoả thuận của các bên; mang ý nghĩa đạo lý, ràng buộc danh dự giữa các bên. Tuy nhiên, trong trường hợp các bên không muốn thực hiện các thoả thuận đã ghi trong biên bản hoà giải thành, thì tổ hoà giải có thể dựa vào biên bản hoà giải để thuyết phục các bên tiếp tục thực hiện những thoả thuận đó.
Biên bản hoà giải gồm những nội dung chủ yếu sau:
+ Thời gian, địa điểm thực hiện hoà giải.
¬+ Thành phần tham dự: Các bên mẫu thuẫn, tranh chấp, tổ viên Tổ hoà giải, những người được mời tham gia hoà giải.
+ Tóm tắt nội dung vụ việc.
+ Quá trình hoà giải: gồm ý kiến của các bên tranh chấp và ý kiến của người tiến hành hoà giải.
+ Kết quả hoà giải: Nếu hoà giải thành thì ghi rõ nội dung mà các bên tranh chấp đã thoả thuận; nếu hoà giải không thành thì ghi rõ hướng dẫn của người tiến hành hoà giải đối với các bên mâu thuẫn, tranh chấp về những thủ tục cần thiết để đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
+ Biên bản hoà giải thành phải có chữ ký của người tiến hành hoà giải và các bên tranh chấp.
3. Bước 3: Kết thúc việc hoà giải
Kết thúc việc hoà giải có thể là việc hoà giải thành và cũng có thể là hoà giải không thành.
- Hoà giải thành, khoản 1 Điều 16 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP quy định:
+ Việc hoà giải được kết thúc và được xem là hoà giải thành khi các bên đã đạt được thoả thuận và tự nguyện thực hiện thoả thuận đó.
+ Trong trường hợp việc thực hiện thỏa thuận có khó khăn, thì tổ viên Tổ hoà giải động viên, thuyết phục các bên thực hiện thoả thuận và có thể đề nghị Trưởng thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố hoặc kiến nghị với ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tạo điều kiện để các bên tự nguyện thực hiện thoả thuận.
- Hoà giải không thành, khoản 2 Điều 16 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP quy định:
+ Việc hoà giải không thành khi các bên không thể đạt được thoả thuận và việc tiếp tục hoà giải không thể đạt kết quả. Trong trường hợp này, tổ viên Tổ hoà giải hướng dẫn cho các bên làm thủ tục cần thiết để đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
+ Đối với tranh chấp phức tạp, mâu thuẫn giữa các bên gay gắt, có thể gây hậu quả ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong địa bàn dân cư thì tổ viên Tổ hoà giải kịp thời báo cáo cho Tổ trưởng Tổ hoà giải để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp giải quyết.
Dù việc hoà giải thành hay không thành, hoà giải viên đều phải ghi chép nội dung tranh chấp và nội dung hoà giải vào sổ công tác về hoà giải để phục vụ cho việc thống kê báo cáo và tổ chức họp trao đổi kinh nghiệm hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hướng dẫn nếu có vướng mắc.
Bằng việc vận dụng những quy định của pháp luật để giải thích, phân tích, thuyết phục các bên mâu thuẫn, tranh chấp, hoạt động hoà giải ở cơ sở đã góp phần không nhỏ trong việc cảm hoá, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân; giảm thiểu tình trạng khiếu nại, tố cáo tràn lan, vượt cấp, kéo dài; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; giữ gìn đoàn kết nội bộ; củng cố, phát huy những tình cảm, đạo lý, truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư./.