Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
GIẢI ĐÁP CÁC TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC LAO ĐỘNG
Ngày cập nhật 11/07/2024

1. Điều kiện hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc

Anh A là công nhân của Công Ty M. Anh A bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động là 31%. Nay, Công ty M muốn chuyển đổi nghề nghiệp cho anh A. Vậy, Công ty M có được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho anh A không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 12 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc quy định người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động theo quy định tại Điều 55 Luật An toàn, vệ sinh lao động khi người lao động có đủ các điều kiện sau đây:

1. Suy giảm khả năng lao động do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 31% trở lên;

2. Được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới thuộc quyền quản lý phù hợp với sức khỏe, nguyện vọng của người lao động nhưng công việc đó cần phải đào tạo nghề để chuyển đổi;

3. Đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật tại thời điểm bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Như vậy, trong trường hợp này anh A chỉ bị suy giảm khả năng lao động là 31% nên Công ty M không đủ điều kiện để được nhận hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị tai nạn lao động.

2. Mức hỗ trợ và thẩm quyền quyết định hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc

Do gặp sự cố trong quá trình sản xuất, một số công nhân của Doanh nghiệp K đã bị tai nạn lao động. Để hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc, Doanh nghiệp K muốn biết mức hỗ trợ tối đa và thẩm quyền quyết định hỗ trợ học phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho công nhân bị tại nạn lao động sau khi trở lại làm việc được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc quy định Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định hỗ trợ cho từng đối tượng như sau:

1. Mức hỗ trợ tối đa là 50% mức học phí, nhưng không quá 15 lần mức lương cơ sở;

2. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là hai lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ một lần.

Như vậy, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định hỗ trợ. Mức hỗ trợ tối đa là 50% mức học phí, nhưng không quá 15 lần mức lương cơ sở; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là hai lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ một lần.

3. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc

Công ty trách nhiệm hữu hạn P muốn làm thủ tục đề nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. Vậy, Công ty trách nhiệm hữu hạn P cần phải chuẩn bị những văn bản, giấy tờ gì?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 14 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc quy định hồ sơ đề nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, gồm:

1. Văn bản của người sử dụng lao động đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Mẫu số 03 tại Phụ lục của Nghị định số 88/2020/NĐ-CP.

2. Bản sao có chứng thực Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.

3. Bản sao có chứng thực các chứng từ thanh toán các chi phí đào tạo theo quy định.

Trên đây là hồ sơ đề nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, Công ty trách nhiệm hữu hạn P có thể tham khảo để phục vụ cho công việc của mình.

4. Trình tự giải quyết hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc

Công ty Cổ phần xây dựng H đang làm thủ tục đề nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc. Xin hỏi, Công ty Cổ phần xây dựng H phải nộp hồ sơ ở đâu? Thời hạn giải quyết hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là bao nhiêu ngày?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 15 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc quy định trình tự giải quyết hồ sơ chuyển đổi nghề nghiệp, như sau:

1. Người sử dụng lao động nộp 01 bộ hồ sơ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành thẩm định hồ sơ, quyết định việc hỗ trợ theo Mẫu số 04 tại Phụ lục của Nghị định số 88/2020/NĐ-CP và gửi quyết định (kèm theo dữ liệu danh sách hỗ trợ) cho cơ quan Bảo hiểm xã hội. Trường hợp không hỗ trợ thì phải trả lời bằng văn bản cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được quyết định hỗ trợ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chi trả kinh phí hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người sử dụng lao động. Trường hợp không chi trả thì phải trả lời bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và nêu rõ lý do.

Như vậy, Công ty Cổ phần xây dựng H phải nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Thời hạn giải quyết hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là 10 ngày làm việc.

5. Điều kiện hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động

Anh X đang làm việc tại Doanh nghiệp C và có thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên 12 tháng. Anh X được phát hiện bị bệnh nghề nghiệp. Xin hỏi trong trường hợp này, Doanh nghiệp C có được nhận hỗ trợ kinh phí để khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 16 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc quy định điều kiện hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động, như sau:

Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí để khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động khi người lao động có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ từ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động;

2. Đã được phát hiện bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp.

Như vậy, Doanh nghiệp C muốn được nhận hỗ trợ kinh phí để khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động thì ngoài việc đáp ứng điều kiện “có thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên 12 tháng” anh X còn phải phải đáp ứng điều kiện đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động và đã được phát hiện bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp.

6. Mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động

Do kinh doanh trong hoạt động in ấn nên đa số người lao động trong Công ty Cổ phần in K mắc bệnh nghề nghiệp. Nay, Công ty Cổ phần in K muốn được hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Xin hỏi, mức hỗ trợ tối đa chi phí khám bệnh nghề nghiệp là bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 17 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc quy định:

1. Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm người lao động khám bệnh nghề nghiệp sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 800 nghìn đồng/người/lần khám.

2. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.

Như vậy, Công ty Cổ phần in K sẽ được hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động bằng 50% chi phí khám bệnh, nhưng không quá 800 nghìn đồng/người/lần khám. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.

7. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp và trình tự giải quyết hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp

Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên dịch vụ thương mại V muốn nhận hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Anh Nguyễn Văn C - pháp chế của Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên dịch vụ thương mại V muốn hỏi Công ty V phải chuẩn bị hồ sơ gồm những văn bản, giấy tờ gì? Nộp ở đâu và thời hạn giải quyết là bao nhiêu ngày?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 18, Điều 19 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc quy định:

1. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp, gồm:

a) Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp theo Mẫu số 05 tại Phụ lục của Nghị định số 88/2020/NĐ-CP.

b) Bản sao có chứng thực hồ sơ bệnh nghề nghiệp của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp.

c) Bản sao chứng từ thanh toán các chi phí khám bệnh nghề nghiệp theo quy định.

2. Trình tự giải quyết hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp:

a) Đối với trường hợp đủ điều kiện quy định tại Điều 16 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP, người sử dụng lao động nộp 01 bộ hồ sơ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành thẩm định hồ sơ, quyết định việc hỗ trợ theo Mẫu số 06 tại Phụ lục của Nghị định số 88/2020/NĐ-CP và gửi quyết định (kèm theo dữ liệu danh sách hỗ trợ) cho cơ quan Bảo hiểm xã hội. Trường hợp không hỗ trợ thì phải trả lời bằng văn bản cho người sử dụng lao động hoặc người lao động nộp hồ sơ đề nghị và nêu rõ lý do.

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định hỗ trợ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chi trả kinh phí hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp cho người sử dụng lao động hoặc người lao động theo quyết định hỗ trợ. Trường hợp không chi trả thì phải trả lời bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và nêu rõ lý do.

Như vậy, để được nhận hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động, Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên dịch vụ thương mại V phải chuẩn bị hồ sơ gồm những văn bản, giấy tờ tại khoản 1 nêu trên, nộp tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và sẽ được giải quyết trong thời hạn 10 ngày làm việc.

8. Điều kiện hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp và mức hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp cho người lao động

Qua đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người lao động, Công ty S đã phát hiện một số lao động mắc bệnh nghề nghiệp. Xin hỏi, Công ty S có được nhận hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp cho người lao động không? Nếu được thì mức hỗ trợ là bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 20, Điều 21 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc quy định:

1. Điều kiện hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp

a) Đã được chẩn đoán bị bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp;

b) Đã tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp;

c) Có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian làm các nghề, công việc gây bệnh nghề nghiệp.

2. Mức hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp

a) Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá chữa bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 15 triệu đồng/người.

b) Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.

Như vậy, Công ty S sẽ được nhận mức hỗ trợ bằng 50% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá chữa bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 15 triệu đồng/người nếu người lao động của Công ty S đảm bảo các điều kiện tại khoản 1 nêu trên.

9. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp và trình tự giải quyết hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp cho người lao động

Doanh nghiệp Q đủ điều kiện nhận hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Doanh nghiệp Q muốn hỏi hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp gồm những văn bản, giấy tờ gì? Nộp ở đâu và thời hạn giải quyết là bao nhiêu ngày?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 22, Điều 23 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc quy định:

1. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp

a) Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo Mẫu số 07 tại Phụ lục của Nghị định số 88/2020/NĐ-CP.

b) Bản sao có chứng thực hồ sơ xác định mắc bệnh nghề nghiệp của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp.

c) Bản sao giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi chữa bệnh nghề nghiệp.

d) Bản sao chứng từ thanh toán chi phí chữa bệnh nghề nghiệp.

2. Trình tự giải quyết hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp

a) Trường hợp đủ điều kiện quy định tại Điều 20 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP, người sử dụng lao động nộp 01 bộ hồ sơ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, mang theo bản chính chứng từ thanh toán để đối chiếu với bản sao.

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành thẩm định hồ sơ, quyết định việc hỗ trợ theo Mẫu số 08 tại Phụ lục của Nghị định số 88/2020/NĐ-CP và gửi quyết định (kèm theo dữ liệu danh sách hỗ trợ) cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Trường hợp không hỗ trợ thì phải trả lời bằng văn bản cho người sử dụng lao động hoặc người lao động nộp hồ sơ đề nghị và nêu rõ lý do.

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định hỗ trợ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chi trả kinh phí hỗ trợ chữa bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Trường hợp không chi trả thì phải trả lời bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và nêu rõ lý do.

Như vậy, để được nhận hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp cho người lao động, Doanh nghiệp Q phải chuẩn bị hồ sơ gồm những văn bản, giấy tờ tại khoản 1 nêu trên, nộp tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và sẽ được giải quyết trong thời hạn 10 ngày làm việc.

10. Điều kiện và mức hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động

Anh Nguyễn văn B bị tai nạn lao động, với suy giảm khả năng lao động là 32%. Doanh nghiệp M muốn hỏi anh Nguyễn văn B có được hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động không? Pháp luật quy định như thế nào về điều kiện và mức hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động? Hồ sơ đề nghị hỗ trợ gồm những giấy tờ gì, nộp ở cơ quan nào và thời hạn giải quyết hồ sơ là bao nhiêu ngày?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 24, Điều 25, Điều 26, Điều 27 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc quy định:

1. Điều kiện hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động

Người lao động được hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động khi có đủ các điều kiện sau:

a)  Được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định phục hồi chức năng lao động;

b) Suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

c)  Đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật tại thời điểm bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2. Mức hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động

a) Mức hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động tối đa bằng 50% chi phí phục hồi chức năng lao động tính theo biểu giá phục hồi chức năng lao động tại thời điểm người lao động phục hồi chức năng lao động theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không vượt quá 3 triệu đồng/người/lượt.

c) Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.

3. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động

a) Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động cho người lao động theo Mẫu số 09 tại Phụ lục của Nghị định số 88/2020/NĐ-CP.

b) Bản sao có chứng thực giấy chuyển viện đến đơn vị phục hồi chức năng lao động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp phải chuyển viện; đối với trường hợp bệnh viện có khoa phục hồi chức năng, bản sao có chứng thực bệnh án có nội dung chuyển bệnh nhân về khoa phục hồi chức năng.

c) Bản sao chứng từ thanh toán chi phí phục hồi chức năng, không bao gồm kinh phí cho trang thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng.

4. Trình tự giải quyết hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng cho người lao động

a) Người sử dụng lao động nộp 01 bộ hồ sơ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, mang theo bản chính chứng từ thanh toán để đối chiếu với bản sao.

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành thẩm định hồ sơ, quyết định việc hỗ trợ theo Mẫu số 10 tại Phụ lục của Nghị định số 88/2020/NĐ-CP và gửi quyết định (kèm theo dữ liệu danh sách hỗ trợ) cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Trường hợp không hỗ trợ thì phải trả lời bằng văn bản cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do.

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định hỗ trợ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chi trả kinh phí hỗ trợ phục hồi chức năng cho người lao động. Trường hợp không chi trả thì phải trả lời bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và nêu rõ lý do.

Như vậy, muốn nhận được kinh phí phục hồi chức năng cho người lao động, thì người lao động phải đáp ứng các điều kiện tại khoản 1 nêu trên, đồng thời, Công ty M phải chuẩn bị hồ sơ gồm những văn bản, giấy tờ tại khoản 3 nêu trên, nộp tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và sẽ được giải quyết trong thời hạn 10 ngày làm việc. Mức hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động tối đa bằng 50% chi phí phục hồi chức năng lao động tính theo biểu giá phục hồi chức năng lao động tại thời điểm người lao động phục hồi chức năng lao động theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không vượt quá 3 triệu đồng/người/lượt. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 20.206.534
Lượt truy cập hiện tại 7.487