Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
CÁC TÌNH HUỐNG PHÁP LÝ LIÊN QUAN PHÁP LUẬT VỀ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Ngày cập nhật 27/06/2023

Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định

Tình huống 1: Ông Nguyễn Thanh Hà là chủ doanh nghiệp tư nhân Thanh Hà chuyên kinh doanh nội thất tại thành phố T. Nay ông muốn chuyển sang kinh doanh vận tải hành khách, ông muốn biết pháp luật quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, tại Điều 4 quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định như sau:

1. Doanh nghiệp, hợp tác xã có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó có loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định thì được đăng ký khai thác tuyến theo quy định tại Điều 20 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.

2. Tuyến cố định phải xuất phát và kết thúc tại bến xe khách từ loại 1 đến loại 6. Đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn mà chưa có bến xe khách từ loại 1 đến loại 6 thì cho phép tuyến vận tải hành khách cố định được xuất phát và kết thúc tại bến xe dưới loại 6.

3. Nội dung quản lý tuyến

a) Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung và công bố danh mục mạng lưới tuyến;

b) Thông báo biểu đồ chạy xe theo tuyến và cập nhật vào danh mục mạng lưới tuyến các nội dung gồm: Tổng số chuyến xe tối đa được khai thác trên tuyến, giãn cách thời gian tối thiểu giữa các chuyến xe liền kề, giờ xuất bến của các chuyến xe đã có đơn vị tham gia khai thác; danh sách đơn vị đang khai thác tuyến; xây dựng và thông báo điểm dừng đón, trả khách trên các tuyến;

c) Theo dõi, tổng hợp kết quả hoạt động vận tải của các doanh nghiệp, hợp tác xã, bến xe trên tuyến; thống kê sản lượng hành khách.

4. Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định

a) Phải có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi và phụ nữ mang thai;

b) Phải có phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe;

c) Phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe.

5. Xe ô tô sử dụng để vận tải trung chuyển hành khách phải có phù hiệu “XE TRUNG CHUYỂN” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe.

6. Quy định đối với hoạt động tăng cường phương tiện để giải tỏa hành khách trên tuyến cố định

a) Tăng cường phương tiện vào các dịp Lễ, Tết và các kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng: Doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác tuyến cố định căn cứ vào nhu cầu đi lại, thống nhất với bến xe khách xây dựng phương án tăng cường phương tiện trên tuyến; báo cáo đến Sở Giao thông vận tải hai đầu tuyến để tổng hợp và ban hành kế hoạch thực hiện chung;

b) Tăng cường phương tiện vào các ngày cuối tuần (thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật) có lượng khách tăng đột biến: Doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác tuyến cố định căn cứ vào nhu cầu đi lại, thống nhất với bến xe khách xây dựng phương án tăng cường phương tiện trên tuyến; thông báo đến Sở Giao thông vận tải hai đầu tuyến để thực hiện trong năm. Căn cứ phương án tăng cường phương tiện đã thông báo đến Sở Giao thông vận tải hai đầu tuyến và lưu lượng khách thực tế tại bến xe, bến xe khách xác nhận chuyến xe tăng cường vào Lệnh vận chuyển của doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác tuyến khi thực hiện. Xe sử dụng để tăng cường là xe đa được cấp phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH”, “XE HỢP ĐỒNG”, biển hiệu “XE Ô TÔ VẬN TẢI KHÁCH DU LỊCH” còn giá trị sử dụng.

7. Đơn vị kinh doanh bến xe khách cung cấp các dịch vụ hỗ trợ vận tải cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định đúng nội dung hợp đồng đã ký kết; kiểm tra việc thực hiện điều kiện đối với xe ô tô, lái xe và xác nhận vào Lệnh vận chuyển; chỉ cho xe vận chuyển hành khách xuất bến nếu đủ điều kiện.

8. Trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 đối với các bến xe khách từ loại 1 đến loại 4 và trước ngày 01 tháng 7 năm 2021 đối với các bến xe khách còn lại phải sử dụng phần mềm quản lý bến xe khách để quản lý hoạt động xe ra, vào bến và cung cấp thông tin (gồm: tên bến xe; tên doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải; họ và tên lái xe; biển kiểm soát xe; tuyến hoạt động; giờ xe xuất bến; số lượng hành khách khi xe xuất bến thực tế) trên Lệnh vận chuyển của từng chuyến xe hoạt động tại bến về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2022, trước khi xe xuất bến doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định thực hiện cung cấp nội dung (gồm: tên bến xe; tên doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải; họ và tên lái xe; biển kiểm soát xe; tuyến hoạt động; giờ xe xuất bến; số lượng hành khách khi xe xuất bến thực tế) trên Lệnh vận chuyển qua phần mềm của Bộ Giao thông vận tải.

 Căn cứ nội dung trên, ông Hà có thể nghiên cứu để thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

 

Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định

Tình huống 2: Doanh nghiệp tư nhân Tâm Nhân muốn góp vốn với công ty TNHH một thành viên Minh Thắng để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định. Doanh nghiệp muốn tư vấn về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, tại Điều 5 quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định như sau:

1. Doanh nghiệp, hợp tác xã có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, trong đó có loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định thì được tham gia đấu thầu hoặc đặt hàng khai thác tuyến xe buýt trong danh mục mạng lưới tuyến đã công bố.

2. Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt

a) Phải có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi và phụ nữ mang thai;

b) Phải có phù hiệu “XE BUÝT” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe;

c) Phải có sức chứa từ 17 chỗ trở lên. Vị trí, số chỗ ngồi, chỗ đứng cho hành khách và các quy định kỹ thuật khác đối với xe buýt theo quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Giao thông vận tải ban hành. Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên các tuyến có hành trình bắt buộc phải qua cầu có trọng tải cho phép tham gia giao thông từ 05 tấn trở xuống hoặc trên 50% lộ trình tuyến là đường từ cấp IV trở xuống (hoặc đường bộ đô thị có mặt cắt ngang từ 07 mét trở xuống) được sử dụng xe ô tô có sức chứa từ 12 đến dưới 17 chỗ.

3. Nội dung quản lý tuyến

a) Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung và công bố danh mục mạng lưới tuyến, biểu đồ chạy xe trên các tuyến, giá vé (đối với tuyến có trợ giá) và các chính sách hỗ trợ của nhà nước về khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn địa phương;

b) Quy định và tổ chức đấu thầu, đặt hàng khai thác tuyến xe buýt trong danh mục mạng lưới tuyến;

c) Xây dựng, bảo trì và quản lý kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động xe buýt; quyết định tiêu chí kỹ thuật, vị trí điểm đầu, điểm cuối và điểm dừng của tuyến xe buýt trên địa bàn địa phương;

d) Theo dõi, tổng hợp kết quả hoạt động vận tải của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên tuyến; thống kê sản lượng hành khách.

4. Trước ngày 01 tháng 7 năm 2022, doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt phải cung cấp thông tin (gồm: tên doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải; họ và tên lái xe; biển kiểm soát xe; tuyến hoạt động; giờ xe xuất bến) trên Lệnh vận chuyển của từng chuyến xe thông qua phần mềm của Bộ Giao thông vận tải.

5. Xe buýt được ưu tiên bố trí nơi dừng, đỗ để đón, trả khách tại các bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, điểm tham quan du lịch, địa điểm văn hóa, thể thao, trung tâm thương mại, đầu mối giao thông và các địa điểm kết nối với các phương thức vận tải khác; được ưu tiên hoạt động khi tổ chức giao thông tại đô thị.

Căn cứ nội dung trên, doanh nghiệp tư nhân Tâm Nhân có thể nghiên cứu để thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

 

Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng

Tình huống 3: Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Nam là thành viên của Hợp tác xã M, ông muốn biết pháp luật quy định về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng như thế nào?

 Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 7 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô như sau:

1. Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng

a) Phải có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết các thông tin khác trên xe;

b) Phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” là 06 x 20 cm;

c) Thực hiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.

2. Hợp đồng vận chuyển phải được đàm phán và ký kết trước khi thực hiện vận chuyển giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe).

3. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe

a) Chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe); chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết;

b) Không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau;

c) Không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh;

d) Trong thời gian một tháng, mỗi xe ô tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị; việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe và hợp đồng vận chuyển đã ký kết.

4. Khi vận chuyển hành khách, ngoài các giấy tờ phải mang theo theo quy định của Luật giao thông đường bộ, lái xe còn phải thực hiện các quy định sau:

a) Mang theo hợp đồng vận chuyển bằng văn bản giấy của đơn vị kinh doanh vận tải đã ký kết (trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 4);

b) Mang theo danh sách hành khách có dấu xác nhận của đơn vị kinh doanh vận tải (trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 4);

c) Trường hợp sử dụng hợp đồng điện tử, lái xe phải có thiết bị để truy cập được nội dung của hợp đồng điện tử và danh sách hành khách kèm theo do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp;

d) Lái xe không phải áp dụng quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 4 trong trường hợp thực hiện hợp đồng vận chuyển phục vụ đám tang, đám cưới.

5. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trước khi thực hiện vận chuyển hành khách phải cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển theo quy định tại khoản 2 (trừ điểm e, điểm g) Điều 15 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP đến Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng văn bản hoặc qua thư điện tử (Email). Từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển qua phần mềm của Bộ Giao thông vận tải.

6. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, lái xe vận chuyển học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên đi học, đi làm việc

a) Trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện việc thông báo một lần các nội dung tối thiểu của hợp đồng theo quy định tại khoản 2 (trừ điểm e, điểm g) Điều 15 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP; phải thông báo lại khi có sự thay đổi về hành trình, thời gian vận chuyển hoặc các điểm dừng đỗ, đón trả khách;

b) Vận chuyển đúng đối tượng (học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên đi học, đi làm việc) và không phải thực hiện các nội dung được quy định tại điểm c, điểm d khoản 3, điểm b, điểm c khoản 4 và khoản 5 Điều Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.

7. Ngoài hoạt động cấp cứu người, phục vụ các nhiệm vụ khẩn cấp như thiên tai, địch họa theo yêu cầu của lực lượng chức năng, xe ô tô vận chuyển hành khách theo hợp đồng không được đón, trả khách ngoài các địa điểm ghi trong hợp đồng.

8. Sở Giao thông vận tải thông báo danh sách các xe được cấp phù hiệu xe hợp đồng đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đơn vị kinh doanh vận tải đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh để phối hợp quản lý.

 

Kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô

Tình huống 4: Công ty TNHH một thành viên du lịch Thanh Bình muốn phát triển thêm lĩnh vực kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô để đảm bảo phục vụ khách du lịch được tốt hơn. Công ty muốn biết pháp luật quy định về kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 8 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô như sau:

1. Xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch

a) Có biển hiệu “XE Ô TÔ VẬN TẢI KHÁCH DU LỊCH” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết các thông tin trên xe;

b) Phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE DU LỊCH” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE DU LỊCH” là 06 x 20 cm;

c) Thực hiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.

2. Hợp đồng vận chuyển hoặc hợp đồng lữ hành phải được đàm phán và ký kết trước khi thực hiện vận chuyển giữa đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe).

3. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách du lịch bằng xe ô tô, đơn vị kinh doanh du lịch, lữ hành và lái xe

a) Chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe; chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển hoặc hợp đồng lữ hành đã ký kết;

b) Không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức;

c) Trường hợp sử dụng xe ô tô để vận chuyển khách du lịch có điểm đầu và điểm cuối của chuyến đi không nằm trong phạm vi của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh;

d) Trong thời gian một tháng, mỗi xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch có điểm đầu và điểm cuối của chuyến đi không nằm trong phạm vi của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị; việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe và hợp đồng vận chuyển đã ký kết.

4. Khi vận chuyển khách du lịch, ngoài các giấy tờ phải mang theo theo quy định của Luật giao thông đường bộ, lái xe còn phải thực hiện theo quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 4 Điều 7 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.

5. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách du lịch trước khi thực hiện vận chuyển hành khách phải thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 7 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.

6. Xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch được ưu tiên bố trí nơi dừng, đỗ để đón, trả khách du lịch, phục vụ tham quan du lịch tại sân bay, bến cảng, nhà ga, bến xe, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch và được hoạt động không hạn chế thời gian trên các tuyến giao thông dẫn tới các điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, điểm cung ứng dịch vụ du lịch theo quy định của chính quyền địa phương.

7. Ngoài hoạt động cấp cứu người, phục vụ các nhiệm vụ khẩn cấp như thiên tai, địch họa theo yêu cầu của lực lượng chức năng, xe ô tô vận tải khách du lịch không được đón, trả khách ngoài các địa điểm ghi trong hợp đồng.

8. Sở Giao thông vận tải thông báo danh sách các xe được cấp biển hiệu xe ô tô vận tải khách du lịch đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đơn vị kinh doanh vận tải đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh để phối hợp quản lý.

 

 Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô

 Tình huống 5: Chủ doanh nghiệp tư nhân Lam Trung muốn tư vấn pháp luật về kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô được quy định như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 9 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô như sau:

1. Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe taxi tải là việc sử dụng xe ô tô có trọng tải từ 1.500 ki-lô-gam trở xuống để vận chuyển hàng hóa và người thuê vận tải trả tiền cho lái xe theo đồng hồ tính tiền hoặc theo phần mềm tính tiền trên xe. Mặt ngoài hai bên thành xe hoặc cánh cửa xe niêm yết chữ “TAXI TẢI”, số điện thoại liên lạc, tên đơn vị kinh doanh.

2. Kinh doanh vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng

a) Kinh doanh vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng là việc sử dụng xe ô tô phù hợp để vận chuyển loại hàng có kích thước hoặc trọng lượng vượt quá giới hạn quy định nhưng không thể tháo rời;

b) Khi vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng, lái xe phải mang theo Giấy phép lưu hành (Giấy phép sử dụng đường bộ) còn hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền cấp.

3. Kinh doanh vận tải hàng nguy hiểm là việc sử dụng xe ô tô để vận chuyển hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia. Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng nguy hiểm phải có Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm do cơ quan có thẩm quyền cấp.

4. Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ là việc sử dụng xe đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc để vận chuyển công-ten-nơ.

5. Kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường là hình thức kinh doanh vận tải hàng hóa trừ các hình thức kinh doanh vận tải quy định tại các khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 9.

6. Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ phải có phù hiệu “XE CÔNG-TEN-NƠ”, xe ô tô đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc kinh doanh vận tải hàng hóa phải có phù hiệu “XE ĐẦU KÉO”, xe ô tô tải kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường và xe taxi tải phải có phù hiệu “XE TẢI” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

7. Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải chịu trách nhiệm việc xếp hàng hóa lên xe ô tô theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

8. Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải cấp cho lái xe Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) trong quá trình vận chuyển hàng hóa trên đường. Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) phải có xác nhận (ký, ghi rõ họ và tên) khối lượng hàng hóa đã xếp lên phương tiện của chủ hàng (hoặc người được chủ hàng ủy quyền) hoặc đại diện đơn vị, cá nhân thực hiện việc xếp hàng.

9. Khi vận chuyển hàng hóa, lái xe phải mang theo Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) bằng văn bản giấy hoặc phải có thiết bị để truy cập vào phần mềm thể hiện nội dung của Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) và các giấy tờ của lái xe và phương tiện theo quy định của pháp luật. Đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe không được chở hàng vượt quá khối lượng cho phép tham gia giao thông.

10. Đối với hoạt động vận chuyển xe đạp, xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự qua hầm đường bộ áp dụng theo quy định tại khoản 5 Điều 9.

11. Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) bằng văn bản giấy hoặc điện tử do đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa tự phát hành và có các thông tin tối thiểu gồm: Tên đơn vị vận tải; biển kiểm soát xe; tên đơn vị hoặc người thuê vận tải; hành trình (điểm đầu, điểm cuối); số hợp đồng, ngày tháng năm ký hợp đồng (nếu có); loại hàng và khối lượng hàng vận chuyển trên xe. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2022, trước khi thực hiện vận chuyển, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) qua phần mềm của Bộ Giao thông vận tải.

 

Giới hạn trách nhiệm của người kinh doanh vận tải hàng hóa trong việc bồi thường hàng hóa hư hỏng, mất mát, thiếu hụt

Tình huống 6: Ông Lê Thành là chủ doanh nghiệp tư nhân vận tải tại thành phố S. Do sơ suất trong quá trình vận chuyển hàng hóa theo hợp đồng, nhân viên công ty ông đã làm hỏng một số hàng hóa, ông muốn biết pháp luật quy định về giới hạn trách nhiệm của người kinh doanh vận tải hàng hóa trong việc bồi thường hàng hóa hư hỏng, mất mát, thiếu hụt như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 10 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô như sau:

1. Việc bồi thường hàng hóa hư hỏng, mất mát, thiếu hụt được thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hoặc theo thỏa thuận giữa người kinh doanh vận tải và người thuê vận tải.

2. Trường hợp không thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 10 thì thực hiện theo phán quyết của Tòa án hoặc Trọng tài.

 

Điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô

Tình huống 7: Ông Nguyễn Văn Bé là giám đốc công ty TNHH một thành viên T chuyên thu mua trái cây trong nước để xuất khẩu. Để tăng lợi nhuận hơn cho công ty, ông muốn mở rộng kinh doanh lĩnh vực vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, ông muốn biết pháp luật quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 14 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô như sau:

1. Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã.

2. Trước ngày 01 tháng 7 năm 2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo như sau:

a) Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 ki-lô-mét;

b) Tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 ki-lô-mét.

 

 Quy định chung về Hợp đồng vận chuyển

Tình huống 8: Hộ kinh doanh bà Nguyễn Thị Hằng muốn tham gia vào hợp tác xã vận tải Cù Lao Ông. Tuy nhiên, để được kết nạp là thành viên, hợp tác xã yêu cầu thực hiện nhiều nội dung khi tham gia hợp đồng vận chuyển. Do đó, Ông muốn biết pháp luật quy định chung về hợp đồng vận chuyển như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 15 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô như sau:

1. Hợp đồng vận chuyển hành khách, hàng hóa (bằng văn bản giấy hoặc điện tử) là sự thỏa thuận giữa các bên tham gia ký kết hợp đồng; theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa đến địa điểm đã định theo thỏa thuận, hành khách hoặc người thuê vận tải phải thanh toán cước phí vận chuyển.

2. Hợp đồng vận chuyển hành khách, hàng hóa phải có đầy đủ các nội dung tối thiểu sau:

a) Thông tin về đơn vị kinh doanh vận tải ký hợp đồng: Tên, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế, người đại diện ký hợp đồng;

b) Thông tin về lái xe: Họ và tên, số điện thoại;

c) Thông tin về hành khách hoặc người thuê vận tải (tổ chức hoặc cá nhân): Tên, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế (nếu có);

d) Thông tin về xe: Biển kiểm soát xe và sức chứa (trọng tải);

đ) Thông tin về thực hiện hợp đồng: Thời gian bắt đầu thực hiện và kết thúc hợp đồng (ngày, giờ); địa chỉ điểm đầu, địa chỉ điểm cuối và các điểm đón, trả khách (hoặc xếp, dỡ hàng hóa) trên hành trình vận chuyển; cự ly của hành trình vận chuyển (km); số lượng khách (hoặc khối lượng hàng hóa vận chuyển);

e) Thông tin về giá trị hợp đồng và phương thức thanh toán;

g) Quy định về trách nhiệm của các bên tham gia thực hiện hợp đồng vận chuyển, trong đó thể hiện việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước; quyền, nghĩa vụ của bên vận chuyển, hành khách hoặc người thuê vận tải; số điện thoại liên hệ tiếp nhận giải quyết phản ánh, khiếu nại, tố cáo của hành khách; cam kết trách nhiệm thực hiện hợp đồng và quy định về đền bù thiệt hại cho người thuê vận tải, hành khách.

3. Thông tin tối thiểu của hợp đồng vận chuyển hành khách, hàng hóa được sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, cung cấp cho lực lượng chức năng có thẩm quyền; cung cấp cho cơ quan quản lý giá, cơ quan Thuế, Công an, Thanh tra giao thông khi có yêu cầu.

 

Cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

Tình huống 9: Doanh nghiệp tư nhân Minh Hòa muốn biết quy định của pháp luật về cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô,  được quy định như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 17 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô như sau:

1. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (sau đây gọi chung là Giấy phép kinh doanh).

2. Nội dung Giấy phép kinh doanh bao gồm:

a) Tên và địa chỉ đơn vị kinh doanh;

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) bao gồm: Số, ngày, tháng, năm, cơ quan cấp;

c) Người đại diện theo pháp luật;

d) Các hình thức kinh doanh;

đ) Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh.

3. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh là Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

 

Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh

Tình huống 10: Ông Nguyễn Văn Thắng là thành viên góp vốn của công ty TNHH hai thành viên trở lên. Do công ty mới thành lập chưa tuyển dụng được nhân viên pháp chế, nên ông phải trực tiếp đến các cơ quan có thẩm quyền để làm hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh. Ông muốn biết quy định của pháp luật về hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh được quy định như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 18 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô như sau:

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bao gồm:

a) Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP;

b) Bản sao văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải;

c) Bản sao hoặc bản chính Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông (áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử).

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh đối với hộ kinh doanh vận tải gồm:

a) Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP;

b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

3. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh do thay đổi nội dung của Giấy phép kinh doanh bao gồm:

a) Giấy đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh trong đó nêu rõ lý do xin cấp lại theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP;

b) Tài liệu chứng minh sự thay đổi của những nội dung ghi trong Giấy phép kinh doanh quy định tại khoản 2 Điều 17 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP (việc thay đổi liên quan đến nội dung nào thì bổ sung tài liệu về nội dung đó).

4. Trường hợp cấp lại Giấy phép kinh doanh do bị mất hoặc bị hư hỏng, hồ sơ gồm: Giấy đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.

5. Trường hợp cấp lại Giấy phép kinh doanh do bị thu hồi hoặc bị tước quyền sử dụng, hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh:

a) Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 18; đối với hộ kinh doanh vận tải thực hiện theo khoản 2 Điều 18;

b) Tài liệu chứng minh việc khắc phục vi phạm là nguyên nhân bị thu hồi hoặc bị tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh.

Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 47/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định về sửa đổi, bổ sung tên khoản 5 Điều 18 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP như sau: "5. Trường hợp cấp lại Giấy phép kinh doanh do bị thu hồi, hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh:".

Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 47/2022/NĐ-CP quy định về sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 5 Điều 18 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP như sau: "b) Tài liệu chứng minh việc khắc phục đối với vi phạm quy định tại điểm a, điểm d khoản 6 Điều 19 Nghị định này.".

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.325.720
Lượt truy cập hiện tại 4.693