Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
GIẢI ĐÁP CÁC TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT VỀ ĐIỆN ẢNH
Ngày cập nhật 10/03/2023

1. Hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh

Doanh nghiệp nước ngoài A muốn được hợp tác đầu tư với cơ sở điện ảnh Việt Nam để sản xuất, phát hành, phổ biến phim. Vậy theo quy định của pháp luật Việt Nam, Doanh nghiệp nước ngoài A phải tiến hành đầu tư dưới hình thức nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 8 Luật Điện ảnh (năm 2022) quy định hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh, như sau:

1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được hợp tác đầu tư với cơ sở điện ảnh Việt Nam để sản xuất, phát hành, phổ biến phim theo quy định của pháp luật về đầu tư dưới hình thức sau đây:

a) Thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, trong đó, phần vốn của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 51 % vốn điều lệ;

b) Hợp đồng hợp tác kinh doanh.

2. Nhà văn hóa, đơn vị chiếu phim, câu lạc bộ và hiệp hội chiếu phim công cộng, đội chiếu phim lưu động của Việt Nam không được phép tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài.

Trên đây là các hình thức hợp tác đầu tư với cơ sở điện ảnh Việt Nam để sản xuất, phát hành, phổ biến phim, Doanh nghiệp nước ngoài A có thể tham khảo để phục vụ hoạt động kinh doanh của mình.

2. Nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh

Do có nhu cầu về vốn để đầu tư sản xuất phim mới nên Doanh nghiệp sản xuất phim Q đã tiến hành tổ chức phát hành, phổ biến bộ phim mà mình vừa sản xuất ở một số rạp chiếu phim trên toàn quốc khi chưa có Giấy phép phân loại phim của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh. Xin hỏi, hành vi này của Doanh nghiệp sản xuất phim Q có vi phạm pháp luật không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 9 Luật Điện ảnh (năm 2022) quy định:

1. Nghiêm cấm hoạt động điện ảnh có nội dung sau đây:

a) Vi phạm Hiến pháp, pháp luật; kích động chống đối hoặc phá hoại việc thi hành Hiến pháp, pháp luật;

b) Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; gây tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, giá trị văn hóa Việt Nam; xúc phạm Quốc kỳ, Đảng kỳ, Quốc huy, Quốc ca;

c) Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù, kì thị giữa các dân tộc và nhân dân các nước; truyền bá tư tưởng phản động, tệ nạn xã hội; phá hoại văn hóa, đạo đức xã hội;

d) Xuyên tạc lịch sử dân tộc, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; thể hiện không đúng, xâm phạm chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

đ) Truyền bá, ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan;

e) Kích động, xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; tuyên truyền, cổ súy cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bất hợp pháp;

g) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;

h) Kích động bạo lực, hành vi tội ác bằng việc thể hiện chi tiết cách thức thực hiện, hình ảnh, âm thanh, lời thoại, cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, tàn bạo và những hành vi khác xúc phạm đến nhân phẩm con người, trừ trường hợp thể hiện các nội dung đó để phê phán, tố cáo, lên án tội ác, đề cao chính nghĩa, tôn vinh giá trị truyền thống, văn hóa;

i) Thể hiện chi tiết hình ảnh, âm thanh, lời thoại dâm ô, trụy lạc, loạn luân;

k) Vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, người chưa thành niên;

l) Vi phạm nguyên tắc bình đẳng giới, định kiến giới, phân biệt đối xử về giới.

2. Nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây:

a) Phát hành, phổ biến phim trong rạp chiếu phim, trên hệ thống truyền hình và địa điểm chiếu phim công cộng mà không có Giấy phép phân loại phim của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh (sau đây gọi là Giấy phép phân loại phim) hoặc Quyết định phát sóng của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình (sau đây gọi là Quyết định phát sóng);

b) Phổ biến phim trên không gian mạng mà không phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định của Luật Điện ảnh;

c) Thay đổi, làm sai lệch nội dung phim và kết quả phân loại phim đối với phim đã được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng;

d) Sản xuất, phát hành, phổ biến phim, lưu chiểu, lưu trữ phim không tuân thủ quy định của Luật Điện ảnh, Luật Sở hữu trí tuệ và quy định khác của pháp luật có liên quan;

đ) Phát hành, phổ biến phim đã có quyết định thu hồi Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng;

e) Sao chép phim khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu phim, trừ trường hợp Luật sở hữu trí tuệ có quy định khác;

g) Không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện phổ biến phim tại địa điểm chiếu phim công cộng;

h) Thẩm định, cấp Giấy phép phân loại phim trái quy định của pháp luật.

Căn cứ quy định tại điểm a khoản 2 nêu trên, thì hành vi phát hành, phổ biến phim trong rạp chiếu phim mà không có Giấy phép phân loại phim của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Doanh nghiệp sản xuất phim Q là hành vi vi phạm pháp luật.

3. Quyền của cơ sở điện ảnh sản xuất phim

Doanh nghiệp T đang có dự định hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài trong việc cung ứng dịch vụ sản xuất phim. Xin hỏi, trong trường hợp này, Doanh nghiệp T có được phép cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức nước ngoài không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 10 Luật Điện ảnh (năm 2022) quy định cơ sở điện ảnh sản xuất phim có các quyền sau đây:

1. Sản xuất, hợp tác sản xuất phim; cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

2. Tham gia sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước.

3. Tham gia liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim, tuần phim.

Như vậy, theo quy định nêu trên Doanh nghiệp T được phép hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để cung cấp dịch vụ sản xuất phim.

4. Nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh sản xuất phim

Doanh nghiệp K đang chuẩn bị hồ sơ nhận tài trợ từ tổ chức nước ngoài để sản xuất phim. Xin hỏi trong trường hợp này, Doanh nghiệp K có cần thực hiện nghĩa vụ gì không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 10 Luật Điện ảnh (năm 2022) quy định cơ sở điện ảnh sản xuất phim có các nghĩa vụ sau đây:

1. Bảo đảm sản xuất phim theo nội dung đã đăng ký kinh doanh, chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc được phê duyệt.

2. Thực hiện nội dung văn bản thẩm định kịch bản đối với phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước.

3. Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, y tế, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản văn hóa và các vấn đề khác có liên quan theo quy định của pháp luật trong quá trình sản xuất phim.

4. Gửi văn bản cam kết không vi phạm nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh được quy định tại Điều 9 Luật Điện ảnh tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong trường hợp hợp tác sản xuất phim với tổ chức, cá nhân nước ngoài, nhận tài trợ từ tổ chức, cá nhân nước ngoài để sản xuất phim.

5. Tuân thủ quy định của Luật Điện ảnh và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Như vậy, ngoài việc thực hiện các nghĩa vụ theo quy định nêu trên thì Doanh nghiệp K cần phải lưu ý gửi văn bản cam kết không vi phạm nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh được quy định tại Điều 9 Luật Điện ảnh đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nếu muốn nhận tài trợ từ tổ chức, cá nhân nước ngoài để sản xuất phim.

5. Các điều kiện khi tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam

Doanh nghiệp WS là một tổ chức nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Doanh nghiệp WS muốn sử dụng dịch vụ sản xuất phim với cơ sở điện ảnh Việt Nam. Vậy, Doanh nghiệp WS có phải xin Giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 13 Luật Điện ảnh (năm 2022) quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Có văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ sản xuất phim với cơ sở điện ảnh Việt Nam.

2. Các phim sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam không vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật Điện ảnh.

3. Trường hợp sử dụng dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam.

Căn cứ quy định của pháp luật nêu trên, Doanh nghiệp WS muốn sử dụng dịch vụ sản xuất phim với cơ sở điện ảnh Việt Nam thì phải có đơn đề nghị cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam gửi đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để được giải quyết.

6. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài

Để chuẩn cho việc hợp tác quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam, Doanh nghiệp NE (nước ngoài) đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ sản xuất phim với cơ sở điện ảnh Việt Nam là Doanh nghiệp A. Trong trường hợp này, Doanh nghiệp NE đã đủ điều kiện để được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam chưa? Nếu chưa thì phải chuẩn bị hồ sơ gồm những văn bản, giấy tờ gì?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 13 Luật Điện ảnh (năm 2022) quy định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài bao gồm:

1. Văn bản đề nghị cấp Giấy phép theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định.

2. Kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt.

3. Văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài.

4. Văn bản cam kết không vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật Điện ảnh của tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam.

Trong trường hợp này, Doanh nghiệp NE chưa đủ để điều kiện để được cấp cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam. Doanh nghiệp NE phải bổ sung thêm các loại văn bản, giấy tờ theo quy định nêu trên.

7. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài

Doanh nghiệp K là một tổ chức ngoài kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh. Doanh nghiệp K muốn được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam. Vậy, Doanh nghiệp K phải nộp hồ sơ ở đâu? Thời hạn giải quyết là bao nhiêu ngày?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 4 Điều 13 Luật Điện ảnh (năm 2022) quy định trình tự, thủ tục cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được quy định như sau:

1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam hoặc cơ sở điện ảnh Việt Nam cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài nộp 01 bộ hồ sơ qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

2. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện cấp Giấy phép; trường hợp không cấp Giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp kịch bản phải sửa nội dung do vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật Điện ảnh và quy định khác của pháp luật có liên quan hoặc hồ sơ phải sửa đổi, bổ sung thông tin theo yêu cầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được kịch bản đã sửa nội dung hoặc hồ sơ đã sửa đổi, bổ sung đầy đủ thông tin, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện cấp Giấy phép.

Như vậy, Doanh nghiệp K có thể nộp hồ sơ đề nghị Giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thời hạn giải quyết là 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ

8. Những trường hợp bị thu hồi Giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam

Doanh nghiệp H (là một tổ chức nước ngoài) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình cung cấp dịch vụ quay phim, Doanh nghiệp H đã không thực hiện đúng nội dung Giấy phép được cấp. Vậy trong trường hợp này, Doanh nghiệp H có bị thu hồi giấy phép không?

Khoản 6 Điều 13 Luật Điện ảnh (năm 2022) quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thu hồi Giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam trong những trường hợp sau đây:

1. Vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật Điện ảnh trong quá trình sản xuất phim.

2. Thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép là giả mạo.

3. Không thực hiện đúng nội dung Giấy phép.

Như vậy, trong trường hợp Doanh nghiệp H không thực hiện đúng nội dung Giấy phép được cấp thi Doanh nghiệp H sẽ bị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định thu hồi Giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam.

9. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh phát hành phim

Doanh nghiệp L, hỏi: Cơ sở điện ảnh phát hành phim có được quyền nhập khẩu phim nước ngoài để công chiếu tại Việt Nam không? Và có phải chịu trách nhiệm về nội dung phim mà mình phát hành không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 15 Luật điện ảnh (năm 2022) quy định:

1. Quyền của cơ sở điện ảnh phát hành phim bao gồm:

a) Phát hành phim tại Việt Nam và nước ngoài;

b) Trao đổi, mua, bán, cho thuê, xuất khẩu, nhập khẩu phim theo quy định của pháp luật.

2. Nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh phát hành phim bao gồm:

a) Bảo đảm phát hành phim theo nội dung đã đăng ký kinh doanh, chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc được phê duyệt;

b) Bảo đảm phim phát hành tuân thủ quy định của Luật Điện ảnh và quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phim phát hành.

Như vậy, theo quy định nêu trên, cơ sở điện ảnh phát hành phim được quyền nhập khẩu phim nước ngoài để công chiếu tại Việt Nam và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phim mà mình phát hành.

10. Xuất khẩu phim, nhập khẩu phim

Doanh nghiệp B dự định trong thời gian đến sẽ xuất khẩu một số phim chưa phát sóng do mình sản xuất ra nước ngoài. Vậy, theo quy định của pháp luật thì Doanh nghiệp B có được phép xuất khẩu những phim này không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 17 Luật Điện ảnh (năm 2022) quy định:

1. Tổ chức, cá nhân chỉ được xuất khẩu phim đã được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng.

2. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phim phải cam kết bằng văn bản về nội dung phim không vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật Điện ảnh gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3. Người đứng đầu tổ chức, cá nhân nhập khẩu phim chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phim nhập khẩu để phổ biến phim; quản lý, sử dụng phim phục vụ hoạt động nghiên cứu, giáo dục, lưu trữ và lưu hành nội bộ.

4. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia xuất khẩu phim.

Căn cứ quy định nêu trên, Doanh nghiệp B chỉ được phép xuất khẩu phim khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng.

11. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh phổ biến phim

Công ty điện ảnh phổ biến phim C vừa mới thành lập. Để quá trình kinh doanh của mình không vi phạm pháp luật, Công ty điện ảnh phổ biến phim C đề nghị cho biết cơ sở điện ảnh phổ biến phim có những quyền và nghĩa vụ gì?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 18 Luật Điện ảnh (năm 2022) quy định:

1. Quyền của cơ sở điện ảnh phổ biến phim bao gồm:

a) Phổ biến phim theo quy định của pháp luật;

b) Thực hiện quảng cáo phim và dịch vụ khác phục vụ người xem theo quy định của pháp luật.

2. Nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh phổ biến phim bao gồm:

a) Bảo đảm phổ biến phim theo nội dung đã đăng ký kinh doanh, chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc được phê duyệt;

b) Chỉ được phổ biến phim có Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng, trừ trường hợp tự thực hiện phân loại phim theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 của Luật Điện ảnh;

c) Bảo đảm điều kiện để phổ biến phim đối với từng hình thức phổ biến phim;

d) Thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

đ) Dừng việc phổ biến phim khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trên đây là quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ cơ sở điện ảnh phổ biến phim, Công ty điện ảnh phổ biến phim C có thể tham khảo để phục vụ cho công việc kinh doanh của mình.

12. Quyền của cơ sở điện ảnh phổ biến phim trong rạp chiếu phim có quyền

Doanh nghiệp điện ảnh phổ biến phim trong rạp chiếu phim có được quyền từ chối phục vụ người xem không? Nếu có thì được từ chối trong trường hợp nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 19 Luật Điện ảnh (năm 2022) quy định cơ sở điện ảnh phổ biến phim trong rạp chiếu phim có quyền sau đây:

1. Từ chối phục vụ người xem trong trường hợp người xem sử dụng chất cấm, chất kích thích; mang vũ khí, vật liệu gây cháy, nổ, chất phóng xạ, chất độc hại, chất cấm, chất kích thích vào rạp chiếu phim; gây rối, mất trật tự tại rạp chiếu phim.

2. Ngăn chặn việc sao chép, ghi âm, ghi hình, truyền phát phim trái quy định của pháp luật.

3. Yêu cầu cá nhân vi phạm quy định tại điểm a và điểm b nêu trên rời khỏi rạp chiếu phim, kiến nghị với cơ quan, người có thẩm quyền xử lý cá nhân vi phạm.

Như vậy, theo quy định nêu trên Doanh nghiệp điện ảnh phổ biến phim trong rạp chiếu phim được quyền từ chối phục vụ người xem trong trường hợp người xem sử dụng chất cấm, chất kích thích; mang vũ khí, vật liệu gây cháy, nổ, chất phóng xạ, chất độc hại, chất cấm, chất kích thích vào rạp chiếu phim; gây rối, mất trật tự tại rạp chiếu phim.

13. Nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh phổ biến phim trong rạp chiếu phim

Anh S là người khuyết tật nặng, đến rạp chiếu phim X của Doanh nghiệp N để xem phim. Anh S đề nghị người bán vé tại rạp chiếu phim X của Doanh nghiệp N giảm giá vé cho mình nhưng bị từ chối với lý do Doanh nghiệp N không có chính sách miễn, giảm giá. Anh S hỏi, việc Doanh nghiệp N không có chính sách giảm giá vé cho người khuyết tật nặng có phù hợp với quy định của pháp luật không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 19 Luật điện ảnh (năm 2022) quy định Cơ sở điện ảnh phổ biến phim trong rạp chiếu phim phải bảo đảm thực hiện nghĩa vụ sau đây:

1. Bảo đảm phổ biến phim theo nội dung đã đăng ký kinh doanh, chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc được phê duyệt;

2. Chỉ được phổ biến phim có Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng, trừ trường hợp tự thực hiện phân loại phim theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 của Luật Điện ảnh;

3. Bảo đảm điều kiện để phổ biến phim đối với từng hình thức phổ biến phim;

4. Thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

5. Dừng việc phổ biến phim khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

6. Bảo đảm tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam, khung giờ chiếu phim Việt Nam, thời lượng và khung giờ chiếu phim cho trẻ em;

7. Bảo đảm người xem phim đúng độ tuổi theo phân loại phim;

8. Miễn, giảm giá vé cho người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, trẻ em, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đối tượng khác theo quy định của pháp luật;

9. Thực hiện kết nối dữ liệu, chế độ báo cáo tình hình hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 10 Nghị định số 131/2022/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh quy định:

1. Người cao tuổi, người có công với cách mạng, trẻ em, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật được giảm ít nhất 20% giá vé xem phim khi trực tiếp sử dụng dịch vụ xem phim tại rạp chiếu phim.

2. Người khuyết tật đặc biệt nặng được miễn giá vé; người khuyết tật nặng được giảm tối thiểu 50% giá vé xem phim khi trực tiếp sử dụng dịch vụ xem phim tại rạp chiếu phim.

Căn cứ quy định của pháp luật nêu trên, Doanh nghiệp N phải có nghĩa vụ giảm giá vé xem phim cho người khuyết tật nặng. Hành vi không giảm giá vé xem phim cho người khuyết tật nặng của Doanh nghiệp N là hành vi vi phạm pháp luật.

14. Cấp Giấy phép phân loại phim

Doanh nghiệp R muốn được cấp Giấy phép phân loại phim. Xin hỏi, Doanh nghiệp R phải chuẩn bị hồ sơ gồm những gì? Nộp ở cơ quan nào? Thời hạn giải quyết là bao nhiêu ngày?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 27 Luật Điện ảnh (năm 2022) quy định:

1. Thẩm quyền cấp Giấy phép phân loại phim được quy định như sau:

a) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Giấy phép phân loại phim phổ biến trong rạp chiếu phim; tại địa điểm chiếu phim công cộng; trên không gian mạng trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 của Luật Điện ảnh; tại trụ sở cơ quan ngoại giao, cơ sở văn hóa nước ngoài được thành lập tại Việt Nam quy định tại Điều 24 của Luật Điện ảnh;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được cấp Giấy phép phân loại phim khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2. Giấy phép phân loại phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp có giá trị trong toàn quốc.

3. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép phân loại phim bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép phân loại phim theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;

b) Bản sao văn bản chứng minh quyền sở hữu phim hoặc quyền sử dụng phim hợp pháp;

c) Bản phim hoàn chỉnh;

d) Bản thuyết minh phim bằng tiếng Việt đối với phim nước ngoài.

4. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép phân loại phim được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 nêu trên;

b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện cấp Giấy phép phân loại phim theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định; trường hợp không cấp Giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp phim phải điều chỉnh nội dung hoặc hồ sơ phải sửa đổi, bổ sung thông tin theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 nêu trên, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản phim đã điều chỉnh nội dung, 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đã sửa đổi, bổ sung đầy đủ thông tin, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện cấp Giấy phép.

Như vậy, để được cấp Giấy phép phân loại phim, Doanh nghiệp R phải nộp 1 bộ hồ sơ, gồm: Văn bản đề nghị cấp Giấy phép phân loại phim; Bản sao văn bản chứng minh quyền sở hữu phim hoặc quyền sử dụng phim hợp pháp; Bản phim hoàn chỉnh; Bản thuyết minh phim bằng tiếng Việt đối với phim nước ngoài qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 nêu trên. Giấy phép phân loại phim sẽ được cấp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

15. Thay đổi nội dung phim và tên phim trong Giấy phép phân loại phim

Doanh nghiệp V muốn thay đổi tên phim mà làm không thay đổi nội dung phim đã được cấp Giấy phép phân loại phim. Xin hỏi, Doanh nghiệp V có cần xin phép cơ quan có thẩm quyền không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 28 Luật Điện ảnh (năm 2022) quy định việc thay đổi nội dung phim và tên phim trong Giấy phép phân loại phim, như sau:

1. Trường hợp thay đổi nội dung phim đã được cấp Giấy phép phân loại phim, tổ chức, cá nhân phải thực hiện đề nghị cấp lại Giấy phép phân loại phim theo quy định tại Điều 27 của Luật Điện ảnh.

2. Trường hợp thay đổi tên phim mà không thay đổi nội dung phim đã được cấp Giấy phép phân loại phim, tổ chức, cá nhân phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp Giấy phép phân loại phim.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, nếu không đồng ý, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Như vậy, trong trường hợp này Doanh nghiệp V không cần đề nghị cấp lại Giấy phép phân loại phim mà chỉ cần thông báo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp Giấy phép phân loại phim.

16. Thu hồi Giấy phép phân loại phim

Doanh nghiệp C bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy phép phân loại phim với lý do “thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép phân loại phim là giả mạo”. Để tiếp tục kinh doanh trong lĩnh vực này, Doanh nghiệp C có được phép đề nghị cấp lại Giấy phép phân loại phim sau khi đã khắc phục vi phạm  không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 29 Luật Điện ảnh (năm 2022) quy định:

1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép phân loại phim quyết định thu hồi Giấy phép phân loại phim trong những trường hợp sau đây:

a) Giấy phép phân loại phim được cấp không đúng quy định;

b) Thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép phân loại phim là giả mạo.

2. Cơ quan cấp Giấy phép phân loại phim, tổ chức, cá nhân bị thu hồi Giấy phép phân loại phim có trách nhiệm khắc phục vi phạm quy định tại khoản 1 nêu trên do mình gây ra.

Việc tiếp tục đề nghị cấp Giấy phép phân loại phim sau khi đã khắc phục vi phạm thực hiện theo quy định tại Điều 27 của Luật Điện ảnh.

Như vậy, theo quy định của pháp luật nêu trên, Doanh nghiệp C được phép tiếp tục đề nghị cấp Giấy phép phân loại phim sau khi đã khắc phục vi phạm.

17. Dừng phổ biến phim

Công ty V nhận được quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc quyết định dừng phổ biến phim với lý do an ninh trong thời hạn 30 ngày. Nay, Công ty V có nhu cầu tiếp tục phổ biến phim, Công ty V phải tiến hành các thủ tục gì?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 30 Luật Điện ảnh (năm 2022) quy định:

1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định dừng phổ biến phim là cơ quan cấp Giấy phép phân loại phim, cơ quan tiếp nhận thông báo về nội dung, chương trình chiếu phim tại địa điểm chiếu phim công cộng hoặc cơ quan thanh tra theo quy định của Chính phủ.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định dừng phổ biến phim bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do, thời điểm, thời hạn dừng phổ biến phim đối với một trong các trường hợp sau đây:

a) Vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật Điện ảnh;

b) Vì lý do quốc phòng, an ninh, thiên tai, dịch bệnh hoặc tình trạng khẩn cấp.

3. Trường hợp có nhu cầu tiếp tục phổ biến phim, tổ chức gửi văn bản đề xuất việc tiếp tục phổ biến phim đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất việc tiếp tục phổ biến phim, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định và thông báo kết quả bằng văn bản đến tổ chức đã đề xuất việc phổ biến phim.

4. Tổ chức bị dừng phổ biến phim phải công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc dừng phổ biến phim và chịu trách nhiệm bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.

Như vậy, nếu Công ty V có nhu cầu tiếp tục phổ biến phim thì phải gửi văn bản đề xuất việc tiếp tục phổ biến phim đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định.

18. Điều kiện thực hiện phân loại phim để phổ biến trên không gian mạng

Công ty G muốn thực hiện phân loại phim để phổ biến trên không gian mạng. Xin hỏi, Công ty G phải đảm bảo điều kiện gì? Hồ sơ, trình tự đề nghị công nhận đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng được thực hiện như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 12 Nghị định số 131/2022/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh quy định:

1. Điều kiện thực hiện phân loại phim để phổ biến trên không gian mạng bao gồm:

a) Có hội đồng phân loại phim hoặc có phần mềm kỹ thuật hoặc có cơ chế để thực hiện việc phân loại phim theo quy định về phân loại phim của Việt Nam và chịu trách nhiệm về kết quả phân loại phim;

b) Có phương án sửa đổi, cập nhật kết quả phân loại phim khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Công cụ quản trị phải hỗ trợ việc phân loại phim theo từng tiêu chí và hiển thị linh hoạt ngay sau khi phim được cập nhật thay đổi về phân loại;

c) Có phương án kỹ thuật và quy trình thực hiện tạm dừng phổ biến, gỡ bỏ phim theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Sau khi có yêu cầu gỡ bỏ phim, bộ phận vận hành phải thực hiện quy trình để triển khai thao tác gỡ bỏ phim trên công cụ quản trị.

2. Hồ sơ đề nghị công nhận đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng:

a) Tài liệu cung cấp đầu mối, thông tin liên hệ để tiếp nhận, xử lý yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

b) Báo cáo thuyết minh các nội dung theo quy định tại khoản 1 nêu trên.

3. Trình tự, thủ tục đề nghị công nhận đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng:

a) Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng nộp 01 bộ hồ sơ qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp nhận báo cáo, trả lời bằng văn bản và đăng tải công khai tên doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức đủ điều kiện phân loại phim trên không gian mạng trên Hệ thống dữ liệu về phân loại phim trên không gian mạng; trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Trường hợp thay đổi nội dung quy định tại điểm a khoản 2 nêu trên, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng có trách nhiệm gửi thông báo những nội dung thay đổi cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, nếu không đồng ý, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp thay đổi nội dung quy định tại điểm b khoản 2 nêu trên, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng phải thực hiện lại trình tự, thủ tục quy định tại khoản 3 nêu trên.

5. Trường hợp doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức đủ điều kiện thực hiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng có kết quả phân loại phim không phù hợp với kết quả do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện khi kiểm tra:

a) Thực hiện sửa đổi, cập nhật kết quả phân loại phim theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

b) Được coi là chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim khi kết quả phân loại, hiển thị kết quả phân loại không phù hợp với kết quả phân loại phim của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quá 05 lần trong vòng 01 tháng đối với Loại P, Loại T18, Loại T16, Loại T13 và 02 lần trong 06 tháng đối với Loại C thì phải thực hiện phân loại phim theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 Luật Điện ảnh;

Sau thời hạn 03 tháng, thực hiện quy định tại khoản 2, khoản 3 nêu trên để tiếp tục triển khai phân loại phim.

Trên đây là quy định của pháp luật về điều kiện, hồ sơ, trình tự đề nghị công nhận đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng, Công ty G có thể tham khảo để phục vụ cho việc kinh doanh của mình.

19. Vi phạm quy định về hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh

Công ty Z thực hiện phổ biến phim tại địa điểm chiếu phim công cộng nhưng không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Xin hỏi, hành vi này của Công ty Z có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì bị xử phạt như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 128/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo quy định Điều 7 về vi phạm quy định về hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh, như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện phổ biến phim tại địa điểm chiếu phim công cộng.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Phổ biến phim trên hệ thống rạp chiếu phim, trên hệ thống truyền hình và địa điểm chiếu phim công cộng mà không có giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng;

b) Phổ biến phim trên không gian mạng mà không phân loại, hiển thị kết quả phân loại theo quy định;

c) Thay đổi, làm sai lệch nội dung phim và kết quả phân loại phim đã được cấp giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng;

d) Phát hành, phổ biến phim đã có quyết định thu hồi giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc gỡ bỏ phim trên hệ thống truyền hình đối với hành vi phát hành, phổ biến phim trên hệ thống truyền hình mà không có giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng quy định tại điểm a khoản 2 nêu trên;

b) Buộc tiêu hủy phim hoặc xoá bỏ phim đối với phim có nội dung quy định tại các điểm a, b và i khoản 1 Điều 9 Luật Điện ảnh đối với hành vi phát hành, phổ biến phim trên hệ thống rạp chiếu phim; địa điểm chiếu phim công cộng mà không có giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng quy định tại điểm a khoản 2 nêu trên;

c) Buộc gỡ bỏ phim trên không gian mạng đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 nêu trên;

d) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 nêu trên;

đ) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại khoản 2 nêu trên.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì hành vi không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Công ty Z khi thực hiện phổ biến phim tại địa điểm chiếu phim công cộng là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

20. Vi phạm quy định về sản xuất phim

Qua hoạt động kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền phát hiện Công ty J&J có hành vi sửa chữa, tẩy xóa làm thay đổi nội dung giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam. Xin hỏi, với hành vi vi phạm này Công ty J&J sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 128/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo quy định Điều 8 về vi phạm quy định về sản xuất phim, như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối một trong các hành vi sau đây:

a) Sửa chữa, tẩy xóa làm thay đổi nội dung giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam;

b) Không gửi văn bản cam kết không vi phạm quy định tại Điều 9 Luật Điện ảnh tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp hợp tác sản xuất phim với tổ chức, cá nhân nước ngoài, nhận tài trợ từ tổ chức, cá nhân nước ngoài để sản xuất phim theo quy định.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không sử dụng dịch vụ do cơ sở điện ảnh Việt Nam cung cấp khi sản xuất phim tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài;

b) Không có văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ với cơ sở điện ảnh Việt Nam khi sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài;

c) Không thực hiện đúng nội dung giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam trong trường hợp sử dụng dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam;

b) Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam;

c) Sử dụng giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam của tổ chức khác.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu phim hoặc đoạn phim đã quay tại Việt Nam đối với hành vi quy định tại điểm b và điểm c khoản 3, điểm a khoản 4 nêu trên;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 4 nêu trên;

c) Tịch thu giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 4 nêu trên.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại cho cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam đối với hành vi quy định tại khoản 1 trong trường hợp giấy phép đã được cấp và hành vi quy định tại điểm a khoản 2 nêu trên;

b) Buộc gửi văn bản cam kết không vi phạm quy định tại Điều 9 Luật Điện ảnh tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 nêu trên;

c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 4 nêu trên trong trường hợp phát sinh số lợi bất hợp pháp.

Như vậy, đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa làm thay đổi nội dung giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam, Công ty J&J sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng và buộc phải nộp lại giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam cho cơ quan có thẩm quyền đã cấp./.

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.078.598
Lượt truy cập hiện tại 19.926