Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT VỀ ĐIỀU KIỆN ĐẦU TƯ KINH DOANH THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Ngày cập nhật 24/11/2022

Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động

1. Công ty trách nhiệm hữu hạn A có 02 kiểm định viên làm việc tại Công ty theo hợp đồng đã hai năm. Nay, Công ty trách nhiệm hữu hạn A muốn được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Xin hỏi, trong trường hợp này Công ty trách nhiệm hữu hạn A đã đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động chưa?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định:

1. Tổ chức được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Bảo đảm thiết bị, dụng cụ phục vụ kiểm định cho từng đối tượng thuộc phạm vi kiểm định, theo yêu cầu tại quy trình kiểm định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động.

b) Có ít nhất 02 kiểm định viên làm việc theo hợp đồng từ 12 tháng trở lên thuộc tổ chức để thực hiện kiểm định đối với mỗi đối tượng thuộc phạm vi đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định.

c) Người phụ trách kỹ thuật hoạt động kiểm định của tổ chức phải có thời gian làm kiểm định viên tối thiểu 02 năm.

2. Các thiết bị, nhân lực nêu tại các điểm a, b và c khoản 1 nêu trên chỉ được sử dụng để làm điều kiện đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với một tổ chức.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì Công ty trách nhiệm hữu hạn A chưa đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.

 

Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động

2. Doanh nghiệp H đang làm hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Để tránh trường hợp hồ sơ không đầy đủ, Doanh nghiệp H phải chuẩn bị những giấy tờ, tài liệu gì?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động bao gồm:

1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận;

2. Bản sao quyết định thành lập đối với đơn vị sự nghiệp;

3. Danh mục thiết bị, dụng cụ phục vụ kiểm định;

4. Danh sách kiểm định viên theo mẫu tại Phụ lục Ia ban hành kèm theo Nghị định này;

5. Một trong các tài liệu sau để chứng minh kinh nghiệm của người phụ trách kỹ thuật hoạt động kiểm định:

a) Bản sao sổ hoặc tờ rời về tham gia bảo hiểm xã hội;

b) Bản sao hợp đồng lao động;

c) Bản sao biên bản kiểm định kèm theo giấy chứng nhận kết quả kiểm định.

Trên đây là quy định của pháp luật về thành phần hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, Doanh nghiệp H có thể tham khảo để hoàn thiện hồ sơ của mình.

 

Hồ sơ gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động

3. Công ty M hoạt động trong lĩnh vực kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Nay, Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động của Công ty M sắp hết thời hạn. Vậy, để được gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, Công ty M phải chuẩn bị hồ sơ gồm những giấy tờ, tài liệu gì?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động và khoản 3 Điều 1 Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định Hồ sơ gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động bao gồm:

1. Đơn đề nghị gia hạn Giấy chứng nhận.

2. Giấy chứng nhận đã được cấp.

3. Bản sao quyết định thành lập đối với đơn vị sự nghiệp; Danh mục thiết bị, dụng cụ phục vụ kiểm định; Danh sách kiểm định viên theo mẫu tại Phụ lục Ia ban hành kèm theo Nghị định này; Một trong các tài liệu sau để chứng minh kinh nghiệm của người phụ trách kỹ thuật hoạt động kiểm định: Bản sao sổ hoặc tờ rời về tham gia bảo hiểm xã hội; Bản sao hợp đồng lao động; Bản sao biên bản kiểm định kèm theo giấy chứng nhận kết quả kiểm định.

4. Mẫu các thành phần hồ sơ nêu trên được quy định tại Phụ lục Ia ban hành kèm theo Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ

Trên đây là quy định của pháp luật về thành phần hồ sơ gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, Công ty M có thể tham khảo để làm đơn đề nghị gia hạn Giấy chứng nhận của mình.

 

Hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động

4. Trong quá trình chuyển trụ sở kinh doanh, Công ty A đã làm thất lạc Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động của mình. Công ty A muốn được cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động thì phải chuẩn bị hồ sơ gồm những giấy tờ tài liệu gì?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động quy định Hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động như sau:

1. Đối với trường hợp bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận, hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận;

- Giấy chứng nhận đã được cấp;

- Tài liệu chứng minh thay đổi về điều kiện cấp Giấy chứng nhận.

2. Đối với Giấy chứng nhận bị mất, hỏng, hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận;

- Giấy chứng nhận đã được cấp trong trường hợp bị hỏng.

3. Mẫu các thành phần hồ sơ nêu trên được quy định tại Phụ lục Ia ban hành kèm theo Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ.

Trên đây là thành phần hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động bị mất, Công ty A có thể tham khảo.

 

Trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động

5. Công ty I đã hoàn tất và chuẩn bị nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động tại cơ quan có thẩm quyền. Công ty I muốn biết thời hạn giải quyết cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động là bao nhiêu ngày?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 5 Điều 5 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động quy định trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động được quy định như sau:

1. Tổ chức có nhu cầu cấp, gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận gửi cơ quan có thẩm quyền 01 bộ hồ sơ đăng ký cấp, gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận; nộp phí thẩm định theo quy định của Bộ Tài chính.

Đối với trường hợp gia hạn, ít nhất 30 ngày trước khi hết thời hạn trong Giấy chứng nhận, tổ chức gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền.

2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thẩm định và cấp, gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận; trường hợp không cấp, gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Như vậy, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.

 

Thời hạn của Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động

6. Công ty Y muốn chuyển sang hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Công ty Y đề nghị cho biết, thời hạn của Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động được pháp luật quy định là bao nhiêu lâu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 7 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động quy định thời hạn của Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, như sau:

1. 05 năm đối với Giấy chứng nhận cấp mới hoặc gia hạn.

2. Trường hợp cấp lại là thời gian còn lại của Giấy chứng nhận đã được cấp.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì trong trường hợp cấp mới, Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động có thời hạn là 5 năm; trường hợp cấp lại là thời gian còn lại của Giấy chứng nhận đã được cấp.

 

Thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động

7. Công ty S bị cơ quan có thẩm quyết ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động với lý do hết thời hạn đình chỉ hoạt động kiểm định mà không khắc phục được các nguyên nhân bị đình chỉ hoạt động kiểm định. Công ty S muốn biết việc thu hồi này có phù hợp với quy định của pháp luật không? Vfa trong thời hạn bao lâu thì Công ty S có thể được cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định:

1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động bị thu hồi một trong các trường hợp sau đây:

a) Hết thời hạn đình chỉ hoạt động kiểm định mà không khắc phục được các nguyên nhân bị đình chỉ hoạt động kiểm định;

b) Hoạt động kiểm định trong thời gian bị đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động;

c) Sau 6 tháng kể từ khi có thay đổi điều kiện hoạt động làm cơ sở cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động, nếu tổ chức không đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật;

d) Hoạt động kiểm định trong thời gian không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật;

đ) Giả mạo hoặc khai man các tài liệu trong hồ sơ cấp, gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận;

e) Bị giải thể, phá sản.

2. Tổ chức bị thu hồi giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 1 nêu trên được xem xét cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định sau 6 tháng, kể từ ngày Quyết định thu hồi giấy chứng nhận có hiệu lực.

Như vậy, theo quy định của pháp luật nêu trên thì việc cơ quan có thẩm quyết ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động với lý do hết thời hạn đình chỉ hoạt động kiểm định mà không khắc phục được các nguyên nhân bị đình chỉ hoạt động kiểm định là phù hợp. Doanh nghiệp S có thể làm hồ sơ đề nghị cơ quan có thể quyền xem xét cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định sau 6 tháng, kể từ ngày Quyết định thu hồi giấy chứng nhận có hiệu lực.

 

Tiêu chuẩn kiểm định viên kiểm định kỹ thuật an toàn lao động

8. Công ty G có nhu cầu kinh doanh trong lĩnh vực hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động và đang chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Công ty G muốn biết kiểm định viên phải đáp ứng tiêu chuẩn gì?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 9 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động quy định tiêu chuẩn kiểm định viên kiểm định viên, như sau:

1. Có trình độ đại học trở lên, thuộc chuyên ngành kỹ thuật phù hợp với đối tượng kiểm định;

2. Có ít nhất 02 năm làm kỹ thuật kiểm định hoặc làm công việc thiết kế, sản xuất, lắp đặt, sửa chữa, vận hành, bảo trì về đối tượng kiểm định;

3. Đã hoàn thành khóa huấn luyện và sát hạch đạt yêu cầu về nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động với đối tượng kiểm định hoặc có thời gian thực hiện kiểm định đối tượng kiểm định trên 10 năm tính đến thời điểm Nghị định này có hiệu lực.

Như vậy, để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động thì kiểm định viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn nêu trên.

 

Trách nhiệm của Tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn lao động

9. Công ty cổ phần T vừa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Để tránh vi phạm pháp luật trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình, Công ty cổ phần T đề nghị cho biết, trách nhiệm của tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn lao động?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 15 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động quy định trách nhiệm của Tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, như sau:

1. Công bố biên bản kiểm định với tổ chức, cá nhân sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Dán tem kiểm định hoặc thể hiện thông tin kiểm định lên đối tượng kiểm định và cấp cho tổ chức, cá nhân sử dụng đối tượng kiểm định Giấy chứng nhận kết quả kiểm định (01 bản) chậm nhất sau 05 ngày làm việc, kể từ ngày công bố biên bản nếu kết quả kiểm định đạt yêu cầu.

2. Trong trường hợp đối tượng kiểm định không đạt yêu cầu và phát hiện đối tượng có nguy cơ dẫn đến sự cố, tai nạn lao động thì không cấp Giấy chứng nhận kết quả kiểm định và thông báo cho cơ sở biết để có biện pháp khắc phục.

3. Đảm bảo độc lập, khách quan trong cung ứng dịch vụ kiểm định.

4. Cử kiểm định viên tham dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.

5. Không cung ứng dịch vụ kiểm định trong thời gian bị đình chỉ hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; không sử dụng kiểm định viên đang bị thu hồi chứng chỉ kiểm định viên để thực hiện kiểm định.

6. Mẫu Giấy chứng nhận kết quả kiểm định; mẫu tem kiểm định; mẫu báo cáo tình hình hoạt động kiểm định được quy định tại Phụ lục Id ban hành kèm theo Nghị định này.

Trên đây là các quy định của pháp luật về trách nhiệm của tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, Công ty T có thể tham khảo để phục vụ cho công việc của mình.

 

Đối tượng tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động

10. Ông Nguyễn Văn Xuân, Giám đốc Công ty PQ nhận được giấy mời của cơ quan có thẩm quyền về việc mời ông Xuân tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động do cơ quan có thẩm quyền tổ chức. Ông Xuân cho rằng, ông không có trách nhiệm phải tham dự khóa tập huấn này. Vậy, trong trường hợp này nhận định của ông Nguyễn Văn Xuân có đúng không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định đối tượng tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, gồm:

1. Nhóm 1: Người đứng đầu đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh và phòng, ban, chi nhánh trực thuộc; phụ trách bộ phận sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật; quản đốc phân xưởng hoặc tương đương; cấp phó của người đứng đầu theo quy định tại Khoản này được giao nhiệm vụ phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động.

2. Nhóm 2: Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động bao gồm: Chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn, vệ sinh lao động của cơ sở; người trực tiếp giám sát về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

3. Nhóm 3: Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động là người làm công việc thuộc Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

4. Nhóm 4: Người lao động không thuộc các nhóm 1, 3 nêu trên và khoản 5, 6 dưới đây, bao gồm cả người học nghề, tập nghề, thử việc để làm việc cho người sử dụng lao động.

5. Nhóm 5: Người làm công tác y tế.

6. Nhóm 6: An toàn, vệ sinh viên.

Như vậy, ông Nguyễn Văn Xuân, Giám đốc Công ty PQ là người đứng đầu đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Do đó, ông Xuân phải có trách nhiệm tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động do cơ quan có thẩm quyền tổ chức.

 

Điều kiện cấp giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia

11. Công ty Cổ phần P muốn được cấp giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Vậy, theo quy định của pháp luật Công ty Cổ phần P phải đáp ứng điều kiện gì?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 3 Nghị định số 31/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và khoản 1 Điều 3 Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tổ chức được cấp giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị:

a) Có cơ sở vật chất (phòng chuyên môn, kỹ thuật và nhà, xưởng, mặt bằng) và trang thiết bị (phương tiện, thiết bị, công cụ, dụng cụ tác nghiệp và phương tiện đo kiểm) theo danh mục cơ sở vật chất, trang thiết bị đánh giá kỹ năng nghề quốc gia cho từng nghề do Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội ban hành, bảo đảm tương ứng với số lượng người tham dự đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (sau đây viết tắt là người tham dự) trong một đợt kiểm tra kiến thức chuyên môn, kỹ thuật (sau đây viết tắt là kiểm tra kiến thức) hoặc kiểm tra kỹ năng thực hành công việc và quy trình an toàn lao động, vệ sinh lao động (sau đây viết tắt là kiểm tra thực hành) ở một bậc trình độ kỹ năng của mỗi nghề thực hiện trong cùng một thời điểm;

b) Có hệ thống thiết bị quan sát, giám sát bằng hình ảnh, âm thanh được kết nối với mạng Internet, bảo đảm cho việc quan sát, theo dõi, giám sát được tất cả các hoạt động diễn ra trong quá trình thực hiện việc kiểm tra kiến thức và kiểm tra thực hành công việc và quy trình an toàn lao động, vệ sinh lao động của người tham dự;

c) Có trang thông tin điện tử riêng bảo đảm cho người lao động có thể đăng ký tham dự đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia trực tuyến.

2. Về nhân lực trực tiếp thực hiện việc đánh giá kỹ năng nghề của người tham dự: Có ít nhất là 01 (một) người đang làm việc chính thức tại tổ chức đánh giá kỹ năng nghề, có thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia (sau đây viết tắt là thẻ đánh giá viên) phù hợp với nghề và bậc trình độ kỹ năng nghề đề nghị cấp giấy chứng nhận.

Như vậy, để được cấp giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, Công ty Cổ phần P phải đáp ứng các điều kiện như đã nêu trên.

 

Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia

12. Công ty Trách nhiệm hữu hạn B đã hoàn tất hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Xin hỏi, trong trường hợp này, Công ty Trách nhiệm hữu hạn B phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở đâu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 5 Nghị định số 31/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia quy định Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan có thẩm quyền cấp, cấp đổi, bổ sung, cấp lại, tạm đình chỉ hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đã cấp.

Như vậy, theo quy định nêu trên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn B phải đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

 

Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp; cấp lại; cấp đổi, bổ sung giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia

13. Trong quá trình bảo quản, cất giữ Giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, Doanh nghiệp N đã làm rách giấy chứng nhận này. Để được cấp lại Giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, Doanh nghiệp N phải nộp hồ sơ gồm những gì? Nộp ở đâu? Thời hạn giải quyết là bao lâu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp; cấp lại; cấp đổi, bổ sung giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, như sau:

1. Thành phần hồ sơ

a) Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận là 01 bộ, gồm:

- Văn bản đề nghị của tổ chức;

- Quyết định thành lập tổ chức do cơ quan có thẩm quyền cấp;

- Tài liệu chứng minh đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 3 Nghị định này.

b) Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận

Trường hợp giấy chứng nhận bị hư, rách, nát hoặc mất, hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận là 01 bộ, gồm:

- Văn bản đề nghị của tổ chức;

- Giấy chứng nhận đã được cấp, trừ trường hợp giấy chứng nhận bị mất.

c) Hồ sơ đề nghị cấp đổi, bổ sung giấy chứng nhận

Trường hợp có thay đổi, bổ sung tên nghề, bậc trình độ kỹ năng nghề hoặc thay đổi tên gọi, địa chỉ nơi đặt trụ sở chính của tổ chức đánh giá kỹ năng nghề trong giấy chứng nhận đã được cấp, hồ sơ đề nghị cấp thay đổi giấy chứng nhận là 01 bộ, gồm:

- Văn bản đề nghị của tổ chức đánh giá kỹ năng nghề;

- Giấy chứng nhận đã được cấp, trừ trường hợp giấy chứng nhận bị mất;

- Tài liệu liên quan đến thay đổi, bổ sung trong giấy chứng nhận. Trường hợp bổ sung tên nghề, bậc trình độ kỹ năng nghề, tài liệu phải chứng minh đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực trực tiếp thực hiện việc đánh giá kỹ năng nghề quy định tại Điều 3 Nghị định này.

2. Trình tự, thủ tục:

- Tổ chức có nhu cầu cấp; cấp lại; cấp đổi, bổ sung giấy chứng nhận lập hồ sơ theo quy định tại một trong các điểm a, b, c Khoản 1 nêu trên gửi trực tiếp, qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc bưu điện đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp). Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện thì các thành phần hồ sơ nộp ở dạng bản gốc hoặc bản sao có chứng thực; trường hợp đăng ký qua cổng dịch vụ công trực tuyến thì thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và cấp; cấp lại; cấp thay đổi giấy chứng nhận; trường hợp không cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Như vậy, trong trường hợp giấy chứng nhận bị hư, rách, nát thì Doanh nghiệp N phải chuẩn 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận, gồm: Văn bản đề nghị của tổ chức; Giấy chứng nhận đã được cấp và gửi trực tiếp, qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc bưu điện đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và cấp giấy chứng nhận; trường hợp không cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

 

Tạm đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi Giấy chứng nhận kỹ năng nghề quốc gia

14. Qua hoạt động kiểm tra, Doanh nghiệp V đã bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động trong thời hạn 06 tháng với lý do không lưu giữ các kết quả kiểm tra kiến thức, kết quả kiểm tra thực hành của người tham dự. Doanh nghiệp V hỏi: Việc tạm đình chỉ hoạt động đối với doanh nghiệp V trong trường hợp có đúng quy định của pháp luật không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 8 Nghị định số 31/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia quy định:

1. Tổ chức đánh giá kỹ năng nghề bị tạm đình chỉ hoạt động đến 06 (sáu) tháng trong các trường hợp sau đây:

a) Tại thời điểm ngay trước khi thực hiện việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, không còn đáp ứng một trong các điều kiện theo quy định của pháp luật;

b) Làm mất kết quả kiểm tra kiến thức, kết quả kiểm tra thực hành của người tham dự hoặc không lưu giữ các kết quả này theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

2. Tổ chức đánh giá kỹ năng nghề bị thu hồi giấy chứng nhận trong các trường hợp sau đây:

a) Giả mạo nội dung trong hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận;

b) Có các hành vi can thiệp làm sai lệch kết quả kiểm tra kiến thức, kết quả kiểm tra thực hành của người tham dự;

c) Giả mạo kết quả kiểm tra kiến thức, kết quả kiểm tra thực hành cho người không tham dự hoặc đề nghị cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người không tham dự;

d) Không triển khai hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận;

đ) Quá thời hạn tạm đình chỉ hoạt động không tiến hành các biện pháp khắc phục hoặc khắc phục chưa đáp ứng yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

e) Do sáp nhập, hợp nhất với tổ chức khác; bị giải thể, phá sản hoặc chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật.

3. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận biết hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải quyết định tạm đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy chứng nhận đã cấp.

4. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bị tạm đình chỉ hoạt động hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận, tổ chức đánh giá kỹ năng nghề có trách nhiệm giải quyết các quyền lợi và nghĩa vụ đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Như vậy, việc cơ quan có thẩm quyền ra Quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với doanh nghiệp V trong trường hợp này là đúng quy định của pháp luật.

 

Quyền và nghĩa vụ của tổ chức đánh giá kỹ năng nghề

15. Doanh nghiệp C, hỏi: Tổ chức đánh giá kỹ năng nghề có được phép tổ chức cho thi thử các bài kiểm tra kiến thức, bài kiểm tra thực hành đã được sử dụng tại các kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia trước đó theo yêu cầu của người lao động không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 10 Nghị định số 31/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia quy định:

1. Quyền của tổ chức đánh giá kỹ năng nghề:

a) Được tổ chức cho thi thử các bài kiểm tra kiến thức, bài kiểm tra thực hành đã được sử dụng tại các kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia trước đó theo yêu cầu của người lao động;

b) Được liên kết với các tổ chức khác theo quy định của pháp luật để bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người tham dự;

c) Được thu tiền thuê dụng cụ, thiết bị và tiền mua vật tư, nguyên, nhiên vật liệu cung cấp cho người tham dự sử dụng khi thực hiện bài thi với mức giá cả theo cơ chế thị trường;

d) Được tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật.

2. Nghĩa vụ của tổ chức đánh giá kỹ năng nghề:

a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với từng nghề và từng bậc trình độ kỹ năng; cung cấp thông tin về hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia trên trang thông tin điện tử riêng của tổ chức và chịu trách nhiệm về các thông tin đã cung cấp;

b) Tổ chức tiếp nhận và quản lý hồ sơ đăng ký tham dự đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia của người lao động;

c) Chuẩn bị đầy đủ vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu tương ứng với số lượng người tham dự tại mỗi kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia theo từng nghề và từng bậc trình độ kỹ năng;

d) Thành lập các ban giám khảo và tạo điều kiện cho ban giám khảo, tổ giám sát thực hiện nhiệm vụ;

đ) Bảo đảm an toàn và phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan xử lý các sự cố xảy ra trong quá trình thực hiện việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia;

e) Cung cấp dụng cụ, thiết bị được sử dụng khi thực hiện các bài kiểm tra cho người tham dự có nhu cầu mượn hoặc thuê và công khai mức giá thuê các dụng cụ, thiết bị đó;

g) Chuyển qua đường bưu điện hoặc trực tiếp giao chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia do cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 26 Nghị định này cấp cho người tham dự đạt yêu cầu; lưu giữ hồ sơ tham dự và kết quả đánh giá kỹ năng nghề quốc gia của người lao động theo quy định của pháp luật về lưu trữ;

h) Chấp hành và thực hiện việc báo cáo định kỳ 06 (sáu) tháng và hằng năm hoặc đột xuất theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

i) Thực hiện các nhiệm vụ khác được quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì tổ chức đánh giá kỹ năng nghề được phép tổ chức cho thi thử các bài kiểm tra kiến thức, bài kiểm tra thực hành đã được sử dụng tại các kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia trước đó theo yêu cầu của người lao động./.

 

 

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.078.394
Lượt truy cập hiện tại 19.860