Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
GIẢI ĐÁP CÁC TÌNH HUỐNG LIÊN QUAN ĐẾN PHÁP LUẬT VỀ THUẾ, PHÍ, LỆ PHÍ
Ngày cập nhật 27/04/2021

 

Tình huống 1. Ông Nguyễn Đại Long đang có dự định thành lập doanh nghiệp tư nhân đặt trụ sở tại tỉnh Thừa Thiên Huế, ông muốn biết cơ quan nào tại tỉnh Thừa Thiên Huế có quyền thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp ?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

 Điều 3 Thông tư số 47/2019/TT-BTC ngày 05 tháng 8 năm 2019 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp quy định về tổ chức thu phí, lệ phí gồm:

1. Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh thuộc Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) là tổ chức thu phí cung cấp thông tin doanh nghiệp.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là tổ chức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

3. Cơ quan đăng ký đầu tư là tổ chức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong trường hợp thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp theo cơ chế một cửa liên thông.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn nêu trên thì Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế là cơ quan có quyền thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp.

Tình huống 2. Chị Nguyễn Thị Thu là Giám đốc doanh nghiệp tư nhân, chị muốn mở thêm chi nhánh tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid -19 hạn chế đi lại, chị dự định thực hiện việc cấp mới giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh qua mạng điện tử, chị muốn biết mức đóng phí, lệ phí khi thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh qua mạng điện tử là bao nhiêu?

Điều 5 Thông tư số 47/2019/TT-BTC ngày 05 tháng 8 năm 2019 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp quy định các đối tượng được miễn phí, lệ phí gồm:

1. Doanh nghiệp bổ sung, thay đổi thông tin do thay đổi địa giới hành chính được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp.

2. Đăng ký giải thể doanh nghiệp, tạm ngừng kinh doanh; chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp.

3. Doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp.

4. Cơ quan nhà nước đề nghị cung cấp thông tin phục vụ quản lý nhà nước được miễn phí cung cấp thông tin doanh nghiệp.

5. Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn nêu trên, khi chị Nguyễn Thị Thu đăng ký hoạt động chi nhánh qua mạng điện tử thì được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp.

Tình huống 3. Doanh nghiệp Hoàng Long thay đổi địa chỉ từ huyện A đến thành phố B và đề nghị cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Vậy, mức lệ phí cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Căn cứ vào biểu phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp ban hành kèm theo  Thông tư số 47/2019/TT-BTC ngày 05 tháng 8 năm 2019 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp thì trường hợp cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải đóng mức lệ phí là 50.000 đồng.

Tình huống 4. Do làm ăn thua lỗ, doanh nghiệp Tùng Lâm muốn bán 1000m2  đất của doanh nghiệp để trả nợ, doanh nghiệp muốn biết việc tính giá lệ phí trước bạ đối với đất được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 301/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về lệ phí trước bạ (Thông tư số 301/2016/TT-BTC) và khoản 1 Điều 2 Thông tư số 20/2019/TT-BTC ngày 09 tháng 4 năm 2019 của bộ tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 301/2016/TT-BTC quy định:

1. Giá tính lệ phí trước bạ đối với đất

a) Giá tính lệ phí trước bạ đối với đất là giá đất tại Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) ban hành theo quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ.

b) Giá tính lệ phí trước bạ đối với đất được xác định như sau:

Giá tính lệ phí trước bạ đối với đất (đồng)

=

Diện tích đất chịu lệ phí trước bạ (m2)

x

Giá một mét vuông đất (đồng/m2) tại Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành

Trong đó, diện tích đất chịu lệ phí trước bạ là toàn bộ diện tích thửa đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất xác định và cung cấp cho cơ quan Thuế theo “Phiếu chuyển thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai”.

c) Giá tính lệ phí trước bạ đối với đất trong một số trường hợp cụ thể áp dụng như sau:

c.1) Đối với đất kèm theo nhà thuộc sở hữu nhà nước bán cho người đang thuê theo quy định của pháp luật về bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê, giá tính lệ phí trước bạ là giá bán thực tế theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

c.2) Đối với đất được nhà nước giao theo hình thức đấu thầu, đấu giá (sau đây gọi chung là đấu giá), giá tính lệ phí trước bạ là giá trúng đấu giá thực tế ghi trên hóa đơn hoặc là giá trúng đấu giá thực tế theo biên bản trúng đấu giá hoặc theo văn bản phê duyệt trúng đấu giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c.3) Trường hợp người sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không phải nộp lệ phí trước bạ, sau đó được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo mục đích sử dụng mới thuộc diện phải nộp lệ phí trước bạ thì giá tính lệ phí trước bạ là giá đất theo mục đích sử dụng mới tại Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm tính lệ phí trước bạ;

c.5) Trường hợp giá đất tại hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất cao hơn giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành thì giá tính lệ phí trước bạ đối với đất là giá tại hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất.

Trường hợp giá đất tại hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thấp hơn giá đất tại Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành thì giá đất tính lệ phí trước bạ là giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ.

Như vậy, việc tính giá lệ phí trước bạ đối với đất được áp dụng theo quy định viện dẫn như trên.

Tình huống 5. Doanh nghiệp lữ hành Thiên Ân đóng trên địa bàn thành phố Huế mua mới 100 xe máy để phục vụ kinh doanh cho thuê xe máy tự lái. Doanh nghiệp muốn biết lệ phí trước bạ phải nộp đối với xe máy là bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 4 Điều 4 Thông tư số 301/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về lệ phí trước bạ quy định mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ (%) như sau:

4. Xe máy mức thu là 2%. Riêng:

a) Xe máy của tổ chức, cá nhân ở các thành phố trực thuộc Trung ương; thành phố thuộc tỉnh; thị xã nơi Ủy ban nhân dân tỉnh đóng trụ sở nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức là 5%.

Thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh; thị xã nơi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đóng trụ sở được xác định theo địa giới hành chính nhà nước tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ, trong đó: Thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm tất cả các quận, huyện trực thuộc thành phố, không phân biệt các quận nội thành hay các huyện ngoại thành, đô thị hay nông thôn; Thành phố thuộc tỉnh và thị xã nơi Ủy ban nhân dân tỉnh đóng trụ sở bao gồm tất cả các phường, xã thuộc thành phố, thị xã, không phân biệt là nội thành, nội thị hay xã ngoại thành, ngoại thị.

b) Đối với xe máy nộp lệ phí trước bạ lần thứ 02 trở đi (là xe máy đã được chủ tài sản kê khai nộp lệ phí trước bạ tại Việt Nam thì lần kê khai nộp lệ phí trước bạ tiếp theo được xác định là lần thứ 02 trở đi) được áp dụng mức thu là 1%.

Trường hợp chủ tài sản đã kê khai, nộp lệ phí trước bạ đối với xe máy là 2%, sau đó chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn quy định tại điểm a khoản này thì nộp lệ phí trước bạ theo mức là 5%. Trường hợp xe đã nộp lệ phí trước bạ theo mức thu 5% thì các lần chuyển nhượng tiếp theo nộp lệ phí trước bạ với mức thu 1%.

Đối với xe máy kê khai nộp lệ phí trước bạ từ lần thứ 2 trở đi, chủ tài sản kê khai lệ phí trước bạ phải xuất trình cho cơ quan Thuế giấy đăng ký mô tô, xe máy hoặc hồ sơ đăng ký xe do Công an cấp đăng ký trả. Địa bàn đã kê khai nộp lệ phí lần trước được xác định theo “Nơi thường trú”, “Nơi Đăng ký nhân khẩu thường trú” hoặc “Địa chỉ” ghi trong giấy đăng ký mô tô, xe máy hoặc giấy khai đăng ký xe, giấy khai sang tên, di chuyển trong hồ sơ đăng ký xe và được xác định theo địa giới hành chính nhà nước tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ.

Ví dụ về việc xác định tỷ lệ nộp lệ phí trước bạ của các trường hợp kê khai nộp lệ phí trước bạ từ lần thứ 2 trở đi (trong đó địa bàn A là địa bàn trong nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh và thị xã nơi Ủy ban nhân dân tỉnh đóng trụ sở; địa bàn B là các địa bàn khác) như sau:

+ Trường hợp 1: Xe máy đã được kê khai nộp lệ phí trước bạ tại địa bàn A, lần tiếp theo kê khai nộp lệ phí trước bạ tại địa bàn A nộp lệ phí trước bạ theo tỷ lệ 1%.

+ Trường hợp 2: Xe máy đã được kê khai nộp lệ phí trước bạ tại địa bàn A, lần tiếp theo kê khai nộp lệ phí trước bạ tại địa bàn B nộp lệ phí trước bạ theo tỷ lệ 1%.

+ Trường hợp 3: Xe máy đã được kê khai nộp lệ phí trước bạ tại địa bàn B, lần tiếp theo kê khai nộp lệ phí trước bạ tại địa bàn A nộp lệ phí trước bạ theo tỷ lệ 5%.

+ Trường hợp 4: Xe máy đã được kê khai nộp lệ phí trước bạ tại địa bàn B, lần tiếp theo kê khai nộp lệ phí trước bạ tại địa bàn B nộp lệ phí trước bạ theo tỷ lệ 1%.

+ Trường hợp 5: Xe máy kê khai nộp lệ phí trước bạ lần đầu tại địa bàn B, sau đó đã được kê khai nộp lệ phí trước bạ tại địa bàn B, lần tiếp theo kê khai nộp lệ phí trước bạ tại địa bàn A nộp lệ phí trước bạ theo tỷ lệ 5%.

+ Trường hợp 6: Xe máy kê khai nộp lệ phí trước bạ lần đầu tại địa bàn A hoặc địa bàn B, sau đó đã được kê khai nộp lệ phí trước bạ tại địa bàn A, lần tiếp theo kê khai nộp lệ phí trước bạ tại địa bàn A nộp lệ phí trước bạ theo tỷ lệ 1%.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, thì lệ phí trước bạ đóng lần đầu đối với xe máy tại thành phố Huế là 5%.

Tình huống 6. Hợp tác xã nông nghiệp Thuận Phong được nhà nước cho thuê 30 hét ta đất trong vòng 50 năm để nuôi tôm sú. Vậy, hợp tác xã nông nghiệp Thuận Phong có được miễn lệ phí trước bạ khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 30 hét ta đất để nuôi tôm sú không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 4 Điều 9 Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ và khoản 4 Điều 5 Thông tư số 301/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về lệ phí trước bạ quy định: “Đất được Nhà nước giao, cho thuê hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối” thuộc một trong những  trường hợp được miễn lệ phí trước bạ.

Như vậy, đối chiếu với quy định nêu trên thì hợp tác xã nông nghiệp Thuận Phong được miễn lệ phí trước bạ khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 30 hét ta đất để nuôi tôm sú.

 Tình huống 7. Doanh nghiệp Minh Trang ký hợp đồng đặt mua 05 thuyền rồng để kinh doanh dịch vụ du lịch trên Sông Hương, doanh nghiệp muốn biết hồ sơ khai lệ phí trước bạ đối với 5 thuyền rồng này bao gồm những giấy tờ gì?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ (Nghị định số 140/2016/NĐ-CP) được sửa đổi bởi điểm b khoản 4 Điều 1 Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/02/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP  quy định hồ sơ khai lệ phí trước bạ như sau:

a) Đối với tài sản là nhà, đất:

- Bản chính Tờ khai lệ phí trước bạ theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định số 140/2016/NĐ-CP.

- Bản sao hợp lệ các giấy tờ chứng minh tài sản (hoặc chủ tài sản) thuộc diện miễn lệ phí trước bạ (nếu có), trừ trường hợp nộp bản chính theo quy định tại khoản 7 Điều 10 Nghị định số140/2016/NĐ-CP.

- Bản sao hợp lệ giấy tờ chứng minh nhà, đất có nguồn gốc hợp pháp theo quy định của pháp luật.

- Bản sao hợp lệ giấy tờ hợp pháp theo quy định của pháp luật về việc chuyển giao tài sản ký kết giữa bên giao tài sản và bên nhận tài sản.

b) Đối với tài sản khác (trừ tàu thuyền đánh cá, tàu thuyền vận tải thủy nội địa, tàu biển thiếu hồ sơ gốc hoặc đóng mới tại Việt Nam):

- Bản chính Tờ khai lệ phí trước bạ theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định số140/2016/NĐ-CP.

- Bản sao hợp lệ các giấy tờ về mua bán, chuyển giao tài sản hợp pháp.

- Bản sao hợp lệ giấy đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của chủ cũ (đối với tài sản đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tại Việt Nam từ lần thứ 2 trở đi).

- Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do cơ quan đăng kiểm Việt Nam cấp (đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, các loại xe tương tự).

- Bản sao hợp lệ các giấy tờ chứng minh tài sản hoặc chủ tài sản thuộc diện miễn lệ phí trước bạ (nếu có), trừ trường hợp nộp bản chính theo quy định tại khoản 7 Điều 10 Nghị định số140/2016/NĐ-CP.

c) Đối với tài sản là tàu thuyền đánh cá, tàu thuyền vận tải thủy nội địa, tàu biển nếu thiếu hồ sơ gốc hoặc đóng mới tại Việt Nam:

- Bản chính Tờ khai lệ phí trước bạ theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định số140/2016/NĐ-CP.

- Bản sao hợp lệ phiếu báo hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc tàu thủy, thuyền thuộc đối tượng được đăng ký sở hữu.

Bản sao hợp lệ các giấy tờ trong hồ sơ khai lệ phí trước bạ quy định tại điểm a, b và c khoản này là bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc bản sao đã được đối chiếu với bản chính. Trường hợp tổ chức, cá nhân nộp bản sao bằng hình thức trực tiếp thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu.

d) Đối với hồ sơ khai lệ phí trước bạ điện tử:

Tờ khai lệ phí trước bạ theo Mẫu số 01 đối với tài sản là nhà đất và Mẫu số 02 đối với tài sản khác ban hành kèm theo Nghị định này và các giấy tờ hợp pháp kèm theo Tờ khai lệ phí trước bạ thực hiện theo quy định của các cơ quan cấp đăng ký khi làm thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản được gửi đến Cơ quan Thuế đáp ứng theo quy định về giao dịch điện tử.

Đối với trường hợp không nộp lệ phí trước bạ theo thời hạn quy định, thời hạn có giá trị của Tờ khai lệ phí trước bạ (Mẫu số 02) là 30 ngày kể từ ngày nộp Tờ khai lệ phí trước bạ. Sau thời hạn này, Tờ khai lệ phí trước bạ không còn giá trị và bị hủy.”

Như vậy, hồ sơ khai lệ phí trước bạ đối với 5 thuyền rồng bao gồm các loại giấy tờ nêu trên.

Tình huống 8. Công ty cổ phần xây dựng công trình Hà Nam ký hợp đồng thi công công trình cho doanh nghiệp tư nhân Minh Đạt, theo hợp đồng sau khi hoàn thành công trình trong vòng 10 ngày, doanh nghiệp tư nhân Minh Đạt phải thanh toán toàn bộ tiền thi công công trình là 4 tỷ đồng, tuy nhiên, đã quá thời hạn 30 ngày nhưng doanh nghiệp tư nhân Minh Đạt không thanh toán, công ty cổ phần xây dựng công trình Hà Nam dự kiến sẽ khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu doanh nghiệp tư nhân Minh Đạt thanh toán toàn bộ số tiền thi công công trình theo hợp đồng đã ký kết. Công ty cổ phần xây dựng công trình Hà Nam muốn biết án phí phải nộp đối với vụ án tranh chấp về kinh doanh thương mại trị giá 4 tỷ đồng là bao nhiêu?

 Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Căn cứ vào danh mục án phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án thì mức án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án kinh doanh thương mại có giá ngạch từ 2 tỷ đồng đến 4 tỷ đồng là 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng.

Như vậy, án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án kinh doanh thương mại có giá ngạch 4 tỷ đồng là 112.000.000 đồng.

Tình huống 9. Doanh nghiệp Hồng Thư khởi kiện doanh nghiệp Minh Trung về việc doanh nghiệp Minh Trung vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết giữa doanh nghiệp Hồng Thư và doanh nghiệp Minh Trung. Tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử tuyên buộc doanh nghiệp Minh Trung phải thực hiện theo đúng nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng, tuy nhiên, Viện kiểm sát đã có kháng nghị bản án sơ thẩm. Vậy, khi tòa án thụ lý vụ án để xét xử theo thủ tục phúc thẩm thì mức án phí là bao nhiêu?  

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 11 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án quy định không phải nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án; không phải chịu án phí, lệ phí Tòa án như sau:

1. Những trường hợp sau đây không phải nộp tiền tạm ứng án phí, không phải chịu án phí:

a) Người khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân;

b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án dân sự hoặc kháng cáo bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật tố tụng dân sự, trừ trường hợp doanh nghiệp nhà nước khởi kiện liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;

c) Ngân hàng chính sách xã hội khởi kiện vụ án hoặc kháng cáo bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án để thu hồi nợ vay trong trường hợp Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;

d) Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm;

đ) Người bào chữa của bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất;

e) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất;

f) Các trường hợp khác không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí mà pháp luật có quy định.

2. Những trường hợp sau đây không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án, không phải chịu lệ phí Tòa án:

a) Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định tại khoản 2 Điều 5, điểm a khoản 1 Điều 105 của Luật phá sản;

b) Ban chấp hành công đoàn cơ sở yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công;

c) Đại diện tập thể người lao động yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công;

d) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật; thay đổi người trực tiếp nuôi con; hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên; buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó theo quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 5 Điều 84, khoản 2 Điều 86, khoản 2 Điều 119 của Luật hôn nhân và gia đình; cơ quan nhà nước yêu cầu Tòa án cung cấp bản sao, trích lục bản án;

đ) Viện kiểm sát kháng nghị quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm;

e) Các trường hợp khác không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án mà pháp luật có quy định.

3. Người tiêu dùng khởi kiện vụ án dân sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình không phải nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án theo quy định tại khoản 2 Điều 43 của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

4. Chấp hành viên yêu cầu Tòa án giải quyết các việc quy định tại khoản 1 Điều 74; khoản 1 và khoản 2 Điều 75 của Luật thi hành án dân sự thì không phải nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án; không phải chịu án phí, lệ phí Tòa án.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm thì không phải nộp tiền tạm ứng án phí, không phải chịu án phí.

Tình huống 10. Doanh nghiệp tư nhân Thiên Sứ nợ doanh nghiệp tư nhân Mạnh Hùng 10 tỷ đồng mua vật liệu xây dựng, doanh nghiệp tư nhân Mạnh Hùng dự kiến sẽ khởi kiện ra tòa án, doanh nghiệp tư nhân Mạnh Hùng muốn biết thời hạn nộp tiền án phí, lệ phí Tòa án là bao lâu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 17 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án quy định thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án như sau:

1. Thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí dân sự:

a) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm, nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí, trừ trường hợp có lý do chính đáng;

b) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án cấp sơ thẩm về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm biên lai nộp tiền tạm ứng án phí, trừ trường hợp có lý do chính đáng.

2. Thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí hành chính:

a) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm, người khởi kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án hành chính phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí, trừ trường hợp có lý do chính đáng;

b) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án cấp sơ thẩm về việc nộp tiền tạm ứng án phí hành chính phúc thẩm, tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm trong vụ án hành chính, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm biên lai nộp tiền tạm ứng án phí, trừ trường hợp có lý do chính đáng.

3. Thời hạn nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án:

a) Tạm ứng lệ phí giải quyết việc dân sự: Người phải nộp tiền tạm ứng lệ phí có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng lệ phí sơ thẩm, phúc thẩm và nộp cho Tòa án biên lai nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng lệ phí, trừ trường hợp có lý do chính đáng;

b) Tạm ứng lệ phí Tòa án khác: Người kháng cáo quyết định của Tòa án quy định tại khoản 5 Điều 38, khoản 4 Điều 39 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 phải nộp tiền tạm ứng lệ phí kháng cáo trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng lệ phí kháng cáo, trừ trường hợp có lý do chính đáng.

4. Trường hợp có lý do chính đáng theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14  là những trường hợp có trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động hoặc những sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép làm cho người có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án không thể thực hiện được việc nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án trong thời hạn quy định.

5. Thời hạn nộp tiền án phí, lệ phí Tòa án:

a) Người có nghĩa vụ nộp tiền án phí, lệ phí Tòa án phải nộp tiền án phí, lệ phí Tòa án khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;

b) Người yêu cầu Tòa án giải quyết các việc quy định tại các điều từ Điều 38 đến Điều 45 của Nghị quyết Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 phải nộp tiền lệ phí cho cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 10 của Nghị quyết này trong thời hạn do pháp luật quy định.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên thì thời hạn nộp tiền án phí, lệ phí Tòa án khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Tình huống 11. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hoa Cúc khởi kiện công ty cổ phần Đại Trí Lợi thực hiện trả nợ khoản tiền 5 tỷ đồng theo hợp đồng gia công hàng hóa, Tòa án đã thụ lý đơn khởi kiện, tuy nhiên, do công ty cổ phần Đại Trí Lợi có thỏa thuận sẽ trả nợ nếu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hoa Cúc rút đơn khởi kiện. Vậy, khi công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hoa Cúc rút đơn khởi kiện thì tiền tạm ứng án phí mà công ty đã nộp được xử lý như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 18 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án quy định xử lý tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án như sau:

1. Trường hợp giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính bị tạm đình chỉ thì số tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án đã nộp được xử lý khi vụ việc được tiếp tục giải quyết.

2. Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 217 của Bộ luật tố tụng dân sự hoặc vì lý do nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217, khoản 2 Điều 312 của Bộ luật tố tụng dân sự hoặc điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 143, khoản 5 Điều 241 của Luật tố tụng hành chính thì số tiền tạm ứng án phí đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước.

Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu trong vụ án dân sự vì lý do bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì số tiền tạm ứng án phí đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước.

3. Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật tố tụng dân sự và trường hợp khác quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 1 Điều 217 của Bộ luật tố tụng dân sự, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 472 của Bộ luật tố tụng dân sự hoặc đình chỉ giải quyết vụ án hành chính theo quy định tại điểm b, c, e, d, g và h khoản 1 Điều 143 của Luật tố tụng hành chính thì tiền tạm ứng án phí được trả lại cho người đã nộp.

Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu trong vụ án dân sự vì lý do bị đơn có yêu cầu phản tố rút yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập rút yêu cầu thì tiền tạm ứng án phí được trả lại cho người đã nộp.

Trường hợp Tòa án xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án dân sự sơ thẩm, phúc thẩm để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm, sau khi Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án, nếu Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do đương sự rút đơn khởi kiện, rút yêu cầu thì tiền tạm ứng án phí, án phí được trả lại cho người đã nộp.

4. Trường hợp Tòa án xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm do xác định sai tư cách tố tụng của đương sự, thì Tòa án cấp sơ thẩm khi thụ lý phải ra quyết định trả lại tiền tạm ứng án phí, án phí cho đương sự đã nộp nhưng đã được xác định lại không thuộc đối tượng phải nộp; đồng thời xác định lại đương sự phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí.

5. Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 366, Điều 382, khoản 3 Điều 388, khoản 3 Điều 392 của Bộ luật tố tụng dân sự thì tiền tạm ứng lệ phí Tòa án đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước.

6. Trường hợp Tòa án xét xử giám đốc thẩm hủy bản án, quyết định phúc thẩm, giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa thì phải xem xét, quyết định về án phí, lệ phí Tòa án.

Trường hợp Tòa án xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án, quyết định của Tòa án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án thì phải xem xét, quyết định về án phí, lệ phí Tòa án.

7. Trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm có hiệu lực pháp luật bị Tòa án xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm mà tiền tạm ứng án phí, án phí đã được trả lại cho người khởi kiện, người kháng cáo thì khi Tòa án cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm thụ lý lại vụ án phải yêu cầu người khởi kiện, người kháng cáo nộp lại tiền tạm ứng án phí.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do công ty rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì tiền tạm ứng án phí được trả lại cho công ty.

Tình huống 12. Doanh nghiệp Hồng Phong bị doanh nghiệp Đại Lợi  khởi kiện buộc bồi thường toàn bộ thiệt hại do doanh nghiệp Hồng Phong bàn giao công trình chậm 5 tháng so với tiến độ công trình đã ký kết theo hợp đồng. Nếu doanh nghiệp Hồng Phong bị Tòa án tuyên bố bồi thường toàn bộ thiệt hại cho doanh nghiệp Đại Lợi thì doanh nghiệp Hồng Phong phải chịu án phí như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án quy định nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm như sau:

1. Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm.

2. Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận.

3. Nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn không được Tòa án chấp nhận.

4. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận.

5. Bị đơn có yêu cầu phản tố phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần yêu cầu phản tố không được Tòa án chấp nhận. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu phản tố của bị đơn được Tòa án chấp nhận.

6. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận. Người có nghĩa vụ đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu độc lập được Tòa án chấp nhận.

7. Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch.

8. Trường hợp các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp xét xử vụ án đó. Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 3 Điều 320 của Bộ luật tố tụng dân sự thì các đương sự phải chịu 50% án phí giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn.

9. Trong vụ án có người không phải chịu án phí hoặc được miễn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm thì những người khác vẫn phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Điều này.

10. Trường hợp vụ án bị tạm đình chỉ giải quyết thì nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm được quyết định khi vụ án được tiếp tục giải quyết theo quy định tại Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.

11. Nguyên đơn trong vụ án dân sự do cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích của người khác không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, trường hợp doanh nghiệp Hồng Phong bị Tòa án tuyên bố bồi thường toàn bộ thiệt hại cho doanh nghiệp Đại Lợi (hay nói cách khác là toàn bộ yêu cầu khởi kiện của doanh nghiệp Đại Lợi  được Tòa án chấp nhận) thì doanh nghiệp Hồng Phong phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm.

Tình huống 13. Tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử tuyên buộc doanh nghiệp A phải trả cho doanh nghiệp B số tiền 50 tỷ đồng và doanh nghiệp A phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm. Sau phiên tòa sơ thẩm doanh nghiệp A dự định sẽ kháng cáo bản án, doanh nghiệp A muốn biết trường hợp doanh nghiệp A rút đơn kháng cáo trước khi mở phiên tòa phúc thẩm hoặc tại phiên tòa phúc thẩm mới rút đơn kháng cáo thì mức án phí mà doanh nghiệp A phải chịu có giống nhau không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án quy định nghĩa vụ chịu án phí dân sự phúc thẩm như sau:

1. Đương sự kháng cáo phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí phúc thẩm.

2. Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo thì đương sự kháng cáo liên quan đến phần bản án, quyết định phải sửa không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm; Tòa án cấp phúc thẩm phải xác định lại nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 26, Điều 27 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.

3. Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo để xét xử sơ thẩm lại thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm; nghĩa vụ chịu án phí được xác định lại khi giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

4. Đương sự rút kháng cáo trước khi mở phiên tòa phúc thẩm phải chịu 50% mức án phí dân sự phúc thẩm. Đương sự rút kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm phải chịu toàn bộ án phí dân sự phúc thẩm.

5. Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa phúc thẩm thì đương sự kháng cáo phải chịu toàn bộ án phí dân sự phúc thẩm, về án phí dân sự sơ thẩm, nếu các đương sự tự thỏa thuận được với nhau thì các đương sự chịu án phí dân sự sơ thẩm theo thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án xác định lại án phí dân sự sơ thẩm theo nội dung thỏa thuận về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa phúc thẩm.

6. Trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa phúc thẩm hoặc tại phiên tòa phúc thẩm và được bị đơn đồng ý thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu 50% mức án phí dân sự phúc thẩm.

7. Trong vụ án có người không phải chịu án phí hoặc được miễn nộp án phí dân sự phúc thẩm thì những người khác vẫn phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại các khoản 1, 4, 5 và 6 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, trường hợp doanh nghiệp A rút kháng cáo trước khi mở phiên tòa phúc thẩm phải chịu 50% mức án phí dân sự phúc thẩm, trường hợp doanh nghiệp A rút kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm phải chịu toàn bộ án phí dân sự phúc thẩm.

Tình huống 14. Doanh nghiệp tư nhân Quốc Cường vừa mới thành lập và đi vào hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu hàng hóa, doanh nghiệp muốn biết quy định của pháp luật về hồ sơ, thủ tục giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 5 Thông tư số 06/2021/TT-BTC ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Bộ Tài chính  hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019 về quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (Thông tư 06/2021/TT-BTC) quy định hồ sơ, thủ tục về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế như sau:

1. Hồ sơ, thủ tục về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế thực hiện theo quy định tại khoản 5, khoản 7, khoản 8, khoản 9, khoản 10, khoản 11, khoản 14, khoản 15, khoản 16, khoản 17, khoản 18, khoản 19, khoản 20, khoản 21, khoản 22 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC.

2. Hồ sơ về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế thực hiện theo quy định tại Điều 14 Thông tư 06/2021/TT-BTC. Thủ tục miễn thuế thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Thủ tục thông báo Danh mục hàng hóa miễn thuế đối với các trường hợp phải thông báo Danh mục hàng hóa miễn thuế thực hiện theo quy định tại khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 30 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.

Thủ tục miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng trong trường hợp người nộp thuế đề nghị miễn thuế trước khi làm thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 20 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, trường hợp thông báo miễn thuế của Tổng cục Hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (sau đây gọi tắt là Hệ thống), cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu căn cứ thông báo miễn thuế của Tổng cục Hải quan trên Hệ thống để thực hiện thủ tục miễn thuế.

Thủ tục miễn thuế đối với hàng an ninh, quốc phòng trong trường hợp người nộp thuế đề nghị miễn thuế sau khi làm thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 20 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.

3. Hồ sơ về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng giảm thuế thực hiện theo quy định tại Điều 15 Thông tư 06/2021/TT-BTC. Thủ tục giảm thuế thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.

4. Hồ sơ, thủ tục về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng hoàn thuế thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 06/2021/TT-BTC.

5. Hồ sơ, thủ tục về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không thu thuế thực hiện theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 06/2021/TT-BTC.

Trên đây là quy định hồ sơ, thủ tục về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, doanh nghiệp Quốc Cường tham khảo.

Tình huống 15. Doanh nghiệp M nhập khẩu từ Nhật Bản về Việt Nam một số mặt hàng thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế, tuy nhiên, theo thông báo của nhân viên Hải quan thì các mặt hàng này phải phân tích, giám định để xác định chính xác số tiền thuế phải nộp. Doanh nghiệp M muốn biết thời hạn nộp thuế trong trường hợp này được quy định như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 7 Thông tư số 06/2021/TT-BTC quy định về thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như sau:

1. Thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa phải phân tích, giám định để xác định chính xác số tiền thuế phải nộp được thực hiện như sau:

a) Người nộp thuế phải tạm nộp thuế theo mã số khai báo trước khi giải phóng hàng. Thời hạn nộp thuế thực hiện theo quy định tại Điều 9 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ngày 06 tháng 4 năm 2016 (sau đây gọi tắt là Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu).

b) Trường hợp kết quả phân tích, giám định hàng hóa khác so với nội dung khai của người nộp thuế dẫn đến tăng số tiền thuế phải nộp, thời hạn nộp số tiền thuế thiếu là 05 ngày làm việc kể từ ngày người nộp thuế nhận được yêu cầu khai bổ sung của cơ quan hải quan.

Trường hợp kết quả phân tích, giám định hàng hóa khác so với nội dung khai của người nộp thuế dẫn đến giảm số tiền thuế phải nộp, cơ quan hải quan thông báo cho người nộp thuế thực hiện khai bổ sung theo quy định của pháp luật về hải quan và xử lý số tiền thuế nộp thừa theo quy định tại Điều 10 Thông tư 06/2021/TT-BTC .

2. Thời hạn nộp thuế đối với trường hợp chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan thực hiện như sau:

a) Người nộp thuế phải tạm nộp thuế theo giá khai báo trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng. Thời hạn nộp thuế thực hiện theo quy định của Điều 9 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

b) Trường hợp có giá chính thức người nộp thuế phải khai bổ sung, nộp số tiền thuế chênh lệch tăng thêm trong thời hạn là 05 ngày làm việc kể từ thời điểm có giá chính thức.

Trường hợp có giá chính thức dẫn đến giảm số tiền thuế phải nộp, cơ quan hải quan xử lý số tiền thuế nộp thừa theo quy định tại Điều 10 Thông tư này.

Giá chính thức thực hiện theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

3. Thời hạn nộp tiền thuế đối với trường hợp hàng hóa có khoản thực thanh toán, hàng hóa có các khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hải quan chưa xác định được tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan thực hiện như sau:

a) Người nộp thuế phải tạm nộp thuế theo giá khai báo trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng. Thời hạn nộp thuế thực hiện theo quy định của Điều 9 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

b) Trường hợp có các khoản thực thanh toán, các khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hải quan, thời hạn nộp thuế là 05 ngày làm việc kể từ thời điểm người nhập khẩu xác định được các khoản này.

Các khoản thực thanh toán, các khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hải quan thực hiện theo quy định tại Thông tư số 39/2015/TT-BTC và Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Như vậy, thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa phải phân tích, giám định để xác định chính xác số tiền thuế phải nộp được thực hiện theo quy định tại điểm a, b khoản 1 nêu trên.

Tình huống 16. Doanh nghiệp HMI nhập khẩu hàng hóa từ Thái Lan về Việt Nam được gia hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp đề nghị tư vấn hồ sơ gia hạn nộp thuế bao gồm những giấy tờ gì?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 11 Thông tư số 06/2021/TT-BTC quy định về hồ sơ gia hạn nộp thuế như sau:

Hồ sơ gia hạn nộp thuế thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Luật Quản lý thuế, bao gồm:

1. Công văn đề nghị gia hạn nộp tiền thuế theo Mẫu số 02/TXNK Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 06/2021/TT-BTC: 01 bản chính;

2. Tài liệu gửi kèm công văn đề nghị gia hạn nộp tiền thuế đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 62 Luật Quản lý thuế:

a) Văn bản, biên bản xác nhận nguyên nhân thiệt hại của cơ quan chức năng tại địa bàn nơi phát sinh thiệt hại:

a.1) Văn bản xác nhận của một trong các cơ quan, tổ chức sau: Cơ quan Công an xã, phường, thị trấn; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế, Ban quản lý cửa khẩu, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ hàng hải nơi xảy ra sự kiện bất khả kháng về việc thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ gây thiệt hại vật chất, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh: 01 bản chính;

a.2) Biên bản xác nhận vụ cháy của cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy của địa phương nơi xảy ra vụ cháy: 01 bản chính.

b) Trường hợp gặp khó khăn bất khả kháng do chiến tranh, bạo loạn, đình công phải ngừng, nghỉ sản xuất, kinh doanh hoặc rủi ro không thuộc nguyên nhân, trách nhiệm chủ quan của người nộp thuế quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, người nộp thuế nộp các chứng từ, tài liệu chứng minh nguyên nhân gặp khó khăn bất khả kháng dẫn đến không có khả năng nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đúng hạn: 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của cơ quan đề nghị gia hạn nộp thuế;

c) Hợp đồng bảo hiểm, thông báo trả tiền bồi thường của tổ chức nhận bảo hiểm (nếu có), trường hợp hợp đồng bảo hiểm không bao gồm nội dung bồi thường về thuế phải có xác nhận của tổ chức bảo hiểm; hợp đồng hoặc biên bản thỏa thuận đền bù của hãng vận tải đối với trường hợp tổn thất do hãng vận tải gây ra (nếu có); 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của cơ quan đề nghị gia hạn nộp thuế.

3. Tài liệu gửi kèm công văn đề nghị gia hạn nộp tiền thuế đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 62 Luật Quản lý thuế:

a) Quyết định thu hồi địa điểm sản xuất, kinh doanh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với địa điểm sản xuất cũ của doanh nghiệp (trừ trường hợp di dời địa điểm sản xuất kinh doanh theo mục đích yêu cầu của doanh nghiệp): 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của cơ quan đề nghị gia hạn nộp thuế;

b)  Văn bản xác nhận của chính quyền địa phương về việc doanh nghiệp phải ngừng sản xuất kinh doanh do di chuyển địa điểm: 01 bản chính;

c) Tài liệu chứng minh mức độ thiệt hại trực tiếp do phải di chuyển địa điểm kinh doanh. Giá trị thiệt hại được xác định trên giá trị còn lại của hàng hóa bị thiệt hại. Giá trị còn lại của hàng hóa bị thiệt hại được xác định căn cứ vào hồ sơ, chứng từ và các quy định của pháp luật có liên quan trực tiếp để xác định: Nhà xưởng, kho, máy móc, trang thiết bị bị phá dỡ không thu hồi được vốn (nguyên giá sau khi trừ chi phí đã khấu hao), chi phí tháo dỡ trang thiết bị, nhà xưởng ở cơ sở cũ, chi phí vận chuyển lắp đặt ở cơ sở mới (sau khi trừ đi chi phí thu hồi), chi phí trả lương cho người lao động do ngừng làm việc (nếu có). Trường hợp phức tạp liên quan đến chuyên ngành kinh tế kỹ thuật phải có văn bản xác nhận của cơ quan chuyên môn: 01 bản chính.

Trên đây là hồ sơ gia hạn nộp thuế, đề nghị doanh nghiệp HMI tham khảo.

Tình huống 17. Doanh nghiệp Kim Ngân chuyên xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam ra các nước Đông Nam Á và ngược lại, doanh nghiệp muốn tư vấn về trình tự, thủ tục hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 12 Thông tư số 06/2021/TT-BTC quy định về trình tự, thủ tục hoàn thuế như sau:

1) Trường hợp hoàn thuế trước:

Cơ quan hải quan nơi phát sinh số tiền hoàn thuế thực hiện kiểm tra tại trụ sở cơ quan hải quan theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Quản lý thuế, kiểm tra các thông tin trong hồ sơ đề nghị hoàn thuế với thông tin trên Hệ thống để xác định điều kiện hoàn thuế, số tiền thuế phải hoàn.

a) Trường hợp đủ điều kiện hoàn thuế thì ban hành Quyết định hoàn thuế theo quy định tại điểm c dưới đây.

b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ các thông tin để ban hành Quyết định hoàn thuế, cơ quan hải quan thông báo cho người nộp thuế về việc bổ sung các thông tin cần thiết thông qua Hệ thống theo Mẫu số 4 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, trường hợp hồ sơ giấy thì thông báo theo Mẫu số 05/TXNK Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 06/2021/TT-BTC ;

c) Trường hợp không đủ điều kiện hoàn thuế, cơ quan hải quan thông báo lý do không hoàn thuế cho người nộp thuế thông qua Hệ thống theo Mẫu số 5 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, trường hợp hồ sơ giấy thì thông báo theo Mẫu số 06/TXNK Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 06/2021/TT-BTC;

d) Chuyển hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước sang hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế

Hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước nhưng hết thời hạn theo thông báo bằng văn bản của cơ quan hải quan mà người nộp thuế không giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế hoặc có giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế nhưng không chứng minh được số tiền thuế đã khai là đúng, cơ quan hải quan thông báo qua Hệ thống theo Mẫu số 4 Phụ lục II hoặc bản giấy theo Mẫu số 05/TXNK Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này cho người nộp thuế về việc chuyển hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước sang diện kiểm tra trước tại trụ sở người nộp thuế theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 73 Luật Quản lý thuế. Trình tự thực hiện kiểm tra thực hiện theo quy định tại khoản 2 dưới đây.

2. Trường hợp kiểm tra trước hoàn thuế:

a) Trình tự kiểm tra

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ký thông báo cho người nộp thuế về việc chấp nhận hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị hoàn thuế phải ban hành Quyết định kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế theo Mẫu số 07/TXNK Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 06/2021/TT-BTC và gửi cho người nộp thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ký.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ký Quyết định kiểm tra, cơ quan hải quan phải tiến hành kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế. Thời gian kiểm tra không quá 05 ngày làm việc. Trước khi tiến hành kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra phải công bố Quyết định kiểm tra, lập Biên bản công bố Quyết định kiểm tra theo Mẫu số 08/TXNK Phụ lục I ban hành kèm Thông tư số 06/2021/TT-BTC với đại diện có thẩm quyền của người nộp thuế.

- Trường hợp hồ sơ hoàn thuế phức tạp không thể kết thúc kiểm tra trong thời hạn 05 ngày làm việc, đoàn kiểm tra cần gia hạn thời gian để xác minh, thu thập tài liệu, chậm nhất là trước 01 ngày làm việc trước khi kết thúc thời hạn kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra phải báo cáo bằng văn bản với người đã ký Quyết định kiểm tra để ban hành Quyết định gia hạn thời hạn kiểm tra theo Mẫu số 09/TXNK Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 06/2021/TT-BTC, thời hạn gia hạn kiểm tra không quá 05 ngày làm việc. Trưởng đoàn kiểm tra thực hiện công bố Quyết định gia hạn thời hạn kiểm tra, lập Biên bản công bố Quyết định gia hạn thời hạn kiểm tra.

b) Nội dung kiểm tra

- Kiểm tra hồ sơ hải quan, hồ sơ hoàn thuế, chứng từ, sổ sách kế toán, chứng từ thanh toán, phiếu xuất kho, nhập kho; đối chiếu số tiền thuế đề nghị hoàn với số tiền thuế đã thu trên Hệ thống kế toán tập trung của cơ quan hải quan, thông tin trong hồ sơ hoàn thuế với các thông tin trên Hệ thống liên quan đến tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu có số tiền thuế người nộp thuế đề nghị hoàn.

- Trường hợp hoàn thuế theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP thì cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra nội dung kê khai của người nộp thuế về tỷ lệ khấu hao, cách tính tỷ lệ khấu hao.

- Trường hợp hoàn thuế theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra sự phù hợp giữa định mức người nộp thuế phản ánh trong báo cáo tính thuế nguyên liệu, vật tư đề nghị hoàn thuế nhập khẩu Mẫu số 10 Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định số 134/2016/NĐ-CP với định mức thực tế sản xuất, sổ sách, chứng từ kế toán, tài liệu kỹ thuật trong quá trình sản xuất có liên quan đến nguyên liệu, vật tư nhập khẩu đề nghị hoàn thuế.

Trường hợp kiểm tra lần đầu hoặc chưa có kết luận kiểm tra cơ sở sản xuất, cơ quan hải quan phải kiểm tra cơ sở sản xuất, quyền sử dụng đối với máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất.

- Kiểm tra các chứng từ, tài liệu, dữ liệu khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC.

- Kết thúc việc kiểm tra, cơ quan hải quan phải xác định số tiền thuế được hoàn theo từng loại thuế, số tiền thuế không đủ điều kiện hoàn, lý do không đủ điều kiện hoàn.

Trường hợp hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng hoàn thuế theo Điều 36 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, người nộp thuế đã nộp thuế nhập khẩu theo tờ khai hải quan đồng thời đã nộp thuế nhập khẩu theo Quyết định ấn định thuế của cơ quan hải quan, cơ quan hải quan phải xác định số tiền thuế nhập khẩu được hoàn theo tờ khai hải quan và số tiền thuế nhập khẩu được hoàn theo Quyết định ấn định thuế.

- Lập biên bản kiểm tra theo Mẫu số 10/TXNK Phụ lục I ban hành kèm Thông tư số 06/2021/TT-BTC này trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế.

- Lập dự thảo kết luận kiểm tra và gửi cho người nộp thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản kiểm tra theo Mẫu số 11/TXNK Phụ lục I ban hành kèm Thông tư số 06/2021/TT-BTC hoặc gửi bằng fax hoặc thư bảo đảm hoặc giao trực tiếp cho người nộp thuế.

Trường hợp người nộp thuế không thống nhất với dự thảo kết luận kiểm tra của cơ quan hải quan, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận kiểm tra, người nộp thuế phải giải trình với cơ quan hải quan thông qua Hệ thống hoặc giải trình bằng văn bản hoặc giải trình trực tiếp với cơ quan hải quan. Trường hợp người nộp thuế giải trình trực tiếp, cơ quan hải quan lập biên bản làm việc theo Mẫu số 12/TXNK Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 06/2021/TT-BTC.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày người nộp thuế hết thời hạn giải trình, thủ trưởng cơ quan hải quan đã ban hành Quyết định kiểm tra thực hiện ban hành kết luận kiểm tra.

Trường hợp không đủ điều kiện hoàn thuế, cơ quan hải quan thông báo qua Hệ thống theo Mẫu số 5 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 06/2021/TT-BTC hoặc thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế về việc không đủ điều kiện hoàn thuế theo Mẫu số 06/TXNK Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 06/2021/TT-BTC.

3. Ban hành Quyết định hoàn thuế

a) Chi cục trưởng Chi cục Hải quan ban hành Quyết định hoàn thuế theo Mẫu số 13/TXNK Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 06/2021/TT-BTC, gửi bản scan Quyết định hoàn thuế cho người nộp thuế, các cơ quan có liên quan (nếu có) thông qua Hệ thống, gửi bản chính Quyết định hoàn thuế cho người nộp thuế, các cơ quan có liên quan (nếu có). Thời hạn ban hành Quyết định hoàn thuế thực hiện theo quy định tại Điều 75 Luật Quản lý thuế.

b) Trường hợp hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng hoàn thuế theo Điều 36 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, người nộp thuế đã nộp thuế nhập khẩu theo tờ khai hải quan đồng thời đã nộp thuế nhập khẩu theo Quyết định ấn định thuế của cơ quan hải quan, số tiền thuế được hoàn của một tờ khai hải quan bao gồm số tiền thuế đã nộp theo tờ khai hải quan và số tiền thuế đã nộp theo Quyết định ấn định thuế, việc ban hành Quyết định hoàn thuế được thực hiện như sau:

- Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan ban hành Quyết định hoàn thuế đối với số tiền thuế người nộp thuế đã nộp theo tờ khai hải quan.

- Thủ trưởng cơ quan hải quan đã ban hành Quyết định ấn định thuế theo quy định tại khoản 7 Điều 17 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP thực hiện ban hành Quyết định hoàn thuế đối với số tiền thuế người nộp thuế đã nộp theo Quyết định ấn định thuế.

Trên đây là quy định về trình tự, thủ tục hoàn thuế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, doanh nghiệp tham khảo.

Tình huống 18. Doanh nghiệp Thiên Long nhập khẩu 02 lô hàng hóa từ  nước ngoài về Việt Nam, lô hàng hóa này thuộc trường hợp được miễn thuế nhập khẩu, doanh nghiệp Thiên Long hỏi: hồ sơ miễn thuế nhập khẩu bao gồm những giấy tờ gì?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 14 Thông tư số 06/2021/TT-BTC quy định về hồ sơ miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu (trừ hàng hóa nhập khẩu miễn thuế phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng) như sau:

1. Hồ sơ miễn thuế (trừ hàng hóa nhập khẩu miễn thuế phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng)

a) Hồ sơ miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong thông quan là hồ sơ hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.

b) Ngoài hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, hồ sơ miễn thuế được thực hiện theo quy định từ Điều 5 đến Điều 19, Điều 21 đến Điều 29, Điều 31 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.

c) Hồ sơ miễn thuế quy định tại điểm a, điểm b khoản này, một số trường hợp được quy định cụ thể như sau:

c.1) Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP:

c.1.1) Điều ước quốc tế: 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của cơ quan đề nghị miễn thuế;

c.1.2) Danh mục chủng loại, định lượng hàng hóa được miễn thuế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với trường hợp điều ước quốc tế không quy định cụ thể định lượng, chủng loại miễn thuế: 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của cơ quan đề nghị miễn thuế;

c.1.3) Hợp đồng ủy thác, hợp đồng cung cấp hàng hóa theo văn bản trúng thầu hoặc văn bản chỉ định thầu ghi rõ giá cung cấp hàng hóa không bao gồm thuế nhập khẩu đối với trường hợp nhập khẩu ủy thác, đấu thầu: 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của cơ quan đề nghị miễn thuế;

c.2) Đối với hàng hóa xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được miễn thuế theo quy định tại điểm b khoản 19 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, khoản 3 Điều 25 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, khoản 23 Điều 1 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường:

c.2.1) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của cơ sở xử lý chất thải, trong đó nêu rõ hàng hóa được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải: 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của cơ quan đề nghị miễn thuế;

c.2.2) Giấy phép xử lý chất thải nguy hại của Bộ Tài nguyên và Môi trường: 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của cơ quan đề nghị miễn thuế.

c.3) Đối với hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu được miễn thuế theo quy định tại điểm a khoản 11, điểm b khoản 15, điểm a khoản 16 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu:

Hợp đồng chế tạo máy móc, thiết bị hoặc chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng của máy móc, thiết bị: 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của cơ quan đề nghị miễn thuế.

c.4) Đối với hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới được miễn thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP: Người khai hải quan xuất trình bản chính Giấy chứng minh thư biên giới hoặc Giấy thông hành biên giới hoặc thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh khác được cấp theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ miễn thuế nhập khẩu hàng hóa bao gồm những giấy tờ nêu trên, đề nghị doanh nghiệp tham khảo.

Tình huống 19. Do sự cố kỹ thuật của hệ thống công nghệ thông tin nên kế toán của doanh nghiệp H không thực hiện thủ tục thuế đúng hạn theo quy định (chậm 2 ngày). Với hành vi này doanh nghiệp H có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 9 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn (Nghị định số 125/2020/NĐ-CP) quy định những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn như sau:

1. Không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đối với các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Người nộp thuế chậm thực hiện thủ tục thuế, hóa đơn bằng phương thức điện tử do sự cố kỹ thuật của hệ thống công nghệ thông tin được thông báo trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế thuộc trường hợp thực hiện hành vi vi phạm do sự kiện bất khả kháng quy định tại khoản 4 Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

2. Không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không tính tiền chậm nộp tiền thuế đối với người nộp thuế vi phạm hành chính về thuế do thực hiện theo văn bản hướng dẫn, quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế (kể cả các văn bản hướng dẫn, quyết định xử lý được ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực), trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế chưa phát hiện sai sót của người nộp thuế trong việc khai, xác định số tiền thuế phải nộp hoặc số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn nhưng sau đó hành vi vi phạm hành chính về thuế của người nộp thuế bị phát hiện.

3. Không xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với trường hợp khai sai, người nộp thuế đã khai bổ sung hồ sơ khai thuế và đã tự giác nộp đủ số tiền thuế phải nộp trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế phát hiện không qua thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế hoặc trước khi cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện.

4. Không xử phạt hành vi vi phạm thủ tục thuế đối với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế thu nhập cá nhân chậm nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân mà có phát sinh số tiền thuế được hoàn; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã bị ấn định thuế theo quy định tại Điều 51 Luật Quản lý thuế.

5. Không xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế trong thời gian người nộp thuế được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế đó.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, doanh nghiệp H chậm thực hiện thủ tục thuế bằng phương thức điện tử do sự cố kỹ thuật của hệ thống công nghệ thông tin được thông báo trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế thuộc trường hợp thực hiện hành vi vi phạm do sự kiện bất khả kháng thì không bị xử phạt vi phạm hành chính.

Tình huống 20. Doanh nghiệp tư nhân Hồng Hạnh mới thành lập và đi vào hoạt động, tuy nhiên, do chưa nắm rõ các quy định của pháp luật về thuế nên đã có hành vi vi phạm hành chính. Doanh nghiệp muốn biết mức phạt tiền tối đa đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm hành chính về thủ tục thuế là bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 7 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và nguyên tắc áp dụng mức phạt tiền khi xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn như sau:

1. Hình thức xử phạt chính

a) Cảnh cáo

Phạt cảnh cáo áp dụng đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế, hóa đơn không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và thuộc trường hợp áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo theo quy định tại Nghị định này.

b) Phạt tiền

Phạt tiền tối đa không quá 100.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn. Phạt tiền tối đa không quá 50.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn.

Phạt tiền tối đa không quá 200.000.000 đồng đối với người nộp thuế là tổ chức thực hiện hành vi vi phạm thủ tục thuế. Phạt tiền tối đa không quá 100.000.000 đồng đối với người nộp thuế là cá nhân thực hiện hành vi vi phạm thủ tục thuế.

Phạt 20% số tiền thuế thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn.

Phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn đối với hành vi trốn thuế.

Phạt tiền tương ứng với số tiền không trích vào tài khoản của ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.

2. Hình thức xử phạt bổ sung: đình chỉ hoạt động in hóa đơn có thời hạn.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định, số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước.

b) Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau.

c) Buộc nộp hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký thuế; khai lại và nộp bổ sung các tài liệu trong hồ sơ thuế; nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế; cung cấp thông tin.

d) Buộc thực hiện thủ tục phát hành hóa đơn.

d) Buộc lập hóa đơn theo quy định.

e) Buộc hủy, tiêu hủy hóa đơn, các sản phẩm in.

g) Buộc lập và gửi thông báo, báo cáo về hóa đơn.

h) Buộc chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử.

i) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

4. Nguyên tắc áp dụng mức phạt tiền

a) Mức phạt tiền quy định tại Điều 10, 11, 12, 13, 14, 15, khoản 1, 2 Điều 19 và Chương III Nghị định số 125/2020/NĐ-CP là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức.

Đối với người nộp thuế là hộ gia đình, hộ kinh doanh áp dụng mức phạt tiền như đối với cá nhân.

b) Khi xác định mức phạt tiền đối với người nộp thuế vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng.

c) Các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng đã được sử dụng để xác định khung tiền phạt thì không được sử dụng khi xác định số tiền phạt cụ thể theo điểm d dưới đây.

d) Khi phạt tiền, mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm thủ tục thuế, hóa đơn và hành vi tại Điều 19 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Nếu có tình tiết giảm nhẹ, thì mỗi tình tiết được giảm 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mỗi tình tiết tăng nặng được tính tăng 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên tùy theo hành vi vi phạm  thủ tục thuế thì doanh nghiệp có mức phạt tiền tương ứng.

 

                                                            

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.353.064
Lượt truy cập hiện tại 25.370