Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Quy định về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
Ngày cập nhật 09/03/2021

Quy định về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Người chủ trì và triệu tập hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác

Hỏi: Đề nghị cho biết, trường hợp người ứng cử là công chức cấp xã thì việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác do người nào chủ trì và triệu tập?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Theo quy định tại khoản 1 và điểm g khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số  1186/2021/UBTVQH14 ngày 11 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung thì:

- Hội nghị cử tri nơi công tác để lấy ý kiến đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) được tổ chức ở nơi người ứng cử đang công tác hoặc làm việc (nếu có). Trường hợp người ứng cử có nhiều nơi công tác hoặc nơi làm việc thì tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi người đó công tác hoặc làm việc thường xuyên.

- Người ứng cử công tác tại Đảng ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội cấp xã hoặc là công chức xã, phường, thị trấn thì việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác được thực hiện tại hội nghị liên tịch giữa Đảng ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội cấp xã. Người đứng đầu Đảng ủy cấp xã triệu tập và chủ trì hội nghị.

 Theo quy định trên, trường hợp người ứng cử là công chức cấp xã thì việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác được thực hiện tại hội nghị liên tịch giữa Đảng ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội cấp xã. Người đứng đầu Đảng ủy cấp xã triệu tập và chủ trì hội nghị.

Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân được mời tham dự hội nghị cử tri nơi công tác

Hỏi: Ông Hòa là thủ trưởng Cơ quan A, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026. Vậy hội nghị cử tri nơi công tác có thể do cấp phó của Cơ quan A chủ trì không và người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân có được mời tham dự hội nghị không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 và điểm i khoản 2, khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số  1186/2021/UBTVQH14 ngày 11 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung quy định:

- Hội nghị cử tri nơi công tác để lấy ý kiến đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) được tổ chức ở nơi người ứng cử đang công tác hoặc làm việc (nếu có). Trường hợp người ứng cử có nhiều nơi công tác hoặc nơi làm việc thì tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi người đó công tác hoặc làm việc thường xuyên.

- Trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị là người ứng cử thì cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn triệu tập và chủ trì hội nghị.

- Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được mời tham dự hội nghị.

Căn cứ quy định trên, nếu thủ trưởng Cơ quan A ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thì cấp phó của Cơ quan A phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn triệu tập và chủ trì hội nghị. Ông Hòa là người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân được mời tham dự hội nghị.

Số lượng người tham dự hội nghị cử tri nơi công tác để lấy ý kiến đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân

Hỏi: Cơ quan B có 80 cán bộ, người lao động. Cơ quan B tổ chức hội nghị cử tri để để lấy ý kiến đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là ông Quang, hiện đang công tác tại Cơ quan B. Đề nghị cho biết, hội nghị cử tri phải có bao nhiêu người tham dự?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số  1186/2021/UBTVQH14 ngày 11 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung quy định:

- Hội nghị cử tri nơi công tác để lấy ý kiến đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) được tổ chức ở nơi người ứng cử đang công tác hoặc làm việc (nếu có). Trường hợp người ứng cử có nhiều nơi công tác hoặc nơi làm việc thì tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi người đó công tác hoặc làm việc thường xuyên.

- Đối với nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể cử tri để lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và phải bảo đảm số lượng cử tri tham dự hội nghị đạt ít nhất là hai phần ba tổng số cử tri được triệu tập. Đối với nơi có từ 100 cử tri trở lên thì có thể tổ chức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại diện cử tri và phải bảo đảm có ít nhất là 70 cử tri tham dự hội nghị. Tùy đặc điểm, tình hình thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban chấp hành Công đoàn phối hợp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phân bổ số lượng người để các tổ chức Công đoàn trực thuộc cử đại diện tham dự; trường hợp không có tổ chức Công đoàn thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phân bổ số lượng người để các đơn vị trực thuộc cử đại diện tham dự.

Căn cứ quy định trên, Cơ quan B có 80 cử tri thì phải tổ chức hội nghị toàn thể cử tri để lấy ý kiến về người ứng cử, phải bảo đảm số lượng cử tri tham dự hội nghị đạt ít nhất là hai phần ba tổng số cử tri được triệu tập.

Hội nghị cử tri nơi cư trú để lấy ý kiến đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội

Hỏi: Ông Trần Văn Linh hỏi, tại thôn của ông có người ứng cử đại biểu Quốc hội thì thôn có tổ chức hội nghị cử tri để lấy ý kiến không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 2 Nghị quyết số  1186/2021/UBTVQH14 ngày 11 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung quy định về tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú như sau:

1. Hội nghị cử tri nơi cư trú để lấy ý kiến đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) được tổ chức tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố (sau đây gọi chung là thôn, tổ dân phố) nơi người ứng cử thường trú hoặc tạm trú. Trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú thì tổ chức hội nghị cử tri tại thôn, tổ dân phố nơi người ứng cử đang sinh sống.

 Trường hợp người ứng cử cư trú tại khu chung cư, khu đô thị chưa có tổ dân phố thì tổ chức hội nghị cử tri tại khu chung cư hoặc khu đô thị nơi người đó sinh sống để lấy ý kiến đối với người ứng cử.

2. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp triệu tập và chủ trì hội nghị.

Trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lập danh sách và mời cử tri đến dự hội nghị. Trường hợp tổ chức hội nghị cử tri tại khu chung cư hoặc khu đô thị chưa có tổ dân phố thì Trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với Ban quản trị khu chung cư hoặc Ban quản lý khu chung cư, Ban quản trị khu đô thị (nếu có) lập danh sách và mời cử tri cư trú tại tòa nhà khu chung cư hoặc khu đô thị đến dự hội nghị.

3. Đối với nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể cử tri để lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và phải bảo đảm số lượng cử tri tham dự hội nghị đạt ít nhất là 50% tổng số cử tri được triệu tập. Đối với nơi có từ 100 cử tri trở lên thì có thể tổ chức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị cử tri đại diện hộ gia đình và phải bảo đảm có ít nhất là 55 cử tri tham dự hội nghị.

4. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã, người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị, thôn, tổ dân phố đã giới thiệu người ứng cử được mời tham dự hội nghị.

Theo quy định trên, Hội nghị cử tri nơi cư trú để lấy ý kiến đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được tổ chức tại thôn, tổ dân phố nơi người ứng cử thường trú hoặc tạm trú. Hội nghị do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp triệu tập và chủ trì hội nghị.

Nội dung biên bản hội nghị cử tri

Hỏi: Bà Lê Thi Hoa hỏi, biên bản hội nghị cử tri phải ghi những nội dung gì và gửi đến cơ quan nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 ngày 11 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung quy định tại hội nghị cử tri nơi công tác và hội nghị cử tri nơi cư trú, cử tri đối chiếu với tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử. Biên bản hội nghị cử tri phải ghi rõ thành phần, số lượng người tham dự, diễn biến, kết quả hội nghị; trong đó, phải ghi rõ tổng số cử tri được triệu tập, số lượng cử tri có mặt, ý kiến phát biểu và sự tín nhiệm của cử tri đối với từng người ứng cử. Việc gửi biên bản được quy định như sau:

- Biên bản hội nghị cử tri nơi công tác lấy ý kiến về người được cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội phải được gửi cùng biên bản hội nghị ban lãnh đạo của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận xét về người được giới thiệu ứng cử đến Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trước khi hội nghị hiệp thương lần thứ hai được tổ chức.

- Biên bản hội nghị cử tri nơi công tác lấy ý kiến về người được cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội phải được gửi cùng biên bản hội nghị ban lãnh đạo của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận xét về người được giới thiệu ứng cử đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh trước khi hội nghị hiệp thương lần thứ hai được tổ chức.

- Biên bản hội nghị cử tri nơi công tác lấy ý kiến về người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải được gửi cùng biên bản hội nghị ban lãnh đạo của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó công tác nhận xét về người được giới thiệu ứng cử đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương trước khi hội nghị hiệp thương lần thứ hai được tổ chức.

- Biên bản hội nghị cử tri nơi cư trú lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội được cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương giới thiệu phải được gửi đến Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; biên bản hội nghị cử tri nơi cư trú lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội được cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu phải được gửi đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh ngay sau khi kết thúc hội nghị cử tri.

- Biên bản hội nghị cử tri lấy ý kiến về người tự ứng cử đại biểu Quốc hội phải được gửi đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh ngay sau khi kết thúc hội nghị cử tri.

- Biên bản hội nghị cử tri nơi cư trú lấy ý kiến về người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, biên bản hội nghị cử tri lấy ý kiến về người tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải được gửi đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương ngay sau khi kết thúc hội nghị cử tri.

Như vậy, nội dung biên bản hội nghị cử tri phải được lập và gửi đến các cơ quan như hướng dẫn ở trên.

Tổ chức hội nghị cử tri giới thiệu người của thôn, tổ dân phố ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã

Hỏi: Ông Nguyễn Hữu Bình là Trưởng thôn thuộc xã PH, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, hỏi: hội nghị cử tri giới thiệu người của thôn, tổ dân phố ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã tổ chức như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 6 Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 ngày 11 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung quy định như sau:

1. Trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố gửi giấy mời tham dự hội nghị cử tri giới thiệu người của thôn, tổ dân phố ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã. Thành phần mời dự hội nghị gồm:

a) Cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình.

Đối với nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể cử tri và phải bảo đảm số lượng cử tri tham dự hội nghị đạt ít nhất là 50% tổng số cử tri được triệu tập. Đối với nơi có từ 100 cử tri trở lên thì có thể tổ chức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị cử tri đại diện hộ gia đình và phải bảo đảm có ít nhất là 55 cử tri tham dự hội nghị;

b) Toàn thể thành viên Ban công tác Mặt trận;

c) Trưởng thôn, Phó trưởng thôn hoặc Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố;

d) Đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

2. Thủ tục tổ chức hội nghị cử tri được thực hiện như sau:

a) Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì hội nghị cử tri, tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu dự hội nghị; giới thiệu mục đích, yêu cầu của hội nghị; giới thiệu Thư ký hội nghị để hội nghị quyết định; báo cáo về số lượng cử tri được mời, số lượng cử tri có mặt;

b) Người chủ trì hội nghị đọc thông báo của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã về việc phân bổ số lượng và cơ cấu, thành phần người của thôn, tổ dân phố được giới thiệu ứng cử; đọc tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Điều 7 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và những trường hợp không được ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Điều 37 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân;

c) Đại diện Ban công tác Mặt trận đọc danh sách do Ban công tác Mặt trận dự kiến những người của thôn, tổ dân phố để giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã. Cử tri có thể giới thiệu thêm người ứng cử để hội nghị xem xét;

d) Hội nghị thảo luận về những người được giới thiệu ứng cử;

đ) Hội nghị quyết định biểu quyết danh sách chính thức những người của thôn, tổ dân phố được giới thiệu ứng cử bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Hội nghị cử Tổ kiểm phiếu gồm từ 03 đến 05 người.

Trường hợp hội nghị biểu quyết bằng hình thức giơ tay thì Tổ kiểm phiếu đếm, tính kết quả biểu quyết đối với từng người được giới thiệu ứng cử.

Trường hợp hội nghị biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì phiếu tín nhiệm của cử tri phải đóng dấu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã hoặc dấu của Ủy ban nhân dân cùng cấp. Trên phiếu tín nhiệm ghi rõ họ và tên của những người được hội nghị cử tri dự kiến giới thiệu ứng cử. Nếu có nhiều người được giới thiệu ứng cử thì ghi rõ họ và tên của những người được giới thiệu ứng cử, xếp theo vần chữ cái A, B, C... Cử tri gạch tên người được giới thiệu ứng cử mà mình không tín nhiệm và bỏ vào hòm phiếu.

Người được giới thiệu ứng cử là người được trên 50% tổng số cử tri có mặt tín nhiệm. Trường hợp có nhiều người cùng được trên 50% tổng số cử tri có mặt tín nhiệm thì người được giới thiệu ứng cử được xác định theo kết quả biểu quyết tính từ cao xuống thấp cho đến khi đủ số lượng được phân bổ; trường hợp kết quả biểu quyết ngang nhau thì người chủ trì hội nghị lập danh sách những người đó để hội nghị biểu quyết lại và lấy người có kết quả biểu quyết cao hơn mà không cần phải đạt trên 50% tổng số cử tri có mặt. Trường hợp biểu quyết lại mà kết quả biểu quyết vẫn ngang nhau thì việc có biểu quyết tiếp hay không do hội nghị quyết định;

e) Tổ trưởng Tổ kiểm phiếu công bố kết quả biểu quyết;

g) Hội nghị thông qua biên bản hội nghị (theo Mẫu).

Như vậy, việc tổ chức hội nghị cử tri giới thiệu người của thôn, tổ dân phố ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã theo hướng dẫn như trên.

Số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV

Hỏi: Đề nghị cho biết số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV và cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội ở trung ương và địa phương như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 1, Điều 2 Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 ngày 11 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV, quy định như sau:

1. Số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV

Tổng số đại biểu Quốc hội khóa XV là 500 người.

2. Số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội ở trung ương và địa phương

Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội ở trung ương và địa phương như sau:

2.1. Số lượng đại biểu ở các cơ quan trung ương là 207 đại biểu (41,4%)

Số lượng đại biểu ở các cơ quan trung ương được phân bổ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị như sau:

- Các cơ quan Đảng : 10 đại biểu (2,0%).

- Cơ quan Chủ tịch nước : 03 đại biểu (0,6%).

- Các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội (đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương): 133 đại biểu (26,6%).

- Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ (bao gồm cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an): 15 đại biểu (3,0%).

- Lực lượng vũ trang:

+ Quân đội (cơ quan Bộ, các quân khu, quân chủng và lĩnh vực trọng yếu): 12 đại biểu (2,4%);

+ Công an: 02 đại biểu (0,4%).

- Tòa án nhân dân tối cao : 01 đại biểu (0,2%).

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao: 01 đại biểu (0,2%).

- Kiểm toán nhà nước : 01 đại biểu (0,2%).

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên: 29 đại biểu (5,8%).

2.2. Số lượng đại biểu Quốc hội ở địa phương là 293 đại biểu (58,6%)

Số lượng đại biểu Quốc hội ở địa phương được phân bổ như sau:

a) Cơ cấu định hướng gồm 220 đại biểu (44%)

Cơ cấu định hướng là cơ cấu khung để các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương làm căn cứ để giới thiệu người ứng cử, gồm:

- Lãnh đạo chủ chốt ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiêm Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (Bí thư hoặc Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân) 63 đại biểu (12,6%).

- Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội 67 đại biểu (13,4%) (đối với thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An và tỉnh Thanh Hóa, mỗi địa phương có 02 đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách).

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam : 09 đại biểu (1,8%)

- Công đoàn : 06 đại biểu (1,2%).

- Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh: 05 đại biểu (1,0%).

- Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam: 07 đại biểu (1,4%).

- Hội Nông dân Việt Nam : 05 đại biểu (1,0%).

- Hội Cựu chiến binh Việt Nam : 03 đại biểu (0,6%).

- Đại biểu tôn giáo : 06 đại biểu (1,2%).

- Quân đội (bao gồm Bộ Chỉ huy quân sự và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh): 14 đại biểu (2,8%).

- Công an : 09 đại biểu (1,8%).

- Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Sở Tư pháp: 13 đại biểu (2,6%), trong đó: Tòa án nhân dân: 05 đại biểu; Viện Kiểm sát nhân dân: 04 đại biểu; Sở Tư pháp: 04 đại biểu.

- Tổ chức khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo (viện nghiên cứu, đại học, học viện, ...): 06 đại biểu (1,2%).

- Doanh nghiệp, hiệp hội, nghiệp đoàn về lĩnh vực sản xuất kinh doanh: 07 đại biểu (1,4%).

b) Cơ cấu hướng dẫn do các địa phương giới thiệu 73 đại biểu (14,6%).

Cơ cấu hướng dẫn là cơ cấu linh hoạt để các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương làm căn cứ để giới thiệu người ứng cử tiêu biểu, gồm đại diện các ngành: khoa học - công nghệ, lao động, thương binh - xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa - nghệ thuật, đại diện Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên ... Trong cơ cấu này, cần quan tâm phân bổ hợp lý số người là phụ nữ, ngoài Đảng, dân tộc, trẻ tuổi và tự ứng cử.

2.3. Cơ cấu kết hợp

Cơ cấu kết hợp là các cơ cấu theo chỉ tiêu kết hợp. Một người ứng cử đại biểu Quốc hội có thể có nhiều hơn một cơ cấu kết hợp, gồm:

- Đại biểu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoảng 95 đồng chí (14%), trong đó có 12-14 đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng.

- Đại biểu là người ngoài Đảng : từ 25-50 đại biểu (5%-10%).

- Đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) : khoảng 50 đại biểu (10%).

- Đại biểu tái cử : khoảng 160 đại biểu (32%).

- Đại biểu là người dân tộc thiểu số bảo đảm tỷ lệ ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

- Đại biểu là phụ nữ bảo đảm tỷ lệ ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

2.4. Hội đồng bầu cử quốc gia, Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện Nghị quyết này, bảo đảm bầu đủ số lượng 500 đại biểu, đáp ứng tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, có cơ cấu phù hợp, là người tiêu biểu đại diện các ngành, các giới và các tầng lớp Nhân dân; không nên kết hợp nhiều cơ cấu đối với một đại biểu.

Như vậy, tổng số đại biểu Quốc hội khóa XV là 500 người. Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội ở trung ương và địa phương như trên.

Dự kiến phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV được bầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Hỏi: Dự kiến phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV được bầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như thế nào? Thừa Thiên Huế được phân bố bao nhiêu đại biểu Quốc hội khóa XV?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 3 Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 ngày 11 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV, quy định dự kiến phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV được bầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như sau:

1. Dự kiến phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo nguyên tắc:

- Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất là 03 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương;

- Số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương, bảo đảm tổng số đại biểu Quốc hội dự kiến được bầu là 500 đại biểu;

- Bảo đảm mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất là 06 đại biểu.

2. Dự kiến phân bổ đại biểu Trung ương ứng cử ở địa phương theo nguyên tắc:

- Đoàn đại biểu Quốc hội có 06 đại biểu thì có 02 đại biểu Trung ương;

- Đoàn đại biểu Quốc hội có 07 đại biểu thì có 03 đại biểu Trung ương;

- Đoàn đại biểu Quốc hội có 08 đại biểu thì có 03-04 đại biểu Trung ương;

- Đoàn đại biểu Quốc hội có 09 đại biểu thì có 04 đại biểu Trung ương;

- Đoàn đại biểu Quốc hội có 11 đến 14 đại biểu thì có 05-07 đại biểu Trung ương;

- Đoàn đại biểu Quốc hội có 29-30 đại biểu thì có 14-15 đại biểu Trung ương.

3. Số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV dự kiến được bầu ở tỉnh Thừa Thiên Huế như sau: Tổng số là 7 người, đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở trung ương giới thiệu là 3 người; đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở địa phương giới thiệu là 4 người.

Như vậy, dự kiến phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV được bầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tại tỉnh Thừa Thiên Huế như trên.

Cơ cầu tỷ lệ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Hỏi: Chị Mai trú tại phường An Hòa, thành phố Huế, hỏi: việc phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 có đảm bảo cơ cầu tỷ lệ nữ không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 2 Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14 ngày 11 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, quy định như sau:

1. Căn cứ vào số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu, nguyên tắc về việc bảo đảm số dư khi lập danh sách người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại khoản 3 Điều 58 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, sau khi thống nhất ý kiến với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban nhân dân cùng cấp, dự kiến cụ thể cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp mình và các đơn vị hành chính cấp dưới, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn được giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính cấp mình.

2. Căn cứ vào số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu, nguyên tắc về việc bảo đảm số dư khi lập danh sách người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại khoản 3 Điều 58 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã, sau khi thống nhất ý kiến với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban nhân dân cùng cấp, dự kiến cụ thể cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp mình và các thôn, tổ dân phố, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn được giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính cấp mình.

3. Việc dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi đơn vị hành chính phải bảo đảm dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch; coi trọng chất lượng, lựa chọn đại biểu là những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, uy tín, trí tuệ; đồng thời bảo đảm cơ cấu hợp lý trong các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp mình và các đơn vị hành chính cấp dưới (đối với cấp tỉnh, cấp huyện), các thôn, tổ dân phố (đối với cấp xã), đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn; có đại diện của các thành phần xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo, độ tuổi và đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Bảo đảm có ít nhất là 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ; phấn đấu tỷ lệ phụ nữ trúng cử là khoảng 30% tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân;

b) Bảo đảm tỷ lệ hợp lý người trong danh sách chính thức những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là người dân tộc thiểu số, phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân số của từng địa phương. Quan tâm đến những dân tộc thiểu số trong nhiều khóa chưa có người tham gia vào hoạt động của Hội đồng nhân dân;

c) Phấn đấu đạt tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là người ngoài Đảng không thấp hơn 10% tổng số người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân;

d) Phấn đấu đạt tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) không thấp hơn 15% tổng số người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân;

d) Phấn đấu đạt tỷ lệ từ 30% trở lên đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 tái cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026 ở từng cấp;

c) Giảm tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước so với nhiệm kỳ 2016 - 2021;

g) Việc phân bổ người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại các đơn vị bầu cử phải bảo đảm công bằng, bình đẳng; bảo đảm tương quan hợp lý với tỷ lệ dân số giữa các đơn vị hành chính trực thuộc, giữa các thôn, tổ dân phố.

Theo quy định trên, việc phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 đảm bảo cơ cầu tỷ lệ nữ là có ít nhất là 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ; phấn đấu tỷ lệ phụ nữ trúng cử là khoảng 30% tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân.

Thời gian cơ quan tiến hành giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội

Hỏi: Chị  Trần Thị Minh Huyền công tác tại cơ quan A, hỏi: các cơ quan tiến hành giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội vào thời gian nào và trình tự thực hiện?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 7 Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, quy định như sau:

1. Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 02 năm 2021 đến ngày 11 tháng 3 năm 2021.

2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội thực hiện việc giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ứng cử đại biểu Quốc hội theo các bước sau đây:

a) Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị họp để dự kiến người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội;

b) Tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cử tri tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với người được dự kiến giới thiệu ứng cử;

c) Trên cơ sở ý kiến nhận xét và tín nhiệm của hội nghị cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc (sau đây gọi chung là nơi công tác) của người được dự kiến giới thiệu ứng cử, ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức hội nghị ban lãnh đạo mở rộng để thảo luận, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội.

Như vậy, cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 02 năm 2021 đến ngày 11 tháng 3 năm 2021 và thực hiện theo các bước như trên.

Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị

Hỏi: Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 12 Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, quy định như sau:

1. Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 02 năm 2021 đến ngày 11 tháng 3 năm 2021.

2. Người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của địa phương nào thì phải là người đang cư trú hoặc công tác thường xuyên ở địa phương đó.

3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được dự kiến phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử thực hiện việc giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo các bước sau đây:

a) Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị họp để dự kiến người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân;

b) Tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cử tri nơi công tác đối với người được dự kiến giới thiệu ứng cử;

c) Trên cơ sở ý kiến nhận xét và tín nhiệm của hội nghị cử tri nơi công tác, ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức hội nghị ban lãnh đạo mở rộng để thảo luận, giới thiệu người ứng cử.

4. Việc giới thiệu người của thôn, tổ dân phố để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã được thực hiện theo quy định tại Chương II của Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cụ thể:

- Trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với Chi hội trưởng các đoàn thể họp với Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố để dự kiến người của thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã theo thông báo của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã về việc phân bổ số lượng và cơ cấu, thành phần.

- Trưởng ban công tác Mặt trận triệu tập và chủ trì hội nghị gồm toàn bộ các thành viên của Ban công tác Mặt trận để thảo luận, dự kiến người của thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.

- Trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố gửi giấy mời tham dự hội nghị cử tri giới thiệu người của thôn, tổ dân phố ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã. Thành phần mời dự hội nghị gồm:

+ Cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình: đối với nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể cử tri và phải bảo đảm số lượng cử tri tham dự hội nghị đạt ít nhất là 50% tổng số cử tri được triệu tập. Đối với nơi có từ 100 cử tri trở lên thì có thể tổ chức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị cử tri đại diện hộ gia đình và phải bảo đảm có ít nhất là 55 cử tri tham dự hội nghị;

+ Toàn thể thành viên Ban công tác Mặt trận;

+ Trưởng thôn, Phó trưởng thôn hoặc Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố;

+ Đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

Như vậy, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện như hướng dẫn ở trên.

Thành phần nào được tham dự hội nghị ban lãnh đạo mở rộng của cơ quan, tổ chức, đơn vị

Hỏi: Chị Trần Thanh Thảo công tác tại cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, hỏi: những thành phần nào được tham dự hội nghị ban lãnh đạo mở rộng của cơ quan, tổ chức, đơn vị để thảo luận, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 15 Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, quy định như sau:

1. Thành phần dự hội nghị:

a) Đối với tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, thành phần dự hội nghị gồm Ban Thường vụ mở rộng đến đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc hoặc Ban Thường trực mở rộng đến đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc hoặc lãnh đạo các tổ chức thành viên. Trường hợp tổ chức xã hội không lập Ban Thường vụ thì tổ chức hội nghị Ban chấp hành;

b) Đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân triệu tập và chủ trì hội nghị Ủy ban nhân dân mở rộng đến đại diện lãnh đạo đơn vị trực thuộc;

c) Đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thì Chủ tịch Hội đồng nhân dân triệu tập và chủ trì hội nghị gồm Thường trực Hội đồng nhân dân, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân;

d) Đối với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã thì Chủ tịch Hội đồng nhân dân triệu tập và chủ trì hội nghị gồm Thường trực Hội đồng nhân dân, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân và Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;

đ) Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ quan khác của Nhà nước thì người đứng đầu cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị ban lãnh đạo mở rộng đến đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc (nếu có) và đại diện Ban chấp hành Công đoàn;

e) Đối với các đơn vị sự nghiệp thì người đứng đầu đơn vị triệu tập và chủ trì hội nghị ban lãnh đạo mở rộng đến đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc (nếu có) và đại diện Ban chấp hành Công đoàn;

g) Đối với tổ chức kinh tế thì người đứng đầu tổ chức triệu tập và chủ trì hội nghị ban lãnh đạo mở rộng đến người đứng đầu các phòng, ban, phân xưởng, trạm, trại và đại diện Ban chấp hành Công đoàn;

h) Đối với đơn vị vũ trang nhân dân thì chỉ huy đơn vị triệu tập và chủ trì hội nghị gồm chỉ huy đơn vị, đại diện Ban chấp hành Công đoàn (nếu có), đại diện quân nhân và chỉ huy các đơn vị cấp dưới trực tiếp;

i) Trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thì cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị triệu tập và chủ trì hội nghị.

2. Trình tự,thủ tục tổ chức hội nghị:

a) Đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân báo cáo tình hình và kết quả hội nghị lấy ý kiến của cử tri nơi công tác đối với từng người được dự kiến giới thiệu ứng cử;

b) Những người dự hội nghị thảo luận và biểu thị sự tán thành của mình đối với từng người được giới thiệu ứng cử bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín do hội nghị quyết định. Hội nghị cử Tổ kiểm phiếu gồm từ 03 đến 05 người. Trường hợp quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì phiếu giới thiệu phải đóng dấu của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó;

c) Hội nghị thông qua biên bản và danh sách người được giới thiệu ứng cử.

Theo quy định trên, đối với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì người đứng đầu cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị ban lãnh đạo mở rộng đến đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc (nếu có) và đại diện Ban chấp hành Công đoàn.

 

 

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.456.474
Lượt truy cập hiện tại 13.383