Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Hương ước, quy ước góp phần phát huy các truyền thống tốt đẹp
Ngày cập nhật 10/07/2017

Ngày 30 tháng 6 năm 2017, Sở Tư pháp tổ chức Tọa đàm về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước. Tọa đàm có sự tham gia của 50 đại biểu là đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố Huế và công chức Tư pháp – hộ tịch các xã, phường, thị trấn. Đồng chí Phan Văn Quả - Phó Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì Tọa đàm.

Hương ước, quy ước loại bỏ các tập tục lạc hậu và phát huy truyền thống tốt đẹp

Theo đánh giá của các cơ quan, địa phương, thời gian qua, hương ước, quy ước đã góp phần tích cực vào việc hạn chế, loại bỏ các tập tục lạc hậu trong đời sống xã hội, đồng thời phát huy những truyền thống tốt đẹp và hình thành các giá trị văn hóa mới, đặc biệt là trong vấn đề ma chay, cưới hỏi, dân số, môi trường, khuyến học. Anh Nguyễn Thanh Mãi – Trưởng phòng xây dựng nếp sống gia đình, Sở Văn hóa và Thể Thao nhấn mạnh: Các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể được bảo tồn và phát huy. Đó là việc trùng tu, tôn tạo, bảo vệ đình làng và các di tích lịch sử, văn hóa tại địa phương, đáng chú ý hơn là sự phục hồi, phát triển làng nghề truyền thống, các lễ hội dân gian của người dân ở đồng bằng, miền núi, miền biển. Thông qua đó đã góp phần khôi phục, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống kết hợp với việc xây dựng những giá trị văn hóa mới. Việc cưới đã đơn giản hóa thủ tục đảm bảo phù hợp với thuần phong mỹ tục và điều kiện kinh tế của gia đình; chấp hành nghiêm Luật Hôn nhân và gia đình; không còn trường hợp thách cưới hay cưỡng ép kết hôn. Nhiều địa phương đã hình thành những tập tục mới tốt đẹp như vận động các đôi vợ chồng trẻ tự nguyện đóng góp trồng cây lưu niệm cho xã, hoặc tự nguyện đóng góp xây dựng đường làng, ngõ xóm, tiêu biểu như làng An Thuận (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà); Làng Lại Ân (xã Phú Mậu, Phú Vang); viếng nghĩa trang liệt sĩ trong ngày cưới, tặng quà cho nhà trẻ, mẫu giáo, đăng ký xây dựng Gia đình văn hóa…  Các tập tục lạc hậu trong đám tang như lăn dường, bắt tà, trừ ma, khóc mướn hầu như đã được xóa bỏ, nhất là vùng đồng bào dân tộc ở Nam Đông và A Lưới. Những tập tục mới như các hình thức trợ tang, đóng góp, hỗ trợ giúp đỡ những gia đình khó khăn khi có việc tang được thực hiện khá phổ biến.

Hương ước, quy ước cũng góp phần thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ kết quả trong một số lĩnh vực như quy hoạch; bảo vệ, xây dựng kết cấu hạ tầng; trong sản xuất; xây dựng đời sống văn hóa, tình làng, nghĩa xóm; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự…

 

Công tác xây dựng, thực hiện Hương ước, quy ước có lúc, có nơi còn mang tính hình thức

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện các ngành, địa phương tham gia Tọa đàm cũng nhìn nhận công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước có lúc, có nơi còn hạn chế. Chất lượng của hương ước, quy ước chưa cao, cá biệt có nơi còn coi việc xây dựng hương ước, quy ước để hoàn thành tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng. Có những hương ước, quy ước sơ sài về nội dung, sao chép, chưa thể hiện đặc điểm về kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa riêng của địa phương. Nội dung hương ước, quy ước thiếu thiết thực, không cụ thể hoặc chưa phù hợp với các quy định pháp luật. Ông Phan Văn Sỹ - Phó Trưởng phòng Tư pháp thành phố Huế nêu cụ thể một số lỗi thường gặp trong quá trình thẩm định các dự thảo hương ước, quy ước, đó là quy định về độ tuổi kết hôn, hòa giải mâu thuẫn và quy định thưởng phạt trong thực hiện hương ước, quy ước.

Về hình thức, kỹ thuật soạn thảo, trình tự thủ tục xây dựng, ban hành hương ước, quy ước có lúc chưa theo quy định. Công tác thẩm định, phê duyệt hương ước, quy ước của một số địa phương còn chậm, chưa bảo đảm chất lượng. Cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thiếu chủ động tham mưu, đề xuất việc rà soát, phát hiện, sửa đổi hương ước, quy ước khi xảy ra tình trạng vi phạm, không còn phù hợp hoặc bổ sung những vấn đề, nội dung mới để đảm bảo yêu cầu thực tiễn.

Trong thực hiện hương ước, quy ước, vẫn còn tình trạng vi phạm. Việc cưới, việc tang và lễ hội có nơi thực hiện chưa đảm bảo, đám tang còn để dài ngày, sử dụng hệ thống âm thanh trong việc cưới, việc tang không đúng quy định; tình trạng đốt, thả vàng mã trong tang lễ còn phổ biến gây ô nhiễm môi trường.  Một số nơi, người dân còn thờ ơ với hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố. Việc giám sát, tuyên truyền, chấn chỉnh trường hợp vi phạm hương ước, quy ước chưa thực hiện triệt để, thiếu thường xuyên.

 Tăng cường tuyên truyền, vận động thực hiện hương ước, quy ước

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên, như: Thể chế trong công tác này chưa hoàn thiện; nhận thức một số cấp ủy, chính quyền về vị trí, vài trò của công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước chưa đầy đủ; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện hương ước, quy ước thiếu hiệu quả; kinh phí cho công tác này chưa được bảo đảm…

Từ thực tiễn đó, các đại biểu tham dự Tọa đàm đã đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trong thời gian tới. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp trọng tâm, như: Tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động để lãnh đạo các cấp chính quyền hiểu rõ, đầy đủ vai trò, ý nghĩa của công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Từ đó có sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác này.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Sở Tư pháp và các ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện thể chế trong công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Trong đó, bao gồm cả vấn đề về kinh phí để đảm bảo cho các cơ quan, địa phương trong thực hiện, đặc biệt là ở cơ sở. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, khen thưởng.

Đẩy mạnh công tác phổ biến và triển khai thực hiện hương ước, quy ước bằng nhiều biện pháp, như: Hương ước, quy ước sau khi ban hành có thể sao thành nhiều bản cấp phát cho các hộ gia đình; hàng năm đến ngày có việc làng, tế lễ, hội hè mang ra đọc cho toàn dân trong thôn, Tổ dân phố nghe. Hương ước, quy ước phải được sử dụng hàng ngày để điều chỉnh các mối quan hệ và tình huống phát sinh, qua đó có những bất cập trong hương ước, quy ước được phát hiện và nhanh chóng điều chỉnh. Có cơ chế, chính sách phát huy vai trò của Ban điều hành làng (thôn, bản), tổ dân phố văn hóa trong việc đưa quy ước văn hóa đi vào cuộc sống.  

Vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc nội dung của hương ước, quy ước. Gắn việc thực hiện hương ước, quy ước với việc bình chọn gia đình văn hóa, thôn, khối phố văn hóa. Hằng năm, nhân “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư (18/11), Mặt trận phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở tiến hành kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện hương ước, quy ước tại các thôn, bản, tổ dân phố. Đồng thời có sự khen thưởng, động viên kịp thời tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện hương ước, quy ước, cũng như phê bình, nhắc nhở đối với tổ chức, cá nhân chưa gương mẫu thực hiện. Hướng dẫn người dân góp ý, xây dựng ngày càng hoàn thiện các bản hương ước, quy ước…

Nguyễn Thị Đào
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.362.156
Lượt truy cập hiện tại 1.161