|
|
Liên kết website
Chính phủ Các Bộ, Ngành ở TW Tỉnh ủy, UBND Tỉnh Sở, Ban, Ngành
|
Thừa Thiên Huế triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Căn cước công dân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự Ngày cập nhật 24/05/2015
Ngày 19 tháng 5 năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Căn cước công dân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Tham dự Hội nghị có 150 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế và Trưởng phòng tư pháp; Lao động, thương binh và xã hội; Trưởng Công an và Chi cục trưởng Thi hành án các huyện, thị xã, thành phố Huế.
Luật Giáo dục nghề nghiệp được thông qua ngày 27/11/2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015. Luật gồm 8 chương, 79 điều, quy định về hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong đó có các quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như khắc phục bất cập của Luật Dạy nghề năm 2006. Theo đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp mới bao gồm trình độ sơ cấp; trình độ trung cấp và trình độ cao đẳng. Trong tổ chức quản lý, đào tạo, có 3 phương thức là đào tạo theo niên chế, tích lũy mô đun và tích lũy tín chỉ. Thời gian đào tạo trình độ trung cấp đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên chỉ còn từ 01 đến 02 năm học tùy theo nghề đào tạo khi học theo niên chế (theo quy định hiện hành là từ 3 - 4 năm do phải học thêm văn hóa trung học phổ thông). Đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao hơn thì phải tích lũy thêm nội dung văn hóa trung học phổ thông. Ngoài ra, việc tuyển sinh, chương trình đào tạo, kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp, chính sách đối với người học, nhà giáo,… cũng được quy định mới.
Luật Căn cước công dân được thông qua ngày 20/11/2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016. Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân. Theo đồng chí Nguyễn Đình Thừa – Trưởng phòng PC 64, Công an tỉnh - Báo cáo viên pháp luật, cho biết: Điểm mới quan trọng nhất của Luật Căn cước công dân là quy định về Thẻ căn cước công dân thay cho Chứng minh nhân dân hiện tại. Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật Căn cước công dân có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân. Thẻ căn cước công dân được cấp cho Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên như Chứng minh nhân dân. Số thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân. Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau. Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự đã sửa đổi, bổ sung 55/183 điều của Luật hiện hành, trong đó bổ sung mới 03 điều; sửa đổi, bổ sung 44 điều; bãi bỏ 06 điều, bãi bỏ một phần của 02 điều và sửa đổi một số từ ngữ, cụ thể như: Bổ sung quyền của đương sự được yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ; sửa đổi quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án liên quan đến việc xác minh điều kiện thi hành án; người phải thi hành án có nghĩa vụ kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án; cung cấp đầy đủ tài liệu, giấy tờ có liên quan đến tài sản của mình khi có yêu cầu của người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai đó; khẳng định người có quyền, nghĩa vụ liên quan có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh các quyết định, yêu cầu của Chấp hành viên trong thi hành án; thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thi hành án dân sự,...Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015./. Nguyễn Thị Đào Các tin khác
|
Thống kê truy cập Tổng truy cập 23.460.370 Lượt truy cập hiện tại 16.681
|
|