Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025
Ngày cập nhật 25/04/2022

Ngày 21 tháng 4 năm 2022, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bên vững giai đoạn 2021- 2025; Hội nghị do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021- 2025 chủ trì. Cùng dự có đồng chí Trần Quốc Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng chí Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đồng chí Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các đồng chí Lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và Lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu trực tuyến.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phạm Bình Minh - Phó Thủ tướng Thường trực đã đánh giá việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển nông thôn. Các thiết chế hạ tầng kinh tế-xã hội cơ bản đã được cải thiện. Đời sống người dân nông thôn ngày càng được nâng cao. Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, điều kiện cho người dân tiếp cận ngày càng tốt hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản. Nhiều chính sách xã hội đã đi vào đời sống, đóng vai trò hỗ trợ thiết thực cho các đối tượng yếu thế.

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2020, công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia từ Trung ương đến địa phương đã có những chuyển biến và đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập như: công tác huy động và sử dụng nguồn lực chưa thực sự tạo được cơ chế khuyến khích địa phương; năng lực cán bộ làm công tác quản lý, điều hành chương trình ở cấp huyện, xã còn kiêm nhiệm, chưa chuyên sâu…Để khắc phục những khó khăn, thách thức như trên, trong giai đoạn 2021 – 2025, tại các địa phương, nhất là cấp cơ sở, sẽ được phân cấp, trao quyền chủ động nhiều hơn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Các nguồn vốn thực hiện được lồng ghép thông qua việc sử dụng vốn của nhiều chương trình, dự án, hoạt động có cùng mục tiêu trên cùng địa bàn; khắc phục tình trạng đầu tư trùng lặp, dàn trải, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Các dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp được áp dụng quy chế đặc thù với quy trình đơn giản, thủ tục rút gọn. Ngân sách nhà nước hỗ trợ có điều kiện, một phần, người dân, các tổ chức cùng chia sẻ trách nhiệm trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, xóa bỏ tư tưởng "trông chờ, ỷ lại"…

Về tiến độ triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đồng chí Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã hoàn thành vượt 12,4& số xã đạt chuẩn NTM so với mục tiêu giai đoạn 2016 – 2020 được giao. Tính đến ngày 15/4/2022, cả nước có 5.706/8.227 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 663 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 225 đơn vị cấp huyện thuộc 55 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 34,1%); có 16 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 05 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu đến năm 2025, cả nước phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và ít nhất 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đặc biệt, 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Về kinh phí thực hiện, tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tối thiểu hơn 192,3 ngàn tỷ đồng.

Cũng tại Hội nghị, đồng chí Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã nhấn mạnh mục tiêu tổng quát của Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều duy trì ở mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm. 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Chương trình đề ra 7 dự án gồm: hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; đa dạng hóa sinh kế; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực giám sát, đánh giá chương trình…

Nhìn chung, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống của người dân, thay đổi căn bản diện mạo vùng nông thôn, nhất là những địa bàn khó khăn. Đến nay, các tỉnh, thành phố đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; chủ động rà soát các dự án, tiểu dự án, điều chỉnh, phân bổ nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương… nhằm kịp thời triển khai trong thời gian sớm nhất.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Bình Minh đánh giá, đến nay, cơ chế, chính sách cho 03 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được ban hành đầy đủ, Trung ương cũng đã có kế hoạch phân bổ vốn đến địa phương để thực hiện 3 mục tiêu trên. Do đó, đồng chí đề nghị Ban chỉ đạo các cấp ở các địa phương nghiên cứu và triển khai ngay vào thực tế. Trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức, vai trò của lãnh đạo các cấp địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị; các địa phương cần huy động tối đa nguồn lực để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Các địa phương cũng cần quan tâm tích cực ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin trong thực hiện các mục tiêu quốc gia; đặc biệt trong công tác tuyên truyền rộng rãi đến người dân; triển khai sâu rộng đến các cấp cơ sở; phát huy hiệu quả các phong trào thi đua; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.502.701
Lượt truy cập hiện tại 6.414