Báo cáo đánh giá do trường Đại học Nông lâm Huế thực hiện độc lập nhằm bảo đảm tính khách quan, toàn diện trong xem xét các vấn đề, từ đó kiến nghị giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm tiếp tục thực hiện đạt kết quả tốt nhất Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian còn lại.
Về cơ bản, đại biểu nhất trí cáo với Báo cáo. Trong đó, tổng quan như sau: Tính đến thời điểm khảo sát (tháng 11/2018) tổng số xã đạt chuẩn Nông thôn mới trên toàn tỉnh là 44 xã, so với mục tiêu đề ra vào cuối năm này là 46 xã (đạt 95,6%). Nhiều huyện, thị xã chỉ tiêu này chưa bảo đảm tiến độ số xã đạt so với kế hoạch: Quảng Điền, thị xã Hương Trà, Phú Vang, Phong Điền, tỷ lệ trung bình đạt được ở các huyện này ở mức 66,67%. Bên cạnh đó địa phương thực hiện vượt mức tiến độ theo kế hoạch như Phú Lộc, thị xã Hương Thủy.
Theo Kế hoạch số 145/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh, mục tiêu đề ra phấn đấu đạt 71 xã đến năm 2020, và tối thiểu có 61/104 xã đạt chuẩn nông thôn mới để bảo đảm tỷ lệ 59% đối với các tỉnh Bắc trung bộ theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 1865/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23 tháng 11 năm 2017 về việc giao kế hoạch thực hiện các chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016-2020. Tại thời điểm khảo sát, có 44/104 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Qua nghiên cứu, khảo sát, số xã cận đạt chuẩn hiện có 26 xã; và tỉnh, huyện đã có lộ trình cụ thể trong 2 năm còn lại (năm 2019 tăng thêm 12-14 xã và năm 2020 tăng ít nhất 6 xã) nên mục tiêu đến năm 2020 đạt 61 xã nông thôn mới là khả thi, khả năng đạt được là khá cao.
Đối với mục tiêu huyện nông thôn mới, theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Tiêu chí huyện nông thôn mới và Quy định thành phố, thị xã trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, các huyện, thị xã phải hoàn thành 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới (trước đây chỉ 80%), đồng thời hoàn thành 9 tiêu chí của Bộ tiêu chí huyện mới: Quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, y tế - văn hóa – giáo dục, sản xuất, môi trường, an ninh trật tự xã hội và chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Đối chiếu với yêu cầu này và tình hình tiến độ thực tế, khả năng về đích của huyện Nam Đông là thấp. Với huyện Quảng Điền, đã xây dựng lộ trình hoàn thành 19/19 tiêu chí của 5 xã còn lại trong giai đoạn 2018-2020 và có tính khả thi cao. Thị xã Hương Thủy có 6/7 xã đạt nông thôn mới, còn 01 xã Thủy Vân đã đạt từ 18 tiêu chí và có khả năng về đích năm 2019.
Kết quả khảo sát cho thấy toàn tỉnh các tiêu chí đã hoàn thành ở thời điểm khảo sát so với mục tiêu đặt ra cho cuối năm 2018. Đồng thời cuộc khảo sát cũng đã tiến hành đánh giá khả năng hoàn thành các tiêu chí trong 2 năm tới, trong đó hầu hết 5 nhóm tiêu chí của toàn tỉnh đều có khả năng đạt được so với kế hoạch đến năm 2020. Nhìn chung tỉnh đã có những kết quả đáng ghi nhận trong việc hoàn thành các tiêu chí theo kế hoạch, chỉ tiêu đặt ra cho các năm tiếp theo cũng khá cao, khả năng đạt được tương đối tốt, khả thi. Hầu hết người dân đều hài lòng về việc thực hiện các tiêu chí, hơn 90% người dân hài lòng về các nhóm tiêu chí như quy hoạch và trường học; hơn 60% hài lòng về các tiêu chí giao thông, điện, y tế.
Báo cáo cũng nêu rõ kết quả khảo sát, đánh giá đối với từng tiêu chí cụ thể. Trong đó, tiêu chí 18 về hệ thống chính trị (trong đó bao hàm tiêu chí 18.5 về chuẩn tiếp cận pháp luật do Sở Tư pháp chủ trì tham mưu thực hiện) đã có 100 xã hoàn thành, đến năm 2020 sẽ tăng thêm 03 xã đạt chuẩn, chỉ tiêu này phù hợp với mục tiêu đề ra trong Quyết định 1600/QĐ-TTg (98%). Bên cạnh đó, khó khăn trong thực hiện tiêu chí này là số lượng tiêu chí đạt tốt nhưng chất lượng lại không ổn định, tính bền vững còn thấp do toàn bộ hệ thống chính trị chưa thực sự vào cuộc, quá trình xây dựng có địa phương lơ là trong việc vận động toàn dân xây dựng nông thôn mới, một số địa phương suy giảm động lực thực hiện. Những giải pháp được đề xuất để nâng cao hiệu quả thực hiện tiêu chí này, như: Phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới; cải thiện và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; tăng cường các khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân; đội ngũ cán bộ, công chức và các cơ quan phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; nâng cao trách nhiệm mỗi đơn vị, gắn trách nhiệm với các đơn vị cụ thể, phân công cụ thể các ngành trực tiếp đỡ đầu cho các xã; vận động doanh nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới...