Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý của Sở Tư pháp – Quy định và hướng hoàn thiện về thể chế
Ngày cập nhật 26/01/2022

Một trong những nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với công tác trợ giúp pháp lý là đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Hiện nay, nội dung này được quy định cụ thể tại các van bản: Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; Thông tư số  03/2021/TT-BTP ngày 25 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý; Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Để triển khai thực hiện thống nhất, bảo đảm mục đích của hoạt động này, bài viết phân tích quy định pháp luật về đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý của Sở Tư pháp và kiến nghị hướng hoàn thiện về mặt thể chế.

 

1. Quy định đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý của Sở Tư pháp

a) Phạm vi đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý

Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 12/2018/TT-BTP (được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 2 Thông tư 03/2021/TT-BTP) thì Sở Tư pháp có trách nhiệm quản lý và tổ chức đánh giá chất lượng vụ việc tham gia tố tụng, chất lượng vụ việc đại diện ngoài tố tụng, đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi địa phương. Việc đánh giá chất lượng, hiệu quả vụ việc dựa trên một trong các căn cứ sau đây:

-Theo chương trình, kế hoạch đánh giá chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý;

- Vụ việc đã được tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thẩm định chất lượng, đánh giá hiệu quả bị phản ánh, kiến nghị với Sở Tư pháp vì cho rằng vụ việc trợ giúp pháp lý chưa bảo đảm chất lượng, hiệu quả;

- Các vụ việc khác để phục vụ công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý tại địa phương.

Như vậy, xét phạm vi vụ việc có 03 nhóm: (i) vụ việc tham gia tố tụng, (ii) vụ việc đại diện ngoài tố tụng, (iii) vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công. Trong đó, việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công căn cứ vào tiêu chí hướng dẫn của Bộ Tư pháp (đến nay Bộ Tư pháp chưa có quy định về nội dung này).

Căn cứ để đánh giá theo 03 căn cứ: (i) Theo chương trình, kế hoạch đánh giá chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý (được xây dựng theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 12/2018/TT-BTP, được bổ sung bởi Khoản 10 Điều 2 Thông tư 03/2021/TT-BTP). (ii) Vụ việc đã được tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thẩm định chất lượng, đánh giá hiệu quả bị phản ánh, kiến nghị với Sở Tư pháp vì cho rằng vụ việc trợ giúp pháp lý chưa bảo đảm chất lượng, hiệu quả. (iii) Các vụ việc khác để phục vụ công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý tại địa phương.

b) Yêu cầu kế hoạch đánh giá (Điều 15 Thông tư số 12/2018/TT-BTP, được bổ sung bởi Khoản 10 Điều 2 Thông tư 03/2021/TT-BTP)

- Xác định rõ phạm vi;

- Tỷ lệ vụ việc, bảo đảm người thực hiện trợ giúp pháp lý có vụ việc được đánh giá;

- Cách thức tiến hành đánh giá

- Các điều kiện cần thiết khác (nếu có) để thực hiện đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.

Kết quả đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được thể hiện bằng văn bản.

c) Người thực hiện đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý

Thông tư không quy định tiêu chuẩn của người thực hiện đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý mà giao cơ quan Sở Tư pháp thực hiện. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 15 Thông tư số 12/2018/TT-BTP thì cơ quan thực hiện đánh giá có thể mời các Trợ giúp viên pháp lý, luật sư có kinh nghiệm, chuyên gia pháp luật tham gia đánh giá hoặc tư vấn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý phức tạp. Người được mời tham gia phải có ý kiến bằng văn bản đối với vụ việc được yêu cầu đánh giá.

d) Tiêu chí đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý

Tiêu chí đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được quy định cụ thể tại Điều 16 Thông tư số 12/2018/TT-BTP (được sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Thông tư 03/2021/TT-BTP), cụ thể như sau:

Việc thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được dựa trên các tiêu chí và cơ cấu điểm sau đây:

- Tiêu chí về trách nhiệm nghề nghiệp của người thực hiện trợ giúp pháp lý (30 điểm)

+ Tuân thủ pháp luật, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan (10 điểm);

+ Giải thích, hướng dẫn, cung cấp thông tin kịp thời về vụ việc cho người được trợ giúp pháp lý (10 điểm);

+ Bảo đảm thời gian, tiến độ thực hiện vụ việc (10 điểm).

- Tiêu chí về thực hiện trợ giúp pháp lý (60 điểm)

+ Thực hiện trợ giúp pháp lý phù hợp với yêu cầu trợ giúp pháp lý và phạm vi được phân công (05 điểm);

+ Thu thập các thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc (10 điểm);

+ Nghiên cứu và áp dụng đầy đủ các quy định pháp luật có liên quan để bảo đảm nội dung trợ giúp pháp lý đúng và phù hợp với pháp luật (20 điểm);

+ Tham gia các hoạt động tố tụng hoặc tham gia các hoạt động đại diện ngoài tố tụng để kịp thời có giải pháp bảo vệ bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý (20 điểm);

+ Quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý được thể hiện đầy đủ trong hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý (05 điểm).

- Tiêu chí về sự hài lòng của người được trợ giúp pháp lý trên cơ sở ý kiến phản hồi của người được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích (10 điểm).

đ) Xếp loại chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý

Xếp loại chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được quy định tại Điều 17 Thông tư số 12/2018/TT-BTP như sau:

- Vụ việc chất lượng tốt: Vụ việc có tổng số điểm đạt từ 90 điểm trở lên.

- Vụ việc chất lượng khá: Vụ việc có tổng số điểm đạt từ 70 đến dưới 90 điểm.

- Vụ việc đạt chất lượng: Vụ việc có tổng số điểm đạt từ 50 đến dưới 70 điểm.

- Vụ việc không đạt chất lượng: Vụ việc có tổng số điểm đạt dưới 50 điểm hoặc vụ việc mà người thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý vi phạm điều cấm quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Trợ giúp pháp lý.

2. Một số vấn đề pháp lý cần xem xét, hoàn thiện trong việc xác định phạm vi đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý

Để triển khai thống nhất, đồng độ, hiệu quả nhiệm vụ đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, cần hoàn thiện các vấn đề sau đây:

-  Quy định cụ thể các vụ việc được đánh giá là những vụ việc đã kết thúc theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 12/2018/TT-BTP, cụ thể: Vụ việc trợ giúp pháp lý kết thúc khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: “1. Thực hiện xong yêu cầu hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý theo hình thức trợ giúp pháp lý thể hiện trong đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý. 2. Thuộc một trong các trường hợp không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật Trợ giúp pháp lý. 3. Bị đình chỉ theo quy định của pháp luật”.

- Quy định cụ thể thời gian thực hiện thẩm định và đánh giá chất lượng vụ việc. Hiện nay, các văn bản chưa quy định trong thời hạn bao lâu thì tổ chức trợ giúp pháp lý phải hoàn thành việc thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công. Đồng thời, không nêu rõ việc đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý của Sở Tư pháp khi thực hiện theo Kế hoạch là đánh giá đối với những vụ việc trong phạm vi thời gian nào. Điều này dẫn đến tình trạng: Việc thực hiện đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý của Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không thống nhất, có địa phương đánh giá những vụ việc đã kết thúc của năm trước liền kề hoặc của những năm trước đó, có địa phương đánh giá vụ việc kết thúc trong năm hiện tại. Vấn đề phát sinh thứ hai, là nếu đánh giá vụ việc kết thúc trong năm hiện tại thì có sự “lẫn cấn” giữa việc thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý của Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý với sự đánh giá chất lượng vụ việc của Sở Tư pháp.

- Quy định cụ thể số lượng hoặc tỷ lệ hồ sơ được đánh giá chất lượng. Vấn đề này được các Thông tư quy định theo hướng “mở” để các Sở Tư pháp tự quyết định. Tuy nhiên, dẫn đến thực trạng thiếu thống nhất và có trường hợp không bảo đảm nguồn lực để thực hiện.

- Quy định tiêu chuẩn của người thực hiện thẩm định, người đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, trách nhiệm và chế độ đối với người đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Hiện nay, theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Thông tư số 59/2020/TT-BTC ngày 18 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động trợ giúp pháp lý thì chỉ có mức chi  lấy ý kiến luật sư có kinh nghiệm, chuyên gia pháp luật độc lập với cơ quan có thẩm quyền đánh giá vụ việc trợ giúp pháp lý và cơ quan thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý (không bao gồm trợ giúp viên pháp lý và cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước): Mức chi tối đa 300 nghìn đồng/vụ việc và sử dụng trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao. Như vậy, đối với trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước có đủ điều kiện, năng lực đánh giá chất lượng vụ việc không được hưởng chế độ thực hiện đánh giá, từ đó, khó huy động được sự tham gia của lực lượng có chất lượng vào hoạt động này.

- Cần nêu rõ cụ thể trình tự thực hiện đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Việc không quy định dẫn đến sự lúng túng, khó khăn trong tổ chức thực hiện đối với Sở Tư pháp. Qua tham khảo, có địa phương thành lập Tổ đánh giá gồm lãnh đạo Sở Tư pháp, thành viên phòng Bổ trợ tư pháp, Văn phòng, Thanh tra; có địa phương giao phòng Bổ trợ tư pháp thực hiện,... Sau khi đánh giá, có nơi ban hành Báo cáo và Kết luận đánh giá, có nơi ban hành Báo cáo đánh giá,...

- Thông tư chưa quy định về cách thức đánh giá chất lượng mà giao cơ quan đánh giá tự xây dựng trong Kế hoạch. Về cơ bản, nếu việc đánh giá chất lượng theo Kế hoạch thì cách thức thực hiện chủ yếu là căn cứ vào hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý; đối với các vụ việc đột xuất khác thì ngoài hồ sơ, còn căn cứ vào các yếu tố khác như: Nghiên cứu, xem xét các ý kiến phản hồi, kiến nghị hoặc lấy ý kiến của người được trợ giúp pháp lý hoặc người đại diện hợp pháp của họ (nếu có); nghiên cứu, xem xét ý kiến phản hồi, kiến nghị hoặc phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc các phương tiện thông tin đại chúng (nếu có); tiếp xúc, làm việc để nghe ý kiến đánh giá, phản hồi của người được trợ giúp pháp lý và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý;... Thiết nghĩ, cần quy định cụ thể phương thức thực hiện đánh giá để bảo đảm khách quan, thống nhất khi thực hiện.

- Quy định việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện trong quá trình đánh giá. Hiện nay, Thông tư chưa nêu cụ thể trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện trong quá trình đánh giá thì trình tự, thủ tục xử lý, kiến nghị xử lý như thế nào?

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.327.353
Lượt truy cập hiện tại 5.704