Về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Trên địa bàn tỉnh, các Sở, Ban, ngành và địa phương đã chủ động tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tới toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị tùy đặc điểm tình hình cơ quan, đơn vị; có biện pháp lồng ghép nghiên cứu tổ chức phổ biến nội dung chính sách, quy định mới về quyền lợi người tiêu dùng đến cán bộ, công chức và viên chức, người lao động nhằm nâng cao nhận thức về vai trò tầm quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thông qua nhiều hình thức như: Xây dựng kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện; lồng ghép các cuộc họp cơ quan, hội nghị giao ban, hội nghị tập huấn, tuyên truyền, các buổi sinh hoạt chi bộ và các buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể; treo băng rôn, khẩu hiệu...
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy chuyên trách, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các hội nghị tập huấn về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không thể diễn ra. Các Sở, Ban, ngành thường xuyên cập nhật, đăng tải trên trang thông tin điện tử của các Sở các văn bản về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở địa phương và các phương thức giải quyết tranh chấp người tiêu dùng.
Hiện nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định giải thể Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Thừa Thiên Huế và cho phép thành lập Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Thừa Thiên Huế phù hợp với tổ chức Hội Trung ương. Ban vận động thành lập Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Thừa Thiên Huế đang hoàn chỉnh các thủ tục để triển khai công tác thành lập Hội theo quy định hiện hành, dự kiến đại hội vào tháng 5/2021.
Nhằm tăng cường công tác phối hợp giữa các Sở, Ban, ngành và địa phương trong quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu và thẩm định trình UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Các Sở, Ban, ngành đã chủ động rà soát các văn bản pháp luật có liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý để hoàn thiện cơ sở pháp lý hiện hành; tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật mới vào công tác chuyên môn cũng như công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật; thông tin về chất lượng hàng hóa, dịch vụ và cảnh báo về nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng trên nguyên tắc cong khai, minh bạch và đa dạng hóa phương thức truyền thông
Đã triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam đảm bảo an toàn trong quá trình phòng chống dịch như: Tuyên truyền trên Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Website của các Sở, Ban, ngành và các doanh nghiệp; Tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng tại trụ sở của các Sở, Ban ngành, các UBND huyện, thị xã và các tổ chức chính trị trên địa bàn, các siêu thị, trung tâm thương mại và các tuyến đường chính trên địa bàn thành phố trong thời gian từ ngày 10/3 đến ngày 25/3. Vận động, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tri ân người tiêu dùng. Đặc biệt, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà phân phối tổ chức các hoạt động giảm giá sản phẩm khi giao dịch trên sàn thương mại điện tử tỉnh nhằm mục đích kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng; thu hút người tiêu dùng mua sắm trên sàn giao dịch điện tử của tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí và hệ thống Truyền thanh-Truyền hình các huyện, thị xã và thành phố Huế phổ biến quán triệt sâu rộng đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác bảo vệ người tiêu dùng đối với các cấp chính quyền, đội ngũ công chức, viên chức, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, trong đó cần ưu tiên thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến trực tuyến trên các trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội. Đồng thời tập trung tuyên truyền thường xuyên, liên tục việc nâng cao ý thức người dân tự bảo vệ phòng, chống dịch covid-19 trong hoạt động mua sắm, tiêu dùng tại khu vực công cộng như chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng thực phẩm…; Đặc biệt, hướng dẫn đẩy mạnh tuyên truyền công cụ mạng xã hội qua đó góp phần nâng cao ý thức của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh trong sử dụng kênh mua sắm, tiêu dùng thông minh, tiện lợi, đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền, hưởng ứng công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị như: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải, Hội nông dân tỉnh … Đặc biệt, Sở Tư pháp đã biên soạn và đăng tải nội dung Hỏi – đáp “Một số quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” trên Trang thông tin điện tử tổng hợp Sở Tư pháp.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng
Trong năm qua, các cơ quan chức năng đã chủ động tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành chính trong kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng; thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo quyền lợi người tiêu dùng đảm bảo theo quy định của pháp luật. Qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường các đơn vị đã phát hiện các hành vi vi phạm như: kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng ghi nhã hàng hóa; thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không đáp ứng điều kiện bảo quản theo quy chuẩn, quy định ATTP... Đặc biệt trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19, để góp phần ổn định cung cầu thị trường, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng đảm bảo không để xảy ra hiện tượng thu gom, mua vét, găm hàng, tăng giá bất hợp lý đối với các mặt hàng y tế, làm khan hiếm các mặt hàng dung dịch sát khuẩn, khẩu trang y tế…Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh xã hội hoá, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Nhằm đẩy mạnh xã hội hoá, nâng cao vai trò trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ trên địa bàn tỉnh tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020, Sở Công Thương đã có văn bản khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức các chương trình khuyến mại nhằm tri ân người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, trong đó: tập trung thực hiện trong tháng 3 năm 2020. Kết quả, trong tháng 3 năm 2020, Sở Công Thương đã tiếp nhận 611 thông báo thực hiện khuyến mại với tổng giá trị giải thưởng khoản 463,6 tỷ đồng.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và 01 năm triển khai thực hiện Nghị Quyết số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 của Chính phủ, trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao; nhận thức của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng dần được cải thiện, tạo nhiều thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, với nguồn nhân lực, vật lực hiện nay của tỉnh cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn hạn chế, nhận thức của người tiêu dùng trong tự bảo vệ quyền lợi của mình còn chưa cao, sự e ngại kiến nghị, phản ánh, khiếu nại khi tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo. Bên cạnh đó, các hành vi, thủ đoạn sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi, phức tạp gây khó khăn trong công tác quản lý. Công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh chưa hiệu quả.
Trong thời gian tới, đòi hỏi trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng càng cần được quan tâm chú trọng và nâng cao hơn nữa để đem lại sự khích lệ cho sản xuất, kinh doanh của tỉnh cũng như tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của kinh tế và công bằng xã hội./.