Kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của công chức, viên chức và người lao động về nhận thức, hành động trong công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em; tạo điều kiện để trẻ em có cơ hội phát triển một cách toàn diện cả về thể chất, nhân cách và trí tuệ với môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh, thúc đẩy sự tham gia ý kiến của trẻ em về những vấn đề liên quan đến trẻ em, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trẻ em bị ngược đãi, bạo lực, xâm hại tình dục và tử vong do tai nạn thương tích. Chú trọng trong công tác tuyên truyền, truyền thông, tận dụng ưu thế mạng xã hội trong việc chia sẻ, lan tỏa để tuyên truyền, giáo dục pháp luật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em; phấn đấu trên 95% trẻ em sinh ra được làm giấy khai sinh đúng hạn. Việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2021 được lồng ghép với các hoạt động thực hiện các Đề án, Kế hoạch của Sở Tư pháp.
Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ trọng tâm để tổ chức thực hiện:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ, chăm sóc trẻ em: tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch của các ngành, địa phương để triển khai thực hiện nội dung về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, Luật Trẻ em, Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021- 2030 và các chương trình, đề án về trẻ em giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đưa mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch nhà nước ở các cấp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện;
- Hỗ trợ tài liệu cho các đối tượng thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và Nhân dân thông qua hình thức cấp phát miễn phí để tổ chức tuyên truyền công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em;
- Đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em như: Công ước Quốc tế về trẻ em; Luật Trẻ em; các quy định của Bộ luật Hình sự về người chưa thành niên phạm tội và các quy định pháp luật khác liên quan đến trẻ em trên Đài Phát thanh, Truyền hình tỉnh, trên Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp, chuyên trang phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, Bản tin Tư pháp…;
-Tuyên truyền thông qua “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”;
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho chủ thể thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên sâu theo từng chuyên đề, lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em;
-Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hộ tịch: quản lý chặt chẽ, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đảm bảo quyền cơ bản cho mọi trẻ em, nhất là quyền được khai sinh theo quy định tại Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch như mục tiêu đã đề ra “trên 95% trẻ em sinh ra được làm giấy khai sinh đúng hạn”; Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em;
- Triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật: thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em tại cơ sở, đảm bảo 100% trẻ em vi phạm pháp luật về hình sự được trợ giúp pháp lý, tư vấn, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại các cơ quan tiến hành tố tụng./.