Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (2)
Ngày cập nhật 24/06/2020

 

          Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động

1. Do anh Tuấn nghị việc đột xuất nên ông Bảo đã yêu cầu chị Hạnh làm thay công việc của anh Tuấn. Tuy nhiên, công việc của anh Tuấn không phù hợp với sức khỏe và giới tính của chị Hạnh. Do đó, chị Hạnh hỏi, trong trường hợp này hành vi của ông Bảo có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 10 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định hành vi vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động bị xử phạt như sau:

          1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không báo cho người lao động trước 03 ngày làm việc hoặc không thông báo rõ thời hạn làm tạm thời hoặc bố trí công việc không phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.

          2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

          a) Bố trí người lao động làm việc ở địa điểm khác với địa điểm làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại Điều 31 của Bộ luật Lao động;

          b) Không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận khác;

          c) Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không đúng lý do, thời hạn hoặc không có văn bản đồng ý của người lao động theo quy định của pháp luật.

          3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

          4. Biện pháp khắc phục hậu quả

          Buộc trả lương cho người lao động trong những ngày không nhận người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 nêu trên.

          Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của ông Bảo sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

          Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề

          2. Anh Tiến ở phường AH, thành phố H hỏi: Ông Dần, Giám đốc công ty H nơi anh Tiến làm việc có hành vi lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động. Vậy, hành vi này của ông Dần có bị xử phạt vi phạm hành chính không? 

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 13 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định hành vi vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề bị xử phạt như sau:

          1. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không đào tạo nghề cho người lao động trước khi chuyển người lao động sang làm nghề, công việc khác; không ký kết hợp đồng đào tạo nghề đối với người học nghề, tập nghề; không trả lương cho người học nghề trong thời gian họ học nghề, tập nghề mà trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách; không ký kết hợp đồng lao động đối với người học nghề, người tập nghề khi hết thời hạn học nghề, tập nghề, theo một trong các mức sau đây:

          a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

          b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

          c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

          d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

          đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

          2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

          a) Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật;

          b) Tuyển người dưới 14 tuổi vào học nghề, tập nghề, trừ những nghề, công việc được pháp luật cho phép.

          3. Biện pháp khắc phục hậu quả

          a) Buộc trả lương cho người học nghề, người tập nghề khi có hành vi không trả lương cho người học nghề trong thời gian học nghề, tập nghề mà trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách quy định tại khoản 1 nêu trên;

          b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ việc thực hiện hành vi lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 nêu trên.

           Căn cứ quy định nêu trên, hành vi của ông Dần sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng. Đồng thời, ông Dần phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ việc thực hiện hành vi lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động.

          Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

          3. Chị Ánh đang  làm việc tại cửa hàng của bà Hương. Tuy nhiên, khi vào làm việc bà Hương không cho chị Ánh nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca, nghỉ về việc riêng theo quy định của Bộ luật Lao động. Do đó, Chị Ánh hỏi: Hành vi của bà Hương có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 17  Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định hành vi vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi bị xử phạt như sau:

          1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

          a) Không bảo đảm cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca, nghỉ về việc riêng, nghỉ không hưởng lương đúng quy định;

          b) Không rút ngắn thời giờ làm việc đối với người lao động trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu theo quy định;

          c) Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý nhà nước về lao động tại địa phương về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.

          2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.

          3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

          a) Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật;

          b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật Lao động.

          4. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Lao động hoặc quá 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần theo một trong các mức sau đây:

          a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

          b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

          c) Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

          d) Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

          đ) Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

          Căn cứ quy định nêu trên, hành vi của bà Hương sẽ bị phạt tiền từ  2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

         

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.480.378
Lượt truy cập hiện tại 30.175