Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
MỘT SỐ KẾT QUẢ GHI NHẬN QUA ĐỢT KIỂM TRA CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NĂM 2009
Ngày cập nhật 22/10/2009

Thực hiện Kế hoạch số 629/KH-HĐPH ngày 04/3/2009 của Hội đồng Phối hợp công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ về kiểm tra công tác PBGDPL năm 2009. Để nắm bắt tình hình và có biện pháp chấn chỉnh, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai, tổ chức thực hiện các văn bản của Trung ương và địa phương về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được kịp thời, ngày 14/7/2009, Hội đồng Phối hợp công tác PBGDPL tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành các quyết định thành lập 03 Đoàn kiểm tra công tác PBGDPL tại 09 huyện, thành phố Huế và 06 đơn vị cấp tỉnh, gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Tỉnh đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Thanh tra tỉnh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo. Qua kiểm tra thực tế nhận thấy, cán bộ lãnh đạo và chính quyền các cấp bước đầu đã có sự quan tâm và coi trọng vai trò, nhiệm vụ công tác PBGDPL, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là động lực để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mặc dù thực tế vẫn có trường hợp ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, tình hình vi phạm pháp luật có nơi, có lúc còn xảy ra nhưng nhìn chung, nhận thức về vai trò của pháp luật đối với cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, việc ứng xử theo quy tắc pháp luật ngày càng phổ biến, văn hóa pháp lý được chú ý và coi trọng. Điều đó cho thấy công tác PBGDPL đã góp phần tạo sự chuyển biến căn bản trong việc nâng cao nhận thức và tác động vào ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. 

1.Hiệu quả từ các mô hình PBGDPL
Các hình thức PBGDPL được các địa phương lồng ghép, vận dụng phù hợp với từng đối tượng và hoàn cảnh cụ thể, nổi bật là các mô hình PBGDPL hết sức linh hoạt, sáng tạo đã được các địa phương thực hiện. Thành phố Huế là đơn vị cấp huyện đầu tiên biên soạn và phát hành miễn phí Bản tin pháp luật với số lượng 2.000 bản/tháng đến tận người dân. Huyện Quảng Điền và Phú Vang phát các tin bài có nội dung pháp luật lên sóng SMS để người dân có thể tìm hiểu pháp luật thông qua radio hoặc panô, áp phích tại các điểm công cộng, đông dân cư qua lại. Huyện Hương Thủy tích cực phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện trong công tác tổ chức PBGDPL về các mặt như kinh phí, địa điểm tổ chức hội nghị, quản lý lớp học,... đã mang lại hiệu quả PBGDPL cao với chi phí tiết kiệm. Huyện Nam Đông và ALưới thực hiện lồng ghép PBGDPL vào chuyên mục tiếng dân tộc hàng tuần. Huyện Phú Lộc sử dụng hệ thống thông tin lưu động để thực hiện PBGDPL tại các vùng đông dân cư và khu vực tập trung nhiều người; tổ chức đối thoại giữa chính quyền địa phương với các hộ dân, đồng bào tôn giáo về chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số,... trong giải quyết khiếu nại, tố cáo (trong hoạt động tôn giáo và đất đai). 
Sở Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các đối tượng là học sinh khá hiệu quả. Đơn vị đã phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống ma tuý, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh (Công an tỉnh) PBGDPL về phòng, chống ma tuý, tội phạm và các tệ nạn xã hội trong học đường. Xây dựng chương trình môn học giáo dục công dân có tính liên thông từ lớp 1 đến lớp 12. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế xây dựng các chương trình về học đường có lồng ghép PBGDPL. Thông qua các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ, tổ chức các cuộc thi, phát hành tập san Giáo dục, xây dựng Website, hội nghị tập huấn, ký cam kết, đã giới thiệu, tuyên truyền nhiều nội dung văn bản pháp luật đến toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh. Đặc biệt, từ khi Luật Giáo dục được ban hành và có hiệu lực, Sở đã triển khai thực hiện sâu rộng trong cán bộ, giáo viên và học sinh cuộc vận động “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục”.
Hình thức PBGDPL thông qua Các loại hình Câu lạc bộ cũng mang lại hiệu quả không kém và được vận dụng phù hợp với từng đối tượng. Ngoài các loại hình Câu lạc bộ chuyên đảm nhiệm công tác PBGDPL như một hoạt động thường xuyên trong chương trình, như: Câu lạc bộ “Trợ giúp pháp lý”; “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm”. Các loại hình câu lạc bộ khác như: “Câu lạc bộ tiền hôn nhân”, “Câu lạc bộ gia đình và phát triển bền vững”, “Câu lạc bộ phòng, chống HIV”, “Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình” (huyện Phú Lộc); Câu lạc bộ “Bình đẳng giới”, “Khuyến nông”, “Nuôi cá nước ngọt”, “Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình”, “Câu lạc bộ không có người sinh con thứ 3 trở lên”, “Câu lạc bộ hạnh phúc gia đình” (huyện Hương Trà); Câu lạc bộ “Nông dân với bình đẳng giới” (huyện Quảng Điền)... thông qua việc thực hiện mục tiêu chính của Câu lạc bộ như: giúp nhau cùng phát triển kinh tế, đổi công lao động, hũ gạo tình thương,... đã lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật tương ứng và liên quan để giáo dục các thành viên, sau đó tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng dân cư. Riêng tại huyện Phong Điền, do thiếu điều kiện để duy trì hoạt động của các câu lạc bộ như trên nên đã tập trung xây dựng mô hình “Cụm dân cư 3 không” (không tội phạm, không sinh con thứ 3 trở lên, không vi phạm an toàn giao thông) do cơ quan Tư pháp, Công an và Văn hóa Thông tin cùng phối hợp thực hiện đã có những kết quả khả quan. Các loại hình Câu lạc bộ góp phần tạo mạng lưới hoạt động PBGDPL rộng khắp tại cơ sở.
Tỉnh đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã xây dựng các mô hình PBGDPL thu hút được sự quan tâm, tham gia của đông đảo các bạn đoàn viên thanh niên, cụ thể: Đội thanh niên tình nguyện phòng, chống mại dâm, tệ nạn xã hội và HIV/AIDS tại Phường Trường An - thành phố Huế; Đội thanh niên tình nguyện thị trấn Phú Bài, Đội xung kích an ninh bảo vệ dòng sông quê hương xã Thủy Thanh - Hương Thủy; Câu lạc bộ “Tuổi trẻ với pháp luật” tại xã Bình Điền, huyện Hương Trà; Đội xung kích an ninh bảo vệ môi trường xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền. Thông qua các hoạt động như Hội thi, Hội diễn, Hội trại, giao lưu văn nghệ... đã thực hiện 1.543 đợt PBGDPL cho 278.000 đoàn viên, học sinh bằng các hình thức: cấp phát tờ gấp, panô, áp phích, sách (cẩm nang) tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, lồng ghép nói chuyện chuyên đề về pháp luật, giới tính, xây dựng gia đình văn hóa,...
Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần PBGDPL và giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thông qua việc hòa giải những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư. Theo báo cáo chưa đầy đủ, từ năm 2008 đến 6 tháng đầu năm 2009, kết quả công tác hòa giải như sau: tổng số vụ hòa giải: 1.246 vụ, hòa giải thành: 1.084 vụ, hòa giải không thành: 95 vụ, đang hòa giải: 40 vụ, chuyển cơ quan cấp trên: 27 vụ. 
2.Những hạn chế, tồn tại cần khắc phục
Mặc dù có nhiều mô hình PBGDPL được áp dụng đem lại hiệu quả thiết thực nhưng hiệu suất của nó vẫn chưa được khai thác triệt để, chưa có sự đột phá trong các hình thức PBGDPL. Mô hình PBDGPL thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở hay các loại hình Câu lạc bộ được đánh giá là hoạt động sát thực tế, mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân và chính quyền cơ sở; nhưng hoạt động PBGDPL vẫn chưa đi vào chiều sâu do trình độ pháp luật của hòa giải viên, thành viên các Câu lạc bộ còn hạn chế, do đó chưa tận dụng hết các cơ hội để thực hiện PBGDPL tại cơ sở. Mô hình Tủ sách pháp luật chưa phát huy hiệu quả trên thực tế, còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu khắc phục.
Kinh phí và cơ sở vật chất mặc dù đã có sự quan tâm đầu tư nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác PBGDPL. Kinh phí mới chỉ đủ để tổ chức các hội nghị triển khai văn bản pháp luật mới ban hành. Riêng nguồn kinh phí thực hiện một số Đề án về PBGDPL chưa có, kể cả các huyện và một số đơn vị cấp tỉnh. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho công tác PBGDPL như: loa truyền thanh tại một số xã đã xuống cấp, hư hỏng; Trung tâm học tập cộng đồng, trụ sở sinh hoạt, hội họp chỉ có tại một số thôn,...
Kiến thức, kỹ năng PBGDPL của mạng lưới Báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên, cộng tác viên trợ giúp pháp lý, thành viên các Câu lạc bộ, Hội Phụ nữ các cấp (nhất là ở cơ sở) còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Công tác PBGDPL với thực tế cuộc sống còn có khoảng cách. Nhiệm vụ PBGDPL hiện nay mới chỉ tập trung vào các văn bản luật, chưa chú trọng đến văn bản dưới luật, trong khi các cơ quan thực thi pháp luật chủ yếu vận dụng các văn bản dưới luật (văn bản hướng dẫn) nên người dân vẫn chưa thể hoặc khó khăn trong tiếp cận thông tin, thủ tục hành chính.
Nắm bắt thực trạng công tác PBGDPL của tỉnh, Hội đồng Phối hợp công tác PBGDPL tỉnh đã có kiến nghị với Hội đồng Phối hợp công tác PBGDPL Chính phủ để có biện pháp khắc phục và hướng dẫn về mặt nghiệp vụ, qua đó khắc phục, giảm dần những hạn chế, vướng mắc cản trở công tác PBGDPL, phát huy hết vai trò, hiệu quả của các mô hình PBGDPL tại địa phương.
 

Nguyễn Thị Đào
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.514.311
Lượt truy cập hiện tại 13.023