Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị về hoạt động đấu giá tài sản
Ngày cập nhật 17/05/2023

Ngày 10/5/2023 tại thành phố Hội An - tỉnh Quảng Nam, Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hoạt động đấu giá tài sản. Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp, phòng Bổ trợ tư pháp và các tổ chức hành nghề đấu giá của các tỉnh khu vực phía Bắc và miền Trung. Bà Nguyễn Thị Mai – Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị.

 

Các nội dung chính tại Hội nghị gồm: triển khai Thông tư số 02/2022/TT-BTP của Bộ Tư pháp hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản và đề cương Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận đã được các đại biểu đề cập và Cục Bổ trợ tư pháp giải đáp, hướng dẫn, trong đó có những vướng mắc của tỉnh Thừa Thiên Huế, như:

- Quy định “Có đấu giá viên của tổ chức mình bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản thì cứ mỗi đấu giá viên bị xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức đấu giá tài sản đó bị trừ 5% tổng số điểm”, “Tổ chức đấu giá tài sản bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản, trừ hành vi bị xử phạt quy định tại điểm c khoản này thì cứ mỗi hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức đấu giá tài sản đó bị trừ 5% tổng số điểm” (điểm a, b khoản 5 Điều 5 Thông tư số 02/2022/TT-BTP). Với quy định này thì có những hành vi bị xử phạt không liên quan trực tiếp đến hoạt động đấu giá nhưng vẫn bị trừ điểm như trường hợp hành vi vi phạm trực tiếp trong hoạt động này. Do đó, thời gian tới sẽ xem xét sửa đổi quy định này theo hướng chỉ xem xét việc trừ điểm đối với những hành vi vi phạm hành chính liên quan trực tiếp đến hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đấu giá tài sản, vi phạm đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên.

- Có nên công khai các tổ chức đấu giá có hành vi vi phạm hành chính lên Cổng/trang thông tin điện tử để các chủ tài sản thuận lợi trong chấm điểm lựa chọn tổ chức đấu giá không? Theo quy định tại Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung năm 2020)[1] thì lĩnh vực đấu giá tài sản không thuộc phạm vi được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Tại khoản 2 Mục III Phụ lục tiêu chí đánh giá, chấm điểm tổ chức đấu giá tài sản có quy định “Trong năm trước liền kề đã tổ chức đấu giá thành các cuộc đấu giá cùng loại tài sản với tài sản dự kiến đưa ra đấu giá có mức chênh lệch trung bình giữa giá trúng đấu giá so với giá khởi điểm...”. Phạm trù “cùng loại tài sản” hay tài sản cùng loại được hiểu như thế nào? Hiện nay, việc hiểu và áp dụng quy định này chưa thống nhất, có cách hiểu tài sản cùng loại là tài sản cùng tính chất như: đất đai thì đó là đất đai, phương tiện giao thông thì đó là phương tiện giao thông,... Theo hướng dẫn của Cục Bổ trợ tư pháp, tinh thần của quy định này là dựa trên Điều 4 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 về tài sản đấu giá, nghĩa là phân loại và xem xét “tài sản cùng loại” theo phạm vi pháp luật điều chỉnh, đó là: tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm, tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự,...

- Một số vấn đề thực tiễn phát sinh, như: việc lựa chọn và ghi tên tổ chức đấu giá được lựa chọn trong các văn bản, hợp đồng là chi nhánh tổ chức đấu giá tài sản hoặc liên danh là không phù hợp quy định pháp luật; xem xét phạm vi trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá ba bên theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật Đấu giá tài sản năm 2016[2] phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình.,...

Đối với dự thảo để cương Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, một số nội dung trọng tâm sửa đổi, bổ sung như sau: - Về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên; tổ chức, hoạt động, quyền và trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản: giảm thời gian đào tạo nghề đấu giá đối với một số đối tượng thay vì miễn đào tạo nghề đấu giá như quy định hiện hành; Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không bắt buộc là đấu giá viên; trách nhiệm tham gia bồi dưỡng bắt buộc hàng năm đối với đấu giá viên; thu hồi thẻ đấu giá viên trong trường hợp đấu giá viên không còn hành nghề tại tổ chức đấu giá đã đề nghị cấp Thẻ; quy định cụ thể việc đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá, chi nhánh doanh nghiệp đấu giá, việc chuyển đổi trụ sở hoạt động của doanh nghiệp, việc hợp nhất, sáp nhập, chia tách doanh nghiệp đấu giá  theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường quản lý nhà nước.

- Trình tự, thủ tục đấu giá tài sản nhằm phù hợp với thực tiễn, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, thống nhất; tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đấu giá, tránh tình trạng tiêu cực, gây thất thoát tài sản.

- Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong hoạt động đấu giá tài sản: trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong xây dựng,quản lý và hướng dẫn sử dụng Trang thông tin đấu giá tài sản quốc gia, trách nhiệm của tổ chức vận hành đảm bảo tính độc lập, khách quan, an toàn, bảo mật thông tin trong vận hành hệ thống; trách nhiệm của người có tài sản, cơ quan, tổ chức có liên quan trong hoạt động đấu giá tài sản; trách nhiệm và chế tài xử lý đối với người tham gia đấu giá trong việc nộp tiền trúng đấu giá và việc hủy kết quả đấu giá do có sai phạm,...

 


[1] “Điều 72. Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính

1. Trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt.

2. Nội dung công bố công khai bao gồm cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.

3. Việc công bố công khai được thực hiện trên trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính”.

[2]Điều 46. Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, phê duyệt kết quả đấu giá tài sản

2. Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá được ký kết giữa người có tài sản đấu giá với người trúng đấu giá hoặc giữa người có tài sản đấu giá, người trúng đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản nếu các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.”

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.354.039
Lượt truy cập hiện tại 26.100