Liên kết website
Chính phủ Các Bộ, Ngành ở TW Tỉnh ủy, UBND Tỉnh Sở, Ban, Ngành
|
Một số hướng dẫn của Bộ Tư pháp thực hiện các quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch Ngày cập nhật 12/01/2013 Ngày 21 tháng 11 năm 2012, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 9310/BTP-HCTP về việc thực hiện Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 2/2/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực; Thông tư số 05/2012/TT-BTP ngày 23/5/2012 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08.a/2010/TT-BTP ngày 25/3/2010 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng sổ, biểu mẫu hộ tịch. Trước đó, ngày 06/11/2012, Bộ Tư pháp cũng đã có Công văn số 8850/BTP-HCTP về việc hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch gửi Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế. Một số nội dung có liên quan được hướng dẫn như sau: 1. Đối với việc nhận, cha, mẹ con theo quy định tại Nghị định số 68/2002/NĐ- CP:
Tại khoản 2 Điều 32 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, quy định: “Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày Ủy ban nhân dân tỉnh ký Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con, trừ trường hợp có lý do chính đáng mà đương sự có yêu cầu khác về thời gian, Sở Tư pháp tiến hành trao Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con cho các bên đương sự và ghi vào sổ đăng ký việc nhận cha, mẹ, con”.
Do vậy, khi đăng ký việc nhận cha, mẹ con vào sổ thì các bên đương sự phải có mặt để nhận Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con và người đăng ký nhận, cha, mẹ con phải trực tiếp ký vào mục “người đăng ký” mà không được ủy quyền cho người khác ký thay.
2. Các giấy tờ cá nhân xuất trình khi đăng ký hộ tịch:
Khoản 1, Điều 1, Nghị định số 06/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định về Các giấy tờ cá nhân xuất trình khi đăng ký hộ tịch. Theo đó, các giấy tờ như: Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, Sổ hộ khẩu, Giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể, Giấy đăng ký tạm trú có thời hạn... đương sự chỉ phải xuất trình khi trực tiếp nộp hồ sơ đăng ký hộ tịch; trong trường hợp gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính (không nộp trực tiếp), thì phải nộp “bản sao có chứng thực” của các giấy tờ này.
3. Những người có quyền và lợi ích liên quan đến việc nhận cha, mẹ, con:
Theo quy định tại Khoản 8, Điều 1 của Nghị định số 06/2012/NĐ-CP, ngày 02/02/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình, chứng thực, thì: “Việc nhận cha, mẹ, con theo quy định tại Mục này được thực hiện, nếu bên nhận, bên được nhận là cha, mẹ, con còn sống vào thời điểm đăng ký nhận cha, mẹ, con và việc nhận cha, mẹ, con là tự nguyện và không có tranh chấp giữa những người có quyền và lợi ích liên quan đến việc nhận cha, mẹ, con”. Hiện nay, chưa có hướng dẫn “những người có quyền và lợi ích liên quan” đến việc nhận cha, mẹ, con gồm những ai. Nhưng từ quy định trên thì hiểu rằng, trước hết phải gồm các bên liên quan trực tiếp đến việc nhận cha, mẹ, con như: Người nhận hoặc được nhận là cha; người nhận hoặc được nhận là mẹ; người nhận hoặc được nhận là con. Quan trọng nhất là phải có sự tự nguyện, không có tranh chấp giữa những người này. Đồng thời, pháp luật cũng không quy định bắt buộc phải có ý kiến đồng ý của những người liên quan khác (thuộc hàng thừa kế thứ nhất).
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết việc đăng ký nhận cha, mẹ, con nếu có tranh chấp giữa những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cha, mẹ, con, tức là những người có quyền, lợi ích liên quan khác, thì việc nhận cha, mẹ, con theo quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP và Nghị định số 06/2012/NĐ-CP cũng không thực hiện được.
4. Việc cam đoan trong trường hợp đăng ký lại khai sinh, khai tử, kết hôn:
Theo quy định tại Khoản 13, Điều 1 Nghị định số 06/2012/NĐ-CP thì “trong trường hợp không có bản sao giấy tờ hộ tịch, thì đương sự phải tự cam đoan về việc đã đăng ký, nhưng sổ hộ tịch không còn lưu được và chịu trách nhiệm về nội dung cam đoan”. Quy định này được hiểu, trước khi đăng ký lại, người có yêu cầu phải có trách nhiệm liên hệ với địa phương đã đăng ký hộ tịch trước đây; trường hợp sổ hộ tịch không còn lưu giữ được thì đương sự cam đoan, nội dung cam đoan được ghi trong Tờ khai đăng ký lại. Nội dung cam đoan này (cũng như việc xác nhận của UBND cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch theo quy định của nghị định số 158/2005/NĐ-CP) chỉ thể hiện việc đã đăng ký, nhưng sổ hộ tịch không còn lưu giữ được mà không phải cam đoan về nội dung đăng ký.
5. Chữ ký của cha, mẹ trong Tờ khai đăng ký khai sinh:
Về nguyên tắc, Tờ khai đăng ký khai sinh phải có chữ ký của cả cha và mẹ để đảm bảo cha và mẹ đã thống nhất về các nội dung trong Tờ khai đăng ký khai sinh như: Việc đặt tên cho con, việc chọn họ cho con, việc chọn quốc tịch cho con. Tuy nhiên, trong những trường hợp cha hoặc mẹ vì lý do khách quan (đi công tác, làm ăn xa, cha hoặc mẹ bị mất năng lực hành vi dân sự,...) không thể trực tiếp ký vào Tờ khai thì chỉ cần chữ ký của một người nhưng người ký phải cam đoan về việc đã trao đổi và thống nhất về nội dung khai sinh với người kia; trường hợp trẻ em là con ngoài giá thú chưa xác định được người cha thì trong Tờ khai phải có chữ ký của người mẹ, trường hợp người mẹ vì những lý do khách quan không thể trực tiếp ký vào Tờ khai thì người đi khai sinh ký vào Tờ khai.
Cha mẹ có thể ký trước trong Tờ khai đăng ký khai sinh, không cần chứng thực chữ ký, người đi khai sinh tự chịu trách nhiệm về tính xác thực về chữ ký của cha, mẹ. Người đi khai sinh chỉ phải ký trong trường hợp người đi khai sinh không phải là cha, mẹ.
Nguyễn Văn Hưng Các tin khác
|
Thống kê truy cập Tổng truy cập 23.326.615 Lượt truy cập hiện tại 5.241
|