Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Sở Tư pháp tổ chức Hội nghi tư vấn pháp luật liên quan đến doanh nghiệp: NHIỀU VƯỚNG MẮC VỀ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT ĐƯỢC GIẢI ĐÁP
Ngày cập nhật 06/10/2014

Ngày 01 tháng 10 năm 2014, Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức Hội nghị tư vấn pháp luật với sự tham gia của 200 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hôi nghị do đồng chí Phan Văn Quả - Phó Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì, điều hành thảo luận và sự tham gia giải đáp của đại diện lãnh đạo các cơ quan: Bảo hiểm xã hội tỉnh; Chi cục Bảo vệ môi trường, Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; luật sư Đặng Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế.

Với chủ đề tư vấn, giải đáp pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, đất đai, bảo vệ môi trường, Hội nghị đã nhận được hơn 30 yêu cầu giải đáp thuộc các lĩnh vực này, thể hiện sự quan tâm của các doanh nghiệp và tính “nóng” của các vấn đề giải đáp.

Đồng thời với việc giải đáp các yêu cầu, trích dẫn văn bản pháp luật để doanh nghiệp tham khảo, các cơ quan chủ trì và Luật sư tham gia tư vấn đã lưu ý doanh nghiệp những vấn đề quan trọng trong từng lĩnh vực. Luật sư Ngọc Hạnh thẳng thắng nhận xét “Trong lĩnh vực lao động, doanh nghiệp thường vi phạm về hợp đồng lao động, chủ yếu là kéo dài thời gian thử việc, mức lương trả thấp hơn quy định, hợp đồng thử việc có yêu cầu đặc cọc hoặc việc xử lý kỷ luật người lao động còn mang tính cảm tính, ít dựa trên quy định pháp luật”. Để hạn chế các tranh chấp trong lao động, Luật sư lưu ý các doanh nghiệp cần hết sức quan tâm đến nội dung của Thỏa ước lao động tập thể, nên lường trước những vấn đề có khả năng xảy ra trên thực tế để đưa vào Thỏa ước lao động tập thể, làm căn cứ giải quyết các tranh chấp, mâu thuẩn giữa người lao động và người sử dụng lao động. Đối thoại tại nơi làm việc cũng là hình thức hiệu quả để giúp người lao động và người sử dụng lao động hiểu, thông cảm với nhau hơn, cùng nổ lực xây dựng, phát triển doanh nghiệp. Vấn đề về hạn chế cạnh tranh là nội dung chưa được doanh nghiệp Việt Nam lưu tâm khi ký kết hợp đồng lao động, vì vậy đã xảy ra tình trạng người lao động nghỉ việc, thành lập doanh nghiệp riêng hoạt động trong cùng lĩnh vực với doanh nghiệp nơi người lao động đã từng làm việc và sử dụng những kết quả, thông tin, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp đó để phục vụ cho việc kinh doanh hiện tại của mình, gây bất lợi cho doanh nghiệp cũ.

Lĩnh vực bảo hiểm xã hội là lĩnh vực được nhiều doanh nghiệp đặt câu hỏi, đề nghị tư vấn, giải đáp. Các vấn đề xoay quanh các thủ tục hành chính, chế độ thai sản, nghỉ ốm đau, hưu trí, văn bản điều chỉnh liên quan,… Ngoài những nội dung văn bản đã quy định rõ, đại diện cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng nêu lên một số vướng mắc về mặt cơ chế, chính sách đang được cơ quan Nhà nước nghiên cứu, hoàn thiện, đề nghị doanh nghiệp thông cảm, chia sẽ.

Một số nội dung cơ bản về đất đai liên quan đến doanh nghiệp được quy định tại Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, chính sách đất đai của tỉnh Thừa Thiên Huế; chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp để tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường cũng được các doanh nghiệp quan tâm, đề nghị tư vấn. Qua nội dung tư vấn, cơ quan chức năng hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục để được giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh; lưu ý doanh nghiệp khắc phục một số lỗi thường gặp trong thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường tại đơn vị.

Hội nghị tư vấn lần này là lần thứ hai trong năm 2014 và là lần thứ tư tỉnh tổ chức tư vấn, giải đáp pháp luật trực tiếp cho doanh nghiệp. Nội dung tư vấn được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát về thực trạng và nhu cầu hỗ trợ pháp lý của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, các đợt tư vấn pháp luật trực tiếp vẫn luôn nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp bởi tính thời sự và thiết thực của nó đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Kết quả trên cũng là một trong những hoạt động thể hiện sự nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì vậy, năm 2013, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thừa Thiên Huế đã nâng lên đứng vị trí thứ hai. Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phan Văn Quả - Phó Giám đốc Sở Tư pháp nhấn mạnh về mục tiêu của hoạt động tư vấn: “Hội nghị tư vấn pháp luật, trước hết là thực hiện mục tiêu chung, lâu dài của Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đó là tạo chuyển biến căn bản về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; đồng thời góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh và phòng chống rui ro pháp lý, tạo lập các điều kiện giúp doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Mục tiêu tiếp theo, là góp phần thiết thực vào việc duy trì, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh nhà”. Có thể nói, Hội nghị tư vấn pháp luật trực tiếp cho doanh nghiệp là mô hình, cách làm hiệu quả, mở thêm một hướng đi mới để Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sớm đạt được mục tiêu đề ra./.

Nguyễn Thị Đào
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.590.901
Lượt truy cập hiện tại 21.194