Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Một số nội dung cần lưu ý trong xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt
Ngày cập nhật 23/10/2024

Theo quy định tại Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì trong trường hợp cần xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt, người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện và phải chịu trách nhiệm về việc xác định đó.

 

Tuy nhiên, thời gian qua, thực tiễn công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính phát sinh một số trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng các quy định chưa đảm bảo phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Nguyên nhân là do Luật và văn bản hướng dẫn thi hành quy định chưa rõ nên vẫn còn có cách hiểu và áp dụng khác nhau và một phần là do chưa nghiên cứu, nắm kỹ các quy định liên quan. Vì vậy, để việc thực hiện được đảm bảo thống nhất, phù hợp với quy định của pháp luật, trong phạm vi bài viết tác giả xin lưu ý và trao đổi một số nội dung sau:

Về những nội dung cần lưu ý:

Một là, về căn cứ để xác định giá trị tang vật, phương tiện:

Tùy theo loại tang vật, phương tiện cụ thể, việc xác định giá trị dựa trên một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau đây:

- Giá niêm yết hoặc giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu;

- Giá theo thông báo của cơ quan tài chính địa phương; trường hợp không có thông báo giá thì theo giá thị trường của địa phương tại thời điểm xảy ra vi phạm hành chính;

- Giá thành của tang vật, phương tiện nếu là hàng hóa chưa xuất bán;

- Đối với tang vật, phương tiện là hàng giả thì giá của tang vật, phương tiện đó là giá thị trường của hàng hóa thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng, kỹ thuật, công dụng tại thời điểm nơi phát hiện vi phạm hành chính.

Hai là, về thành lập Hội đồng định giá

Chỉ thành lập Hội đồng định giá trong trường hợp không thể áp dụng được căn cứ quy định nêu trên để xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt.

Ba là, về thẩm quyền thành lập Hội đồng định giá và thành phần của Hội đồng

Người có thẩm quyền thành lập Hội đồng định giá là người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc đó. Hội đồng định giá gồm có người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp và đại diện cơ quan chuyên môn có liên quan là thành viên.

Bốn là, về thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện để xác định giá trị

Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện để xác định giá trị không quá 48 giờ, kể từ thời điểm ra quyết định tạm giữ, trong trường hợp thật cần thiết thì thời hạn có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 48 giờ.

Năm là, về thủ tục, biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện

Thủ tục, biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện để xác định được thực hiện theo các quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Sáu là, về căn cứ để xác định giá trị và các tài liệu liên quan đến việc xác định giá trị

Căn cứ để xác định giá trị và các tài liệu liên quan đến việc xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải thể hiện trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.

Về nội dung trao đổi:

Theo quy định thì trong trường hợp không thể áp dụng được căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính để xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc có thể ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm và thành lập Hội đồng định giá. Tuy nhiên, trong thực tiễn, Hội đồng định giá tuy được thành lập đúng quy định nhưng có nhiều lý do khác nhau như có thành viên mới đảm nhận chức vụ do mới được luân chuyển, lần đầu tham gia nên chưa có kinh nghiệm, đi học tập trung xa cơ quan mà không có người thay… do vậy, đôi lúc Hội đồng định giá không thể tự mình xác định được giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định, hướng dẫn cách thức xử lý khi Hội đồng định giá không thể tự mình xác định được giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Điều này đã gây lúng túng cho cơ quan, người có thẩm quyền khi xử lý vụ việc vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

Do đó, kiến nghị cần nghiên cứu nội dung này để khi sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc Nghị định số 118/2021/NĐ-CP, có thể theo hướng sau: Quy định rõ bổ sung thẩm quyền cho Hội đồng định giá được tham khảo ý kiến của đơn vị tư vấn thẩm định giá thông qua ký hợp đồng dịch vụ xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Ý kiến của đơn vị tư vấn thẩm định giá là căn cứ quan trọng để Hội đồng định giá xem xét, đánh giá tổng thể với các yếu tố khác có liên quan trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Trên đây là một số nội dung cần lưu lý và trao đổi liên quan đến việc xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp, chia sẻ từ phía các độc giả, đồng nghiệp, đặc biệt là những người trực tiếp thực hiện công tác xử phạt vi phạm hành chính quan tâm đến vấn đề này./.

 

Văn Hóa
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.322.245
Lượt truy cập hiện tại 3.181