Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính và tịch thu tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề
Ngày cập nhật 25/06/2024

Tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính[1] là một trong những biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây: a) Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định của khoản 3 Điều 60 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. b) Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. c) Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính (người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp phương tiện giao thông vi phạm hành chính mà tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi, bảo quản phương tiện hoặc khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).

 


[1] Tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính được quy định cụ thể tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

 

Với mục đích áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính như trên, về mặt nguyên tắc, thời hạn tạm giữ phải không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt thì thời hạn tạm giữ kết thúc khi quyết định xử phạt được thi hành xong. Thời hạn tạm giữ[1] cụ thể tương ứng với thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:

- Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ; trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ.

- Kéo dài thời hạn tạm giữ: Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan[2]  nhưng không quá 01 tháng, kể từ ngày tạm giữ.

- Tiếp tục kéo dài thời hạn tạm giữ: Đối với vụ việc như trên mà mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn tạm giữ có thể được tiếp tục kéo dài nhưng không quá 02 tháng, kể từ ngày tạm giữ.

Người có thẩm quyền lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là người có thẩm quuyền lập biên bản vi phạm hành chính đang giải quyết vụ việc. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo người có thẩm quyền tạm giữ về tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã tạm giữ để xem xét ra quyết định tạm giữ; quyết định tạm giữ phải được giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm 01 bản. Trường hợp không ra quyết định tạm giữ thì phải trả lại ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Đối với trường hợp tang vật là hàng hóa dễ hư hỏng thì người tạm giữ phải báo cáo ngay thủ trưởng trực tiếp để xử lý, nếu để hư hỏng hoặc thất thoát thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ là người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Thẩm quyền tạm giữ không phụ thuộc vào giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

2. Tịch thu đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề[3] là biện pháp xử lý đối với đối với tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.

Tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính phải được xử lý theo biện pháp ghi trong quyết định xử phạt hoặc trả lại cho cá nhân, tổ chức nếu không áp dụng hình thức xử phạt tịch thu đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt phải được trả ngay cho người bị xử phạt sau khi thi hành xong quyết định xử phạt.

- Trường hợp tịch thu tang vật, phương tiện bị tạm giữ thì lưu ý các trường hợp như sau:

+ Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp; cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước. Trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp có lỗi cố ý trong việc để người vi phạm sử dụng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì tang vật, phương tiện đó bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước.

+  Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu nhưng đã đăng ký biện pháp bảo đảm thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật dân sự thì bên nhận thế chấp được nhận lại tang vật, phương tiện hoặc trị giá tương ứng với nghĩa vụ được bảo đảm; cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước.

 - Trường hợp trả lại tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ: tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt hoặc để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính thì khi hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì được xử lý như sau:

+ Trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 02 lần. Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 01 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

+ Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

- Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính khi hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không thi hành quyết định xử phạt thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt để quyết định việc kê biên, bán đấu giá theo quy định của pháp luật để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.

- Đối với giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã quá thời hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển cho cơ quan đã cấp các loại giấy tờ đó để tiến hành việc thu hồi theo quy định của pháp luật và thông báo cho người vi phạm biết.

- Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm độc hại thì phải tiến hành tiêu hủy theo quy định.

- Đối với các chất ma túy và những vật thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành thì tịch thu hoặc tiêu hủy theo quy định

3. Vấn đề trao đổi

- Về vấn đề thời hạn khi xử lý trả lại tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng: có trường hợp đồng nhất thời hạn xử lý trong trường hợp này với việc kéo dài thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, dẫn đến cho rằng hai thời hạn nêu trên có sự mâu thuẫn. Cách hiểu này là không đúng với tình thần của 02 điều luật Điều 125 và Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cần xác định quá trình xem xét giải quyết theo hai điều luật trên là 2 giai đoạn tiếp nhau, không lồng vào nhau nên không có sự mâu thuẫn về thời hạn. Khi kết thúc giai đoạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính với các thời hạn (bao gồm cả trường hợp kéo dài thời hạn) tương ứng được quy định tại Điều 125, mới đến giai đoạn xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trong đó có thể có trường hợp tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Lúc này mới áp dụng các quy định về thời hạn tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Khoản 3 Điều 126 Luật  Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Đối với tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng thì người ra quyết định tạm giữ phải tổ chức bán ngay theo giá thị trường và việc bán phải được lập thành biên bản. Tiền thu được phải gửi vào tài khoản tạm gửi mở tại Kho bạc Nhà nước. Nếu sau đó theo quyết định của người có thẩm quyền, tang vật đó bị tịch thu thì tiền thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước; trường hợp tang vật đó không bị tịch thu thì tiền thu được phải trả cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp”.  Quy điịnh này có “độ mở” khi xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng. Tuy nhiên, việc tiến hành bán đối với hàng hóa, vật phẩm này như thế nào là điều không dễ trong thực tiễn với nhiều vấn đề đặt ra như: xác định giá cả, người bán, phương thức bán,... trong khi yêu cầu là phải nhanh vì đây là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng./.

 


[1] Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế.

[2] Xác minh các tình tiết có liên quan theo quy định tại Điều 59 của Luật Xử lý vi phạm hành chính

[3] Tịch thu đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề được quy định cụ thể tại Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.327.042
Lượt truy cập hiện tại 5.510